TT Hun Sen với thảm họa môi sinh lớn nhất khi “Trái Tim Biển Hồ” ngừng
THÁCH ĐỐ CỦA THẾ KỶ 21
Tất cả 6 nước ven sông với những định chế chánh trị xã hội và văn hóa khác nhau, nhưng cùng có chung một nhu cầu khẩn thiết là khai thác con sông Mekong để phát triển. Không phải là không có những mâu thuẫn quyền lợi và tranh chấp khi tới với nguồn nước và tài nguyên không phải là vô hạn của dòng sông.
Thực tế cho thấy dễ dàng để thỏa thuận với nhau trên một số nguyên tắc khái quát như sử dụng nước và các nguồn tài nguyên phải đáp ứng với nhu cầu bảo vệ, bảo tồn, thăng tiến môi sinh và duy trì cân bằng hệ sinh thái nhưng đi vào thực hiện với chi tiết còn cả một khoảng cách đại dương.
Chẳng hạn ai sẽ thực sự trách nhiệm duy trì dòng chảy tối thiểu của con sông Mekong trong mùa khô cũng như trong mùa lũ để có đủ nước từ con sông Mekong chảy ngược vào Biển Hồ, để nước mặn từ ngoài Biển Đông không tiếp tục lấn vào sâu và xa hơn nữa nơi ĐBSCL? Dĩ nhiên sẽ có những diễn dịch khác nhau và phản ứng hành động khác nhau theo hoàn cảnh của mỗi nước.
Nói gì đi nữa thì Bắc Kinh vẫn cứ đi thênh thang trên con đường đã vạch ra của họ. Bảo vệ môi trường nếu có được nhắc tới hơn một lần trong hội nghị chỉ như một khẩu hiệu, trong khi Trung Quốc vẫn không ngừng xây hàng loạt những con đập thủy điện khổng lồ trên dòng chính sông Mekong, đang gây rất nhiều quan ngại của các chuyên gia môi sinh đối với ảnh hưởng tác hại khó lường đối với nguồn nước nơi hạ nguồn.
Rồi nhìn về Việt Nam với hình ảnh ước lệ của hơn nửa thế kỷ trước về một Đồng Bằng Sông Cửu Long, với ruộng vườn thẳng cánh cò bay, tôm cá thì đầy đồng – thì nay tất cả đã đi vào quá khứ. Trên toàn cảnh thì cùng với Biển Hồ là một ĐBSCL đang suy thoái và cứ nghèo dần đi.
THIẾU LÃNH ĐẠO CÓ TẦM NHÌN XA
Điều bất hạnh cho các quốc gia đang phát triển trong Lưu vực Lớn Sông Mekong là đã không có được“những nhà lãnh đạo / statesman có được cái tâm và cả tầm nhìn xa” nhưng chúng ta lại có dư những nhà chính trị cơ hội: điển hình như ở Việt Nam và Cam Bốt. Họ luôn luôn có mẫu số chung là tham quyền cố vị, cai trị độc tài và tham nhũng. Mọi nguồn tài nguyên của đất nước thì bị họ khai thác cho cạn kiệt, bất kể các thế hệ tương lai sẽ phải trả giá ra sao.
Các con đập thủy điện trên sông Mekong, đã và đang tạo nên dư luận lo ngại không phải chỉ trong Lưu Vực mà còn lan rộng ra cả thế giới; vậy mà chỉ có riêng ông Thủ tướng Hun Sen đơn phương phủ nhận tất cả. Đó là điều đáng quan tâm vì đây là tiếng nói của một nguyên thủ quốc gia đầy quyền lực, có sức hấp dẫn quần chúng nhưng lại bất chấp dư luận và lý lẽ.
Vậy đâu là những điều cần làm: [1] Một chiến dịch báo chí / press campaign tập trung / khu trú vào những nhận định thiên lệch / misconceptions về ảnh hưởng các con đập thủy điện trên toàn hệ sinh thái con sông Mekong; [2] Một cuốn bạch thư white book và và sách đỏ / red book, ghi chú theo trình tự thời gian những bước suy thoái hiển nhiên của con sông Mekong và Biển Hồ từ ngày có những con đập thủy điện Trung Quốc.
Nhưng liệu tiếng nói nào đủ uy tín để đối trọng với cả một hệ thống quyền lực như vậy. Chắc chắn không phải từ một vài cá nhân mà phải từ một định chế / institution nơi quy tụ những chất xám nối kết bởi một “Tinh thần Sông Mekong”. Định chế ấy không gì khác hơn là từ một Phân Khoa Sông Mekong cho toàn Lưu Vực với Tây Đô sẽ là cái nôi nuôi dưỡng một Đại học có tham vọng vươn lên đẳng cấp Quốc tế. Để rồi ra, những tiếng nói của quyền lực mù quáng sẽ bị thuyết phục bởi sức mạnh của trí tuệ hoặc nếu không cũng sẽ bị cô lập.
NGÀY HỘI NƯỚC SẼ TRỞ THÀNH QUÁ KHỨ
Không biết từ bao lâu rồi, hàng năm, khi vừa hết Mùa Mưa, mực nước sông Mekong bắt đầu ổn định và con sông Tonlé Sap lại chảy xuôi dòng kéo theo vô số tôm cá từ Biển Hồ đổ vào các nhánh sông Mekong, xuống xa tới ĐBSCL. Đây cũng là thời điểm của Ngày Hội Nước Bon Om Tuk, được tính theo tuần trăng vào khoảng tháng 11 diễn ra trước Hoàng cung, khu mà người Pháp gọi là Quatre Bras /Chatomuk, nơi bốn nhánh sông Mekong hội tụ. Trong dịp lễ hội này, vua và hoàng hậu tới đây chung vui với thần dân, “Khai Mùa” cho ngư dân đánh cá, cho nông dân bắt đầu mùa gieo trồng.
Bon Om Tuk năm nay 2010, cũng được diễn ra vào ngày trăng tròn. Với hơn 2 triệu người từ thôn quê kéo về thủ đô dự lễ hội. Năm nay có thêm một địa điểm mới là đảo Kim Cương / Koh Pich, nằm không xa bờ sông Mekong. Tụ điểm du lịch này vừa được khánh thành, với cả một cây cầu mới qua đảo, gây háo hức cho người dân quê tỉnh xa đổ về. Ngày thứ ba, sau hội đua ghe, đám đông đã ùa lên cây cầu dẫn ra đảo, và đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp, với hậu quả là có 450 người chết và hơn 700 người khác bị thương, trong số đó có cả người Việt.
Ông Hun Sen đã mau mắn xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia lúc 3 giờ sáng, để trấn an dân chúng, với miêu tả vụ giẫm đạp là “thảm họa lớn nhất” ở Cam Bốt kể từ sau thời Khmer Đỏ. Và 25 tháng 11 sẽ là ngày quốc tang. Chúng ta không thể không xúc động và chia xẻ nỗi mất mát tang thương này với người dân Cam Bốt.
Tang tóc rồi cũng qua đi, để sang năm, sẽ vẫn có một ngày Bon Om Tuk khác, nhưng không biết còn kéo dài được bao lâu nữa, trong cái ý nghĩa đích thực ban đầu của Ngày Hội Nước, khi mà con sông Tonle Sap còn đủ nước để đổi dòng, trái tim Biển Hồ còn giữ được nhịp đập nhưng nay đã là một Biển Hồ không còn khỏe mạnh, điều mà những ngư dân và nông dân Cam Bốt biết rất rõ, do lượng cá và lúa thì càng ngày càng “thất thu”.
Với nhãn quan của các nhà hoạt động môi sinh, thì sẽ có một ngày “thảm họa môi sinh lớn nhất / greatest ecological catastrophe” đến với đất nước Cam Bốt, là khi trái tim Biển Hồ ngưng đập; với cái chết chậm nhưng chắc chắn ấy của Biển Hồ thì tên tuổi ông Hun Sen không phải là hoàn toàn vô can.
Tưởng cũng cần nên ghi lại nơi đây những sự kiện phải nói là bi quan, liên hệ tới Biển Hồ, sông Tonle sap và con sông Mekong ngay trong thập niên đầu của thế kỷ 21:
Trên trang web World Wide Fund for Nature, đã ghi nhận: mực nước con sông Mekong tụt thấp xuống tới mức báo động kể từ 2004 và trở thành những hàng tin trang nhất trên báo chí. “Trung Quốc làm kiệt mạch sống sông Mekong – New Scientist”; “Sông Mekong cạn dòng vì các con đập Trung Quốc – Reuters AlertNet”; “Xây đập và con sông chết dần – The Guardian”; “Sông cạn do các con đập Trung Quốc – Bangkok Post”. Hầu hết đều mạnh mẽ quy trách cho việc xây các con đập thủy điện của Trung Quốc trên khúc sông thượng nguồn.
…Theo Fred Pearce, tác giả cuốn sách “Khi Những Con Sông Cạn Dòng, Nước – Khủng Hoảng của Thế Kỷ 21” xuất bản 2006, trong chương viết về con sông Mekong, đã có ghi nhận:
… “Cuối năm 2003 và đầu năm 2004 là thời gian tuyệt vọng trên Biển Hồ. Cơn lũ mùa Hè thấp hơn. Thời điểm con sông Tonle Sap chảy ngược vào Biển Hồ đến trễ hơn và cũng chấm dứt sớm hơn. Thay vì 5 tháng con sông đổi dòng nay chỉ còn có 3 tháng. Rừng lũ thiếu ngập lũ và cá thì không đủ thời gian để tăng trưởng… Và mùa thu hoạch cá chưa bao giờ thấp như vậy. Tại sao? Đa số ngư dân đổ tại con sông cạn dòng. Khi con nước cạn trước Hoàng cung, thì sẽ không có cá dưới sông.” (10)
… Và cũng chỉ mới đây thôi, vào tháng 05/2009, Chương Trình Môi Sinh Liên Hiệp Quốc đã phải lên tiếng cảnh báo rằng “chuỗi đập Vân Nam” là “mối đe dọa duy nhất – lớn nhất / the single greatest threat” đối với tương lai và sự phồn vinh của con sông Mekong, sẽ giết chết nhịp đập thiên nhiên của dòng sông vốn như một kỳ quan của thế giới.
Aviva Imhoff , giám đốc truyền thông Mạng Lưới Sông Quốc Tế / IRN, đưa ra nhận định: Trung Quốc đang hành xử một cách hết sức vô trách nhiệm. Chuỗi đập Vân Nam sẽ gây ra những tác hại vô lường nơi hạ lưu, gây rối loạn toàn hệ sinh thái con sông Mekong xa xuống tới Biển Hồ, nó như một chuông báo tử cho ngư nghiệp và nguồn cá vốn là thực phẩm của ngót 70 triệu cư dân sống ven sông. (12)
Không ai tin rằng, ông Thủ tướng Hun Sen lại có thể không biết tới “Hồi Chuông báo Tử” ấy, ông Hun Sen đã cố tình không muốn biết do nhu cầu chính trị ngắn hạn trong thời gian cầm quyền. Nhưng rồi ra, cái giá rất cao phải trả sẽ là tương lai của dân tộc Cam Bốt và cả nền văn minh xứ Chùa Tháp. Đã có những dấu hiệu sớm nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long đang phải hứng chịu những cơn đau thắt ngực dẫn xuống từ trái tim Biển Hồ thiếu nước.
California, 12/01/2010
© Ngô Thế Vinh
© Đàn Chim Việt
Tham Khảo:
1. Kunming Declaration, Second Greater Mekong Subregion Summit, 4-5 July 2005
2. Agreement on the Cooperation for the Sustainable Development of The Mekong River Basin, Chiang Rai, Thailand 05 Apr 1995
3. Hunsen backed China’s often-criticized development plans for the Mekong River, Phnom Penh, Jun 29, 2005 , [AFP]
4. Progress In Water Management at the Mekong River Basin, MRC Presentation at Third WWF, INBO Official Session 20 Mar 2004
5. Ánh Nguyệt, phóng viên RFI Phỏng vấn Giáo Sư Võ Tòng Xuân 03-12-2004
6. Chinese Dam Project may spell disater for mighty Mekong River, Denis Gray, Nov 2, 2002, [AP]
7. Mekong River At Risk, Bary Wain, FEER, Aug 26, 2004
8. Chinese Dams not to blame for low Mekong levels: Cambodia PM, Nov 17-2010, [AFP]
9. Hun Sen denies China Dam impacts – Thomas Miller & Cheang Sokha; The Phnom Penh Post, Nov 17, 2010
10. When The Rivers Run Dry, Water – The Defining Crisis of The Twenty First Century. Fred Pearce, Beacon Press, Boston, Massachusetts 2006
11. Global Warming is causing Hymalayan glaciers retreat, threatening to cause water water shoratges, Geneva, Mar 14, 2005, [AFP]
12. The Damming of The Mekong: Major Blow to An Epic River, Fred Pearce, Yale Environment 360 Jun 17, 2009
13. Chinese environmentalists and scholars appeal for dam safety assessments in geologically unstable south-west China, https://probeinternational.org/referenced/chinese-environmentalists-and-scholars-appeal-dam-safety-assessments-geologically-unstable.
14. Vietnam floods spread, Cambodia past the worst – Mekong Delta, Vietnam, 09/20/ 2000 [Reuters]
Cùng toàn là bọn ” sáng đầu tối đánh “.
Bắc Triều Tiên đầu Trung Quốc để được ăn cháo , nên muốn đánh để kiếm cơm. Thằng nào tham sống sợ chết thì viên trợ.
Campuchea , đầu Trung Quốc để kiếm tiền ; mặc dầu hủy hoại tài nguyên môi trường, có tiền là được rồi
Bỏ Việt Nam vì Việt Nam nghèo quá , tiền thơm hơn. Thằng tham nhũng nào cũng có cái đầu giống nhau.
CSVN bây giờ không biết đầu ai đánh ai nửa ; thôi thì cứ như là con đĩ thằng nghiện , ai cho tiền thì theo. biểu gì cũng làm , có gì cũng bán.
Tiếng nói của T.T Campuchia Hun Sen là tiếng nói của ĐCSVN,và nó cũng phải rập khuông theo khuông khổ của chủ nhà Trung-Quốc; vì nó phát xuất từ Pol Pốt khmer rouge do TQ đưa vào Campuchia để tiêu diệt trên 2 triệu dân Cambốt; và sau khi CSVN đưa quân vào xứ này thì Hun Sen được dựng lên bỡi CSVN.
Vậy tôi chỉ tóm tắc ngắn gọn vài lời: những gì T.T Hen Sen nói hay phát biểu trên diễn đàn của Campuchia là tiếng nói rập khuông của CSVN và của TRUNG QUỐC vĩ đại.