Vườn Ngôn sứ
The Garden of the Prophet
Tác giả: Kahlil Gibran. Nguyễn Ước chuyển ngữ
Lời người dịch: Trước khi qua đời vì bệnh ung thư (1931) Kahlil Gibran vẫn tiếp tục hoàn chỉnh bản thảo của The Garden of the Prophet (Vườn Ngôn sứ), được xuất bản hai năm sau (1933).
Trong The Prophet (1923), một tác phẩm được K. Gibran viết lại tới ba lần vào ba độ tuổi khác nhau, tác giả mô phỏng khung sườn của Thus Spoke Zarathustra của Nietzsche nhưng như chúng ta đã thấy, nội dung duy tâm, nhân bản và lạc quan của The Prophet hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche. Theo một số nhà nghiên cứu tôn giáo, có lẽ tư tưởng của K. Gibran chịu ảnh hưởng tổng hợp của Kitô giáo phương Đông, Hồi giáo và Đạo Bahá’i. Vườn Ngôn sứ là cuốn nối đuôi của The Prophet.
Có thể nói The Prophet, The Garden of the Prophet và The Earth Gods (Thần linh trần thế) làm thành một bộ ba tập. Nhiều nhà nghiên cứu triết học xem cả ba như một tổng thể của K. Gibran nhằm đưa ra một phác thảo về mối liên hệ ba chiều kích trong cuộc hiện sinh của con người. Có thể diễn tả theo thuật ngữ triết học, ba chiều kích đó là:
1. Mitwelt hay Mitdasein. Mối liên hệ giữa con người với con người trong bối cảnh sống với các vấn đề của con người và cũng là vấn đề con người (The Prophet);
2. Umwelt. Mối liên hệ giữa con người với vũ trụ nói chung và thiên nhiên nói riêng (The Garden of the Prophet);
3. Gotteswelt. Mối liên hệ giữa con người với Thượng đế, hay thần linh (The Earth Gods).
Trong The Garden of the Prophet mà chúng tôi hân hạnh chuyển ngữ cùng giới thiệu với bạn dưới đây, K. Gibran có lặp lại một số chủ đề trong The Prophet. Tuy nhiên, ở đây, chúng được trình bày có tính cách tâm truyền và tâm linh hơn, qua cách Ngôn sứ Almustafa nói với chín đệ tử sống chung với ông tại Vườn của song thân ông.
Bằng chiêm nghiệm và qua những phát biểu của một ngôn sứ hư cấu, K. Gibran đặt cái nhìn về con người giữa cái nhìn về thiên nhiên. Nhiều chỗ, đặc biệt cuối sách, ông đề cập tới sinh thái, xem thiên nhiên không phải là nguồn tài nguyên mà là mẹ, là chị, là ngôi nhà cho con người trần thế và là chốn trở về của con người tạ thế. Ông tâm linh hóa động thái tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi sinh, chống đối thái độ chuyên quyền của con người ngay cả đối với đất đá, sương khói, v.v. Và ông phát biểu không với nhãn quan của một nhà khoa học nhưng với ngôn từ của một nhà thơ tâm linh.
Từ lúc The Garden of the Prophet ra đời tới nay đã gần 80 năm, và K. Gibran không còn sống để thấy mối lo sợ của ông đang thành hiện thực. Hẳn giờ này, ở đâu đó thần khí của ông cũng đang xót xa vì thiên nhiên bị con người tàn phá tới cùng cực, đặc biệt rừng rú, các dòng sông và không khí, v.v. Và thái độ vô đạo với thiên nhiên như thế trở thành những hành động bất nhân với chính bản thân, vì rõ ràng con người ngày nay hầu như không còn dám nghĩ tới thiên nhiên như một tổ ấm cho mình và hậu duệ.
——————————————-
Toàn văn:
Vườn Ngôn sứ
Almustafa, kẻ được chọn và là kẻ được yêu thương, người đang trong buổi trưa giữa những ngày đời của mình, trở về hòn đảo nhỏ nơi chôn nhau cắt rốn vào tháng Tichreen, cũng là tháng tưởng nhớ.
Khi con tàu tiến vào cảng, ông đứng trên mũi tàu cùng các thủy thủ có mặt chung quanh. Và lòng ông rộn ràng cảm giác đã thật sự trở lại mái nhà xưa.
Bằng giọng nói đượm mùi biển cả, ông cất tiếng rằng:
“Nhìn kìa, hòn đảo nhỏ chốn sinh thành của chúng ta. Ngay cả ở đây, đất cũng kéo chúng ta nhấp nhô lên cao rồi xuống thấp, như một bài ca và một niềm bí ẩn; bài ca cho trời cao và niềm bí ẩn cho đất thấp; và cái gì ở giữa trời cao với đất thấp sẽ mang đi bài ca và lời giải nếu không phải là đam mê của chúng ta?
“Đại dương thêm lần nữa mang chúng ta tới các bến bờ này. Chúng ta chỉ vỏn vẹn là con sóng khác trong vô vàn con sóng của mẹ biển. Bà sai phái chúng ta đi để phát thành tiếng lời nói của bà, nhưng làm sao thực hiện được sứ vụ đó nếu chúng ta không đập cho vỡ cặp đối xứng đá và cát trong lòng mình?
“Vì thủy thủ và đại dương có chung một qui luật rằng: Nếu muốn tự do, ngươi nhất thiết phải biến thành sương mù. Phi hình phi dạng là hình dạng đang mãi mãi tìm kiếm, y như vô số tinh vân sẽ hóa thành những mặt trời và mặt trăng; chúng ta, những kẻ đã tìm kiếm rất nhiều và giờ đây quay về đảo nhỏ, chúng ta là những chiếc khuôn cứng nhắc, phải thêm lần nữa biến thành sương mù và học hỏi về một bắt đầu. Và chỉ có cái bị đập vỡ thành đam mê và tự do mới sống và vươn lên hết các chiều cao của nó.
“Có phải chúng ta sẽ mãi mãi trong cuộc truy tầm các bến bờ để có thể hát lên và được nghe. Nhưng còn về con sóng vỗ vào nơi không có tai nghe thì sao? Chính kẻ không được nghe ở bên trong chúng ta đang nuôi dưỡng phiền muộn rất sâu xa của chúng ta. Thế nhưng cũng chính kẻ không được nghe ấy đang tạc linh hồn chúng ta thành hình dạng và làm nên định mệnh của chúng ta.”
Lúc đó, một thủy thủy bước ra và nói:
“Thưa thầy, thầy là kẻ dẫn đầu niềm khao khát bến cảng này của chúng tôi, và nhìn kìa, chúng ta đã tới. Thế nhưng thầy lại nói tới phiền muộn và tới tâm hồn sẽ bị đập cho vỡ ra.”
Ông trả lời người ấy rằng:
“Chẳng phải tôi đã nói tới tự do và tới sương mù vốn là tự do lớn lao hơn của chúng ta sao? Thế nhưng, chính trong đau đớn tôi làm cuộc hành hương tới đảo nhỏ nơi mình chào đời này, thậm chí y hệt hồn ma của người bị giết tới quì xuống trước mặt những kẻ đã giết mình.”
Và một thủy thủ khác nói:
“Nhìn kìa, có vô số dân chúng trên mặt đê ngăn nước biển. Họ đã được âm thầm báo trước giờ thầy đến; từ đồng ruộng cùng vườn nho và trong tình trạng thiếu thốn tình thương, họ tụ tập về đây ngóng đợi thầy.”
Almustafa đăm đăm nhìn các đám đông đứng đằng xa, tâm tư ông máy động với cơn khát khao của họ, và ông im lặng.
Thế rồi từ trong đám đông dân chúng vang lên tiếng thét, một tiếng thét tưởng nhớ và khẩn nài.
Almustafa liền nhìn các thủy thủ và nói:
“Tôi mang tới cho họ cái gì đây? Tôi là kẻ đi săn nơi miền đất xa xăm. Với mục tiêu và sức mạnh của mình, tôi đã dùng hết những mũi tên vàng họ trao mà không đem về điểm số chung cuộc nào. Tôi đã không đi theo mũi tên. Có lẽ lúc này chúng đang phơi mình trong nắng với những cánh chim của lũ đại bàng bị thương nhưng không rơi xuống đất. Và có lẽ các đầu mũi tên bằng vàng ấy rơi vào tay những kẻ cần tới để đổi lấy bánh và rượu.
“Tôi không biết chúng đã bay qua những đâu nhưng tôi biết rõ một điều, rằng chúng đang vạch đường cong trên bầu trời.
“Dẫu vậy bàn tay của tình yêu vẫn ở trên tôi, và các bạn, các thủy thủ của tôi, vẫn dong buồm thịï kiến của tôi và tôi sẽ không bị điếc. Tôi sẽ kêu lên thật lớn khi bàn tay các mùa đặt lên cổ họng tôi, và tôi sẽ hát lên những lời của mình khi các ngọn lửa làm rực cháy đôi môi tôi.”
Những lời nói ấy của ông khiến các thủy thủ cảm thấy lòng rối rắm bất an. Và một người nói:
“Thưa thầy, xin hãy dạy cho hết thảy chúng tôi; có lẽ vì máu của thầy đang chảy trong huyết quản của chúng tôi và hơi thở của chúng tôi thấm đượm hương thơm của thầy nên chúng tôi sẽ hiểu.”
Với tiếng gió trong giọng nói của mình khi đáp lại họ, ông nói:
“Có phải các bạn mang tôi tới đảo nhỏ sinh thành này để làm một tôn sư? Tôi chưa bị minh triết giam hãm trong lồng. Tôi cũng quá trẻ trung và quá thơ ngây để nói tới điều gì khác ngoài bản ngã, cái mãi mãi là một chiều sâu đang kêu gọi một chiều sâu.
“Hãy để kẻ muốn có minh triết tìm kiếm nó trong cây mao lương hoa vàng hay một nhúm đất sét đỏ. Tôi vẫn là người ca hát. Tôi sẽ hát bài ca trần thế và tôi sẽ hát những giấc mộng lạc loài của các bạn, đang đi suốt ngày giữa giấc ngủ này tới giấc ngủ kia. Nhưng tôi sẽ vẫn để mắt đăm đăm nhìn biển cả.”
Và giờ đây con tàu đã vào cảng, tới con đê ngăn nước biển. Như vậy, Almustafa đã tới đảo nhỏ nơi ông chào đời, và thêm lần nữa đứng giữa dân chúng của mình. Từ trái tim họ vang lên tiếng kêu thật lớn khiến cho nỗi quạnh hiu của chuyến qui cố hương rúng động bên trong ông.
Họ im lặng ngóng đợi lời ông nhưng ông không đáp ứng vì lòng trỉu nặng ký ức u buồn. Ông thầm nói trong lòng:
“Có phải mình đã nói rằng mình sẽ hát? Không phải, mình chỉ có thể hé môi cho tiếng nói của cuộc đời có khả năng dấy lên và thoát ra theo gió để hân hoan và hỗ trợ.”
Kế đó Karima, người nữ từng nô đùa với ông lúc thơ ấu trong Vườn của mẹ ông, cất tiếng nói:
“Mười hai năm khuôn mặt của thầy đã xa khuất đôi mắt chúng tôi, và suốt mười hai năm ấy, chúng tôi khao khát tiếng nói của thầy.”
Rất đổi dịu dàng ông nhìn người nữ ấy vì chính Karima là kẻ đã vuốt mắt cho mẹ ông khi đôi cánh của thần chết cuốn lấy bà.
Ông đáp lại rằng:
“Mười hai năm ư, hỡi Karima? Vì không đo lường khát vọng của mình với cây sào đầy ngấn sao nên tôi không nghe ra chiều sâu của nó. Vì khi tình yêu là nỗi nhớ quê nhà, nó làm cạn kiệt những đo lường thời gian và những tiếng gõ của thời gian.
“Có những khoảnh khắc chứa đựng hàng niên kỷ cách biệt. Tuy xa cách chẳng là gì cả, chỉ là sự kiệt quệ tâm trí. Có lẽ chúng ta chưa từng chia tay.”
Và Almustafa ngắm nhìn dân chúng, ông thấy hết mọi người. Người tuổi trẻ và người cao niên, người to lớn và người nhỏ bé, kẻ hồng hào với nắng gió chạm vào, và kẻ vẻ mặt xanh xao. Trên mặt họ đều lấp lánh ánh sáng của khát khao và tra vấn.
Một người cất tiếng nói:
“Thưa thầy, cuộc đời đối xử đắng cay với những hy vọng và những khát vọng của chúng tôi. Tâm hồn chúng tôi phiền muộn rối ren và chúng tôi không hiểu nổi. Tôi khẩn nguyện thầy, xin hãy an ủi chúng tôi, mở ra cho chúng tôi thấy ý nghĩa các khổ sở của mình.”
Và trái tim xúc động với lòng từ bi, ông nói:
“Cuộc đời thì cao niên hơn mọi cái đang sống; y như cái đẹp được chắp cánh trước khi vẻ đẹp ra đời trên trần thế, và y như chân lý trước khi nó được nói thành lời.
“Cuộc đời ca hát trong lớp lớp thinh lặng của chúng ta và mộng mơ khi chúng ta say ngủ. Thậm chí khi chúng ta bị bầm dập tả tơi sa xuống thấp, Cuộc đời vẫn được tấn phong lên ngai cao vời vợi. Và khi chúng ta sụt sùi, Cuộc đời vẫn mỉm cười suốt ngày, và nó vẫn tự do cả những khi chúng ta kéo lê xiềng xích.
“Chúng ta rất thường gọi Cuộc đời bằng các tên gọi đắng cay nhưng chỉ những khi chúng ta lâm cảnh đắng cay và đen tối. Chúng ta cho rằng Cuộc đời trống rỗng và vô vị nhưng chỉ những khi linh hồn lang thang chốn quạnh quẽ và tâm hồn say sưa sự lưu tâm quá đáng tới bản ngã của mình.
“Cuộc đời sâu thẳm, cao vời và xa xăm; và dù chỉ có thị kiến mênh mông của các bạn mới có thể với tới bàn chân của nó nhưng nó lại rất gần gủi; và dù chỉ có hơi thở của hơi thở các bạn với tới trái tim nó, chiếc bóng của chiếc bóng các bạn lướt qua khuôn mặt nó, và vọng âm của tiếng kêu yếu ớt nhất của các bạn trở thành mùa xuân và mùa thu trên lồng ngực nó.
“Cuộc đời vừa được vén lộ vừa bị ẩn giấu, y như bản ngã lớn lao của các bạn bị ẩn giấu và được vén lộ. Nhưng khi Cuộc đời cất tiếng, hết thảy gió bốn phương đều biến thành lời, và khi nó cất tiếng thêm lần nữa, trọn nụ cười trên môi các bạn và mọi giọt lệ trong mắt các bạn đều biến thành lời. Khi Cuộc đời hát, người điếc nghe ra và bị lôi cuốn; và khi Cuộc đời bước chân đi tới, người mù nhìn thấy và thú vị háo hức đi theo nó trong thắc mắc kinh ngạc.”
Và Almustafa ngừng nói, im lặng mênh mông bao phủ dân chúng. Trong im lặng ấy có một bài ca vô thanh, và mọi người cảm thấy khuây khỏa nỗi cô đơn cùng niềm đau khổ.
Và ông rời đám đông, cất chân đi thẳng theo con đường mòn dẫn tới Vườn của mình, nơi từng là Vườn của song thân, ở đó cha mẹ ông được đặt nằm an nghỉ với tổ tiên.
Nhiều người muốn đi theo ông vì thấy đây là chuyến trở về mái nhà xưa và ông hoàn toàn quạnh quẽ vì ở đó không còn thân nhân nào để bày tiệc nghênh đón theo đúng phong cách của dân tộc.
Nhưng thuyền trưởng khuyên họ rằng:
“Cứ để ông sầu khổ đi trên lối đi của mình. Vì bánh của ông là bánh cô liêu và trong ly của ông là rượu tưởng nhớ mà ông sẽ uống một mình.”
Các thủy thủ cũng kềm bước chân mình vì trước đó, họ đã hiểu việc ấy ngay khi thuyền trưởng bảo cho họ biết. Và tất cả dân chúng đang tập họp trên đê ngăn nước biển đều kềm bước chân khát khao của họ lại.
Chỉ có Karima đi theo ông, cách một quãng ngắn đằng sau, lòng cảm thương cho nỗi cô quạnh cùng tầng tầng ký ức của ông. Rồi không nói một lời, bà quay bước đi về nơi mình ở. Trong vườn nhà, dưới gốc cây hạnh đào, bà bật khóc nức nở tuy chẳng biết tại sao mình lại khóc.
Almustafa đi tới và thấy Vườn của cha mẹ mình. Ông bước vào, khép cổng lại để không ai có thể theo vào.
Kế đó, suốt bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, ông ở một mình trong nhà và trong Vườn. Không người nào tới, thậm chí chẳng ai lai vãng bên ngoài vì cổng đóng. Và hết thảy dân chúng đều biết rằng ông muốn cô đơn.
Khi bốn mươi ngày cùng bốn mươi đêm ấy chấm dứt, Almustafa mở cổng để người ta có thể đi vào.
Và có chín người đến ở với ông trong Vườn; ba thủy thủ của con tàu ông; ba người từng là bạn bè cùng nô đùa với ông khi tất cả còn thơ ấu. Và họ đều là đệ tử của ông.
Vào buổi sáng, các đệ tử ngồi chung quanh ông; trong đôi mắt ông có những chốn xa xăm và những hồi tưởng. Và một đệ tử có tên là Hafiz nói với ông:
“Thưa thầy, hãy kể cho chúng tôi về thành Orphalese và về vùng đất ấy, nơi đã khiến cho thầy nấn ná tới mười hai năm.”
Almustafa im lặng, đưa mắt nhìn tới các ngọn đồi cùng thinh không mênh mông. và trong im lặng ấy, có một cuộc xung đột.
Kế đó ông nói:
“Hỡi các bạn và là người đồng hành của tôi, thương thay cho một đất nước tràn đầy đức tin nhưng trống rỗng về tôn giáo.
“Thương thay cho một dân tộc mặc quần áo nó không dệt, ăn chiếc bánh nó không gặt hái và uống loại rượu không chảy ra từ máy ép rượu của chính nó.
“Thương thay cho một dân tộc tán dương kẻ dùng vũ lực là anh hùng và cho rằng kẻ xâm chiếm đang lẫy lừng là hào phóng.
“Thương thay cho một dân tộc chỉ cất cao giọng nói khi đi đưa đám ma, chỉ kiêu hãnh khi chiếc cổ của nó bị đặt giữa thanh gươm và cái thớt.
“Thương thay cho một dân tộc mà chính khách của nó là chồn cáo, triết gia của nó là kẻ diễn trò tung hứng và nghệ thuật của nó là nghệ thuật chắp vá và mô phỏng.
“Thương thay cho một dân tộc nghênh đón kẻ cai trị mới của nó với điệu kèn tiếng trống rồi tiễn đưa hắn với tiếng húyt sáo chế giễu, chỉ để lại nghênh đón kẻ khác với tiếng trống điệu kèn.
“Thương thay cho một dân tộc mà các hiền giả của nó bị điếc hết năm này qua năm khác và những người mạnh mẽ của nó chỉ đang ở trong nôi.
“Thương thay cho một dân tộc bị chia thành từng mảnh, mỗi mảnh xem mình là một quốc gia.”
Kế đó, một người thưa:
“Hãy nói cho chúng tôi về cái ngay lúc này đang chuyển động trong lòng thầy.”
Almustafa nhìn kẻ đó chằm chặp, rồi với giọng ẩn chứa âm thanh như một ngôi sao đang hát, ông nói:
“Trong giấc mộng tỉnh táo của các bạn, khi các bạn bị làm cho nín lặng và đang lắng nghe bản ngã rất sâu xa, thì các ý nghĩ của mình, giống như những bông tuyết, rơi giập giờn và phủ lên mọi âm thanh của không gian với một sự thinh lặng trắng xóa.
“Và giấc mộng tỉnh táo là gì nếu không là mây nảy lộc và ra hoa trên cây cao ngất trời trong lòng các bạn? Và ý nghĩ của các bạn là gì nếu không phải là những cánh hoa được gió của tâm hồn các bạn tung vãi lên các ngọn đồi và các cánh đồng của nó?
“Và y như các bạn chờ đợi sự bình an cho tới khi cái phi hình phi dạng trong các bạn làm thành hình dạng, mây cũng sẽ tụ lại và lơ lửng như thế cho tới khi các Ngón tay Đầy Ân phúc tạo hình những khát vọng mờ xám của nó thành những mặt trời, những mặt trăng, và những ngôi sao pha lê.”
Kế đó, Sarkis, kẻ nửa tin nửa ngờ thưa rằng:
“Nhưng rồi mùa xuân sẽ đến, hết thảy tuyết của giấc mộng và ý nghĩ của chúng ta sẽ tan, chẳng còn gì tồn tại.”
Và ông đáp lại rằng:
“Khi mùa xuân đến tìm Người yêu dấu của nó giữa các lùm cây và các vườn nho đang ngủ say, quả thật tuyết sẽ tan và sẽ chảy thành những con nước để tìm dòng sông trong thung lũng, làm kẻ châm đầy ly cho cây hoa mia và cây nguyệt quế.
“Tuyết trong lòng các bạn cũng sẽ tan như thế khi mùa xuân đến, và bí mật của các bạn cũng sẽ chảy thành những con nước để tìm dòng sông cuộc đời trong thung lũng, và dòng sông ấy sẽ cuốn lấy bí mật của các bạn, mang ra biển.
“Khi mùa xuân đến, mọi vật sẽ tan chảy và biến thành khúc ca. Thậm chí các ngôi sao, các bông tuyết thênh thang đang rơi chầm chậm trên những cánh đồng bao la cũng sẽ tan chảy thành những con nước hát ca. Khi mặt trời của dung nhan Ngài mọc lên trên chân trời bát ngát, lúc đó cặp đối xứng đang đông lạnh nào sẽ biến thành giai điệu du dương? Và ai trong các bạn chẳng muốn mình là kẻ châm nước đầy ly cho cây hoa mia và cây nguyệt quế?
“Chỉ mới hôm qua các bạn còn xê dịch với biển khơi chuyển động, không bờ bến cũng như không bản ngã. Thế rồi gió, hơi thở của Cuộc đời, dệt cho các bạn chiếc mạng làm bằng ánh sáng trên khuôn mặt Cuộc đời; rồi bàn tay Cuộc đời gom các bạn lại và cho các bạn hình dạng, và với chiếc đầu được nâng lên, các bạn tìm kiếm những đỉnh cao. Nhưng biển đi theo các bạn, và bài ca của biển vẫn ở bên trong các bạn. Dù các bạn đã quên quan hệ phụ mẫu với biển, biển sẽ mãi mãi xác định tình mẹ con và sẽ mãi mãi gọi các bạn tới với nó.
“Nếu đi lang thang giữa núi non hay sa mạc, các bạn sẽ luôn luôn nhớ tới chiều sâu của tâm hồn biển dịu mát. Và dù các bạn thường không biết mình khao khát cái gì nhưng thật ra cái đó là sự yên lành mênh mông và đầy nhạc điệu của biển.
“Và làm sao có thể khác? Trong bụi lùm và trong nhà nghỉ mát nơi khu rừng nhỏ, khi mưa nhảy múa trên lá cây giữa ngọn đồi và khi tuyết rơi, đó là ân phúc và giao ước. Trong thung lũng, khi các bạn dẫn đàn súc vật ra dòng sông, trong cánh đồng nơi các con nước như những dòng suối lấp lánh bạc, cùng nhau kết hiệp với y trang xanh thẳm; trong các khu vườn khi những hạt sương sớm mai soi bóng các tầng trời; trong đồng cỏ khi khi sương chiều như chiếc mạng che mơ hồ lối đi; trong tất cả những cái đó, biển ở với các bạn, làm chứng cho di sản các bạn kế thừa và đòi tình yêu của các bạn.
“Chính bông tuyết trong các bạn đang chạy xuống biển.”
Vào một buổi sáng, khi họ đi dạo trong Vườn, xuất hiện trước cổng một phụ nữ và đó là Karima, kẻ thời thơ ấu được Almustafa thương yêu như một người em gái. Bà đứng lặng yên, chẳng hỏi han cũng chẳng đưa tay lên gõ cổng, chỉ nhìn vào Vườn với anh mắt đăm đăm, khát khao và buồn bã.
Thấy khát vọng trên mi mắt bà, Almustafa bước lẹ làng tới vòng tường hai bên cổng và mở ra cho bà. Karima đi vào và được mọi người nghênh đón.
Rồi bà cất tiếng nói rằng:
“Lý do nào khiến thầy tự ý rút lui hoàn toàn làm cho tất cả chúng tôi không thể sống trong ánh sáng của khuôn mặt thầy? Vì, nhìn kìa, đã nhiều năm nay chúng tôi yêu thương thầy và trông ngóng thầy bình yên quay về. Giờ đây, dân chúng kêu lên đòi hỏi tiếng nói của thầy và muốn được nghe thầy thuyết giảng. Em là sứ giả của họ, tới đây cầu khẩn thầy phô mình ra cho dân chúng và nói với họ những lời xuất từ sự khôn ngoan của thầy, để làm khuây khỏa kẻ con tim rạn vỡ và kẻ khờ dại.”
Ngước mắt nhìn vào khuôn mặt bà, ông nói:
“Cô em ạ, đừng gọi tôi là kẻ khôn ngoan nếu cô không gọi hết thảy mọi người là kẻ khôn ngoan. Tôi là quả xanh còn bám lấy cành, và mới hôm qua, tôi chỉ là nụ hoa.
“Và đừng gọi ai ở giữa các bạn là kẻ khờ dại vì thật ra chúng ta không phải kẻ khôn ngoan cũng chẳng phải kẻ khờ dại. Chúng ta đều là những chiếc lá xanh trên cây đời, và cuộc đời tự nó ở quá bên kia khôn ngoan hoặc minh triết, và chắc chắn nó ở quá bên kia sự khờ dại.
“Phải chăng tôi thật sự rút lui khỏi các bạn? Phải chăng cô không biết rằng chẳng có khoảng cách nào ngoại trừ cái mà linh hồn không băng qua bằng tưởng tượng? Và khi linh hồn băng qua khoảng cách đó, nó biến thành một điệu nhạc trong linh hồn.
“Không gian nằm giữa các bạn và người bên cạnh các bạn, kẻ tuy rất gần nhưng không thân thiện, thật ra rộng lớn hơn không gian giữa các bạn và người yêu dấu của mình đang ở bên kia bảy miền đất và bảy đại dương.
“Vì trong tưởng nhớ thì không có khoảng cách; chỉ trong lãng quên mới có vực thẳm ngăn cách tới độ ngay cả tiếng nói lẫn ánh mắt của các bạn cũng không thể rút ngắn.
“Giữa các bờ đại dương và đỉnh núi cao nhất có một con đường bí mật các bạn nhất thiết phải đi qua trước khi trở nên một với những đứa con của đất.
“Giữa nhận biết và hiểu biết của các bạn có một lối đi bí mật các bạn nhất thiết phải khám phá trước khi nên một với loài người, và vì thế nên một với bản thân.
“Giữa bàn tay phải để cho và bàn tay trái để nhận, có một khoảng cách lớn lao. Chỉ bằng cách cho rằng cả hai bàn tay đều vừa cho vừa nhận, các bạn mới có thể đem chúng vào cõi phi không gian, vì chỉ khi hiểu ra rằng mình không có gì cho và cũng chẳng có gì nhận, các bạn mới có thể khắc phục không gian.
“Quả thật khoảng cách mênh mông nhất nằm giữa thị kiến khi ngủ và sự hoàn toàn tỉnh thức của các bạn, và giữa cái là hành động và cái là khát vọng.
“Vẫn còn có một con đường khác nhất thiết các bạn phải đi qua trước khi nên một với Cuộc đời. Nhưng lúc này tôi sẽ không nói tới con đường đó, vì thấy ngang đây các bạn đã thấm mệt về việc du hành.”
Rồi cùng với Karima, ông và chín đệ tử đi ra chợ. Ở đó, ông phát biểu với dân chúng, các bằng hữu, những người láng giềng, và có nỗi hân hoan trong lòng họ và trên mi mắt họ.
Và ông nói:
“Các bạn khôn lớn trong khi ngủ và sống cuộc đời đầy đủ hơn trong khi mộng. Vì trọn ban ngày được dùng để cảm tạ về những gì mình đã nhận trong thanh vắng ban đêm.
“Các bạn thường nói tới đêm như một thời cơ để nghỉ ngơi nhưng thật ra đêm là thời cơ để tìm kiếm và khám phá.
“Ban ngày cho các bạn sức mạnh của nhận thức và dạy cho các ngón tay trở nên thành thạo hơn trong nghệ thuật tiếp nhận; nhưng chính ban đêm mới dẫn các bạn tới nhà kho tàng trữ châu báu của Cuộc đời.
“Mặt trời dạy cho mọi vật gia tăng khát vọng ánh sáng nhưng chính đêm mới nâng chúng lên tới các ngôi sao. Quả thật sự tĩnh mịch của đêm dệt chiếc mạng tân hôn lên mọi cây cối trong rừng, lên các đóa hoa trong vườn, và rồi bày ra bữa tiệc dư dật, dọn sẵn phòng hoa chúc; và giữa thinh lặng thiêng liêng ấy, ngày mai được thụ thai trong cung lòng của Thời gian.
“Đêm ở với các bạn như thế, và như thế, trong khi tìm kiếm, các bạn thấy được thức ăn thức uống cùng sự no đầy. Dù tới lúc trời rạng sáng, việc thức dậy của các bạn xóa sạch ký ức ấy nhưng bàn ăn của các giấc mộng vẫn được bày ra mãi mãi và phòng hoa chúc vẫn đang chờ đợi.”
Ông im lặng bước đi một quãng, và dân chúng đi theo, ngóng từng lời ông nói. Rồi ông lại cất tiếng rằng:
“Các bạn là thần linh dù các bạn chuyển động trong thân xác; giống như dầu được thắp trong tối đen, các bạn là ngọn lửa dù bị giữ trong cây đèn.
“Nếu các bạn chỉ đơn thuần là thân xác thì việc tôi đang đứng trước các bạn và đang nói với các bạn hoàn toàn là hư không, y hệt kẻ chết đang gọi kẻ chết. Nhưng sự thật không phải như thế. Toàn bộ cái bất tử bên trong các bạn được tự do suốt ngày suốt đêm, nó không thể bị ở mãi một chỗ cũng không thể bị câu thúc, vì đó là ý muốn của Đấng Tối cao. Các bạn là hơi thở của Ngài, giống như gió không bị túm bắt hoặc giam nhốt vào lồng. Và tôi cũng là hơi thở của hơi thở Ngài.”
Nói xong, ông đi rất nhanh ra khỏi đám đông dân chúng, và về lại Vườn của mình.
Sarkis, kẻ nửa tin nửa ngờ, thêm lần nữa lên tiếng nói:
“Thưa thầy, còn về sự xấu xa thì sao? Thầy không bao giờ nói tới cái xấu xa.”
Almustafa trả lời đệ tử ấy với ngọn roi trong giọng của mình. Ông nói:
“Bạn của tôi ơi, kẻ nào sẽ gọi bạn là không hiếu khách nếu hắn đi ngang nhà bạn nhưng chẳng muốn gõ cửa?
“Và kẻ nào cho là bạn điếc và không lưu tâm nếu hắn nói với bạn bằng giọng lưỡi lạ lùng về điều mà bạn chẳng chút nào hiểu biết?
“Phải chăng bạn không bao giờ cố sức để đi tới, để bước vào tâm hồn của kẻ mà bạn chẳng bao giờ thèm vào vì cho rằng xấu xa?
“Nếu có cái xấu xa thì thật ra nó không là gì cả mà chỉ là bàn cân trong đôi mắt bạn và sáp trét kín hai tai bạn.
“Bạn của tôi ơi, đừng gọi cái gì là xấu xa, ngoài trừ sự sợ hãi của linh hồn khi có mặt các ký ức của chính nó.”
Và vào ngày nọ khi họ ngồi dưới những chiếc bóng trải dài của hàng cây bạch dương, một người phát biểu rằng:
“Thưa thầy, tôi sợ hãi thời gian. Thời gian đi qua chúng ta, cướp mất tuổi xuân nhưng bù lại, nó cho chúng ta cái gì?”
Ông trả lời rằng:
“Lúc này, hãy bốc một nắm đất. Các bạn có thấy trong đó một hạt mầm, hay có thể một con sâu? Nếu bàn tay của các bạn đủ rộng và đủ sức chịu đựng, hạt mầm ấy sẽ trở thành một khu rừng và con sâu ấy trở thành một đàn thiên thần. Và đừng quên rằng năm tiếp liền năm sẽ biến các hạt mầm thành các khu rừng và các con sâu thành các thiên thần, tùy thuộc vào cái Lúc này, tất cả những năm âáy, chính là cái Lúc này đây.
“Và các mùa quanh năm là gì nếu không là ý nghĩ của các bạn đang biến đổi? Mùa xuân là sự thức dậy trong lồng ngực các bạn và mùa hạ chỉ là sự công nhận thành quả của các bạn. Chẳng phải mùa thu là người già trong lòng các bạn đang hát bài ru con cho cái vẫn còn là đứa bé trong hữu thể các bạn? Và tôi hỏi các bạn mùa đông là gì nếu chẳng là giấc ngủ dài với những giấc mộng về các mùa kia?”
Rồi Mannus, một đệ tử có tính tò mò, nhìn chung quanh thấy có mấy cây leo trong thời kỳ ra hoa đang bám vào cây sung. Và anh nói:
“Thưa thầy, thầy nhìn các cây ký sinh kia. Thầy nói ra sao về chúng? Chúng là kẻ trộm với hai hàng mi mệt nhoài đang đánh cắp ánh sáng của những đứa con vững mạnh của nắng để làm cho nhựa tốt tươi chảy sang cành lá của chúng.”
Ông trả lời anh rằng:
“Bạn ạ, chúng ta đều là kẻ ăn bám. Chúng ta, những kẻ cần lao để biến lớp đất trên mặt địa cầu thành sự sống đang đập nhịp, chúng ta không ở bên trên những kẻ trực tiếp nhận sự sống từ lớp đất ấy mà không biết tới đất.
“Liệu người mẹ có sẽ nói với con mình rằng: ‘Ta trả con lại rừng sâu vốn là bà mẹ vĩ đại hơn của con vì con làm mệt nhoài cả trái tim lẫn bàn tay của ta’?
“Hay liệu một ca sĩ có sẽ quở trách bài hát của chính mình rằng: ‘Ngay lúc này, hãy quay về cái hang của những âm vang nơi ngươi từ đó mà đến vì tiếng của ngươi tiêu dùng hơi thở của ta’?
“Và liệu kẻ chăn bầy có sẽ nói với con vật vừa tròn năm rằng: ‘Ta không có đồng cỏ để có thể dẫn ngươi ra đó, vì thế ngươi hãy chịu cắt cổ để trở thành lễ vật cho nguyên cớ ấy’?
“Không, bạn của tôi ơi, mọi sự ấy đều đã có câu trả lời, cả trước khi chúng được đặt ra, giống như những giấc mộng của các bạn đã được hoàn thành trước khi các bạn ngủ.
“Chúng ta sống dựa vào nhau theo một qui luật đã có từ thời cổ sơ và phi thời gian. Chúng ta hãy cứ sống như thế trong tử tế và yêu thương. Chúng ta tìm kiếm nhau trong nỗi cô đơn của mình và chúng ta đi trên đường khi không có tổ ấm gia đình ngồi bên cạnh.
“Hỡi các bạn hữu và người anh em của tôi, con đường thênh thang là bạn đồng hành của các bạn.
“Các cây này, đang sống dựa vào cây khác, rút sữa của đất trong tĩnh mịch ban đêm, và đất trong trầm lặng đang mơ thấy mình bú mút trên ngực của mặt trời.
“Và mặt trời, cũng y hệt bạn và tôi cùng mọi người có mặt ở đây, ngồi trong danh dự đồng đều nơi bàn tiệc của Đấng Quân vương có cửa dinh luôn luôn rộng mở và bàn tiệc luôn luôn bày biện sẵn.
“Mannus bạn của tôi ạ, mọi cái hiện hữu đều dựa vào mọi cái hiện hữu; và mọi cái hiện hữu đều sống trong đức tin vô bờ bến vào sự hào phóng của Đấng Tối cao.”
Và vào một buổi sáng khi bầu trời còn nhá nhem với trời vừa rạng, họ cùng nhau đi dạo trong Vườn, nhìn ngắm phương Đông và thinh lặng trong sự hiện diện của mặt trời đang mọc.
Một lát sau, Almustafa đưa tay lên chỉ và nói:
“Hình ảnh của mặt trời sớm mai trong hạt sương thì không ít hơn mặt trời. Phản ánh của cuộc đời trong linh hồn các bạn thì không ít hơn cuộc đời.
“Hạt sương soi bóng ánh sáng vì nó luôn luôn làm một với ánh sáng, và các bạn phản chiếu cuộc đời vì các bạn và cuộc đời là một.
“Khi bóng tối ngự trên các bạn và nói: ‘Bóng tối này là bình minh chưa ra đời; và dù cơn đau lâm bồn của đêm đang phủ kín tôi nhưng bình minh sẽ được sinh ra cho tôi cùng một lúc cho các ngọn đồi.’
“Hạt sương làm tròn trịa tinh cầu của nó trong bóng tối của hoa huệ chẳng phải không giống với bản thân các bạn đang gom tụ linh hồn mình trong lòng Thượng đế.
“Liệu hạt sương có sẽ nói: ‘Nhưng tôi là hạt sương ngàn năm mới có một lần.’ Các bạn hãy lên tiếng trả lời nó, ‘Ngươi không biết rằng ánh sáng của tất cả những năm ấy đang chiếu rực rỡ trong hình tròn của ngươi sao?’”
Và vào buổi tối nọ, một cơn bão lớn ghé qua chốn đó, Almustalfa và đệ tử, cả chín người, vào nhà, cùng ngồi quanh lò sưỡi, yên lặng.
Rồi một trong các đệ tử nói:
“Thưa thầy, tôi cô đơn, vó ngựa thời gian gõ rất mạnh trên lồng ngực tôi.”
Alustalfa đứng lên và bước ra chính giữa họ. Ông nói với giọng nghe như chất chứa một cơn gió rất lớn:
“Cô đơn! Thì đã sao? Các bạn đến trong cô đơn và các bạn sẽ một mình tan loảng vào sương mù.
“Vì vậy hãy uống chén cô đơn của mình trong lặng lẽ. Ngày mùa thu cho những đôi môi khác những chén khác và đong đầy chúng với rượu đắng cay và ngọt ngào, y hệt chúng đang rót đầy chén của các bạn.
“Hãy một mình uống chén cô đơn dù nó có mùi máu và nước mắt của chính các bạn, và hãy ca ngợi cuộc đời vì tặng phẩm làm nguôi cơn khát đó. Vì không có cơn khát ấy, tâm hồn của các bạn chỉ là bờ của một biển cằn cỗi, không khúc hát và không ngọn sóng.
“Hãy nâng chén cô đơn lên quá đầu mình và hãy uống rất sâu với lòng hân hoan.
“Lần nọ, tôi tìm tới một nhóm bạn, ngồi chung bàn tiệc với họ và cùng uống với nhau tận tình. Nhưng rượu của họ không bốc lên đầu tôi, cũng chẳng chảy vào ngực tôi. Nó chỉ xuống tới bàn chân tôi. Minh triết của tôi bị để cho khô khan, trái tim tôi bị khoá cứng và niêm kín. Chỉ có bàn chân tôi ở với họ trong sương mù dày đặc.
“Và tôi không còn tìm tới nhóm bạn đó nữa, không uống rượu với họ bên bàn tiệc của họ nữa.
“Bởi thế, tôi nói với các bạn rằng dù vó ngựa thời gian gõ mạnh lên lồng ngực các bạn, thì đã sao? Các bạn nên uống chén khổ đau một mình, và thật tốt khi cũng uống chén hân hoan một mình.”
Và vào ngày nọ, khi Pardrous, người Hi Lạp, đi dạo trong vườn. Chân anh vấp phải một hòn đá và anh nổi giận. Và anh quay mình lại, lượm hòn đá lên và nói lẩm bẩm:
“Ôi đồ chết tiệt trên lối đi của tôi!”
Rồi anh liệng hòn đá ra xa.
Và Almustapha, kẻ được chọn và được yêu thương, nói:
“Tai sao bạn nói: ‘Ôi đồ chết tiệt’? Vậy có phải bạn đã ở lâu trong Vườn này và không biết rằng tại đây chẳng có cái nào chết cả? Mọi cái đều sống và nóng hôi hổi trong sự nhận biết của ban ngày và trong sự đường bệ của ban đêm. Bạn và hòn đá là một. Chỉ có sự khác biệt trong nhịp tim đập. Trái tim của bạn đập nhanh hơn một chút, phải không bạn của tôi? Phải, nhưng nó không trầm tĩnh lắm.
“Nhịp điệu của đá có thể là một nhịp điệu khác, nhưng tôi nói với bạn rằng nếu bạn nghe những chốn sâu thẳm của linh hồn mình và đo các đỉnh cao của không gian, bạn sẽ nghe ra một cung điệu duy nhất, và trong cung điệu đó, hòn đá và ngôi sao cùng hát, cái này với cái kia, trong một bản đồng ca toàn hảo.
“Nếu những lời này của tôi không với tới sự thấu hiểu của bạn thì hãy để cho một rạng sáng khác. Nếu bạn nguyền rủa hòn đá này vì trong cơn quáng mắt của mình bạn vấp phải nó, thế thì bạn cũng sẽ nguyền rủa ngôi sao như vậy nếu đầu bạn cụng phải nó trên bầu trời. Nhưng ngày ấy sẽ đến khi bạn thu gom các hòn đá và các ngôi sao như đứa bé nhặt hoa huệ trắng trong thung lũng, tới lúc đó bạn sẽ biết rằng hết thảy những cái ấy ấy đều đang sống và đang toả hương.”
Và vào một ngày đầu tiên của tuần lễ, khi tiếng chuông Đền thờ vang tới tai họ, một người nói rằng:
“Thưa thầy, chung quanh đây chúng tôi nghe nói rất nhiều tới Thượng đế. Thầy nói sao về Thượng đế, và thật sự Ngài là ai?”
Và Almustafa đứng trước các đệ tử như một cây trẻ trung, chẳng sợ cuồng phong hay bão tố. Và ông trả lời họ rằng:
“Hỡi các bạn chung chí hướng và là người yêu thương của tôi, lúc này các bạn hãy nghĩ tới một trái tim chứa đựng hết thảy các trái tim của các bạn, một tình yêu bao hồm hết thảy các tình yêu của các bạn, một linh hồn gói trọn hết thảy các linh hồn của các bạn, một tiếng nói ôm đồm hết thảy các tiếng nói của các bạn, và một im lặng sâu thẳm hơn hết thảy muôn trùng im lặng của các bạn, và phi thời gian.
“Lúc này, hãy tìm cách nhận thức trong bản ngã toàn mãn của các bạn một cái đẹp say đắm hơn mọi cái xinh đẹp, một bài ca mênh mang hơn những bài ca của đại dương và rừng thẳm, một sự uy nghi ngư trên ngai mà so ra, chòm sao Orion chỉ là chiếc ghế để chân, và đang cầm trong tay một quyền trượng nạm đầy châu ngọc trong đó Nhóm thất tinh Pleiades chỉ là tia sáng le lói của các hạt sương.
“Các bạn lúc nào cũng chỉ tìm kiếm thực phẩm và chỗ ở, quần áo và gậy đi đường, lúc này hãy tìm kiếm Đấng không phải là mục tiêu cho mũi tên của mình, cũng không phải là hang đá để che chắn mình trước sức mạnh của thiên nhiên.
“Và nếu những lời này của tôi là tảng đá và bí hiểm, thế thì hãy cứ vẫn tìm kiếm để cho trái tim của các bạn có thể bị phá vỡ và các tra vấn của các bạn có thể mang các bạn tới tình yêu và sự khôn ngoan của Đấng Tối cao mà con người gọi là Thượng đế.”
Và họ im lặng, cả chín đệ tử, lúng túng bối rối trong tâm hồn. Almustafa động lòng thương cảm họ, ông đăm đăm nhìn họ và nói:
“Thay vì nói tới thần linh, chúng ta hãy nói tới người láng giềng, tới anh chị em của các bạn, tới các hiện tượng thiên nhiên chuyển động chung quanh nhà cửa và đồng ruộng của chúng ta.
“Trong tưởng tượng, các bạn muốn vươn lên tới mây, và các bạn tưởng rằng nó cao ngất trời; các bạn muốn vượt qua biển cả bao la và cho rằng nó xa xăm diệu vợi. Nhưng tôi nói với các bạn rằng khi gieo hạt giống vào lòng đất, các bạn đã với tới đỉnh cao nhất; và khi lên tiếng chào vẻ đẹp buổi sáng với người láng giềng, các bạn đã băng qua một đại dương mênh mông.
“Các bạn rất thường hát về Thượng đế, Đấng Vô cùng, nhưng thật ra các bạn không nghe bài ca ấy. Ước gì các bạn có thể nghe bài ca của chim chóc và và nghe tiếng lá rời cành khi gió thổi qua, và hỡi các bạn, đừng quên rằng lá chỉ hát khi chúng lìa cành!
“Thêm lần nữa tôi truyền lệnh cho các bạn chớ nói một cách quá đổi tùy tiện về Thượng đế, đấng là Tất cả của các bạn, thay vì thế, hãy nói và hiểu biết nhau như một người láng giềng với một người láng giềng, như một thần linh với một thần linh.
“Vì cái gì sẽ cho lũ chim non trong tổ ăn nếu con chim mẹ bay lên phía bầu trời? Và cỏ chân ngỗng nào trong cánh đồng sẽ mọc tràn lan nếu không được cưới hỏi bởi một con ong bay đến từ cỏ chân ngổng khác?
“Chỉ khi bị lạc loài trong bản ngã rất nhỏ nhoi của mình, các bạn mới tìm kiếm bầu trời mà các bạn gọi là Thượng đế. Ước gì các bạn có thể tìm được lối đi vào bản ngã của riêng mình; ước gì các bạn có thể ít ở không và chỉ lo lát đường.
“Hỡi các thủy thủ của tôi và các bạn hữu của tôi, thật rất khôn ngoan khi nói ít hơn về Thượng đế, đấng chúng ta không thể thấu hiểu, mà nói nhiều hơn về nhau, kẻ chúng ta có thể thấu hiểu. Tuy thế tôi muốn các bạn biết rằng chúng ta là hơi thở và là hương thơm của Thượng đế. Chúng ta là Thượng đế, trong hoa và rất thường, trong quả.”
Và vào một buổi sáng khi mặt trời ở trên cao, một trong các đệ tử, kẻ trong ba người từng nô đùa với Almustafa lúc còn bé, tới bên ông và nói:
“Thưa thầy, bộ quần áo này tôi mặc hoài mặc mãi và tôi chẳng có bộ quần áo nào khác. Xin cho phép tôi rời chỗ này ra chợ và mặc cả, để may ra có thể mua cho mình quần áo mới.”
Ông nhìn chằm chặp người tuổi trẻ ấy và nói:
“Đưa quần áo của bạn cho tôi.”
Người bạn làm như thế, và đứng trần truồng giữa trưa.
Và Almustafa nói với giọng y hệt một chiến mã đang phi trên đường trường:
“Chỉ có người khoả thân sống trong nắng. Chỉ có người chất phác cưỡi trên gió. Và kẻ nào một mình lạc lối một ngàn lần mới có chuyến trở về nhà.
“Các thiên thần chán ngán kẻ khôn ngoan. Chỉ mới hôm qua, một thiên thần nói với tôi rằng: ‘Chúng ta tạo ra hỏa ngục cho những kẻ chói sáng. Ngoài lửa ra, còn có cái gì mới có thể tẩy sạch môät bề mặt đang tỏa sáng và làm một vật tan chảy tới cốt lỏi của nó?’
“Và tôi nói: ‘Nhưng khi tạo ra hỏa ngục, quí vị cũng tạo ra quỉ sứ để cai quản hỏa ngục’. Nhưng các thiên thần trả lời rằng, ‘Không đúng, hỏa ngục được cai quản bởi những kẻ không đầu hàng lửa’.
“Khôn ngoan thay thiên thần! Y biết những cách thức của con người và những cách thức của người nửa người. Y là một trong những thiên thần bảo hộ, đến để làm kẻ chăm sóc các ngôn sứ khi họ bị những người khôn ngoan cám dỗ. Và rõ ràng y mỉm cười khi các ngôn sứ mỉm cười và khóc khi họ khóc.
“Hỡi các bạn và các thủy thủ của tôi, chỉ có người trần truồng mới sống trong nắng. Chỉ có con thuyền không bánh lái mới có thể dong buồm trong đại dương bao la. Chỉ có kẻ âm u với đêm tối mới tỉnh dậy với bình minh, và chỉ có người ngủ với rễ của mình dưới tuyết mới có thể với tới mùa xuân.
“Vì các bạn cũng giống như rễ cây. Và giống như rễ cây, các bạn chất phác tuy các bạn có sự khôn ngoan xuất phát từ đất. Và các bạn lặng lẽ tuy các bạn có bên trong mình những nhánh chưa đâm chồi thành ca đoàn gió bốn phương.
“Các bạn mong manh và các bạn phi hình phi dạng tuy các bạn là cái bắt đầu của những cây sồi vĩ đại và những cây dương liễu lá như nửa ngọn bút chì nhưng chống đỡ được trời cao.
“Thêm lần nữa tôi nói rằng các bạn đơn thuần là rễ lưng chừng giữa lòng đất tối đen và các tầng trời đang chuyển động. Và tôi rất thường thấy các bạn vươn lên khiêu vũ với ánh sáng, nhưng tôi cũng từng thấy các bạn rụt rè e lệ. Hết thảy các rễ đều rụt rè e lệ. Chúng giấu trái tim mình rất lâu tới độ chúng chẳng biết làm gì với nó.
“Nhưng tháng Năm sẽ tới, và tháng Năm như một trinh nữ trằn trọc, nàng sẽ làm mẹ các ngọn đồi và các thảo nguyên.”
Và một đệ tử từng phục vụ trong Đền thờ, cầu xin ông:
“Thưa thầy, xin hãy dạy cho chúng tôi để lời của chúng tôi được giống như lời của thầy, là bài kinh và hương trầm đối với dân chúng.”
Almustafa đáp lại rằng:
“Các bạn sẽ vươn lên quá bên trên lời của mình mà lối đi của các bạn vẫn tồn tại, làm cung điệu và mùi hương; cung điệu cho những kẻ đang yêu và cho mọi kẻ được yêu; mùi hương cho hết thảy những ai sống cuộc sống trong vườn.
“Nhưng các bạn sẽ vươn lên quá bên trên lời của mình để tới một đỉnh cao nơi bụi sao đang rơi, và các bạn sẽ xoè bàn tay ra cho tới khi hứng đầy tay. Lúc đó các bạn sẽ nằm xuống ngủ tựa con chim non trắng nỏn trong tổ chim trinh nguyên, và các bạn sẽ mộng thấy ngày mai của mình cũng trăéng nỏn như hoa đổng thảo trinh nguyên đang mộng thấy mùa xuân.
“Đúng thế, các bạn sẽ đi xuống sâu hơn lời của mình. Các bạn sẽ tìm thấy đầu nguồn đã thất lạc của con nước, và các bạn sẽ tìm thấy một hang động ẩn mật đang vọng lại tiếng gọi yếu ớt của vực sâu mà ngay lúc này các bạn chẳng nghe ra.
“Đúng thế, các bạn sẽ đi sâu hơn lời của mình, sâu hơn mọi âm thanh, xuống tới tâm điểm của lòng đất. Và tại đó, các bạn sẽ ở một mình với Ngài, đấng cũng dạo bước trên sông Ngân.”
Ông im lặng. Sau đó một chốc, một đệ tử lên tiếng hỏi ông:
“Thưa thầy, xin hãy nói về hiện hữu cho chúng tôi. Hiện hữu là gì?”
Almustafa ngước nhìn người ấy thật lâu và yêu thương anh. Rồi ông đứng dậy, cất bước đi cách họ một quãng xa. Kế đó ông quay lại và nói:
“Trong Vườn này, nơi song thân tôi an nghỉ và được chôn cất bởi bàn tay của người đang sống, trong Vườn này nằm vùi lấp các hạt mầm của quá khứ gần đây, chúng được đôi cánh của gió mang tới chốn này. Song thân tôi sẽ được chôn cất ở đây một ngàn lần, và một ngàn lần gió sẽ vùi lấp các hạt mầm; và một ngàn năm kể từ nay các bạn và tôi với những đóa hoa này sẽ cùng nhau đến Vườn này y hệt lúc này, và chúng ta sẽ hiện hữu, trong yêu thương cuộc đời, và chúng ta sẽ hiện hữu, trong mộng mơ không gian, và chúng ta sẽ hiện hữu, trong vươn lên tới phía mặt trời.
“Nhưng hôm nay, hiện hữu là sống khôn ngoan, dù không là người xa lạ đối với kẻ dại khờ; nó là sống mạnh mẽ nhưng không mạnh mẽ đối với sự hư hỏng của kẻ yếu đuối; nô đùa với con cái còn thơ dại nhưng không như người cha mà thay vì thế, như kẻ cùng chơi đang muốn học hỏi trò chơi của chúng.
“Là giản dị và ngay thật với bậc cao niên, cả ông lão lẫn bà lão, cùng ngồi với họ trong bóng râm của cây sồi cổ thụ dù bạn vẫn đang đi với mùa xuân.
“Là tìm kiếm một thi sĩ dù y có thể đang sống cách bảy con sông, và ở thanh thản trong sự có mặt của y, chẳng ước muốn gì, chẳng ngờ vực gì và cũng không một câu hỏi trên môi.
“Là biết rằng thánh nhân và kẻ phạm tội đều là anh em song sinh của một người cha, Vua Nhân từ của chúng ta, và biết rằng kẻ này sinh ra trước kẻ kia chỉ một khoảnh khắc nên chúng ta xem hắn là Hoàng tử được tấn phong.
“Là đi theo Cái đẹp cho dẫu nàng có dẫn các bạn tới bờ vách dựng đứng, và dù nàng được chắp cánh còn các bạn chẳng có chiếc cánh nào, và dù nàng sẽ vượt qua quá bên kia bờ vách dựng đứng ấy cũng hãy đi theo nàng vì Cái đẹp không ở nơi nào và ở đó là hư không.
“Là khu vườn không có tường rào, vườn nho không kẻ canh giữ, nhà chứa kho báu luôn luôn mở cửa cho người đi qua.
“Là bị cướp bóc, bị phỉnh phờ, bị lừa đảo, đúng thế, bị làm cho mê muội, bị mắc bẫy và rồi bị chế giễu. Tuy thế, đối với những cái đó, các bạn hãy nhìn xuống từ chiều cao bản ngã rộng lớn hơn của mình và hãy mỉm miệng cười trong khi biết rằng có một mùa xuân đang tới khu vườn mình để khiêu vũ trong những chiếc lá của mình, biết rằng có một mùa thu để làm chín các chùm nho của mình, biết rằng nếu chỉ một cánh cửa sổ mở ra hướng Đông thôi thì lòng mình sẽ không bao giờ trống trải, biết rằng hết thảy những người bị cho là kẻ sai phạm, cướp bóc, phỉnh phờ, lừa đảo đều là người anh em đang thiếu thốn của mình, và biết rằng mình có thể ngẫu nhiên là tất cả những kẻ đó trong mắt của những cư dân được ân phúc đang ở Thành đô Vô hình bên trên thành phố này.
“Và giờ đây đối với các bạn, kẻ cũng có bàn tay làm nên và tìm thấy mọi vật cần thiết cho tiện nghi ngày ngày đêm đêm của mình,
“Hiện hữu là làm người dệt vải với những ngón tay có mắt, làm người thợ xây dựng lưu tâm tới ánh sáng và không gian, làm người cày ruộng cảm thấy đang giấu kho báu bằng từng hạt mầm mình gieo, làm người đánh cá và người đi săn có lòng xót thương con cá và con thú, thế nhưng có lòng thương xót lớn lao hơn cho cái đói ăn và cái thiếu thốn của con người.
“Và trên tất cả, tôi nói điều này; tôi muốn mỗi bạn và hết thảy các bạn là những đối tác cho cứu cánh của mọi người vì chỉ như thế các bạn mới hy vọng đạt được cứu cánh tốt của chính mình.
“Hỡi các bạn chung chí hướng và là người yêu thương của tôi, hãy dũng cảm và đừng ngoan ngoãn, hãy rộng rãi và đừng bị giới hạn; và cho tới giờ khắc sau cùng của các bạn và của tôi, hãy thật sự là bản ngã lớn lao hơn của mình.”
Ông ngừng nói. Một sự ảm đạm sâu lắng phủ lên trên cả chín đệ tử. Trái tim của họ quay sang ngả khác, không chung một hướng với ông vì họ không hiểu những lời ông vừa nói.
Và nhìn kìa, ba người từng là thủy thủ khao khát biển cả; và những người từng phục vụ trong Đền thờ khao khát sự an ủi của chốn linh địa; và những người từng là bạn nô đùa thời thơ ấu với ông, khao khát chốn thị tứ. Tất cả đều điếc trước những lời của ông khiến âm thanh của chúng quay về ông như đàn chim mệt nhoài không nơi cư trú đang tìm chỗ lánh nạn.
Và Almustalfa bước đi, cách họ một quãng trong Vườn, ông không nói với họ cũng chẳng nhìn tới họ. Họ bắt đầu biện bạch với nhau và tìm cách bào chữa cho khát vọng đã biến mất của mình.
Và nhìn kìa, họ quay lưng, mỗi người đi về nhà riêng hay chốn ở của mình khiến cho Almustafa, kẻ được chọn và là kẻ được yêu thương, bị bỏ lại cô độc.
Và khi đêm tràn mọi lối, ông cất bước đi tới mộ phần của mẹ, ngồi hồi lâu dưới cây tuyết tùng được trồng và lớn lên bên cạnh. Bỗng dưng xuất hiện chiếc bóng của ánh sáng cao cả trên bầu trời, và Vườn chói lọi như hạt châu xinh đẹp trên bộ ngực của đất.
Almustafa kêu lớn trong cô đơn của linh hồn, và ông nói:
“Linh hồn tôi chở nặng trỉu hoa trái chín mọng của nó. Có ai muốn tới đây dùng cho thỏa lòng? Có ai đang chay tịnh và có ai quảng đại tử tế trong tâm hồn đến và phá giới bằng những hoa lợi đầu mùa của tôi trong nắng, và như thế, giải thoát tôi khỏi sức nặng của dư dật này.
“Linh hồn tôi đang chảy tràn với rượu của các thời đại. Không kẻ nào đang khát tới uống sao?
“Nhìn kìa, có một kẻ đứng giữa ngả tư đường đang chìa bàn tay cho người qua kẻ lại, và trong bàn tay hắn chứa đầy châu ngọc. Hắn kêu lên với người ta rằng: ‘Hãy thương xót tôi, hãy lấy đi. Nhân danh Thượng đế, xin hãy lấy khỏi bàn tay tôi cho lòng tôi khuây khỏa.’
“Nhưng người qua kẻ lại chỉ đưa mắt ngó, chẳng ai lấy châu ngọc trong lòng bàn tay hắn.
“Thay vì thế, ước gì hắn là kẻ hành khất chìa bàn tay ra để nhận – đúng vậy, một bàn tay run rẩy và mang trống không về cho lồng ngực hắn – còn hơn chìa ra bàn tay đầy tặng phẩm giàu có nhưng chẳng tìm được người nào nhận.
“Và nhìn kìa, có một hoàng tử nhân từ dựng lên trong hoang mạc chiếc lều bằng lụa và truyền lệnh tôi tớ đốt lửa làm dấu hiệu cho kẻ xa lạ và kẻ lang thang. Ông còn sai nô lệ đi canh các ngả đường để có thể tìm thấy và đem về một người khách. Nhưng mọi lối đi và con đường trong hoang mạc đều vắng tanh và họ chẳng tìm thấy ai.
“Thay vì thế, ước gì hoàng tử ấy là một kẻ chẳng biết đi đâu về đâu, đang tìm kiếm thức ăn và chỗ trú. Ước gì ông là kẻ lang thang trong tay chỉ có cây gậy và cái bình đất. Để lúc đêm xuôáng ông sẽ họp mặt với người cùng cảnh ngộ và với các thi sĩ chẳng biết đi đâu về đâu, cùng nhau chia sẻ tình cảnh khất thực, những tưởng nhớ và những mộng mơ.
“Và nhìn kìa, cô con gái của một đức vua vĩ đại vừa ra khỏi giấc ngủ, chỗi dậy và khoác lên mình y trang gấm vóc, châu báu ngọc ngà, và cô rắc xạ hương lên mái tóc, nhúng đầu ngón tay vào nước hổ phách. Rồi công chúa ấy đi xuống lâu đài, bước vào ngự viên để sương đêm qua nhận ra đôi hài vàng dưới bàn chân cô.
“Trong thanh vắng trời đêm, cô con gái người thợ cày sau khi dẫn cừu của cha ra cánh đồng và quay về nhà thân phụ lúc chiều hôm với bụi của lối đi ngoằn ngoèo dưới bàn chân cùng hương các vườn nho trong nếp gấp quần áo.
“Và khi đêm xuống cùng với các thiên thần có mặt trên trần thế, cô sẽ len lén đi sang thung lũng bên sông nơi có người yêu đang ngóng đợi.
“Ước gì cô là một nữ tu đang đốt trái tim làm trầm hương để tâm hồn có thể vươn lên theo gió, và như cây nến, sau khi cạn kiệt linh hồn, thành ánh sáng bốc lên tới sự sáng cao cả hơn, cùng kết hiệp với hết thảy những kẻ đang thờ phụng và những kẻ đang yêu với kẻ được yêu.
“Thay vì thế, ước gì cô là một phụ nữ già nua theo năm tháng, đang ngồi trong nắng và tưởng nhớ tới người từng chia sẻ tuổi xuân với mình.”
Và đêm mỗi lúc một sâu thêm, Almustafa cũng tối đen với đêm; linh hồn ông như mây không tan. Và ông lại kêu lên:
“Linh hồn tôi chở nặng trĩu hoa trái chín mọng của mình,
Linh hồn tôi chở nặng trĩu hoa trái của mình.
Ai giờ đây sẽ tới ăn để được no lòng?
Linh hồn tôi chảy tràn với rượu của mình,
Ai giờ đây sẽ rót uống và được dịu cơn nóng sa mạc?
“Ước gì tôi là cây không hoa cùng chẳng trái,
Vì cơn đau dư dật cay đắng hơn cằn cỗi,
Và ưu phiền của người giàu có của chẳng ai thèm lấy,
Lớn lao hơn sầu khổ của kẻ ăn mày xin chẳng ai cho.
“Ước gì tôi là giếng khô nứt nẻ người ta vứt đá xuống,
Vì như thế tốt lành dễ chịu hơn sinh làm nguồn nước sinh động,
Khi người qua kẻ lại chẳng ai uống.
“Ước gì tôi là ống sáo dưới bàn chân dẫm đạp,
Vì như thế tốt hơn làm cây đàn sợi dây bằng bạc
Trong ngôi nhà chủ nhân không một ngón tay,
Và lũ con đều điếc.”
Lúc này, suốt bảy ngày và bảy đêm, không người nào tới gần Vườn, Almustafa hiu hắt với những hồi ức và niềm đau của mình. Ngay cả những kẻ từng nghe ông nói với lòng yêu thương và sự nhẫn nại cũng quay lưng trước những theo đuổi của thời đại khác.
Chỉ một mình Karima đến, trên khuôn mặt như phủ chiếc mạng im lặng. Tay mang ly và đĩa, thức uống với thức ăn cho nỗi cô đơn và cơn đói của ông. Sau khi đặt những thứ đó xuống trước mặt ông, bà đi theo lối đi về nhà mình.
Almustafa lại đến với những bằng hữu của ông là hàng bạch dương trồng bên trong cổng vườn, ngồi ngắm con đường. Sau một lúc, ông trông thấy như có một đám mây bụi cuốn bên trên con đường và tiến về phía ông. Rồi từ đám mây bụi ấy bước ra chín người, đi đằng trước là Karima đang hướng dẫn họ.
Almustafa bước ra găp họ trên đường. Họ đi qua cổng, tất cả đều an lành tươi tốt như thể họ vừa rời khỏi lối đi này một tiếng đồng hồ trước đây.
Họ vào nhà để dùng bữa tối với ông nơi bàn ăn đạm bạc. Sau khi Karima đặt lên bàn bánh mì, cá và rót chai rượu cuối cùng vào ly. Bà vừa rót vừa xin với Tôn sư rằng:
“Xin phép cho em được rời nơi đây, ra phố để tìm rượu đem về rót đầy ly của quí vị, vì rượu hết rồi.”
Ông ngước mắt nhìn bà, và trong đôi mắt ấy có một chuyến hành trình và một xứ sở xa xăm. Ông nói:
“Không, vì rượu đã đủ cho giờ này.”
Và họ ăn với uống và được thỏa lòng. Khi bữa ăn kết thúc, Almustafa nói với giọng mênh mông, sâu như biển, đầy như con nước triều dâng cao dưới ánh trăng, và ông bảo:
“Hỡi các bạn chung chí hướng và người đồng hành của tôi, hôm nay chúng ta nhất thiết phải chia tay. Từ lâu chúng ta đã leo lên những ngọn núi dựng đứng nhất và chúng ta đã vật lộn với bão tố. Chúng ta đã biết tới cơn đói nhưng cũng từng ngồi trong các tiệc cưới. Chúng ta thường trần truồng nhưng cũng từng mặc y trang vương giả. Chúng ta quả thật đã du hành rất xa nhưng giờ đây, chúng ta chia tay. Các bạn sẽ cùng nhau đi trên lối đi của mình, và một mình tôi phải đi theo con đường của tôi.
“Dù các đại dương mênh mông và các miền đất bao la sẽ chia cách chúng ta nhưng chúng ta vẫn là những người cùng đi với nhau trong cuộc lữ hành lên Núi Thánh.
“Nhưng trước khi chúng ta đi theo nẻo đường cam go của riêng mình, tôi muốn trao cho các bạn thành quả vụ thu hoạch và những thứ mót lượm được của lòng tôi.
“Hãy đi trên lối đi của mình, vừa đi vừa ca hát, nhưng nên hát khúc ngắn vì chỉ những khúc hát chết yểu trên môi các bạn mới sống mãi trong trái tim loài người.
“Hãy nói tới sự thật đẹp đẽ bằng những lời ít ỏi, nhưng chớ dùng lời nào để nói tới sự thật xấu xí. Hãy bảo người thiếu nữ có mái tóc lung linh trong nắng rằng nàng là con gái của ban mai. Nhưng nếu bạn trông thấy người mù, đứng nói với kẻ đó rằng y làm một với bóng đêm.
“Hãy lắng nghe người thổi sáo như lắng nghe tháng Tư, nhưng nếu có nghe phát biểu của người hay chỉ trích và người ưa bươi móc lỗi lầm, các bạn hãy điếc như xương cốt và xa xăm như tưởng tượng của mình.
“Hỡi người chung chí hướng và người yêu thương của tôi, trên lối đi của mình các bạn sẽ gặp kẻ lội bộ, hãy cho họ đôi cánh của mình. Và kẻ sừng sỏ, hãy cho họ vòng nguyệt quế của mình. Và kẻ có móng vuốt, hãy cho họ những cánh hoa thay cho các ngón tay. Và kẻ miệng lưỡi châm chọc, hãy cho họ những lời mật ngọt.
“Đúng vậy, các bạn sẽ gặp hết thảy những kẻ đó và hơn thế nữa. Các bạn sẽ gặp kẻ què đang bán nạng, kẻ mù đang bán gương soi. Và các bạn sẽ gặp kẻ giàu có đang ăn xin nơi cổng Đền thờ.
“Đối với kẻ què, các bạn hãy cho sự nhanh nhẹn của mình, đối với kẻ mù hãy cho thị kiến của mình, và hãy thấy rằng các bạn đem bản thân mình cho kẻ hành khất giàu có; họ là kẻ thiếu thốn hơn hết trong tất cả vì chắc chắn không kẻ nào muốn dang tay xin của bố thí nếu hắn không thật sự nghèo dù đang có nhiều của cải.
“Hỡi những người chung chí hướng và bạn hữu của tôi, tôi tích nạp các bạn bằng tình yêu của chúng ta để các bạn là vô số lối đi băng từ bờ bên này sang bờ bên kia hoang mạc, nơi sư tử và thỏ đi, luôn cả chó sói và cừu.
“Nhưng các bạn hãy nhớ của tôi điều này: Tôi dạy các bạn không phải việc cho mà là việc nhận, không phải khước từ mà là làm mãn nguyện, không phải nhượng bộ mà là thấu hiểu, với nụ cười trên môi.
“Tôi dạy các bạn không phải im lặng, mà thay vào đó là một bài hát không lớn tiếng.
“Tôi dạy các bạn bản ngã rộng lớn hơn của mình, cái chứa đựng hết thảy mọi người.”
Và ông đứng lên khỏi bàn ăn, bước thẳng ra Vườn và đi dạo dưới bóng hàng cây bách khi ngày đã xế. Họ đi theo ông, cách một quãng ngắn, vì tâm hồn của họ nặng trỉu và lưỡi của họ dính chặt vòm miệng.
Chỉ một mình Karima, sau khi thu dọn mảnh vụn trên bàn ăn, tới với ông và nói:
“Thưa thầy, em muốn xin thầy cho phép em được chuẩn bị thực phẩm cho ngày mai và cho chuyến đi của thầy.”
Nhìn bà với đôi mắt từng trông thấy các thế giới khác nhau, ông nói:
“Hỡi cô em gái và là người yêu thương của tôi, việc ấy xong rồi, thậm chí từ lúc bắt đầu của thời gian. Thức ăn và thức uống đã sẵn sàng, cho ngày mai. giống như cho hôm qua và hôm nay của chúng ta.
“Tôi đi, nhưng nếu tôi đi với chân lý chưa được nói thành lời, thì chính chân lý ấy sẽ tìm tôi và thu thập tôi thêm lần nữa qua những thành tố của tôi bị tản mác khắp trùng trùng thinh lặng của vĩnh cửu, và thêm lần nữa tôi sẽ đến trước mặt cô để có thể nói với giọng nói được sinh ra một lần nữa từ tâm điểm của trùng trùng thinh lặng vô tận.
“Và nếu có điều gì của cái đẹp mà tôi không công bố cho các bạn, lúc đó tôi sẽ được gọi thêm lần nữa, đúng thế, thậm chí bằng chính tên của tôi, Almustafa. Và tôi sẽ cho các bạn dấu hiệu để các bạn có thể biết tôi đã trở lại ngõ hầu nói thành lời tất cả những gì đang thiếu, vì Thượng đế sẽ không cho phép Bản thân Ngài bị che giấu đối với loài người cũng như lời của Ngài bị nằm phủ kín trong vực thẳm của lòng người.
“Tôi sẽ sống ở quá bên kia cái chết,
và tôi sẽ hát trong tai các bạn
cả sau khi sóng biển bao la mang tôi trở về
với vực sâu đáy biển mênh mông.
Tôi sẽ ngồi bên bàn ăn của các bạn
dù không với hình hài
Và tôi sẽ đi với các bạn ra đồng,
một linh hồn vô hình.
Tôi sẽ tới với các bạn bên lò sưỡi,
một người khách không thấy.
Cái chết chỉ làm đổi thay chiếc mặt nạ
che bộ mặt của chúng ta.
Người đốn củi sẽ vẫn là người đốn củi,
Người thợ cày là người thợ cày,
Và kẻ hát bài ca cho gió
cũng sẽ hát nó
cho các tinh cầu đang chuyển động.”
Và các đệ tử ngồi yên như tảng đá, họ sầu khổ trong lòng vì ông đã nói: “Tôi đi.” Nhưng không người nào đưa tay ra giữ Tôn sư lại, cũng không ai đi theo sau các bước chân ông.
Và Almustafa đi ra khỏi Vườn của mẹ mình. Bàn chân ông bước lẹ làng, không gây nên âm thanh nào. Trong chốc lát, như chiếc lá bị cuốn trong cơn gió mạnh, ông đi rất xa họ. Và có thể nói là họ thấy một ánh sáng mờ nhạt chuyển động lên tới các chiều cao.
Và cả chín người bước ra, đi dọc theo con đường. Nhưng người đàn bà vẫn đứng yên ở đó trong bóng đêm đang tụ về. Bà nhìn ánh sáng và hoàng hôn nhập lại thành một theo cách của chúng. Và nỗi phiền muộn cùng cô đơn của bà được khuây khỏa nhờ lời ông đã nói rằng:
“Tôi đi, nhưng nếu tôi đi với chân lý chưa được nói thành lời, thì chính chân lý ấy sẽ tìm kiếm tôi và thu thập tôi, và tôi sẽ lại đến.”
Và lúc này trời đã chiều hôm.
Và Almustafa đã đến vùng đồi. Bước chân ông dẫn ông tới sương mù. Ông đứng giữa các tảng đá cùng hàng cây bạch dương che khuất mọi sự, và cất tiếng nói rằng:
“Ôi Sương mù, chị của tôi,
hơi thở trắng chưa bị kềm trong khuôn khổ,
Tôi trở về với chị,
làm một hơi thở trắng vô thanh,
một lời chưa được thốt ra.
“Ôi Sương mù,
người chị sương mù có cánh của tôi,
lúc này chúng ta ở cùng nhau,
và cùng nhau chúng ta sẽ ở
tới ngày thứ hai của cuộc đời,
bình minh của nó sẽ ở trên chị,
những hạt sương trong vườn,
và tôi, một hài nhi trên ngực một phụ nữ.
và chúng ta sẽ nhớ lại.
“Ôi Sương mù, chị của tôi,
tôi trở lại.
Một trái tim đang lắng nghe trong thẳm sâu của nó,
y như trái tim của chị.
Một khát vọng đập rộn ràng và không chủ đích,
y như khát vọng của chị.
Một ý nghĩ chưa tụ lại,
y như ý nghĩ của chị.
“Ôi Sương mù, chị của tôi,
con đầu lòng của mẹ tôi,
Hai bàn tay tôi còn giữ những hạt mầm non
chị đã bảo tôi tung vãi,
Và đôi môi tôi in dấu lên bài ca
chị đã bảo tôi hát.
Và tôi không mang tới chị hoa trái,
và tôi không mang tới chị những âm vang,
vì hai bàn tay tôi mù loà
và đôi môi tôi khô cứng.
“Ôi Sương mù, chị của tôi,
tôi đã yêu thương quá đổi thế giới này,
và thế giới này đã yêu thương tôi,
vì mọi nụ cười của tôi đã trên môi nó,
và mọi giọt lệ của nó đã trong mắt tôi.
tuy ở giữa chúng tôi có vực sâu im lìm,
nó không muốn rút ngắn,
tôi chẳng thể bước thêm.
“Ôi Sương mù, chị của tôi,
người chị Sương mù bất tử của tôi,
Tôi hát những bài ca cổ đại
cho lũ con nhỏ bé của mình,
Và chúng lắng nghe,
trên mặt chẳng chút thắc mắc;
Nhưng ngày mai
có lẽ chúng hoàn toàn không nhớ nữa
Và tôi không biết
gió sẽ mang bài ca ấy tới ai.
Và dù chẳng phải của tôi
tuy nó đã đến trái tim tôi,
và ở tạm trên đôi môi tôi.
“Ôi Sương mù, chị của tôi,
dù mọi sự này đến để đi qua,
lòng tôi thanh thản.
đủ để hát cho những kẻ
đã sinh ra trước trong đời.
Và dù việc ca hát thật chẳng phải của tôi,
Tuy là khát vọng sâu xa nhất của lòng tôi.
“Ôi Sương mù, chị của tôi,
người chị Sương mù của tôi,
lúc này tôi làm một với chị.
Tôi không còn là một bản ngã.
các bức tường đã sập,
và các xiềng xích đã gãy;
Tôi vươn lên tới chị,
làm một sương mù,
Và chúng ta cùng nhau
bồng bềnh trên biển
cho tới ngày thứ hai của cuộc đời,
khi bình minh sẽ ở trên chị,
những hạt sương trong vườn,
và tôi,
một hài nhi trên ngực một phụ nữ.
Bản tiếng Việt: Nguyễn Ước
© Đàn Chim Việt
Mây trắng tựa gối đầu.
Đêm nay sẽ về đâu
Thế gian như” chợ biển,
lầu sò”mãi đâu đâu…
***
Thâm cung và bí sử,
chỉ vang vọng cung sầu,
Di Lặc đợi canh thâu ,
Thiện Tài , về đâu tá?
***
Ngôn sứ,ngôn sứ vườn!!!
Cội gốc những tai ương!
Ngủ sâu không còn mộng,
chưa hết chuyện vấn vương!
***
Hãy quên chuyện “địa đàng”,
Xã bỏ chuyện trần gian,
“Vô thanh và vô sắc ”
Tâm rộng mở thênh thang..
***
Thuở “hồng hoang,đia đàng ” là thế đó!
Khi muôn loài chưa phân biệt tự tha,
Rồi một hôm nhân thấy vật khác ta ;
Mang” trọng tội”đọa đày làm nhân thế !!!
Ngôn sứ (2)