WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

‘Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm’

Xe siêu sang trên đường phố Hà Nội

Đây là một câu thơ trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều nói lên thân phận éo le của các cung phi trong triều đình phong kiến. Ngoài những câu thơ tả tình tả cảnh rất hay, Cung oán cũng có khá nhiều câu nói về nhân tình thế thái, những tư duy triết lý.

Tôi rất thích câu Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm với câu tiếp theo Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon.

Tôi chú ý, thích và nhớ hai câu thơ trên đây vì nó ứng với hoàn cảnh trong nước hiện nay, ý nghĩa của nó có thể mang một thông điệp rất sâu sắc và khẩn thiết cho mọi tầng lớp trong xã hội ta.

Ai cũng biết một vấn đề cực lớn hiện nay trong mọi xã hội là việc phân chia thành quả của phát triển. Có nước phát triển rất nhanh, khá nhanh hay là nhanh, có nước phát triển chậm, hoặc rất chậm tùy điều kiện, thời gian. Phân chia thành quả phát triển sao cho công bằng, hợp lý để phát triển ổn định, hài hòa là trách nhiệm hàng đầu của các chính quyền.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia chính trị – kinh tế – xã hội trong và ngoài nước, ở Việt Nam việc phân chia thành quả phát triển trong 20 năm lại đây đang trở thành vấn nạn quốc gia cấp bách nhất. Trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ bất công xã hội về thu nhập lại rộng lớn, phi lý như hiện nay. Chưa bao giờ tình trạng «kẻ ăn không hết người lần chẳng ra» lại nghiêm trọng như hiện nay.

Theo nguyên tắc của thang lương chính thức, khoảng cách lương tối thiểu với lương cao nhất là 1 trên 7, rồi 1 trên 11, nhưng trong thực tế khoảng cách ấy là bao nhiêu không ai có thể biết, chỉ có thể ước đoán – có thể là 1 trên 50, hay 1 trên 100…, nghĩa là phi lý nhất hành tinh.

Chỉ có thể biết rằng trong khi công chức cấp thấp, viên chức công sở hay các công ty tư nhân, lao động giản đơn vẫn ba cọc ba đồng, không có tiền để dành, không thể đi nghỉ mát, không thể đi du lịch, gặp ốm đau tai nạn là coi như tai họa, thì cả một tầng lớp trên phát triển tài sản riêng nhanh như tên lửa. Họ có xe ôtô riêng loại sang, đi du ngoạn ở khách sạn 4, 5 sao, ăn bát phở Kobé 1 triệu đồng, cho con đi học ở Anh, Pháp, Úc, Hoa Kỳ, tậu hàng 2, 3 biệt thự, đánh bạc cá cược một bàn hàng trăm nghìn đến hàng triệu đô la…

Họ thừa tiền của vàng bạc, thu được không phải do tài đức mà do lạm dụng quyền lực, mua bán quyền lực, do kéo bè kết cánh, phe phái cánh hẩu, do hợp tác theo kiểu mưu mánh ma-phia, không phải đổ một giọt mồ hôi nên chi tiêu bừa bãi, tha hồ mua đào non, vợ hờ, lường gạt, tranh cướp tài sản công, phá nát đạo đức xã hội.

Một điểm nổi bật là chính các vị tai to mặt lớn trong đảng và chính phủ lại đi tiên phong, mở đường, «gương mẫu» trong phân phối thành quà phát triển một cách bất công, chênh lệch phi lý nhất để bỏ túi riêng, để tước đoạt tài sản quốc gia cho quỹ đảng không ai kiểm soát, vì thanh tra, kiểm sát, kiểm toán, tòa án đều do một Bộ Chính trị toàn quyền và lộng quyền điều hành cả.

Đại hội đảng lần thứ VII năm 1990 từng ra nghị quyết là từ nay đảng không dẫm chân lên chính quyền, không làm công tác quản lý nhà nước, đảng tự đặt mình dưới pháp luật quốc gia, đảng chỉ nêu gương, chỉ gợi ý cho chính quyền…Nhưng rồi mọi lời hứa ấy chỉ như nước đổ đầu vịt. Đảng vẫn ngồi xổm trên luật pháp.

Mười năm trước, thủ tướng ra quyết định long trọng tuyên bố từ nay các bộ chỉ quản lý các chính sách, không trực tiếp kinh doanh, không nhập nhèm vừa đá bóng vừa thổi còi…Nhưng rồi cũng không ai chịu thực hiện, để trên thực tế thủ tướng, phó thủ tướng, các bộ và thứ trưởng đều là các tổng giám đốc, đều nằm trong hội đồng quản trị các tổng công ty quốc doanh giàu vốn nhất. Đây là nguyên nhân chính làm cho công quỹ đã bị thất thoát hơn 200 ngàn tỷ đồng.

Vậy xin các vị «tư bản đỏ» giàu xụ từ 20 năm mở cửa và hội nhập, từ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, các cấp tỉnh ủy, huyện ủy cũng như các quan chức tỷ phú mới về tiền đồng, triệu phú mới về đôla, hãy nghiền ngẫm câu thơ của cụ Nguyễn Gia Thiều:

Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm

Khi ăn miếng cao sang, nhai nuốt thịt bê non, thịt ba ba hầm, thịt vịt Bắc Kinh, trứng cá Nga, tổ yến Quảng Nam, tôm hùm Vũng Tàu…xin quý vị chớ nên quên rằng trong đó có mồ hôi của dân lao động đang kéo xe bò ngoài đường phố, có nước mắt bà mẹ liệt sỹ phải đi ăn mày ở Bình Dương, có mùi thi hài của cụ Đặng Thị Ngọc Liêng và của ông Trịnh Xuân Tùng, có vị máu của các ngư dân bị bọn Trung Quốc bành trướng sát hại…vì tất cả đều là nạn nhân của quý vị, của đường lối chính sách sai lầm của quý vị, từ lòng tham không đáy của quý vị.

Nếu như quý vị không làm thất thoát 200 ngàn tỷ đồng qua các công ty quốc doanh do quý vị điều hành, nếu quý vị không tham nhũng, chia nhau bỏ túi 20% ngân sách hàng năm thì đường sá ta đã đàng hoàng, nền giáo dục ta đã có chất lượng, người bệnh ta được chữa chạy tốt, và cuộc sống toàn dân ta đã khá.

Biết đến bao giờ ở nước ta mới xuất hiện một hiện tượng như Tổng thống Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan, lúc cuối đời đã nhận ra đường đi với nhân dân, trả dinh thự nhà cửa cho nhà nước, chỉ ở với bà vợ Nga 3 buồng nhỏ, đi xe đã cũ, chỉ nhận 20 % lương đủ ăn, và khởi đầu chế độ đa nguyên đa đảng thay cho hệ thống cũ một đảng duy nhất của cha mình, để lại tiếng thơm. Ở nước ta sao không thể xuất hiện một con người có tư duy độc lập, được lòng thương dân mách bảo, như đương kim Tổng thống Uruguay José Mujica chỉ nhận 10% lương đủ ăn, chuyên đi chiếc xe Volkswagen cũ, chống tham nhũng thật lòng nên có kết quả rõ ràng, Ông nói kẻ giàu cũng không thể ăn một lúc cả con bò, không thể một lúc nằm 5 giường, đi 3 xe…người lãnh đạo không được tham, biết chia sẻ thành tựu phát triển cho rộng khắp; đây là trách nhiệm, không phải là sự ban ơn.

Đó là những người tuy không hề biết cụ Nguyễn Gia Thiều là ai, nhưng đã có chung một triết lý, một đồng cảm:

Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm

Chẳng lẽ trong hàng ngũ cán bộ viên chức, trí thức, thanh niên nước ta lại quá thiếu vắng những con người có lòng thương dân, có nhân cách ngay thẳng không tham của người khác, không ham hưởng thụ riêng, từ đó xoay chuyển được tình thế bi đát của đất nước. Một mong ước cháy bỏng của không ít bà con ta.

Blog Bùi Tín (VOA)

2 Phản hồi cho “‘Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm’”

  1. Lâm Vũ says:

    Cách đây khoảng hai tháng, tôi có dịp sang Paris chơi, thăm bạn bè và đã may mắn gặp bác Bùi Tín.

    Bác BT nay đã 86, so với mấy năm trước có vẻ yếu đi nhiều, nhưng tinh thần vẫn mạnh mẽ như thủa nào. Khi nói chuyện về việc viết lách, bác BT có nói bác sẽ chú tâm hơn nữa vào việc đánh thức lương tri của những người trước nay vẫn còn nằm trong hệ thống của đảng CSVN, để chính những người này sẽ làm thay đổi chế độ từ bên trong. Điều này đã thể hiện trong bài viết này, cũng như những bài viết khác gần đây.

    Nói chung, đây cũng là phương cách đấu tranh nhà báo Bùi Tín đã theo đuổi từ ngày từ bỏ chế độ CSVN, hơn 20 năm nay, và đã mang lại nhiều kết quả như chúng ta có thể thấy được.

    Sự kiên trì và cố gắng của bác BT thật đáng kính phục. Tôi không biết nói gì hơn, là cầu chúc bác được khoẻ mạnh, để nhìn thấy ngày đất nước thoát khỏi cơn đại nạn do đảng CSVN gây nên.

  2. Kính bác Bùi Tín . Đọc bài bác viết sao quá đúng và đau xót với những gì đã và đang cũng như vẫn sẽ tiếp tục tại quê hương xứ sở VN. Cháu vẫn luôn một lòng kính trọng và vô cùng khâm phục con người của bác.Đã từ lâu biết bác qua những tác phẩm bác viết được xuất bản rộng rãi trên toàn cầu,đồng thời luôn dõi theo mọi bài bác viết trên các báo Việt ngữ hải ngoại..Đúng 1000% với những gì bác viết được thu gọn trong câu: Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm. Cháu chợt nghĩ thầm: phải có đến 99.9 % lãnh đạo VN đã ăn chữ LỢM của cụ Nguyễn Gia Thiều , không phải 20 năm qua ,mà chính xác nhất họ đã ăn kể từ khi đất nước đổi mới và một số đã chết bệnh do ăn phải chữ LỢM đầy tủi nhục.Bây giờ VK về nước mà nói đến hai chữ đạo lý nghe sao nhạt thếch,dân trong xứ mình sau mở cửa hầu như chẳng mấy ai muốn đề cập đến những chữ nghĩa trừu tượng mông lung đó bác ạ! ,có lẽ dân mình đã phải chịu đựng suốt một thời gian dài quá đỗi thiếu thốn tứ bề,nên khi được ăn họ đã thiếu kềm hãm.Tỉ lệ bệnh về tim mạch do thực phẩm mang vào cơ thể đã và đang gia tăng khủng.Số quan chức VN bị nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh nội tạng đang là một vấn đề lớn.Số quan chức cao cấp ,trung ương đảng đang đi chữa bệnh ở nước ngoài KHÔNG ÍT do đảng không tin BS và hệ thộng y tế của VN, và cũng từ việc này tiền của tích lũy mà họ đã ăn cướp dễ dàng qua chữ ký đã và đang chảy ra các bệnh viện nước ngoài cho những chi phí chữa bệnh dài ngày của họ tại những BV lớn bên Sing, Úc, ..Của thiên sẽ phải trả cho địa ,bởi khi ăn họ đã không bao giờ nghĩ được chữ LỢM của bài viết trên. Bài bác viết kể cũng hơi chậm nên không cứu được đám đã ăn chữ Lơm suốt 20 năm qua.Hy vọng đại đa số quan tham đang ngồi ghế ăn khủng của dân sẽ đọc được bài thuốc cực quý của bác. Kính chúc bác BT luôn sống khỏe và vui cùng trường thọ mãi để cống hiến những bài viết quý hơn cả thuốc Đông Tây Y.

Leave a Reply to người nhà quê