Chuyện ở quê
Tôi về đến quê đã năm giờ chiều, nhưng cái nắng quái tháng năm còn rọi vào mặt rát bỏng. Con đường làng lởm chởm đá và nhựa đường lẫn lộn đang làm dở dang, bốc hơi nóng hầm hập. Bên đường những ngôi nhà mới xây như những lô cốt thời Pháp thuộc. Trên mái, người ta dựng thêm những khối bê tông mang hình thù kỳ quái, đua nhau trổ ra phía trước. Cái như hàm cá mập, cái như tháp chuông mang dáng dấp quê hương ông Binladen.
Dưới sông, nước đặc quánh một mầu đen, tanh, nồng như đập vào mặt. Những cây bàng trữu quả, những khóm tre xanh mướt rủ bóng ven sông đã được thay bằng những cột điện bê tông và những quảng cáo dịch vụ karaoke, cắt tóc làm đầu, áo ngắn áo dài….
Vào đến đầu làng tiếng hát karaoke nghe the thé như chửi nhau, máy hàng nào cũng mở hết công suất, dường như con gà nào cũng muốn tiếng gáy của mình to hơn. Trước quán từng tốp trai làng đầu trọc lốc, da xám bủng, ở trần để lộ ra những nốt kim tiêm chằng chịt, họ đang cờ bạc xát phạt nhau.
Thấy người lạ, cả đám ngước nhìn với ánh mắt cảnh giác, nhưng không che lấp được cái dài dại, vô hồn.
Nhà ông anh họ tôi nằm sâu trong một ngõ nhỏ (tiếng quê tôi gọi là dong). Cũng đến dăm, sáu năm tôi không về thăm quê, nhưng nhà anh không có gì thay đổi, vẫn hàng rào hoa râm bụt quanh nhà. Trước nhà giàn mướp xanh rờn làm dịu đi cái không khí oi nồng. Thấy cổng cài chặt, tôi cất tiếng gọi, một lúc sau thấy chị dâu tôi từ đầu hồi nhà đi ra,quần ống thấp ống cao, hai tay chùi chùi vào vạt áo. Sững người một lát, chị mới nhận ra tôi:
- Trời ơi! Chú về nước khi nào, sao không báo trước cho anh chị?
- Em mới về tuần trước, hôm nay mới về thăm quê và anh chị được. Còn anh đâu?
- Chuyện của cháu Sơn chắc các cô, các chú ở Hà Nội đã kể cho chú, tội cho cháu lắm chú ạ. Còn anh, cứ vài tháng lại mang chồng đơn đi khắp nơi kiện cáo, đòi hỏi quyền lợi và danh dự cho cháu. Nhưng có ăn thua gì đâu chú, họ nhận đơn và hứa, rồi để đấy. Cùng đồng chí, đồng đội với nhau sao mà họ sống thất đức thế không biết. Chị cũng khuyên anh chú, kiện tụng làm gì cho tốn tiền tốn sức, nhưng anh không chịu, sáng nay lại vác chồng đơn lên Hà nội đấy. Biết chú đang ở đây, thế nào tối cũng về.
- Còn cháu Sơn bây giờ thế nào rồi?
- Bây giờ đã khá hơn, cơn nghiện cũng thưa hơn, khi lên cơn cũng ngắn và đỡ vật vã hơn mấy tháng trước. Thấy cháu quyết tâm cai nghiện, anh xây cho cháu một cái cũi, cháu ở đó,tự cai,và cách ly với bên ngoài.
Tôi theo chị vòng ra chái sau nhà, nơi có chiếc cũi cùm ông cháu nguyên là sĩ quan công an nhân dân. Lúc này, cơn đói thuốc đang hành ông cháu. Người ông cháu vật đi vật lại, lúc xấp lúc ngửa, lúc thì ưỡn cong lên như con cá đang ở trên thớt dưới tay thợ mổ vậy. Lần cuối tôi gặp cháu cách nay sáu năm, ối giời đất ơi! Trông nó cứ như diễn viên Hàn Quốc ấy (đây là từ dùng của người dân trong nước). Bây giờ không thể tưởng tượng nổi, nó gầy đét như con cá khô. Da nó chằng chịt sẹo, nổi vảy lên như da cóc. Hai mắt nó lồi ra trắng dã. Miệng nó méo xệch đi,dãi dễu tuôn ra nhầy nhậy (xin lỗi) như dãi chó.
Chân cẳng nó teo lại, đầu gối lủng lẳng trông như giỏ cua đồng, đập xuống nền xi măng toét cả ra. Hai tay nó bấu chặt vào thành cũi, răng nó cắn chặt vào chiếc gối đã nát bươm. Nó đang cố gồng người lên để chịu đựng. Mẹ nó đưa tay gài thêm một chốt cửa cũi nữa cho chắc, rồi chạy ra bụi chuối sau nhà lau nước mắt. Một lúc sau tôi thấy mắt nó lim dim, có lẽ nó đang từ từ hạ nhiệt. Nó đã tỉnh sau khi uống cạn bát nước mẹ nó vừa đưa cho. Nhận ra tôi,nó hỏi:
- Chú có còn nhận ra cháu không?
Qủa thật tôi cũng không kìm được nước mắt:
- Cố gắng chịu đựng cháu ạ, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn lên. Cháu có thế ra ngoài một chút không?
Nó lắc đầu:
- Chú cứ để cho cháu ở trong này, khi nào thật sự khỏi cháu mới ra ngoài.
Sau khi tốt nghiệp đại học cảnh sát, nó được điều về phòng cảnh sát phòng chống ma tuý công an của một tỉnh biên giới. Sau mấy tháng tập sự, nó đã quen dần với công việc. Một hôm nó đang cùng đồng đội theo dõi vụ buôn bán thuốc lắc ở một nhà hàng, nhận được tin nhắn về gặp trưởng phòng gấp.
Không kịp ngồi xuống nghế, trưởng phòng vào đề ngay:
- Chúng ta và bộ đội biên phòng, đang theo dõi đường dây buôn bán hàng trắng qua biên giới. Đối tượng có cả người nước ngoài, nên hoạt động của chúng rất tinh vi. Chúng đã nhiều lần qua mặt chúng ta. Tôi đã bàn bạc với bên bộ đội biên phòng, chỉ còn cách cài người của ta vào, mới có thể bóc dỡ được đường dây này. Khi ý tưởng này được đưa ra tôi đã nghĩ ngay đến cậu. Cậu có nhiều lợi thế, hình thức cậu giống như con nhà giầu có,biết ngoại ngữ, cái chính là cậu mới về phòng, nên bọn tội phạm chưa biết mặt . Tôi biết nhiệm vụ này rất nguy hiểm, có thể đổi cả mạng sống. Nhưng chúng ta đã hết cách. Cậu suy nghĩ kỹ, ngày mai trả lời tôi cũng được.
Suy nghĩ một lát, nó trả lời cương quyết:
- Em nhận nhiệm vụ , trong thời gian này có lẽ không được phép liên lạc với gia đình, xin anh báo tin cho bố mẹ em ở quê.
- Điều đó cậu yên tâm, chúng tôi sẽ có trách nhiệm với gia đình. Bây giờ cậu có thể nghỉ đến hết tuần, và được lĩnh trước sáu tháng lương, tuần sau đến nhận nhiệm vụ cụ thể.
Từ đây nó trở thành diễn viên, nhưng không phải diễn trên sân khấu hay kịch trường, nó phải diễn ngoài đời, sơ xảy một chút sẽ trả giá bằng mạng sống của mình. Một kịch bản mà nó chưa bao giờ được đọc.
Một tháng rong chơi thâu đêm suốt sáng, cũng đủ làm nó nổi tiếng ở cái thành phố bé tẹo miền biên ải này. Nó qua mặt được nhiều bạn bè nghiện hút, nhờ cái tài diễn của nó. Sau mấy tháng theo bạn bè vận chuyển những chuyến hàng nhỏ qua vùng biên, bằng tài năng và khéo léo nó đã tạo được lòng tin với tên trùm người dântộc, nhưng rất ranh ma, xảo quyệt. Mục đích tiếp cận tên trùm này nó đã đạt được. Nhưng để được làm một chân rết trong đường dây của y, quả là vấn đề vô cùng khó khăn đối với nó. Phải đến gần một năm sau nó cũng làm được, và trở thành tay chân tin cần của tên trùm. Nó đã nắm được toàn bộ đường dây của tổ chức này, tin tức nhanh chóng được chuyển về cho ban chuyên án. Kết quả càng đến gần bao nhiêu, nó càng phải diễn thật bấy nhiêu. Giữa cái sống và chết, nhiệm vụ có hoàn thành hay không? Hết đường lựa chọn,nên nó phải hút, phải hít, phải chích phải choác, phải gái, phải gú, như bao thằng buôn bán hàng trắng khác.
Vụ án rồi cũng được khép lại, chính tay nó đã bắt tên trùm ma tuý. Mãi sau này mỗi khi tỉnh thuốc, nó cứ nghe văng vẳng câu nói cuối của tên trùm, làm nó rờn rợn:
- Thì ra mày là cảnh sát. Mày sẽ phải trả giá.
Cả đơn vị chỉ có vài người biết mặt nó, nhưng cái tên Sơn nghiện có lẽ cả sở công an đều biết. Một đơn vị chống ma tuý mà lại có sỹ quan nghiện ma tuý. Không thể để người kém phẩm chất, tu dưỡng đạo đức như vậy ở đơn vị. Người ta còn đồn ầm lên rằng, nó còn dính cả sida nữa. Nhiều kẻ độc mồm độc miệng còn rủa nó:
- Ăn chơi chác táng cho lắm vào, chết là phải, phải tống nó ra khỏi ngành.
Hôm người trưởng phòng đọc quyết định tước quân tịch và đuổi nó về địa phương, nó hét lên, phản đối:
- Các anh là đồ lừa đảo, vì sao tôi ra nông nỗi này? lương tâm của các anh bị…
Nó định nói nữa, nhưng mồm nó đã méo xệch đi, lưỡi rụt lại,mắt trợn lên,bọt mép sùi ra,cơn nghiện lại bắt đầu hành nó. Hai người đồng chí ấn tờ quyết định vào túi áo của nó, xốc nách, kéo nó ra khỏi cơ quan…
Nghe đâu hôm tổng kết vụ án, người ta làm to lắm, đầy đủ các ông bà lớn trong tỉnh,và các quan của bộ. Những huân huy chương đã nêu bật thành tích chiến công của những người phá án. Nhưng không một ai nhắc đến nó. Gìơ này có lẽ nó đang vật vờ vã thuốc ở nơi nào đó.
Lít rượu đế đã vơi quá nửa, chị tiếp thêm cho anh em tôi đĩa cua đồng om thơm phức và bảo:
- Chị biết đây là món chú thích, cố mà ăn, lần sau chú về chắc là không còn nữa đâu. Đất nông nghiệp họ lấy cho nước ngoài thuê hết rồi. Anh chị còn vài sào ruộng, họ cứ ép phải bán, nhưng anh không chịu, có lẽ kỳ này cũng phải bán thôi, họ mua hết ruộng ngoài, và lấp các mương dẫn nước, ruộng nhà thành sa mạc. Hơn nữa anh chị cũng cần tiền thuốc thang cho cháu.
Ông anh tôi ngồi bó gối trầm ngâm, thi thoảng thở dài, trách móc:
- Biết ngày đó nghe chú, cho cháu nó vào học các ngành khoa học thì đâu có kết quả như hôm nay. Tôi cứ tưởng cháu trở thành công an sẽ tránh xa được những cám dỗ nghiện ngập như những thanh niên ở làng này. Không ngờ, chúng nó vắt chanh bỏ vỏ, cạn tình ráo máng như vậy.
- Anh nghĩ như vậy là rất đúng, em trong hoàn cảnh anh có lẽ cũng làm như vậy. Cháu còn trẻ và có nghị lực, năm sau nếu cháu khỏi hẳn, anh chị nên cho cháu học và thi lại. Nếu cháu không đỗ đại học, em có thể gửi cháu học trung cấp nghề ở chỗ anh bạn em.
- Vợ chồng tôi bằng mọi giá phải cai nghiện cho cháu, cố gắng động viên cháu làm lại từ đầu. Sau này cháu có đi học ở đâu vợ chồng tôi cũng đi theo, có bán nhà, đi ở thuê, làm mướn cho người ta cũng được. Chứ để cháu quanh quẩn ở làng này rồi trước sau cũng nghiện lại. Vào làng này chú thấy rồi, cả làng bán đất bán ruộng, thanh niên chơi bời cờ bạc. Hết tiền rủ nhau đi đào vàng, vàng đâu chẳng thấy chỉ thấy mang nghiện hút, đĩ điếm về làng. Loạn, loạn hết rồi chú ạ…
Trời đã về khuya, không khí đỡ ngột ngạt hơn, nhưng tiếng hát karaoke vẫn nỉ non vọng lại. Ngoài đường cái, tiếng chửi rủa, đuổi đánh nhau của lũ trai làng ình ịch như thời loạn. Ông anh tôi bảo, tối nào cũng ầm ĩ vậy. Lúc sau gió nổi lên, dường như có một cơn mưa, giông đang đến gần.
3-4- 2010
© Đỗ Trường
© Đàn Chim Việt
.
vn ngay nay la the