WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chống Mỹ cứu nước nào?

Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai Việt Nam dọc theo sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị, ở vĩ tuyến 17. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ở Bắc Việt Nam (BVN), do đảng Lao Động (LĐ) cai trị. Đảng LĐ là hậu thân của đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD). Trong khi đó, Quốc Gia Việt Nam (QGVN) ở NamViệt Nam (NVN), do cựu hòang Bảo Đại làm quốc trưởng. Năm sau, thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, lật đổ quốc trưởng Bảo Đại và thành lập Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày 26-10-1955 do ông Diệm làm tổng thống.

pobrane

Đất nước chia hai, nhưng đảng LĐ ở BVN không dừng lại ở đó. Tại Đại hội III đảng LĐ từ 5 đến 10-9-1960, đảng LĐ quyết định động binh tấn công VNCH, mà CS gọi là “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Ngoài ra, đảng LĐ còn đưa ra chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” nhằm khích động lòng yêu nước của dân chúng Việt Nam và để được các nước cộng sản (CS) giúp đỡ. Tuy nhiên, có một câu hỏi mà ít người chú ý là Hồ Chí Minh (HCM) và đảng LĐ tức đảng CSĐD chống Mỹ cứu nước là để cứu nước Việt Nam hay là cứu nước nào khác?

1.- HỒ CHÍ MINH TUYÊN BỐ CHỐNG MỸ

Vào cuối thế chiến thứ hai, HCM và đảng CSĐD hợp tác với tổ chức OSS của Hoa Kỳ. Tổ chức OSS là Office of Strategic Services (Sở tình báo chiến lược), tiền thân của C.I.A. (Central Intelligence Agency). Giữa tháng 4-1945, HCM cùng hai nhân viên vô tuyến của O.S.S. từ Côn Minh (Kunming, Trung Hoa) về Cao Bằng. Từ đó, O.S.S. giúp VM huấn luyện quân sự, sử dụng võ khí, truyền tin… (Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người & huyền thoại, tập 2: 1925-1945, Houston: Nxb. Văn Hóa, tt. 358-359.)

Khi HCM và đảng CS cướp được chính quyền và lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945, thiếu tá OSS là Archimèdes Patti giúp HCM viết bản tuyên ngôn độc lập.(Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam?, California: University of California Press, Berkely, 1980, tr. 223.) Tuy nhiên, sau đó OSS rời Việt Nam do Hoa Kỳ chủ trương không can thiệp vào Đông Dương để cho Pháp tự do hành động. (A. Patti, sđd. tr. 379.) Từ đó giữa cộng sản Việt Nam (CSVN) và Mỹ không còn hợp tác, nhưng cũng không đối đầu trực tiếp với nhau.

Sau thế chiến (1939-1945), chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản (do Mỹ đứng đầu) và CS (do Liên Xô lãnh đạo) bắt đầu năm 1946. Năm 1950, Mỹ thừa nhận chính phủ QGVN và viện trợ giúp Pháp chống CS ở Việt Nam, nhưng Mỹ không gởi quân đánh nhau với quân CSVN. Khi hội nghị Genève sắp kết thúc và các bên sửa soạn ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam ngày 20-7-1954, thì lần đầu tiên, HCM lớn tiếng tuyên bố mục tiêu chiến đấu mới của CSVN trong giai đoạn sắp đến là chống “đế quốc” Mỹ.

Báo cáo tại hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương đảng LĐ khóa II ngày 15-7-1954, HCM nói: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Nam, Lào. Mũi nhọn của ta cũng như mũi nhọn của thế giới đều chĩa vào Mỹ. Chính sách của Mỹ là mở rộng và quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương. Chính sách của ta là tranh thủ hòa bình để chống lại chính sách chiến tranh của Mỹ…” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7:1953-1955, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 313-315.)

Một điều khá lạ lùng là từ khi OSS về nước, bang giao với Mỹ bị gián đoạn, HCM hầu như chưa lần nào công kích Mỹ nặng nề. Lúc nầy Mỹ chưa viện trợ trực tiếp cho chính phủ QGVN, kẻ thù của CS mà chỉ giúp đỡ gián tiếp qua tay người Pháp. Nói cách khác, cho đến 1954, giữa VM và Mỹ chưa đối đầu trực tiếp, chưa hận thù sâu sắc, ngoài những kỷ niệm thời 1945. Thế mà đột nhiên sau hội nghị Liễu Châu, HCM xem Mỹ là “kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Nam, Lào.” Để tìm hiểu vấn đề tại sao HCM lại tuyên bố chống Mỹ sau vụ Liễu Châu, xin trở lại với hoàn cảnh chính trị phức tạp trước khi hiệp định Genève được ký kết ngày 20-7-1954.

Hội nghị Genève bắt đầu từ ngày 8-5-1954 đến ngày 21-7-1954, chia thành hai giai đoạn: 1) Từ 8-5 đến 20-6-1954. 2) Từ 10-7 đến 21-7-1954. Giữa hai giai đoạn là 20 ngày tạm nghỉ để các phái đoàn về nước tham khảo và nghỉ ngơi.

Trong thời gian hội nghị tạm nghỉ, xảy ra ba sự kiện quan trọng ở ba nơi khác nhau trên thế giới: Mendès-France lên làm thủ tướng Pháp ngày 17-6-1954. Ngô Đình Diệm nhận chức thủ tướng QGVN ngày 7-7-1954 (ngày Song thất). Châu Ân Lai (CÂL) và HCM bí mật gặp nhau tại Liễu Châu (Liuzhou), tỉnh Quảng Tây (Kwangsi), Trung Hoa, từ 3 đến 5-7-1954, bàn về giải pháp kết thúc chiến tranh. Lúc đó, không ai biết về hội nghị nầy.

Cũng tại hội nghị Liễu Châu chắc chắn hai bên, CÂL và HCM, duyệt xét lại toàn bộ tình hình thế giới và tình hình Đông Á sau chiến tranh Triều Tiên, mà Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) đang đối đầu với Mỹ.

2.- TÌNH HÌNH ĐÔNG Á TRƯỚC HỘI NGHỊ LIỄU CHÂU

Tại Trung Hoa, đảng Cộng Sản (CS) do Mao Trạch Đông (MTĐ) lãnh đạo, chiếm được lục địa, và tuyên bố thành lập CHNDTH tức Trung Cộng (TC) ngày 1-10-1949. Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng di tản ra Đài Loan (Taiwan), tiếp tục chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (THDQ). Tuy rất nhỏ so với TC, nhưng nhờ Mỹ hậu thuẫn, THDQ vẫn giữ ghế đại diện Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), và giữ luôn ghế hội viên thường trực, có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Năm sau, chiến tranh bùng nổ ngày 25-6-1950 giữa Bắc Triều Tiên (BTT) và Nam Triều Tiên (NTT). Quân cộng sản BTT bất ngờ tiến đánh NTT, vượt qua vĩ tuyến 38, đường phân chia BTT và NTT từ 1945, chiếm thủ đô Hán Thành (Seoul). Theo đề nghị của Hoa Kỳ, ngày 27-6-1950 LHQ yêu cầu các nước giúp NTT.

Ngày 12-9-1950, đại tướng Hoa Kỳ là Douglas Mac Arthur cầm đầu quân đội LHQ, bất thần đổ bộ vào hải cảng Inchon, tây bắc NTT, giáp với BTT. Quân LHQ đẩy lui quân BTT, tái chiếm Hán Thành ngày 19-9, tiếp tục truy đuổi bắc quân CS, vượt vĩ tuyến 38, chiếm thủ đô BTT là Bình Nhưỡng (Pyongyang), tiến đến sông Áp Lục (Yalu River), ở vùng biên giới Mãn Châu, thuộc TC.

Ngày 26-11-1950, 250,000 quân TC vượt biên giới, giúp BTT, đẩy lui quân LHQ xuống phía nam, tái chiếm Hán Thành. Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman gởi tướng Matthew Ridgway thay tướng Mac Arthur. Quân LHQ đẩy lui bắc quân khỏi vĩ tuyến 38 vào tháng 1-1951. Cuộc thương thuyết giữa hai bên bắt đầu từ tháng 7-1951, và hai bên ký kết hiệp ước Bàn Môn Điếm (Panmunjom) ngày 27-7-1953, lấy vĩ tuyến 38 chia hai Triều Tiên. Bên nào ở yên bên đó, không xâm phạm lẫn nhau.

Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1950, thì Hoa Kỳ phái Đệ thất hạm đội đến bảo vệ Đài Loan và eo biển Đài Loan. Sự hiện diện của hạm đội Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan làm cho TC quan ngại. Trong eo biển Đài Loan, hai quần đảo Kim Môn-Mã Tổ (Kinmen-Mazu), nằm cách hải cảng Hạ Môn (Xiamen), tỉnh Phúc Kiến (Fujian) của lục địa TC khoảng 15 Km, trong khi cách bờ biển hải đảo Đài Loan khoảng 270 Km, nhưng hai quần đảo nầy lại thuộc quyền của THDQ (Đài Loan).

Sau hiệp ước Bàn Môn Điếm, chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, NTT tức Cộng Hòa Triều Tiên ký với Hoa Kỳ tại thủ đô Washington DC ngày 1-10-1953 Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương (Mutual Defence Treaty) có hiệu lực từ ngày 17-11-1954.

Bên cạnh NTT là Nhật Bản (NB). Tại hội nghị hòa bình San Francisco (Hoa Kỳ) từ 4 đến 8-9-1951, NB tuyên bố từ bỏ mọi quyền hành trên các hải đảo mà NB đã chiếm trong thế chiến thứ hai (1939-1945). Cùng ngày 8-9-1951, NB và Hoa Kỳ ký Hiệp ước an ninh hỗ tương (Mutual Security Treaty) cho phép quân đội Hoa Kỳ đóng quân trên đất NB.

Ngày 8-3-1954, hai nước Hoa Kỳ và NB ký kết thêm Thỏa ước Phòng thủ chung (Mutual Defence Assistance Agreement), có hiệu lực từ 1-5-1954, cho phép quân đội Hoa Kỳ trú đóng trên đất NB vì mục đích hòa bình và an ninh trong khi khuyến khích NB tăng cường quốc phòng.

Các hiệp ước Hoa Kỳ ký với NTT và với NB đều nhắm mục đích giúp bảo vệ an ninh của hai nước nầy, chống lại sự đe dọa từ bên ngoài, thực sự là chống lại sự đe dọa của TC. Hơn nữa, Hoa Kỳ gởi Hạm đội số 7 đến eo biển Đài Loan, chính là để bảo vệ Đài Loan và vùng biển nầy.

Những hoạt động trên đây của Hoa Kỳ làm cho TC bận tâm lo lắng vì cảm thấy bị bao vây từ nhiều phía: Ở phía tây, TC giáp với Liên Xô. Từ khi Stalin qua đời ngày 5-3-1953, cuộc bang giao giữa TC với Liên Xô càng ngày càng xấu. Ở tây nam, TC bị Ấn Độ chận đứng. Ở phía đông là Thái Bình Dương, TC lại bị các nước NTT, NB, THDQ bao vây. Các nước nầy được Mỹ bảo vệ. Trên Thái Bình Dương thì Đệ thất hạm đội Mỹ chập chờn canh chừng. Vì vậy, TC rất căm thù Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, lúc đó phong trào chống cộng rất mạnh. Vào đầu năm 1950, thượng nghị sĩ tiểu bang Wisconsin là Joseph Raymond McCarthy đưa ra chủ trương “tố cộng” mạnh mẽ khắp nước Mỹ. Tinh thần chống cộng của người Mỹ lúc đó mạnh đến nỗi đáng chú ý là khi khai mạc hội nghị Genève về Việt Nam vào ngày 8-5-1954, trưởng phái đoàn Hoa Kỳ là ngoại trưởng John Foster Dulles không bắt tay trưởng phái đoàn TC là thủ tướng kiêm ngoại trưởng CÂL. (Henry Kissinger, White House Years, Toronto: Little, Brown and Company, 1979, tr. 1054.) Có lẽ CÂL khó quên kỷ niệm không vui nầy.

Tại hội nghị Liễu Châu từ 3 đến 5-7-1954, chắc chắn CÂL đã trình bày toàn cảnh tình hình Đông Á trên đây với HCM. Vừa thù nước, vừa giận riêng, phải chăng CÂL đã chỉ thị cho HCM, nên khi về nước, HCM chĩa mũi dùi ngay vào Hoa Kỳ tại Hội nghị lần thứ 6 Ban CHTƯĐ/LĐ khóa II ngày 15-7-1954.

Ở đây, xin ghi nhận thêm giao tình giữa HCM và các lãnh tụ TC:

Thứ nhứt, khi Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS) gởi điệp viên Lý Thụy (HCM) đến Quảng Châu (Trung Hoa) hoạt động năm 1924, thì Lý Thụy mở những khóa huấn luyện cán bộ và mời các lãnh tụ CSTH đến giảng dạy như Lưu Thiếu Kỳ, CÂL, Lý Phúc Xuân, Bành Bài…(Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 10.).

Thứ hai, sau khi bị giữ lại ở Liên Xô từ 1934 đến 1938 để điều tra, Nguyễn Ái Quốc (HCM) được QTCS gởi qua Trung Hoa vào 1938, đến căn cứ phía bắc TC là Diên An, học tập và hoạt động tình báo. Lúc đó, Quốc với tên mới là Hồ Quang, mang quân hàm thiếu tá trong quân đoàn Bát lộ quân của TC, để dễ di chuyển và hoạt động. (Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh, the Missing Years, Diên Vỹ và Hoài An dịch, Diễn đàn www.x-cafevn.org tt. 190-191.)

Sau đó, Hồ Quang đến Quế Lâm (Quảng Tây) hoạt động. Khoảng đầu thu 1940, Hồ Quang (HCM) cử người đến Diên An, ký mật ước với TC, theo đó đại diện đảng TC tại cục Tình báo Á châu của ĐTQTCS, phụ trách lãnh đạo công tác của CSVN. Cộng Sản Việt Nam sẽ cử cán bộ đến Diên An thụ huấn, và CSTH sẽ trợ cấp cho CSVN 50,000 quan Pháp mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt tại Trung Hoa. (Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, Nxb. Truyện Ký Văn Học, Đài Bắc, 1972, bản dịch của Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, Nxb. Văn Nghệ, California, 1999, tt. 167-168.)

Thứ ba, trong chiến tranh với Pháp từ năm 1946, CSVN thua chạy dài. Sau khi CHNDTH được thành lập năm 1949, HCM qua Bắc Kinh, rồi qua Moscow cầu viện năm 1950. Mao Trạch Đông cũng có mặt tại Moscow. Stalin uỷ nhiệm cho MTĐ giúp cho CSVN.

Cùng đi trên chuyến xe lửa từ Moscow đưa MTĐ về Bắc Kinh, HCM đến xin MTĐ giúp đỡ. (Trương Quảng Hoa, “Quyết sách trọng đại Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”, trong sách Hồi ký của những người trong cuộc, ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, một nhóm tác giả, Bắc Kinh: Nxb. Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, 2002, do Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch, Montreal: Tạp chí Truyền Thông, số 32 & 33, 2009, tr. 47.) Từ đó, TC viện trợ tối đa cho CSVN. Nhờ thế, CSVN phản công và thành công năm 1954.

Chỉ cần nhắc lại những chuyện trên đây đủ thấy rõ HCM và đảng CSVN quá nặng nợ với TC. Khi TC viện trợ rộng rãi cho CSVN, HCM và CSVN chẳng có gì để trả nợ, nên chỉ còn cách là phải đáp lại những đòi hỏi, yêu sách hay mệnh lệnh của TC để trả ơn.

3.- CHIÊU BÀI “CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC”

Sau hội nghị Liễu Châu, trong báo cáo của HCM tại hội nghị Ban CHTƯĐ/LĐ ngày 15-7-1954, HCM chỉ nhắc sơ là có gặp và trao đổi với thủ tướng CÂL. Về sau, khi ấn hành lại bản báo cáo nầy trong Hồ Chí Minh toàn tập tập 7, Nxb Chính Trị Quốc Gia chỉ chú thích sơ lược cuộc gặp gỡ ở cuối trang 315.

Về phía CÂL, TC cũng không loan báo tin tức hội nghị nầy, mãi cho đến năm 2005, Trung Cộng đảng sử xuất bản xã phát hành sách Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Chu Ân Lai và hội nghị Genève], chuyện Liễu Châu mới được tiết lộ công khai. Tại Liễu Châu, CÂL khuyên HCM nên chấp nhận giải pháp chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17 để Pháp ra đi và Mỹ không can thiệp. Ngược lại HCM bàn với CÂL là sẽ chôn giấu võ khí, cài cán bộ, đảng viên ở lại NVN, trường kỳ mai phục để đợi thời cơ tái tục chiến tranh.

Vì BVN trường kỳ mai phục, chuẩn bị sẵn sàng hành động ở NVN, nên ngay từ năm 1955, BVN đề nghị với NVN họp hội nghị để tổ chức tổng tuyển cử, thống nhứt đất nước, mà BVN cho rằng do hiệp định Genève quy định, nhưng bị NVN từ chối, vì NVN cho rằng QGVN đã không ký vào hiệp định Genève. Bắc Việt Nam còn đề nghị nhiều lần sau đó, cũng đều bị NVN từ chối.

Thật ra, hiệp định Genève không liên hệ đến việc tổng tuyển cử, không có điều khoản nào đề cập đến việc tổng tuyển cử, mà chỉ là hiệp định đình chỉ chiến sự, chấm dứt chiến tranh. Sau khi hiệp định Genève được ký kết vào tối 20-7-1954, các phái đoàn họp tiếp vào ngày 21-7-1954, đưa ra bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương”.

Bản tuyên bố (déclaration) gồm 13 điều; trong đó quan trọng nhứt là điều 7, ghi rằng: “Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những sự tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín. Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý nguyện, cuộc Tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20-7-1955 những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó.” (Thế Nguyên, Diễm Châu, Đoàn Tường, Đông Dương 1945-1973, Sài Gòn: Trình Bày, 1973, tr. 53.) (Vào google đọc bản chữ Pháp: Déclaration finale de la conférence de Genève en 1954.)

Khi được hỏi ý kiến, các phái đoàn tham dự đều trả lời miệng, chứ không có phái đoàn nào ký tên vào bản tuyên bố nầy. Bản tuyên bố không có chữ ký không phải là một hiệp ước, không có tính cách cưỡng hành, mà chỉ có tính cách khuyến cáo hay đề nghị mà thôi. Phái đoàn QGVN và phái đoàn Hoa Kỳ không ký vào hiệp định Genève ngày 20-7-1954 và cũng không ký vào bản “Tuyên bố cuối cùng …” ngày 21-7-1954. Phái đoàn QGVN và Hoa Kỳ chỉ đưa ra tuyên bố riêng để minh định lập trường của chính phủ mình.

Nói cách khác, cả hai bên Bắc và Nam Việt Nam đều không bị bắt buộc phải thi hành lời khuyến cáo hay đề nghị trong bản tuyên bố không chữ ký. Vì vậy, VNCH có quyền từ chối đề nghị tổng tuyển cử mà không thể kết luận rằng VNCH không thi hành hay vi phạm hiệp định Genève 20-7-1954.

Khi NVN từ chối đề nghị tổng tuyển cử do BVN đưa ra, thì BVN hô hoán lên rằng NVN vi phạm hiệp định Genève, trong khi đó BVN đã vi phạm trước, vì BVN đã chôn giấu võ khí, cài cán bộ ở lại NVN từ 1954. Bắc Việt Nam tổ chức Đại hội đảng LĐ lần thứ III tại Hà Nội từ 5 đến 10-9-1960, đưa ra hai mục tiêu là “xây dựng BVN tiến lên xã hội chủ nghĩa và giải phóng NVN bằng võ lực”.

Khai mạc Đại hội III đảng LĐ tại Hà Nội ngày 5-9-1960, HCM nhấn mạnh: “Ngày nào chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ-Diệm, thì nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon, ngủ yên. Bởi vậy không thể nào tách rời cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, thống nhất nước nhà với cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.”( Hồ Chí Minh toàn tập tập 10 1960-1962, Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, xuất bản lần thứ hai, 2000, tr. 200.)

Trong phần kết luận bài phát biểu nầy, HCM tiếp: “Hiện nay, đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống Mỹ…” (Hố Chí Minh, sđd. tr.319.)

Đáng chú ý, suốt bản báo cáo, HCM luôn nhấn mạnh đến chuyện chống Mỹ, và kết luận “mọi việc của ta đều nhằm chống Mỹ”.

KẾT LUẬN

Vào cuối thế chiến thứ hai, HCM và đảng CSVN hợp tác với OSS là một tổ chức tình báo Mỹ, nhờ OSS huấn luyện và trang bị những phương tiện thông tin cần thiết. Sau đó, tuy chưa có gì va chạm, nhưng vì Mỹ không muốn làm mất lòng Pháp ở Đông Dương, nên Mỹ rút các toán OSS ra khỏi Việt Nam. Trong cuộc chiến 1946-1954, HCM hầu như không đả động gì đến việc chống Mỹ.

Bất ngờ, sau hội nghị Liễu Châu (Quảng Tây) với CÂL vào đầu tháng 7-1954, HCM đưa ra chủ trương chống Mỹ mạnh mẽ. Nói trắng ra, phải chăng chính HCM vâng lệnh CÂL tại hội nghị nầy, nên khi về nước, HCM triệu tập liền hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương đảng LĐ khóa II ngày 15-7-1954, để phổ biến ngay chủ trương chống “đế quốc” Mỹ?

Sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, đảng LĐ phải tốn một thời gian ổn định BVN, quốc doanh toàn bộ công thương nghiệp thành phố, cải cách ruộng đất để làm chủ nông thôn, triệt tiêu tất cả những phản kháng của giới trí thức và văn nghệ sĩ. Sau những chiến dịch nầy, đảng LĐ tức đảng CSĐD nắm vững BVN trong khuôn khổ độc tài toàn trị CS, liền nghĩ đến chuyện NVN.

Đảng LĐ tổ chức Đại hội III từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960 để phát động chiến tranh tấn công NVN, đưa ra hai chiêu bài chiến lược song song là “giải phóng miền Nam” và “chống Mỹ cứu nước”.

Thực ra, ngay từ 1954, trước khi ký kết hiệp định Genève, tại Liễu Châu, CSVN đã cho thấy tham vọng tấn công NVN nhằm thống trị toàn bộ đất nước chứ không phải “giải phóng miền Nam”.

Còn HCM chủ trương ” mọi việc của ta đều nhằm chống Mỹ” là HCM làm theo lời MTĐ đã từng nói là nếu CSVN “giải tỏa được mối đe dọa của bọn xâm lược, đó là Việt Nam giúp Trung Quốc.” (La Quý Ba trích dẫn, “Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản”, trong Hồi ký của những người trong cuộc, sđd. tr. 27).

Như thế, CVSN chống Mỹ không phải để cứu nước Việt, mà để cứu Tàu, theo yêu cầu của Tàu, vì lợi ích của Tàu. Chính vì vậy mà Lê Duẩn, bí thư thứ nhứt đảng LĐ từ năm 1960, đã nhận: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc.” Lời của Lê Duẩn là niềm hãnh diện của CSVN, được viết thành biểu ngữ khá lớn treo ngay trước nhà thờ Lê Duẩn ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Niềm hãnh diện nầy cho thấy sự nghiệp “giải phóng miền Nam”, “chống Mỹ cứu nước” của HCM và CSVN nằm trong kế hoạch “tự Hán hóa” (autochinization / autochinalization) của CSVN, nghĩa là không phải Tàu khựa áp đặt nền đô hộ tại Việt Nam, mà CSVN tự nguyện Hán hóa Việt Nam dưới sự đô hộ của Tàu khựa.

Cộng sản Việt Nam phản quốc đến thế là cùng. Tồi tệ nhứt trong lịch sử nước nhà! (Trích Lịch sử sẽ phán xét, xuất bản tháng 6-2016.)

Toronto, 28-2-2016

© Trần Gia Phụng

© Đàn Chim Việt

 

117 Phản hồi cho “Chống Mỹ cứu nước nào?”

  1. Dao Cong Khai says:

    Tui là cái thằng ngày xưa mê môn Việt Sử và rất tự hào với những anh hung` chống Tàu, chống Pháp trong lịch sử VN; vì cái tinh than yêu nước đó nên đời tôi đã lụi bại từ khi từ chối không đi di tản qua Mỹ với người ta hồi năm 1975. Yêu nước thì tốt, nhưng yêu nước cái kiểu như tôi hồi đó thì bây giờ nghĩ lại mình that là … ngốc. Và nếu so sánh cái yêu nước của tôi với mấy đồng chí VC chui rúc trong rừng Trường Sơn chống Mỹ thì xã hội VN ngày nay họ so sánh thấy tôi không có gì đáng so sánh với các đồng chí đó.

    Yêu nước cỡ như tôi hồi đó, không chịu theo Mỹ để liếm bơ sữa là một thứ ngốc rồi; còn cái thứ yêu nước dám chui vào rừng Trường Sơn để mà bắn máy bay B52 Mỹ thì tôi phải bái phục là loại yêu nước cỡ sư phụ mình. Yêu nước khơi khơi đã là cái ngốc rồi, sư phụ của thằng yêu nước thì nó phải ngốc cỡ sư phụ của tôi thời đó nữa.

    Bây giờ ôn lại những chương lịch sử, cái lịch sử ngày xưa mình học và mình kiêu hãnh và phấn khởi, càng nghĩ càng thấy nhiều người ngốc quá. Có khi họ sẵn sang` chết cho một thằng vua vừa độc tài vừa tàn ác mà họ vẫn hài long`. TẤT CẢ CŨNG CHỈ VÌ “LÒNG YÊU NƯỚC”. Từ cái gọi là yêu nước đó, họ ca ngợi những hành vi gian ác, man rợ và phi nhân.

    “Cách mạng VN” nhiều khi nghĩ lại thấy mấy chữ đó đáng mỉa mai. Trong suốt chiều dài của Việt Sử cận đại tôi chỉ thấy có vài nhóm ái quốc là đáng để tôn trọng (không bàn tới cái thời kỳ VN cổ đại, thời dựng nước và chống giặc phương Bắc để trường tồn; giai đoạn đó tôi miễn phê bình. Chỉ phê bình giai đoạn từ thời Hậu Lê trở về sau khi người Việt không bị de doạ nhiều nữa mà họ chỉ lo giết nhau để tranh giành ngôi báu).

    Xét lại chỉ thấy có những anh hùng ẩn dật như Nguyễn Bình Khiêm, Nguyễn Du… tử quan về hưu như Nguyễn Trãi… là đáng cho chúng ta kính trọng.Rất nhiều anh hung chống Pháp trong lịch sử bây giờ chúng ta cần đặt lại dấu hỏi. Có những người xứng đáng như Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái… nhưng có nhiều nhóm chống Pháp chúng ta cần phải nghiên cứu lại. Đặc biệt là PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG. Nội cái tên của nhóm đó là thấy đặc sệt mùi vụ phong kiến và độc tài, tàn ác rồi.

    Anh hu`ng, cách mạng, hay là chống xâm lăng không có nghĩa là ai cũng tốt. Có những kẻ chống xâm lăng vì mục đích riêng của họ, họ muốn xây dung một chế độ độc tài cho riêng gia đình going họ của họ, hoặc họ luyến tiếc cái chức vụ làm quan ngày xưa bóc lột dân chúng nên họ kháng chiến để khôi phục lại cái ngôi vị có thể bóc lột người dân của họ. Hoặc họ kháng chiến chống xâm lăng để xây dựng một chế độ độc tài đảng trị, tước đoạt hết quyền tự do, nhân phẩm và tương lai của mọi người dân như hiện nay ở VN.

    Nói tóm lại, bây giờ nhìn lại lịch sử ta thấy bao nhiêu công lao chống thực dân Pháp của nhân dân VN đều đổ xuống so^ng hết; chẳng giúp gì cho dân VN cả mà ngược lại nó còn gây ra đại hoạ như hiện nay cho dân VN. Phải chi không có ai nổi dậy chống Pháp thì chắc chắn dân VN đâu có đau khổ, điêu linh và lạc hậu như hơn 1 thế kỷ qua và nổi bật là cái lạc hậu ngu ngốc như ngày nay.

    Những người làm cách mạng chống xâm lăng thương dân thì it, và họ sớm bị cái đám cách mạng đầu trâu mặt ngựa tiêu die^t để cho dân VN phải đau khổ như ngày nay. Thoát ra khỏi được cái đất nước kinh khủng đó, bây giờ nghĩ lại mấy chữ yêu nước mà thấy ghê tởm. Tôi chưa them` bàn tới chuyện chống Mỹ cứu nước; tôi chỉ cần bàn với mấy đồng chí kháng chiến chống Pháp, giờ này mấy đồng chí đó vẫn nghĩ rang mình tài giỏi và yêu nước lắm, nhưng bị mấy thằng VC ranh con nó phá hoại cái truyền thong yêu nước của họ. Các đồng chí chống Pháp phải hiểu rang bọn VC cầm quyền hiện nay là con đẻ của cái truyền thong chống Pháp của các đồng chí; không có sự ngu xuẩn của các đồng chí thì làm sao thế hệ VC chống Mỹ và bọn cai trị ngày nay nó phi nhân và phản dân như thế. Chính các đồng chí là những kẻ man rợ và phi nhân trước tiên.

  2. qdnb says:

    tonydo noi’:
    “Thể theo yêu cầu của nhiều vị Trưởng Thượng, đặc biệt là đàn anh Tudo.com, em sẽ chuẩn bị một bài viết thật rõ ràng, đầy đủ để chỉ cho nguoimienNam những đường cơ lả lướt về xã hội loài người.
    Người miền Nam vốn thật thà, thấy sao nói vậy. Thấy Cộng Sản để dân đói, bảo nó cà chớn. Thấy Tư Bản cho dân chơi iphone 6 plus, bảo nó tài.
    Chỉ cần hỏi nguoimienNam một câu ngắn gọn, nếu trả lời cho ra hồn, tớ sẽ viết một lesson dài cho bạn hiểu:
    Hỏi:
    (Nếu không có nước Mỹ, liệu thế giới hôm nay có chơi theo Dân Chủ-Dân quyền như hiện nay, hay đang loạn cào cào, đập nhau lung tung khắp ngả?)
    (Và nếu nước Mỹ không được Thượng Đế đặt để vào cái mảnh đất “Trời cho” ngon lành, màu mở như hiện nay thì ai đã và đang làm đại ca thế giới?)
    (Và như thế, liệu có Đại Hàn, Nhật Bổn, Nam Hàn, Singapore, Đài Loan và….ngay cả Châu Âu không?)
    Nếu Mạc Chủ Nhiệm còn để bài này, mình sẽ dạy bạn nguoimienNam thế nào là sự sắp đặt tuyệt vời của Tạo Hóa cho muôn loài trên cái hành tinh xanh này.
    Kính cám ơn! (học từ lính thủy đánh bộ Nguyễn Ngọc Lập, người đã cắm cờ Vàng ba Sọc Đỏ trên cổ thành Quảng Trị).”
    (hết trích)

    Thôi đi anh Vẹm, ai học làm chó gì cái học từ những anh Vẹm i tờ rít, các anh có giỏi thì đã chẳng chết đói chết khát, chẳng phải chạy theo đế quốc kiếm tí bơ thừa sữa cặn
    Đã mọi rợ, u mê cuồng tín còn đòi dậy ai? anh về mà dậy bác đảng nhà anh nhá anh Vẹm To Nỳ Hồ Đồ , trện diễn đàn DCV ai chẳng biết cái bản mặt Vẹm của anh?

  3. khoTu says:

    Lòng “nguội lạnh” từ đã lâu đối với các trang chính trị nên rất ít tham gia, rảnh giờ thì vào bar kiếm chai bia giải nhiệt ngắm các em múa cột cho “lòng nó thanh thản” , hôm nay vô tình tạt vào DCV thấy các “đỉnh cao trí tuệ” nói về vấn đề “cống” tàu nó cứ chỏi nhau chan chát như đang chửi bố lẫn nhau nên viết comment này để quý cụ xem đánh giá xem các “đỉnh cao” nói như thế nào về cùng một vấn đề.

    Trước đây có một anh có ông bố làm bí thư cho ông kụ, sau đó ông kụ cho cả bố lẫn con vào khách sạn Hilton Hanoi nằm chơi, anh ta nổi khùng viết hồi ký “ban ngày cũng tối thui” chửi bới lung tung, tuy nhiên trong chương 19 anh ta bênh vực cho ông kụ về hành động ký hiệp định 6-3-1946 rước Pháp quay trở lại VN lả khôn ngoan với lý do ông kụ thà hửi “rắm” Pháp hơn hửi “rắm” tàu, nguyên văn như sau:

    “Trong hoàn cảnh ấy, Hồ Chí Minh đã đi một nước cờ táo bạo – ký Hiệp định 6.3.1946, thỏa thuận cho các lực lượng viễn chinh Pháp vào thay thế các lực lượng Ðồng Minh. Cần phải thoát khỏi ngay lập tức đám ma đói từ bên Tàu, lực lượng thổ phỉ này bất cứ lúc nào cũng có thể biến thành một trận hồng thủy từ phương Bắc tràn xuống. Lấy bọn xâm lược rành rành đẩy bọn xâm lược giấu mặt ra ngoài, tranh thủ thời gian để bước vào cuộc kháng chiến không thể tránh né.
    Những lực lượng chống Việt Minh la ó :”Hồ Chí Minh bán nước ! Hồ Chí Minh là tay sai cho ngoại bang !”.
    Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thề trước đồng bào rằng ông không bán nước. Bài toán Hồ Chí Minh giải không phải mọi người đều hiểu. Nước Pháp vừa thoát khỏi cuộc chiếm đóng của Ðức trong Thế chiến còn yếu, còn nghèo, lại ở xa, sẽ là kẻ thù dễ chịu hơn nhiều so với kẻ thù đông đúc ở sát nách. ”

    Bây giờ thì “kẻ thù đông đúc ở sát nách” cũng có thể “biến thành một trận hồng thủy từ phương Bắc tràn xuống” bất cứ lúc nào thì lại thấy một “đỉnh cao trí tuệ” khác ca tụng hành động bắt tay với “đám ma đói từ bên Tàu” của Đ.M, nguyễn văn Linh… là sự khôn ngoan của “bác và đảng”.

    Viết đến đây nghĩ lại thấy thật là “đéo hiểu” và cũng “đéo biết” là ông kụ và các đỉnh cao khôn ngoan hay ngu đần nữa!!

    • Quang Phan says:

      Sau năm 75, không còn quân đội và cố vấn của Trung- Xô giúp đỡ nữa thì Quân Đội Nhân Dân VN đã lộ nguyên hình là đoàn quân binh bại, tướng tồi . Năm 88, bị láng giềng nhỏ xíu Kampuchea đánh phải ôm đầu máu rút về , bộ đội chết và bị thương hàng trăm ngàn . Năm 84, choảng nhau với Trung quốc mất toi Lão Sơn .

      Táng đởm kinh hồn, thế cho nên, năm 88 ở Gạc Ma, Quân Đội Nhân Dân VN đành đứng im chịu trận, không dám chọc giận bọn đế quốc bằng cách bắn trả, kết cục, 69 tên làm bia thịt cho súng phòng không Trung quốc thoải mái nhả đạn. Thế còn hơn để chúng nã pháo bắn hoả tiễn giết đi năm, sáu chục ngàn bộ đội như ở các trận đánh Biên Giới lúc trước . Năm 2014, ở Hoàng sa, Quân Đội Nhân Dân VN nghĩ ra dùng kế sách của Câu Tiễn nuốt nhục để cho bọn Trung quốc đái lên đầu lên mặt, mua lấy hai chữ bình an.

      Hèn tướng, hèn binh như vậy ! Thôi thì đành chờ cho bọn đế quốc nó liếm dần lãnh thổ, theo đúng như thoả thuận Thành Đô . Chớ biết sao bây giờ ?!

Leave a Reply to khoTu