WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

“Ru” và thân phận di dân

Trang bìa của "Ru"- ấn bản Ba Lan.

Sảnh khách sạn 4 sao Sheraton rất rộng rãi và bài trí sang trọng, nhưng Kim Thúy nhất định kéo nhóm chúng tôi lên phòng, vì ở đó “thích hơn, thoải mái hơn”. Chị vừa đặt chân tới Ba Lan ít phút trước, theo lời mời của nhà xuất bản “Drzewo Babel” nhân dịp ra mắt cuốn “Ru” bằng tiếng Ba Lan.

Trái ngược với những mẩu ký ức buồn trong “Ru”, tác giả của nó là một phụ nữ rất sôi động và hay cười. Kim Thúy lúc nghiêng bên này, lúc ngả về bên kia và dùng cả 2 tay để diễn tả lại quá trình viết văn của mình, để bù vào những chỗ mà vốn tiếng Việt còn thiếu. Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi thân tình và tràn ngập tiếng cười, giống như những bạn bè cũ lâu ngày gặp nhau hơn là một nhóm báo chí tới phỏng vấn.

Tình cờ thành nhà văn

Cứ 5 năm Kim Thúy đổi nghề một lần. Không hẳn vì chị đã chán nghề cũ mà – theo chị giải thích- cuộc sống đưa đẩy tới lúc phải chuyển sang làm nghề khác mà “chẳng biết tại sao nữa”. Từ luật sư Kim Thúy làm phiên dịch, rồi bỗng dưng mở nhà hàng dù “không biết nấu ăn đâu”. Chị kể, “lúc bấy giờ có 2 con, nghề luật phải đi nhiều lắm nên cứ nghĩ làm nhà hàng nhàn hơn và được gần con, ai ngờ cực quá.” Nhà hàng của Thúy mỗi ngày chỉ nấu độc một món, ai tới cũng phải ăn món đó, cô chủ Kim Thúy thì “thẹo tùm lum cả 2 tay” vì bỏng. “Cái bếp lò dành cho người 1m80 nhưng Thúy chỉ cao 1m50 nên đụng hoài”…

Vậy là nhà hàng đóng cửa. Thúy quyết định ngồi nhà 1 tháng để suy nghĩ chín chắn trước khi bắt đầu một công việc khác. Ngồi buồn, nên Thúy viết chơi, mỗi ngày một đoạn, chắp lại những mảnh hồi ức của một cô bé 10 tuổi theo gia đình vượt biên. Lúc được chừng 20 trang, một anh bạn tới chơi, đọc qua và nói sẽ đem tới nhà xuất bản. Lúc đó, Kim Thúy vẫn không nghĩ là mình sẽ viết nổi một cuốn sách.

Thời gian ngồi nhà để suy nghĩ kéo dài vài tháng và cuốn sách ra đời. Nói đúng ra nó là tập bản thảo mà Thúy không nghĩ nó có giá trị gì. Người bạn ôm tới cái máy in và “cả 2 hì hục in ra 1 bản“.

Nhà xuất bản ngay lập tức đồng ý và tới lúc đó chị mới đặt cho nó một cái tên. “Ru” tiếng Pháp là một con suối nhỏ, tiếng Việt là lời ru, lời ru của mẹ. Thúy muốn cuốn sách nhỏ của mình giống như một lời ru hay một dòng suối róc rách. “Ru” không phải là câu chuyện rành mạch với thứ tự thời gian, không gian và cũng không được kể theo lối kể chuyện thông thường. Đó là những mảnh chắp vá của một ký ức xen lẫn hiện tại, một cách kể chuyện có vẻ rất tùy hứng nhưng lại theo một logic riêng của nó. Logic đó được tác giả giải thích: “Mỗi lần ngồi vào viết, Thúy thường đọc lại những phần trước và thấy phải tiếp tục thế này, chứ không phải thế khác. Rồi đến một hôm thấy, cuốn sách đến đó là hết…”.

Sẽ có người đọc cảm thấy hụt hẫng khi cuốn sách kết thúc, dường như tác giả phải viết thêm một tập khác nữa hay một phần tiếp để câu chuyện đầy đủ hơn. Nhưng Thúy cho rằng, lời ru của mình chỉ đến đó thôi, nó thoang thoảng, nhẹ nhàng như cơn gió.

Cùng Kim Thúy (áo đỏ) trong phòng khách sạn tại Warsaw

Phi chính trị

Thỉnh thoảng, đâu đó trên đường phố Quebec hay Toronto, một người Việt Nam không quen biết túm lấy Thúy để chia sẻ hay kể lể chuyện gì đó. Họ tìm thấy hình ảnh của mình, câu chuyện của mình hay một kỉ niệm na ná như mình trong “Ru”. Hàng trăm ngàn thuyền nhân đã vượt biển trong thập niên 70 và 80 của thế kỉ trước, ai cũng có thể tìm thấy hình bóng của mình ở “Ru”.

Nhưng cuốn sách không mang thông điệp chính trị và “không đứng về phía bên này hay phía bên kia”, dù ngay phần mở đầu sách nói, tất cả những người ra đi đều chung một nỗi sợ cộng sản. “Ru” của Thúy đứng ở giữa, nói đúng hơn, nó là ký ức phi chính trị của một cô gái nhỏ.

Nhưng vì thế cũng có thể ”Ru” sẽ không được cả 2 phía người Việt đón nhận. Cộng đồng người Việt Canada đã có những người “đánh tiếng” tới tác giả với lời trách cứ tại sao không chống cộng sản, không kết tội cộng sản, không lên án chế độ. Nhưng cũng có người hiểu và muốn trao giải thưởng cho Thúy.

Ngược lại, Việt Nam cũng không muốn có “Ru”, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Khi một tấm bia tưởng niệm thuyền nhân ở nơi xa xăm nào đó còn bị đập bỏ thì một cuốn như “Ru” là điều chế độ không thích. Nhưng cũng có những tín hiệu nhất định. Thúy cho biết, sau khi đại sứ quán Canada ở Hà Nội tổ chức ra mắt sách, đã có người ngỏ ý muốn xuất bản nhưng với điều kiện phải cắt đi một số trang.

Sở dĩ “Ru” có một quan điểm cân bằng, không hận thù ngoài việc Thúy chỉ là một cô bé khi chiến tranh kết thúc, còn có một lý do khác nữa. Chị đã từng làm việc ở Việt Nam 5 -6 năm từ 1994 hay 1995 gì đó tới năm 2000. Thời gian 4 năm đầu Thúy làm ở Hà Nội trong vai trò luật sư theo một dự án của chính phủ Canada liên quan tới pháp luật và cải cách hành chính. Tiếp đó, chị vào lãnh sự quán Canada tại Sài Gòn làm thông dịch viên.

Thúy coi đây là một may mắn hơn người. Không phải ai vượt biên rồi cũng có thể trở về Việt Nam làm việc một thời gian dài như vậy và những năm tháng đó đã giúp chị tiếp xúc, tìm hiểu, thậm chí kết thân với những người “ở phía bên kia” chiến tuyến. Chị nhận ra rằng, cả 2 đều là nạn nhân của chiến tranh. Họ giống như những quân cờ trong bàn cờ thế giới, những quân cờ bị điều khiển bởi các thế lực lớn, các cường quốc. Miền Bắc nghĩ họ vào giải phóng miền Nam vì trong đó khổ lắm, thiếu tự do lắm, người Nam cũng chẳng biết gì về miền Bắc. Tóm lại đó là “một cuộc xung đột của hai phía không hiểu nhau”. Rồi Thúy cười lớn, “có thể sang Mỹ, Thúy sẽ bị cộng đồng bên đó bắn mất”.

Vượt biên xưa và nay

“Ru” là câu chuyện của người vượt biên, nói đúng ra là thân phận nhỏ bé của họ. ‘Cơn gió thoảng’ mà Thúy đưa tới khiến nhiều người rơi lệ.

Cả trăm người đủ mọi lứa tuổi bị lèn chặt cứng trong khoang chiếc tầu cũ, ranh giới giữa cái chết và sự sống, giữa trời và đất, giữa thiên đường và địa ngục đều ở đó. Không còn cảm giác về thời gian, khi ngày nào cũng như ngày nào. Không còn cảm giác về không gian, khi bầu trời và mặt biển lẫn vào nhau giữa một mầu xanh bất tận. Không còn cảm giác về mùi vị, ngay cả khi người ta bị người khác đái hay mửa vào… Và nơm nớp nỗi lo cướp biển, chết đói, hết dầu hay không bao giờ tới được đất liền.

Gia đình Thúy may mắn hơn rất nhiều những người đã bỏ mạng trên biển cả. Họ tới được trại tị nạn ở Malaysia và sau đó định cư tại Canada. Câu tiếng Anh duy nhất mà cô bé còn nhớ khi ở trại là “My boat number is KG0388″. Nhưng đó cũng là câu mà cô không bao giờ dùng đến vì không ai hỏi cô, họ cũng không (thèm) hỏi, cô là trai hay gái mà kéo tụt chiếc quần của cô xuống để ghi giới tính vào tờ khai. Một đứa trẻ gầy đét, xơ xác thì trai hay gái trông cũng giống như nhau!

Rồi những ngày đầu ở Quebec. Cô đã ngồi khóc cả buổi vì bị mẹ sai đi mua đường, nhưng không dám vào cửa hàng hỏi; sự nồng hậu của dân bản xứ, khi họ lùng khắp vùng để mua gói gạo mời cô tới ăn nhưng cô đã gần như nhịn đói ra về vì không biết dùng dĩa; rồi những ngày sau giờ học, mặc chiếc áo rách đi làm chui ở cánh đồng để kiếm thêm mấy đôla.v.v.

Trong ký ức của “Ru” cũng không thiếu những điều ngộ nghĩnh đến bật cười, như chuyện anh lính trẻ từ miền Bắc khi kiểm kê tài sản gia đình cô, đã kê cả những chiếc áo nịt vú viền đăng ten của phụ nữ. Rồi cha cô, ngày nay nhìn vào bức ảnh ông đang cười tươi, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra, chiếc áo len kiểu chẽn ông đã diện cả năm trời sau khi mua ở chợ hạ giá ngày mới tới Quebec là một chiếc áo đàn bà!

Câu chuyện giữa chúng tôi xoay quanh đời sống, thân phận của những người vượt biên. Đến lượt chúng tôi kể cho Thúy nghe về những mảnh đời trôi nổi ở Đông Âu, về những gian truân của họ. Mức độ có thể không bi thảm như xưa, nhưng không thiếu máu và nước mắt. Không thiếu những người chết trên đường vượt biên vì đói, rét, kiệt sức, bệnh tật hoặc ngạt thở vì bị chèn chặt trong những chiếc xe tir. Và đâu đó có những phụ nữ bị hãm hiếp, bị lạm dụng, bị đưa đẩy vào những đường dây mại dâm.v.v.

Có khác chăng những người vượt biên xưa được thế giới dang tay vì lý do chính trị. Ngày nay, người Việt ra đi không còn được chào đón nữa, thậm chí không ai muốn nhận nữa.

Nhưng vì lý do kinh tế hay chính trị thì đây đều là những con người và mảnh đời của họ, thân phận của họ thoang thoảng nét giống nhau. Cũng có thể, một phần vì lý do đó, “Ru” trở nên ‘đắt hàng’. Di dân đang là vấn đề toàn cầu nhưng chưa có nhiều tác phẩm viết về nó. Chẳng thế mà, một thành phố của Ý, nơi đang tràn ngập di cư gốc Phi muốn đem “Ru” ra để các nhân viên xã hội ở đây nghiên cứu, học hỏi và họ muốn trao một giải thưởng cho cuốn sách.

“Giải thưởng tùm lum hết, nhiều giải lắm”- Kim Thúy chia sẻ. Không ai ngờ một cuốn sách đầu tay của một người chưa bao giờ viết lách lại gặt hái thành công lớn như vậy. “Ru” đã được dịch ra 15 thứ tiếng và xuất bản ở 20 nước.

Sau thành công đầu tay, Kim Thúy viết cuốn thứ 2 cùng một người khác mà “không biết có gọi là bạn được không”. Thúy quen tác giả người Pháp kia khi cả 2 vào chung kết một giải sách ở Monaco. Hai người ngồi ăn trưa với nhau chừng một tiếng và quyết định cùng viết một cuốn sách. Cuốn sách viết chung đã xuất bản, cũng thành công không kém và đang được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Trong chiếc va li nhỏ mà chị mang theo trong hành trình chu du mấy nước châu Âu là cuốn sách thứ 3, vẫn theo lối viết, kể tùy hứng. Tuy vậy, Kim Thúy không biết, mình có trở thành hay có muốn trở thành người viết văn chuyên nghiệp không. “5 năm đổi nghề một lần, mà Thúy viết văn như vậy được 3 năm rồi đấy“- chị vui vẻ chia sẻ.

Cuốn “Ru” ấn bản tiếng Ba Lan được ra mắt cùng sự có mặt của tác giả tại nhà sách ”Wrzenie świata”, địa chỉ ul. Gałczyńskiego 7, Warszawa, vào 19 giờ ngày 27/11.

© Đàn Chim Việt

4 Phản hồi cho ““Ru” và thân phận di dân”

  1. NGUYEN AN says:

    Trích:” …
    Giải thưởng tùm lum hết, nhiều giải lắm”- Kim Thúy chia sẻ. Không ai ngờ một cuốn sách đầu tay của một người chưa bao giờ viết lách lại gặt hái thành công lớn như vậy. “Ru” đã được dịch ra 15 thứ tiếng và xuất bản ở 20 nước.”
    ——
    Là 1 người rất ủng hộ tác giả Kim Thúy với tác phẩm “RU” đầu tay, tôi không đủ ý, để viết ca ngợi đủ cho tài năng nầy!
    Có thể nói “RU” thành công như là PHỞ vậy, phát triển ra khắp thế giới, dù rất tiếc, nhiều người Việt chưa biết về “RU”.

    Người Việt ít người biết về “RU”, cũng như người Việt chưa biết rõ gốc tích về PHỞ, viết đúng về phở …

    *Phở có từ khi nào? Ai mới thật sự là người tổng hợp sáng chế đầu tiên, ông Tổ thật sự của món Phở? Tại sao gọi là Phở mà không là 1 cái tên khác? Tại sao thực đơn cung đình dâng vua nhà Nguyễn không có món Phở?
    Tại sao Phở xuất hiện trước tiên ở Hà Nội, mà không là ở các nơi khác, như Nam Định hay Huế; dù Huế, lúc đó, mới là triều đình VN.
    Người Pháp chiếm Nam Kỳ đầu tiên, vì sao Nam Kỳ không có Phở đầu tiên? (Vì Nam Kỳ khi đó chưa có gia vị ĐẠI HỒI, có nhiều ở biên giới Lạng Sơn, mà phương tiện giao thông chưa có, nên Miền Nam không có.)
    Người Miền Bắc lúc đó chưa biết dùng ĐẠI HỒI để nấu ăn.
    Người Pháp cũng chưa/không biết xài ĐẠI HỒI.
    Trong khi, trường phái ẩm thực miền Nam, Quảng Đông của Tàu đã sử dụng từ rất lâu đời ĐẠI HỒI trong các món hầm, món có thịt bò, món VỊT QUAY, …. (chưa kễ là GỪNG thường có trong các món thịt của Tàu (Trong khi Pháp và Việt, ít biết sử dụng Gừng, trong món ăn, thời gian đó)
    * Yếu tố ĐẠI HỒI, GỪNG (yếu tố phụ: gánh hàng, xe đẩy, dao vuông gốc chữ nhật, yếu tố len lõi, thích buôn bán của người Tàu.
    Yếu tố vận chuyển khó khăn, chỉ giao thông đường thủy là chính thời ấy.
    Những hình ảnh xưa, Pháp tấn công Nam Định, trước khi theo đường thủy vào Hà Nội,…vv và vv..) cho phép xác định 1 nghệ nhân nấu ăn người Tàu, sống tại Hà Nội, là ÔNG TỔ của món PHỞ! (dù là CẢI BIÊN từ món súp PÔT AU FEU của Pháp)
    * Nó cũng tương tự như HUỲNH HÙNG, ở tuổi 28, 29, cách đây 5 năm, trở thành ĐẦU BẾP SỐ 1 của nước MỸ tại Florida với món RAGOUT VỊT ( không có trong menu Việt Nam trước đây) dù món ăn VN chưa được xếp vào nhóm hàng đầu ẩm thực thế giới).
    *** Nói như vậy, để thấy rằng, chuyện 1 anh Tàu sống tại Hà Nội, là ÔNG TỔ của món PHỞ, thì không có gì là ngạc nhiên hay TỰ ÁI DÂN TỘC (và tại sao bên Tàu, không có món PHỞ!).
    Nó cũng tương tự như 1 người gốc VN , cô KIM THÚY dành được giải văn chương Canada bằng Pháp Ngữ, mà không là người gốc Pháp của Canada.

    PHỞ xuất hiện đầu tiên tại Hà Nội, nhưng lại không là do người Việt tại Hà Nội đầu tiên chế ra, hay người Nam Định vào Hà Nội chế ra (họ chỉ là copy, phiên bản 2 và 3 của Phở, mà không là ÔNG TỔ của món Phở).
    Và phở di cư vào Sài Gòn trước cả 1945, mà không là tị nạn, nhờ cơ duyên nào?
    — Tôi sẽ trở lại chi tiết đề tài Phở, khi có thời gian, vì thật sự, rất tiếc, chưa có bài viết nào nói đúng về nguồn gốc Phở, dù ít nhiều, ai cũng đã từng ăn phở —-

    Một nhà văn tài tử, với tác phẩm đầu tay “RU” như là 1 truyện ngắn, lại thành công vượt qua tất cả nhà văn VN (“Ru” đã được dịch ra 15 thứ tiếng và xuất bản ở 20 nước.”)
    trong suốt cả thế kỹ nay, phải nói là 1 hiện tượng độc đáo!
    Trong những “giải thưởng tùm lum” đó, tác giả Kim Thúy cũng nhận được giải thưởng văn chương hằng năm của Toàn quyền Canada!
    Viết bản gốc bằng Pháp Ngữ (1 trong 2 ngôn ngữ chính của Canada), 1 ngôn ngữ khó, cho người Canada đọc!
    Tác giả đã làm trong sáng, giản dị và đẹp đẽ cho cái ngôn ngữ khó nầy (mà ông Hồ chí Minh, cho tới 74 tuổi, khi được nữ ký giả Pháp phỏng vấn năm 1964, vẫn phải nói tiếng Pháp bồi!) bằng cách hành văn theo kiểu cách nói Việt của mình (lại làm cho tiếng Pháp thêm trong sáng, độc đáo!)

    Đây là điểm độc đáo lớn nhất của “RU” mà tôi muốn nói đến !
    ** (Nó tương tự như khởi đầu từ món súp (soupe) rất thông dụng của người Pháp (luôn có củ hành tây nướng) là Pôt au feu, đã được 1 anh Tàu, sống tại Hà Nội, VN cải biên (theo cách nấu (hầm xương, gừng, đại hồi) của người Tàu và theo cái gu( bánh phở, nước mắm, …) của người Việt lúc đó) thành món PHỞ VN (tổng hợp từ 3 nền văn hóa ẩm thực Tây, Tàu, Việt) thì mới bán được cho những người Việt đầu tiên ăn, món soupe PHỞ mới mẻ nầy.
    Trước khi được người Việt Hà Nội và Nam Định học theo sau đó.
    Copy và cải biên, để thành 2 ngành Phở Hà Hội, Phở Nam Định.
    Từ những gánh phở đầu tiên rao bán bên ngoài xung quanh các cơ sở của Pháp có người Việt (có chút tiền, dân thì còn nghèo) làm việc, ăn uống, …
    Trước tiên, cho người gốc Việt là công nhân, công chức hay binh lính, sĩ quan phục vụ trong các cơ sở,cơ quan hành chính, quân đội tại Hà Nội hay Nam Định(Nam Định là cửa ngõ để vào Hà Nội bằng đường sông của người Pháp; vì chưa có đường bộ, vào đầu thế kỹ 20).

    @ Một cuốn sách đầu giường, sổ tay cần thiết cho những người VN ( nhất là trẻ em và bạn trẻ Việt) muốn học hỏi những độc đáo, trong sáng, giản dị và đẹp đẽ của tiếng Pháp, theo cách riêng (biến một ngôn ngữ khó thành điều giản dị, dễ hiểu) của tác giả VN Kim Thúy.
    (còn tiếp)

  2. Mai says:

    Hehehe.. dạ thưa quý bác BBT
    Quý bác đã (thêm vào) ‘chỉ điểm’ “áo đỏ là Kim Thúy” bên dưới tấm ảnh 4 giai nhân thì chịu khó (làm ơn làm phước) delete cái còm của tui đi chứ! Để nguyên dzậy thì .. hihi hóa ra tui có mắt mà chẳng có con ngươi à! :( Hu hu hu..

    BBT: Cám ơn bạn đã nhắc để chúng tôi ‘chỉ điểm’.

  3. Mai says:

    Hihihi tôi đọc quảng cáo RU và cả quảng cáo 4 giai nhân ảnh mà hổng biết ai là ai hết trọi! Chỉ đoán mò… tóc vàng… là Kim Thúy còn áo vàng… là bà chủ nhà, hổng biết có đúng không? Có điều lạ là sao cô nào cũng… trẻ mãi không già! Vậy thì… đề nghị 4 giai nhân cùng hợp tác viết một bài về bí kiếp trẻ mãi không già… đề tài nầy coi bộ sẽ ăn khách lấm à nghen! Vui vui thôi. :)

  4. Kh. says:

    Chị MV.Hồng thân;

    Tôi mất địa chỉ email của chị. Tôi có gửi 2 lá thơ đến chị trong địa chỉ của BBT, nhưng kô thấy trả lời, nên rất ngạc nhiên. Nếu có thể, chị liên lạc tôi địa chỉ mới. Thanhvodiep@hotmail.com. Cám ơn chị. Kh./

Phản hồi