Cảm tưởng về chuyến du lịch qua một nước Hồi giáo
Chúng tôi, một đoàn du khách 22 người từ nhiều tiểu bang khác nhau ở Hoa Kỳ, hẹn gặp nhau tại phi trường John F. Kennedy (JFK Airport) ở New York để cùng đáp chuyến bay số 84 của hãng Delta Aitlines cất cánh lúc 10:35 tối ngày 25/11/2010 đi Cairo, thủ đô của Ai Cập. Người Pháp gọi là “Le Caire”. Máy bay đáp xuống phi trường Cairo lúc 4:25 chiều hôm sau, tổng cộng 12 giờ bay cộng với 7 múi giờ cách biệt giữa New York và Cairo. Ông Trần Chính, chủ nhân của công ty du lịch Voyages Saigon Inc. tại Orange County đích thân hướng dẫn.
Cairo nằm trên hữu ngạn sông Nile, trước khi tẽ ra nhiều nhánh như rẻ quạt mang phù sa thượng nguồn về thành lập một vùng châu thổ phì nhiêu, cái nôi của nền văn minh Ai Cập cổ đại kéo dài hơn 5000 năm và là vựa lúa nuôi dân Ai Cập hôm nay. Đáy của châu thổ sông Nile áp với bờ biển đông nam Địa Trung hải gần miền Trung Đông, nơi manh nha văn minh nhân loại, trước cả nền văn minh lâu đời của Trung quốc, và là nơi diễn ra những cuộc tranh chấp giữa các nền văn minh Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Thiên chúa giáo và Hồi giáo.
Ai Cập nằm trong lục địa châu Phi, nhưng có nhiều sắc thái của một nước Cận đông hơn là sắc thái Phi châu của người da đen. Phía đông giáp Do Thái, Hồng Hải, và giải đất Gaza. Phía nam giáp Soudan, phía Tây là Lybia và phía bắc là Địa Trung Hải. Ai Cập có 75 triệu dân, theo đạo Hồi hệ phái Sunni 84%, 13.5 % theo Thiên chúa giáo chính thống, 1.4% theo Thiên chúa giáo La Mã. Ba thành phố lớn là thủ đô Cairo 6.7 triệu dân, Alexandria 4.0 triệu dân và Port Said 570.000 dân.
Ai Cập là một nước có một nền văn minh lâu đời nhất thành hình như một quốc gia do người Ai Cập tự cai quản cách đây 5000 năm và kéo dài gần 2.700 năm qua 31 triều đại nối tiếp nhau cho đến năm 332 trước công nguyên (332 B.C.). Thời gian 2.700 năm này được chia thành 3 thời đại rõ nét: Cổ đại (Old Kingdom), Trung Cổ (Middle Kingdom) , và Tân cổ (New Kingdom). Thời Cổ đại là thời kỳ người Ai Cập xây dựng các Kim tự tháp. Thời Trung cổ họ phát triển điêu khắc. Thời đại Tân Cổ là thời đại người Ai cập thiết lập đế quốc và cũng là thời đại người Do Thái ồ ạt di cư đến Ai cập.
Vào thế kỷ thứ 7 BC người Assyrian (một đế quốc nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates hiện nay) xâm lăng Ai Cập và năm 525 BC Ba Tư (Iran ngày nay) thiết lập một đế quốc tại đó. Đến năm 332 BC Alexander Đại đế từ Macedon (bây giờ là Cộng Hòa Macedonia, ở phía bắc Hy Lạp, trước đây là một phần của lãnh thổ Nam Tư) chiếm Ai Cập Năm 30 BC người La mã đến và cầm quyền cho đến năm 395 sau Công nguyên (395 AD). Khi giáo hội Thiên chúa giáo chia thành 2 trung tâm quyền lực, Ai Cập nằm dưới sự quản trị của trung tâm Constantinople. Năm 313 AD vua Constantine cho phép Ai Cập thành lập giáo hội riêng gọi là Giáo hội Thiên chúa giáo Ai Cập (Coptic Church).
Từ thế kỷ thứ 7 người A Rập chiếm Ai Cập và biến Ai Cập thành một vùng nói tiếng Arabic, hầu hết theo đạo Hồi trải qua các triều đại của các ông vua Umayyad , Abbasid, Fatimid , Mamluks kéo dài cho đến thế thế kỷ thứ 16.
Năm 1517 Ai Cập trở thành một phần của đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến năm 1914 ngưòi Anh chiếm Ai Cập. Năm 1922, bốn năm sau khi Thế chiến I chấm dứt người Anh thiết lập một chế độ quân chủ lập hiến tại đó và trao trả độc lập cho Ai Cập một cách hình thức. Vị vua bù nhìn cuối cùng là vua Farouk lên ngôi năm 1936 lúc mới 16 tuổi .
Năm 1952 tướng Mohammed Naguib lật đổ vua Farouk. Năm sau đại tá Nasser (Gamal Abdul) lên thay và trở thành lãnh tụ uy tín của khối Hồi giáo dựa vào lập trường chống Tây phương và nghiêng về chế độ xã hội trong cuộc chiến tranh lạnh. Năm 1958 cùng với Syria đại tá Nasser thành lập nước A Rập thống nhất.
Đại tá Nasser phát động cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 đánh Do Thái nhưng thất bại làm Ai Cập mất bán đảo Sinai. Năm 1970 Nasser qua đời, Anwar Sadat thay thế và năm 1973 tấn công Do Thái để giành lại bán đảo Sinai, nhưng cũng không thành công.
Năm 1979 Anwar Sadat thay đổi thái độ chính trị, và do tổng thống Jimmy Carter làm trung gian dàn xếp, thương thuyết với Do Thái. Kết quả là thỏa ước hòa bình Ai Cập – Do Thái ký tại Camp David công nhận Do Thái để đổi lấy bán đảo Sinai (dự trù trao trả lại vào năm 1982).
Từ phi trường Cairo về thành phố, sông Nile uốn khúc, trong xanh. Mặt nước phẳng lờ hiền lành như sông Hương giang. Ai Cập và sông Nile là một. Không có sông Nile thì không nền văn minh Ai Cập 5000 năm trước, với Kim tự tháp, đền đài lăng tẩm, và cũng không có Ai Cập hôm nay.
Sông Nile dài 6650 km là con sông dài nhất thế giới (sông Cửu Long dài 4350 km đứng thứ 10 trong những con sông dài hơn 1000 km) và là con sông lớn duy nhất trên thế giới chảy từ phía Nam đổ ra biển ở phương Bắc. Mùa mưa nước từ từ dâng lên mang phù sa tấp hai bên bờ và tạo một châu thổ lớn phì nhiêu nhìn ra Địa Trung Hải. Các thành phố và đền đài thành quách, Kim tự tháp của Ai Cập đều tụ họp chung quanh hai bờ sông Nile kéo dài từ thành phố Cairo đến thành phố Abu Simbel sát biên giới Soudan, còn lại là cát và cát của sa mạc Sahara phía đông ra tân Hồng Hải và phía Tây ngút ngàn đến biên giới Lybia.
Sông Nile tạo nên vựa lúa của Ai Cập như sông Cửu Long đối với Việt Nam, nhưng khác ở chỗ sông Cửu Long nước đục và nước dâng vào mùa mưa không nhịp nhàng như sông Nile.
Từ ngàn xưa vào mùa nước lên nông dân ngưng đồng áng, và các vua chúa trưng dụng nhân công để xây dựng đền đài. Nước sông dâng lên gíúp thuyền bè đến lấy đá từ các núi đá và chở đển các vùng xây dựng.
Chuyến bay số 84 bay theo một vòng tròn lớn băng qua Canada, Bắc Hải, Băng Đảo (Iceland), Anh, Pháp, Ý, Hy Lạp, Địa Trung Hải trước khi đáp xuống Cairo. Trời cuối thu ngày ngắn thành phố đã nhấp nháy lên đèn. Nhìn chung, thành phố xây cất hổn độn và đa số nhà cửa còn dang dở. Gió mang cát từ sa mạc chung quanh phủ lên thành phố một lớp bụi cát.
Cairo do vua Menes xây dựng từ năm 3100 BC. Khi người Hy Lạp chiếm Cairo họ đóng bản doanh phía tây ngạn sông Nile phía nam trung tâm Cairo 15 km và đặt tên là Memphis.
Hai ngày đầu ở Cairo chúng tôi đi thăm các công trình xây cất chung quanh thành phố gồm vùng lăng mộ Sakkara ở Memphis chôn vùi dưới cát trong suốt 2000 năm trước khi các nhà khảo cổ Âu châu phát hiện và biến thành một trung tâm du lịch. Công trình nổi bật của Sakkara là Kim tự tháp bậc thang mộ của vua Djoser (2668 – 2649 BC) thuộc vương triều thứ 3 do kiến trúc sư Imhotep xây cất.
Rải rác dọc sông Nile từ Cairo về hướng nam có hằng trăm kim tự tháp lớn nhỏ mồ chôn của các vua chúa, hoàng hậu, hòang thân quốc thích của nhiều triều đại. Vĩ đại nhất là 3 Kim tự tháp trong sa mạc Giza gồm Kim tự tháp của vua Khufu, Khaefra và Menkaue và một Nhân Sư (Sphinx) khổng lồ xây dựng từ thế kỷ thứ 26 BC. Kim tự tháp Khufu là một trong 7 kỳ quan thế giới. Du khách nào trước khi đến Ai Cập cũng từng nghe các Kim tự tháp Ai cập vĩ đại và huyền bí như thế nào. Nhưng khi đứng trước chúng chúng ta không khỏi có một cảm giác ngây ngất kỳ lạ làm ngưng đọng suy tưởng của chúng ta. Trời đất bỗng mênh mông hơn, con người nhỏ bé hơn, và kẻ kiêu căng nhất cũng phải chùn lòng thấy sự kiêu căng của mình là vô nghĩa .
Một du khách trong đoàn đã cảm hứng:
Nhìn Kim tự tháp đứng uy nghi
Lòng khách viễn du nghĩ ngợi gì?
Tượng tháp huy hoàng khi đắc thế
Đền đài hoang phế lúc suy vi
Công lao nước mắt người nô dịch
Thành tích mồ chôn kẻ trị vì
Dâu bể khác nào cơn gió thoảng
Kìa bao danh lợi có còn chi!
ĐBC
Chữ viết của cổ Ai Cập cũng là một trong những huyền bí khác. Ngày hôm nay Ai Cập dùng chữ Arabic. Nhưng từ ngàn xưa họ có một thứ chữ viết gọi là Hyeroglyphic do các nhà trí thức Ai Cập (gọi là Scribers) sáng chế gồm các hình vẽ tạo nên theo âm thanh.
Vào thế kỷ thứ 1 AD khi Thiên chúa giáo du nhập vào Ai Cập các tu sĩ Thiên chúa giáo dùng mẫu tự Hy Lạp để viết tiếng Ai Cập với mục đích rao giảng Tân ước và Cựu ước. Vào thế kỷ thứ 5 AD khi người A Rập xâm chiếm Ai Cập, chữ Hyeroglyphic biến mất. Một bản văn bằng chữ Hyeroglyphic được tìm thấy tại đền thờ nữ hoàng Isis vợ vua Osiris (380 – 343 BC) trên đảo Philae ở Aswan và do nhà khảo cổ Pháp Jean Francois Champollion giải mã năm 1824.
Từ Cairo chúng tôi bay đi Luxor cách Cairo 700 km về phía nam nằm trên bờ đông sông Nile. Luxor, tiếng A rập có nghĩa là “lâu đài” là nơi có nhiều di tích lịch sử nhất của Ai Cập, được xây dựng khoảng năm 2000 BC và có đền thờ vua Amontohap III trị vì Ai Cập vào thế kỷ thứ 15 BC. Đền thờ vua Amontohap III được xem là nơi linh thiêng nhất, các vua chúa Ai Cập về sau thường phải vào đó để chính thức xưng vương.
Dưới triều vua Ramses đệ nhị (Ramses II) thuộc vương triều thứ 19 (1279-1212 BC) Luxor là thủ dô của một dế quốc Ai Cập thịnh vượng 1000 năm kéo dài từ sông Euphrates (bây giờ thuộc Iraq) sang tận Nubia (nam Ai Cập) có rất nhiều di tích lịch sử và là một nguồn phong phú để nghiên cứu lịch sử Ai Cập. Theo nhà khảo cổ Champollion nghệ thuật điêu khắc Ai Cập dường như đã được bắt nguồn tại Luxor.
Bên kia sông Nile đối diện vơi Luxor là “Thung lủng các nhà vua” (Valley of the Kings) gồm lăng tẩm của các vua Seti II, Ramses III và Ramses IV. Các nhà khảo cổ tin rằng trong khối núi đá khổng lồ của thung lũng còn nhiều mồ chôn các vua chúa và vương hầu Ai Cập. Cuộc đào xới đang được tiếp tục trước mắt du khách.
Từ Luxor chúng tôi xuống du thuyền xuôi nam dọc giòng sông Nile. Du thuyền có đầy đủ tiện nghi, phòng ngủ rộng rãi, thức ăn tuyệt hảo, sân thượng mênh mông với quầy rượu, hồ bơi, ghế ngồi ghế nằm ngắm cảnh dưới ánh nắng mặt trời mùa Thu dịu dàng. Giòng sông phẳng lặng trong veo, hiền từ như “nữ tu sĩ” cứ thế đưa chúng tôi vào trái tim của Ai Cập. Hai bên bờ sông chà là, ruộng vườn, nhà cửa nhấp nhô thanh bình và sung túc.
Du thuyền cặp bến Esna cách Luxor 50km đế lấy hành khách trước khi đến Edfu cách Esna 40km. Edfu tọa lạc trên bờ Tây sông Nile có đền Horus thời đại Hy-La có khắc nhiều văn bản cho biết lịch sử và sự hưng thịnh của các vương triều và văn minh Ai Cập thời Ptolemaic (304 – 30 BC).
Du thuyền tiếp tục xuôi nam qua vùng núi đá Gebel Silsika trên một khúc sông rộng uốn khúc nên thơ đưa chúng tôi đến Kom Obo thăm đền Kom Obo và thành phố Aswan.
Đền Kom Obo là một đền đôi gồm hai đền nằm trong một kiến trúc chung. Một đền thờ thần cá sấu Sobek và một đền thờ thần chim ưng Horoeris. Bên trong đền thờ là các hình chạm trổ dụng cụ y khoa của nền mổ xẻ cổ đại Ai Cập.
Aswan ở phía nam Kom Obo 20km có đập Aswan nổi tiếng thế giới xây cất trong hai thập niên 1960 và 1970 bởi đại tá Nasser, một người hùng của Ai Cập được nhân dân Ai Cập kính mến. Đập Aswan là đối tượng tranh chấp giữa hai khối Tự do – Cộng sản trong cuộc chiến tranh lạnh. Trong khi xây cất các nước tây phương (Anh, Pháp, Mỹ) không bằng lòng với chính sách thiên tả của Nasser đã ngưng viện trợ, Nasser nhờ viện trợ của Liên bang Xô viết tiếp tục xây cất. Tại đó hiện còn một đài ghi dấu sự hợp tác giữa Liên bang Xô viết và Ai Cập.
Đập Aswan hoàn thành sản xuất điện lực giúp phát triển kỹ nghệ vùng nam Ai Cập và điều hòa lưu lượng sông Nile ở hạ nguồn.
Nước sông Nile bị đập ngăn lại tạo thành một cái hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất thế giới (hồ Nasser) trải dài 230 km từ Aswan đến Abu Simbel sát biên giới Soudan. Hồ Nasser tràn ngập một số di tích và thế giới Tây phương đã giúp Ai Cập dời đến chỗ cao hơn như đền thờ trên đảo Philae (tại Aswan) được dời qua đảo Agikila và đền Abu Simbel. Đền Philae được xây cất thời Hy-La trong thế kỷ thứ 4 BC thờ hoàng hậu Isis (vợ vua Osiris – vua Osiris có đền thờ trên đảo Biggeh gần đó).
Aswan là cổng chiến lược phía nam của Ai Cập cổ đại. Các vua chúa Ai Cập đã chinh phục và chiếm đất của người Nubia kéo biên giới đến tận Abu Simbel cách Aswan 230 km, sát biên giới Soudan.
Sáng sớm ngày 3/12 chúng tôi đáp máy bay đi Abu Simbel. Đền Abu Simbel tôn vinh vua Ramse II và hoàng hậu Nefertari nguyên được tạc trong núi đá khối và bị cát chôn vùi không ai biết trong nhiều thế kỷ cho đến năm 1817 nhà mạo hiểm Belzoni (Giovanni Battista – người Ý) nhân đi tìm châu báu khám phá ra.
Vào thập niên 1960, 1970 nước hồ Nasser de dọa tràn ngập đền Abu Simbel và thế giới đã giúp đỡ cắt đền ra từng mảnh ráp lại một điạ điểm mới (nơi chúng tôi đến thăm). Đền Abu Simbel tiểu biểu bởi 4 bức tượng khổng lồ của vua Ramses II ở lối vào hướng chếch Đông. Bên trong là môt hành lang nhỏ dài 60 mét chấm dứt bằng 4 bức tượng nhỏ của thần Ptah, thần Amon-Re , vua Ramses II và thần mặt trời Re-Horakhty. Hành lang được kiến tạo để ban ngày và quanh năm bên trong tranh tối tranh sáng, ngoại trừ một năm hai lần vào hai ngày Hạ chí 21/6 và Đông chí 21/12 khi mặt trời vừa mọc có một thời gian chừng vài phút mặt trời chiếu thẳng vào hành lang rọi sáng 3 bức tượng Amon-Re, Ramses II và Re-Horoakhty, nhưng vẫn để thần Plah trong bóng tối. Lối xây cất chứng tỏ người Ai Cập hơn một ngàn năm trước đã có những hiểu biết chính xác về thiên văn và sự đổi chỗ của mặt trời trên bầu trời trong năm.
Chiều cùng ngày chúng tôi đáp máy bay trở về Cairo và sáng hôm sau đi viếng thành phố Alexandria.
Alexandria do Alexander Đại đế xây cất năm 332 BC. Alexandria trở thành trung tâm kinh tế, quân sự và văn hóa của Ai Cập trong suốt 500 năm, và là trung tâm phát triển và truyền bá Thiên chúa giáo tại Ai Cập trong thế kỷ thứ 3 AD. Hiện Alexandria có lăng vua Ceasar và mộ Alexander Đại đế và khu nghĩa địa của người Roman gọi là Catacomb ở Kom-el-Shukafa. Trong thời kỳ hưng thịnh Alexandria có thư viện lớn nhất thế giới, có đèn pha Pharos cao 140 mét bằng đá cẩm thạch. Vật đổi sao dời. Ceasar đốt thư viện để dẹp tàn tích của Muslim. Đèn pha sụp đổ bởi một trận động đất vào thế kỷ thứ 14.
Trở về Cairo, đoàn du khách chúng tôi có dịp quan sát đời sống của người Ai Cập tại khu chợ Khan al-Khalili. Cảnh sát du lịch (Tourist Police) hiện diện khắp nơi. Sinh hoạt thương mãi nhộn nhịp. Chúng tôi thấy nhiều du khách gốc Á châu (Đại Hàn, Trung quốc, Nhật Bản) hơn là người da trắng Tây Phương. Phái nam len lõi vào các lối nhỏ “window shopping” và chụp hình trong khi các bà mua bán. Chúng tôi có dịp vào “Naguib Mahfouz Coffee Shop” trong một ngỏ hẽm của khu chợ, nơi nhà văn nổi danh Naguib Mahfouz người được giải văn chương Nobel năm 1988 thuở sinh thời từng đến uống cà phê gặp bạn bè và văn hữu.
Là một nước theo Hồi giáo nhưng người phụ nữ được tự do trang phục khi đi ra ngoài. Đa số choàng khăn kể cả phụ nữ theo Thiên chúa giáo cho chúng tôi thấy choàng khăn (ít nhất đối với Ai Cập) là một văn hóa chứ không nhất thiết là một ràng buộc của tôn giáo. Điều kỳ lạ là chúng tôi thấy phụ nữ với khăn choàng trông khả ái hơn phụ nữ đầu trần. Trên đường phố Ai Cập khăn choàng trở thành một vật dụng trang sức của phụ nữ. Số phụ nữ mặc tuyền đen, bịt mặt chỉ chưa đôi mắt rất ít và đó là sự chọn lựa của họ.
Các cô sinh viên trẻ tuổi tụ tập nhau tại quảng trường lớn trước khu chợ trao đổi chuyện trò và chụp hình với khách du lịch một cách thoải mái tự nhiên. Các cô chia nhau kẹo bánh ríu rít cười đùa.
Ai Cập là quốc gia Hồi giáo đang ở thế bản lề làm trung gian trong cuộc chiến tranh chống khủng bố của Hoa Kỳ và thế giới Tây phương. Chính sách bản lề này do tổng thống Anwar Sadat thực hiện sau khi ký thỏa ước hòa bình với Do Thái. Vì thỏa ước hoà bình này năm 1981 tổng thống Sadat bị các thành phần Hồi giáo qúa khích giết trong một cuộc diền binh tại Cairo. Thỏa ước hòa bình vẫn tồn tại sau khi tổng thống Hosni Mubarak thay thế Sadat. Ông Mubarak năm nay 82 tuổi vẫn còn cầm quyền. Thế giới đang lo nếu ông không sắp xếp một sự chuyển quyền ổn thỏa, sự ra đi của ông có thể tạo ra sự bất ổn định tại Trung đông.
Trên đường ra phi trường trở về Hoa Kỳ chúng tôi dừng chân thăm mộ tổng thống Anwar Sadat chôn tại một quảng trường ngay trước khán đài nơi ông bị hạ sát. Mộ chôn là một Kim tự tháp nhỏ lóng lánh đèn ngủ sắc.
Qua chuyến du hành Ai Cập cá nhân tôi (và nhiều bạn khác trong đoàn) thấy có cảm tình với nhân dân Ai Cập mặc dù có bận tâm đối với cuộc chiến tranh chống khủng bố do thái độ quá khích của một thành phần tín đồ Hồi giáo. Chúng tôi thấy có thể hòa mình vào sinh hoạt của người bản xứ, cảm thấy gần gũi và không lo sợ.
Cơ quan phụ trách du lịch của chính phủ Ai Cập có cho cảnh sát thường phục vũ trang bảo vệ ngầm chúng tôi khi di chuyển bằng xe coach, hoặc khi đi thăm các khu di tích. Trên đường từ phi trường Cairo đến khách sạn và ngược lại có xe vũ trang hộ tống. Tôi nghĩ đó chỉ là sự bảo vệ hình thức để làm yên lòng du khách nhất là du khách người da trắng hơn là một sự bảo vệ hữu hiệu. Sự đe dọa du khách ở nước nào cũng có!
Trong một cuộc tranh chấp hai bên cách ly nhau, sợ nhau, nghi ngờ lẫn nhau thì sự căng thẳng dễ đưa đến chiến tranh. Xích lại gần nhau để thông cảm nhau và quý mến nhau như những con người cùng “đầu đen máu đỏ” mỗi bên có thể cảm nhận rằng nổi sợ lẫn nhau chỉ là tượng tuợng.
Phải chăng đó là phương án giải quyết các tranh chấp trên thế giới, và là một trong những phương án giải quyết cuộc đối đầu vì tranh chấp văn hóa Tây phương và văn hóa Muslim?
Suy nghĩ đó ám ảnh tôi trong suốt chuyến bay dài 13 giờ cất cánh từ thủ đô Cairo lúc 11 giờ đêm ngày Thứ Hai 6/12/2010 đưa đoàn du khách chúng tôi trở về Hoa Kỳ.
Đường bay trên màn ảnh nhỏ, do sự ưu ái đối với hành khách theo đạo Hồi, có hình vị trí máy bay với mũi tên chỉ về thánh địa Mecca ở Saudi Arabia để hành khách theo đạo Hồi biết hướng nghiên mình cầu nguyện. Khi máy bay cất cánh mũi tên chỉ hướng sau đuôi của máy bay. Chập chờn với giấc ngủ trên chiếc ghế lưng nghiêng 200, khi thức dậy mũi tên đã hướng về hướng 10 giờ, cũng là lúc phi trưởng thông báo hành khách cài dây lưng an toàn và sửa lại cho ngay lưng ghế để đáp xuống phi trường New York.
Sau thủ tục nhập cảnh chúng tôi chia tay nhau, người bay về San Francisco, Seattle , kẻ đi Las Vegas và Los Angeles chấm dứt một chuyến du lịch phong phú về hiểu biết và hữu ích về mặt tinh thần.
Thế giới chúng ta sống không nguy hiểm như chúng ta tưởng, nếu ai cũng có một tấm lòng.
Dec . 19, 2010
© Trần Bình Nam (Bài và ảnh)
© Đàn Chim Việt
Du lịch 1 nước Hồi giáo rồi suy diễn dễ dãi CHUNG cho các nước HG.thì qủa là hời hợt và thiếusót !
Ngay trong Hồi giáo mà 2 phái Sunni và Shia coi nhau như kẻ thù,huống hồ là ngoại đạo như Mỹ.
HG.Ai Cập có nhiều phần tương đồng với HG.Thổ Nhỉ Kỳ nghĩa là tương đối tiến bộ,không qúa khích
nhưng lý thuyết gia,cha đẻ của HG.qúa khích lại là một tiến sĩ Ai Cập tốt nghiệp ở Mỹ về.So sánh thì TNK.ôn hòa hơn nhờ nhà đại cách mạng Mustapha Kemal góp phần cải cách từ những thế kỷ trước.như cho phép phụ nữ tự do hơn và thay đổi 1 số luật lệ HG.hà khắc
Đa số nước HG.nào áp dụng luật Sharia hay Shariah thì hoặc chống Mỹ hoặc ủng hộ bọn khủng bố (nhân danh HG).Nói chung,nước nào bị Hồi giáo hóa thì kể như thành nước HG.,dù đạo Phật hiện
diện ở đó từ thuở rất xa xưa như Afghanistan hay Indonesia.Xem thế thì đủ biết cái “quyền lực”
và khả năng ĐỒNG HÓA của HG.ghê gớm một cách tuyệt đối ra sao rồi !
Những địa điểm đưa du khách đến viếng thăm ở nước nào mà chả đẹp, chả đáng yêu và con người nhất là các chàng trai và cô gái đều đáng mến, nếu không “một đi không trở lại” và chỉ có “khùng” mới đến du lịch những địa điểm Afghanistan, Irag, Iran, Bắc hàn…. Cho nên Trần Bình Nam trong chuyến du hí này kể cho bạn đọc những “vườn hoa” mà anh là kẻ “cưỡi ngựa” chạy vòng vòng mươi ngày, cảm thấy vui và sung sướng!.
Nếu tôi nhớ không nhầm, năm 2001 hay 2002, một đoàn du khách Anh (22 người) đế Ai-cập, đang ngắm những tòa tháp cổ đã bị bọn khủng bố địa phương nã đạn, chết và bị thương hơn chục người, Chính phủ và nhân dân Ai-cập rất thân thiện với chính phủ và nhân dân Anh, hơn nữa du khách Anh đi du lịch cứ không đến xâm lược Ai-cập!
Tôi không biết ở xứ Cờ Hoa có nhiều dân sắc theo đạo Hồi hay không, còn ở London này thì khá nhiều và tôi cũng không biết có bao nhiều giáo phái khác nhau, nhưng thật sự chúng tôi khá “e ngại” khi thấy những người phụ nữ trùm kín từ đầu đến chân trong bộ quần áo đen lụng thụng,- ngườ Việt gọi Áo Cánh Giơi-, đi lên xe buýt ngồi bên cạnh, hở độc có đôi mắt lại đeo kính, có trời biết là đàn ông hay đàn bà, quân khủng bố hay người lương thiện, trong bộ quần áo to tướng lụng thụng kia có súng hay bom quấn quanh bụng hay không? Ai biết? Chịu! Chỉ có chúng mới trả lời câu hỏi đầy nghi vấn này.
Ở London này, bọn khủng bố Hồi Giáo đánh bom liều chết làm nổ tung xe buýt, tầu điện ngầm giết hại người lương thiện trên cùng chuyến với chúng mà hàng năm ngày 7-7 vẫn tưởng niệm những nạn nhân vô tội.
Vì chuyện tế nhị, chúng tôi cũng như tất cả người Anh sắc tộc Việt, Ấn, Hoa….những người không theo Đạo Hồi không được thể hiện hay “phát ngôn” về những người Hồi giáo, nhưng thật lòng chùng tôi không “ưa và rất sợ” bọn khùng ngồi bên cùng chuyến tầu điện ngầm hay trên xe bus. Chẳng may có chúng ngồi cùng toa, cùng chuyến, chỉ khi nào xuống bến, mới thật sự tin rằng mình “hãy còn sống”!
Bọn khủng bố là ai? Phải nói ở London này là những kẻ quá khích trong giới Đạo Hồi. Ai là kẻ quá khích? Có thấn Alla của chúng biết, ngay Scotland Yard và cảnh sát Anh cũng chịu, vì biết, đã tóm cổ chúng, Có những đứa sinh ra và lớn lên tại Anh, cha mẹ chúng mấy chục năm trước là dân tỵ nạn, cũng nhận đồng tiến thất nghiệp, nhà nước cưu mang ông bà cha mẹ chúng, nuôi chúng ăn học, nhưng trong các nhà thờ Hồi Giáo những linh mục đã dạy chúng những điều (chả ai biết) căm thù ngay đất nước đã cưu mang chúng và sẵn sàng “đánh bom liều chết để được về với Alla”!
Hiện nay trong kỳ lễ Giáng Sinh mọi người được nghỉ ngơi và mong muốn an lành thì những kẻ Hồi Giáo cực đoan đang đe dọa sẽ đánh bom các nước Châu Âu và xứ Cờ Hoa. Vậy bài viết của tác giả gửi tới độc giả thông điệp gì?
Nếu như ngày 11-9-2001 Trần Bình Nam ở gần tòa Tháp Đôi thoát chết, liệu có chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” và bài viết về những bông hoa mà tác giải chiêm ngưỡng không nhỉ?
Ông bạn này chỉ mới sang Ai Cập chứ chưa đi đến 1 số nước như Iran,Algeria,Pakistan,Somalia hoặc những nước áp dụng luật Charia hồi giáo.Vào những năm sống trong trại tị nạn bên Indonesia và bạn thử ăn thịt heo xem,haha chúng sẽ bắt lên cạo đầu rồi dẫn đi bêu quanh trại.Mấy cô người Ai Cập trong hình nếu họ ở bên Iran thì có lẽ bị vu vào tội tình báo,luật Charia và…treo cổ.Đề nghị ông bạn này đi Iran 1 chuyến rồi viết sau.Mà cũng biết đâu ông này lại được tiếp đón như thượng
khách,vì chỉ cần nói là người việt thì ông bạn sẽ được tụi mắt sâu râu rậm ôm hôn thắm thiết vì là 1 dân tộc anh hùng đã đánh thắng 2 kẻ thù(của hồi giáo)là Pháp,Mỹ.Nhưng nhớ đừng bao giờ nói với họ là ông bạn đang định cư ở xứ cờ hoa nhé vì sẽ chết mẹ ngay.Tôi bên này thỉnh thoảng cũng phải bất đắc dĩ trả lời vài câu hỏi lý lịch gốc gác,và khi biết tôi là dân việt thì họ xem tôi như thần tượng..,Nhưng họ vì cuồng tín vì thù hận nên họ có biết đâu khi “đế quốc”cút đi thì đồng bào tôi đã phải sống như thể loài cầm thú.
Anh Chánh,
Trong dip di thăm Egypt Nov, 2010 vừa qua, tôi có bức hình của một Sinh viên Egypt choàng khăn, nếu bạn nào muốn xem tôi sẽ xin forward. Đúng như anh Chánh nói: đẹp hay không là tùy quan niệm của từng người.
Điều này cũng chẳng gì lạ đâu, phụ nữ khăn mỏ quạ hay là nón bài thơ cũng có thể thấy khả ái hơn là phụ nữ đầu trần. Phụ nữ Ki tô chính thống (Nga) cũng quấn khăn, chí ít là khi đi nhà thờ, còn khả ái hay không thì tùy người đối diện. Đi thăm vatican bà cô nào cũng 1 cái khăn choàng (Hermes thì càng hay) để sẵn trên vai, buớc vào điện thì đưa lên che tóc, còn đi xem đua ngựa ở Anh thì quý tộc nào cũng đội mũ cả và Chanel là mũ có rèm thưa che mặt!
Cám ơn Trần Bình Nam về 1 bài viết du lịch thú vị.
Thật là một thiếu sót lớn khi tác gỉa bài bút ký này không đề cập đến một diễn biến quan trọng, làm thay đổi cuộc diện thế giới, dưới thời TT Anwar Sadat : Sau thất bại ở cuộc chiến Yom Kippur, 1973,Ông ta đã cắt quan hệ quân sự với Soviet bằng cách ra lệnh cho 50 ngàn cố vấn Soviet chỉ có 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi Ai Cập.Số phận của VNCH cũng chấm dứt cùng với sự kiện này.
Điều kỳ lạ là chúng tôi thấy phụ nữ với khăn choàng trông khả ái hơn phụ nữ đầu trần.>>> Lạy hồn! Đây chỉ là (và may măn là) quan điểm riêng của cá nhân người viết!