WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Phản biện

Tôi không biết ở Việt Nam chữ “phản biện” xuất hiện từ lúc nào và ai là người đầu tiên dùng chữ ấy. Tôi chỉ đoán là nó có lịch sử không lâu lắm. Và nó được ra đời, trước hết, không phải trong lãnh vực chính trị, bởi, trước khi nó trở thành thịnh hành với những trang báo mạng kiểu bauxite Việt Nam với tiêu đề “Tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức” thì nó đã được sử dụng khá nhiều trong lãnh vực giáo dục với những “giáo sư phản biện” và “Hội đồng phản biện”.

Tôi rất thích cái chữ phản biện ấy.

Phản biện là dùng lý lẽ để chống lại một cái gì đó. Ở đây có hai điểm: chống và lý lẽ. Như vậy, sự chống đối ở đây chỉ dừng lại ở phạm vi tư tưởng và học thuật. Nó không có tính bạo động và cũng không nhắm đến bạo động. Những lời cáo buộc mà một số chính quyền độc tài thường sử dụng đối với những người phản biện chỉ là một lối vu khống.

Hơn nữa, “cái gì đó” trong định nghĩa trên không phải bao hàm con người hay sản phẩm (bất kể loại gì) của con người. Phản biện khác với chỉ trích: Chỉ trích nhắm vào người. Phản biện cũng khác với phê bình hay phê phán: Ở cả hai từ này, đối tượng có thể là người mà cũng có thể là vật thể (ví dụ tác giả và tác phẩm của họ).

Phản biện chủ yếu là chống lại một luận điểm. Nhưng phản biện lại khác với biện bác. Biện bác nhắm, trước hết, đến sự bác bỏ. Biện luận để bác bỏ. Sự bác bỏ là chủ đích, là mục tiêu duy nhất. Nó có tính cách tiêu cực. Người ta nói hay hay dở, đúng hay sai mặc kệ: người biện bác chỉ khăng khăng tìm cách phủ nhận. Phản biện thì khác. Nó chống đối một luận điểm bằng cách đề xuất một cách nhìn hay một góc nhìn khác để, thứ nhất, người bị phản biện phải cố gắng chứng minh quan điểm của mình là đúng đắn nhất, và thứ hai, để mọi người có thể lựa chọn.

Như vậy, phản biện được xây dựng trên tinh thần đối thoại, và do đó, có tính tích cực và xây dựng.

Ví dụ: đọc một luận án của ai đó, người phê bình chỉ cần nêu lên nhận xét về những cái đúng, cái sai và những cái hay cũng như những cái dở, nhưng không cần thiết phải đề nghị một giải pháp hay một quan điểm khác; người biện bác thì chỉ chăm chăm bác bỏ tất cả những gì người viết nêu lên. Còn người phản biện thì sẽ nói, chẳng hạn: với những cứ liệu mà anh/chị tập hợp được, tôi nghĩ có thể đặt ra giả thuyết như thế này; một giả thuyết có thể khác với những gì anh/chị vừa đề xuất. Bây giờ, xin anh/chị hãy chứng minh là giải pháp của anh/chị thực sự là một giải pháp tối ưu.

Nhắc đến chữ “tối ưu”, tôi sực nhớ đến một bài viết ngắn rất xuất sắc của Giáo sư Phạm Quang Tuấn ở Úc. Bài viết hay đến độ tôi muốn trích toàn văn để chia sẻ với bạn đọc:

Khái niệm “Tối Ưu Hóa” (Optimization)

Phạm Quang Tuấn

Tôi còn nhớ, cách đây hơn bốn chục năm, ông Giáo sư của tôi giải thích về nghề kỹ sư:

“An engineer is someone who can do what any fool can do, but cheaper” (Kỹ sư là một người có thể làm bất cứ cái gì mà thằng ngu nào cũng có thể làm được, nhưng họ làm rẻ hơn).

Đó là khái niệm đầu tiên của tôi về tối ưu hóa. Người Kỹ sư luôn luôn có nhiều cách giải quyết một vấn đề, xây dựng một công trình, và họ có khả năng hơn người “ngoại đạo” là họ có thể giải quyết một cách đỡ tốn kém hơn (nhưng dĩ nhiên không kém chất lượng).

Nhưng, không phải chỉ Kỹ sư: tối ưu hóa là cái mà ai cũng làm. Chỉ có điều là người ta làm mà không biết (“Ủa, mình nói văn xuôi cả đời mà không biết!” – Molière, Le Bourgeois Gentilhomme). Bạn cưới vợ? Bạn đang tối ưu hóa hạnh phúc của bạn – không có vợ thì tự do, có vợ thì ấm áp, cái nào hơn? Bạn mua nhà – mua thì phải vay tiền, phải tốn công tốn tiền sửa chữa, thuê thì mất tiền thuê, cái nào hơn? Mua nhà đắt hay nhà rẻ? Bạn học bài, làm homework – thi đỗ cao thì tương lai tươi sáng, không làm bài thì có thì giờ tán gái, bạn chọn cái nào?

Tất cả những cái đó là tối ưu hóa – bạn phải CHỌN giữa nhiều đường lối để làm tối ưu (optimize) hạnh phúc, hay nói chung là làm tối ưu hệ quả những công sức, tốn kém, tài sản của bạn.

Khi cai quản một quốc gia thì có những sự chọn lựa tương tự. Chính phủ nên chọn xây đường sắt, đường thủy, đường bay hay đường bộ? Dĩ nhiên, đường nào cũng TỐT cả, nhưng đường nào TỐT NHẤT? Và nếu đường sắt thì đường hạng 1 (cao tốc), 2 (trung tốc) hay 3 (hạ tốc) tốt nhất, có lợi cho dân nhất? Và làm vào lúc nào? Bạn khai thác bauxite thì khai thác ở tầm cỡ nào, theo cách nào, trong thời điểm nào, với đối tượng nào là TỐT NHẤT? Bạn chọn cái “tốt”, nhưng KHÔNG TỐT NHẤT thì sẽ thiếu tiền để dùng vào biện pháp TỐT NHẤT, và do đó, bạn sẽ phung phí, và phung phí đưa tới giật lùi. Sự phung phí đó sẽ để hậu quả cho con cái gánh chịu. Tài nguyên của một nước cũng như của một người đều có giới hạn, dùng sai chỗ quá nhiều thì sẽ phá sản. Trong thế giới cạnh tranh, nếu láng giềng của bạn chọn cái tốt hơn bạn, hữu hiệu, ít phung phí hơn, thì họ sẽ vượt lên và đè cổ bạn.

Sự khác biệt chính giữa việc tối ưu hóa cá nhân (lấy vợ/không lấy vợ, mua nhà/thuê nhà) và tối ưu hóa công cộng hay quốc gia là: Việc cá nhân thì cá nhân phải lãnh chịu hậu quả, nếu quyết định sai. Việc quốc gia thì cả nước, cả trăm triệu người dân, cả trăm triệu con cháu chúng ta sau này phải lãnh chịu. Lãnh chịu nghĩa là chịu nghèo hèn lâu dài thêm, chịu cúi đầu cặm cụi trả nợ hay làm nô lệ cho các ông chủ ngoại quốc – về kinh tế, quốc phòng, chủ quyền v.v. – để đền bồi cho sự ngu xuẩn hay tham lam của những kẻ cầm quyền một thời.

Bạn có thể lý luận: đây là tiền vay mượn, ODA, chứ không phải là tiền “của ta”. Nhưng, tiền vay đó thì ai sẽ trả? Xin thưa: con cháu. Vậy đó thực ra là tiền của con cháu (con cháu thường dân, chứ không phải còn cháu các ông lớn, vì con cháu các ông lớn sống phè phỡn bằng tiền lãi của ngân hàng Thụy Sĩ chứ không phải trả nợ ai cả). Nếu bạn không tối ưu hóa việc sử dụng tiền của con cháu người dân, để chi tiêu tối thiểu và có tác dụng tốt tối đa, thì bạn là kẻ tội đồ, thậm chí là kẻ thù của dân tộc.

Vậy, vấn đề không phải là LÀM hay KHÔNG LÀM, mà là làm lúc nào, cách nào, tầm cỡ nào, trình độ nào cho tốt nhất. Mỗi khi ngài Bộ trưởng ra trước Quốc hội để gân cổ chứng minh rằng cách tiêu tiền của ngài TỐT, xin ngài hãy suy nghĩ lại, và tìm cách chứng minh rằng cách đó là tốt NHẤT, theo ý của ngài.

Và mong các đại biểu Quốc hội, thay vì chỉ hỏi “Tốt hay xấu”, hãy biết hỏi “Có cách nào TỐT HƠN không?”

PQT

Như vậy, mục tiêu đầu tiên của phản biện không phải là bác bỏ (như trong biện bác) hay đả kích (như trong chỉ trích) hay tìm khuyết điểm (như trong phê phán) hoặc cả khuyết điểm lẫn ưu điểm (như trong phê bình). Mục tiêu chính của phản biện là thúc đẩy mọi người cân nhắc lựa chọn cái tối ưu.

Mục tiêu thứ hai của phản biện là buộc đối tượng bị phản biện phải tăng cường sự thuyết phục cho các quan điểm của họ. Họ phải chứng minh là họ đúng hơn. Muốn chứng minh như thế, họ cần ít nhất hai điều:

Thứ nhất là minh bạch: Họ phải nêu đầy đủ các luận cứ và luận chứng để biện hộ cho luận điểm của họ. Ví dụ: liên quan đến vấn đề khai thác bauxite ở Việt Nam, người ta cần phải chứng minh các dự án ấy là có lợi, hoặc ít nhất, không có hại gì về các phương diện: quốc phòng (chủ yếu trong quan hệ với Trung Quốc, nước đầu tư chính vào các dự án ấy), môi trường (để không xảy ra tai nạn lũ bùn đỏ như ở Hungary), xã hội (không làm rối loạn đời sống của cư dân địa phương), và kinh tế (liên quan đến vấn đề giá thành và lợi nhuận), v.v… Chứng minh chứ không phải là khẳng định hay hứa hẹn suông.

Thứ hai là phải duy lý hóa: Đối diện với sự phản biện, tức sự chống đối bằng lý lẽ, người ta phải sử dụng lý lẽ để tự vệ. Đây chính là lý do khiến ở Tây phương, người ta thường khuyến khích học sinh và sinh viên tập trung rèn luyện kỹ năng phản biện bằng cách thường xuyên phản biện lại các luận điểm của người khác mà còn của chính mình trong các bài luận văn mình đang viết. Kỹ năng phản biện này thường được gọi là counter-argument.

Về phương diện chính trị và xã hội, với hai mục tiêu (tìm cái tối ưu và thuyết phục) cũng như hai yêu cầu (minh bạch và duy lý) nêu trên, phản biện rõ ràng là một điều cần thiết không những để tránh những chính sách sai lầm mà còn để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa và duy lý hóa, tức, nói chung, quá trình hiện đại hóa của đất nước.

Nguồn: Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)

3 Phản hồi cho “Phản biện”

  1. Tien Pham says:

    Xin góp ý 1 chút về khái niệm tối ưu.

    1. Trong hầu hết các nghành, phương diện tối ưu thường hay song hành với 1 hay nhiều sự đổi chác (trade-off) nào đó. Để tối ưu hoá 1 sự việc gì đó, người ta (nhất là kĩ sư) thường phải trade off 1 cái gì đó để tối ưu hoá cái mình cần.

    2. Tối ưu chỉ có nghĩa ngay với điều kiện, không gian, thời gian mà nó đề xuất ra mà thôi. Nếu điều kiện, không gian và thời gian thay đổi, 1 sự việc đã được tối ưu hoá lúc trước có thể kô còn mang tính tối ưu nữa. Do đó, nó mang tính tương đối. Còn “nhất”, strictly speaking, theo tôi nghĩ, có tính tuyệt đối, kô lệ thuộc vào điều kiện, không gian lẫn thời gian.

  2. DO NGHE says:

    Phản BIỆN là BIỆN MINH PHẢN ĐỐI
    Luật HIỂN NHIÊN cổi rễ ÂM DƯƠNG
    Như Tam nguyen YÊN ĐÔ gởi Dương KHUÊ
    Tiết DƯƠNG CỬU Bác Tôi chung hoạn nạn
    Phận ĐẨU CHUNG chẳng dám kêu trời
    DƯƠNG là DƯƠNG Cửu cũng là DƯƠNG
    Lửa gặp LỬA cùng ĐƯỜNG LÂM TỬ LỘ
    Đấng TẠO HÓA trớ trêu như rứa
    Có ÂM DƯƠNG HÒA HỢP mới SINH TỒN
    Độc TÀI độc ÁC độc TÔN
    Cấm PHẢN BIỆN là MỒ CHÔN LŨ ĐỘC

  3. Vu Trung says:

    Tui “phản biện” chử “tối ưu” hóa. (I expected better from t/g NHQ … thì ra cũng thế thôi ư?) “Hoàn thiện” hoá thì ok, còn tối ưu? Tối Ưu. Đã “tối ưu” rồi thì còn có cái quái gì hơn nữa để “hóa”.

Leave a Reply to Vu Trung