WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lan man chuyện ngày Quốc khánh

australiaNước Úc tuy là một đất nước đa văn hóa đa sắc tộc gồm nhiều giống dân đến từ năm châu bốn biển nhưng mỗi năm cứ đến ngày 26/1, tòan thể dân chúng ở khắp các tiểu bang trên nước Úc đều ăn mừng linh đình trọng thể vì đó là ngày quốc khánh của xứ kangaroo Úc đại lợi. Di dân hay người tị nạn lúc mới tới Úc nếu có đi học ESL (English as a second language) thế nào cũng được học sơ qua về lịch sử lập quốc của đất nước này. Chính ngày này năm xưa 1788 là ngày mà  đòan tàu tiên phong (first fleet) gồm 11 chiếc giải tội phạm lưu đày biệt xứ từ Anh quốc dưới sự chỉ huy thống lãnh của Captain Arthur Phillip  đã tới vịnh Botany và sau đó đã thả neo cặp bến dựng cờ ở Sydney Cove tuyên bố lục địa này thuộc chủ quyền người Anh.

Từ khi nước Úc được thành lập, chính phủ đã chọn ngày này làm ngày lễ quốc khánh hằng năm để kỷ niệm ngày khai hoang lập quốc khi xưa. Lễ Quốc khánh được người Úc xem là một ngày lễ trọng đại không kém gì Giáng sinh hay tết tây của thế giới, do đó dân Úc mặc sức ăn mừng, vốn đã lừng danh lười, chịu chơi hơn chịu làm cho nên đây cũng là một cơ hội vui chơi thả dàn hết ga tới bến. Có rất nhiều sinh họat hào hứng được tổ chức trong ngày lễ này để thiên hạ có thể du hí cả ngày như đi lòng vòng xem hội chợ sắc tộc hay những màn trình diễn lễ hội của thổ dân Úc ở Darling harbour ngòai city, ngồi du thuyền ngắm cảnh vòng quanh Opera house, hoặc xem đua thuyền, đua phà ở Harbour bridge và tối lại còn có màn bắn pháo bông rực rỡ huy hòang vạn tuế nước Úc. Mỗi tiểu bang mỗi sinh họat khác nhau nhưng tựu trung đều long trọng đích đáng để cho thế giới biết mặt người miệt dưới cực nam địa cầu ngày nay không còn là những người dân quê mùa mọi rợ chỉ biết có cái Boomerang săn thú rừng và  câu chào ‘’G’day’’ đặc trưng Crocodile Dundee, vua cá sấu mà thôi!

Ai không thích coi náo nhiệt rình rang ngòai đường thì ở nhà tự tổ chức ăn uống theo ý riêng. Theo tập tục của người Úc, trong những dịp lễ lạc như vậy nhứt là vào mùa hè thì đại đa số thường hay làm barbecue ngòai trời, họp bạn bè lại chung vui, ăn thịt nướng uống bia tán gẫu, nói chuyện tiếu lâm hay hát karaoke tới tối mò tối mịt mới bế mạc ai về nhà nấy. Nhưng gia đình ông Nam thì trái lại, người nào cũng sợ nắng ăn, không thích outdoor nên cả đám họ gồm hai vợ chồng ông Nam, vợ chồng thằng em vợ và đám con cháu “cố thủ’’ trong nhà mở máy lạnh đặt lò lên bàn thay vì nướng thì luộc, nhúng dấm đồ biển và thịt bò chấm mắm nêm. Khi hai thằng cháu ngọai 7 – 8 tuổi vừa bước vào nhà, bọn chúng đã bịt mũi la ầm lên:

-Oh my God, what’s the smell? So stingy, thui hoac! (Trời ơi! Cái mùi gì hôi quá vậy, thúi hoắc)

Thằng rể Úc, cha bầy trẻ cười hì hì chỉnh hai thằng con:

-Hey boys, smelly but yummy, it’s my favourite food.  If you try, you will be addicted like me one day. (Ê hai thằng nhóc, nặng mùi mà ngon. Món này tía thích nhứt đó. Nếu tụi bây ăn thử mai mốt thế nào cũng ghiền như tao cho coi).

Và xoay qua con gái ông Nam, nó bảo:

-Give me a big bowl please honey, long time Mum didn’t feed us this kind of food. I have to deep as much as I can today. (Cho anh một chén lớn nghe cưng, lâu quá rồi má không có cho ăn món này, bữa nay anh phải nhúng nhiều nhiều cho bỏ thèm mới được).

Cô Thanh, bà xã ông Nam cười ngất bảo con gái:

-Thằng chồng con sao mắc cười quá. Mùi mắm nêm mình nghe còn sợ, hôi cùng nhà mà nó nói delicious, lại còn xin một tô nữa chớ, nãy giờ cái nhà hôi rình khó chịu quá nhưng ngặt một nỗi ăn bò nhúng dấm không có mắm nêm thì không ra hồn gì hết.

Annie, nhỏ con gái  ông Nam vừa bày khăn giấy ra bàn vừa nói:

-Who cares! Má nhớ không, lần đầu tiên mình cho nó ăn món này nó cũng nói smelly vậy nhưng càng ăn nó càng ghiền, riết rồi nó không còn thấy hôi nữa, nó đã quen mùi Việt Nam lắm rồi. Một hai tuần mà không được ăn cơm bì, nem nướng, chả giò, bánh hỏi hay bánh cuốn chả lụa là nó nhắc, món gì có nước mắm là nó mê tít thò lò. Hổm rày nó kêu con nhắc má cho ăn “deeping things” (đồ nhúng) này đó.

Ông Nam gật đầu hùa theo thằng rể :

-Ừ phải rồi, đồ Việt Nam của mình ngon thiệt, ăn no rồi cũng còn thèm chớ không như ba cái hamburger của Mỹ, meat pie của Úc, pizza của Ý, cà ri của Ấn Độ, bụng chưa no mà đã ngán tới cổ muốn dội.  Nó thích đồ mình là khôn đó, healthy hơn những thứ kia. Nhứt là má con nấu thì hết sảy.

Cô Thanh lườm chồng nói:

-Thôi thôi đừng có tán tỉnh dụ khị, làm bộ khen để bắt tui phải nấu hòai chớ gì, tưởng tui không biết ý đồ của cha con ông sao. Con Annie lo bưng mấy dĩa thịt và tôm cá mực trong tủ lạnh ra,  em dâu thì  múc mắm nêm ra chén nhỏ cho mỗi người giùm chị, nhớ lấy cái tô hơi trọng một chút múc cho thằng Jose, nó order trước rồi đó. Còn thằng Tony bật cái lò lên cho nồi dấm sôi đi. Tụi mình người lớn ăn món này còn hai thằng nhỏ thì má có chiên hai miếng steak và làm mashed potatoe cho tụi nó rồi.

Khi mỗi người đã an vị, con Annie gấp một mớ tôm xú bỏ vào nồi dấm, trong lúc chờ chín nó kể:

-Hôm qua đi làm về, thằng chồng con nó nói thiếu chút nữa là mắt nó bị infection rồi. Con hỏi nó sao vậy. Nó nói ‘’a lady hurts my eyes’’. Đố hết mọi người chớ nó nói như vậy là sao?

Cô em dâu bộp chộp đáp ngay không cần suy nghĩ:

-Chắc bà nào đụng đầu vô mặt nó trúng ngay con mắt nó phải không?

Annie vừa vớt tôm trong nồi ra vừa lắc đầu. Thằng cậu vốn là cái thằng có óc tiếu lâm, tay thì gấp miếng thịt bò mới nhúng đặt lên miếng bánh tráng đã trải sẵn, miệng thì nói:

-Để tao ăn cái cuốn này  đã rồi tao nói cho nghe.

Cậu ta cắn một miếng nhai ngấu nghiến, hớp một ngụm bia rồi nói tiếp:

-Tao biết rồi, chắc con nhỏ nào ăn mặc hở hang quá để lòi cái gì ra làm nó thấy muốn nổ con mắt lọt tròng luôn chớ gì?

-Gần đúng, thôi để tui nói cho rồi kẻo ăn mất ngon. A lady hurts his eyes là như vầy nè. Hôm qua nó đi làm về tới trạm Redfern thì có một bà  aboriginee đen thui bự tổ bố mặt mày vằn vện bước lên toa ngồi đối diện với nó. Nhìn  bả nó phát nhức  mắt nên về nhà mới nói như vậy.

Annie giải thích. Cả bàn cười sặc sụa vì cái kiểu nói khôi hài của thằng rể Úc. Nghe người ta đề cập tới mình và cười um sùm, có lẽ anh ta cũng đóan được chuyện gì nên anh ta lúng túng nhúng vai phân trần:

-Well, I didn’t mean that but she is so ugly. It’s God’s fault, why unfair? (Tôi không cố ý chế nhạo người ta như vậy, nhưng bà ta xấu xí thấy mà khiếp, cũng tại ông trời bất công chớ bộ.)

Cô Thanh biểu đồng tình:

-Ông trời bất công thiệt. Cũng là con người như nhau mà người thì da trắng đẹp đẽ, sang trọng lịch lãm, người thì đen thủi đen thui, không cười không biết đâu là cái mặt, hình thù lại thô kệch dềnh dàng như con lọ nồi, ai nhìn qua cũng thấy ái ngại giùm. Cũng may mình được trời cho màu da vàng không đến nỗi xấu xí đến quỷ hờn ma chê. Nhưng da trắng da vàng da đỏ da đen gì thì cắt ra máu chảy cũng màu đỏ như nhau, người  da đen cũng có tim óc, có cảm xúc biết buồn biết vui biết đau khổ như tất cả mọi con người. Vậy mà thật bất công tội nghiệp cho họ, thời nào họ cũng bị người da trắng kỳ thị hà hiếp bóc lột khinh khi.

Như chúng ta biết, lãnh thổ này từ mấy chục ngàn năm trước là của thổ dân Úc. Sau một chuyến thám hiểm tìm đất của Lieutenant James Cook vào năm 1770, người Anh đã manh nha có kế họach chiếm hữu khai hoang làm thuộc địa của mình bằng vào công sức lao động của đám tù nhân bị tống khứ lưu đày. Do đó, khi thực hiện ý đồ, họ  đã không nương tay giết chóc, đã gây ra biết bao cuộc tắm máu (massacre) người thổ dân để được làm chủ tòan cõi châu Úc rộng lớn mênh mông tàng ẩn vô số tài nguyên quý báu này.

Thật là tội lỗi biết bao nhiêu, hàng vạn vạn người dân vô tội đã phải chết thảm thương tức tửơi. Chưa hết đâu, họ còn bắt người thổ dân làm nô lệ cho họ và tách rời con cái với cha mẹ chúng nhằm mục đích hòa đồng chúng với người da trắng, cho chúng đi học, dạy cho chúng biết cách sống văn minh của xã hội lòai người để chúng có được một tương lai ý nghĩa hữu dụng chớ không như thế hệ  cha ông chúng từ bao ngàn năm chỉ biết sinh tồn bằng bản năng ăn lông ở lỗ của người rừng. Xét về mặt lý trí thì rất hay rất đúng nhưng về tình thì quá bất nhẫn thương tâm.

Ông Nam thở dài góp ý:

- Thì đúng vậy rồi nhưng rủi ro cho họ sanh ra nhằm lúc đất nước họ bị  họa diệt vong, vô hình chung trở thành nạn nhân của thời cuộc, mệnh người tả tơi theo mệnh nước. Có cuộc chiếm đất giành dân nào mà không tan tác đau thương đổ máu chết người như rạ. Bởi vì nếu ta không giết người thì người giết ta thôi. Dưới con mắt của một thường dân được sống êm đềm trong cảnh thái bình sẵn có như mình thì thấy đó là một việc quá tàn nhẫn, tội lỗi nhưng đối với những kẻ biết mưu cầu đại sự thì người ta không nghĩ vậy. Muốn dời sông lấp biển, canh tân mở mang dựng quốc thì bằng mọi thủ đọan phải san bằng mọi chướng ngại cản đường dù phải ác độc, vô lương tâm.

Như cha ông mình ngày xưa, muốn Nam tiến thì cũng tàn sát giết hại lân bang, nói tiếng là mở mang bờ cõi nhưng cũng đồng nghĩa với xâm lăng chớ khác gì. Nhưng nói cho cùng thì cũng tại vì mọi chuyện xảy ra trên đời đều do thiên mệnh, chạy trời không khỏi nắng. Và cũng phải nhìn nhận rằng có vậy thì nước nhà mới phát triển, tiến tới chỗ dân giàu nước mạnh vì “trải qua một cuộc bể dâu, những gì còn lại đời sau được nhờ”.  Cũng nhờ vậy mà ngày nay mình mới có một nước Úc thịnh vượng hùng mạnh để tị nạn dung thân, một nơi chốn bình an để yên tâm làm lại cuộc đời. Nước Úc không chỉ đón nhận người tị nạn mà còn mở cửa ra cho mọi sắc dân tứ xứ, miễn ai hội đủ điều kiện thì có thể xin di dân tới đây sinh sống lập nghiệp định cư cả đời.

Annie tiếp lời ba nó:

-Còn chuyện dân da đen bị người da trắng kỳ thị đối xử như nô lệ cũng đã xưa đã lỗi thời rồi.  Hồi thập niên sáu mươi, con cái người da đen không được đi học chung với con cái người da trắng nhưng ở thế kỷ này, giờ đây đứng đầu nước Mỹ là President người da đen đó. Từ khi ông này chấp chánh cầm quyền, nước Mỹ như được cứu nguy từ kinh tế cho tới chính trị và theo dự đóan của một số quần chúng thì  có lẽ ông ta sẽ tái đắc cử trong kỳ bầu cử sắp tới này.

Cô em dâu nãy giờ ngồi nghe và ăn, bây giờ lên tiếng hỏi:

-Annie, hình như hôm nay có một số người được vô quốc tịch phải không?

-Yes, khỏang mười ba ngàn người ở khắp cùng các tiểu bang. Ba à, nói tới chuyện citizenship, con nhớ hồi đó mình cũng vô dân nhằm ngày Australia day này nè. Mà hồi đó con mới  6 tuổi, đâu có biết gì. Ai ngờ hai mươi năm sau vào làm trong bộ di trú, chính con là người co-ordinate cho citizenship ceremony. It’s amazing! Isn’t it?

Nghe con gái nhắc tới sở làm, ông Nam chạnh lòng nhớ lại thời ‘’oanh oanh liệt liệt’’sáng vác ô đi tối vác ô về của ông tám năm về trước. Ông kể với Annie:

-Quả thật đời có nhiều chuyện amazing không ngờ. Hồi xưa lúc còn ở đảo tị nạn, khi gặp nhân viên phái đòan Úc phỏng vấn, mình chỉ cầu mong sao người ta nhận mình là đội ơn suốt đời, miễn được tới Úc thì làm bất cứ nghề gì cũng được chớ chẳng dám đòi hỏi trèo cao. Ai ngờ mới qua năm trước, năm sau ba đã được nhận vào làm Immigration Department chung với người đã phỏng vấn nhận gia đình mình trước kia. Khi gặp lại ông ta, nhắc chuyện xưa ông ta vẫn còn nhớ rõ vì trường hợp của mình hơi đặc biệt. Kỳ diệu thật! Trong thời gian ba còn đi làm, có lúc ba cũng làm về citizenship section, phỏng vấn người xin nhập quốc tịch, đủ mọi sắc dân, đủ mọi ngành nghề từ thầy tới thợ. Ba dễ dãi tới nỗi người ta biết mặt, người này giới thiệu người kia, ai tới phỏng vấn cũng muốn xin gặp ba cho được pass. Tới bây giờ ba về hưu đã lâu nhưng ra đường thỉnh thỏang cũng gặp vài người chào làm ba thấy rất an ủi và ấm lòng tuy ba không nhớ họ là ai. Nghĩ lại, hai cha con mình tuy không tài giỏi xuất sắc bằng ai nhưng cũng đã làm tròn bổn phận công dân, góp phần xây dựng nước Úc, trả ơn nước Úc đã cứu vớt mình. Như vậy cũng đáng tự hào rồi phải không con?

Cô Thanh than thở:

-Nghe hai cha con ông diễn cái màn mèo khen mèo dài đuôi làm tui tủi thân quá hà. Chỉ có tui là vô dụng bất tài, ngày tối chỉ biết có nghề nội trợ, không biết gì hơn ngòai phục vụ mọi người như đầy tớ.

Annie vuốt ve tâng bốc má nó:

-Má đừng nói vậy. Theo con má mới là người quan trọng nhứt đó. Không có má thì tụi này làm gì có cơm ngon áo đẹp  để ra góp mặt với đời. Má nghĩ má là đầy tớ chớ ba với con cũng là đầy tớ vậy thôi. Má chỉ phục vụ gia đình còn ba và con phục vụ công chúng, người ta gọi công chức là public servant chớ có hay ho vẻ vang gì đâu.

Thằng em cô Thanh nãy giờ chưa có cơ hội ‘’mở máy’’ ứa gan lắm nên tằng hắng lấy giọng :

-Trời ơi! Coi gia đình bà kìa. Hỏng ai vinh danh mình rồi mình tự vinh danh cho nhau hả? Vui thiệt. Còn cậu với thằng Jose và Jane đây nữa chi. Chúng tớ cũng là người hữu ích cho nước nhà vậy chớ bộ đồ bỏ sao. Có ai trong đám này ngồi không ăn bám xã hội đâu. Nói tóm lại, chúng ta nhờ nước Úc cưu mang mới có được ngày hôm nay thì bổn phận mình tất nhiên phải phụng sự cho nước Úc huống hồ chi mình đã là con dân nước Úc từ lâu rồi. Chính người Úc họ cũng nhận thấy dân mình càng lúc càng  ăn nên làm ra giúp kinh tế Úc ngày càng thêm phồn thịnh, điển hình là Cabramatta. Ba chục năm về trước, Cabramatta chỉ là một suburn hoang vắng, nhà cửa lưa thưa rải rác nhưng  giờ đây đã trở thành một thủ đô của người Việt Nam, một khu thương mại trù phú sầm uất thu hút nhiều du khách phương xa đến nỗi những sắc dân khác đề nghị phải sửa tên là Vietnamatta cho hợp thời thì đủ biết người mình đã đóng góp nhiều cỡ nào từ khi nhập tịch nhận Úc là quê hương.

Cô Thanh gật gù khen thằng em:

-Chà, tưởng cậu chỉ biết giỡn hớt chọc cười thôi chớ ai dè bữa nay nói nghe cũng được quá chớ. Nhưng mặc dù mình đã sống ở Úc lâu hơn ở Việt Nam, mặc dù mình đã nhận nơi này là quê hương nhưng đừng quên mình còn có một quê hương Việt Nam ở trong lòng. ‘’Whether we do or don’t live in Vietnam, Vietnam lives in us’’ . OK everybody!

© Người Phương Nam

© Đàn Chim Việt

 

Phản hồi