WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tây ba lô và thiền

Nữ tây balô đang “thiền hành”. Ảnh NTT

Cách nay 6 năm, hè 2004, trong lúc lang thang khắp các nước đông Âu, Hy Lạp, Áo và Đức, tôi chợt khám phá ra thấy tôi đang “thiền hành”. Không phải “hành thiền”.

Hành thiền là practice of meditation, là thực hiện thiền. Lúc đó tôi không thực hiện thiền. Tôi chỉ đi. Du lịch. Đi cho biết đây biết đó. Đi vì thích đi. Lang thang. Không mục đích. Hay có mục đích đấy, nhưng đó là những mục đích không nhất định, có thể thay đổi. Đi đâu, làm gì, quan trọng nhưng mà không. Đủ quan trọng khiến tôi thực hiện chuyến đi xa nhưng cũng không đủ quan trọng để tôi phải gắn chặt với chúng. Đi là đi. Mọi mục tiêu đều có thể thay đổi. Tùy theo tâm cảnh. Tôi say mê giây phút đó. Tôi lang thang. Tôi quan sát những điều tôi thích. Thường là những viện bảo tàng, những kiến trúc, những di chỉ khảo cổ. Nhưng cũng có khi tôi một mình ngồi dưới bóng mát trong  khu rừng nhỏ bên một giòng sông xa lạ. Không để ý đó là con sông gì. Có thể là sông Danube nhiều người nghe nói, nhưng cũng có khi là một con sông không tên. Hay có tên mà tôi không biết. Không cần biết. Không muốn biết. Nhưng không phải lúc nào cũng lang thang ở nơi vắng vẻ. Rất nhiều khi giữa những đại lộ đông đúc. Dĩ nhiên. Nhưng tôi không quan tâm. Chỉ biết đó là con đường tôi thích. Tôi thấy hạnh phúc trong giây phút đó. Tôi quên tất cả. Gia đình, bè bạn, cộng đồng, không có mặt với tôi lúc đó. Tôi không để tâm cả tới những người xung quanh. Nhưng tôi vẫn ý thức rằng quanh tôi còn có nhiều người khác. Vì thế tôi không va chạm vào những người đi ngược chiều. Nhưng tôi vẫn không ý thức về họ. Nhận thấy họ nhưng không ý thức về họ. Tôi là tôi trọn vẹn. Một hạnh phúc trọn vẹn nhưng không ồn ào. Tôi không la lớn lên vì sung sướng. Một hạnh phúc tràn ngập nhưng lặng lẽ. Tôi ý thức rằng tôi đang hạnh phúc. Hay thực sự là tôi cảm thấy tôi hạnh phúc. Tôi chợt nẩy ra một ý niệm, trạng thái như thế là “thiền hành”. “Thiền hành” là một trạng thái. “Hành thiền” là một hành động. Hành động tu tập. Hành động tìm kiếm. Tìm kiếm là chưa có. “Thiền hành” là một trạng thái tôi đang có, đang trải nghiệm.

Tôi nghĩ rằng chỉ mình tôi có trải nghiệm đó. Và tôi thích thú. Khó mà chia sẻ với ai những điều họ không trải nghiệm. Nhưng tôi đã viết đâu đó, hay chỉ ở trong những ghi chú, về ý niệm “thiền hành”. Không phải “hành thiền”. Tôi không “hành thiền” mà tôi “thiền hành”. “Hành thiền” là trạng thái đang tìm kiếm sự bình an, hạnh phúc. “Thiền hành” là trạng thái đang hạnh phúc trong lúc đi. Tôi nhớ mới chỉ chia sẻ với một người duy nhất về cảm giác đó. Đó là người bạn thân mà cũng là người anh em họ có khá nhiều đồng cảm. Không phải chỉ có tận cùng đau khổ mới làm mình cô đơn. Hạnh phúc quá mức cũng khiến mình khó tìm người chia sẻ. Những người đạt tới tình trạng hoàn toàn ý thức về cái hạnh phúc của chính mình thường không thể nói với ai về niềm hạnh phúc đó, về “cái ý thức” đó, về cái cảm giác đó. Các thiền sư không nói. Chỉ những người “hành thiền” mới nói. Những người đang muốn học thiền, tức là những người đang “hành thiền”, phải “cố” mà hiểu những công án. Không phải trong đời sống lúc nào mình cũng gặp những công án. Tây balô, không phải luôn luôn, nhưng có đôi lúc, “sống” cái công án của họ. Với tôi, “thiền hành” là lúc tôi đang sống trong trạng thái xuất thần. Không phải lúc nào lang thang tây balô tôi cũng trải qua những giây phút xuất thần như vậy. Nhưng ngay chính những giây phút ấy tôi cũng không nhận thấy “điều tôi đang trải qua”. Chỉ khi giây phút đó qua đi, tôi mới thấy rằng tôi đã trải qua khoảng thời gian thật hạnh phúc. Thoát khỏi hiện tại. Chỉ khi giây phút đó qua đi  tôi mới lý giải, mới giải bày. Như bây giờ. Một mình trước PC.

Tác giả và một cụ tây balô “mới có 75 tuổi” không nhớ nổi mình đã du lịch bao nhiêu nước.

Thế rồi khi tình cờ đọc bài phỏng vấn thiền sư Nhất Hạnh của bà Oprah, tôi thấy vui vui, vì đã tìm được một người không quen nhưng đã từng có cùng trải nghiệm như mình. Trong rất nhiều trải nghiệm thiền của Nhất Hạnh, ông cũng có trải nghiệm “thiền hành” như tôi, và ông dùng chữ “Mindful walking”. Tôi thích thú với chữ tiếng Anh này. Ít ra cũng đã có một người hiểu ta! Sau đó tôi nghĩ rằng nếu đã có một Nhất Hạnh có cùng trải nghiệm như mình thì cũng có thể còn nhiều người khác nữa. Nhìn sang những tây balô bên cạnh, tôi nghĩ rằng có người, có những giây phút, họ cũng thấy hạnh phúc trên đường đi. Chỉ có điều họ không nói ra. Hay đã nói ra mà tôi không biết. Nhưng tôi tin có những lúc họ sống trọn vẹn với niềm hạnh phúc của họ, tách rời xung quanh, mặc dù họ vẫn giao tiếp với xung quanh. Có những lúc họ vui đùa ồn ào với nhau trong nhà trọ. Có những lúc họ cùng nhau vui đùa với sóng nước. Có những lúc họ nằm dài lặng lẽ trên bãi biển. Có những lúc họ lang thang trong rừng sâu. Có những lúc họ “lang thang, lếch thếch” trên đường phố đông người. Đã từng sống với họ trong 10 năm, mỗi năm ba tháng, tôi hiểu rằng đó là những giây phút họ “thiền”. Đó là những giây phút họ là “chính họ”. Họ giao tiếp với xã hội và những con người xa lạ đấy. Nhưng họ quên ngay cái môi trường đó.

“Thiền” trong du lịch tây balô là một đặc trưng của văn hóa ấy. Tuy không là tất cả. Khi nói về du lịch tây balô, đa số người, kể cả Việt lẫn ngoại quốc mà tôi quen, đều nghĩ rằng du lịch tây balô là du lịch nhà nghèo. Và có vẻ khinh thường. Mấy anh nhà báo trong nước chưa bao giờ ra khỏi biên giới là những anh viết về du lịch tây balô với nhiều khinh bỉ. Bởi vì đó là những người chưa bao giờ đi ra khỏi thôn xóm. Như những con kiến chỉ bò quanh miệng chén.

Tây balô là những anh nghèo. Đúng mà không đúng. Lấy mức nào để đo mức giầu nghèo hơi khó. Nói chung khó có thể nói rằng những người Âu châu trung bình nghèo hơn những người Á châu đồng cảnh. Nhưng người Âu châu đi du lịch tây balô rất nhiều. Dù nghèo đi nữa nhưng để đi du lịch lang thang qua ba, bốn chục nước thì cũng tốn rất nhiều tiền. Chưa kể những tây balô Âu châu thường đi mỗi chuyến ít ra là trên một tháng, trung bình hai tới ba tháng, và không ít người đi mỗi chuyến bốn, năm tháng. Tôi đã gặp những người lang thang ở Nam Mỹ gần một năm. Với tôi, một chuyến đi cũng phải từ một tháng tới tháng rưỡi. Có năm đi hai ba chuyến. Có năm tôi đã đi suốt mùa hè cho tới ngày tựu trường. Nếu dùng ý niệm “nghèo” theo tiêu chuẩn thông thường thì không thể đi du lịch nhiều nơi và dài ngày như vậy. Nhưng rõ ràng là tây balô không giầu, vì họ không  có những chi phí sang trọng. Tây balô rất tiết kiệm tiền. Nhưng tây balô là những người không màng tới tiền bạc. Nếu quan tâm tới tiền bạc thì họ đã chọn cuộc sống khác. Tóm lại nên gạt ý niệm “giầu nghèo” thông thường thì mới hiểu được những con người tây balô.Nên hiểu rằng, tây balô là những người du lịch chuyên nghiệp (career travelers). Họ có đủ hiểu biết để thực hiện những chuyến đi đắt tiền bằng một số tiền hạn chế. Đó là điều không phải ai cũng làm được. Một ông bạn vong niên cho tôi biết đã đi du lịch tới gần 40 nước. Tôi hỏi, “Ông đi tour phải không?” Sau đó tôi cho ông ấy biết tôi cũng đi từng ấy nước và qua cùng một số những vùng ông ấy đã đi, mà tôi đi tự túc. Ông ấy ngạc nhiên hỏi tôi, “Đi tự túc như thế thì tốn nhiều tiền lắm làm sao ông đi được?” Tóm lại đi tours rất dễ và rất ít tốn tiền, so với đi tự túc. Nhưng vì tây balô là những người du lịch chuyên nghiệp nên họ có thể thực hiện những chuyến đi tương tự với số tiền ít hơn. Ngoài ra, du lịch kiểu tây balô hiểu biết thêm về con người và những vùng đất đã tới nhiều hơn du lịch theo tour gấp bội. Chính cái điều này đã thu hút tây balô vào cuộc đời du lịch. Có những người đi du lịch cả đời. Có những người đi thời sinh viên, trai trẻ, rồi gián đoạn vì công ăn việc làm, tới khi con cái khôn lớn, tự lập, họ lại ra đi, nhưng lần này đi hai người, vợ chồng đứng tuổi, cứ thế đưa nhau đi rong ruổi trên khắp những vùng đất xa lạ. Những tây balô “già”.

Trên địa cầu luôn luôn có những vùng đất xa lạ mà một đời người không thể nào đi hết được. Ai cũng biết vậy. Nên nếu muốn thì có  thể đưa nhau đi hoài không hết. Vấn đề là đi khắp thế giới như thế thì tốn nhiều tiền lắm. Vâng, tốn nhiều tiền lắm. Chỉ có tây balô, những người có kinh nghiệm, mới hy vọng thực hiện được những chuyến đi khắp thế giới suốt cuộc đời mình. Nếu ai hỏi tôi, mục đích của cuộc đời còn lại của tôi là gì, tôi trả lời ngay, “du lịch khắp thế giới cho tới ngày sức khoẻ không cho phép tôi đi nữa.” Khi ra đi, khởi đầu là kiếm tìm. Nhưng trên đường đi, rất nhiều lúc, mình không còn kiếm tìm nữa, mà mình sống, mình hạnh phúc với giây phút đó. Nhiều người cũng nghĩ rằng tây balô là phải mang balô. Vâng, đi du lịch tiện nhất là mang balô trên vai để hai tay luôn được rảnh rang. Không vướng bận. Không vướng bận tinh thần, không vướng bận thân xác, đã là một hạnh phúc. Nhưng không phải cứ mang balô trên vai khi đi du lịch là trở thành tây balô.

Người tây balô cơ bản có tinh thần độc lập. Họ làm lấy tất cả. Đi đâu, bằng cách nào v…v, những vấn đề hết sức nan giải đối với một người khi đặt chân tới “xứ lạ, quê người” đều được người tây balô tự giải quyết, không giao cho người khác, không giao cho văn phòng du lịch. Vả chăng văn phòng du lịch không đủ am tường để giúp tây balô. Tây balô tìm trên mạng, họ hỏi nhau trên facebook, họ trao đổi những kinh nghiệm với nhau một cách thích thú và nhiệt tình, mặc dù họ không quen biết nhau, họ chưa thấy mặt nhau, và họ cũng không cần gặp nhau.

Một tính chất quan trọng nữa của tây balô, họ là những người ham hiểu biết. Niềm đam mê hiểu biết đã chế ngự tâm hồn họ, khiến họ thấy phải đi, phải tìm mọi cách để đi. Mang balô là một cách tốt nhất để du lịch tây balô. Nhưng là một tây balô thực sự là phải có hai đặc tính vừa nêu: tinh thần tự lập và tình thần ham học hỏi. Phong cách mang balô có thể học, có thể bắt chước được, nhưng hai cái tinh thần tự lập và ham học hỏi, cơ bản là bẩm sinh. Nếu không được bẩm sinh với hai tính chất này người ta cũng có thể học hỏi, bắt chước người khác được. Nhưng đối với những người này, sợ rằng sẽ sớm bỏ cuộc, hoặc bỏ qua những vùng đất khá là nguy hiểm. Không phải nguy hiểm vì thiên nhiên, mà nguy hiểm vì con người, vì tình trạng tội phạm. Nam Mỹ là vùng đất có đặc trưng đó. Phi châu là vùng đất mức độ tội phạm còn cao hơn nữa.

À quên, còn phải có tinh thần mạo hiểm nữa chứ. Mạo hiểm nhưng phải “thông minh”. Không mạo hiểm một cách mù quáng. Cái “thông minh” ở đây là gì? Vì  phải đối phó với những nguy hiểm do con người gây ra nên tây balô phải là người có nhận xét nhậy bén đối với những người xung quanh. Và chính trong lãnh vực này người tây balô có khả năng cao hơn người thường. Lý do là họ thường  tiếp cận với nhiều người khác chủng tộc, nhiều người xa lạ. Họ tiếp xúc với nhiều cái tốt cũng như cái xấu của các người xa lạ. Gặp gỡ người khác (meeting people) là mục tiêu chủ yếu khiến tây balô không chọn ở khách sạn (hotels) mà chọn ở nhà trọ sinh viên (hostels). Hostels, có người dịch là “nhà trọ rẻ tiền”, với hàm ý khinh khi, điều này chỉ đúng với bề mặt. Quả thật chúng rẻ tiền. Nhưng bề sâu, cái bầu không khí (ambiance) của các hostels không phải chỉ là rẻ tiền. Muốn mở hostels chắc chắn phải lấy giá rẻ. Nhưng nếu chỉ biết lấy giá phòng, giường rẻ thôi thì chưa đủ. Quá thiếu. Ở Việt Nam chỉ biết nhìn hostels là nhà trọ rẻ tiền nên các hostels ở Việt Nam không đạt tiêu chuẩn, vì thiếu cái không khí văn hóa tây balô. Khu vực gọi là khu tây balô ở đường Phạm Ngũ Lão, Saigon không cung cấp không gian, môi trường và bầu không khí để các du khách trẻ (tây balô) từ bốn phương tụ tập về gặp gỡ nhau. Vả lại khách sạn ở Việt Nam quá rẻ, chỉ khoảng từ $10 tới $15 đô la một phòng 2 giường, theo giá tại khu phố cổ Hà Nội, thì  mở hostels không sống được. Giá phòng đôi của khách sạn 3 sao tại Việt Nam rẻ hơn một giường trong nhà trọ sinh viên (hostels) ở Âu Châu nhiều lắm.

Cũng vì tây balô là những người ham học hỏi và có dịp học hỏi bằng phương pháp trực tiếp, nên sự hiểu biết của họ về văn hóa, lịch sử, địa dư, nghệ thuật, kiến trúc v…v trên thế giới và nhất là những dân tộc xa lạ cao hơn những người đồng cảnh nhiều lắm. Thêm nữa, khó có người có thể tự học hỏi, tức là nghiên cứu đấy, từ con số không. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các tây balô đều ít nhất tốt nghiệp trung học. Thường thì họ đang là sinh viên đại học. Một số không nhỏ là những người đã ra trường, đã đi làm. Câu hỏi đầu tiên phải trả lời  khi làm một chuyến đi là “tới đó làm gì?” Dĩ nhiên ai cũng biết là phải lập một danh sách các nơi cần tới, các attractions. Attractions chủ yếu là các nhà thờ, chùa đền, lâu đài, viện bảo tàng, đại nhạc viện và các di chỉ khảo cổ v…v. Khi chuẩn bị chuyến đi tây balô đầu tiên ở Tây Âu năm 2001, mở các sách du lịch như Frommer’s, tôi tự hỏi tại sao đi du lịch cứ phải xem nhà thờ hay các công thự ? Nhưng rồi tìm hiểu tiếp tôi học hỏi được rằng nhà thờ, công thự, khởi đầu vừa là nơi thực hành tôn giáo, vừa là nơi tập trung cơ quan hành chánh, vừa là nơi dân chúng tập trung để có những sinh hoạt cộng đồng. Lâu đài là nơi cơ ngụ của giới đại quí tộc, giới nắm quyến. Vì thế ở thời đại nào, nước nào, chính quyền và giai cấp thượng lưu, cũng tập trung tài, nhân và vật lực cùng với khoa học kỹ thuật vào những kiến trúc đó. Cho nên khi thăm viếng các kiến trúc lâu đời người ta có thể hiểu biết về tất cả đặc trưng văn minh và văn hóa của thời đại mà các công trình đó được xây dựng. Những bài báo trong nước mà tôi có dịp đọc thường mô tả tây balô như những anh tây thất nghiệp, dốt nát, không kiếm được việc làm ở quê hương nên đi tìm việc ở Việt Nam. Đó là một lầm lẫn chứng tỏ mấy ông nhà báo đó không có một chút kiến thức nào về du lịch, thậm chí không có đủ ngoại ngữ để tiếp xúc với tây balô để tìm hiểu họ mà cứ viết bừa. Dường như nói bừa, viết bừa, về những điều, những lãnh vực mình không hiểu biết, là phong cách của người Việt. Chính vì những tây balô, có thể nói là toàn thể, đều có trình độ ít ra là từ bước đầu đại học nhưng lại có mớ kiến thức hơn hẳn những người cùng lớp chưa bao giờ rời khỏi quê nhà, cho nên tôi thích dịch chữ “hostels” ra “nhà trọ sinh viên” hơn là “nhà trọ tây balô” hay “nhà trọ rẻ tiền”. Và tôi cũng thích dùng chữ “du khảo văn hóa” hơn “du lịch tây balô”. Hai chữ đó giúp người đọc hiểu được ngọn ngành của văn hóa tây balô nhiều hơn.

Cũng có người cứ nói tới tây balô là hỏi tôi có phải “ngủ đường, ngủ bụi” không? Đúng mà không đúng. Đúng là cũng không ít lần tây balô “ngủ đường, ngủ bụi”. Nhưng đã là tây balô là có tinh thần mạo hiểm, là chấp nhận rủi ro. Vì vậy tình huống buộc tây balô phải ngủ đường, ngủ bụi không hiếm. Ví dụ khoảng 3 ngàn tây balô đã ngủ đường dưới chân ngọn núi Machu Pichu ở Peru trong nạn đất chuồi năm 2009 làm tắc nghẽn đường xe lửa, phương tiện giao thông duy nhất nối liền với thành phố hậu cần Cusco.  Nếu là du khách đi tour thì không bị nạn này, vì họ khởi hành từ xa, từ thành phố Cusco, và trở về trong ngày. Nhưng như thế du khách theo tour không được ngắm mặt trời mọc lúc 5 giờ sáng và cảnh trời chiều trên đỉnh núi. Chỉ vì muốn ngắm cảnh đó mà tây balô phải tới ngôi làng nhỏ dưới chân núi từ chiều  hôm trước và trải qua 2 đêm dưới chân núi. Đó là một chọn lựa chấp nhận rủi ro. Nhưng thú vị. Một trường hợp ngủ đường khá lãng mạn là ngủ từ nhà ga ra tới bờ sông ở thành phố Venise. Vào mùa cao điểm, nhiều du khách không tìm được khách sạn ở thành phố Venise nhỏ bé, nên ngủ đường lúc đó lại là một trải nghiệm khó quên. Còn vài trường hợp ngủ đường, ngủ bụi nữa, nhưng đó là những chọn lựa của tây balô, một chọn lựa thú vị. Một trường hợp ngủ bụi khác rất thú vị là ngủ trên những cái võng mắc dưới vòm cây, trong những cái mùng hết sức đặc biệt chỉ ở rừng amazon mới có, để tránh muỗi nhiều “lền khên”. Nằm ngắm sao trời, hay ngắm trăng xuyên qua vòm cây, nghe chim kêu, vượn hú cùng với âm thanh của những con thú lạ quả không phải là một điều dễ có. Đôi khi tây balô chọn ngủ bụi vì muốn một trải nghiệm lạ. Tôi đã ngủ một đêm tại nhà ga Munich (hay Frankfur?) ở Germany chỉ vì muốn xem những con người và sinh hoạt qua đêm ở nhà ga đó ra làm sao. Tôi cũng đã từng ngủ bên lề đường tại một quốc gia nhỏ bé trong nước Nam Tư cũ. Và tôi đã được qua những kinh nghiệm lý thú. Đôi khi du khách bị bắt buộc chọn ngủ bụi như một giải pháp ít tệ nhất. Ví dụ khi bạn tới một phi trường vào quá khuya và sáng hôm sau phải check in chuyến bay mới rất sớm. Trong những lần ngủ như thế tại phi Buenos Aires ở Argentina hay phi trường Atlanta ở Hoa Kỳ tôi thoải mái lấy “đồ nghề” là miếng vải mỏng vừa trải vừa đắp, ngủ một giấc ngon lành. Khi tỉnh dậy thấy mấy người đồng cảnh đang vật vã với dáng ngồi ngủ gà ngủ gật khổ sở. Họ là những người “đàng hoàng”. Họ không phải tây balô. Điều quan trọng nên hiểu rằng, người tây balô cảm thấy hạnh phúc, thư thái, thanh thản, trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi chốn và mọi phút giây.

Cũng có  người quen bảo rằng họ không thể đội nắng gió nên không thể đi du lịch tây balô được. Ai bắt mình phải luôn luôn đội nắng gió? Nếu cần tây balô vẫn có thể bắt taxi đến nơi cần đến. Nhưng đa phần họ thích đi bộ vì chính đi bộ mang lại cho họ nhiều lạc thú. Trước tiên đó một phương cách thể dục mà trong đời sống thường nhật đa số người ở Hoa Kỳ muốn mà không có thì giờ để làm. Người Hoa Kỳ rất ham đi bộ để tập thể dục (excersise). Chương trình truyền hình của bà Oprah cũng nổi tiếng với phương pháp dậy người Hoa Kỳ đi bộ để người thon gọn. Thế thì tại sao trên đường du lịch, với rất nhiều, thì giờ mình lại ngại đi bộ? Nếu tự nghĩ lại, chắc nhiều người sẽ thấy buồn cười với chính mình.

Nhiều người cũng cho rằng du lịch tây balô ăn uống kham khổ. Thế nào là ăn uống kham khổ? Dĩ nhiên tiết kiệm tiền trong ăn uống hàng ngày cũng là mục đích của tây balô. Nhưng chính việc ăn uống như người địa phương, trong những nhà hàng truyền thống địa phương mới giúp tây balô hiểu được văn hóa ăn uống của nơi mình tới. Ai cũng nghĩ rằng giá sinh hoạt tại Nhật rất là đắt. Vào nhà hàng tại Nhật ít nhất cũng bị “chém” $20 đô la. Nhưng sau bữa ăn đầu tiên, tôi khám phá ra là ăn những món truyền thống Nhật trong những nhà hàng truyền thống Nhật mỗi bữa chỉ tốn có $7 đô la. Đó là giá cả bình thường trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật. Trong đời sống thường nhật có phải ngày nào người ta cũng đi nhà hàng và ngày nào người ta cũng thích ăn nhà hàng không (trừ ở Việt Nam)? Vậy thì đi du lịch cũng nên ăn uống bình thường như ở nhà, vừa giữ sức khoẻ, vừa không phí tiền. Tới Thailand, nếu muốn ăn canh chua Thailand (rất đắt tại Hoa Kỳ), mình có thể vào một nhà hàng có máy lạnh, sang trọng, gọi một tô canh chua Thailand và một, hai chén cơm trắng, gíá cả chỉ hơn $1 đô la. Vừa quá rẻ, vừa ngon miệng mà quá no. Dĩ nhiên tây balô cũng có thể ăn uống tại những nhà hàng sang trọng loại bậc nhất tại địa phương. Những năm trước, khi chưa bị bắt buộc ăn kiêng (diet), tới mỗi thành phố tôi đều vào thưởng thức ít nhất tại một trong các nhà hàng mà tôi cho là sang trọng tại địa phương. Để biết. Thường thì đó là nhà hàng trên cái tháp của thành phố (city tower). Giá cả tại những nhà hàng đó ở Âu châu cho tới cách nay 2 năm chỉ khoảng $50 đô la một bữa. Nhưng ăn uống như người địa phương vẫn là một điều thích thú, và rẻ.

Tại những hostels có phòng sinh hoạt (community room) cùng với bếp và mọi dụng cụ cho tây balô tự nấu nướng, thì nấu ăn cũng là một dịp quí báu trong ngày để giao tiếp với các tây balô khác. Rất thường khi các tây balô sau một ngày gặp gỡ họ qui tụ thành nhóm đi chơi chung với nhau và chiều về tạt vào siêu thị gần đó, mỗi người mua một thứ để nấu cơm chung với nhau. Đó là những dịp thú vị. Đâu phải cứ ngồi trong phòng ăn 5 sao có người phục vụ là hạnh phúc. Hạnh phúc có thể tới với ta ở mỗi phút giây, trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi chốn. Có điều là nên biết cách nắm bắt.

Ông Nhất Hạnh đã đưa ra hình ảnh phương thức uống trà mang lại hạnh phúc khá lý thú. Ông bảo rằng nhiều người uống trà vội vàng đưa ngay ly trà lên miệng và uống một hơi, cho “đã thèm”. Nhưng như thế là đã quên đi cái giai đoạn quan trọng đưa tay ra, nắm ly trà và đưa lên miệng. Cái giai đoạn sửa soạn ấm trà, ly trà, bộ đồ trà, cũng quan trọng không kém. Theo Nhất Hạnh, đa số người ta thường quên đi hiện tại, giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn đưa tay với ly trà, để tìm cái hạnh phúc ở tương lai, uống trà. Sống thiền mang lại cho ta niềm hạnh phúc ở mọi phút giây hiện tại. Tương tự như vậy, du lịch tây balô mang lại hạnh phúc không chỉ lúc lên đường, mà ngay từ lúc chuẩn bị, chọn lựa đi  đâu, thưởng thức những gì, đi bằng cách nào. Tất cả đều là giai đoạn mang lại cho người tây balô niềm hạnh phúc. Giai đoạn chuẩn bị cho một chuyến đi  tây balô từ một tháng trở lên đòi hỏi tôi ít nhất 2 tháng chuẩn bị. Với các tây balô khác thì tôi không biết. Trong hai tháng đó, rất nhiều ngày tôi chỉ nghĩ tới chuyến đi sắp tới, và tôi chìm đắm trong đó một cách thích thú. Tôi sống với những giây phút hiện thực đó.

Và một khi đã lên đường, thì đó là giai đoạn có nhiều lúc tây balô được sống thiền nhất. Hạnh phúc nhất. Đó là những lúc tây balô ở trạng thái “thiền hành”. Tôi chưa bao giờ trao đổi với các bạn đồng hành tây balô về ý niệm thiền hành. Nhưng sau khi phát hiện ra ông Nhất Hạnh cũng có trải nghiệm “thiền hành” như tôi, thì tôi nghĩ rằng chắc nhiều bạn đồng hành tây balô khác cũng có  trải nghiệm như vậy. Và tôi thật thích thú với chữ tiếng Anh ông Nhất Hạnh sử dụng: “Mindful walking”.

——————————————-

Ghi chú: Trích đoạn mindful walking của thiền sư Nhất Hạnh:

Oprah: Okay. We’ve been talking about mindfulness, and you’ve mentioned mindful walking. How does that work?

Nhat Hanh: As you walk, you touch the ground mindfully, and every step can bring you solidity and joy and freedom. Freedom from your regret concerning the past, and freedom from your fear about the future

18 Phản hồi cho “Tây ba lô và thiền”

  1. Tôi khoái ngài TNHạnh ở điểm ngài thuyết rất hay ngài lại khoái XHCN về VIỆT NAM ngài được đi tàu bay giấy sướng mê tơi , được các chức sắc quan chức chào đón, tung hoa hóet đủ cả. Thế rồi ngài quyên góp đem tiền về xây dựng tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc Lâm Đồng thời gian sau chánh quyền VIỆT NAM mới lộ mặt tịch thu và đuổi tăng nhơn của ngài ra khỏi Bát Nhã đệ tử của ngài lúc đầu lỳ o đi sau bị nhân dân “tự phát ” đánh cho thế là phải đi . Không biết ngài TNH có còn thích về VIỆT NAM đi tàu bay giấy nữa không

  2. nguyen van sac says:

    Ngộ “thiền “chẳng phải ở đâu xa,
    Quanh quanh,vốn cũng đã là nhà,
    tìm đâu cho xa ngoài tam giới.
    Quay lại ,hồi đầu chỉ sát na!

    ***
    Thiền đâu! lộn xộn đứng,đi,ngồi…
    Ba thời vốn chỉ một niệm thôi!
    Khái niệm “Thời,Không”,không phân biệt,
    Ấy là chân thật pháp môn rồi !
    Nhưng phải nhớ rằng chẳng “đảo điên”…
    Dù không một niệm (vô tâm) còn chưa được!!!
    Huống là còn vi tế quàng xiêng…
    Nên nhớ” ba thời bất khả đắc ”
    ***

  3. NGUYEN QUOC VIET says:

    chao anh TAM…rat vui sau khi doc bai viet cua anh, rat dong y voi nhung suy nghi, nhan xet cua anh vi tat ca moi nguoi trong gia dinh toi deu thuc hanh moi nam dieu nay ( vo toi la nguoi duc) . Cac con toi da di du lich rat nhieu noi tren the gioi va qua do chung hoc hoi, nhin thay duoc the gioi va con nguoi voi con mat doc lap . mot lan nua cam on Anh . than. nguyen quoc viet.(SAUERLAND).GERMANY.

  4. lotxac says:

    Đất nước ai gây nên thúi tha; nên nó sinh ra bọ hung để mai táng những THỨ HÔI THÚI còn sót lại ; nếu không có bọ hung thì MÙI HÔI sẽ gây Ô-NHIỄM bầu KHÔNG KHÍ của TRỜI ĐẤT dành cho CON NGƯỜI hít thở.
    Trong chiến tranh của Việt-Nam do Hồ chí Minh mang Cộng-Sản Nga (Mafia),và Tàu (dictator) vào tàn sát dân Việt. Sau chiến tranh Việt-Nam có những anh hùng không chịu khuất phục RỢ HỒ; nên không bỏ nước mà ở lại hy sinh: TT Nguyễn Khoa Nam; Trần văn Hai; 12 vị Tăng ni tự thiêu tại Cần Thơ; nhiều tu-sỉ hòa Hảo,và hàng giáo Phẩm Thiên-Chúa giáo như Linh-Mục Quang-Vinh tại nhà Thờ Vinh Sơn trên đường Trần Quốc Tỏan. ..đó là những vị anh hùng vì nước vì non đáng được TÔN VINH và kính phục đời này và đời sau.
    Nhưng đối ngược với Anh Hùng; thì những thằng KHÙNG (thù-Tây) lại xuất hiện vào VNCS để thành BỌ HUNG mai-táng để cho MÙI nước mắm Phan Thiết giảm bớt nồng độ cho người ta nhờ: bằng cách THIỀN HÀNH như TÂY BA LÔ thể hiện. Tại sao không ?
    CÁI GÌ CÓ NHÂN ẮT CÓ QUẢ MÀ> Đạo Phật là Đạo Phật; còn THIỀN TÂY là THIỀN TÂY; vì ĐẠO PHẬT,và ĐỨC PHẬT luôn luôn để cho con người lợi dụng. có đúng không ? các bạn ?

    • TrucTruong says:

      Đúng là như vậy! Phật và đạo Phật thì lluôn để cho ngườita lợidụng, còn ngườita, nhất là những con chiên thì lluôn để cho bọn buôn thánh bán thần lợidụng, và nhưthế thì mới có cuộcđời hiệndiện vĩnhhằng!!!

Leave a Reply to NGUYEN QUOC VIET