Nguyễn Chí Thiện của Trần Phong Vũ
Người ta đã viết rất nhiều về Nguyễn Chí Thiện, nhưng chưa có một công trình tổng quát về thân thế và sự nghiệp của tác giả Hoa Địa Ngục. Thiếu sót ấy đã được khỏa lấp. Nhà văn Trần Phong Vũ, với sự khích lệ của nhà văn Uyên Thao, vừa cho ra đời tác phẩm «Nguyễn Chí Thiện. Trái Tim Hồng». Tiếng Quê Hương xuất bản. (Ngoài phần trước tác của riêng mình, tác giả còn thêm phần hình ảnh không thể thiếu trong một tác phẩm hiện đại và một Phụ Lục với 28 tác giả đã viết về Nguyễn Chí Thiện).
Thiết tưởng không cần giới thiệu nhà văn, nhà thơ Trần Phong Vũ. Và cũng không cần giới thiệu tập sách. Nhiều người khác có thể viết một cuốn sách vể Nguyễn Chí Thiện, nhưng ngoài khả năng viết lách, chỉ có một người có đủ tiêu chuẩn để viết và có bổn phận phải viết về cố thi sĩ. Người đó là Trần Ngọc Vân, bút hiệu Trần Phong Vũ. Vì, đúng như Uyên Thao khẳng định, “ngoài những ngày cuối đời của Thiện, «mày»(1) là người thân cận với anh ấy từ nhiều năm qua”.
Vì thân cận mà ngoài những câu chuyện hoặc những vấn đề liên quan tới Nguyễn Chí Thiện (chẳng hạn chuyện đánh phá, chuyện thật giả), những trang quý hóa nhất, đối với tôi, là những trang trò truyện giữa hai người bạn. Rất thân nhưng cũng rất kính. Phía Nguyễn Chí Thiện thường phảng phất nét u uất, kể cả khi anh họa hiếm cười.
Trần Ngọc Vân có một nỗi niềm tha thiết trước cuộc đời lẻ bóng của người bạn chí thân. Lúc trò chuyện tâm tình, anh không ngại thổ lộ niềm mong ước bạn mình dứt bỏ những tị hiềm nhỏ nhặt để sớm thoát khỏi cảnh gối chiếc, chăn đơn. Câu chuyện giữa hai người bạn về vấn đề này, cho ta những trang quý giá về con người Nguyễn Chí Thiện, về tư cách và nỗi niềm của anh. Người đọc nhiều khi khó cầm nước mắt trước một Nguyễn Chí Thiện thanh xuân đa tình và đầy ước mơ trong sáng đã bị bẻ gẫy ngay khi bước vào đời.
Nhưng chính những ước mơ bị chôn vùi đó đã biến Nguyễn Chí Thiện thành nhà thơ sắt thép vật lộn không ngưng nghỉ với cái ác, vời tù đày, bệnh tật. Nguyễn Chí Thiện thông minh, tài trí. Nguyễn Chí Thiện sâu lắng. Và trước hết, sau hết, Nguyễn Chí Thiện Trái Tim Hồng, một trái tim lớn, nát bét nhưng không ngừng đập. Không ngừng đập, nhưng bị bầm dập.
Không phải không có người ước ao cùng thi sĩ kết nối tơ duyên. Cũng không phải suốt 17 năm lưu vong xứ người, thi nhân không từng xao xuyến. Nhưng…
Sau đây, xin trích một đoạn:
«Anh biết không? Ngoài bệnh phổi kinh niên hiện đang nằm yên chưa phát tác, tim mạch tôi cũng có vấn đề. Nếu anh biết rằng nhiều buổi sáng nằm nướng đến 9, 10 giờ mà tôi cảm thấy như không muốn dậy. Với tình trạng suy kiệt như thế mà còn tính chuyện đèo bòng thì đúng là kẻ không có óc, mà cũng không có tim! Tự làm khổ mình mà cũng làm khổ và gây thất vọng cho người ta nữa, có đúng không?
Đấy là lý do có người bạn gái ở xa, có thể nói là người đã đem lại cho tôi những phút giây hạnh phúc, sau khi biết tôi dọn ra ở building này, hơn một lần ngỏ ý muốn vượt đại dương qua thăm tôi, nhưng tôi quyết liệt từ chối, dù trong lòng đau đớn lắm. Tôi sợ gần nàng trong hoàn cảnh này tôi sẽ cầm lòng không được. Điều may mắn là người ta đã hiểu dù chẳng cần chờ tôi giải thích lý do. Tôi biết ơn nàng và cũng thầm tạ ơn Đấng trên cao. Và tôi đã ghi lại mấy câu thơ này. Tôi không gửi cho nàng, cũng chẳng chia xẻ với ai. Hôm nay tôi đọc anh nghe:
Tôi, một kẻ lạc loài,
Một gã đàn ông đã xa lắm rồi
cái thời trai trẻ
Nhưng em vẫn yêu tôi bằng mối chân tình
mênh mông trời bể
Điều nghịch lý là tôi cũng yêu em
Khi biết trước rằng mình không thể…
Và như thế
Trong âm thầm,
cam đành,
lặng lẽ,
chia xa
Ngoài kia
Sương gió nhạt nhòa
Trăng buồn
thổn thức!(2)
Ông ngừng đọc. Cả hai chúng tôi cùng rơi vào im lặng. Giây lâu, ông nói:
- Khi viết bài thơ trên, tôi không chỉ nghĩ tới người bạn xa mà còn như một cách nào đó muốn gián tiếp tạ lỗi một vài người bạn ở gần đâu đây, những người đã dành cho tôi cảm tình sâu đậm và luôn săn sóc, giúp đỡ tôi trong đời sống thường nhật, nhưng chưa một lần nào tôi bày tỏ nỗi lòng, dù trong thâm tâm tôi muốn nói nhiều điều để đáp lại những tấm lòng trị kỷ.(3)
Bây giờ tiện thể tôi nói luôn một ưu tư khác của tôi cho anh hay. Sở dĩ từ ngày ra hải ngoại, dù được nhiều người thương quý, nhưng tôi luôn giữ một khoảng cách. Riêng với đám đông phái nữ tôi càng thận trọng hơn. Anh biết tại sao không? Như con chim sợ cánh cung của người thợ săn rồi sợ luôn cành cây cong. Tôi sợ mắc vào mỹ nhân kế của kẻ thù.
Tôi chẳng biết mở lời ra sao nên đành câm lặng.»
Trong một chương sách khác viết về những ngày tháng lưu đầy của cố thi sĩ, người đọc cũng có cơ hội thấy được những góc khuất trong nội tâm nhà thơ. Thuật lại một buổi chiều trên bãi biền Huntington Beach, lần đầu tiên trong hơn mười năm trời quen biết, Nguyễn Chí Thiện đã bộc bạch với tác giả tâm sự thầm kín của anh.
Vẫn chỉ là những nét u buồn. Nhưng trong nỗi buồn vẫn lung linh một thứ ánh sáng gọi mời. Dưới đây, xin trích một đoạn.
«Nhìn đàn hải âu tung tăng bay lượn trên mặt biển, ông nhắc lại giấc mơ thuở nào được làm kẻ phiêu lãng nơi góc biển chân trời như những cánh chim tự do sải cánh trên khoảng không gian cao rộng. Đó là những ngày sống trong cảnh cá chậu chim lồng, ba chặng tù đày với những thời khoảng tự do giới hạn phải trông trước ngó sau, nơm nớp nghĩ tới phút giây bị bắt trở lại.
Ngó mông ra ngoài biển khơi, ông ngậm ngùi nói tiếp, giọng trầm trầm:
– Tới ngày ra được hải ngoại, tôi tưởng giấc mơ của mình đã đạt. Nhưng tôi lầm anh ạ. Hóa ra những gì tôi mơ ước thời trẻ ở trong nước không phải là chuyện của một lãng tử muốn sống cuộc đời sông hồ phiêu bạt. Suy nghĩ kỹ, rốt cuộc nó chỉ là cái bề mặt che giấu nỗi uất hận bùng bốc trong tim mà không có cơ hội bộc phát, tương tự như dung dịch phún thạch cháy đỏ chất chứa trong lòng hỏa diệm sơn.
Và nó đã nung nấu tâm hồn và trí não tôi hàng đêm để biến thành những vần thơ đau đớn. Cũng vì thế khi qua được thế giới tự do, nếu tôi muốn, không thiếu người giúp phương tiện cho tôi đi đây đi đó cho thỏa chí giang hồ. Nhưng như anh thấy, những chuyến đi của tôi không hề mang ý nghĩa những cuộc du hí hay lành mạnh hơn là những chuyến ngao du sơn thủy. Có thể nói chuyện moi tim nạo óc để nghĩ thơ, làm thơ của tôi thời gian còn ở trong nhà tù cộng sản với những chuyến đi của tôi trong 15, 16 năm qua mang cùng một mục tiêu, một ý nghĩa. Nó là hai mặt của một đồng tiền.
Nếu mấy chục năm ở trong nước, khi bị gò bó trong nhà tù hay lúc được tự do tạm, tôi tranh thủ từng phút giây để ghép chữ tạo vần cho những câu thơ kể lại cái ác và cũng để chống lại cái ác, thì thời gian qua ở hải ngoại tôi cũng cố chống chọi với những cảm giác buồn rầu chán nản, những hành hạ ngày đêm của bệnh hoạn để chia xẻ với mọi người khát vọng của tôi mà tôi tin cũng là của bà con đồng bào ta về một ngày mai của quốc gia, dân tộc…
Đang thao thao nói như không biết mệt, bỗng dưng ông lặng im giống như chiếc xe đang chạy ngon trớn tự nhiên tắt máy. Ông moi điếu thuốc hút dở trong bao. Mấy lần cố bật quẹt nhưng vì gió lộng, lửa vừa bật lên chưa kịp bén thuốc đã bị tắt ngấm. Ông đành cất mẩu thuốc, tầm mắt chìm vào ráng chiều đỏ ối trên mặt biển. Giữa lúc không chờ đợi, ông quay nhìn tôi nói, giọng trầm buồn:
– Tôi nói anh hay. Tôi biết tôi sẽ không còn sống tới ngày chế độ cộng sản tàn lụn đâu, dù căn cứ vào tình hình đất nước gần đây, tôi phỏng đoán sẽ không còn bao xa nữa. Anh đừng nghĩ tôi bi quan hay yếm thế, đầu hàng trước khi thua cuộc. Nhưng tôi biết rõ bệnh tình của tôi. Tim phổi nát bét cả rồi. Ngay hôm khám bệnh tổng quát ở Hà Nội trước khi lên máy bay qua Mỹ, một chuyên viên quang tuyến trong bệnh viện vốn là con người bạn thân của chị tôi nói là phổi tôi nhiều chỗ đã đóng vôi, nói cụ thể cho dễ hiểu là đã chết. Nó nằm im như lâu nay thì không sao, nhưng nếu nó phát tác trở lại thì khó tránh được ung thư, nếu không thì cũng ở trong tình trạng trầm kha không mấy hy vọng chữa khỏi. Đấy là chưa nói tới những bệnh cao mỡ, cao máu dẫn tới tình trạng suy thoái tim mạch khiến thời gian gần đây đêm đêm tôi thường mất ngủ.
Tôi sững sờ nghe ông tâm sự mà lòng nóng như lửa đốt. Mấy lần định ngắt lời ông để lên tiếng trấn an nhưng tôi ngập ngừng ngần ngại. Muốn nói vài điều an ủi, khích lệ bạn mà hàm răng như bị đông cứng không sao mở miệng cất thành lời. Nhìn đồng hồ đã gần 5 giờ, tôi thong thả đứng dậy cùng ông rời bãi ra chỗ đậu xe.
Cuộc gặp gỡ bạn bè trong buổi họp, tiếp theo là bữa ăn ở nhà hàng, tôi lại thấy Nguyễn Chí Thiện hòa nhập dễ dàng vào không khí vui nhộn hăng say của anh em khi bàn về kế hoạch tổ chức một bữa dạ tiệc gây quỹ giúp thân nhân gia đình giới trẻ Công Giáo và Tin Lành vừa bị Hà Nội tống ngục. Nhìn cặp mắt sáng rỡ của ông rồi nghe ông hăng say phát biểu, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Trong khoảnh khắc tất cả nét bi quan của một người biết mình sắp đi vào ngõ cụt của cuộc đời bỗng dưng biến mất để nhường chỗ cho một con người khác, một con người hăng say, nhiệt thành, tràn đầy sức sống. Tâm trạng tôi thật khó diễn tả. Buồn hay vui? Lo lắng hay hy vọng? Tất cả như bị đảo lộn không thể lý giải.
Suốt đoạn đường 5,7 dậm từ nhà hàng về cao ốc ông cư ngụ, tôi trầm ngâm trên tay lái, nhiều lần muốn mở lời mà lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Khuôn mặt nhìn nghiêng của ông thấp thoáng dưới ánh đèn đường hắt vào, hiện ra những đường nét thật đẹp và cũng thật khắc khổ, cam đành, tự dưng tôi thấy thương ông vô cùng. Từ đáy tâm tư, một câu hỏi âm thầm hiện ra: Liệu những phút giây sôi nổi vừa qua còn đọng lại trong ông được bao lâu hay chỉ là cái bóng phù du sẽ tan đi như giấc mộng để tâm trạng buồn chán lại trùm lấp tâm hồn ông đêm nay?
Xe ngừng lại trước cao ốc.
Tôi tắt máy, ngỏ ý muốn ở lại đêm với ông. Ông nắm tay tôi thật chặt, nhẹ lắc đầu từ chối:
– Không nên. Như những lần trước, cả hai sẽ mất ngủ. Thôi anh về. Lái xe cẩn thận và đừng suy nghĩ vẩn vơ.
Ông cười thành tiếng, giọng bông đùa:
– Ngày mai trời lại sáng. Tôi chưa chết được đâu.
Nói xong, ông nở một nụ cười gượng gạo, nắn lại vành mũ dạ trên đầu, tự mở cửa xe bước xuống. Tôi nhìn theo dáng cao lệnh khênh của ông khuất sau cánh cửa nhỏ dẫn vào cao ốc mà lòng xót xa thương cảm.
Giây phút này tuy Nguyễn Chí Thiện đã vĩnh viễn ra đi, nhưng trong mắt và trong hồn tôi như vẫn hiển hiện hình ảnh cô đơn, cam đành, khiêm tốn và bất khuất của một con người mà khi sống cũng như khi chết đã để lại trong tâm hồn người quen biết ông những cảm tình quý mến không thể phai nhòa.»
Chỉ một vài đoạn trích trên đây, thiết nghĩ đã đủ nói lên giá trị của tác phẩm «Nguyễn Chí Thiện. Một Trái tim Hồng».
Paris 4.9.13
Đỗ Mạnh Tri
© Đàn Chim Việt
————————————————
Ghi chú:
(1) Đây là cách xưng hô quen thuộc giữa hai người được chính TPV ghi trong lời mở đầu tập sách.
(2)Tôi muốn giữ riêng bài thơ này, nhưng do anh đã đi xa, tôi quyết định ghi lại đây với hy vọng sẽ làm vơi phần nào niềm u uẩn của một hoặc những ai đó (?).
(3) Qua lời tâm sự này, tôi hiểu ông muốn ám chỉ ít nhất là một người phụ nữ hiền thục, khuôn mẫu được coi là người thâm cảm với ông về lý tưởng chung. Tôi biết rõ, chính bà, đã có những bài viết sâu sắc trên NET, trên báo chí để bệnh vực cố thi sĩ khi ông bị kẻ xấu xuyên tạc, bôi nhọ cũng như để chống lại cái ác trên quê hương. Bà cũng là người đã lặng lẽ thâu thập những tài liệu về ông, âm thầm lo lắng, săn sóc, nâng đỡ ông về mọi phương diện lúc sinh thời. Và ngay lúc này, khi thi sĩ đã thật sự đi ra khỏi cuộc đời, cùng với các bạn bè đồng phái tính, bà vẫn là người một lòng với con người và lý tưởng của người quá cố. Chính vì biết rõ như vậy nên có lần tôi đã thẳng thắn nói với một người bạn văn khi anh có những phán đoán sai trong một bài viết khi chỉ căn cứ vào một cuộc viếng thăm bất chợt mà nghĩ rằng ông sống cô đơn không có ai đoái hoài săn sóc.
Cuộc đời tôi chẳng có gì đáng kể!
Tấm thân tôi tù bệnh hom hem!
Tôi chỉ có trái tim đầm ướt lệ!
Cùng tấm lòng thành dâng tặng cho em! .
1973 anh Thiện đọc cho tôi nghe bài này ở trại giam Phong quang
Giờ anh đã ra đi mang theo trái tim đầm ướt lệ về quê… và để lại đất khách ( đầy Thiện giả , Thiện thật ) Hoa địa ngục tạo bởi trái tim hồng mà mua vui cũng được một vài trống canh! ! ! . Anh Thiện có thể sống hơn 27 năm trong tù đầy khồ ải nhưng tha hương anh chỉ sống được 18 năm ! có một cái gì đó cần đặt dấu ? !