WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Liên Xô – Nhà nước phong kiến trá hình [2]

Chương 9. Luật lao động

Tại sao tôi chỉ nói về hai lĩnh vực pháp luật mà cụ thể là luật lao động và luật hình sự? Cách mạng “xã hội chủ nghĩa” Tháng Mười được những người Bolshevik tiến hành nhân danh giai cấp vô sản, nhân danh việc giải phóng họ khỏi ách áp bức và bóc lột của giai cấp tư sản. Hai lĩnh vực này sẽ cho ta thấy một cách rõ ràng nhất giai cấp công nhân đã nhận được NHỮNG GÌ từ cuộc cách mạng đó. Lĩnh vực thứ nhất phản ánh một cách tốt nhất các điều kiện lao động, nghỉ ngơi và ăn ở, lĩnh vực thứ hai phản ánh các biện pháp buộc người lao động chấp nhận những điều kiện phi nhân trong lao động và trong đời sống của họ. Người ta có thể nói về một giai cấp nữa, đấy là tầng lớp nông dân. Nhưng chẳng có gì đáng nói về cái gọi là “luật nông trang”, còn luật lao động được áp dụng cho cả nhân viên nông trường, nhân viên của các cơ sở nông nghiệp khác cũng như những người làm thuê trong các nông trang. Nó cũng được áp dụng một cách hạn chế đối với các nông trang viên, những người đã trở thành nông nô từ lâu.

Còn luật hình sự thì được áp dụng cho tất cả mọi người lao động.

“Công dân Liên Xô có quyền lao động”, điều 40 hiến pháp Liên Xô tuyên bố như thế, nhưng những năm gần đây số người thất nghiệp đã cao đến mức báo chí bắt đầu viết về hiện tượng thất nghiệp, mặc dù giới chức có thẩm quyền vẫn phủ nhận nó. Điều 40 nói về bảo đảm kinh tế cũng có hiệu lực trong việc giúp cho người thất nghiệp kiếm việc làm như điều 43 nói về quyền có nhà cho những người công nhân xếp hàng hàng chục năm để mong được phân phối một căn hộ hoặc những kẻ không nhà phải ngủ ngoài ga tầu. Công dân Liên Xô không có bất kì phương tiện pháp lí nào để bảo vệ quyền có việc làm cả [1] .

Nhưng công dân Liên Xô có trách nhiệm phải làm việc. Điều 60 Hiến pháp nhấn mạnh rằng “Trốn tránh lao động có ích cho xã hội là không phù hợp với nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội”! “Lao động có ích cho xã hội” được hiểu là lao động theo định hướng “xã hội chủ nghĩa”. Khi xét xử nhà thơ J. Brodsky, người sau này được Giải thưởng Nobel về văn chương, bà thẩm phán Saveliva bám mãi vào câu hỏi: Ông làm việc ở đâu? Brodsky và luật sư bào chữa đã kiên nhẫn giải thích cho người thẩm phán -Đảng viên rằng nhà thơ không những làm việc mà còn làm rất nhiều, ông viết, dịch và có hợp đồng với các nhà xuất bản, nhưng vô ích. Nhà thơ trong “chế độ xã hội chủ nghĩa” bị kêu án phạm tội hình sự, tội ăn bám. Như vậy là hiến pháp Liên Xô tuyên bố nguyên tắc lao động cưỡng bức, còn nhà nước Liên Xô thì thực thi nguyên tắc này, còn Tổ chức lao động thế giới (ILO) thì lại có thái độ bao che cho việc vi phạm công ước về đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức. Chính luật lao động và luật hình sự (dĩ nhiên là các lĩnh vực khác cũng thế) là những bộ luật buộc người công dân phải lao động cưỡng bức (“cưỡng bức ngoài kinh tế”) dưới những hình thức khác nhau.

1. Hợp đồng lao động [2]

Khi những người Bolshevik vừa cướp được chính quyền, họ tin rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ thành công trong dăm sáu năm sau đó. Mọi người đều có nghĩa vụ lao động, lao động cưỡng bức được thi hành một cách công khai. Tiền tệ bị hủy bỏ, tất cả những người đi làm đều được cung cấp các nhu cầu sống còn: nhà ở, thức ăn, quần áo và những vật phẩm khác, còn “ai không làm thì đừng ăn”. Bộ luật lao động đầu tiên, ban hành năm 1918, được mở đầu bằng chương “Nghĩa vụ lao động toàn dân”. Các nguyên tắc nói trên được thực hiện: nhà ở và các dịch vụ công cộng cũng như các phương tiện giao thông vận tải đều miễn phí, “khẩu phần” lương thực thực phẩm được phát tại nơi làm việc… Năm 1921 các cố gắng xây dựng chủ nghĩa cộng sản đạt đến đỉnh điểm, kinh tế cũng suy sụp đến tận cùng. Suy sụp kinh tế là kết quả của quá trình “xây dựng chủ nghĩa cộng sản” chứ không phải của sự can thiệp bằng quân sự của nước ngoài và nội chiến. Chế độ trưng thu lương thực, thực chất là cướp bóc nông dân (cướp hết lúa mì của dân mà không trả đồng nào) đã dẫn đến nạn đói. Công nhân và nông dân vô cùng bất mãn, nhiều cuộc bãi công và bạo loạn xảy ra, mà đỉnh điểm của nó là cuộc khởi nghĩa ở Kronshtadt, cuộc khởi nghĩa này bị đàn áp một cách khốc liệt, theo đúng tinh thần cộng sản.

Có vẻ như những người cộng sản phải hiểu rằng lao động cưỡng bức không thể nào có hiệu quả và năng suất cao được, nhưng Trotsky lại khẳng định rằng trong chủ nghĩa cộng sản và với ý thức cộng sản thì chính hình thức lao động được tổ chức theo lối quân đội như thế sẽ cho kết quả tốt nhất (sau này điều đó đã được thực hiện ở Trung Quốc, ở Campuchia, ở Rumania…)

Lenin, một nhà chính trị mềm dẻo, đã nhận ra rằng chính quyền chắc chắn sẽ sụp đổ nếu họ cứ tiếp tục chính sách “cộng sản thời chiến” và ông tuyên bố chuyển sang “chính sách kinh tế mới (NEP), là một bước lùi so với các nguyên lí “cộng sản” mà họ vẫn rêu rao (nhiều Đảng viên phản đối quyết liệt), là chấp nhận chủ nghĩa tư bản (hiện cũng đang diễn ra ở Liên Xô), nhưng Lenin cũng khẳng định rằng bước lùi này chỉ là tạm thời.

Trong một thời gian rất ngắn người ta đã soạn lại và năm 1922 thì cho ban hành bộ luật lao động mới. Bộ luật đã được thông qua một cách vội vã và vì vậy mà được gọi là tạm thời, nhưng hóa ra nó đã tồn tại trong một thời gian rất dài sau đó. Luật lao động của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga ban hành năm 1922 mặc dù còn chương nói về nghĩa vụ lao động trong một số trường hợp đặc biệt, nhưng đã chuyển sang nguyên tắc hợp đồng lao động, nghĩa là sự thỏa thuận một cách tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động [3] .

Điều 36 qui định: “Người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động thực hiện công việc không liên quan đến lĩnh vực hoạt động mà người này được thuê, cũng như công việc nguy hiểm đến tính mạng hoặc không phù hợp với luật lao động”. Điều 24 của bộ luật lao động được thông qua vào năm 1971 cấm ban lãnh đạo đòi hỏi người lao động thực hiện công việc không ghi trong hợp đồng lao động, nhưng những việc nguy hiểm đến tính mạng và không phù hợp với luật lao động thì đã bị loại khỏi luật.

Các điều kiện của hợp đồng lao động còn xấu đi thêm vào năm 1988, nghĩa là trong giai đoạn cải tổ của Gorbachev: điều 24 cho phép ban giám đốc quyền thay đổi điều kiện hợp đồng lao động. Điều này vẫn viết một cách giả dối rằng việc thuyên chuyển người lao động chỉ có thể được thực hiện nếu người lao động đồng ý, nhưng nếu người lao động không đồng ý thì anh ta sẽ bị cho thôi việc theo khoản 6 điều 29! Một hành động mà chúng ta vẫn thường gọi là “ép buộc-tự nguyện [4] ”.

Phụ thuộc vào thời hạn mà hợp đồng lao động được chia thành: vô thời hạn (đa số hợp đồng thuộc loại này) và hợp đồng có thời hạn (đến 1 năm theo Luật lao động năm 1922). Hợp đồng có thời hạn chỉ được kí với nông dân (nghĩa là những người nông dân đi khỏi làng trong một thời gian), nhưng cấm kí với viên chức và công nhân có tay nghề cao. Sau đó, “coi như ngoại lệ” (một hình thức vi phạm pháp luật phổ biến của các cơ quan nhà nước) người ta đã cho phép kí các hợp đồng thời vụ với công nhân viên chức. Tổng cục giao thông Bắc Hải, rồi Tổng cục xây dựng Viễn Đông, sau đó là tất cả các tổ chức Cực Bắc với thời hạn đến 3 năm. Bộ luật lao động năm 1971 chỉ giữ lại thời hạn 3 năm, còn các hạn chế khác đều bị bãi bỏ (giống như bộ luật của đế chế Nga năm 1832, nhưng hạn chế lúc đó là để ngăn chặn tình trạng nô lệ). Được phép gia hạn hợp đồng. Hiện nay hợp đồng “thời vụ” càng ngày càng phổ biến.

Từ năm 1971 phụ nữ được quyền nghỉ có lương để chăm sóc con nhỏ cho đến 1 năm tuổi. Dĩ nhiên là khi người phụ nữ vắng mặt trong một thời gian dài như vậy thì người ta phải tìm người khác thế chỗ. Nhưng vấn đề là người thay thế sẽ bị cho nghỉ việc trên cơ sở nào, luật lao động không nói đến cơ sở như thế. Đặc biệt, nếu người phụ nữ thay thế có mang vào đúng lúc người được thay thế trở lại làm việc thì ban giám đốc không có quyền cho phụ nữ có thai nghỉ việc (điều 170 Luật lao động). Thực tiễn xét xử như sau: hội đồng về các vấn đề dân sự của Tòa án Tối cao Liên Xô phán quyết rằng đây là “hợp đồng thời vụ”, có thể bị hủy bỏ ngay khi hết hạn, không phụ thuộc vào việc ai bị cho nghỉ và người đó đang ở trong tình trạng như thế nào (Tập san của Tòa án Tối cao Nga, 1973, số 5, trang 10).

Trên cơ sở án lệ này của tòa án nước cộng hòa mà trong “Bình luận”, vốn được mọi người coi là văn bản pháp qui có hiệu lực toàn liên bang, đã viết: vì việc cấm cho nghỉ việc theo sáng kiến của ban giám đốc không liên quan đến những trường hợp như thế, nên các trường hợp này phải được coi là chấm dứt hợp đồng khi hết hạn [5] . Và thế là những người phụ nữ mang thai và những người phụ nữ đang nuôi con nhỏ bị cho nghỉ việc theo khoản 2 điều 29 Bộ luật lao động (“hết hạn hợp đồng”). Như vậy nghĩa là án lệ của nước cộng hòa đã xác lập tiêu chuẩn cho toàn liên bang.

Sau này, theo “thực tiễn đã hình thành” (tập quán) trong quyết định bổ nhiệm người ta thường ghi: “bổ nhiệm M. I. Ivanova… cho đến khi S. I. Petrova trở lại làm việc sau thời gian nghỉ đẻ”. Ở đây ta thấy rõ ý nghĩa của việc đánh tráo khái niệm: Bà Petrova nghỉ phép đến 1 năm, chứ không phải đúng 1 năm và có quyền trở lại làm việc bất cứ lúc nào và bà Ivanova sẽ bị cho nghỉ việc ngay ngày hôm ấy dù bà có ốm hay đang có mang cũng mặc! Có thể gọi đây là hợp đồng “có thời hạn” được không? Thế mà người ta gọi nó là hợp đồng “thời vụ” đấy, thịt chó, nhờ ý chí của pháp luật Liên Xô đã biến thành đậu phụ, nhà sư có thể bình tĩnh mà dùng được rồi.

Luật pháp cũng trù liệu việc đặt ra thời gian thử việc cho những người mới nhận việc, nhưng đồng thời pháp luật cũng xác định rõ một loạt hạn chế đối với quyền của người sử dụng lao động, thí dụ như thời hạn thử việc cho công nhân được xác định là 6 ngày, viên chức là 2 tuần và những vị trí có trách nhiệm cao là 1 tháng. Năm 1988 (thời “cải tổ” của Gorbachev) thời gian thử việc của tất cả mọi chức vụ là 3 tháng, còn nếu được công đoàn đồng ý (bao giờ họ cũng đồng ý cả) thì có thể nâng lên thành 6 tháng.

Gần như cùng lúc với việc áp dụng hệ thống căn cước trong những năm đầu thập kỉ 30 thì người ta cũng phát cho tất cả công nhân viên chức “sổ lao động” ngay từ khi kí hợp đồng lao động đầu tiên. Đấy là một thời khắc rất đáng nghiên cứu trong quá trình nô dịch người lao động. Cuối thế kỉ XIX, sau khi bãi bỏ chế độ chiếm nô ở nước Nga, chính phủ bắt đầu tiến hành cải cách dân luật bằng cách thu thập các kiến nghị của các cơ quan nhà nước và dân chúng. Nhiều địa chủ đề nghị áp dụng sổ lao động nhằm ngăn chặn người lao động tự ý bỏ việc. Mặc dù việc soạn thảo và thông qua bộ dân luật Nga không được thực hiện vì cuộc Chiến tranh thế giới Thứ nhất bắt đầu vào năm 1914, nhưng đề xuất của giới địa chủ không được đáp ứng trong bất kì phương án nào, điều đó chỉ trở thành hiện thực dưới chế độ “xã hội chủ nghĩa”. Sổ lao động ghi chép tất cả các số liệu về thời gian làm việc, những lần thuyên chuyển và cho thôi việc. Nó đi theo người lao trong suốt cuộc đời và loại trừ mọi khả năng tự ý bỏ việc chỗ này để chuyển sang làm việc ở một chỗ khác. Như vậy là chứng căn cước cột chặt người lao động vào nơi họ đang sống còn sổ lao động thì cột chặt họ vào chỗ đang làm.

Điều 44 bộ luật lao động năm 1922 xem xét 4 phương án chấm dứt hợp đồng lao động: a/ theo thỏa thuận của cả hai bên; b/ sau khi hợp đồng hết hạn; c/ sau khi công việc ghi trong hợp đồng không còn; d/ một trong hai bên tuyên bố chấm dứt hợp đồng. Hiện nay một điều khoản tương tự như vậy qui định 7 cơ sở cho việc chấm dứt hợp đồng lao động. Điều 46 bộ luật lao động năm 1922 cho phép người lao động được tự ý thôi việc, nhưng năm 1940 thì bị cấm, thậm chí bị đe dọa truy tố không chỉ người lao động mà cả ban lãnh đạo đồng ý cho người lao động nghỉ việc! Chỉ có một số trường hợp thí dụ như thương tật mới được coi là ngoại lệ. Có khác gì sống trong “pháo đài”!

Sau khi Stalin chết, năm 1956, trong giai đoạn “tan băng” luật lao động có được dân chủ hóa chút ít, thí dụ cho phép người lao động được tự ý nghỉ việc, với điều kiện phải thông báo trước 2 tuần. Nhưng đồng thời một số biện pháp tác động khác đối với người lao động lại được đem ra áp dụng: trợ cấp ốm đau phụ thuộc vào thời gian “làm việc liên tục”. Một trong những yêu cầu của những người thợ mỏ bãi công năm 1989 là hủy bỏ, theo đúng thuật ngữ của họ, luật “thời chiếm nô [6] ” (những người thợ mỏ thuyên chuyển theo nguyện vọng cá nhân bị tước phụ cấp).

Năm 1983, khi Andropov, cảnh sát trưởng, trở thành người đứng đầu “Đảng” và nhà nước thì các biện pháp nô dịch lại được tăng cường: người ta đã đưa ra, thí dụ, khái niệm lí do thôi việc chính đáng (các nguyên nhân này không nhiều) và lí do không chính đáng. Khả năng nhận được việc tốt hơn cũng bị coi là lí do không chính đáng. Trong trường hợp này phải báo cho ban lãnh đạo trước hai tháng và khả năng giữ thời gian làm việc “liên tục” bị giảm thiểu rất nhiều.

Trong khi khả năng chuyển chỗ làm của nhân viên bị hạn chế thì khả năng cho thôi việc của lãnh đạo lại tăng lên không ngừng. Khả năng cho nghỉ việc nhiều đến nỗi người ta phải ngụy trang cho nó. Thí dụ việc ban lãnh đạo cho nhân viên nghỉ việc khi người phụ nữ nghỉ đẻ đ làm như đã nói bên trên; việc cho nhân viên không vượt qua giai đoạn thử thách hoặc không chấp nhận thuyên chuyển sang công việc kém hơn v.v… đều không được coi là cho thôi việc. Trong bộ luật năm 1922 có 8 điều khoản như thế, luật năm 1971 có 10, sau đó thêm 3, còn bây giờ là 30, mặc dù chúng được ghi trong nhiều văn bản khác nhau và không được đưa vào luật. Cần nhớ rằng người ta có thể dùng “thực tế” để giải thích theo kiểu mở rộng thêm những điều khoản hiện có.

Bộ luật hiện hành cấm ban giám đốc cho nhân viên thôi việc mà không có sự đồng ý của ban chấp hành công đoàn. Cần phải nhận rằng ban đầu nguyên tắc này được các tòa án tuân thủ một cách nghiêm chỉnh đến nỗi nếu có sự vi phạm trong việc thỏa thuận (thí dụ không đủ số phiếu đại diện trong ban chấp hành công đoàn) thì ngay cả những kẻ say rượu hay những người thường xuyên bỏ việc cũng sẽ được phục hồi công tác ngay lập tức. Nhưng trong giai đoạn “cải tổ” của Gorbachev nguyên tắc này đã bị bãi bỏ. Người ta đã làm việc đó bằng cách xóa từ “trước” khỏi điều 35. Và điều luật đã thay đổi một cách căn bản: ban giam đốc cho nhân viên thôi việc; người này kiện ra tòa; tòa xác định rằng nhân viên bị cho thôi việc mà chưa có sự thỏa thuận của công đoàn, tòa sẽ gửi đơn kiện lại cho công đoàn, công đoàn có thể phục hồi công tác cho người nhân viên, trong trường hợp công đoàn không phục hồi thì đơn kiện sẽ được đưa trở lại tòa. Nhưng công đoàn thường đồng ý với ban giám đốc, còn khi chỗ làm việc đã có người khác chiếm rồi thì sắc xuất của việc phục hồi công tác là rất nhỏ. Cũng phải thấy rằng sự dây dưa nhất định sẽ xảy ra trong quá trình chuyển đơn từ tòa về công đoàn và ngược lại sẽ dẫn đến việc mất “thời gian công tác liên tục” và điều này cũng làm cho người lao động không muốn kiện tụng, hi vọng thì quá ít mà mất mát thì quá lớn.

Ở đây không có điều kiện và cũng không cần thiết phải xem xét tất cả các cơ sở buộc người lao động nghỉ việc, nhưng ta sẽ xem xét trường hợp cho nghỉ việc vì vắng mặt không lí do. Khởi kì thủy (từ thời còn Lenin) nghỉ việc 3 ngày liên tục hoặc 4 ngày trong một tháng mà không có lí do chính đáng thì bị cho thôi việc. Dưới thời Stalin chỉ cần vắng mặt tại chỗ làm 20 phút là đã bị đuổi việc, còn từ năm 1940 thì bị khởi tố hình sự! Vắng mặt lần đầu thường bị xử mấy tháng lao động cải tạo, tái phạm thì bị đưa đi trại, nơi 6 tháng làm việc (thường là đốn gỗ) cũng ngang với án tử hình! Trong giai đoạn “tan băng” của Khrushchev, vắng mặt một ngày không có lí do chính đáng là bị cho thôi việc. Dưới thời Andropov, người đã kịp thể hiện “sự lãnh đạo sáng suốt” trên cơ sở “củng cố kỉ luật lao động”, không có mặt tại vị trí công tác 3 tiếng đồng hồ (tổng số giờ) đã bị cho thôi việc, “nhà cải cách” Gorbachev giữ nguyên tiêu chí này.

Như vậy, xu hướng chung là quyền người lao động được vắng mặt tại vị trí công tác ngày một ít đi, trong khi quyền cho thôi việc của ban giám đốc lại tăng lên.

Vấn đề thanh toán cho người lao động cũng rất đáng chú ý cả từ quan điểm lịch sử cũng như quan điểm lí thuyết pháp luật. Điều 98 luật lao động qui định thanh toán cho người lao động ngay ngày thôi việc nếu anh ta không làm trong ngày hôm đó, nhưng không được muộn hơn một ngày sau khi anh ta đòi thanh toán. Sổ lao động cũng phải được trao trả ngay ngày hôm đó.

Điều 99 qui định nếu ban giám đốc không thể trả sổ lao động thì người công nhân được thanh toán với mức lương trung bình trong suốt thời gian sổ bị giữ (không có sổ thì không thể tìm được việc mới). Trong trường hợp thanh toán chậm thì người lao động cũng được lĩnh lương trung bình như đã nói ở trên, nhưng nếu trong thời gian đó anh ta tìm được việc mới thì số thực lĩnh của anh ta sẽ là lương trung bình của công việc cũ trừ đi lương thực lĩnh tại chỗ làm mới.

Nhưng nghị định ngày 24 tháng 11 năm 1978 của Tòa án Tối cao Liên Xô lại “giải thích” rằng nếu người lao động không tìm được việc làm mới mà “không có lí do chính đáng” thì yêu cầu thanh toán sẽ bị bác bỏ. Như vậy là tòa án đã bãi bỏ luật vì trong khi nhà nước vẫn tuyên bố rằng không có thất nghiệp thì người lao động không thể nào chứng minh được rằng anh ta không thể tìm được công việc mới. Năm 1988 (chính trong giai đoạn “cải tổ”) việc thanh toán do những chậm chễ nêu trên bị bãi bỏ hoàn toàn.

Đồng thời, theo truyền thống, để được thanh toán, người lao động phải xin chứng thực của các phòng ban rằng anh ta không còn nợ nần gì nữa. Không có tờ giấy như thế thì phòng tài chính sẽ không thanh toán. Nhưng cả tờ giấy đó cũng như nội dung của nó không hề được đề cập tới ngay cả trong các bài “bình luận” cho nên số chữ kí phải xin có thể rất nhiều và một ngày chưa chắc đã xong. Chưa xong thì người lao động không được lĩnh lương cũng không được nhận sổ lao động để chuyển sang công việc mới. Truyền thống này là không có ngoại lệ, nhưng ta không tìm thấy một lời nào trong các tác phẩm khoa học cả. Nước ta là thế, cái gì trái với lí thuyết thì cái đó coi như không tồn tại.

2. Thời gian lao động và thời gian nghỉ ngơi

Trong một thời gian dài Liên Xô vẫn tự khoe là có “ngày làm việc ngắn nhất” thế giới. Trên thực tế, sau cách mạng, lời hứa ngày làm việc 8 tiếng trong cương lĩnh thứ nhất của “Đảng” đã được thực hiện. Nhưng trong cương lĩnh cũng còn những lời hứa như tuyệt đối cấm làm việc thêm giờ, tuyệt đối cấm làm việc ban đêm trừ những công việc phải làm ban đêm vì điều kiện công nghệ và nhiều lời hứa khác nữa.

Sau khi cướp được chính quyền, trong cương lĩnh thứ hai đã không còn tuyệt đối cấm làm thêm giờ nữa mà chỉ cấm “về nguyên tắc”, làm đêm chỉ còn cấm đối với phụ nữ và trẻ vị thành niên.

Nhưng cương lĩnh thức hai nói rằng pháp luật còn tiến xa hơn những lời hứa trong cương lĩnh thứ nhất khi xác định thời hạn nghỉ phép là một tháng cho tất cả mọi người lao động! Nhưng thực ra, ngay lập tức viện cớ “áp lực của chủ nghĩa đế quốc thế giới”, cương lĩnh thực hiện một “bước lùi tạm thời”: phép năm là hai tuần (người lao động của chúng ta chờ đợi đã 70 năm rồi!) và thời gian làm việc ban đêm của trẻ vị thành niên được kéo dài lên thành 7 giờ một ngày v.v… Cương lĩnh cũng hứa rằng “sau này” sẽ qui định ngày làm 6 giờ với mức lương không đổi (chúng ta cũng đã chờ đợi 70 năm rồi).

Cương lĩnh thứ ba của Đảng Cộng sản Liên Xô còn hứa bạo hơn: đến năm 1970 ngày làm việc sẽ là 6 giờ (lại 6 giờ!), còn đến năm 1980 thì “Liên Xô sẽ trở thành đất nước có thời gian làm việc ngắn nhất, với năng suất lao động cao nhất và được trả lương cao nhất thế giới”, thời gian nghỉ phép hàng năm sẽ là một tháng (lại 1 tháng!). Xin bạn nhớ lại điều tôi đã nói về sáng kiến của những người Bolshevik: “chính sách cây gậy và lời HỨA về củ cà rốt!”

Những lời hứa đó được thực hiện như thế nào? Sau cách mạng, công nhân làm ngày 8 giờ, viên chức 6 giờ. Sau khi hiến pháp Stalin được thông qua thì thời gian làm việc được qui định là 7 giờ một ngày đối với tất cả mọi người, nhưng năm 1940, lấy cớ là Liên Xô buộc phải tham chiến khi chưa được chuẩn bị, người ta qui định chế độ làm việc 8 giờ một ngày, kể cả trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi. Trong thời gian chiến tranh, ngày làm việc kéo dài vô hạn định, nhất là tại các xí nghiệp quốc phòng, nghỉ phép bị bãi bỏ, ngày chủ nhật cũng không còn. Phải 15 năm sau ngày chiến tranh kết thúc chế độ làm việc 41 giờ một tuần mới được áp dụng, nhưng thời gian nghỉ phép vẫn là hai tuần cho mãi đến tận năm 1968, sau đó thời gian nghỉ phép được kéo dài thêm 3 ngày, nhưng những người có thời gian nghỉ phép dài hơn 2 tuần thì lại bị rút lại còn 2 tuần cộng 3 ngày.

Năm 1980 là thời hạn để “Đảng” thanh toán những lời hứa hẹn về việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản và nhiều lời hứa về đủ thứ khác. Nhưng Đảng đã lờ hoàn toàn cho đến năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Gorbachev người ta đã thông qua cương lĩnh thứ ba (cương lĩnh Khrushchev) đã được “hiệu đính”, lần này thì tất cả mọi lời hứa đều không còn số liệu và thời hạn cụ thể theo kiểu: “nguồn tài sản sẽ tuôn chảy dồi dào”, nhưng không nói khi nào.

Ngày làm việc thực tế của công nhân dài hơn rất nhiều vì phải làm thêm giờ và làm việc trong các ngày nghỉ. Xảy ra chuyện này là do trong nền kinh tế “kế hoạch” mười ngày đầu tháng chỉ thực hiện được 10-15% kế hoạch, mười ngày sau thực hiện được 15-20%, mười ngày cuối cùng phải chạy đua và công nhân phải làm 14 giờ một ngày, không có cả thứ bảy lẫn chủ nhật [7] .

Bất chấp pháp luật, người lao động phải làm thêm giờ ở cả những nơi bị tuyệt đối cấm vì điều kiện độc hại hoặc nguy hiểm tới tính mạng. Một cuộc điều tra chính thức sau vụ tai nạn đường sắt cho thấy cả lái chính và lái phụ đều ngủ gục [8] . Hóa ra theo qui định chỉ được làm thêm không quá 120 giờ một năm (chính phủ Sa hoàng trước năm 1917 cũng đã qui định như thế) thì chỉ trong tháng 11 người lái tàu bị thiệt mạng là Djioev đã làm ngoài giờ tới 103 tiếng đồng hồ!

Còn “công đoàn”? Họ có theo dõi thời gian làm việc ngoài giờ, nhưng không phải theo dõi việc tuân thủ pháp luật (pháp luật chỉ cho phép làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt: tai nạn, thảm họa hoặc để ngăn chặn các vụ tai nạn hay thảm họa v.v…) mà là để tránh bội chi. Không phải là để bảo vệ công nhân mà là bảo vệ quyền lợi của nhà nước (lương trả cao cho thời gian làm thêm sẽ dẫn đến bội chi quĩ lương đã được ấn định trong kế hoạch). Vì vậy các ban giám đốc phải tìm cách che dấu việc làm thêm giờ hoặc sử dụng các hình thức “lao động tình nguyện” dưới dạng “ngày thứ bảy cộng sản” chẳng hạn [9] .

Pháp luật qui định thời gian lao động của các nhân viên y tế là 6 giờ một ngày. Nhưng người ta đã nghĩ ra cho họ việc “kiêm nhiệm” hoặc công việc “hưởng nửa lương”. Đây đúng là một sự bịp bợm điển hình vì kiêm nhiệm là “giữ đồng thời, ngoài chức vụ chính, một chức vụ có lương khác,… cũng như làm một công việc có lương khác [10] ”, nghĩa là một việc khác. Ở đây, nói theo đúng pháp luật là một công việc làm thêm thường xuyên, ở ngay tại vị trí đó nhưng chỉ được trả một lần rưỡi lương. Họ phải làm việc 9 giờ một ngày (18 giờ làm thêm một tuần, trong luật chỉ cho phép làm thêm tối đa 10 giờ một tuần), nhưng tiền công lại không tăng (hai giờ làm thêm đầu tiên được hưởng lương gấp rưỡi, các giờ sau gấp đôi). “Ai cũng biết điều đó (việc kiêm nhiệm của các nhân viên y tế – tác giả) được áp dụng khắp nơi. Biện pháp này cần thiết vì hai lí do. Thứ nhất, không một bác sĩ hay y tá nào có thể sống nếu chỉ dựa vào tiền lương. Ngoài ra việc thiếu nhân viên y tế có tay nghề bậc trung đã trở thành vấn đề nghiêm trọng (cũng do đồng lương thấp và uy tín nghề nghiệp không cao) (Nước Nga Xô viết, ngày 22 tháng 11 năm 1989. Tác giả nhấn mạnh.)

Các ông chủ không từ một thủ đoạn nào, với sự đồng ý của các gia nhân “công đoàn” để kéo dài thêm ngày làm việc của người lao động! Thế cho nên thời gian làm việc của thợ mỏ được tính từ lúc anh ta bước vào hầm lò; thời gian thay quần áo, xếp hàng đợi… được coi là thời gian… nghỉ! Chỉ sau những cuộc đình công năm 1989 nguyên tắc này mới được bãi bỏ.

Theo quyết định số 184 của Bộ trưởng Bộ năng lượng công bố năm 1969, nếu không có sự cố thì các thợ điện trực chỉ tính 75% thời gian trực (trong quyết định gọi là thời gian “làm việc thụ động”) và nếu người thợ trực 12 giờ thì trong bảng chấm công sẽ chỉ ghi 9 giờ, thời gian còn lại phải làm thêm trong ngày nghỉ! Một người cựu chiến binh tên là A. Mikhailov đã bị đuổi việc vì không chịu đi làm vào ngày nghỉ! Công đoàn không đồng ý cho thôi việc, thế là ban giám đốc quyết định cảnh cáo và cắt tháng lương thứ mười ba (cắt thưởng, nghĩa là phạt). Lần này thì công đoàn đồng ý. (Lao động ngày 10 tháng 11 năm 1989)

Không thể không nói đến hiện tượng sử dụng ngày nghỉ của người lao động vào những việc bên ngoài xí nghiệp: ngày nghỉ họ bị đưa đi làm các công việc đồng áng. Trong các hợp đồng tập thể “công đoàn” thường đưa các điều kiện đó vào như là điều kiện bắt buộc và thế là họ đã hợp pháp hóa các biện pháp trừng phạt của ban giám đốc đối với những người không chịu tham gia những chuyến đi như thế trong những ngày nghỉ mặc dù điều 5 luật lao động đã tuyên bố không chấp nhận những điều kiện làm xấu thêm tình cảnh của người lao động so với những điều kiện đã được pháp luật qui định.

Trong việc xây dựng nhà ở gọi là “nhà nước và nhân dân cùng làm” (bằng phương tiện của chính xí nghiệp), công nhân (nhất là những người muốn nhận nhà) thường phải tự mình hay nhờ người thân và bạn bè làm thêm ngoài giờ với định mức là 30 giờ cho mỗi mét vuông diện tích được phân phối (một căn hộ 50 mét vuông phải làm thêm 1500 giờ hay là 4 giờ làm thêm mỗi ngày trong một năm. (Tin tức ngày 29 tháng 12 năm 1986).

Bức tranh sẽ không trọn vẹn nếu không nói tới một hiện tượng phổ biến là huy động người dân làm các “công việc xã hội” ở nơi cư trú: dọn dẹp rác rưởi hay tuyết trên đường phố, động viên dân chúng đi xúc tuyết trên đường sắt, trực ban, đi tuần tra và nhiều việc khác.

3. Tiền lương. Bảo đảm và đền bù [11]

Trước các “nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx-Lenin” vấn đề tiền lương không được đặt ra vì trong chế độ cộng sản thì tiền, “tàn dư của chế độ bóc lột ngày hôm qua” (V. Lenin), sẽ bị bãi bỏ, và chỉ còn lại việc phân phối các sản phẩm tiêu dùng, giai đoạn đầu “theo lao động”, còn giai đoạn sau thì “theo nhu cầu [12] ”.

Nhưng sau khi cướp được chính quyền và với sự tan hoang của nền kinh tế vấn đề này đã trở thành nghiêm trọng. Bắt đầu những cuộc tìm kiếm vô vọng (hiện nay vẫn còn tiếp tục) hình thức trả lương. Không thể nào mô tả hết được những cuộc tìm kiếm ấy. Lúc thì trả lương bình quân, rồi lại kêu rằng như thế là “cào bằng” và chuyển sang “khoán sản phẩm [13] ”. Lúc thì đưa tỉ lệ phần thưởng lên, lúc chuyển sang giữ phần lương cố định là chủ yếu. Lúc thì người ta ca ngợi sự quan tâm của cá nhân, rồi sau lại chuyển sang hình thức trả lương theo tổ, đội với sự bao che và phân phối tiền lương theo “hệ số tham gia” của mỗi người. Điều này đã gây ra các cuộc tranh chấp về tiền lương tại từng tổ sản xuất, nhưng không hề làm cho năng suất tăng thêm được một chút nào vì để tránh những cuộc xung đột nội bộ, công nhân đành phải chia đều.

Sau “cách mạng tháng Tư” và bắt đầu “công cuộc cải tổ” các nhà kinh tế học như bà Tatiana Zaslavskaia nổi tiếng nọ, được sự tiếp tay của lãnh đạo [14] đã hò hét lên rằng người lao động “nhận lương quá cao so với thành quả lao động”, theo họ, mức lương như thế đảm bảo một cách chắc chắn nhu cầu của tiêu dùng bất chấp kết quả lao động và vì vậy không kích thích người ta làm việc. (tạp chí Người cộng sản, số 13)

Họ kêu gọi “chuyển sang hạch toán kinh tế toàn diện” (nhân tiện xin nói rằng việc chuyển sang hạch toán kinh tế đã hoàn thành vào năm 1922, nhưng hiện nay cũng chẳng ai biết mặt mũi nó như thế nào [15] ), chuyển sang “thuê thầu” (cũng là khái niệm hũ nút vì thuê và thầu là hai việc khác nhau). Người ta còn nói đến cả việc thuê xí nghiệp rồi sau đó mua làm tài sản tập thể, thậm chí… thành tài sản tư nhân nữa (tội nghiệp cho ông Marx quá!). Thực ra đây mới chỉ là những câu chuyện. Tất cả những chuyện này là để khuyến khích người lao động, “tạo cho anh ta cảm giác người làm chủ”. Nói trắng phớ ra, bộ máy đã vất bỏ màn khói mác-xít và đang đi tìm những hình thức áp bức mới về mặt kinh tế.

Nhưng ước mơ của “các đại biểu nhân dân” như Zaslavskaia, Bunich và Ко không thể nào trở thành hiện thực được: mọi hình thức độc lập của người lao động, mọi hình thức, trong đó người lao động có thể trở thành người chủ, dù chỉ một phần, sẽ tước bỏ quyền lực kinh tế của những kẻ cầm quyền, những kẻ đang nắm quyền sẽ không bao giờ chấp nhận. Không có ý định trở thành nhà tiên tri nhưng tôi xin nói một cách chắn chắn rằng “công cuộc cải cách kinh tế” của Gorbachev cũng sẽ thất bại như tất cả các cuộc cải cách trước đây mà thôi. Mà thực ra nó cũng đang phá sản rồi [16] !

Điều 118 hiến pháp Stalin “bảo đảm” trả công cho người lao động “phù hợp với số lượng và chất lượng công việc”. Công thức này cũng đi vào hiến pháp Brezhnev, có kèm thêm một đoạn như sau: “không thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước qui định”. Chúng ta đã xác định ở trên rằng trong “chủ nghĩa xã hội” không thể có một tiêu chuẩn chất lượng và số lượng lao động nào hết. Các nhà khoa học chuyên nói leo không thể nào giải thích được vì sao lương của một bác sĩ trẻ chỉ là 110 rub, còn sau đợt tăng lương gần đây một thủ thư tốt nghiệp đại học lại được nhận những 140 rub một tháng. Sẽ hiểu thể nào khi Tổng cục Thống kê công bố rằng lương trung bình hiện nay là 240 rub, nghĩa là lương bác sĩ trẻ không bằng một nửa mức lương trung bình? Thực ra, cũng như trước đây, số liệu của Tổng cục Thống kê trong “giai đoạn cải tổ” cũng bị giả mạo vì những kẻ nắm quyền không thể từ bỏ các số liệu “chứng tỏ sự cải thiện không ngừng đời sống của người lao động [17] ”.

Thứ hai, cần phải phân biệt tiền công và tiền lương do pháp luật qui định, vì, thí dụ gần như tất cả các bác sĩ đều làm “gấp rưỡi”, như vậy là một bác sĩ trẻ “sẽ được” 165 rub, còn người công nhân, do làm thêm giờ nên cũng “được” nhiều hơn (thợ máy hỏa xa đến 500-600 rub), nhưng giá phải trả là gì [18] ? Là sức khỏe, là tai nạn lao động, có cả những trường hợp tử vong!

Thứ ba, cần phải tính đến đồng lương thực tế, lạm phát, một hiện tượng mà các nhà khoa học cố tình phủ nhận, như họ từng phủ nhận các hiện tượng như thất nghiệp, mại dâm. Ở ta chưa bao giờ người ta làm cái việc tính tiền lương tối thiểu dựa trên những khoản chi phí cần thiết cho gia đình, một điều mà công đoàn các nước phương Tây thường làm. Tiền lương thực tế ở nước ta chỉ bằng khoảng một phần mười so với Mĩ (Moskva buổi chiều, ngày 27 tháng 12 năm 1988).

Cũng phải thấy rằng tỉ lệ quĩ lương trong tổng thu nhập quốc dân ở Mĩ gần như không đổi, còn ở nước ta thì giảm, ngay cả so với thời Sa hoàng: 54,8% năm 1908, 36,6%. năm 1985 (Moskva buổi chiều, ngày 27 tháng 12 năm 1988).

Nếu tính hết các khoản này thì ở nước ta không phải là 40 triệu người sống dưới mức nghèo khổ như người ta tuyên truyền mà con số phải lớn hơn nhiều.

Mỗi khi phải công nhận rằng lương ở nước ta thấp, các nhà lãnh đạo của chúng ta, theo đuôi họ là các “nhà khoa học”, rất thích viện dẫn đến “quĩ tiêu dùng xã hội” mà có vẻ như người lao động có thể muốn xúc bao nhiêu thì xúc. Thế là Đại hội XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô hứa (lạy Chúa tôi! lại “hứa”!) rằng vào năm 1991 quĩ này sẽ là 600 rub trên “một đầu người” (không phải người đi làm!). Thứ nhất, ai có thể kiểm tra? Thứ hai, việc chi tiêu không bao giờ được công bố, nhưng ai cũng biết rằng nó được phân phối một cách rất tùy tiện. Tầng lớp cán bộ giành giật được “miếng bánh” lớn nhất từ chính quĩ này dưới dạng các nhà an dưỡng cao cấp (trong vai một khách thăm quan, tôi đã từng đến một nhà an dưỡng như thế và hai tuần sau vẫn chưa tỉnh hồn), nhà nghỉ, có oshin, bệnh viện đặc biệt v.v… làm cho nhân dân rất bất bình [19] .

Nói về đặc lợi, đây không phải là thói ghen tức nhỏ nhen đối với người hàng xóm giầu có hơn mình mà là một vấn đề mang tính chính trị nghiêm túc. Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, Lenin đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu của Marx về việc trả lương đồng đều cho công nhân và viên chức. Toàn bộ vấn đề là khi người viên chức có đặc lợi thì anh ta không thể biết các nhu cầu của công nhân, không hiểu điều kiện sống và lao động của họ, không biết những sự vất vả khi phải xếp hàng mua thực phẩm và sự khan hiếm, sự nghèo đói, sự chen lấn trên các phương tiện giao thông mỗi ngày và anh ta sẽ không nghĩ đến việc cải thiện… Đơn giản là anh ta không nhìn thấy! Vì vậy yêu cầu loại bỏ đặc lợi là một phần của cuộc đấu tranh chính trị, không phải để tạo nên chế độ “cào bằng” mà là chế độ bình đẳng.

Tôi cho rằng việc một nhạc sĩ có tài được nhận nhuận bút cực kì cao, anh ta có xe hơi, nhà lầu là chuyện hợp lí, nhưng tôi không thể chấp nhận việc có những cửa hàng mà tôi không có quyền vào vì tôi không thuộc tầng lớp “cán bộ”.

Tôi biết rằng tôi không có tài năng bằng Sviatoslav Rikhter, nhưng tôi tin chắc rằng đa số chúng ta không ngu hơn Trenenko, “Đảng” trưởng và người đứng đầu nhà nước, ông ta sống sung sướng hơn Rikhster nhiều, mà lại sống trên lưng chúng ta!

Xô Viết Tối cao Liên Xô thời “cải tổ” đã bầu E. Primakov làm chủ tịch ủy ban đấu tranh với tệ đặc lợi. Đấy là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của tầng lớp mafia đặc lợi ngay từ thời Brezhnev, một người thường xuyên xuất hiện ở nước ngoài, khi thì trong đoàn đại biểu của các tổ chức “xã hội”, lúc thì đại diện cho chính phủ. Dĩ nhiên là ủy ban của ông ta đấu tranh chống lại việc “cào bằng” và ủng hộ đặc lợi “hợp pháp”. (Thư kí ủy ban này là E. Panfilova, “đại diện công đoàn”). Ở đâu Primakov cũng lôi cách giải thích của Gorbachev ra nói với công nhân: “Các đồng chí có trạm xá trong nhà máy thì tại sao các cán bộ làm việc trong Ban chấp hành trung ương lại không có quyền có trạm xá như thế?”. Cuộc đấu tranh kết thúc ở đâu? Khi các đặc quyền đặc lợi chuyển từ “cán bộ Đảng” sang “các nhà dân chủ” thì người ta cũng giải tán ủy ban.

Không thể không nói tới rất nhiều ưu tiên ưu đãi phi vật chất, nhưng cuối cùng lại có giá trị vật chất rất lớn: những chuyến đi nước ngoài (người ta còn phân biệt cả những người “đã đi nước ngoài” và những “người chưa đi nước ngoài” nữa kia), sắp xếp con em vào học trong những trường phổ thông và đại học đặc biệt [20] (kể cả các trường ở phương Tây), khi ra trường thì được bố trí vào những chỗ “ấm”, được phân phối trước căn hộ đầy đủ tiện nghi, được nhận nhà nghỉ của nhà nước v.v…

Và cuối cùng, như đã nói bên trên, tầng lớp “cán bộ” luôn luôn được cấp dưới cúng nạp. Hiện tượng tham nhũng rộng khắp là đặc thù của tất cả các nước “xã hội chủ nghĩa”, thậm chí ngay ở các cấp lãnh đạo cao nhất của bộ máy Đảng (Ceausescu, Zhivkov, Honecker v.v…)

Sự chênh lệch giữa giá cả lương thực thực phẩm và hàng công nghiệp so với đồng lương và đặc biệt là lương hưu cao đến nỗi (tôi sẽ không đưa ra thí dụ ở đây) bất kì độc giả nước ngoài nào cũng sẽ cho rằng đấy là một sự vu khống và sẽ hỏi: làm sao sống?

Xin trả lời câu hỏi này. Ông F. Burlatsky, đã nói đến bên trên, kể lại rằng có lần các cộng sự của Brezhnev đã đề nghị ông ta tăng lương vì nhân dân không thể nào sống được với đồng lương như thế và được ông ta trả lời như sau: “Ôi dào! Các vị chẳng hiểu gì cả! Có ai sống bằng lương đâu. Tôi còn nhớ, thời còn học trung cấp chúng tôi phải làm thêm bằng cách dỡ hàng ra khỏi các toa xe lửa. Có biết làm thế nào không? Cứ ba bao hay ba thùng đưa vào kho thì giữ lại một thùng. Ở nước ta mọi người đều sống như thế cả (Báo Văn học, ngày 14 tháng 9 năm 1988). Trí tuệ và đạo đức của người đứng đầu “Đảng cộng sản” và quốc gia là như thế đấy. Trong khi đó “đa số tuyệt đối những người làm trong bộ máy quản lí phải lạy van ông ta (Brezhnev), nhận dưới thời ông ta các danh hiệu, chức tước, huân huy chương, nhà nghỉ, hối lộ [21] ”. Nhưng Brezhnev đã nói đúng. Chỉ có tầng lớp trên của xã hội là có thể sống được bằng tiền lương (nhưng như đã được chỉ ra ở đây, họ cũng không sống bằng tiền lương). Những người khác thì sống thế nào?

Trước hết là bằng cách ăn cắp của nhà nước, ăn cắp là hiện tượng phổ biến và về mặt kinh tế thì là một phương tiện phân phối lại tổng sản phẩm quốc dân. Vì vậy mà không thể nào hạn chế được, dù các biện pháp trừng phạt có nghiêm khắc đến đâu. Không biện pháp bảo vệ nào có thể cứu vãn được vì nếu lương của người bảo vệ là 120 rub, mà anh ta còn phải nuôi vợ con, chính anh ta sẽ ăn cắp.

Thứ hai, dựa vào các hoạt động phạm pháp đủ mọi loại. Các loại tội phạm: trộm, cướp, đặc biệt là đầu cơ đang ngày một gia tăng.

Thứ ba, nhờ ăn của đút. Không chỉ tầng lớp cán bộ mà cả các bác sĩ, y sĩ, y tá, giáo viên, giảng viên các trường đại học, các cô bảo mẫu các trường mẫu giáo, nhân viên bán hàng v.v… đều có thể ăn đút lót. Họ “ăn” cả tiền lẫn “quà”. Việc này ai cũng biết, chẳng cần chứng minh.

Thứ tư, làm thêm (làm thêm giờ, kiêm nhiệm, nhận thêm việc về nhà và nhiều hình thức khác nữa).

Cuối cùng, thứ năm, họ không sống. Chúng tôi không biết các số liệu thực, nhưng các số liệu hiện có cũng chứng tỏ tỉ lệ tử vong cao, nhất là ở trẻ con, tuổi thọ thấp so với các nước “tư bản chủ nghĩa”, nơi không có tính “ưu việt của chủ nghĩa xã hội” mà các lãnh tụ “Đảng”, kể cả Gorbachev thường ca tụng.

Trong hai cương lĩnh đầu của “Đảng” không hề có một chỉ dẫn nào về việc tổ chức trả lương. Sau cách mạng, người ta vẫn làm theo lối cũ tức là trả lương theo thỏa thuận, nhưng chẳng bao lâu sau các chính quyền địa phương đã bắt đầu qui định biểu lương và lương tháng. Nghị định của Hội đồng dân ủy Liên Xô ngày 3 tháng 12 năm 1932 cấm tăng lương khi chưa được phép của chính phủ Liên Xô cho từng trường hợp cụ thể. Còn nghị định của Hội đồng dân ủy Liên Xô ngày 4 tháng 6 năm 1938 thì cấm các bộ và tổng cục, thậm chí chính phủ các nước cộng hòa liên bang ban hành các chỉ thị về việc qui định tiền lương nếu chưa được Hội đồng dân ủy Liên Xô cho phép, nghĩa là đã hình thành sự độc quyền của nhà nước trong việc trả lương. Trong cương lĩnh thứ ba, “Đảng” đã hứa cho nhân dân một mức lương cao nhất thế giới.

Bây giờ người ta tuyên bố “chuyển sang thị trường”. Thế là tất cả những người mác-xít bỗng “quên” biến mất rằng sức lao động chính là hàng hóa chủ yếu trên thị trường. Mà “thị trường” chỉ khả thi khi không còn sự độc quyền của nhà nước đối với việc xác định mức lương mà thôi. Ngay cái tài liệu không tưởng nổi tiếng gọi là “Kế hoạch 500 ngày” cũng không nói đến chuyện này.

Sau khi đã trình bày tình hình thực tế của vấn đề tiền lương, một việc mà các nhà luật học nước ngoài viết về luật pháp Liên Xô chưa bao giờ làm, mà không làm việc đó thì tất cả những gì được viết về tiêu chuẩn pháp lí đều thiếu thuyết phục (gọi là luật trên giấy), chúng ta sẽ chuyển sang một số vấn đề pháp lí về tiền lương, cũng là những vấn đề rất đáng quan tâm.

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga do Lenin viết đã hứa cấm hoàn toàn việc “trừ tiền lương vì bất cứ lí do gì và với bất cứ mục đích nào”. Vì vậy bộ Luật Lao động năm 1918 không có bất kì qui định khấu trừ nào từ tiền lương, một việc mà sau này các nhà khoa học của chúng ta gọi là “lỗ hổng”. Trong bộ Luật 1922 lần đầu tiên xuất hiện qui định về việc chế tài khi những thiệt hại do người lao động gây ra, nhưng không quá 1/3 tiền công và chỉ một lần, nghĩa là trở lại luật pháp của nước Nga Sa hoàng năm 1896, theo đó tất cả các loại tiền phạt và bồi thường không được vượt quá 1/3 tiền lương. Sự phát triển của luật pháp về trách nhiệm vật chất sẽ được trình bày sau, xin tiếp tục nói chuyện khấu trừ.

Việc khấu trừ tiền lương được thực hiện theo điều 289 bộ luật tố tụng dân sự, theo đó phần tiền lương tương ứng với mức lương tối thiểu cho bậc 1 trong hệ thống bảng lương không bao giờ bị khấu trừ. Mức lương tối thiểu do chính quyền địa phương qui định. Nếu phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra thì người lao động được giữ lại mức tối thiểu đó, và trong bất kì trường hợp nào thì anh ta cũng chỉ bị khấu trừ 50% số tiền vượt ngưỡng tối thiểu nói trên mà thôi. Nhưng mức lương tối thiểu được qui định lần cuối cùng là vào năm 1927 (kỉ niệm mười năm Cách mạng Tháng Mười!), các nhà luật học Xô viết giải thích việc đó như sau: “Vì tiền lương ở Liên Xô đã tăng lên rất nhiều (?!) nên khái niệm mức lương tối thiểu theo điều 59 bộ Luật Lao động đã không còn ý nghĩa với bất kì một nhóm công nhân nào nữa [22] ”. Thật y hệt như trong một câu chuyện tiếu lâm rằng tầu hỏa từ nay không còn toa cuối. Như vậy là không còn mức lương tối thiểu.

Điều 289 bộ luật tố tụng dân sự không còn được áp dụng mà không có bất kì lời giải thích nào (“lệ đã vô hiệu hóa luật”) và định mức khấu trừ từ phần vượt ngưỡng tối thiểu được áp dụng cho toàn bộ tiền lương. Sau này người ta còn đưa ra qui định rằng các loại thuế cũng được áp dụng cho toàn bộ tiền lương, không phụ thuộc vào các thứ khấu trừ khác [23] . Nghĩa là qui định giới hạn mức khấu trừ một nửa lương được áp dụng cho phần tiền lương còn lại sau khi đã đóng thuế.

Năm 1956 mức lương tối thiểu được phục hồi (theo giá hiện nay là 35 -37 rub!). Các nhà khoa học lại đồng thanh ca ngợi “sự quan tâm của Đảng và chính phủ”, mặc dù về mặt lí thuyết thì điều đó chứng tỏ sự sụt giảm tiền lương ở Liên Xô. Bộ luật tố tụng dân sự năm 1923, và cùng với nó là điều 289, không bị bãi bỏ một cách chính thức và việc khấu trừ được thực hiện sau khi đã trừ đi mức tối thiểu nói trên! Nhưng người ta đã “quên”! Không một luật sư nào nhắc đến chuyện đó cả!

Sau đó mức giới hạn 50% cũng bị bãi bỏ đối với những trường hợp bị buộc cưỡng bức lao động tại chỗ cùng với việc khấu trừ đến 80%. Và cuối cùng, trong giai đoạn “cải tổ và dân chủ hóa” giới hạn khấu trừ và giới hạn giữ lại cho việc cấp dưỡng bị bãi bỏ hoàn toàn. Vì số tiền cấp dưỡng trong một số trường hợp có thể chiếm đến 50% tiền lương, cho nên về mặt pháp lí số tiền bị khấu trừ, theo đúng luật, có thể vượt quá 100% tiền lương! Tôi biết rằng các nhà luật học phương Tây có thể không tin điều vô lí như thế nên tôi xin trích dẫn điều 125 bộ luật lao động Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga: “Những hạn chế nói trong phần một và phần hai của điều luật này (về việc bảo đảm 50% tiền lương “trong bất kì trường hợp nào” – tác giả) không được áp dụng trong trường hợp khấu trừ tiền lương do phải cưỡng bức lao động (đến 80%) và trừ để cấp dưỡng trẻ vị thành niên (đến 50% – tác giả).

Thế đấy, từ “hoàn toàn không trừ” trong những lời hứa đầu tiên của những “người cộng sản” đến việc trừ hơn 100% được xác định dưới chế độ của Gorbachev, “nhà cải cách” và con cưng của phương Tây là quá trình phát triển của nền luật pháp Liên Xô về những bảo đảm của chế độ tiền lương, phương tiện sống duy nhất của công nhân viên chức được pháp luật bảo hộ. Có cần lật đổ Sa hoàng Nikolai đệ nhị không?

Luật về trách nhiệm vật chất gây ra cho người sử dụng lao động cũng phát triển theo hướng đó. Ban đầu, trong Luật lao động năm 1918 trách nhiệm này hoàn toàn không được xác định. Theo Luật năm 1922 người lao động phải chịu 100% trách nhiệm thiệt hại vật chất do mình gây ra, nhưng không vượt quá 1/3 tiền lương. Sau đó thì “thực tiễn xét xử đã vượt qua luật pháp”: trong năm 1925 Tòa án Tối cao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga đã “giải thích” rằng trong trường hợp hợp tác xã không giao đủ hàng thì tòa án sẽ kiện những nhân viên có lỗi theo các điều khoản của bộ luật dân sự. “Như vậy là”, các khoa học viết, “thiếu sót của luật lao động được chỉ đạo giải quyết theo các điều khoản tương tự của luật dân sự [24] ”. Các nhà khoa học hoặc là cố tình lừa dối độc giả hoặc là họ không hề biết những yêu cầu của cương lĩnh thứ nhất của Đảng “cộng sản” về việc “hoàn toàn không khấu trừ”. Trong năm đó lời “giải thích” như thế được áp dụng cho cả các nhân viên của hệ thống mậu dịch quốc doanh. Các “điều khoản pháp lí” của Tòa án Tối cao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga “sau này đã biến thành luật”, như các nhà khoa học viết, trong các nghị định của Hội đồng dân ủy Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga ngày 27 tháng 7 năm 1927 và ngày 20 tháng 4 năm 1928 [25] .

Ngày 12 tháng 6 năm 1929 Ban chấp hành trung ương và Hội đồng dân ủy Liên Xô ban hành lần đầu tiên nghị định về trách nhiệm vật chất của công nhân viên chức, nghị định này sau đó được chuyển vào Luật lao động của các nước cộng hòa. Trong những năm 1930-1932 mức độ trách nhiệm vật chất được thay đổi theo hướng tăng dần và kết quả là trách nhiệm vật chất nâng lên đến một tháng, rồi ba tháng lương. Lĩnh vực trách nhiệm vật chất cũng rộng dần ra và lần đầu tiên xuất hiện khái niệm “trách nhiệm tăng cường” nghĩa là phải đền bù gấp mấy lần thiệt hại đã gây ra (nghĩa là nếu thiệt hại là 100 rub nhưng bị thu 500 rub thì 100 rub là đến bù còn 400 rub là tiền phạt). Nhưng chuyện này hoàn toàn trái với những lời tuyên bố rằng trong luật lao động Liên Xô không có chuyện phạt tiền nên các nhà khoa học lại tìm được một lối thoát độc đáo: chuyện này, họ giải thích, không phải là trách nhiệm tăng cường mà chỉ là cách tính thiệt hại mà thôi! Các nhà làm luật Liên Xô và những nhà khoa học ăn theo nói leo của họ hành động không khác gì các nhà công nghiệp ở Vladimir hồi thế kỉ XIX mà Lenin đã kịch liệt phê phán: “Phương pháp của những nhà công nghiệp ở Vladimir là gì? Là không sử dụng từ phạt, mà thay nó bằng những từ khác” (bài báo “Giải thích pháp luật về tiền phạt”).

Sắc lệnh của Chủ tịch đoàn Xô viết Tối cao Liên Xô ngày 13 tháng 7 năm 1976 còn qui định mức độ trách nhiệm vật chất cao hơn nữa. Ở đây cần dừng lại để xem xét trách nhiệm vật chất tập thể, còn gọi là trách nhiệm của toàn tổ. Đây là một qui định vi phạm pháp luật bởi vì nó buộc người không có tội phải chịu trách nhiệm, tức là phải chịu trách nhiệm vì lỗi của người khác. Tuy không được luật pháp xác nhận, nhưng qui định này đã được đưa vào áp dụng trong hệ thống mậu dịch quốc doanh, bằng các văn bản của Bộ thương mại và sau đó thì áp dụng trong các ngành như công nghiệp, giao thông vận tải và các ngành khác, bằng văn bản hướng dẫn của các bộ hữu quan. Sau đó thì qui định này được luật hóa trong Qui định năm 1976. Tờ tạp chí “Tư pháp Xô viết”, số 18 năm 1976 đã viết về sự kiện này như sau: “Với việc thông qua qui định này, trách nhiệm vật chất tập thể (tổ) đã trở thành luật”. Thế còn từ đầu những năm 30 thì sao? Câu trả lời chỉ có một: trái pháp luật! Nhưng dù đã được đưa “thành luật” nó vẫn là bất hợp pháp. Nhưng các luật sư của chúng ta vẫn tìm được “lối thoát”: đây là việc làm tự nguyện! Nếu bạn không muốn chịu trách nhiệm về việc người khác đã ăn cắp thì xin cứ bỏ việc đi! Còn nếu bạn không chịu kí hợp đồng về trách nhiệm vật chất của toàn đội thì ban giám đốc sẽ cho bạn nghỉ việc!

Như vậy, chúng ta có thể rút ra kết luận chung như sau: chính sách của Đảng cộng sản là tiến dần đến độc quyền về việc qui định tiền lương, biến tiền lương từ phương tiện sống của người lao động và gia đình họ thành ngọn roi; đi từ lời hứa về việc cấm trừ tiền lương sang việc trừ một trăm phần trăm; từ việc có một số bảo đảm pháp luật về mặt tiền công đến việc loại bỏ hoàn toàn những bảo đảm như vậy. Đồng thời nhà nước lại muốn tạo ra một hệ thống lương bổng khuyến khích tăng năng suất lao động với mức lương thấp nhất và khấu trừ cao nhất có lợi cho mình, nghĩa là họ muốn dung hòa những điều không thể nào dung hòa được.

Tất cả những chuyện đó đều có thể được biện hộ bằng kết quả vì trong chế độ xã hội “xã hội chủ nghĩa” mục đích biện minh cho phương tiện. Nhưng các sự kiện lại chứng tỏ: năng suất lao động trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày càng suy giảm còn nạn trộm cắp và mất mát thì ngày một tăng. Nói riêng trong ngành mậu dịch thì trách nhiệm vật chất tập thể đã từ phương tiện đấu tranh với nạn trộm cắp trở thành phương tiện che dấu tội phạm và dĩ nhiên là nạn trộm cắp năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.

Đấy là một chính sách ngu dốt không chỉ về mặt pháp lí mà còn cả về mặt kinh tế nữa. Dân nghèo thì nhất định xã hội cũng nghèo theo. Bảy mươi năm phát triển của đất nước vĩ đại, giầu tài nguyên thiên nhiên nhất đã dẫn đến kết cục là sự phá sản kinh tế, là đi ăn xin, ăn mày các nhà tư bản. Bảy mươi năm phát triển của Liên Xô và sự sụp đổ về kinh tế của tất cả các nước “xã hội chủ nghĩa” chứng tỏ rằng đấy không phải là kết quả của những nhà cầm quyền ngu xuẩn mà là bản chất của một hệ thống.

Ghi chú:

[1]“Đáng tiếc là rất hiếm khi chúng tôi bảo vệ được quyền có việc làm của công dân mặc dù quyền này được hiến pháp bảo vệ”, N. Galezin, viện trưởng viện kiểm sát tỉnh Magadansk đã nói như thế (Tin tức, ngày 11 tháng 2 năm 1988)

[2]Thứ tự trình bày chương này tuân theo hệ thống điều luật của bộ luật lao động Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga.

[3]Điều 27 bộ luật lao động viết: “Hợp đồng lao động là thỏa thuận của hai hoặc nhiều bên, theo đó một bên (người lao động) cung ứng sức lao động của mình cho phía bên kia (người sử dụng lao động) để nhận tiền thù lao”.

Sau này các nhà khoa học đã bỏ qua các từ “người lao động” và “người sử dụng lao động” bởi vì ở nước ta nhân dân lao động là chủ các phương tiện sản xuất: nhà máy, công trường, phương tiện vận tải v.v… Thế thì làm sao ông chủ lại có thể tự thuê mình? Việc cấm bãi công cũng được nhiều người giải thích là ông chủ không thể bãi công chống lại chính mình. Nhưng các nhà khoa học-mác-xít không hề lúng túng khi thấy ông chủ tự trả tiền lương cho mình, tự phạt mình, tự đuổi việc mình v.v…

[4]Dường như sự tồi tệ như thế là không thể nào biện hộ được, lại càng không thể nào coi là cải thiện được. Thế là bạn không hiểu các nhà luật học của chúng ta rồi! Hãy nghe R. Lifshis, một trong các nhà khoa học “đầu đàn” của Viện luật học: “Tất cả đã được thực hiện để sao cho người lao động có sự lựa chọn: tiếp tục công tác trong những điều kiện mới hoặc thay đổi (!) vị trí công tác” (Tin tức, ngày 19 tháng 2 năm 1988). Nói cách khác, kẻ cướp cho bạn tự do lựa chọn: ví hay mạng sống. Nếu bạn đưa cho hắn ví tiền thì đầy là bạn hoàn toàn tự nguyện.

[5]Hướng dẫn luật lao động. М., 1986, trang 403. Người ta cũng viết như thế trong “hướng dẫn” tại các nước cộng hòa, nhưng đã không còn viện dẫn luật nữa (vì không có luật), cũng không viện dẫn án lệ nữa (vì án lệ là do tòa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga xác lập). Như vậy là hướng dẫn này giống như ý kiến của các nhà khoa học (học thuyết), xem: Hướng dẫn luật lao động Cộng hòa liên bang Bạch Nga, Minsk, 1978, trang 269. Thế mà các nhà luật học đồng thanh thề rằng ở Liên Xô án lệ và học thuyết không được coi là nguồn gốc của luật pháp. Không có một “cơ quan bảo vệ luật pháp” nào phản đối hành động phi pháp như thế cả.

[6]Điều đáng ngạc nhiên là trong giai đoạn “công khai” và “dân chủ hóa” hiện nay yêu cầu của những thợ mỏ tham gia bãi công cũng không được đăng, kể cả trên tờ báo công đoàn là tờ Lao động.

[7]Chứng cớ thì rất nhiều, chỉ xin dẫn ra những thí dụ của thời “cải tổ” hiện nay:

Nhà máy KAMAZ: “Tập thể (!) quyết định làm hai ca, không nghỉ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ (Nước Nga Xô viết, ngày 9 tháng 12 năm 1986)

Thành phố Narva, Nhà máy đồ gỗ: “Chúng tôi làm liên tục 14 giờ, mà không phải lần đầu trong tuần, làm thêm giờ, làm cả ban đêm, cả ngày thứ bảy, để thực hiện kế hoạch” (Tin tức, ngày 15 tháng 12 năm 1986). Thành phố Gorky, nhà máy sản xuất thiết bị vô tuyến điện: “Để hoàn thành kế hoạch mười ngày cuối tháng phải là 3 ca và cả thứ bảy, chủ nhật nữa. Vì vậy những ngày này thường làm được 70% kế hoạch tháng” (Nước Nga Xô viết, ngày 16 tháng 12 năm 1986). Minsk. Nhà máy sản xuất vô tuyến truyền hình: “Ca 12 tiếng gọi là “kéo dài”. Tháng 5 có 8 ca như thế, tháng 6 thì 10 ca. Trong tháng 7, một tổ sau khi làm 6 ca “kéo dài” đã không chịu làm thêm nữa. Tờ tập chí Người nữ nhân viên (năm 1987, số 12) sau khi viết như thế đã phê bình tổ này: “không nên dùng phương pháp như thế!”. Thế mà họ viết về những người phụ nữ có gia đình và con nhỏ đấy!

[8]Về vụ “điều tra” này có tờ báo viết: “Họ (người lái tầu và phụ lái – tác giả) vẫn ngồi yên khi tai nạn và cái chết xảy đến, không một chút căng thẳng hay ý định khắc phục sự cố hay chạy trốn nào” (Tin tức, ngày 2 tháng 12 năm 1987). Sự kiện như sau: chiếc tầu hỏa chở hàng đâm vào đuôi một đoàn tầu khách, các toa sau đoàn tầu khách chồm lên nhau, và bị hất tung sang hai bên; còn chính chiếc tầu hàng thì bị văng ra xa! Ai có thể xác định được rằng “họ vẫn ngồi yên”? Tay thủ trưởng của hai người xấu số tuyên bố rằng “họ muốn có nhiều giờ làm thêm”, còn anh ta thì “không thể chống lại ước muốn của người lao động”, “hạn chế theo đúng chế độ thì họ bỏ đi hết” (bài báo đã dẫn). Thật là những người chỉ huy đáng thương! Dường như họ không biềt rằng những người thợ máy này chẳng có chỗ nào mà chạy: hộ khẩu đã trói buộc họ vào khu vực nhà ga, còn nghề nghiệp thì buộc họ vào con đường từ lâu. 9 giờ sáng ngày 19 tháng 5 năm 1990 trên con đường đó lại xảy ra một tai họa nữa với rất nhiều nạn nhân. Lúc 3 giờ chiều phóng viên tờ Tin tức đã kịp gợi ý cho người lái tầu là Konarev: “Có thể cho rằng lúc đó còn quá sớm (!), người lái đoàn tầu hàng còn đang ngủ”, anh lái tầu này vội vàng đồng ý ngay (Tin tức, ngày 20 tháng 5 năm 1990). Các chuyên gia của Bộ chưa tới nơi xảy ra tai nạn, hội đồng chưa làm việc mà nguyên nhân vụ tai nạn thì đã rõ rồi!

[9]“Có những người lợi dụng ngày thứ bảy cộng sản để tránh qui định về làm ngoài giờ. Họ tuyên bố ngày thứ bảy là “ngày dọn dẹp”: để chuẩn bị vào đông, để dọn dẹp cơ quan, để chuẩn bị bàn giao… Theo quyết định của giám đốc, tất cả các thứ bảy mùa hè năm nay đều là ngày làm việc”… Tại nhà máy luyện thép Kremetrug “từ đầu mùa đông, tất cả các ngày thứ bảy đều là ngày làm việc… Tháng 5 người ta tổ chức “những ngày thứ bảy cộng sản” theo lệnh giám đốc, mọi người đều phải đi làm” (Sự thật, ngày 13 tháng 7 năm 1986). Thứ bảy cộng sản là ngày lao động “tự nguyện bắt buộc”, ai không đi sẽ mất thưởng, nghĩa là bị phạt!

[10]Iu. Korshunov và các tác giả khác. Pháp luật Liên Xô về lao động. М., 1974, trang 42

[11]Cuốn sách được viết xong vào các năm 1988-1989 nhưng không thể xuất bản được. Tất cả các số liệu về tiền lương, lương hưu, giá cả… đều phải giữ nguyên như cũ vì trong điều kiện mất giá phi mã sau đó không thể nào sửa chữa kịp, hiện nay nếu muốn thì phải thay đổi số liệu hàng tuần. Điều quan trọng là tỉ lệ giữa lương và giá ngày một xấu đi.

[12]“Lao động cộng sản theo đúng nghĩa của từ này là lao động vì xã hội… lao động không đòi thù lao…” V. Lenin. toàn tập, tập 40, trang 315

[13]“Cần phải loại bỏ hoàn toàn sự cào bằng đã mục ruỗng trong lĩnh vực tiền lương…” Nghị quyết hội nghị XVIII Đảng Cộng sản Liên Xô (b), М., 1941, trang 41.

[14]М. Gorbachev: “Chúng ta tiếp tục trả tiền công mà thực tế người ta không hề làm”. Phát biểu tại hội nghị thành bộ thành phố Moskva (báo Tin tức, ngày 24 tháng 1 năm 1989).

[15]“Còn hạch toán kinh tế? Người ta giảng dạy, viết sách về vấn đề đó, nhưng chúng ta chưa bao giờ thực hiện, hiện nay cũng không” (Báo Văn học, ngày 3 tháng 6 năm 1987).

[16]Điều này được viết vào năm 1989. Hiện nay tôi không thể nói gì về “cuộc cải cách” của Yeltsin-Gaidar.

[17]“Tiền lương trung bình của công nhân viên chức sẽ tăng thêm 13-16%”. Tài liệu đại hội XXVI Đảng Cộng sản Liên Xô, М., 1986, trang 140. “Đến cuối kế hoạch 5 năm sẽ tăng lương công nhân viên chức lên 215-220 rub” Tài liệu đại hội XXVI Đảng Cộng sản Liên Xô, М., 1986, trang 360

[18]Năm 1989, lương trung bình của thợ mỏ vùng Vorkuta, kèm theo đủ thứ làm thêm giờ là 705-720 rub. Có vẻ cao? Nhưng ở vùng cực Bắc giá cả rất cao, lương của cán bộ bộ máy điều hành xí nghiệp “Than Vorkuta” là 860 rub! (tờ Digest 5, Estonia, tháng 12 năm 1989, số 7)

[19]Một thí dụ chợt đến trong đầu: bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân là 1,53 rub, còn trong “bệnh viện đặc biệt”, tùy vào cấp bậc là từ 3 đến 9 rub (Sự kiện và bình luận, năm 1989, số 48)

[20]A. Iakoblev, nhà dân chủ, tự do, ủy viên Bộ chính trị học cùng khóa với O. Kalugin, người sau này trở thành tướng tình báo, tại một trường đại học Mĩ. Điều đó chứng tỏ cả hai đã có quan hệ gắn bó với KGB ngay từ hồi thanh niên.

[21]“L. I. Brezhnev đã làm việc một cách kiên trì để đưa lên các chức vụ lãnh đạo, trong các tổ chức Đảng, trong kinh tế, khoa học và văn hóa, những “Brezhnev nhỏ”, những người không vội vàng, không mạnh mẽ, không có tài, không quá lo lắng đến công việc, nhưng biết cách quản lí tài sản”. Burlatsky viết như thế. Xin nhắc lại rằng đấy là thời kì Gorbachev được đưa lên thành một trong những những cộng sự gần gũi nhất của Brezhnev, ông ta đã giữ chức bí thư trung ương Đảng, phụ trách nông nghiệp.

[22]N. Aleksandrov và những người khác. Luật lao động. Hướng dẫn. M., 1947, trang 6б

[23]Tác phẩm đã dẫn, trang 66

[24]Thực tiễn xét xử trong hệ thống pháp luật Liên Xô. Trang 144

[25]Sách đã dẫn. Trang 144

Pages: 1 2 3 4 5 6 7

3 Phản hồi cho “Liên Xô – Nhà nước phong kiến trá hình [2]”

  1. Võ Nam Quảng says:

    NÓI VỀ HIỆN TƯỢNG CỦA CON NGƯỜI VÀ CỦA XÃ HỘI CON NGƯỜI

    Con người là một thực thể sinh học cao cấp trong tự nhiên. Nên dù có là quan điểm duy vật hay duy tâm chăng nữa về nguồn gốc con người trên trái đất, vẫn phải thừa nhận là trong con người luôn có phần nào đó tính bản năng hoang dã luôn còn tiềm ẩn. Chính nền văn hóa, văn minh, giáo dục tốt, mới đưa con người và xã hội con người đi lên, nhưng đều không bao giờ dứt hết được mọi yếu tố bản năng hoang dã đó. Đây là điều mà đường như biện chứng luận của Hegel đã hoàn toàn lờ đi, và trên cơ sở giản lước đó, mà học thuyết của Mác và của Lênin cũng đều hoàn toàn không thấy. Chính vì thế, cho nên ý niệm đấu tranh gia cấp, và quan niệm chuyên chính vô sản, kể từ Mác cho tới Lênin, đều là thời cơ thuận lợi cho các khuynh hướng bản năng mà vốn đã bị lịch sử văn minh nhân loại từ lâu đã phong tỏa này, được sổ lồng, phóng ra . Vì thế, mặc đầu về lý thuyết, Mác và Lênin đều tưởng rằng, hay hoang tưởng rằng, chính quan điểm lý thuyết của mình là giải phóng nhân loại, nhưng thật sự trong thực tế, đã tạo ra các hệ lụy, hay các kết quả ngược lại. Đó chính là hiện tượng con người, và hiện tượng xã hội con người, trong nhà nước Liên xô trước đây, mà thực chất chỉ là nhà nước phong kiến trá hình, như toàn bộ đề tài mà chính tác giả người Nga đã viết. Nói chung lại, không ai có thể ngồi đọc nổi mọi sách báo tuyên truyền về chủ nghĩa Mác đã từng có trên thế gian, này trước khi phe XHCN của Liên xô cũ sụp đổ. Và ngày nay, trên thế giới, cũng không ai ngồi đọc hết được mọi tài liệu sách báo phơi bày ra đủ thứ bề trái của xã hội mác xít đã từng có trước kia. Do thế, ngày nay mọi người chỉ cần phải hiểu sâu vào nguyên lý của chủ nghĩa Mác, để thấy ra được những cái vô lý, phản thực tế, phản khoa học của nó. Để từ đó, cũng hiểu sâu được mọi thực tiển dị thường nhất, mà nó đã từng đưa lại cho con người và cho xã hội con người. Một cái nhìn nghiêm túc, khoa học, sáng suốt, tỉnh táo, tiến bộ ngày nay, thật sự là hoàn toàn cần thiết, đối với mọi người cộng sản hay không cộng sản. Bởi vì, quan điểm nhân văn và khoa học chính đáng nhất ngày nay, đều không nhắm vào người gọi là cộng sản, hay người gọi là chống cộng sản, mà chính là nhắm vào mọi con người đã thoát ly ra được mọi quá khứ phi lý của nhân loại, để trở về với con người phổ biến, lành mạnh, lương hảo về mọi mặt, trên cơ sở đạo đức và ý thức nhân bản, tiến bộ, phát triển, khoa học, và nghiêm túc, của mọi quốc gia, dân tộc, đất nước, hay kể cả của toàn thể nhân loại trong tổng thể nói chung.

    Võ Hưng Thanh
    (19/9/11)

  2. Truong sa says:

    Chính trị luôn đi theo với thủ đoạn… nếu độc đảng ,độc tài thì càng nguy hiểm hơn ,vì không bị sự giám sát của đảng khác ..Khi chính trị bị nhóm quyền lực , nhóm lợi ích thao túng ,chi phối, lũng đoạn… thì sẽ phát sinh độc tài mất dân chủ và gây ra rất nhiều xung đột trong xã hội, vì lợi ích của người dân bị tước đoạt một cách trắng trợn mà không được luật pháp bảo vệ .

    • Non Ngàn says:

      GIẾNG SÂU

      Kiểu độc đảng giống như nằm trong giếng
      Khi leo lên không biết lối đi nào
      Ngước nhìn trời, thấy như bờ vung nhỏ
      Thôi thì đành, cứ mãi thế co ro !

      Cuộc đời thế, dù trời mây bao rộng
      Thế gian đâu chi khác kiểu lòng ao
      Cứ lòng vòng leo quanh bờ ao cạn
      Dầu thế gian to lớn đến cỡ nào !

      NON NGÀN
      (22/9/11)

Leave a Reply to Truong sa