WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Truyền thống phong trào sinh viên học sinh tranh đấu: Khôi phục tinh hoa phẩm chất

Phụ lục:

Tiêu Dao Bảo Cự

Đọc thơ Đông Trình, suy nghĩ về Văn nghệ, Chính trị và Sám hối.

Từ bao năm qua, đã thành thông lệ, cứ mỗi lần xuất bản một tập thơ, Đông Trình lại gởi tặng cho tôi, và chắc cho nhiều bạn bè thân khác nữa, một bản đặc biệt với lời đề tặng rất trân trọng và thân thiết. Đó là thói quen của các tác giả khi xuất bản sách, nhưng đối với chúng tôi, đây còn là biểu hiện của tình thân và sự chia sẻ. Tình thân của những người bạn cố tri từ gần ba mươi năm qua, chia sẻ của mỗi chặng đường sáng tác, trong đó bao gồm những chuyển biến của nhận thức, tình cảm và tâm trạng.

Tập thơ mới nhất của Đông Trình vừa gởi tặng tôi trong mùa thu 93 này là một tuyển tập thơ với tựa đề “Rừng và hoa” do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. Đây là tập tuyển những bài thơ viết trước năm 1975 của tác giả bao gồm các bài trích từ 4 tập thơ đã xuất bản và một số bài đã in trên các báo qua ba giai đoạn: 1965-68 (Khi mùa mưa bắt đầu, Lót ổ cho đại bác), 1969-72 (Rừng dậy men mùa), 1973-75 (Hoa đã hướng dương). Chỉ đọc tựa đề các tập thơ, ta cũng có thể hình dung con đường đi của thơ và của chính tác giả.

Tuyển tập gồm những bài thơ đã xuất bản, nhưng khi đọc lại, trong hoàn cảnh hiện nay, chúng gợi cho tôi những gì xưa cũ đồng thời với những suy nghĩ vô cùng mới mẻ.

Xin gió rừng ôn lại cho chúng mày
Về những đêm nằm chung
Không đứa nào còn nhận ra được chân tay mình
Về những ly cà phê
Trả bằng những đồng tiền kẽm sót dưới đáy túi mỗi đứa
. . .
Về những mai hội thảo
Về những chiều bàn luận
Về trên Thiên Thai về dưới Cửa Thuận
Về trong phòng họp về ngoài nhà thuê
Về những đêm vào tù
Về những ngày ra khám
Về huy hoàng và tủi nhục
Về kiêu hãnh và mọn hèn
Về mặt trời và đom đóm
Về mặt trăng và dế mèn
(Với bạn bè ở miền núi)

Đó là tình thân và cuộc sống của những chàng sinh viên rất nghệ sĩ, đa cảm và sục sôi nhiệt huyết muốn nhận đường, hành động và hiến dâng cho đất nước trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động ở Miền Nam Việt Nam.

Bạn bè ta, những thằng nuôi chí lớn
Luyện văn chương thành một lưỡi gươm thần
Đứng với ngu phu làm người hảo hớn
Sống giữa đời hèn mà rất triết nhân
. . .
Có những chiều vàng ta lên núi
Cùng anh em trích máu ăn thề
Bao giờ quê hương còn lửa khói
Chí cả đường dài ta cứ đi
Tuổi thanh xuân ta hề chất ngất cao vọng
Thở dài hơi trong một quả tim hồng
Tuổi thanh xuân ta hề căng như mặt trống
Như mũi tên chờ trên cánh cung
(Hành ca cho một tương lai đã nhìn rõ mặt)

Những câu thơ gợi nhớ về một thời kỳ khó quên, cũng là một mốc dấu lớn trên con đường đi tới của những người trẻ tuổi sớm ưu tư về vận nước.

Năm 1965, trong một ngày đẹp trời, hơn 20 sinh viên của các phân khoa thuộc Đại học Huế, trong đó phần lớn là sinh viên ban Việt văn của trường Đại học Sư Phạm, rủ nhau lên núi Thiên Thai ở ngoại ô Thành phố Huế họp mặt để “trích máu ăn thề”. Thực tế không có “trích máu” theo nghĩa đen, nhưng đỉnh núi Thiên Thai hôm ấy đã chứng kiến sự quyết tâm của những chàng trai 20 tuổi sục sôi máu nóng và nung nấu chí khí. Sau đó họ đã hình thành một tổ chức lấy tên là Hội Hồng Sơn, tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật yêu nước và tiến bộ, ban đầu hoạt động trong phạm vi Đại học Huế, mấy năm sau đổi tên là Nhóm Việt và dần dần phát triển rộng ra nhiều tỉnh ở Miền Nam Việt Nam, hoạt động liên tục cho đến năm 1975.

Thế hệ chúng tôi là một thế hệ đầy ưu tư và chất men lý tưởng. Ở tuổi hai mươi, đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, vẫn học, vẫn yêu và lao vào những cuộc đấu tranh trên đường phố với tâm trí luôn bị ám ảnh bởi niềm đau của một đất nước đầy bất hạnh:

Ta đã ngồi chờ bao nhiêu năm
Nhìn cảnh binh đao ruột tím bầm
Sống giữa quê hương làm người đất trích
Tự gõ mà ca một khúc lưu vong
(Đêm nghe pháo kích, dậy đọc cổ thi)

Lớn hơn một chút, khi ra trường đi dạy học hay đi làm bất cứ việc gì, ở bất cứ nơi đâu, dù phải lo chuyện cơm áo ngày thường, không vô tư về chuyện này như xưa nữa, lo gia đình vợ con, tương lai sự nghiệp, chúng tôi vẫn không thôi khắc khoải:

Làm sao kể với em
Tâm trạng anh những buổi chiểu ở phương xa
Từ một ngôi trường nằm sấp mình bên quốc lộ
Anh, rác rưởi và học trò
Cúi đầu nhìn nhau nghe đời thối rữa
Mưa giăng mù trời đốt thuốc liên miên
Xót xa vô cùng thân anh nhà giáo
Sơn quét đời mình như tấm bảng đen
. . .
Làm thế nào nói với em về những đứa học trò
Ban ngày đến trường, ban đêm rước khách
Gặp thầy ở mỗi ngã ba
Chiếc áo nữ sinh không che sự thật
(Vô cùng linh thiêng như nghe theo tiếng gọi)

Tâm trạng này một phần do hoàn cảnh lịch sử và xã hội tác động mạnh đến những ngưởi có lương tri và tâm huyết, nhưng thực ra đã có cội nguồn từ sâu xa trong lịch sử. Hơi thở của lịch sử đã thấm đẫm vào máu thịt của chúng tôi từ khi nghe mẹ kể chuyện cổ tích, nói tục ngữ, hát ru ca dao và từ những trang viết vụng dại đầu đời học sử của tiền nhân:

Ăn hạt cơm trời mỗi ngày ba bữa
Có bao giờ em thấy buốt chân răng?
Bởi máu tổ tiên đã nẩy mầm trong lúa
Và mồ hôi làm phân bón cho đồng

Trên dòng sông hàng ngày ta vẫn tắm
Có bao giờ em thấy rợn trong da?
Thuyền độc mộc kiêu hùng như chiến hạm
Xác quân thù thêm mầu mỡ phù sa

Mỗi đỉnh núi là một đồn phòng ngự
Rừng cho ta bao nhiêu gậy tầm vông?
Mỗi hang đá là một hầm cố thủ
Gỗ trăm cây đều bát ngát như trầm
(Hạo khí ca)

Do thế, tất cả chúng tôi dù khi lớn lên sống xa nhau, mỗi người mỗi cảnh, bằng những con đường và cách thế khác nhau, nhưng hầu hết đều nhập cuộc, chiến đấu cho cùng một lý tưởng, chính là ước mơ đã hình thành từ thời trẻ tuổi:

Dù rất xa nhưng đường đi phải tới
Vì đau thương đã nạm ngọc chân người
Tim đập nhanh theo trăm ngàn bước vội
Trong đêm buồn đã thấy rõ ngày vui

Hãy thức dậy cùng tôi chào thành phố
Gởi lời chia vui đến những con đường
Sáng nay người về cờ hồng lối gió
Trên đỉnh này ta thắp sáng quê hương

Xin mở cửa ra nhìn nhau bốn phía
Gọi bà con đem phân phát nụ cười
Đuổi khỏi bóng đêm từ lâu ngự trị
Đuổi lời vu oan hờm sẵn trên môi
(Một thành phố cho tương lai)

Chúng tôi hòa mình trong niềm đau chung của tổ quốc, nỗi bất hạnh của cả một dân tộc anh hùng nhưng chịu nhiều tai ương. Chúng tôi không sao có thể bình yên để hưởng thụ cho riêng mình mặc dù chúng tôi có khả năng để hưởng thụ nếu mình nuốn, như một số người khác ở thế hệ chúng tôi đã làm:

Sáng hôm nay anh dừng lại bên đường
Có thấy những mẹ già nón cời áo rách
Hàng triệu trẻ con tong teo ốm nhách
Quỳ mọp dưới chân người tìm hạt cơm rơi
Và có bao giờ trong lịch sử loài người
Ký giả xuống đường mang theo bị gậy
Giữa Sài gòn xa hoa lộng lẫy
Trí thức văn nhân … đói áo đói cơm
. . .
Những người chết hôm nay muôn đời mắt còn mở
Họ nhìn chúng ta khẩn thiết van lơn
Họ hỏi chúng ta cây trái Trường Sơn
Sông rạch biển ngòi thênh thang tôm cá
Đồng bằng Cửu Long phì nhiêu mầu mỡ
Đã thấm nhuần xương thịt cha ông
Họ hỏi chúng ta về những cánh đồng
Lúa gạo đi đâu không vào kho tổ quốc
. . .
Người bạn tôi sáu con một vợ
Dạy bốn mươi giờ mà ăn cháo thay cơm
Đêm về lén vợ đi lái xe ôm
Gặp học trò cúi đầu dưới ánh đèn thành phố…
(Vì những người chết không nhắm mắt)

Vì thế, không thể nào khác, chúng tôi đã lần lượt đến với “cách mạng”, ít nhiều góp phần mình cho ngày lịch sử 30/4/75, ngày “giải phóng hoàn toàn Miền Nam Việt Nam, thống nhất tổ quốc”. Ở thời điểm này, chúng tôi tự hào và kiêu hãnh đứng về phía những người chiến thắng, đứng về phía nhân dân Việt Nam.

18 năm sau ngày lịch sử ấy, tôi đọc lại thơ Đông Trình và thấy mọi chuyện như lại mới bắt đầu thuở chúng tôi tuổi hai mươi, gần 30 năm trước, với những niềm đau và nấu nung khát vọng mới. “Dù rất xa nhưng đường đi phải tới”. Chúng tôi đã “tới” nhưng không “đến” được với niềm mơ ước của mình.

Bài thơ “Vì những người chết không nhắm mắt” có thể viết cho ngày hôm nay, từ nội dung, tinh thần cho đến từng chi tiết.
Ngày hôm nay, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo đói nhất trên thế giới với hàng triệu người thất nghiệp, hàng triệu trẻ em suy dinh dưỡng, hàng vạn người ăn xin và gái điếm. Lúa gạo có năm xuất khẩu đứng hàng thứ ba trên thế giới nhưng trong nước vẫn có người chết đói. Tài nguyên thiên nhiên, rừng vàng biển bạc bị khai thác vô tội vạ, có thứ đã hầu như cạn kiệt. Nhiều nơi đã công khai thừa nhận “cơ bản hoàn thành việc phá rừng”. Thế nhưng tiền bạc không vào tay nhân dân mà chỉ vào túi một thiểu số lãnh đạo cầm quyền và bọn cơ hội, tư sản mới cả xanh và đỏ trong một chế độ kinh tế gọi là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thực chất là kinh tế tư bản man rợ mà chủ nghĩa cộng sản đã lên án từ bao nhiêu năm qua. Sự phân hóa giàu nghèo diễn ra gay gắt. Những người giàu lên nhanh chóng phần lớn là cán bộ có chức quyền có điều kiện ăn cắp, tham nhũng, hối mại quyền thế và những kẻ làm ăn bất chính. Đại bộ phận nhân dân làm việc cơ cực không đủ ăn.

Những nhà giáo vẫn nhận đồng lương chết đói và “không phải đêm về lén vợ đi lái xe ôm, Gặp học trò cúi đầu dưới ánh đèn thành phố” mà còn được vợ khuyến khích đi làm thêm như thế để kiếm tiền. Trước đây người ta xem chuyện đó như một điều bất đắc dĩ tủi hổ nhưng nhiều người bây giờ xem đó là một lối thoát. Lái xe ôm, biết nói đôi chút tiếng Anh, tiếng Pháp để chở khách nước ngoài có thể kiếm được tiền gấp năm, gấp mười lần lương giáo viên.

“Trí thức văn nhân” vẫn “đói áo đói cơm” và không hề có một chút tự do ngôn luận, báo chí, xuất bản dù hiến pháp ghi đầy đủ mọi thứ tự do của con người. Tất cả báo chí đều là công cụ của Đảng và Nhà nước nói theo một giọng tuyên truyền. Tháng 2/1989, Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ Thành Phố Hồ Chí Minh khi xin phép ra báo không được đã gởi văn bản cho Nhà nước tố cáo chính sách về báo chí hiện nay còn thua xa thời Pháp thuộc. Thời đó, những người Cộng sản hoạt động chống Pháp còn có điều kiện ra báo chí, in sách hơn là trí thức, những người làm báo hiện nay. Ở Miền Nam trước 1975, một mình Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn) cũng ra nổi một tờ báo. Anh em nhóm Việt chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn có sách xuất bản, có thể tự mình ra báo hoặc cộng tác, tham gia chủ biên nhiều tờ báo đối lập. Ngày hôm nay, những người như anh em nhóm Việt và nhiều nhà văn, nhà báo khác không đủ tài năng và trình độ để ra báo hay sao? Trong khi đó, việc độc quyền báo chí, xuất bản, đã mang lại điều gì tốt đẹp? Sách báo đứng đắn, có giá trị hiếm hoi. Nạn sách đen, sách dâm ô đồi trụy, kích động bạo lực lan tràn. Các nhà xuất bản, các tờ báo vẫn chịu sự chi phối của các tay đầu nậu lắm tiền, chạy theo kinh doanh bất chấp văn hóa. Một số người mù tịt về văn học nghệ thuật vẫn ngang nhiên quyết định số phận của những tác phẩm văn học nghệ thuật đầy trí tuệ, lương tri và tâm huyết.

Không phải nói về mình một cách tự kiêu nhưng những anh em nhóm Việt đã làm báo và có tác phẩm được nhiều người đọc và ủng hộ ở Miền Nam trước đây, được đánh giá là những trí thức, nhà văn yêu nước và tiến bộ, đã được Đài Tiếng Nói Việt Nam và Đài Phát Thanh Giải Phóng tuyên truyền và ca ngợi, đã được Nhà Xuất Bản Giải Phóng chọn in thành tuyển tập từ trước 1975, họ không phải là những kẻ bất tài hay làm cách mạng theo đuôi. Không phải chỉ anh em nhóm Việt mà còn nhiều nhà văn, nhà báo kỳ cựu ở Miền Nam ở trong hoàn cảnh tương tự mà người ta thường coi là những người thiên tả, thân cộng hoặc yêu nước chân chính như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Thế Nguyên…

Vậy thì những câu thơ của Đông Trình ngày nay vẫn còn nguyên giá trị:

Hãy thét cho tôi triệu tiếng căm hờn
Hãy cứu báo ra khỏi tay bọn phần thư Tần Thủy
Ngọn bút anh sắc bạo quyền cố bẻ
Nhưng có thể nào che mắt được nhân dân

Và những câu hỏi lớn nhức nhối vẫn được đặt ra:

Và tại sao có những người nhân danh cả nước
Đi kiếm tiền như một bọn ăn xin
Và tại sao trên những buyn đinh
Tiếng rượu sâm banh nổ vang như pháo tết
Dưới chân thang đồng bào ta gục chết
Mà tiếng kêu thương không phá vỡ những trận cười?
(Vì những người chết không nhắm mắt)

Dĩ nhiên đây là hình tượng của thơ. Nhưng hình tượng này có đầy đủ sức mạnh, sức tố cáo và sức khái quát của những câu thơ đã được “mài như kiếm sắc”.

Đất nước ta nhỏ bé, nghèo thật nhưng quyết không thể hèn hạ hay đi ăn xin. Nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà luôn quỳ gối trước Nga, Tàu, đổi thù thành bạn, đổi bạn thành thù như chong chóng. Theo Liên Xô, chống xét lại rồi lại thân Liên Xô, rồi lại chống cải tổ. Tình hữu nghị “núi liền núi, sông liền sông”, “môi hở răng lạnh”, đổi ngay thành “kẻ thù truyền kiếp, trực tiếp và nguy hiểm”, rồi lại đổi tiếp thành “hữu nghị lâu đời”, rồi chưa biết sẽ đổi thành gì nữa. Đế quốc Mỹ là “kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm và lâu dài” nhưng sau chiến thắng lại năn nỉ, khẩn cầu Mỹ bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ bình thường. Mỹ bỏ cấm vận là đúng và cần thiết nhưng không phải vì thế mà chỉ biết van xin một cách hèn hạ.

Hoàn cảnh đất nước ta cần hết sức đề cao sự nghiệp giữ nước, có chính sách ngoại giao khôn khéo và thông minh. Đó không phải là điều mới mẻ gì. Những người lãnh đạo đất nước ta hàng ngàn năm qua đã chứng minh và làm được điều đó, dù là dưới chế độ “phong kiến thối nát” như cách đánh giá của những người cộng sản.

Trước hết phải có tinh thần Phù Đổng, lên ba chưa biết nói biết cười, nhưng khi nghe tin có giặc, đã vươn vai thành dũng sĩ, nhảy lên ngựa đi cứu nước. Hai Bà Trưng vì “nợ nước thù nhà”. Bà Triệu phận nữ nhi vẫn “quyết đạp làn sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi”. Lý Thường Kiệt ngạo nghễ đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” và đem quân đánh Tống. Trần Hưng Đạo và vua tôi, quân dân nhà Trần ba lần đại phá quân Nguyên là đế quốc vô địch lừng lẫy thời đó. Nguyễn Trãi và Lê Lợi cùng quân dân cả nước đánh bại nhà Minh và sang sảng đọc “Bình Ngô đại cáo”. Quang Trung cho người giả thay mình đi triều cống nhưng vẫn chuẩn bị kế hoạch xuất quân đòi lại đất Trung Quốc chiếm đóng.

Bản Tuyên ngôn độc lập thành văn lần thứ nhất của đất nước ta chính là bài thơ của Lý Thường Kiệt, lần thứ hai chính là bài “Bình Ngô đại cáo”, đâu phải đến tháng 9/45 lần đầu ta mới có tuyên ngôn độc lập.

Người Việt Nam yêu nước nào không rung động tâm can khi đọc lại “Bình Ngô đại cáo”:

Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xây nền văn hiến đã lâu
Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc-Nam cũng khác
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh, yếu có lúc khác nhau
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu

Những bài học lịch sử sơ đẳng nhưng vô giá đó người Việt Nam mấy người không biết. Những người cộng sản đừng tự kiêu rằng chỉ có mình mới làm nên những sự tích thần kỳ và khôn ngoan, tài giỏi hơn cha ông. Chúng ta không bao giờ bài ngoại, nhất là trong thời đại ngày nay, thời đại mở cửa và thế giới là một mái nhà chung, nhưng không vì khó khăn mà chịu nhục, mất quốc thể. Nếu lãnh đạo mà không đủ tài trí để lo cho dân cho nước, để Việt Nam sau 18 năm “thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do” vẫn là một trong những nước nghèo đói nhất thế giới thì đừng đòi “độc quyền lãnh đạo”. Dân tộc Việt Nam không thiếu người tài trí và không nhân dân, lịch sử nào giao phó cho những người cộng sản độc quyền lãnh đạo. Đó là điều họ tự nhận thôi. Hãy thử trưng cầu ý kiến nhân dân, hãy có tự do bầu cử đi xem nhân dân sẽ tín nhiệm ai.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành quyền lãnh đạo, ban đầu những người cộng sản đã chiến thắng nhờ có nhân dân ủng hộ và sách lược đúng. Chiến thắng này không phải là một lần và mãi mãi. Thuận lòng dân thì còn, nghịch lòng dân thì mất. Lịch sử đã chứng minh chân lý ấy. Ngày xưa ông cha ta nói “Được làm vua, thua làm giặc.” Các triều đại phong kiến ngày xưa cũng tự cho mình là thiên tử, thay trời để trị dân, cho ai chống lại mình là nghịch mệnh trời, tự tung hô mình vạn tuế nhưng mấy triều đại quá được trăm năm? Những người cộng sản phê phán phong kiến sao vẫn tự mình hô muôn năm và đòi mãi mãi độc quyền lãnh đạo? Hãy tự xem mình còn đủ năng lực và tín mhiệm để lãnh đạo không chứ đừng tự huyễn hoặc mình và dùng bạo lực đè đầu cỡi cổ nhân dân, buộc nhân dân phải phục tùng độc quyền lãnh đạo.

Nhân dân ta không chỉ “đói cơm đói áo” mà vẫn còn “đói hòa bình, độc lập, tự do”. Hiện nay chúng ta có thể có hòa bình, thực ra có hòa bình bên ngoài mà không hề có hòa bình trong lòng. Hòa bình sao được khi “Lời vu oan hờm sẵn trên môi” dành cho những người yêu nước nhưng không phục tùng độc quyền lãnh đạo, khi lãnh đạo không phải là sáng suốt như mình tự nhận.

Còn độc lập, tự do thật sự đã có chưa? Và những gì nữa?

Nhân dân ta không chỉ đói cơm đói áo
Nhân dân ta đói Hòa Bình, Độc Lập, Tự Do
Anh đói em, chồng đói vợ, thầy đói trò
Ruộng đói người, đất đói phân, cây đói trái
Nguồn đói nước, mẹ đói con, thuyền đói lái
Thầy đói Phật, Cha đói Chúa, đạo đói lương tâm…
(Vì những người chết không nhắm mắt)

Đúng là “những người chết không nhắm mắt” và những người sống lại càng không thể yên lòng. Cả một sự nghiệp của dân tộc với hàng triệu người hi sinh trong bao nhiêu năm lại chỉ dẫn đến kết quả y như cũ và còn tệ hơn cũ hay sao?

Tình cờ lúc tôi đọc tập thơ “Rừng và hoa” lại nhận được bài viết “Nhức nhối” của Nguyễn Thế Hùng, cán bộ nghỉ hưu ở Đồng Tháp viết từ năm 1989. Bài viết nêu ba trường hợp nhà văn, trí thức bị Đảng xử trí oan, không cần luật pháp vào những năm 60.

Tuân Nguyễn, công tác ở Đài Phát Thanh Truyền Hình Việt Nam bị bắt giam giữ 6 năm không có án. Sau khi được tha, hai vợ chồng phải đi dọn hố xí hai ngăn cho nhiều gia đình ở Hà Nội để kiếm sống. Năm 1983, anh chết vì một tai nạn giao thông, chưa kịp có thời gian để làm lại cuộc đời. Trong đám tang của anh, Huy Lam, một người bạn thân thiết đã đọc lời điếu bằng thơ:

Thời đại như ngả ba sông
Anh như con thuyền giữa dòng nước xoáy
Thuyền anh vượt thẳng, mà sông lại cong
Chạm bờ sông, nước dìm anh tận đáy…

Vũ Thư Hiên, công tác ở ngành điện ảnh, đi học Liên xô về, hiểu biết và thông thạo nhiều lĩnh vực, cũng bị bắt giam 9 năm không có án. (Tiểu thuyết “Miền thơ ấu” của anh được tặng giải A trong giải thưởng cho những tác phẩm xuất sắc năm 1988 của Hội đồng Văn học Thiếu nhi Hội Nhà Văn Việt Nam).

Hoàng Minh Chính, hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi, từng bị Pháp bỏ tù ở Sơn La với án 10 năm khổ sai, 10 năm biệt xứ, từng làm Bí thư Thanh niên Trung Ương, chỉ huy trưởng đội “Quyết tử quân” đánh phá sân bay Gia Lâm (Hà Nội), đi học Trường Đảng cao cấp của Liên Xô, làm Viện trưởng Viện Triết học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam.

Hoàng Minh Chính bị Đảng bắt giam hai lần, tổng cộng trên 16 năm. Về hai trường hợp của Tuân Nguyễn và Vũ Thư Hiên, Nguyễn Thế Hùng không nói rõ lý do nhưng đối với Hoàng Minh Chính nêu lý do rất cụ thể.

Tháng 12/1963, trong hội nghị Trung Ương Đảng lần thứ 9, Hoàng Minh Chính đã viết hai kiến nghị: Kiến nghị thứ nhất lý giải và đề nghị tuân thủ trung thành với Tuyên bố chung của Hội nghị 81 đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã ký kết vào năm 1960. (Tuyên bố chung này đã đề ra các đường lối chính trị, các nguyên tắc và khẩu hiệu rất tiến bộ như “Chiến tranh không phải là định mệnh. Có khả năng loại trừ chiến tranh khỏi đời sống xã hội. Chung sống hòa bình giữa các chế độ xã hội khác nhau”…) Tuy nhiên sau hội nghị năm 1960 này, đã có sự chia rẽ, do đảng Cộng sản Trung quốc, đứng đầu là Mao Trạch Đông, lôi kéo một số đảng anh em chống lại bằng các luận điểm tả khuynh cực đoan trái với tuyên bố mà họ đã ký kết như “Bản chất chủ nghĩa tư bản đế quốc là xâm lược. Còn đế quốc còn chiến tranh. Chiến tranh là tất yếu. Liên xô là con ngựa thành Troie, kẻ thù nguy hiễm nhất của cách mạng thế giới. Khơrút sốp là tên xét lại”…) Kiến nghị thứ hai lý giải về mặt lý luận Mác-Lênin và sự sai trái, phản động, phản cách mạng của chủ nghĩa Mao.

Trong hội nghị Trung ương Đảng 9 ngày, phe thân Trung quốc thắng thế nên một số ủy viên Trung ương Đảng bị treo giò, Hoàng Minh chính và một số người khác do đấu tranh kiên cường như Đặng Kim Giang (thiếu tướng), Phạm Kỳ Vân (Phó tổng biên tập tạp chí lý luận của Trung ương), Trần Minh Việt (Phó bí thư thành ủy Hà Nội)… đã bị quy tội là “xét lại, chống Đảng” và bị bắt giam ngoài pháp luật.

Sau khi bị bắt giam lần đầu được tha, đến tháng 6/1981, trong kỳ họp Quốc hội khóa 7, Hoàng Minh Chính lại viết một bản kiến nghị gởi Quốc hội. Kiến nghị nêu lên một loạt khuyết điểm nghiêm trọng trên các bình diện chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội, cả đối nội và đối ngoại, trong đó đã mất cảnh giác với Trung quốc (sự kiện Trung quốc đưa 60 vạn quân đánh vào 6 tỉnh biên giới phía bắc hồi tháng 2/79), đồng thời phê phán việc đi theo chủ nghĩa Mao, rập khuôn nhiều cái theo Trung quốc, đẩy đất nước vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng toàn diện như việc hợp tác hóa nông nghiệp dẫn đến cảnh người nông dân nhiều nơi bị đói, phải đi ăn xin cả làng (Thanh hóa), nêu những yêu cầu khẩn thiết phải sớm cải thiện đời sống nhân dân, đổi mới cơ cấu tổ chức, giải quyết các vụ bê bối nghiêm trọng cấp nhà nước, mở rộng tự do dân chủ cho nhân dân…

Sau kiến nghị này, Hoàng Minh Chính lại bị bắt giam lần thứ hai, đưa về giam giữ ở Hải Hưng về tội “kích động Quốc hội”.

Trong bài viết “Nhức nhối” trên đây, Nguyễn Thế Hùng còn nói rõ vào năm 1985, tác giả có gặp Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Phạm Văn Đồng yêu cầu xem xét và trả tự do cho Hoàng Minh Chính, ông Phạm Văn Đồng ghi nhận nhưng sau đó không có giải quyết gì cụ thể.

(Lại một tình cờ lạ lùng, khi tôi vừa viết xong những dòng trên đây, lại được đọc một đơn kiện của Hoàng Minh Chính, viết ngày 27/8/93 yêu cầu xét lại vụ án của mình, với nội dung như trong bài viết của Nguyễn Thế Hùng và tố cáo đích danh tập đoàn Cộng sản tàn ác lộng quyền do Lê Đức Thọ đứng đầu. Trong đơn kiện này, ông Hoàng Minh Chính cũng kiến nghị với Quốc hội khóa 9 loại bỏ điều 4 trong Hiến pháp 1992 về sự áp đặt quyền độc tôn của dảng. Theo ông, “sự độc quyền đó đã đặt các cấp ủy đảng đứng trên pháp luật nhà nước, vô hiệu hóa tất cả các bộ máy nhà nước trước sự lộng quyền của một vài cá nhân và nhóm người nhân danh Đảng lãnh đạo. Các quyền tự do dân chủ được trịnh trọng ghi trong hiến pháp và các văn bản pháp luật do đó chỉ còn là những mỹ từ trống rỗng”.)

Đây không phải là lần đầu tiên tôi đọc loại bài như bút ký “Nhức nhối” của Nguyễn Thế Hùng. Tôi nhắc đến bài viết của Nguyễn Thế Hùng ở đây vì tôi đọc nó cùng lúc khi đọc lại thơ Đông Trình. Tôi liên tưởng đến vấn đề vào cùng một thời điểm lịch sử, khi anh em chúng tôi và nhiều trí thức Miền Nam khắc khoải nhận đường để tìm về với “cách mạng”, “cống hiến cho cách mạng” với nhiệt tâm cháy bỏng của mình, thì chính “cách mạng” lại đối xử với đồng chí mình như thế nhưng chúng tôi lúc đó nào có biết. Cách mạng đối với chúng tôi chỉ là lý tưởng ngời sáng giải phóng dân tộc, độc lập, tự do, công bằng xã hội. Chúng tôi đã hiểu quá ít về “cách mạng”.

Những trường hợp Tuân Nguyễn, Vũ Thư Hiên, Hoàng Minh Chính không phải là những trường hợp cá biệt trong lịch sử giành và giữ chính quyền của những người Cộng sản. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” vào năm 1930, chính sách cải cách ruộng đất năm 1954, vụ án Nhân văn-Giai phẩm vào các năm 1956-57, chính sách cải tạo đối với “ngụy quân, ngụy quyền”, chính sách cải tạo nông nghiệp và công thương nghiệp sau l975… Và mới gần đây, sau thời kỳ gọi là đổi mới, Đảng và Nhà nuớc vẫn tiếp tục trù dập các nhà văn Nguyên Ngọc, Dương thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Hà Văn Thùy, Trần Huy Quang… , ban biên tập các tạp chí Sông Hương, Cửa Việt, Văn nghệ Nha Trang, cả báo Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ… (Những người không chịu phục tùng một cách máy móc, nô lệ), dành những bản án nặng nề cho những người đấu tranh cho dân chủ một cách hòa bình như các nhóm của Nguyễn Đan Quế, Đòan Viết Họat … , đàn áp thô bạo những người dám nói tiếng nói của lương tri như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu … , trong đó có những người là cán bộ, đảng viên kỳ cựu hoặc ủng hộ Cộng sản, đã cống hiến cho sự nghiệp chung bao năm qua. Chính bản thân tôi, cùng với Bùi Minh Quốc trong vụ Hội Văn Nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian, đã tự thân cảm nhận sâu sắc điều này về cách đối xử của những người lãnh đạo Cộng sản đối với những người bất đồng quan điểm.

Tất cả đã mang lại điều gì cho đất nước, cho dân tộc?
Tôi không phủ nhận lý tưởng cao đẹp thuở ban đầu, sự hi sinh cống hiến và công lao của những người Cộng sản trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Dĩ nhiên, theo một cách nhìn nhận nào đó, ngay cả những điều này cũng cần xem xét lại (về phương thức, về cái giá phải trả…) Tôi không bàn điều đó ở đây. Chính tôi cũng đã từng có thời gian khao khát hướng về chủ nghĩa Cộng sản, tìm đến những người Cộng sản, đã là đảng viên Cộng sản trong mười lăm năm cho đến khi bị khai trừ vì bất dồng quan điểm với những người lãnh đạo Cộng sản hiện nay.

Năm 1966, thuở hai mươi, khi còn là sinh viên trong cao trào đấu tranh cho độc lập, tự do, dân chủ của sinh viên học sinh Miền Nam, tôi kinh tởm khi đọc bài thơ ca ngợi Stalin “Đời đời nhớ Ông” của Tố Hữu:

Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười
Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu.

Nửa năm sau, khi phong trào đấu tranh bị đàn áp, trong nhà giam, tôi gặp một người tù Cộng sản, người chiến sĩ du kích hơn tôi vài tuổi, ở nông thôn, chỉ mới học hết tiểu học, đã ở tù ba năm, chịu bao nhiêu cuộc tra tấn, mắt vẫn rực lửa hận thù và lòng tin sắt đá đã chinh phục được tôi. Người chiến sĩ du kích này không nói với tôi về chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng anh và tôi đã đồng cảm sâu sắc về khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc cho tổ quốc, cho nhân dân. Tôi đã chia sẻ với anh từ nửa chiếc khăn mặt, gói muối mè, điếu thuốc trong nhà tù và cả tâm tình đau đớn của anh khi phải chia tay người vợ trẻ vừa mới cưới.

Phải chăng chính tình tự dân tộc và những khát vọng có tính lâu dài, phổ quát mới là những giá trị vĩnh cửu và đẹp đẽ, trong sáng nhất mà mỗi người có thể cảm nhận thuở mới vào đời. Còn chủ nghĩa, tất cả các chủ nghĩa chỉ là phương tiện để đạt tới cứu cánh. Các chủ nghĩa có thể sai lầm và phải được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Thực tại biến chuyển không ngừng và không chủ nghĩa nào có thể có giá trị vĩnh cửu. Lịch sử nhân loại không phải đã chứng minh điều đó quá rõ hay sao? Thế tại sao chúng ta, kể cả các nhà chính trị, các nhà trí thức, các nhà văn, lại có thể tin tưởng vào một chủ nghĩa, một giáo điều, tự mình huyễn hoặc làm nhận thức sai lạc đi đến trở thành cuồng tín?

Văn nghệ không phi chính trị nhưng văn nghệ không thể phục vụ mù quáng, làm công cụ tuyên truyền cho một chủ nghĩa. Văn nghệ, về một phương diện, phải là tiếng nói của lương tri. Lương tri phải nhận biết đúng sai, phải biết phản kháng, phải nói lên sự thật. Nếu văn nghệ có sứ mệnh thì sứ mệnh của văn nghệ phải chăng là đi theo con đường của tự do và chân lý, mang lại cái đẹp, cái thiện cho cuộc sống của con người. Chính trên con đường thênh thang này, văn nghệ mói có thể thể hiện tài năng của người nghệ sĩ.

Trước Cách Mạng Tháng Tám, một thế hệ nghệ sĩ đầy tài năng đã xuất hiện, tác phẩm của họ thời đó đã làm rung động tâm hồn, chiếm lĩnh tình cảm của cả dân tộc qua mấy thế hệ, cho đến tận ngày hôm nay. Thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính … Văn của Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, nhóm Tự Lực Văn Đòan … Nhạc Phạm Duy, Văn Cao, Lê Thương, Cung Tiến, Đặng Thế Phong …

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khi người nghệ sĩ với lòng tự nguyện, dấn thân cho sự nghiệp độc lập dân tộc, với hào khí vinh quang của người chiến sĩ ra trận, các tác phẩm của họ cũng đã đi vào cuộc sống, trở thành tiếng hát chính trái tim mỗi người. Nhưng khi người nghệ sĩ đã “giác ngộ”, tôn thờ một chủ nghĩa, phục vụ cho một chế độ chính trị, tác phẩm của họ chỉ còn là những bài tuyên truyền gượng gạo, lố bịch, những bản tụng ca một chiều. Nếu người nghệ sĩ thực sự đầy tài năng thì tài hoa của họ cũng chỉ phết được lớp sơn màu mè lên một nội dung thô nhám.

Tố Hữu là nhà thơ cộng sản số 1, rất tài năng nhưng đã tạo nên “quái thai văn học” ( theo kiểu nói của Nguyễn Ngọc Lan ) ” Đời đời nhớ ông” khóc Stalin.

Xuân Diệu, nhà thơ đắm say của tình yêu và tuổi trẻ, những kiệt tác trong tập ” Thơ thơ” của ông đã được chép nắn nót trong sổ tay của hàng triệu thanh niên qua nhiều thế hệ, sau năm 1954 ông sáng tác được gì ?
Tôi vẫn hoài nghi và chưa kiểm chứng được không biết những “vần thơ” sau đây có phải thực sự là của Xuân Diệu ( trích dẫn trong cuốn ” Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” do Mặt trận bảo vệ tự do văn hóa xuất bản năm 1959 ở Sài gòn):

Mỗi lần tranh đấu gay go
Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm
Nghe lời bác dạy khuyên răn
Chúng con ước muốn theo chân của người…
Chúng con thề nguyện một lời
Quyết tâm thành khẩn… lột người từ đây.
Anh em ơi, quyết chung lưng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
Địa hào, đối lập ra tro
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt qùy gục xuống, đọa đày chết thôi.

Nếu quả đúng thơ Xuân Diệu thì thật là khủng khiếp khi chính trị chi phối, chỉ đạo trực tiếp văn nghệ, thật là khủng khiếp cho thơ ca phục vụ chính trị! Nhưng còn thơ tình Xuân Diệu? Người ta ca ngợi nhiều bài thơ ” Biển” Xuân Diệu viết năm 1962:

… Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt.

So với những “Giục giã”, “Tương tư, chiều”… trong “Gởi hương cho gió” và “Thơ thơ” của Xuân Diệu hay những “Ngậm ngùi”, “Áo trắng”… trong “Lửa thiêng” của Huy Cận đã ru hồn bao thế hệ với tình sầu và nỗi cô liêu của kiếp người, thì các thi sĩ trong “phục vụ nhiệm vụ chính trị” sau này còn sáng tác được bài thơ nào ra hồn hay đã trở thành cán bộ, quan chức văn nghệ chỉ biết thảo công văn, đọc báo cáo và đi dự tiệc?

Chế Lan Viên tài hoa và mê đắm trong “Điêu tàn” cũng vẫn tài hoa, điêu luyện trong những bài tụng ca ” Người đi tìm hình của nước”, ” Tổ quốc có bao giờ đẹp như thế này chăng” nhưng những bài thơ này phảng phất “mùi nghị quyết” và không che được cái giả, cái gượng ép của một người làm thơ muốn “nịnh đảng, nịnh lãnh tụ” để lập công.

Còn nguyên Hồng sau “Bỉ vỏ”, Nguyễn Công Hoan sau “Kép Tư Bền”, Nguyễn Tuân sau ” Vang bóng một thời”…, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tác phẩm của họ còn có gì sẽ đứng được với thời gian ?

Trong âm nhạc, Văn Cao làm sao có thể sáng tác nổi thêm một “Thiên thai”, một “Tiến quân ca”… trong chế độ gọi là xã hội chủ nghĩa ưu việt. Và còn bao nhiêu nhạc sĩ tài hoa khác tương tự như Văn Cao?

Người nghệ sĩ tự hủy hoại chính mình và tác phẩm của mình khi phục vụ cho một chủ nghĩa, một chế độ chính trị hay chủ nghĩa và chế độ chính trị đã làm thui chột tài năng, hay cả hai điều này cộng lại đã tạo nên sự tàn phá khủng khiếp cho văn học nghệ thuật trong những thời kỳ lịch sử?

Đã đến lúc chưa, chúng ta tự hỏi và lý giải về điều này một cách nghiêm túc?

Tôi không viết được nhiều như một số bạn cùng thời nhưng bản thân tôi cũng cảm thấy không thích khi đọc lại truyện ngắn “Tự do hay là chết” của mình đăng trên tạp chí Đối diện năm 1972. Cùng với một số bài viết khác có xu hướng tương tự đăng trên báo chí Miền Nam lúc đó, truyện ngắn này đã được đài Tiếng Nói Việt Nam, Đài Phát Thanh Giải Phóng tuyên truyền rộng rãi. Có sự thật ở nơi này nơi khác và tôi đã lắp ghép, cường điệu để vẽ nên một bức tranh khủng khiếp tố cáo chế độ lao tù của chính quyền Sài Gòn. Điều đối với tôi vẫn còn nguyên giá trị là ý tưởng “Tự do hay là chết”. Nhưng điều làm ngạc nhiên ( hay không nên ngạc nhiên) là khi nó được in lại trong tuyển tập ” Bút máu” của nhà xuất bản Giải phóng, người ta tự ý đổi thể loại từ “truyện ngắn” sang ” bút ký” và cắt bỏ một phần đoạn kết. Lúc đưa truyện ngắn này vào tuyển tập “Mùa xuân chim én bay về” ( Nhà xuất bản Cửu Long 1986 ) và “Tiếng hát những người đi tới” ( Nhà xuất bản Trẻ 1993 ) những người biên tập lại tự ý đổi thêm tựa đề thành “Địa ngục trần gian” mặc dù tác giả đã có ý kiến chính thức phản đối. Văn nghệ đã tự mình gò ép, thế mà chính trị vẫn còn tiếp tục bóp méo và luôn nghi kỵ, cảnh giác, sẵn sàng trù dập khi văn nghệ đòi quyền sống với tự do, tự do đích thực chứ không phải là tự do có điều kiện, tự do có lãnh đạo theo một chế độ, một chủ nghĩa.

Chế độ xã hội chủ nghĩa luôn tự đề cao là chế độ ưu việt nhất, phát huy nhiều nhất giá trị của con người, nhất là tài năng của người nghệ sĩ nhưng thực tế đã diễn ra như thế nào? Tôi không phải là người đầu tiên nói về điều này. Tập thơ “Chân dung nhà văn” của Xuân Sách, một người trong cuộc, đã khắc họa rất rõ điều đó và đã làm không ít người phẫn nộ (thậm chí đã làm đơn ký tên tập thể kiện và đòi trừng trị tác giả). Họ phẫn nộ vì không chịu nhìn nhận sự thật, vẫn còn tự huyễn hoặc, vẫn còn mù quáng. Phẫn nộ vì những bài thơ rất ngắn không tựa đề của Xuân Sách lại đâm xuyên suốt nhân cách và sự nghiệp của những nhà văn, nhà thơ bao lâu nay được ngợi ca và tự cho mình là tài năng, vĩ đại.

Hà Sĩ Phu đã nhận ra ngay và khái quát được điều đó khi làm bài thơ cảm tác nhân đọc chân dung Hoài Thanh của Xuân Sách:

Hai nửa chân dung
” Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên”
Nét này vẽ bác Lan Viên?
Bác Hữu ? Bác Cận ? Hay riêng bác Hoài?
Chân dung các Bác ngời ngời
Chém cha riêng cái nửa đời phía sau
Cuộc đời hai nửa vì đâu
Nửa say quỷ kế, nửa đau nhân tình.

Những nhà văn sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc trước đây đã có hai nửa chân dung như thế, còn những người mới sống dưới chế độ chủ nghĩa từ sau 75 có thay đổi chân dung không? Anh em nhóm Việt chúng tôi và bao nhiêu nhà văn đầy lòng phản kháng ở Miền Nam trước đây, sau 75 đã viết được gì ? Một số ít đã có thời gian viết tụng ca (kể cả Đông Trình) hoặc sáng tác về những đề tài vô thưởng vô phạt, không phải để làm văn nghệ chân chính mà chỉ để kiếm sống. Trần Duy Phiên viết ” Kiến và người”, “Mối và người” ( hai truyện ngắn đăng trên tạp chí Đất Quảng và Sông Hương ) chỉ có thể dùng bút pháp tượng trưng mà đã bị đe dọa. Đông Trình còn viết được không những vần thơ tâm huyết đầy lửa như trong ” Rừng và Hoa”? Thế Vũ với ” Những vòng hoa ngụy tín”, Nguyễn Hoàng Thu với ” Người bắt ruồi”, Hàng Chức Nguyên với “Tiếng hát của người thương binh mất trí” năm xưa nay viết được gì ? Còn Lê Văn Ngăn, Lê Nhược Thủy, Chinh Văn, Phan Duy Nhân, Nguyễn Tường Văn…? Thế Vũ mới chỉ viết một bài báo ngắn “Điều dáng sợ nhất của văn học: Đánh mất lòng tin ở độc gỉa” ( Phụ trang tạp chí Cánh Én 1989 ) phê phán Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam trong vụ Nguyên Ngọc và Tuần báo Văn nghệ, đã bị đánh tơi bời như một “tên ngụy, phản động…”, bị mất chức, cho nghỉ việc rồi đi sửa mo rát, biên tập thuê kiếm sống. Làm sao để giữ được quan điểm và nhân cách của mình là điều hoàn toàn không dễ dàng.

Các nhạc sĩ sinh viên thời phong trào đấu tranh đô thị như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn… và các bài hát đầy hào khí, lôi cuốn cả một thế hệ thanh niên xuống đường nhập cuộc đấu tranh, nay khi đã trở thành những quan chức, có bao giờ còn thao thức như những ” đêm không ngủ” năm nào, dù tình hình hiện nay có nhiều chuyện không khác xưa bao nhiêu và những bài hát cũ của các anh hát lên bây giờ cũng hoàn toàn phù hợp. Rồi còn nữa, đâu rồi những bài ca hào hùng của Trương Quốc Khánh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Xuân Tân, La Hữu Vang, Trần Xuân Tiến …?

Dù muốn dù không, thời kỳ đổi mới, cải tổ rồi sụp đổ, suy thoái của toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã mang đến cho Việt Nam những thay đổi nhất định về chính trị và văn nghệ.

Ở Hà Nội, sau những gì đã làm, đã viết trong bước đầu đổi mới, người ta mong chờ gì ở các nhà văn Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Xuân Cang, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Huy Quang, Lê Lựu, Bảo Ninh…, các nhà nghiên cứu phê bình Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Hạnh, Ngô Thảo… các nhà làm điện ảnh như Trần Văn Thủy, Đặng Nhật Minh …?

Ở Miền trung, người ta có thể hi vọng gì với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khắc Phê, Trần Vàng Sao, Thanh Thảo, Trần Huyền Ân, Triệu Phong… và lớp trẻ hơn như Trần Thùy Mai, Nguyễn Quang Lập, Ngô Minh, Trần Thức, Hoàng Dũng, Phạm Phú Phong…?

Còn Sài Gòn và Nam Bộ ? Vùng đất mới năng động và rực lửa đấu tranh trong lịch sử trẻ trung của mình với truyền thống bất khuất đã sản sinh ra bao nhiêu nhà văn, nghệ sĩ tài năng và đầy lòng phản kháng, lẽ nào chỉ nhạy bén với nền kinh tế thị trường ?

Ở đây, tôi cũng muốn nói đôi lời về khía cạnh tổ chức đào tạo, giáo dục của một chế độ đối với hoạt động văn học. Chế độ xã hội chủ nghĩa có các tổ chức đào tạo, bồi dưỡng những người viết văn, có trường đại học viết văn, trả lương cho những người viết văn chuyên nghiệp nhưng đã sản sinh ra bao nhiêu nhà văn, trong đó có bao nhiêu nhà văn lớn? Ý thức phục vụ chính trị và tính chất rập khuôn đã làm hạn chế tài năng và tinh thần tự do sáng tạo của nhà văn như thế nào? Lại còn các tổ chức văn học nghệ thuật mang tính chất nhà nước . Những hội gọi là sáng tạo mà cũng phải gò vào một tổ chức bất kể quan điểm, xu hướng, phong cách sáng tác. Trong những tổ chức này người ta lại điều hành theo kiểu hành chính, quan liêu, lôi bè kéo phái, tranh giành quyền lực, chia chác quyền lợi, đấu đá lẫn nhau, không còn gì gọi là văn học nghệ thuật nữa. Những người lãnh đạo văn nghệ có khi lại không có khả năng sáng tác văn nghệ hoặc khi đã trở thành lãnh đạo, những người làm quan lại không còn khả năng sáng tác.

Văn nghệ sĩ chân chính cần quái gì các tổ chức này. Cùng xu hướng, tâm đắc với nhau thì tự động tập hợp lại thành nhóm, thành hội hoặc cứ một mình mà đi trong thênh thang trời rộng, giữa dân tộc và loài người, cần chi phải chui đầu vào tổ chức.

Hiến pháp ghi rõ quyền “tự do lập hội” nhưng mọi hội đoàn dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đều là hội đoàn của Đảng và Nhà nước. Nếu các văn nghệ sĩ tự mình lập hội thì Đảng và Nhà nước có cấm và cấm được không? Tại sao văn nghệ sĩ không dám làm điều hiến pháp đã cho phép? Không phải chỉ có quyền tự do này mà còn bao nhiêu quyền khác đã được ghi rõ trong hiến pháp. Nếu văn nghệ sĩ, trí thức và nhân dân nói chung không dám thực hiện những điều đã ghi trong hiến pháp thì phải chăng việc chịu đựng áp bức, mất tự do là điều tất nhiên, như có người đã nhận định?

Chế độ cũ trước đây ở Miền Nam không có các cơ chế văn nghệ nhà nước như dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn có vô số nhà văn, nhà thơ, trong đó không ít người có tài năng và khẳng định được phong cách riêng, sự độc đáo của mình. Dĩ nhiên, nói như thế không phải để ca ngợi chế độ cũ, nhưng để nói đến một bầu khí như thế nào để văn học có thể phát huy tinh thần sáng tạo, điều cần thiết đối với văn học nghệ thuật như hơi thở đối với cuộc sống con người.

Ở thời chúng tôi, chỉ mấy lớp ban Việt văn của trường Đại Học Sư Phạm Huế bé nhỏ, mỗi lớp chỉ có hơn 10 sinh viên, trong những năm 60, đả sản sinh không ít các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch thuật: Ngô Kha, Đoàn Khoách, Phùng Khánh, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Quang Long, Trần Duy Phiên, Đông Trình, Trần Hữu Lục, Trần Hồng Quang, Tần Hoài Dạ Vũ, Huỳnh Ngọc Sơn, Ngô Văn Ban… (Chưa nói đến tài năng, chỉ nói đến việc họ đã sáng tác, nghiên cứu và có tác phẫm xuất bản, đăng trên báo chí. Một số trong họ được người đọc và các nhà phê bình công nhận là thực sự có tài năng.)

Tôi nói điều đó không phải để khoe khoang vì chẳng có gì để khoe khoang mà là để dẫn chứng và so sánh. Ở thời chúng tôi, phần lớn sinh viên vào các ban văn vì người ta có “tâm hồn văn chương”, ngoài một số người trở thành nhà văn, không ít người đã học, sống và đi dạy học bằng tất cả say mê và “lý tưởng văn chương” của mình. Còn ban văn các trường Đại Học Tổng Hợp, Đại Học Sư Phạm từ sau 1975 đến nay đã thu nhận sinh viên như thế nào và đào tạo các giáo sư văn chương ra sao, rồi cả mấy thế hệ học sinh đã học tiếng Việt như thế nào? Điều này báo chí gần đây đã nói đến nhiều và đưa ra tỉ lệ học sinh yếu kém môn văn một cách báo động trong các trường học.

Có người nói môn văn là môn học làm người và ai cũng thừa nhận, nói chung, ngành giáo dục là nơi đào tạo con người, đào tạo những người chủ tương lai của đất nước. Đào tạo con người ngoài kiến thức, chuyên môn, kỹ thuật, còn có đạo lý, nhân cách, bản lãnh. Thế nhưng một điều lạ lùng là trong các chế độ không phải là xã hội chủ nghĩa, mà là “thực dân phong kiến”, “ngụy quyền tay sai”, sinh viên học sinh lại đầy lòng phản kháng, nhận thức rất rõ và dám đứng lên đấu tranh cho độc lập tự do của tổ quốc, cho công bằng xã hội (trong đó có nhiều người sau này là lãnh tụ cộng sản), nhưng sinh viên học sinh trong chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt ở Miền Bắc trước 1975 và cả nước sau 1975 lại hầu như tê liệt lòng phản kháng, chỉ biết phục tùng và sa vào chủ nghĩa thực dụng. Nếu giải thích điều này bởi chủ nghĩa xã hội ưu việt thực, không có bất công áp bức và có đầy đủ mọi quyền tự do dân chủ nên không ai muốn kêu đòi gì nữa, nói như thế chắc chẳng ai tin. Vậy phải chăng chỉ có thễ giải thích đây chính là sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong việc đàn áp, thống trị tư tưởng và hành động của con người?

Cho đến khi chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu, đã bộc lộ những sai lầm nhược điểm không thể chối cãi, ngay trên đất nước này, những người cộng sản kiên cường nhất đã làm gì để sửa chữa? Sửa chữa ở đây bao hàm những thay đổi từ cơ bản của sai lầm.

Dĩ nhiên ai cũng thấy những người lãnh đạo cộng sản gần đây đã chủ trương mở cửa, chấp nhận kinh tế thị trường và đã mang lại những thay đổi, kết quả bước đầu, nhưng mặt khác, lại vì lý do “ổn định chính trị” nên ra sức đàn áp dân chủ, bóp nghẹt tư tưởng, vi phạm nhân quyền. Thực chất, người cộng sản phải tự cứu về mặt kinh tế để khỏi sụp đổ và chỉ muốn duy trì mãi mãi độc quyền lãnh đạo. Nhưng người dân không phải là con vật chỉ cần được ăn no là đủ. Thực ra con vật cũng không phải chỉ cần được ăn no và thực tế chỉ một số người no mập, phủ phê, xa xỉ, còn đại bộ phận nhân dân vẫn cùng cực. Hơn nữa, với nền kinh tế thị trường, việc nhận viện trợ của các nước ngoài, nếu lãnh đạo không đủ tài trí, bản lĩnh sẽ mang lại tai họa lâu dài cho đất nước trên tất cả mọi phương diện từ kinh tế cho đến văn hóa giáo dục, xã hội, truyền thống, đạo đức…

Bạn hay thù đều phải công nhận Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp là những lãnh tụ cộng sản thông minh, tài trí, nhưng nay các ông hoàn toàn bất lực dù các ông thấy rõ và như Phạm Văn Đồng đã công khai nói về sự sa sút, xuống dốc của tổ chức bộ máy Đảng và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng như một “căn nhà rác rưởi”. Nguyễn Hữu Thọ đã tập họp được bao nhiêu người yêu nước dưới ngọn cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, sau 75 đã nhiều lần kêu gọi đấu tranh đòi dân chủ, dân quyền, ông có đau xót và hổ thẹn không khi tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam mà ông đứng đầu chỉ là cái bung xung, vật trang trí dân chủ của một chế độ độc tài? Trần Độ, một vị tướng yêu văn nghệ, một thời làm trưởng ban Văn hóa Văn Nghệ Trung ương, người đã làm hết sức mình cho việc ra đời của nghị quyết 5 về văn hóa văn nghệ, một nghị quyết cấp tiến nhất từ trước tới nay của đảng Cộng sản Việt nam, để rồi nghị quyết bị vô hiệu hóa, xóa sổ khi mới chuẩn bị thực hiện. Một số cán bộ cấp cao có tâm huyết , đau lòng về tình hình cũng chỉ có thể đến mức xin về hưu và trong chỗ riêng tư, tự nhìn nhận là vì hèn nên không dám tuyên bố ra khỏi đảng Cộng sản. Những người lãnh đạo cộng sản khác ở mọi cấp đã thực sự nhận thức như thế nào dù họ vẫn luôn bị guồng máy cuốn đi? Còn một số người ở Miền Nam trước 1975 được coi là cấp tiến, có tinh thần phản kháng như bà Ngô Bá Thành, Lý Chánh Trung, trong thời gian được đảng Cộng sản trọng dụng đã hết sức ca ngợi chế độ, to mồm nhất trong các cuộc họp quốc hội để đàn áp quyền tự do báo chí, hạn chế quyền tự do ứng cử và bầu cử khi thông qua các luật , nay bị vứt qua bên lề, có cay đắng và ăn năn không?

Những điều này có phần nào liên quan đến bộ máy tổ chức. Đảng Cộng sản của những người đấu tranh cho công bằng, nhân đạo, giải phóng giai cấp khi trở thành đảng cầm quyền đã trở thành đảng độc tài, quan liêu, bè phái. Thậm chí gần đây nhiều người đã nhận định đảng trở thành một tập đoàn mafia, với những thủ đoạn tinh vi và hiểm độc, tàn bạo để thanh toán nội bộ, bị chi phối bởi một vài cá nhân hoặc tập thể như tập đoàn Lê Đức Thọ mà Hoàng Minh Chính đã tố cáo, với sự cám dỗ của quyền lực và quyền lợi, tất cả đã làm cho những người trong guồng máy hầu như tê liệt lòng phản kháng hoặc không có khả năng phê phán.

Lúc còn làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phạm Văn Đồng đã có lần kêu lên về sự bất lực của mình. Võ Nguyên Giáp một thời gian phải đi làm “kế hoạch hoá gia đình”, đến nỗi trong dân gian đã có câu ca dao mới:

Ngày xưa đại tướng oai hùng
Ngày nay đại tướng đặt vòng cho em

Lẽ nào vị đại tướng danh tiếng lừng lẫy thế giới với hai chiến thắng Điện Biên Phủ và 30/4/75 lại không có việc gì để làm hơn là kế hoạch hóa gia đình dù việc này cũng rất quan trọng. Không phải nhân dân mỉa mai đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng người ta cay đắng hộ cho ông và phê phán, bất bình đối với tổ chức, bộ máy của đảng Cộng sản không gì khác hơn là một tập đoàn bè phái, sẵn sàng gạt ra ngoài những người không ăn cánh.

Trên đây, tôi có đề cập đền một vài người để phân tích theo mạch suy tưởng của mình. Đối với tôi và đối với nhân dân nói chung, không có ai là bất khả xâm phạm, kể cả những anh hùng, lãnh tụ vĩ đại nhất. Mọi người, mọi việc đều phải được nhìn nhận dưới áng sáng của trí tuệ, lương tri và công luận.

Không phải tôi viết lan man cốt động chạm đến việc này việc khác, người này người khác. Tôi chỉ muốn chứng minh có một nhận định mà nhiều người thừa nhận là những người cộng sản độc quyền lãnh đạo đã làm thui chột thay vì phát huy những phẩm chất tốt đẹp nơi con người như họ vẫn rêu rao trong các nghị quyết, sắc luật và các khẩu hiệu tuyên truyền. Công bằng mà nói, chủ nghĩa xã hội cũng phát huy được một số đức tính nào đó nhưng điều nổi bật là đã làm cho con người trở nên cuồng tín, ngụy tín, hèn nhát và dối trá. Phan Đình Diệu, một trí thức cỡ lớn do chế độ đào tạo đã nhiều lần công khai nói về chuyện độc quyền tất sẽ dẫn đến độc tôn, độc tài, độc ác. Mới đây, trong tháng 9/92, khi trả lời phỏng vấn một phóng viên nước ngoài, ông đã chính thức kêu gọi đảng từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và chấp nhận dân chủ đa nguyên. ( Tập san Bắc Âu nghiên cứu Á Châu số 2/1993, xuất bản tại Đan Mạch.)

Tôi nói đến nhận định trên không phải vì hận thù. Chủ nghĩa cộng sản đã là niềm mơ ước của hàng triệu triệu người nhưng cũng đã là niềm cay đắng và tội ác đối với hàng triệu triệu người trong đó có những người đã mơ ước nó, trong những người đó có tôi.

Nhận thức được điều này, một số người đã nghĩ, đã nói đến sám hối.

Nguyễn Minh Châu đã viết ” Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn chương minh họa”. Đó là những lời chân thành và dũng cảm, dù Đảng và Nhà nước, các nhà văn cùng thời thừa nhận hay không. Tiếc thay, Nguyễn Minh Châu bị mắc cơn bệnh ung thư máu nan y nên tác phẩm thể hiện sự sám hối của ông còn quá ít, cho dù đến những giây phút cuối cùng, trên giường bệnh, ông còn viết bài đấu tranh cho đổi mới trong vụ Nguyên Ngọc và tuần báo Văn nghệ cuối năm 1988.

Trong những chừng mực và cách thế khác nhau, những tác phẩm của Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Phùng Gia Lộc, Hà Văn Thùy, Lê Lựu, Trần Huy Quang, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh … cũng là những biểu hiện sám hối.

Có những người sám hối quá muộn dù ý thức sám hối đã có từ trước như Chế Lan Viên. Biểu hiện sám hối chỉ nằm trong di cảo và người ta chỉ có thể suy diễn về tâm trạng của nhà thơ. Có phải Chế Lan Viên đã biết là bánh vẽ nhưng vẫn cầm lên nhấm nháp:

Bánh Vẽ
Chưa cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi cùng bạn bè
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui…
Bảo anh không còn khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc, anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người … khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm…
(Di cảo, Văn học và dư luận. Tháng 5/ 1991)

Có phải trong thẳm sâu tâm thức, ông vẫn biết mình dối trá, che dấu sự thực:

Trừ đi
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu.
Một nửa
Cái cần đưa vào thơ tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười.
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Giết cái cánh sắp bay… trước khi tôi viết.
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn cả mặt trời lên trên biển.
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể.
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế.
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi
Không phải.
Nhưng cũng chính là tôi. Người có lỗi
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình.
( Chế Lan Viên. Di cảo )

Có phải Chế Lan Viên thấy rõ tội lỗi của mình khi đối mặt với hiện thực của đất nước:

Ai ? Tôi ?
Mậu thân 2000 người xuống đồng bằng.
Chỉ một đêm, còn sống có 30.
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi ! Tôi, người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi lúc xung phong
Một trong 30 người kia ở mặt trận về sau 10 năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ai chịu trách nhiệm vậy ? Lại chính là tôi !
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ…
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười.
( Chế Lan Viên.1987. Di cảo )

Tôi muốn trích dẫn cả ba bài thơ này của Chế lan Viên vì những bài này ít người biết và vì con người, cuộc đời và thơ ca của ông là một “phản ánh hiện thực” rất đặc trưng và đầy bi kịch của một giai đoạn lịch sử có đầy đủ tính hùng tráng, đau thương, hiến dâng, phản bội, dối trá, ngụy trang và không thể nào tránh khỏi sám hối.

Sám hối là nhận thức lại và ăn năn về lỗi lầm của chính bản thân hay của cả một tập thể, một dân tộc đã đi sai đường, dù chính mình chủ động hay thụ động, tình nguyện hay bị bó buộc. Ăn năn sám hối vì đã cố tình hay vô ý làm điều sai, điều ác.

Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan đã sám hối với sự thừa nhận rõ ràng trong tên gọi của “Ba bài giảng sám hối”. Một số thành viên trong Câu lạc bộ Những người Kháng Chiến cũ thành phố Hồ Chí Minh những năm 88-89 như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu cũng đã sám hối. Còn những người lãnh đạo Cộng sản, có ai đã sám hối không hay chỉ mới dừng lại ở chỗ “sửa sai” nhẹ nhàng ?

Sám hối phải có cắn rứt lương tâm, phải đau đớn, tiếp đến có ý thức và hành động chuộc lỗi. Sám hối đó mới có gía trị tích cực. Sám hối không phải chỉ tự đấm ngực và cầu xin tha tội. Sám hối là dấn thân vào cuộc đấu tranh chống lại sự hèn nhát, yếu đuối, sai lầm của bản thân, chống lại thế lực của sự ngu si, cuồng tín, tàn bạo đã tạo ra tội ác.

Những người không có và không cần quyền lực, hư danh, những kẻ thất cơ lỡ vận dễ sám hối hơn những người có địa vị, uy quyền. Đối với loại người sau, ngụy tín dễ hơn sám hối, biện minh nhiều hơn nhận lỗi, quyền lợi mạnh hơn lương tri, sám hối thực không dễ dàng.

Nội dung, đề tài của văn nghệ là vô tận. Văn nghệ ca ngợi tình yêu, thiên nhiên, tuổi thơ, đắm mình trong huyền thoại, ước mơ về một tương lai viễn tưởng… Không thể cưỡng bức văn nghệ phải chuyên chở nội dung này, khai thác đề tài kia như các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản đã làm. Văn nghệ không phi chính trị nhưng không phục vụ chính trị một cách mù quáng. Văn nghệ không cần mang tính đảng mà phải phi đảng. Văn nghệ không tôn thờ chủ nghĩa.Văn nghệ phụng sự cho dân tộc và con người. Văn nghệ không biên cương quốc gia, biên cương thời gian và biên cương chủ nghĩa. Nhưng nếu văn nghệ vì con người thì không thể né tránh thân phận con người, nhất là khi thân phận hàng triệu người bị quy định, chi phối bởi các chế độ độc tài tàn bạo. Văn nghệ lúc đó phải biết và dám nói tiếng nói của lương tri. Đó là văn nghệ dấn thân và phản kháng.

Văn nghệ phải đến được với công chúng, đối tượng, mục đích, môi trường và đất sống của mình. Các chế độ độc tài luôn ngăn chặn văn nghệ tự do, chỉ muốn lùa văn nghệ vào các chuồng nuôi thú làm cảnh. Văn nghệ phải biết cách chiến đấu. Từ xa xưa, ông cha ta đã biết điều này. Đó là truyện tiếu lâm, câu đối, ca dao, hò vè, thơ ca châm biếm, sau này còn có cách viết “lách” trên sách báo hợp pháp, xuất bản sách báo bất hợp pháp, tổ chức “hát cho đồng bào tôi nghe”… Văn nghệ phải ươm mầm phản kháng, thức tỉnh lương tri, kêu gọi đấu tranh, đánh thẳng vào mặt cường quyền, đóng đinh tội ác vào giá của lịch sử.

Chính trị bao giờ cũng cần thiết cho một dân tộc, một xã hội và toàn thế giới. Đường lối chính trị có thể đúng hoặc sai. Người làm chính trị có thể tốt hoặc xấu. Làm chính trị phải nắm được quyền lực. Quyền lực là sức mạnh vạn năng và là con dao hai lưỡi. Quyền lực xây dựng và cũng quyền lực hủy hoại con người, hủy hoại ngay chính người làm chính trị. Cám dỗ quyền lực rất lớn và nguy hiểm.

Dù sao người làm chính trị cũng có lương tri. Tiếng nói của lương tri và sức mạnh của quần chúng nhân dân sẽ ngăn chặn được sai lầm và tội ác. Mục đích chính trị có tốt đẹp tới đâu nhưng phương tiện, con đường đi là độc tài, chà đạp nhân quyền, vi phạm tự do, khủng bố bằng bạo lực, gây ra nội chiến, trả gía bằng máu và nước mắt đều không thể tự biện minh, không đạt đến mục đích.

Văn nghệ và chính trị đều phải biết sám hối. Tốt hơn là đừng để phải sám hối nhưng đã lỡ sai lầm thì phải sám hối trước khi quá muộn.
Động hoa vàng
Đà Lạt 12/10/1993
(Báo Đối thoại (Mỹ) 1994, website talawas)

Pages: 1 2 3

31 Phản hồi cho “Truyền thống phong trào sinh viên học sinh tranh đấu: Khôi phục tinh hoa phẩm chất”

  1. DƯƠNG TRIỆU VỸ says:

    Kéo xác thằng Hồ Chí Minh dập xuống CẦU TIÊU là Dân hết đau thương .

  2. Tình cờ có người bạn đến rẫy chơi đem theo cả ông cựu khoa trưởng Văn Khoa Sài Gòn Nguyễn Văn Trung .Ngồi bờ ao uống trà tôi có hỏi ông ta về những sinh viên theo “Phe Thắng Cuộc” .Ông kể là : Một sinh viên vào bưng ,khi vào lại S.G hoạt động ở ngay chỗ một người bạn cũ đang là Cuộc trưởng Cảnh Sát.Người này biết nhưng gặp và khuyên đi chỗ khác hoạt động vì không lỡ bắt bạn mình.Ông Trung có hỏi lại người “Phe Thắng Cuộc” .
    Anh sẽ làm gì trong trường hợp ngược lại
    Tôi sẽ bắt hoặc giết nó chứ không tha
    Giáo sư Trung còn sống ở Canada quí ngài có thể kiểm chứng.

    • Minh says:

      Ông Nguyễn Văn Trung qua đời được vài năm rồi. Ông Nguyễn Văn Lục là em ông Trung hiện đang định cư tại Canada.

  3. BNS says:

    Mấy cái danh hời:Nguyên phó chủ Tịch ngoại vụ… ,trưởng đoàn thanh niên quyết tử…..”Hơn 40 năm đọc lại nghe kêu rơm rớp,như pháo nổ đêm Mậu Thân.Nghĩ thêm tội nghiệp cho ông TDBC.Lớp tuồng trên sân khấu hát bộ miền Trung do mấy thầy Trí Quang,Đôn Hậu đạo diển dưới sự chỉ đạo cuả đảng Cướp Sản.Vai trò cuả TDBC đóng hết vở tuồng “ăn cơm Quốc gia thờ ma CS” chấm dứt theo sự bức tử cuả nền CH miền Nam VN và chả còn xơ múi gì ngoài cái danh hảo huyền,nhờ vậy mấy ông mới sống sót những ngày tàn cuả cuộc đời “ngậm một khối căm hờn trong Củi Sắt”
    Phần đông các ông có chút hơi hám với Vẹm thường đem những chức danh “nguyên” ra hù VC như cụ Lê hiếu Đằng,Hùynh tấn Mẩm…”nguyên phó chủ tịch mặt trận trớt quớt”
    Mới đây thôi 14 anh chị em sinh viên Công giáo yêu nước bị chụp những bản án nặng nề với những tội danh biạ đặt,thế nhưng mấy cụ công khai làm đơn đòi biểu tình yêu nước chẳng ai dám hó hé,có lẽ nhờ cái quá khứ huy hoàng ngày xa xưa? “Ăn cơm Đảng muá tối ngày”.trong cái thời buổi giặc Tàu tràn đến tận chân,chúng cướp biển Đông,cướp đảo,tuôn chất độc vào đầu độc nhân dân,những tên bán nước công khai bỏ tù người yêu nước thì các cụ cựu quậy trong các phong trào sinh viên không dám vạch mặt chỉ tên bọn chúng nhưng cứ ấm á,ấm ớ viết báo tự sướng cái quá khứ bẩn thiểu,ruồi bu.Trên các diển đàn điện tử thỉnh thoảng thấy xuất hiện những bài báo cuả các ông nhà thơ,nhà văn,nhà báo gọi là đối lập cuội,viết những bài báo về Phạm dê.về bài thơ bị văn hào chôm chiả,về cái tôi đầy tội cuả mình,chả ăn nhậu với tình hình đấu tranh cuả những người yêu nước đang bị đàn áp tù đày.Phải chăng những bài viết ấy theo đơn đặt hàng đánh lạc hướng dư luận?
    Trân trọng kính thỉnh cầu qúy cụ ,nếu còn chút liêm sỉ hãy vui lòng chấm dứt những bài viết “chẳng ăn nhậu”gì đến tình hình mất nước hiện tại.Thành thật cám ơn

  4. Ông Trời ngó xuống mà coi
    Trưởng đoàn quyết tử nó thời sống nhăn
    Thì ra nó xử nhân dân
    Mồ chôn tập thể Mậu Thân năm nào
    Bây giờ đất thấp trời cao
    Hồn oan dân Huế làm sao giải đàn?

  5. Trung Kiên says:

    Chào ông TDBC

    Đọc bài viết của Ông, tôi cố gắng đè nén để không kéo Đỗ Mười (Đ.M.) vào cuộc!
    Tôi rất phẫn nộ khi xem YouTube của Hoàng Phủ Ngọc Tường chạy tội và xuyên tạc về vụ Tết Mậu Thân ở Huế cũng như bịa đặt về VNCH, rồi bây giờ đến bài viết này của những kẻ phá hoại đất nước như các Ông!

    Với những gì đã xảy ra trong thời kỳ chiến tranh cho thấy, không chỉ SVHS các Ông, mà ngay cả đến tu sĩ (Tôn giáo) cũng đã bị csvn lạm dụng, xúi bẩy và xô đẩy vào cuộc chiến. Các Ông đã làm tay sai không công cho csvn để phá hoại xã hội miền Nam và VNCH.

    Viết nhiều, hay ngụy biện cho hành động của mình trong quá khứ, không hẳn là một điều biện minh khôn ngoan, mà còn đổ thêm dầu vào lửa khi nói ra thời nhẹ dạ, ngây thơ và phá hoại đất nước của mình!

    Sao Ông không học hỏi anh em ông Huỳnh Nhật Tấn và Huỳnh Nhật Hải, ăn năn sám hối va tạ tội với nhân dân, nếu không làm được như nghệ sĩ Kim Chi!

    Từ chối lời khen của Thủ tướng Dũng!

    Nữ nghệ sĩ Kim Chi là một phụ nữ và chỉ là một người nghệ sĩ, thế mà còn biết tự trọng và tràn đầy lòng yêu nước thương dân!

    Còn Ông là một nam nhi quân tử với vai rộng lưng dài, một thời với: “Nguyên Phó Chủ tịch ngoại vụ, Phụ trách Đài phát thanh tranh đấu?

    Các Ông tranh đấu cho ai? Tranh đấu để tiếp tay cho tập đoàn hán gian csvn nhuộm đỏ cả Việt Nam và đem đất, biển của tổ tiên dâng hiến cho TQ, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc VN?

    Ông không biết ngượng ngùng, xấu hổ khi xưng danh mình là….”Đoàn trưởng Đoàn 3 Sinh Viên Quyết Tử thuộc Hội Đồng Sinh Viên Liên Khoa Tranh Thủ Cách Mạng Đại Học Huế trong cao trào Biến động Miền Trung năm 1966“, một tổ chức phản động do VC dựng lên ???

    • Trực Ngôn says:

      Tôi đồ rằng có kẻ nào chơi xỏ ông TDBC, giả danh ông viết bài này với “danh xưng nguyên con” để cho thiên hạ chửi và nguyền rủa.

      Một người như ông TDBC thừa biết rằng nhắc lại quá khứ tổi tệ thì không phải là điều lành, mà cũng chẳng ngu dại gì xưng danh (xú danh) và tội lỗi của mình đã tiếp tay cho giặc cộng!

    • Bần-Nông says:

      Bình tĩnh lại nào! Thân ái… Bần-Nông

  6. Viết Công says:

    Tôi, cựu Sinh Viên Trưòng ĐH Luật Khoa Sài Gỏn trước năm 1975. Xin minh xác một diều :

    Cái được gọi là “phong trào SVHS” mà TDBC hay những Ht Mẫm, LV Nuôi và Việt cộng thường hay nhắc đến chỉ là một nhóm nhỏ, rất nhỏ, đối với tập thể SVHS của miền nam trước năm 1975. Nó không có lấy một tý tư cách nào để đại diện cho tập thể SVHS miền nam. Nhóm này được Việt cộng móc nối, thường đi phá làng phá xóm, luồn lách vào các trường đại học để móc nồi người đi biểu tình với chúng dưới ganh nghĩa đòi hòa bình… Tuy nhiên, chẳng có mấy người tham dự. Bạn bè chúng tôi chỉ mặt chúng mà xa lánh. Nên lần nào đi biểu tình thì cũng chỉ lòi ra mấy cái mặt mốc ấy.

    Đa số những thành phần chóp bu của nhóm này, sau ngày Việt cộng vào thành phố thì tự chia nhau lấy những chúc vụ này nọ. Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn, cho đến khi đổi tiền lần đầu thì hầu hết bị xa thải, kể cả ở trong đoàn trường. Một số khác được giữ lại làm cái bung xung. TDBC, có hơn gì nhưng người đã bị thải loại trưóc đó?. Con chó biết sủa, biết giữ nhà thì chưa bị làm thịt. Đối với VC, vấn đề chỉ đơn giản có thế thôi. Y lại toan tính ví minh với những thanh niên đi biểu tình chống trung cộng hay là 14 người vừa bị Việt cộng tuyên án chăng? Qụa có năm mơ cũng không thể đổi đen thành trắng được!

    Nếu những thành phần này còn chút liêm sỷ của người thì nên nghe lời Lê thị Hà Linh mà ngậm mồm lại và sống kiếp ăn năn thì hơn.

    * Xin hỏi nhỏ, quan cán ” đoàn trưởng đoàn 3 sinh viên quyết tử” ông có phải là người có liên quan hay là người dẫn “sinh viên quyết tử” của ông về đốt phá và tấn công vào Thanh Bồ Đức Lợi hay không? Nên trả lời thật một lần như lời khuyên của Trần Trung Đạo tg ” nói trưóc khi chết “đấy nhá! cám ơn.

    Viết Công
    Viết Công

  7. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Gửi riêng Tiêu Dao Bảo Cự và một số đồng hương,

    Công bằng mà nói, chính Tiêu Dao Bảo Cự đã và đang còn SÁM HỐI, hay còn gọi bằng cụm từ mới là PHẢN TỈNH PHẢN KHÁNG.
    Vâng từ chỗ phản tỉnh, suy nghĩ lại, để rồi dám phản kháng, dám công khai đối đầu với cái ác đang ngự trị, chứ không đấm ngực xưng tội và xin tha tội.

    Chính vì thế mà ông Bảo Cự đã bức xúc, cố viết bài này, để cổ võ cho truyền thống xuống đường của giới sinh viên học sinh, chả cứ gì ở miền Nam, mà cả trong nước nữa.
    Ông coi đó là một truyền thống cao đẹp, cần phát huy hơn nữa, đừng để bị dập tắt bởi bạo quyền !

    Bảo Cự đã già rồi, cũng chả được hưởng ân huệ bao nhiêu từ CS; ông lại biết rõ mình đang đi giữa hai lằn đạn, nhưng vẫn lăn xả vào cuộc chiến như hồi trẻ dại thưở trước. Tôi xin thành thật khen ngợi ông và ngưỡng mộ sự dấn thân vì đại nghĩa ấy.

    Rất mong ông cứ tiếp tục con đường mình đang theo đuổi, cho dù ai nói gì cứ mặc họ.
    Con đường dân chủ hóa Việt Nam không giản đơn, ngược lại ghập ghềnh và chông chênh!
    Cuộc cách mạng tư sản 1789 của Pháp lên thác xuống ghềnh, gian nan vất vả mãi mới thành công !

    Chào thân ái và quyết thắng nhé.
    Hãy cố lên dù đã mỏi gối chồn chân Bảo Cự ơi !

    Amsterdam, đầu năm 2013
    Lại Mạnh Cường

    • nguenha says:

      Thưa Ông LMC,tôi hoàn toàn đồng ý với ông.Trong cuộc chiến giành lại quyền sống Tự do,dân chủ cho Dân-tộc,trước đối thủ là Ngụy quyền CSVN,chúng ta cần “rất nhiều nguồn vốn”từ mọi phía,trong đó không loại trừ những “tấm lòng’” từ Phản-tỉnh,phản-kháng!! Chúng ta,những người Miền Nam ghét CS,đả đành.Nhưng một người miền Bắc,đả sống với CS,mà căm thù CS,thì đó
      trở thành “chứng nhân Lịch-sử”có tính cách thuyết=phục! Đó chính là quả đạn pháo có sức nổ cao!
      Tướng Trần-Độ,và nhiều người khác nửa từ chế-độ CS ,đả chia tay ý-thức hệ, là nhữ ng bằng chứng không thể chối cải được./

      • Phạm Tăng Quốc says:

        Những người ở miền Bắc sống với CS và bị chúng bịt mắt, nhồi sọ lâu năm. Nay họ mở mắt ra được mà tỉnh ngộ, phản tỉnh phản kháng là điều đáng quí, là nhân tố và là sức mạnh đẩy CS sớm rơi xuống hố lịch sử.

        Nhưng những kẻ ở miền Nam nghe theo CS, theo voi ăn bã mía, đánh phá miền Nam, sau khi bị CS cho ra rìa đâm ra bất mãn, nay kể công và xưng danh như TDBC thì cũng chỉ là vô dụng.

    • Tien Ngu says:

      Thưa,

      Quí anh nói nghe cũng…chí tình. Nhưng vẫn còn mùi…thủm phảng phất…

      Với những nạn nhân của VC hiện tại, thì các anh đúng là có…chí tình.
      Nhưng đối với nạn nhân của VC trước 75, thì các anh vẫn còn…thum thủm. Bởi, vẫn chưa chịu nhận cái sự thật rằng thì là…khi xưa ta bé ta ngu.

      Có dịp vẫn…phẹt phẹt cái xã hội…Diệm Thiệu. Vẫn…ta xúm nhau…đánh Diệm Thiệu là điều…chính nghĩa.

      Diệm Thiệu…độc tài, quân phiệt, tham nhũng, thối nát, nên xã hội…không khá…

      Quí anh nhắm con mắt hi hí nhìn…đời thuở ấy, nên quên đi rằng xã hội Diệm Thiệu với sự tấn công hàng ngày của VC, quậy tưng bánh của các…nhân sỉ…

      Phải…xẫu mình dữ lắm mới có được trật tự lai rai, học sinh miền Nam có chổ học hành đàng hoàng, từ đó mới có các nhân tài…ra đời như Trịnh công Sơn, TDBC, hay các…bác sỉ y khoa cứu người bị thương vì…lựu đạn của..biệt động thành.

      Giả như xã hội Diệm Thiệu luôn..an bình, mà nó…cố tình xấu như thế, các anh sĩ vã, Tiên Ngu cũng nhất định…sĩ vã theo. Đàng này VC lòn lách từ trong ra ngoài, từ báo chí đến thông tin, và, tấn công phá hoại hàng ngày về mọi mặt, mọi…thứ, xã hội sao…hoàn hảo được?

      Thành ra, hát rằng xưa ta chống Diệm Thiệu, nay ta chống…Cộng láo, cả hai hành động đều là phải đạo, đều là…bảnh cả. Nghe nó vẫn còn một nữa….bất lương.

      Thiên hạ không phục là ờ chổ đó. Nên ai cũng…cự nự…

      Mong rằng quí anh…trước khi chết, hãy nói…vài lời…

    • Lâm Vũ says:

      Đồng ý hoàn toàn với ý kiến này của ông bạn LMC.

      Của đáng tội, ông TDBC thích xì-tin cho khác người (thời trẻ học ban Triết mà!), nhưng nói giản dị thì ông ấy đã “sám hối” từ lâu rồi. Có điều ông đã để hai chữ “sám hối” trong lòng, đống thời làm công việc vận động “trong lòng địch” – trước và sau khi bị loại trừ ra khỏi “Đảng” – cho tới bây giờ.

      Cũng giống như những bài viết của nhà báo cựu đại tá Bùi Tín, bài viết này chủ yếu chỉ nhằm cho những người “đồng chí cũ” ở miền Nam, nhất là những vị đã từng lừng danh là “chống đế quốc Mỹ xâm lược”, đọc và suy ngẫm. Bởi thế, ông TDBC mới “khoe” những danh hiệu thời đấu tranh của mình, để các “đồng chí cũ” thấy ông cũng đã một thời mê “cách mạng” chẳng kém ai – nhưng bây giờ cũng đã “phản tỉnh” hoàn toàn rồi. Phản tỉnh thật sự, chứ không phải vì theo thời hay vì không được chế độ trọng dụng, vì trước sau, ông TDBC chả “ăn cái giải gì” của bọn CS cả!

      Một lần nữa, cám ơn ông bạn LMC đã can đảm lên tiếng nói lên tgiếng nói của lương tri, để tôi được dịp ké theo.

      Trân trọng

      LV

    • Thầy Lang Băm Kường says:

      Lũ phản tặc – ăn cơm Quốc gia thờ cha VC – điển hình như thứ ngữ VC Bao Cu này

    • Lý Sự Thật says:

      @Lại Mạnh Cường

      Coi chừng Ông Cường à!
      Đọc những bài của TDBC, HT Mẫm,Hạ Đình Nguyên, Lý chánh Trung,Hoàng phủ ngọc Tường. .v.v. . .toàn là ” sám hối “…hai hàng không hà.
      Có thể ông cho tôi quá khắc khe. Nhưng thử hỏi trước 1975, TDBC và Đồng Bọn bị CS xúi dục biểu tình quậy phá miền Nam, Họ có xin phép chính quyền VNCH trước khi biểu tình như Họ làm với nhà cầm quyền CS hiện nay ? Tuyệt đối không!

      Nếu Sám Hối thật, tại sao Họ không Dám hành động một cách tích cực như trước 75? Mà chỉ viết vài bài báo lững lờ, hàng hai, hàng ba. Bởi, chỉ có hành động như vậy mới có thể xoá bỏ được sai lầm mà Họ đã gây ra và chứng minh được lý tưởng Tự Do- Dân Chủ mà họ ước mong.

      Hảy nhớ lý tưởng Quốc Gia Tự do Dân Chủ đã chết Ba lần:
      1- 1945 khi CS cướp chính quyền trên tay chính phủ Trần Trọng Kim
      2- 1954 khi Hồ chí Minh vâng lệnh CS Quốc tế chia đôi đất nước
      3- 1975 CS Bắc Việt cưỡng đoạt miền Nam

      Kinh nghiệm 3 lần chết đó,người Quốc Gia Tự Do không quên sách lượt CS :

      Mềm nắn, Rắn buông ( với chính tình Rắn hiện tại CS đang buông đấy )

      Lấy gì để bảo đảm TDBC không lãnh lương. . .Ngầm, để. . .” buông ” ra những bài viết đó ?

      LST

  8. nguoiviettoidau says:

    Tôi thành thực khinh bỉ bọn sinh viên hoạt động chống phá chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Sau 1975 tôi càng khinh bọn này hơn nữa. Một số trong chúng được chia chát chức vụ và lo kiếm tiền bằng cách hối lộ tham nhũng như những tên cs thối nát chính hiệu.

  9. Lê Hoàng says:

    Ôi chao, sao mà đọc những ý kiến của các cựu SV đậm mùi xú uế quá, chửi bới nhau không còn gì mà nói nữa, kinh tởm với các vị!

    • Tien Ngu says:

      Đúng đúng, ý kiến của các cựu SV miền Nam lúc nào cũng…đạm mùi xú uế, còn ý kiến của cò mồi VC thì lúc nào cũng…thơm nắm.

      Cò mồi rình, lâu lâu chọt vài cái, cũng đủ…thơm, không cần phải dài dòng văn tự như…cựu SV.

      Quá xá hay.

Leave a Reply to nguoiviettoidau