WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Phập phồng một vòng Yangon

 

hiểu được bản chỉ đường trong hình này.Xem trả lời ở cuối bài.

hiểu được bản chỉ đường trong hình này.Xem trả lời ở cuối bài.

Trong khóa Fall 2012, một em sinh viên người Mỹ-gốc-Miến cho tôi biết là  điều kiện sinh sống tại xứ Miến-Điện (tên cũ là Burma và tên mới là Myanmar) rất tồi tệ trên cả hai mặt kinh tế và chính trị. Em kể lại nhiều chi tiết ly kỳ của gia đình em, vì đấu tranh, nên bố mẹ phải chạy tỵ nạn sang Mỹ, còn bà con thì trốn lánh qua Thái Lan đông lắm. Em dặn tôi, nếu có du lịch Bangkok thì nên tiện đường qua Yangon để có thể biết tình hình rõ hơn.

Nghe thầy không tầy nghe trò’. Tôi OK liền! Bangkok qua Yangon chỉ có 50 phút bay, nên tôi quyết định ghé thăm thành phố lớn nhất của xứ Miến trong vòng một tuần. Trước hết, phải tốn 2 tuần lễ và 20 đôla để xin visa nhập nội Yangon, rồi phải viết ba, bốn tờ đơn thành thật khai báo về cá nhân để được chấp thuận cho vào, đã khiến mình thấy nhiêu khê rồi! Trong khi ấy, thăm viếng Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore với cái passport là đi liền một cái rẹt, khỏi phải dài giòng văn tự chi cả.

Tuy lòng hơi phập phồng, vì nghe tới quân phiệt độc tài dưới hình ảnh quân đội và công an mặt mày bậm trợn là tôi dội liền. Nhưng khi nhận được các thông tin mới: 1. Đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (National League for Democracy, NLD) đã thắng cử vào quốc hội Miến; và 2. Tổng thống Mỹ Barack Obama, vừa mới đắc cử kỳ nhì xong, đã vội bay qua thăm các nước Đông-Nam-Á, mà xứ đầu tiên lại là Miến Điện vào giữa tháng 11, nên tôi cũng bớt lo phần nào.

Trong đầu tôi nghĩ: cứ đi theo đường tổng thống đi là tiện nhất. Ổng đã đi thăm: thứ nhất, Tổng thống U Thein Sein; thứ nhì, Trường đại học (University of Yangon); thứ ba, Chùa chiền (Shwedagon Pagoda); và thứ tư, Bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng đối lập NLD với đảng quân đội; thì tôi cũng bắt chước y chang như ổng là thượng sách. Trong thực tế, tuy giống nhau là cùng đi thăm Yangon, nhưng cũng có vài điều khác biệt giữa tôitổng thống. Lâu lâu bà con cho tôi nổ một bữa!

Tôi là chánh thường dân nên không thể gặp được tổng thống Miến là U Thein Sein hoặc  Aung San Suu  Kyi, đảng trưởng NLD; nhưng tôi lại được dịp hàn huyên tâm sự cùng Thein Lwin, Ma Kyi Pyar, Zeya Oo, Zaw Thinh Tun, Myat May Zin, Soe Aung và nhiều bạn khác nữa … Chắc chắn độc-giả chưa biết mấy người này là ai. Hãy tiếp tục đọc bài ký sự này thì sẽ rõ thêm. Cũng nhiều thông tin và hình ảnh, do tôi chụp, hấp dẫn lắm!

Ngoài ra, làm dân bình thường nên dễ được ngồi-ăn-dọc-đường (street foods). Đi ăn dọc đường là nghề phụ thứ nhất của tôi và len lỏi vào các khu phố bình dân để thăm-dân-cho-biết-sự-tình là nghề phụ thứ nhì của tôi. Du lịch theo ‘tour’ của trưởng giả cũng hay, nhưng đi theo kiểu tây-ba-lô cũng ngoạn mục lắm, nếu không sợ mỏi giò vì lội bộ, và ăn bậy ngoài đường bị tiêu chảy.

Tôi không biết tiếng Miến, nhưng không lo, vì tôi rất rành động từ ‘to quơ’. (Như ‘to talk’ là nói chuyện, ‘to walk’ là đi bộ, và ‘to quơ’ nghĩa là quơ tay quơ chân, ra dấu) khi phải nói tiếng Anh với người địa phương trong các ngõ hẻm. Lận một tấm bản đồ thành phố Yangon trong lưng, giữ số điện thoại của toà lãnh sự Mỹ trong máy iPhone S4 và thủ một lô tiền kyat (đọc là jiatt) là ta có thể cuốn theo chiều gió được rồi.

1. ĐI TỚI ĐÂU, THỬ THỨC ĂN NGOÀI ĐƯỜNG TỚI ĐÓ!

Sáng giờ chưa ăn gì hết! Máy bay từ Bangkok (Thái Lan) qua Yangon (Miến Điện) chỉ mất gần một tiếng đồng hồ. Trên máy bay AirAsia, họ không cho ăn uống gì cả. Thật ra có nhiều đồ ăn thức uống lắm, nhưng phải trả tiền, chứ không miễn phí. Xuống phi trường, hai việc đầu tiên tôi cần phải làm ngay là: thứ nhất, đổi tiền baht của Thái ra tiền kyat của Miến để tiêu dùng; và thứ nhì, mua ‘sim cạt’ cho máy điện thoại cầm tay để gọi ngay cho bè bạn.

Tôi không dè! Mang theo một cọc tiền baht của Thái Lan, mà chúng lại trở thành vô dụng ngay trong lúc này. Các quán đổi tiền ngoại tệ chỉ mua bán đôla Mỹ, đồng Euro và đôla Singapore mà thôi. Họ không chịu đổi tiền Thái. Chắc tại nhà nước Miến cần ngoại tệ có giá trị hơn đồng baht. Tôi phải chạy tìm máy ATM tại phi trường để rút tiền trong cạt visa. Lại thêm một cái không dè nữa: rút 20000 kyat mà phải trả phụ phí thêm 5000 kyat, vị chi là 20% cho dịch vụ đổi tiền. Mắc thiệt!

Từ phi trường lấy taxi về khách sạn dưới phố mất thêm 45 phút với giá 8000 kyat (bằng 8 đôla Mỹ, vì $1 = 800 kyat). Trời tháng giêng đầu năm, nóng tới 93 độ F. Đói quá chịu không nổi! Sau khi cất hành lý vô phòng rồi, tôi vội vọt ngay ra đường phố tìm thức ăn địa phương để thưởng thức, mặc dầu trong khách sạn có sẵn tiệm ăn, nhưng toàn là món Tây và Tàu.

Vừa ra khỏi khách sạn, bước xuống đường là đụng ngay một anh chàng thanh niên độ 30 tuổi, mặc váy đang ngồi bán bánh cay. Bánh cay làm bằng bột mì hoặc bột bắp pha với gia vị, thêm chút xíu cà-ri. Ăn khai vị là hết ý! Tôi làm liền 10 viên tròn, tốn chỉ có 100 kyat, giá chưa tới 20 xu Mỹ. Mỗi viên là một lủm cho ấm bụng. Bánh cay được trình bày theo 4 thể hình: viên tròn, miếng bầu dục, cuốn dài và xếp góc tam giác. Tuy là thực phẩm loại con-nhà-nghèo nhưng đầy nghệ thuật chế biến. Nếu anh thanh niên bán hết cả rổ bánh cay thì thu vào được chừng 2 đô. Lời khoảng 1 đô rưỡi. Đủ nuôi sống cho anh ta trọn một ngày phù du. C’est la vie! Tôi đi tìm món ăn khác..

Đây rồi! Chỉ cách có hai con đường ngắn, ngay tại góc đường, nguyên một nồi đồ lòng heo: tim, gan, phèo, phổi, ruột già, ruột non, lỗ tai, lỗ mũi … đã được nấu chín và cắt ra thành từng miếng nhỏ vừa đủ bỏ vô mồm, lủm một miếng ngon miệng. Mỗi miếng ăn được xỏ xâu vào cọng tre dài thành từng ghim và được sắp xếp chung quanh một nồi nước súp nóng bốc khói. Giá một ghim nhỏ là 50 kyat, ghim to là 100 kyat. Tôi lót dạ 20 ghim nhỏ và 5 ghim to, vị chi là 1500 kyat. Nước chấm khá ngon. Chén súp vừa đủ ngọt. Mà chỉ tốn có gần 2 đôla. Còn gì bằng!

Các bạn thấy chưa! Tổng thống có thưởng thức được các món ăn bình dân, ngon như vầy không?

mien2Anh chủ hàng kế bên biết tôi là khách nước ngoài, bèn mời tôi thử món đặc sản của quán anh ta. Tôi hỏi ảnh món gì vậy? Đố các bạn thử xem trong hình: cả một chồng lá cây với bình vôi bên cạnh. Bạn hãy đoán thử xem là món gì! Dân Miến, đàn ông đàn bà, người già kẻ trẻ đều nhai được món này. Miệng mồm đỏ chét. Phun nghe phèn phẹt.

Tôi nhớ lại: ngày xửa ngày xưa, cách đây hơn 60 năm, ngoại tôi hồi còn sống, cả ông lẫn bà vẫn thường ngồm ngoàm mấy thứ lá này, và vẫn phun phèn phẹt xuống dưới đất. Thấy phát gớm! Mẹ tôi thì lại khác, lâu lâu có tiệc tùng mới thấy bà nhai xã giao với bè bạn. Bà dặn tôi: đây là tập tục nhai trầu lâu đời của dòng dõi người Việt. Nhai trầu phải gồm đủ 3 thứ: lá trầu, ruột trái cauvôi bột pha nước. Ba thứ trộn vào nhau tạo ra một dung dịch màu đỏ chói, có mùi vị thơm thơm, ngọt ngọt, chát chát và cay cay. Dung dịch màu đỏ này sát trùng rất tốt, tạo thành môi son xinh đẹp; nhưng đụng đâu nhổ đó thì cũng rất mất vệ sinh và thiếu thẩm mỹ.

Lớn lên, tôi lại nhớ có học về sự tích trầu cau với mối tình tay ba oái oăm của hai anh em Cao Tân, Cao Lang cùng người đẹp … (xin lỗi các bạn, lâu quá, tôi quên mất tên người đẹp rồi!). Và sau đó, cả ba đều chết chùm. Một người biến thành cây cau, một người biến thành dây trầu và một người biến thành hòn đá vôi: sống thì yêu nhau, khi chết lại quấn quít ôm nhau, không rời nửa bước. Chẳng giống như thời đại toàn-cầu-hóa của trai gái bây giờ:

Yêu nhiều thì ốm,

còn ôm nhiều thì yếu!

Tình tiết câu truyện trầu-cau-vôi éo le thiệt! Đóng kịch hay quay phim lại tuồng tích này, chắc chắn đông khách! NHƯNG. Tại sao dân Việt ta bây giờ không còn ai ăn trầu nữa, trong khi dân Miến lại nhai trầu đầy đường như dân Tây khoái nhai kẹo ‘chewing gum’? Giống Miến và Việt có bà con gì với nhau không? Tôi thấy da dân Miến hơi đen đen, bị sạm nắng, mặt mày hồn nhiên như đồng bào miệt sông Tiền sông Hậu của mình. Họ, trai lẫn gái Miến, vẫn còn mặc váy (longyi) đầy đường; còn người Việt thì theo Tây-hóa đã bỏ váy để bận quần hai ống hơn cả trăm năm nay rồi (dưới thời Nhà Nguyễn, tôi không nhớ rõ đời vua nào).

Ông ngoại tôi (thầy thuốc Nam ngày xưa) cũng căn dặn: mối tình tay ba của hai-ông-một-bà cũng giống như truyện ông bà Táo dưới bếp, nằm trong kho tàng cổ tích dân gian, phát nguồn từ nền văn minh nông nghiệp phương Nam. Hai-ông-một-bà là ứng với quẻ li, gồm hai vạch liền (biểu hiện cho hai ông) ôm một vạch rời (biểu hiện cho một bà) ở giữa. Quẻ li tượng trưng cho miền Nam nhiệt đới, vì vùng Đông-Nam-Á nắng nóng, quê hương của nông nghiệp, trong hệ thống bát-quái (tám quẻ) thuộc Kinh Dịch của tổ tiên Việt-tộc.

Anh Nguyễn Hy Vọng ở Nam Cali có cho tôi biết thêm: giống người Môn của Miến Điện, một trong những dân tộc nguyên thủy ở miền Nam-Miến khi phát âm có rất nhiều âm-hưởng và âm-vị như tiếng Việt. Và anh Vọng có sưu tập cả một cuốn từ-điển về gốc Môn của tiếng Việt. Dân Miến Điện (gốc Điền- Việt) không xa lạ gì với dân Việt Nam (gốc Lạc-Việt) theo cổ sử của các dân tộc Đông-Nam-Á.

Mấy chục năm qua, Trung-cộng o bế nhóm quân phiệt Miến Điện đè đầu đè cổ dân lành, nên xứ Miến vẫn còn nghèo khổ và lạc hậu. Giờ Mỹ quốc nhào vô đẩy Tàu ra, tạo cơ hội tốt cho dân Miến vùng dậy, dân-chủ-hóa nước nhà của họ. Tờ báo dân lập The Irrawaddy, độc lập với báo nhà nước, do những nhà báo Miến sống lưu vong sang Chiang Mai (Thái Lan) kể từ năm 1993, nay trở về Yangon, đã ra số báo đầu tiên vào tháng 12 vừa qua, đã chạy hàng tít lớn ngoài trang bìa America Embraces Myanmar (Mỹ ôm Miến) với hình Tổng thống Obama, tay phải choàng bà Aung San Suu Kyi và tay trái đang vẫy tay chào. Đầy tự tin!

Thoát khỏi nạn Tàu, được hay không, chưa biết, nhưng trí thức Miến mà tôi có dịp tiếp xúc tại Yangon (họ về từ Bangkok, Sydney, London và San Francisco) thấy có vẻ tràn ngập, vững niềm tin xây dựng lại Burma. Tinh thần phục hưng đầy hứng khởi!

Chúng ta miên man hơi nhiều, từ cảnh tôi đói bụng đến huyền thoại trầu-cau sang Kinh Dịch, rồi chuyển qua ngôn ngữ học, rồi nhảy vào geopolitics (địa-chính trị), và dính líu tới thời cuộc Mỹ-Tàu. Đi trật đường rầy du lịch hơi xa. Hãy trở lại chuyện ăn uống dọc đường của tôi … Anh chủ quán mời tôi ăn trầu, nhưng tôi không dám, bèn xin kiếu từ. Không phải tôi sợ cay. Thứ gì mà tôi không dám ăn. Ngoại trừ thịt chó và thịt mèo là tôi kiêng cữ. Chỉ sợ không biết nhổ nước trầu ở đâu mà thôi. Nuốt luôn cũng tởm. Nhớp lắm!

No bụng rồi, tôi thử đi bách bộ một vòng chung quanh lối xóm. Thử xem đường xá, cống rãnh, xe cộ lưu thông và chợ búa mua bán ra sao. Chỗ tôi ở là ngay tại downtown (dưới phố), nên có thể nói là đông dân cư và sầm uất.  

2. ĐƯỜNG XÁ, NHÀ CỬA, XE CỘ VÀ CHỢ BÚA

mien4Nhìn chung, Miến Điện còn nghèo nàn, chậm tiến và chưa được phát triển đúng mức. Các biệt thự vào thời đế quốc Anh cai trị còn nhiều, chưa được trùng tu hay bảo trì, sơn phết lem luốc. Đường xá còn rất thô sơ: xe chạy trên nhựa, bộ hành đi trên bờ đất. Đủ mọi loại xe: xe buýt, xe taxi, xe đạp 3 bánh, xe đạp 2 bánh thi đua nhau chen lấn trên đường hẹp. Trong xe taxi: tay lái có chiếc bên trái, có chiếc bên phải (đa số tay lái bên phải theo Ăng-lê). Tuy thích ngồi kế bên tài xế để gợi chuyện, nhưng tôi đành phải leo lên băng sau cho chắc ăn. Xe taxi không có máy tính tiền (taxi meter), khách phải trả giá. Trên đường, xe chạy giữ bên lề phải theo Pháp.

Nhìn bên đây, tôi thấy: tài xế taxi lái chầm chậm, nhường quyền cho ông quét đường; nhìn sang bên kia, tôi để ý: anh vá vỏ xe đạp đang giải thích tỉ mỉ cho khách hàng. Không ồn ào náo nhiệt.

Còn khách bộ hành thì không cần đếm xỉa gì đến đèn xanh đèn đỏ báo hiệu. Cũng không thấy nhiều cảnh sát giao thông trong đường phố. Người tiến tới đâu, xe ngừng tới đó. Tôi sợ nhất là vụ băng qua đường lộ. Mỗi lần băng qua đường, đầu tôi phải quay tứ hướng, khoảng 270 độ: trái – phải – trái.

Dọc đường đầy dẫy hàng nước và quán ăn. Nhân công, thợ thuyền Miến rất

thích uống trà và ăn vặt dọc đường. Tôi thì ngược lại: thích ăn vặt dọc đường và uống nước mía ép, cũng dọc theo lề đường luôn. Tiếp tục lội bộ nữa …

mien3Đi bộ thêm một hồi, tôi tới một ngã ba đường, thấy một biêu-đinh cao lớn sang trọng đứng sừng sững giữa một xóm bình dân. Xe hơi ra vào tấp nập. Ngoài cổng tòa nhà có đề hàng chữ lớn dài thườn thượt: The Union of Myanmar Federation of Chambers of Commerce & Industries (Công Đoàn Thương Mại và Kỹ Nghệ của Liên bang Miến Điện), nghe rất là khoe khoang, nhưng khi nhìn sang bên đường đối diện, thì hỡi ôi! Cả một chợ trời đang lụp xụp bán thịt, cá, hoa và quả.

Nào là thịt heo thịt gà, cá sông cá biển, rau quả hoa kiểng, đủ thứ ê hề, không thiếu món gì, duy chỉ thiếu cái tủ lạnh để giữ cho mặt hàng được tươi tốt; và cái lồng kính để ngăn chận đám ruồi nhặng khỏi oanh tạc thịt cá. Tại sao xứ Miến lại tệ lậu như thế, mặc dầu đã được độc lập kể từ năm 1948?

Mời độc giả hãy trở về quá khứ xa xăm một chút để thấy lịch sử nhân quả của dân Miến.

Miến Điện là một quốc gia đa sắc tộc, bắt nguồn từ các dân tộc cổ của Đông-Nam-Á (ĐNA). Các sắc tộc nông nghiệp này (giống Môn, Pyu, Bamar, Shan,…) sống trải dài từ Ba Thục, Tứ Xuyên, Vân Nam (nay thuộc Hoa-Nam) đến Miến Điện ngày nay, đã có nhiều ngàn năm văn minh từ trước. Khi Tần Thủy Hoàng của giống du mục Hoa-tộc gồm thâu lục quốc (-221) lập ra xứ China ở vùng Hoa-Bắc, rồi bành trướng thực dân về phương Nam, đã đẩy lùi các cổ dân ĐNA này xuôi Nam. Đến thế kỷ thứ 9 thì quốc gia Miến Điện thành hình và đã đẩy lui nhiều cuộc xâm lược của các nhà Đường, nhà Nguyên, nhà Thanh kéo sang từ Trung quốc. Đến thế kỷ 19, Miến Điện bị Anh quốc đô hộ và được gộp chung vào Ấn Độ cho dễ cai trị.

Kể từ sau thế chiến thứ hai (1945), phe Đồng Minh thắng trận phân chia lại vùng ảnh hưởng trên trái đất. Nga và Mỹ dẫn đầu thế giới tạo ra cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa cộng sản và tư bản. Đế quốc Anh trên đà yếu lụn, bận lo giải quyết vấn đề độc lập của Ấn Độ (1947), nên lơ là thuộc địa cũ Miến Điện. Miến giành được độc lập (1948), không chinh chiến. Trong khi đó, Trung-cộng dựa hơi Nga-xô cộng sản, thừa thắng xông lên, chiếm lục địa đẩy Trung Hoa Dân Quốc ra đảo Đài Loan (1949) và đặt sách lược tằm thực từng bước vào Đông Dương (1950), Triều Tiên (1953) và Miến Điện (1962).

Vào năm 1948, Miến Điện được độc lập, thoát khỏi vòng vây đế quốc Anh mà không vướng vào cảnh chiến tranh tang tóc. Nhưng đến năm 1962, nhóm quân phiệt Miến đảo chánh nhà nước dân chủ, ngã theo chủ nghĩa xã hội đi dựa vào Trung-cộng, lại dở trò độc tài làm tàn hại đất nước; khiến cho các nước Tây phương lánh xa ngoại giao và cấm vận kinh tế đủ thứ.

Vì lãnh đạo quân phiệt trong quá khứ tồi tệ và chính sách bá quyền đương thời của Trung-cộng luôn luôn áp đảo và đè nặng lên xã hội Miến Điện, do đó, đường xá kém mở mang, nhà cửa chịu ngổn ngang, xe cộ chạy lộn xộn, và chợ búa thiếu nhiều tủ lạnh để giữ cho thực phẩm được tươi tốt như hình ảnh đã cho thấy. Các bạn Miến cho tôi biết, chỉ vài ba năm trước, tình trạng xã hội còn tệ hại hơn nhiều. Cởi bỏ độc tài, cứng rắn với Trung-cộng, theo các bạn Miến, là những điều cần thiết cho bước đường đầu dân chủ hóa. Ngày nay lại khác! Năm 2012 xứ Miến Điện trở mình! Change of Wind (Đổi Gió) là tên của một đặc san viết về sự thay đổi chính sách của Miến Điện với Tây phương, đặc biệt là với Mỹ quốc. Đầu năm: Miến Điện thay đổi hiến pháp, chấp nhận đảng đối lập; giữa năm: thả tù nhân chính trị, cho giới lưu vong nhập nội; cuối năm: Obama, rồi tới tôi (lại nổ phát nữa) đi thăm dân cho biết sự tình là phải rồi! Luồng gió mới thổi vào đất Miến mát mẻ!

mien5Bên cạnh những điều tiêu cực, tôi thấy có nhiều khu gia cư và thương xá mới được cất lên. Hèn gì hồi đi ngang qua tòa nhà Công Đoàn Thương Mại và Kỹ Nghệ, tôi đã thấy thiên hạ vào ra nhộn nhịp. Nhưng khi thấy các công nhân xây dựng leo lên các khung sườn (scaffold) làm bằng tre để làm việc, không dây nịt, tôi thiệt hú hồn. Trông không khác gì đi xem xiếc. Nhỡ té xuống e là khó sống. Mà có sống thì cũng chắc là khó nuôi! Tôi đứng tần ngần độ năm phút, miệng lăm răm cầu nguyện cho các bạn đồng nghiệp được an lành. Tôi hỏi thăm thì được biết, giá đất cát và giá thuê nhà ở Yangon tăng lên vùn vụt.

Đám con buôn địa ốc, thời nào cũng có, hợp với luật lao động về xây dựng còn sơ khai sẽ tạo ra số thương vong nghề nghiệp cũng tăng lên vùn vụt theo. (Cách đây 25 năm, tôi làm nghề xây cầu xa lộ ở bang Washington, cũng phải leo cao như vậy, nhưng có đeo dây nịt an toàn, theo luật lệ hiện hành, và có bảo hiểm nhân thọ về tai nạn rất cao, nên cảm thấy không sao!).

Rời khu nhà đang cất, tôi đi dọc theo đường Pyay Road thấy một thương xá tân lập, trông mới toanh, với bảng hiệu là Sein Gay Har – Super Center. Đây có vẻ là một siêu thị loại sang trọng. Thử ghé vào bên trong xem thử.

Đại đa số hàng tiêu dùng, ngoại trừ thực phẩm, là đồ nhập cảng từ Trung-quốc. Vì thích xem phim tuồng, tôi ghé vào một tiệm bán CD trong siêu thị. Giá rẻ không thể tưởng tượng được! 10 tuồng phim Mỹ cô đọng lại trong một

CD với giá bán chỉ có 2 đô (1600 kyat), vị chi là 20 xu cho mỗi tuồng. Bên Mỹ, giá mỗi tuồng/CD trong chợ Wal-Mart hay Target khoảng 13 đô. Vỏ bọc CD làm rất cứng chắc, bằng kim loại, nhưng không thấy đề xuất xứ. Cô bán hàng cho biết là hàng mua lại của Trung-cộng và cũng dám nói thẳng là đồ ăn cắp, sang phim lậu, để bán rẻ cho dân Miến xài.

Hôm nay đi bộ độ sáu tiếng đồng hồ là đủ rồi. Tôi phải về nghỉ dưỡng sức, thoa bóp chân cẳng, sửa soạn cho ngày mai lên đồi thăm chùa. Xứ Miến, cũng như xứ Thái rất tôn sùng đạo Phật, xem như quốc giáo, nên xây dựng rất nhiều chùa to và đẹp mà ta hay gọi là chùa tháp.

3. HÔM QUA ANH ĐI CHÙA GON

mien6Trên mình còn mùi thơm son

Cùng bè bạn anh chải đầu đeo lon!

Thay vì đi Chùa Hương: Hôm qua em đi Chùa Hương

                                     Hoa cỏ còn mờ hơi sương

                            Cùng thầy mẹ em vấn đầu soi gương …

 tôi đi Chùa Gon, viết tắt của nguyên chữ Shwedagon Pagoda. Đây là ngôi chùa cổ, nổi tiếng của Burma, được xây dựng từ thời Đức Phật Gautama thành đạo hơn 2500 năm trước. Nghe nói là vào thời đó, có 2 nhà buôn xứ Miến qua Népal đến thăm Đức Phật và được ngài tặng cho 8 cọng tóc; và sau khi trở về quê, hai vị này đã xây nên chùa Gon to nhất nước để kỷ niệm và thờ phượng Phật pháp.

Chùa rộng lắm, có 4 cổng vào Đông-Tây-Nam-Bắc với các đền đài tráng lệ và tháp nhọn thật cao ở giữa theo mô hình ngũ-hành. Tôi đi vào bằng cửa Tây nên phải trèo lên gần 2000 bậc thềm bằng chân không để ‘warm up’ cho nóng máy (chùa cấm mang giày dép). Dân địa phương thường đi vào bằng cổng Bắc có thang máy nên dưỡng sức để lội bộ thăm toàn khuôn viên chùa.

Góc nào cũng đầy thợ chụp ảnh. Tôi đeo vào cổ tay cái máy Canon PowerShot SD750, nên anh thợ nào gặp tôi cũng quay mặt chỗ khác, không mời mọc như gặp các người tay không. Chưa chắc ai chụp đẹp hơn ai nha!

Tôi viếng chùa vào ngày cuối tuần vào khoảng 10 giờ rưỡi sáng nên thiên hạ tấp nập, nhưng toàn cảnh rất trật tự, không ồn ào náo nhiệt, và nhất là – tôi thích hơn hết – ít nhang khói và không đốt giấy tiền vàng bạc như bên Ta và Tàu. Bà con thích tượng Phật nào thì ngồi bệt xuống sàn gạch vái lạy và cầu nguyện. Phần tôi thì chuộng cảnh tắm Phật và đứng dưới cây bồ đề xum xuê vì nhớ đến mẹ tôi. Bà là một Phật tử, hồi còn sống, đã dạy tôi rằng: tắm Phật (Phật tại tâm) là gột rửa lòng mình cho trong sạch; còn đứng dưới cội bồ đề là được sự che chở của Phật pháp bao la. Tôi ghi lại mấy bức ảnh này để tưởng niệm đến người mẹ hiền yêu dấu của tôi với lời dạy bảo của bà.

Trong chùa chứa rất nhiều tượng Phật với đủ mọi tư thế: đứng, ngồi hoặc nằm. Và ngoài hành lang lại có thêm nhiều phòng nhỏ, mỗi phòng vừa chứa tượng của một vị Phật, và vừa đủ chỗ cho một người vào quỳ lạy để cầu nguyện.

mien9Dân Miến cũng rất thực tiễn: chỗ thờ Phật mà bà con vẫn nằm lăn ra ngủ. Phật không la, tăng không hạch, mà an ninh cũng không trách. Sàn gạch nằm rất mát. Đánh một giấc ngủ say thật là phiêu diêu tự tại, nhất là vào buổi trưa trời nóng nực. Khoan! Bức hình không phải chụp trong chùa mà là ở ngoài chợ. Ý tôi muốn nói: ngủ dưới bóng mát bồ đề và dưới hình Phật lúc nào, ở đâu, cũng đã!

Bên cạnh các tượng Phật còn có 3 bức tượng khác mà tôi nghĩ chưa ra ý nghĩa của chúng.

Thứ nhất, là tượng con giống-như-con-sư-tử, người Miến gọi là chinthe, có người dịch là sư tử thần, tôi nghĩ không ổn. Bởi vì, trước hết, xứ Népal đất Phật không có giống sư tử sinh sống. Chúng ta cần phải hiểu nghĩa bóng, chứ không phải nghĩa đen. Kế đến, trong tài liệu của Phật-học, thì có hình Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ Tát (Manjughosa) cưỡi con ‘giống-như-con-sư-tử’ chầu Phật tổ. Tôi đoán là con lân, tượng trưng cho tri thức và giáo dục. Nhưng cũng không ổn. Lân là một trong tứ-linh của Nho-học (long, lân, qui, phụng) không có chân trong Phật-học. Hay ta tạm chấp nhận con sư-tử-thần trong Phật bằng con lân trong Nho, ẩn dụ của trí huệ, cho hoà đồng tôn giáo, mà tiền nhân vào thời Lý-Trần đã chủ trương.

mien10Thứ nhì là tượng hình con đầu-người-mình-thú đứng kế bên, không biết tiếng Miến gọi là gì. Dáng nó giống như kiểu con Sphinx (đầu người mình sư tử) bên Ai-Cập. Tôi tự nghĩ: Phật giáo đã dùng phương tiện trí tuệ để dẹp sự vô minh, nguồn gốc của khổ đau trong cuộc sống; hình ảnh đầu-người-mình-thú biểu hiện cho tình trạng tu tập (trí huệ trong hình người) đang thoát khỏi thú tính (vô minh trong mình thú). Nghe cũng có lý lắm!

Và thứ ba là tượng anh Chà-và (Java) với cái bụng phệ, đứng múa dựa cột nhà. Tôi hoàn toàn không nghĩ ra ý gì cho cao siêu cả. Nhiều khi chỉ là vật trang trí, nên mình nghĩ già hóa non. Dân ở các hải đảo Java, Bornéo từ phương Nam cũng chạy lên Miến Điện sinh sống nhiều lắm. Do đó, phần nào đồng bào Java ảnh hưởng vào xã hội chùa chiền.

Xin chịu thua! Cả ba tượng này, chắc phải nhờ đến một bậc cao tăng hoặc nhà nghiên cứu Phật-học người Miến chỉ bảo dùm cho rõ ý nghĩa.

Em Zaw Thinh Tun đã dặn tôi: đi thăm chùa Shwedagon thì phải tắm Phậtgióng chuông Singu Min. Dội nước rửa tượng Phật thì tôi đã làm vào lúc sáng sớm rồi, bây giờ thì đi tìm cái đại-hồng-chung lịch sử để gióng lên vài tiếng. ‘Singu Min’ là tên của một vị vua Miến hiền lành vào thế kỷ 18. Vua Singu đã từ bỏ mọi chính sách hiếu chiến đối với lân bang Thái và Lào mà các trào vua trước thường chủ trương. Ông đúc cái chuông này, nặng 25 tấn, cao 7 feet và dày 12 inches để tặng cho chùa Gon. Tiếng Pali (Phạn) là Maha Ganda có nghĩa là đại-hồng-chung (Great Bell), nhưng dân chúng lại thích gọi bằng tên Singu Min Bell (chuông của vua Singu) hơn. Đế quốc Anh đã ăn cắp chuông Singu vào năm 1825, định chở qua Ấn, nhưng giữa đường bị chìm tàu trên sông Yangon. Đúng là trời bất dung gian! Dân địa phương vớt chuông lên, đem vào chùa thờ tiếp.

mien12Tôi dọng chuông ba tiếng để cầu nguyện cho đất nước Miến Điện và Việt Nam được dân-chủ-hóa lẹ lẹ; xứ sở Hoa-Kỳ được thay đổi tốt lành; và thế giới chúng ta sống được thanh bình, mọi người biết yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.

Hai cột nhà kế bên chuông Singu, tôi để ý, thấy có hai con rồng chầu. Hết ‘con lân’ rồi lại đến ‘con long’ chen chân vào trong nhà chùa. Đạo (cái chuông) và đời (con rồng) lúc nào cũng cần/có nhau. Dạo bước trong chùa được ba tiếng đồng hồ rồi, tôi tìm chỗ ngồi nghỉ xả hơi một chút. Đi chân không, ngồi xếp bằng trên sàn nhà lót gạch mát rượi, kế bên một hoa văn cẩn tuyệt xảo; tôi ngó ra bên ngoài xem thiên hạ tới lui, còn thú gì bằng !?$

Chuẩn bị xuống đồi, giã từ chùa tháp Shwedagon. Chiều nay ghé nhà hàng bình dân nổi tiếng đông khách là Shwe Ba, đi bộ cách chùa khoảng 20 phút, để thứ món cà-ri đặc biệt của Yangon. Bốn món ăn và luôn thức uống mà chỉ tốn có 3 đô. Quá ngon, quá rẻ. Mại dô! Ngày mai sẽ đi thăm Trống Cóc.

(còn tiếp)

© Trương Như Thường

© Đàn Chim Việt

 

4 Phản hồi cho “Phập phồng một vòng Yangon”

  1. Truong Ngoc Lan says:

    Chào bác, cháu đã book vé từ SG- BKK, chơi ở BKK ít hôm, sau đó từ BKK qua Yagon thì bác cho cháu hỏi thủ tục xin visa thế nào để vào được Myanmar ạ, cháu đang lo mấy cái vé máy bay.. nhờ bác tư vấn giúp cháu ạ. cháu cảm ơn
    Được thì bác send qua email giúp cháu thì còn gì bằng ạ truongngoclan0110@gmail.com

  2. Ngọc Ẩn says:

    Bài viết vừa vui vừa hay. Đọc để học hỏi thêm về xứ Miến Điện. Dường như xứ này không nghe bị móc túi hay cướp giật. Chắc nhờ dân theo Phật giáo.

  3. Lâm Vũ says:

    Đọc thấy văn ai mà quá ngộ, đọc dễ như ăn hủ tiếu Mỹ Tho, nhai cũng được mà nuốt trọn cũng xong… nhưng tốt hơn nên ăn từ từ bởi vì trong tô hũ tiếu… à quên… trong bài viết nhiều chi tiết lịch sử, tôn giáo, văn hóa… sang đến cả dồ ăn thức uống, tiền tiêu… đáng để ý, học hỏi… lợi trăm bề…

    Hóa ra tác giả là bác Trưong Như Thường nhà ta… nghề chính là dạy học, nghề kia là đi… “đấm chuông”… xứ người :-o)

    Rất mong được đọc phần tiếp theo, không được ngưng ngang xương à nha!

    LV

    • LÃO NGOAN ĐỒNG says:

      Bài viết lôi cuốn tôi từ đầu đến đuôi. Thật khác xa khi so với một bài viết kiểu tuyên truyền rẻ tiền, đăng trên VN Express cách đây không lâu, của một ông Việt (gốc) Cộng, bị tai nạn hỏng hóc máy bay ở Miến, được hàng không Miến tận tình chiếu cố như thượng khách, theo lời ông ta kể. Và cho Miến giống như thiên đường mặt đất !

      Lâm Vũ còm cũng rất ngộ nghĩnh, nhưng lôi cuốn.
      Nhận xét cực chuẩn ở chỗ tác giả “đấm chuông xứ người” !

      Kết, đọc bài chủ hay phải có còm …. độc, mới gọi là …. hay vậy !
      Chả khác gì thức ăn ngon, phải ngồi chỗ ngon và đối tượng ngon mới là … ngon vậy

      Lão Ngoan Đồng

Leave a Reply to Ngọc Ẩn