Những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam[1]
Việt Nam nổi bật trong những năm vừa qua với tăng trưởng hàng năm gần mười phần trăm tổng sản lượng nội địa (GDP). Một thị trường phát triển cao, lương thấp, dân chúng thích mua sắm, cởi mở, hiếu học với gần 50% dưới 30 tuổi … làm hấp dẫn giới đầu tư ngoại quốc: „Trung quốc thuộc về quá khứ, Việt Nam là quốc gia tương lai với lương thấp!”, đó là khẩu hiệu của nhiều nhà đầu tư ngoại quốc. Chúng ta cùng tìm hiểu với bài viết này, nền kinh tế Việt Nam có thực sự khả quan như vậy hay không?
1. Tăng trưởng là do tín dụng
Đầu tư tại Việt Nam tăng nhảy vọt trong những năm vừa qua, năm 1999 tổng số đầu tư toàn quốc chỉ với 120,8 ngàn tỉ đồng (28% GDP, tương đương 8,6 tỉ USD) nhưng đến năm 2010 con số đầu tư lên tới 830,3 ngàn tỉ đồng (42,6% GDP). Nghĩa là, chỉ trong vòng 11 năm mức đầu tư tăng trưởng gấp 7 lần:
Tài khoản đầu tư đổ vào xã hội làm tăng tổng sản lượng nội địa (GDP), do đó tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào đầu tư. Nguồn đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc vào Việt Nam năm 2010 với 156 ngàn tỉ đồng, số còn lại 674 ngàn tỉ đồng là nguồn đầu tư xuất phát từ trong nội địa Việt Nam. Chi phí cho các dự án đầu tư này từ các tín dụng được cung cấp bởi các ngân hàng. Điều này cũng được giải thích qua sự phát triển mạnh mẽ tín dụng tại Việt Nam trong những năm gần đây:
Biểu đồ trên cho thấy, tổng tín dụng nội địa của Việt Nam vào năm 2000 chỉ với 155 ngàn tỉ đồng nhưng đến năm 2009 lên tới 2040 ngàn tỉ đồng (120 tỷ USD). Trong vòng 10 năm tín dụng đã tăng gấp 13 lần với 1885 ngàn tỉ đồng.
2. Hiệu quả đầu tư kém
Đầu tư không thể thiếu trong một quốc gia, đặc biệt là Việt Nam, một nước chậm phát triển cần thiết đầu tư để phát triển xã hội. Để đo lường hiệu quả đầu tư, các chuyên gia thường dùng hệ số ICOR (The Incremental Capital-Output Ratio). Hệ số này được tính bằng nhiều cách, cách tính đơn giản mà các chuyên gia đề cập là lấy tỷ lệ vốn đầu tư chia cho tăng trưởng GDP. Qua phép tính này, chúng ta biết được, để tăng 1 đồng GDP thì cần phải đầu tư bao nhiêu đồng? Qua đó hệ số ICOR càng lớn thì hiệu quả đầu tư càng thấp và ngược lại.
Tỉ số ICOR của Việt Nam tăng trưởng đều từ 3,5 trong thời kỳ 1991-1995 lên đến 7,14 lần trong hai năm 2009, 2010. So với tỉ lệ 2,7 của Đài Loan trong thời kỳ 1961-1980, 3 là của Hàn Quốc trong thời kỳ 1961- 1980, của Indonesia trong thời kỳ 1981-1995 là 3,7 và của Trung Quốc trong giai đoạn 2001-2006 là 4.
ICOR xác định mức độ sử dụng vốn trong nền kinh tế. Những quốc gia thiết bị máy móc cho nền công nghệ tân tiến sử dụng nhiều vốn thì ICOR trong giai đoạn đầu tư cao. Những nước sử dụng nhiều lao động không cần nhiều vốn như Việt Nam thì ICOR thấp. Câu hỏi đặt ra là tại saoViệt Nam không trang bị máy móc công nghệ tân tiến mà phải cần quá nhiều vốn đầu tư như vậy?
3. Doanh nghiệp nhà nước: Quả bom nổ chậm của nền kinh tế Việt Nam
Từ năm 1990 đến nay hơn 3000 doanh nghiệp nhà nước đã được tư nhân hoá, những doanh nghiệp này chỉ thuộc loại nhỏ hoặc trung bình. Tuy được tiếng là tư nhân hoá, nhưng nhà nước chỉ bán trung bình 30% và vẫn giữ lại 70% và chỉ có những doanh nghiệp nhỏ mới được bán hoàn toàn 100% cho tư nhân. Khoảng 3000 doanh nghiệp còn lại là doanh nghiệp lớn hoặc thuộc các ngành nhạy cảm như báo chí, xuất bản, quốc phòng. Tuy luật doanh nghiệp được áp dụng năm 2006 qui định cho đến cuối năm 2010 phải hoàn tất việc tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước, nhưng sự kiện này đã không được thực hiện, ngược lại việc đầu tư vào khu vực kinh tế này luôn chiếm tỷ trọng cao nhất:
Từ 2006-2010 trung bình hàng năm đầu tư công chiếm 43,3% vốn đầu tư toàn xã hội nhưng chỉ đóng góp được 35,81% GDP, trong khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước tạo ra được 46,21% GDP nhưng đầu tư chỉ với tỉ lệ 37,1% mỗi năm. Hệ số ICOR của Việt Nam tuy đã cao nhưng hệ số này ở khu vực kinh tế nhà nước cao gấp rưỡi hệ số ICOR của cả nước. Nếu hệ số ICOR trong năm 2009 của Việt Nam là 8 thì hệ số của khu vực kinh tế nhà nước là 12 2.
Nhiều bài viết và bài báo phê bình chính sách chạy theo con số tăng trưởng của nhà nước đặc biệt là đã “ra lệnh ngầm” cho các ngân hàng quốc doanh cho các doanh nghiệp nhà nước vay nợ đầu tư hầu đạt chỉ tiêu tăng trưởng như đã đề ra. Các doanh nghiệp này đã lấy tiền mượn nợ đầu tư vào các ngành không chuyên môn như bất động sản, mua chứng khoán vv… Do thiếu khiến thức chuyên môn các đầu tư này thường bị lỗ nặng nề. Sự tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam (xin xem phần trên) cùng báo cáo kiểm toán năm 2009 về 21 bộ, cơ quan trung ương, 37 tỉnh, thành, 22 dự án đầu tư, cùng 31 tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã xác nhận nguồn tin trên (xin xem „Giảm khối lượng, tăng hiệu quả đầu tư“):
1. Mặc dù trong số các DNNN được kiểm toán, có tới 88% (161/183) doanh nghiệp kinh doanh có lãi, song vẫn còn một số tổng công ty hoạt động chưa hiệu quả và không bảo toàn được vốn. Trong năm 2008…
2. Do khả năng tài chánh còn yếu kém , nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lãnh vực xây dựng lãi giả, lỗ thật…
3. chất lượng tín dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn có xu hướng tăng.
4. Có 10 tổng công ty nhà nước đầu tư ra ngoài ngành như tổng công ty lương thực miền Nam đầu tư vào bảo hiểm 26,8 tỷ đồng, vào Vietcombank và một số đơn vị khác 95 tỷ đồng. VP tổng công ty lâm nghiệp góp vốn 80 tỷ đồng vào công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt. Một doanh nghiệp thuộc tổng công ty hàng không miền Namđầu tư vào các tổ chức tín dụng 300 tỷ đồng. Tổng công ty Bến Thành, tổng công ty du lịch Sàigòn đầu tư qua đấu giá và giao dịch tren sàn chứng khoán bị thua lỗ lớn…
5. Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều kê khai thiếu thuế và các khoản phải nộp về ngân hàng nhà nước…
Tuy bản báo cáo không đề cập tiêu cực về Vinashin, nhưng chỉ 1 năm sau, vào tháng 7 năm 2010 chính phủ thông báo về mức nợ khổng lồ của Vinashin với 4,4 tỷ USD. Cuối năm 2010 Vinashin phải xin khất một phần tiền lãi định kỳ 600 triệu USD.
Kết quả báo cáo kiểm toán nêu trên kết hợp với trọng lượng đầu tư công và hiệu quả của nó trong 10 năm gần đây, thêm vào đó những tin tức tiêu cực gần đây về doanh nghiệp nhà nước cùng quyết định duy trì hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã khiến chuyên gia kinh tế và phóng viên báo chí đặt câu hỏi: Có phải doanh nghiệp nhà nước là nơi “chia chác” của giới chức Việt Nam hay không?
4. Lạm phát cao
Lạm phát tại Việt Nam trong những năm đầu của thiên niên kỷ rất lý tưởng cho một quốc gia nghèo đang trên đà phát triển. Những năm 2004-2007 lạm phát nhảy lên trong khoảng 7%-8% đã báo động có dấu hiệu của sự phát triển không cân bằng.
Đầu năm 2008 chuyên gia kinh tế đã cảnh báo mối đe dọa nghiêm trọng đến ổn định giá cả qua sự kiện cung ứng tiền tệ M2 của Việt Nam tăng hơn 46% trong năm 2007. Đặc biệt cung ứng tiền tệ M1 và tín dụng tăng gần 51% và lượng tiền mặt luân chuyển trong xã hội tăng 37% so với năm 2006. Đây là mức độ tăng trưởng đáng quan ngại của cung ứng tiền tệ, tín dụng và của tiền mặt. Sự kiện này sẽ là động lực làm tăng giá cả trên thị trường trong tương lai gần. Rất nhiều chuyên gia đã cho rằng, ngân hàng nhà nước đã in tiền để mua ngoại tệ Mỹ kim lưu trữ.
Biểu đồ sau đây cho thấy sự liên quan mật thiết giữa tăng trưởng lạm phát và sự tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong giai đoạn tháng Giêng 2008 đến tháng ba 2011:
Đường xanh dương biểu thị cho lạm phát với chỉ số phần trăm bên cột trái, đường chấm đỏ là biểu thị của tăng trưởng tín dụng với chỉ số phần trăm trên cột số bên phải. Đường xanh dương trên biểu đồ tăng hay giảm lệ thuộc hoàn toàn vào đường đỏ trước đó 4 tháng. Nghĩa là lạm phát tại Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào tăng trưởng tín dụng.
Lạm phát cao dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế, cho xã hội, cho đời sống con người vv…. Đây là một đề tài rộng lớn, tác giả xin nêu lên hậu quả tiêu cực của một vài lãnh vực kinh tế then chốt.
Về phía doanh nghiệp, cần thiết sự vững chắc về giá cả trên thị trường để có thể hoạch định kế hoạch doanh nghiệp trong tương lai. Về mặt đầu tư, lạm phát thấp và kiểm soát được là điều kiện cho sự đầu tư lâu dài vì lãi xuất vay tín dụng thấp, lương nhân công và giá sản phẩm vững chắc. Ngược lại lạm phát cao đưa đến tương lai bất ổn doanh nhân không mạnh dạn đầu tư hoặc đầu tư rất ngắn hạn. Giá sản phẩm nội địa tăng cao không cạnh tranh kịp sản phẩm ngoại quốc do đó sản phẩm nội địa không bán nhiều như trước dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao.
Để kềm chế lạm phát các ngân hàng quốc gia thường tăng lãi xuất và giảm giá đồng tiền nội địa. Sự kiện này Ngân hàng nhà nước đã thực hiện từ hai năm qua. Tình trạng Việt Nam có khác nhiều quốc gia là nhập siêu của Việt Nam rất cao. Trong năm 2010 Việt Nam nhập cảng tổng cộng 84 tỷ USD ( 80% GDP) và xuất cảng 71,6 tỷ USD (68% GDP). Sự giảm giá đồng tiền nội địa làm tăng giá hàng nhập cảng , hàng hoá sẽ đắt hơn, giá cả trong nước nhảy vọt… Đó là vòng luẩn quẩn của nền kinh tế Việt Nam!
5. Đầu tư ngoại quốc trực tiếp (FDI) không hiệu quả
Trong nhiều năm qua, đặc biệt sau khi gia nhập khối WTO năm 2007 thị trường Việt Nam được nhiếu thương gia ngoại quốc chú ý. Theo một cuộc khảo sát được tiến hành bởi Hội đồng Kinh doanh châu Á, trong giai đoạn 2007-2009 Việt Nam đứng hạng thứ ba, sau Trung Quốc và Ấn Độ, về hấp dẫn đầu tư ngoại quốc tại châu Á.
Bảng so sánh đầu tư ngoại quốc trực tiếp (FDI) được nêu trên cho thấy cơ cấu đầu tư ngoại quốc hiện nay đã thay đổi so với tổng số đầu tư trong giai đoạn 1988 – 2009. Năm 2009 vốn đầu tư ngoại quốc trực tiếp cao nhất tại Việt Nam đổ vào ngành bất động sản và khách sạn, nhà hàng là 74% trong khi đó hai ngành này chỉ chiếm 33% vào giai đoạn 1988-2009. Ngành công nghiệp chế biến trong những năm 1988-2009 chiếm tỷ lệ đầu tư cao nhất với 46%, năm 2009 đầu tư vào ngành này chỉ còn 17%.
Trong tổng số vốn đầu tư ngoại quốc trực tiếp (FDI) được cấp giấy phép được nêu trên là 194,4 tỷ Mỹ kim có 44,3 tỷ Mỹ kim đến từ các nước Offshore là những nước nổi tiếng trốn, lậu thuế và rửa tiền. Nguồn vốn này vào Việt Nam chắc chắn không đầu tư lâu dài hoặc đem đến cho Việt Nam những kỹ thuật mới về công nghiệp hay kỹ thuật quản trị kinh doanh mà chỉ có tính cách ngắn hạn rồi rút nhanh ra khỏi Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết (xin xem „Cảnh báo hiệu quả của FDI“), chỉ số chuyển giao công nghệ TFP (Total-Factor Productivity) trong 6 năm 2004-2009 là âm với -17,6. Chỉ số hiệu quả đầu tư ICOR trong 10 năm 1999-2009 của khu vực FDI là 7,91, cao hơn cả khu vực kinh tế nhà nước là 7,76 và tư nhân là 3,54.
Tuy 46% tổng số vốn đầu tư FDI vào công nghiệp chế biến nhưng phần lớn họ chỉ đầu tư vào các những ngành không cần đến kỹ thuật, máy móc tối tân, không cần đến nhân công với trình độ cao. Cũng theo ông Buì Trinh „Đến nay khối FDI thu hút 1,7 triệu lao động, song có tới 1,1 triệu trong số đó là lao động nữ, không được đào tạo hoặc chỉ đào tạo ngắn ngày”. Một chuyên gia dấu tên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho biết: “Lương lao động ở đây rất rẻ, bệnh nghề nghiệp nhiều. Có nhà máy mấy chục ngàn công nhân mà chỉ khoảng ba chục người được đi nước ngoài vài tuần gọi là “đào tạo””. Kết qủa khảo sát ở nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc cho thấy máy móc, công nghệ được đối tác nhập vào Việt Nam đều đã cũ kỹ, sắp đến hạn sa thải.
Mặt khác, cục thuế Sài gòn cho biết, trong số 1254 doanh nghiệp có vốn ngoại quốc nộp hồ sơ thuế năm 2008 đã có đến 708 doanh nghiệp khai lỗ, trong đó có gần 90% hoạt động trong ngành may mặc.
6. Hệ thống tài chánh lạc hậu
Trước năm 1990 ngân hàng nhà nước là cơ sở độc nhất đảm nhận mọi công việc liên hệ đến tài chánh tại Việt Nam. Hiện nay, tuy thị trường tài chánh trông có vẻ đa dạng nhưng phần lớn các hoạt động tài chánh trong lãnh vực thương mại, kinh doanh vẫn còn do ngân hàng nhà nước chi phối. Các loại ngân hàng tại Việt Nam là: Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách nhà nước, Quỹ tín dụng nhân dân. Hiên nay có khoảng hơn 1000 quỹ tín dụng được thành lập tại các phường, xã và theo trang mạng của ngân hàng nhà nước chỉ có 1 ngân hàng chính sách duy nhất, đó là Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
Ngân hàng thương mại bao gồm năm ngân hàng thương mại nhà nước: Ngân hàng Ngoại Thương, ngân hàng công thương, ngân hàng đầu tư và phát triển, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngân hàng Phát triển Nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long; 37 ngân hàng cổ phần trong nước; 37 chi nhánh ngân hàng ngoại quốc; năm ngân hàng liên doanh (Jointventurebanken). Ngoài ra còn hiện diện tại Việt Nam 45 văn phòng đại diện cơ sở và tổ chức tài chánh và tín dụng ngoại quốc, hơn 20 công ty cho thuê tài chính (leasing Companies)
Sau đây là một số tiêu biểu của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay:
- phần lớn chịu chi phối bởi các cơ quan quản lý nhà nước
- Mâu thuẫn chức năng của ngân hàng nhà nước: Ngân hàng nhà nước một mặt giữ chức năng giám sát ngân hàng, một mặt là chủ nhân của năm ngân hàng thương mại nhà nước là những ngân hàng chiếm lĩnh hơn 60% tổng dư nợ và các hoạt động của ngành tài chánh của toàn quốc.
- Tiền mặt là đơn vị thanh toán chính trong xã hội, chỉ có 17% dân số có trương mục ngân hàng
- Đô-la hoá: Ngoài tiền đồng Việt Nam, tiền đô la Mỹ cũng là đơn vị thanh toán tại Việt Nam
- Ngân hàng trang bị vốn thấp trong khoảng từ 4,69% đến 6,21% thay vì mức quy định là 8% của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2004, bộ phận chuyên môn của IMF đã đánh giá rằng nhu cầu vốn của khu vực ngân hàng sẽ vào khoảng từ 15% tới 25% GDP.
- Thiếu nhân sự có trình độ chuyên môn ngân hàng và tín dụng,
- Ngân hàng chỉ thực hiện các nghiệp vụ như huy động vốn, cho vay, thanh toán, ngân quỹ,
- Sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn: trong thời kỳ kinh tế bình thường lãi xuất ngắn hạn thường nhỏ hơn lãi xuất dài hạn, trong trường hợp này ngân hàng có lãi cao cho việc vay liên tục vốn ngắn hạn và cho vay dài hạn. Khi lãi xuất tăng (như hiện nay ở Việt Nam), hay trong trường hợp thị trường tài chánh giao động, ngân hàng phải trả lãi ngắn hạn cao và có khả năng lỗ nếu lãi xuất ngắn hạn đương thời cao hơn lãi xuất dài hạn mà họ đã cam kết với khách hàng trước đây.
- Khả năng sinh lời thấp, chi phí quản lý cao,
- Tiêu chuẩn cho vay nợ không dựa vào điều kiện kinh tế của cơ sở, cá nhân vay nợ hoặc dựa vào chính sách phát triển kinh tế mà phần lớn dựa vào yếu tố chính trị,
- Tiến trình xét đơn cho vay tín dụng lạc hậu, không phù hợp với một nền kinh tế tiến bộ. Không áp dụng phương pháp quản lý tín dụng quốc tế Basel. Do đó rủi ro tín dụng không được đánh giá, đo lường chính xác và điều chỉnh kịp thời.
- Thành phần dư nợ không minh bạch, không rõ ràng. Phần lớn „con nợ“ là các doanh nghiệp quốc doanh. Thành phần cấu tạo các dự án của họ không minh bạch rõ ràng, phần lớn tiền vay nợ được đầu tư vào các ngành mang nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Theo tường trình của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IWF) 80 đến 90% bảo chứng cho tín dụng tại Việt Nam là bất động sản.
- Giá trị dư nợ của ngân hàng giảm do lạm phát cao,
- Dư nợ xấu (non-performing loans) tăng nhanh và không minh bạch. Ngân hàng nhà nước cho biết tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,9% vào cuối năm 2008, từ 4%-5% cuối năm 2009 và hiện nay dưới 5% tổng dư nợ. Ngân hàng thế giới và quỹ tiền tệ quốc tế ước đoán khoảng 15%, các chuyên gia khác cho rằng nợ xấu tại Việt Nam chiếm 20% tổng dư nợ toàn quốc.
- Phương pháp kế toán của Việt Nam hiện nay không theo phù hợp tiêu chuẩn quốc tế như ISRF (tên cũ là IAS) hay USGAPP
Hệ thống tài chánh của một quốc gia có ba nhiệm vụ chính là:
1. Chức năng tiền tệ: cung cấp cấp tiền mặt, tín dụng và thực hiện dịch vụ thanh toán tài chánh trong cũng ngoài nước,
2. Chức năng phân bổ: huy động nguồn vốn từ người tiết kiệm và sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu qủa nhất (đầu tư),
3. Chức năng bảo đảm: bảo đảm một nền tài chánh quốc gia vững chắc.
Với những điểm tiêu biểu được nêu trên, hệ thống tài chánh Việt Nam chỉ chủ yếu thực hiện chức năng tiền tệ.
Về chức năng phân bổ, Việt Nam không huy động được nguồn vốn từ người dân mà phần lớn tín dụng được cho vay bởi vốn huy động từ ngân hàng nhà nước. Thông tư 13/2010/TT-NHNN của ngân hàng nhà nước ban hành ngày 20/5/2010 qui định, ngân hàng chỉ được sử dụng 80% nguồn vốn huy động từ ngân hàng nhà nước để cấp tín dụng đã gây tranh cãi lớn làm ngân hàng nhà nước vào tháng 9/2010 đã phải ban hành thông tư 19/2010/TT-NHNN để sửa đổi bổ sung. Và cuối cùng vào ngày 30/8/2011 ngân hàng nhà nước phải ra thông tư số 22 nhằm huỷ bỏ các thông tư 13 và 19 nêu trên. Tiến trình của thông tư 13/2010 cho thấy tiền cho vay tín dụng gần như hoàn toàn bởi vốn huy động từ ngân hàng nhà nước, mặt khác cho thấy ảnh hưởng của các ngân hàng rất lớn đến quyết định của ngân hàng nhà nước và những quyết định này không dựa trên nền tảng ích lợi chung là củng cố hệ thống tài chánh Việt Nam.
Về phương diện sử dụng nguồn vốn huy động, phần lớn tín dụng được cho các doanh nghiệp nhà nước vay không nhằm đầu tư vào các ngành kỹ nghệ có tính chất phát triển đất nước mà đầu tư vào các ngành nhiều rủi ro, phi sản xuất như bất động sản. Các dự án được chi phí bởi những tín dụng được vay của ngân hàng không được rõ ràng, minh bạch và không có hiệu quả. Các doanh nghiệp nhỏ và trung không có khả năng vay nợ ngân hàng, những doanh nghiệp này chính là nguồn tạo công việc làm và xây dựng nền tảng kỹ nghệ của đất nước: „Một vấn đề nữa cũng xuất phát từ sở hữu nhà nước trong hệ thống có thể dẫn đến những rủi rỏ tín dụng đó là quan hệ người ủy quyền và người thừa hành, người ủy quyền ở đây là Nhà nước hay là toàn dân, còn người thừa hành là những lãnh đạo các NH, do người ủy quyền (toàn dân) có rất ít quyền lực và thông tin để kiểm soát người thừa hành nên dẫn đến những hoạt động cho vay vì lợi ích cá nhân. Một minh chứng rõ ràng cho chúng ta thấy là xu thế hiện nay các NHTMNN chuyển hướng cho vay một cách quá mức vào tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà thực lực tài chính rất yếu kém, nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả, mức dư nợ nhóm khách hàng này lên tới 35 – 40% và đang báo động về chất lượng tín dụng. Một dấu hiệu cho thấy rủi ro rất lớn đến từ việc cho các tập đoàn vay là hệ số tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các tập đoán, xét toàn bộ nợ trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 1.4 lần. Riêng một số công ty có tỷ lệ nợ khủng khiếp như Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) là 42 lần, Cienco1 là 22,5 lần, Lilama 21.5 lần, Vinashin là 21.8 lần.”(xin xem „Ngân hàng thương mại nhà nước và rủi ro”).
Qua đó chức năng thứ hai của hệ thống tài chánh là phân bổ, Việt Nam không những không hoàn thành mà thực hiện ngược lại!
Mục đích của chức năng bảo đảm là đạt được một nền tài chánh quốc gia vững chắc, ít giao động. Chức năng này hệ thống tài chánh Việt Nam cũng thực hiện đảo ngược. Không chỉ riêng gì hệ thống ngân hàng không hiệu quả, lạc hậu, thiếu kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế, thiếu quản lý với dư nợ xấu cao (trên 20% GDP vào cuối năm 2009) mà Việt Nam hiện nay không quản lý được lạm phát, đồng tiền nội địa đã phải phá giá 4 lần từ năm 2009 đến nay.
(còn tiếp phần 2)
© Đàn Chim Việt
———————————-
Tài liệu tham khảo:
1. Asian Development Bank
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
3. Tổng cục Thống kê
4. Hansjörg Herr, Rainer Stachuletz: Vietnam am Scheideweg, Dezember 2010
5. Martin Kaelble: Vietnam wächst nur auf Pump (Việt Nam phát triển do tín dụng), chuyển ngữ sang tiếng Việt
5. Ngân hàng thương mại nhà nước và rủi ro
6. Stefanie Schmitt: Vietnam reformiert sein Bankensystem
7. Từ Nguyên: Đa số tập đoàn, tổng công ty “quên” cổ phần hóa, ngày 30.8.2011
9. Cảnh báo hiệu quả của FDI
10. Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Giảm khối lượng, tăng hiệu quả đầu tư công, viện nghiên cứu quản lý trung ương,
11. Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Viêt Nam,
TIỀM LỰC VÀ THÀNH QUẢ KINH TẾ
Thước đo kinh tế của một nước, là tiềm lực lao động, ý thức lao động, tài năng lao động về mọi mặt của toàn dân nước đó. Tất cả những điều đó, tuy vậy, lại phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế, cơ chế kinh tế, mà xã hội đó tạo thành và theo đuổi. Có nghĩa, nền kinh tế của một đất nước luôn hoạt động chẳng khác gì như một cổ máy. Một cổ máy nhất thiết cần vận động theo đúng với các nguyên tắc, nguyên lý khách quan, tự nhiên của nó, mà ai cũng biết. Cho nên, một cổ máy hoạt động sai nguyên tắc, thì kém hiệu quả, phản hiệu dụng, chỉ như điều tất yếu. Một nền kinh tế cũng giống như thế. Đây chính là các vấn đề thuộc lý thuyết về xã hội học, về kinh tế học. Một xã hội hoạt động phi kinh tế, phản kinh tế, nhất thiết không thể nào là một xã hội giàu có. Một nền kinh tế hoạt động trái với các nguyên tắc tự nhiên của xã hội, tất nhiên cũng khó đạt được hiệu suất tối đa, đạt được kết quả như ý, hay như đầu tư mong muốn. Sự việc tổng thể vẫn chỉ đơn giản có như thế. Quản lý kinh tế thực chất là quản lý theo nguyên tắc, nguyên lý khách quan của các quy luật và giá trị kinh tế. Nếu chỉ quản lý theo ý muốn và ý chí chủ quan, chỉ có thể là phản quản lý, phản hiệu dụng. Còn như phân tích các chỉ tiêu, các chỉ số, để nhằm chứng minh về ý nghĩa sau cùng nào đó, thì thực sự chẳng qua cũng chỉ là sự chi tiết hóa, sự cụ thể hóa, hay sự số hóa về những kết quả sau cùng đối với các ý nghĩa chung đó của nguyên lý thực hiện như trên đã nói mà thôi. Nên ý nghĩa của khoa học kinh tế, của khoa học xã hội khách quan, và ý nghĩa của những ý thức hệ giả tạo nào đó, về mặt kinh tế học, về mặt xã hội học, hay về mặt thực tiển học, thì nói ngắn gọn ra thôi, tất nhiên cũng chỉ vẫn có thế.
ĐẠI NGÀN
(09/9/11)
Bài viết sống động. súc tích, vô cùng chính xác!