Con đường dân chủ Việt Nam
Phải khẳng định mô hình dân chủ thể hiện tối thiểu ở hình thức phổ thông đầu phiếu là tất yếu sẽ diễn ra tại Việt Nam nói riêng và phần lớn lãnh thổ Á Đông nói chung. Bài viết này thử xoay quanh mấy câu hỏi “Khi nào?”, “Thế nào?” và “Tại sao?”. Tôi lấy cảm hứng từ Đặng Tiểu Bình: “Thế kỷ sau, Trung Quốc qua nửa thế kỷ nữa mới có thể thực hiện phổ thông đầu phiếu” (1).
Các nhà “dân chủ” Việt Nam thường dẫn dắt khái niệm dân chủ về khởi nguồn La Mã cổ đại để ngầm xem nó như là cốt túy thường hằng của văn minh phương Tây. Theo Huntington (2), vào năm 1942 thế giới chỉ có 12 thể chế dân chủ. Con đường dân chủ ở nhiều quốc gia cũng không hề là con đường một chiều, mà có tiến có lùi và không ngừng hoàn thiện. Chẳng hạn đến năm 1944 nữ giới ở Pháp mới có quyền bầu cử và mãi đến thập niên 1960, dưới ngọn cờ của Martin Luther King người da màu mới giành được quyền bình đẳng tương đối chấp nhận được trong xã hội Mỹ. Cho rằng các thể chế Âu – Mỹ là khuôn mẫu nên hướng đến, Huntington gọi chung các nước không có phổ thông đầu phiếu hoặc phổ thông đầu phiếu thiếu công bằng là Nondemocratic regimes (phi dân chủ) hoặc Authoritarian Regimes (độc tài).
Ghi nhận sự dân chủ hóa tại 35 quốc gia trong giai đoạn 1974 – 1990, Huntington gọi đấy là làn sóng dân chủ hóa thứ ba của nhân loại. Ông chia thành ba nhóm: Độc tài một đảng (11 nước, có Đài Loan, Liên Xô), Độc tài cá nhân (7 nước, có Ấn Độ, Philippine), Độc tài quân sự (16 nước, có Hàn Quốc, Pakistan) và Độc tài dân tộc (1 nước là Nam Phi). Ông cũng chú thích Đài Loan không dân chủ cho tới năm 1990, Nigeria và Sudan thì đảo ngược từ dân chủ về độc tài.
***
Trên cơ sở các khái niệm Huntington đưa ra, ta thấy rằng từ giữa thế kỷ 20 đến nay, tại Trung Quốc và Việt Nam luôn tồn tại chế độ một đảng. Tuy vậy, đi sâu vào thực chất, lại thấy có sự chuyển động nội tại không thể phủ nhận: Chế độ một đảng với nhiệm kỳ lãnh tụ suốt đời đã được cải tiến thành chế độ một đảng, lãnh tụ tối đa hai nhiệm kỳ, diễn ra tại Trung Quốc năm 1978 và Việt Nam 1986. Câu hỏi ở đây là Trung Quốc và Việt Nam có hoàn toàn nằm ngoài trào lưu dân chủ hóa thứ ba kia hay không? Biến cố Thiên An Môn 1989 là phong trào dân chủ dân túy hay chỉ là bi kịch chính trị đẫm máu, nơi Triệu Tử Dương đấu đá và giành quyền lực với Lý Bằng, gián tiếp thách thức vai trò nguyên lão của Đặng Tiểu Bình?
Trong “cẩm nang” dân chủ nặng ký của mình, Huntington đưa ra các hướng dẫn dân chủ hóa rất chi tiết, từ hàng loạt phân tích và minh chứng khá kỹ càng. Tuy vậy, cũng như Marx, Lenin và Stalin, ông chưa chú trọng nghiên cứu ảnh hưởng của hình thái xã hội Á Đông đặc thù trong luận thuyết của mình. Đành rằng tài liệu này Huntington hoàn thành năm 1991, tôi vẫn thấy việc ông đặt trường hợp Thái Lan ra ngoài sự quan tâm của mình, là một điều đáng tiếc. Thật vậy, mâu thuẫn giữa thị dân và nông dân ở nước Thái đã, đang và sẽ trì hoãn hành trình dân chủ nơi ấy. Nó đặt công thức dân chủ Âu – Mỹ vào tình trạng hài hước: Kẻ nắm đa số phiếu trong một cuộc bầu cử phổ thông đã bị thải loại. Đó là chưa kể những gì diễn ra sau khi Huntington qua đời, mới đây thôi, tại Afghanistan: Các địa điểm bỏ phiếu luôn là điểm nóng, máu đổ đầu rơi. Phía sau cánh gà sân khấu, các đảng phái ký kết những thỏa hiệp đầy ám muội.
Các yếu tố ảnh hưởng đến vận động dân chủ dễ thấy nhất là kinh tế kiệt quệ, xã hội băng hoại, lãnh tụ qua đời. Chúng ta nhìn rõ điều này ở Singapore. Sự ổn định của nhà nước một đảng, dù đã được thu nhỏ chỉ trong một đô thị, cũng nên lấy làm tham chiếu. Theo tôi, hiện tượng mê tín thần quyền và lãnh tụ của xã hội châu Á nói chung cũng cần được tham khảo. Chẳng hạn gia tộc Nehru, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, đã củng cố nền độc tài của mình bằng họ của thánh Gandhi. Sự mị dân giúp họ giữ vững quyền lực liên tục mấy đời. Công thức nghị sĩ ông truyền, cha tiếp, con nối (dù có thông qua bầu cử) tại Nhật nhiều khi đã được các cử tri tỉnh táo mô tả là “ngán đến tận cổ”. Hiện tượng bình dân Trung Quốc ngưỡng mộ họ Mao phải được nhìn nhận trong bức tranh chung của cả một lục địa.
Giai đoạn thể chế một đảng, lãnh tụ suốt đời ở Trung Quốc và Việt Nam lần lượt là 29 năm (1949 – 1978) và 41 năm (1945 – 1986). Các con số này nói chung chỉ mang tính tượng trưng, chọn mốc khác chúng ta sẽ con số khác. Song, chúng đều khiến tôi hình dung về một chặng đường dài mang tính chu trình, không ngừng tự tiến hóa và va đập với các xu hướng khu vực lẫn toàn cầu.
Nền dân chủ Âu – Mỹ có bền vững không? Nhân dân Âu – Mỹ có khát khao thay đổi hay không? Chỉ nhìn vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong thoái trào kinh tế 2008 là rõ. Họ đã mất bao nhiêu năm để đạt được thành quả như hôm nay?
Mới đây trả lời phỏng vấn RFA luật sư Trần Lâm nêu ra ý tưởng lobby để tách đảng cầm quyền tại Việt Nam làm hai. Ông nói: “Làm hai thì nó có cái lợi là có hai Đảng, ba Đảng thì nó có đấu tranh với nhau, nó có phản biện nó có công khai”.
Thực ra ý tưởng này không mới và về bản chất, do yếu tố căn cước vùng miền rất nặng nề trong cơ cấu chính trị, đảng cầm quyền tại Việt Nam có thể nói là đã bao gồm ít nhất ba phân nhánh (bắc – trung – nam). Chúng ta lại phải chờ? Chờ cho sự phát triển và đồng hóa tự nhiên xóa nhòa căn cước vùng miền? Sử gia Keith Taylor đã có lý khi cho rằng ở khía cạnh nào đó, từ ngày khai sinh, lịch sử Việt Nam là những cuộc tranh chấp vùng miền liên miên.
Tôi cảm thấy thú vị với khái niệm vận động dân chủ hành lang (lobby dân chủ). Nó loại bỏ được nhóm người có âm mưu đầu cơ chính trị, những cá nhân thích mơ tưởng quyền lực (chức vụ bộ trưởng, thủ tướng chẳng hạn) hơn là trăn trở hoàn toàn với vận mệnh quốc gia, ấp ủ tình yêu nước thuần khiết. Họ chống độc tài và cũng chống cả dân chủ, như chính Huntington đã chỉ ra nhan nhản tại các phong trào dân chủ trên thế giới: “They used the rhetoric of democracy in their efforts to replace the existing authoritarian regime with one of their own” (3).
Đa nguyên chính trị có cần nền tảng đa nguyên của xã hội không? Xã hội Việt Nam chưa bao giờ thân thiện với phản biện, các quan điểm khác nhau ít khi có cơ hội đứng bình đẳng cạnh nhau, bổ khuyết cho nhau. Lấy ví dụ cộng đồng Việt kiều tại Mỹ, dường như hiện nay chỉ có một quan điểm thống trị, bất cứ cái nhìn cá nhân và khác biệt nào cũng bị đưa ra công luận đấu tố dữ dội. Brian Đoàn, Nguyễn Hữu Liêm là những ví dụ nóng hổi. Khi những kẻ có cái đầu rực lửa dễ dàng bước lên làm chủ diễn đàn, tấn công vào cảm tính của xã hội, đó là lúc con người đang bị dẫn vào chiếc rọ độc tài một cách tự nguyện và hả hê hạnh phúc!
Trong một tranh luận gần đây, tôi cho rằng xã hội Thái Lan đang khá ổn định dấn bước trên con đường dân chủ của mình. Có năm yếu tố củng cố sự ổn định ấy: Chủng tộc (cơ bản khối dân tộc đang nắm vận mệnh nước Thái là đồng chủng), Tôn giáo (đạo phật nhân ái là quốc giáo của Thái Lan), Vương quyền (người Thái rất tôn trọng hoàng gia), Chia rẽ lịch sử và căn cước vùng miền (Thái Lan không tồn tại căn cước vùng miền sâu đậm như Việt Nam, họ có một lịch sử chung vì thời cận đại họ không bị chia cắt, bị ngoại bang đô hộ). Chiếu xét các yếu tố ấy vào hiện tình Việt Nam, khả năng một cuộc nội chiến nồi da xáo thịt tiếp bước “cách mạng dân chủ đẻ non” là không nhỏ.
***
Tiếp cận nội hàm “ở Việt Nam không có dân chủ” hay cho rằng nó đang trên hành trình đi đến dân chủ, sẽ dẫn chúng ta đến hai cái nhìn trái ngược, song hết sức cần thiết. Con đường dân chủ văn hóa, đa nguyên tư tưởng chỉ có ngòi bút là vũ khí. Nó tụng ca thanh tẩy và cho rằng thanh tẩy bao giờ cũng nhân văn hơn phủ định, đạp đổ. Người hoạt động dân chủ kiểu này vô nhiễm trước quyền lực và quyền lợi, họ thân thiện hóa những đối lập và tránh được đối đầu không cần thiết. Chính thái độ ấy sẽ điều chỉnh công thức dân chủ Âu – Mỹ, khi áp dụng vào Á Đông. Nó dễ dàng nhận ra những yếu tố phản dân chủ và cạm bẫy, trong một qui trình dân chủ kiểu mẫu.
Thạch Viên, Nhơn Trạch
12.2009
Bài do tác giả gửi đăng
———————————————————
Ghi chú:
(1) Bìa 4, Đại dự đoán Trung Quốc thế kỷ 21, tác giả Phùng Lâm, Nguyễn Văn Mậu dịch, NXB VH-TT 1999.
(2) Samuel P. Huntington, “How Countries Democratize”, Political Science Quarterly, Vol. 124, Number 1, 2009, pp. Bản dịch của Vương Thiện, nguồn Danchimviet.com. Tham chiếu chéo với bản gốc xuất bản mùa đông 1991 – 1992 tại đây
(3) Tạm dịch: Họ dùng cái hoa mỹ của dân chủ trong nỗ lực thay thế chế độ độc tài hiện hữu bằng chế độ (độc tài) của riêng họ.