Cái đó không phải lỗi của nó, mà là sự bất hạnh của nó
Hồi tôi mới có 7-8 tuổi, còn theo học ở trường làng, thì trong lớp có một cô bé gái cũng cỡ ngang tuổi bỗng dưng thôi học. Cô bé này là người thuộc một gia đình sinh sống tại xóm chợ, ăn mặc luộm thuộm và học hành cũng chểnh mảng. Hỏi các bạn cùng lớp, thì tôi mới được biết là cô ấy đã đi lấy chồng, theo tục lệ còn thịnh hành hồi trước năm 1945 ở miền quê, mà được gọi là “tảo hôn”, tức là trai gái mà cưới hỏi lúc vẫn còn nhỏ tuổi. Tôi có kể lại việc này với gia đình, thì được cha tôi giải thích thêm cho là: “Con phải nhận ra là nhà mình thật may mắn lắm đó, bà con họ hàng nội ngoại đều cùng cư ngụ chung trong một thôn xóm và gắn bó thân thương với nhau, giúp đõ lẫn nhau để làm ăn sinh sống lương thiện. Khác với ở xóm chợ, thì nhiều gia đình lộn xộn vì mắc vướng vào cái tệ nạn cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách (mà sau này, tôi được nghe bà con gọi là “tứ đổ tường”), nên con cái dễ bị lây nhiễm những thói hư tật xấu đó. Trường hợp của đứa bạn học cuả con ấy, mới còn nhỏ tuổi mà đã bị gả bán đi lấy chồng, thì thật là tội nghiệp cho nó lắm vậy đó!”
Cũng tương tự như vậy, mỗi khi mấy anh chị lớn than phiền về chuyện mấy người trong làng mà có hành vi ngang ngược, trái khuấy làm phiền hà cho bà con làng nước, thì cha tôi cũng hay khuyên nhủ: “Các con nên biết là mấy người hay làm điều xằng bậy đó, thì rõ rệt là người ta đâu có nghĩ được như mình. Vì thế, cho nên mình cũng nên thông cảm và không nên xét nét quá đáng về những người đó. Tức là ta nên có thái độ bao dung, xí xóa trước sự việc không hay như thế…”
Lớn khôn hơn nữa, tôi được học hỏi nhiều và trí khôn mỗi ngày được mở rộng, hiểu biết việc đời hơn. Và khi được đọc chuyện của văn hào Anatole France của Pháp, thì tôi rất tâm đắc câu văn sau đây của ông: “Đó không phải là cái lỗi của nó, mà là sự bất hạnh của nó” (nguyên văn tiếng Pháp : Ce n’est pas sa faute, c’est son malheur!) Đây chính là câu mà người cha nói với con, trong câu chuyện người con than phiền là trong một cuộc đi chơi với chúng bạn trong làng, thì bị một tên bạn to lớn hiếp đáp, bắt thằng nhỏ phải hầu hạ bằng cách xách đôi gưốc nặng cho anh ta suốt dọc đường đi ở trong rừng, giữa buổi trưa nóng bức. Người cha tìm cách an ủi, xoa dịu sự ấm ức của con mình, nên đã giải thích cho con là nên thông cảm với nỗi bất hạnh của chính người đã hành hạ mình như thế. Thái độ cao thượng này lại củng cố thêm cho cái điều tôi đã tiếp nhận được qua lời giáo huấn của cha tôi như vừa mới ghi trên đây.
Và như tôi đã có dịp trình bày chi tiết hơn trong bài “Lượng cả bao dung” cũng gần đây vào năm 2009 thôi, một trong những đức tính của người sĩ phu quân tử trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam ta là: người trượng phu thì phải có tấm lòng đại lượng rộng rãi, luôn có sự thông cảm và bao dung đối với những sai sót, lỗi lầm của người khác. Người được gọi là có “lượng cả”, thì không nên quá khe khắt trong việc bắt lỗi kẻ xúc phạm đến mình, mà luôn tỏ ra hào hiệp để bỏ qua đi điều sai trái lẻ tẻ, vặt vãnh đó. Tư cách thanh cao mã thượng của người quân tử như thế mới gây được sự cảm phục nể trọng nơi những người xung quanh mình, và nhất là có tác dụng cảm hóa được tâm hồn của người vừa mới phạm điều sai trái đó.
Sau năm 1975, bà con từ làng quê tôi ở miền Bắc vào miền Nam, thì họ kể lại nhiều chuyện đau lòng, nhất là trong thời kỳ “cải cách ruộng đất” năm 1955-56. Đại khái họ nói: Đội cải cách thâu dụng mấy phần tử loại “đầu đường xó chợ” để hợp tác với họ trong các phiên đấu tố, triệt hạ uy tín cuả một số người trong làng mà bị đội xếp vào loại “thành phần điạ chủ”.
Những người cộng tác này được coi là “thành phần cốt cán, bần cố nông” và được hưá cho một số quyền lợi ưu tiên nào đó; cho nên bọn họ đã ra tay tiếp sức với đội cải cách mà “làm tình làm tội” đối với những người xưa nay vốn được coi là dân lương thiện trong làng. Cũng may là trong làng chúng tôi, thì không có một ai bị xử tử hình như ở mấy làng xung quanh. Nhưng sau khi chiến dịch này qua đi với đợt “sưả sai chỉnh đốn”, thì mấy phần tử “cộng tác mà làm điều thất nhân thất đức” như thế đều bị dân làng coi khinh, bị bà con xúi bẩy trẻ con nói mánh nói khoé châm chọc, thật là đáng xấu hổ. Dân gian gọi họ là loại “mèo lại hoàn mèo”, chẳng làm sao mà ngóc đầu lên được. Bà con kể rõ tên tuổi cuả mấy người “thủ phạm” cũng như “nạn nhân” trong chiến dịch cải cách này.
Các nạn nhân thật đáng thương, nhưng các thủ phạm thì cũng thật tội nghiệp cho họ, vì họ bị đội cải cách cuả nhà nước xúi bảy, dụ dỗ mua chuộc, chứ không phải chính họ tự ý đứng ra làm cái điều ôi ác, táng tận lương tâm như thế. Đến nay, thì câu chuyện đáng buồn này đã xảy ra trên nưả thế kỷ rồi, cũng chẳng còn ai trong dân làng mà còn giữ cái lòng hận thù, giận dữ đối với mấy phần tử bất hảo như thế nưã. Có chăng, thì chỉ còn là những lời truyền tụng bâng quơ nào đó, được coi là “chuyện ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ” vậy thôi.
Tôi luôn chủ trương là nên có sự thông cảm, bao dung đối với sự yếu đuối cuả con người. Và cần phải tìm hiểu về hoàn cảnh “đáng tội nghiệp, đáng xót thương” cuả mỗi con người, mà bị lâm vào tình trạng phải làm điều sai trái như vậy. Nhưng đối với kẻ cố tình chủ mưu để gây ra điều tai ác như trong chiến dịch “cải cách ruộng đất”, mà người cộng sản còn gọi là “một cuộc cách mạng long trời lở đất” với bao nhiêu tội ác, bao nhiêu đau thương khốn khổ cho hàng triệu gia đình bà con người Việt nam chúng ta, thì tôi nhất quyết không thể bỏ qua cho được. Nói cho rõ hơn, cái trách nhiệm cuả giới lãnh đạo cộng sản trong vụ cải cách ruộng đất này, cũng như trong vụ thảm sát mấy ngàn đồng bào ở Huế hồi Tết Mậu Thân năm 1968 đó, và còn nhiều, rất nhiều vụ tàn bạo man rợ khác nưã, thì đã quá rõ ràng không thể nào mà họ còn có thể nào mà lẩn tránh vào đâu được nưã.
Đó là những món nợ rất lớn mà đảng cộng sản vẫn còn thiếu đối với toàn thể dân tộc Việt nam chúng ta. Dứt khoát là như vậy, chứ không thể nào mà chúng ta lại có thể xí xoá, bỏ qua cho cái tội ác, do tập đoàn cộng sản đã du nhập vào trong nước ta cái chủ trương độc tài chuyên chế sắt máu, vô luân, thất đức, chuyên đào sâu hận thù với đấu tranh giai cấp, tạo ra sự chia ly phân tán trong đại khối dân tộc, vốn xưa kia rất ư là thuận hoà nhân ái, theo truyền thống tốt đẹp cuả cha ông chúng ta.
Mà ngay đến tận ngày hôm nay, cái tập đoàn tội ác này vẫn còn tiếp tục mua chuộc và xuí giục bọn côn đồ, mà chúng gọi là “quần chúng tự phát”, để mà hành hung, đánh đập tàn tệ các tín đồ và tu sĩ thuộc các tôn giáo như trong các vụ Chuà Bát Nhã ở Lâm Đồng, vụ giáo xứ Tam Toà ở Đồng Hới và vưà đây vụ giáo xứ Đồng Chiêm ngay gần Hà Nội v.v… Rõ ràng là hàng ngũ lãnh đạo cộng sản chóp bu ở Hà Nội vẫn còn ngoan cố trong việc đàn áp người đối lập, diệt trừ loại bỏ tôn giáo, bằng cách sử dụng bạo lực cuả toà án, cuả lực lượng công an cảnh sát để trấn áp quần chúng tôn giáo, cũng như dùng mọi thủ đoạn tàn bạo thâm độc để chia rẽ, phân hoá hàng ngũ các tín đồ và giới tu sĩ.
Trong bộ luật hình sự cuả bất kỳ một nước văn minh nào, thì người ta đều trù liệu hình phạt nặng nề đối với các tội phạm có chủ ý và có dự mưu trước (intentional, with premeditation). Thậm chí đối với loại tội mà cứ tiếp tục tái phạm nhiều lần, thì đó là trường hợp gia trọng, hình phạt càng nặng nề hơn nữa (aggravating circumstances).
Trước những hành động tội ác tày trời cuả đảng cộng sản như thế, chúng ta kiên quyết không thể nào mà bỏ qua cho giới lãnh đạo cộng sản được nưã. Mà muôn người như một, chúng ta hãy cùng nhau nói lớn tiếng lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với đảng cộng sản rằng: “Sức chiụ đựng cuả dân tộc Việt nam đã hết mức rồi: các người phải ngưng ngay tức khắc cái lối đàn áp dã man thất đức, vô nhân đạo đó! Enough is enough! “
Sự thông cảm khoan dung chỉ có thể dành cho những cá nhân đáng thương, vì yếu đuối mà bị dụ dỗ làm điều xằng bậy. Chứ nhất quyết không thể dành cho bọn đồ tể chủ mưu ngoan cố trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản Hà Nội được. Đó là một lời khẳng định dứt khoát và chung cuộc cuả toàn thể dân tộc Việt Nam chúng ta hiện nay để gửi cho giới lãnh đạo cộng sản vậy.
California, Tháng Hai 2010
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
ĐÃ ĐỦ RỒI.
1.
Đã đủ rồi hởi người gổ đá,
Nạn buá liềm tàn phá quê hương.
Mác Lê nhuộm đỏ máu xương,
Hận thù giai cấp tình thương xoá mờ.
Hãy chấm dứt nhả tơ ươm kén,
Ngừng lại ngay vun quén son lòng.
Điểm tô nòi giống Tiên Rồng,
Trau dồi chí cả Lạc Hồng vĩnh miên.
2.
Đã đủ rồi xích xiềng liềm buá,
Ngọn Mác Lê ngập nguạ máu tanh.
Cướp quyền Nam Bắc phân tranh,
Khơi nguồn phân hoá độc hành họp tan.
Công với tội còn đang định luận,
Ngay cùng gian cớ chứng hiện tiền,
Non mòn biển lấn đão điên,
Bá quyền bành trướng đảng riêng lang tình.
3.
Đã đủ rồi hồ tinh lộng quỷ,
Đảng tay trong ma mị BƯỚM HOA.
Vượt tường leo trổ nóc nhà,
Cột kèo mối mọt những là tham quan.
RUỘNG SÂU bọ kết đàn kết lũ,
Nối giáo dài lú nhú hồng mao.
Tây Nguyên hồ đỏ xới đào,
Cành Nam Chùm Gởi ào ào tấn sang.
4.
Đã đủ rồi cường gian độc trị,
Khủng bố dân hoang phí máu xương.
Xua quân Nam tiến dọn đường,
Hoàng Trường bành trướng bạo cường đoạt thâu.
Ải Nam Quan mây sầu phủ bóng,
Bản Giốc than kinh động góc trời.
Cửu Long ô nhiểm chiều mơi,
Xả tuôn ngăn chận đổi dời một tay.
5.
Đã đủ rồi cơn say đại thắng,
Xương Trường Sơn còn trắng ngổn ngang.
Biển Đông khấu tặc bạo tàn,
Gieo tai rắc hoạ nguy nàn ngư dân.
Tung hải giám hải tuần ngăn đón,
Trưng Thi Lang bỏ ngón răn đe.
Mép môi Bốn Tốt bày khoe,
Chữ Vàng Mười Sáu khéo che màu hồ.
6.
Đã đủ rồi vong nô Câu Tiễn,
Thân cúi lòn ngậm miệng nuốt phân.
Kíp mau nhậm vận biến hành,
Đổi thay chuyển hoá duyên lành kỳ hoa.
Cắt cáp quang tình ta đứt đoạn,
Duyên xa xưa thấp thoáng gọi chào.
Mỹ miều nồng thắm kết trao.
Lòng trong như đã mặt sao thẹn thuà.
7.
Đã đủ rồi bán mua quyền chức,
Trò hiệp thương nồng nực mùi đồng.
Màu hồ võ lựu sao xong,
Mắt trời soi tỏ mải lông tinh tường.
Đảng phủ đảng tình trường khó dứt,
Sao đè sao một mực rập khuôn.
Mác Lê liềm buá cội nguồn,
Đưa đường dẫn lối sói muông tung hoành.
8.
Đã đủ rồi phân tranh Quốc Cộng,
Chửi bới nhau ong óng lợi riêng.
Non dời biển lấn ngưã nghiêng,
Hận thù thù hận vẹn nguyên không nào.
Giờ đến lúc họp nhau chung gánh,
Khắp trong ngoài cùng sánh vai nhau.
Chận Ngăn Bành Trướng hùng hào,
Độc tài độc đảng kíp mau chuyển dời.
Biển Đông cuộn sóng chiều mơi !!!