WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mỹ du ký [2]

Một số cơ sở và sinh hoạt đặc biệt, đối với chúng tôi rất cần thiết để hiểu về cuộc sống của người Mỹ, nhất là người Việt tại Mỹ: Nơi nuôi cá hồi ở sông American River bằng cách ngăn đập, dẫn cá cho “vượt vũ môn” để bắt cá lấy trứng, cho thụ tinh, nuôi cá con lớn lên thả xuống biển, một cách bảo vệ môi trường công phu và độc đáo. Lễ tốt nghiệp của trường tiểu học nhỏ Curtner School nhưng có học sinh của hơn 30 quốc tịch gốc khác nhau. Đêm trình diễn vở kịch Gió mùa (Monsoon) rất công phu của Hội Sinh Viên Việt Nam ở Đại Học UC Berkeley, kỷ niệm 30 năm thành lập hội mà diễn viên chỉ nói tiếng Mỹ, thỉnh thoảng mới xen vào vài câu tiếng Việt với giọng lơ lớ. Buổi biểu diễn nghệ thuật Recital 2009 kỷ niệm 30 năm thành lập của trường múa Jensen School for the Performing Arts. Đêm trình diễn của đoàn Cirque du Soleil với chủ đề The Beatles Love (trên nền nhạc Beatles) với trình độ nghệ thuật và kỹ thuật đỉnh cao thế giới ở The Mirage, casino and resort của Las Vegas. Hội chợ nông nghiệp hàng năm của một hạt, 61th Montegomery County Agricultural  Fair với các cuộc thi vịt, dê, cừu, cỡi ngựa và đủ loại trò chơi. Hội chợ hàng năm State Fair của tiểu bang Minnesota chiếm cả mấy dãy phố với người tham dự đông như kiến. Buổi biểu diễn văn nghệ gây quỹ Mùa Thu Cho Em lần thứ 15 của Hội Thiện Nguyện VNHelp với các ca sĩ Khánh Ly, Đức Huy, Tuyết Minh và Đức Tuấn từ trong nước ra mà người nghe đã vỗ nhịp và hát theo bài “Gia tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát. Một buổi lễ mở đầu tuần Vu Lan ở một ngôi chùa trong rừng bang Maryland. Một đêm cầu nguyện có trình diễn guitar classique nơi một thánh thất Tin Lành Baptist. Một buổi thiền tập thể của môn phái Yoga Ananda Marga trong một thiền đường ở lưng chừng núi thành phố Los Altos Hills với chỉ chừng 20 người dự nhưng có đến gần 10 quốc tịch. Cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lăng trước tòa đại sứ Trung quốc ở thủ đô Washington. Cuộc biểu tình của những người ủng hộ tổ chức Tamils ở Sri Lanka trước Tòa Nhà Trắng kêu gọi tổng thống Obama giúp đỡ. Một chuyến đi tour bằng xe bus để “tham quan” nhà máy xử lý nước thải Water Pollution Control Plant của thành phố San Jose và hạt Santa Clara để giúp người dân tận mắt trông thấy việc làm của nhà máy để hiểu thêm về việc gìn giữ môi trường và góp ý cho nhà máy trong việc phát triển. Một buổi sáng sớm trước khi mặt trời mọc và thủy triều lên ở bờ biển Dillon Beach, California xem người ta (phần lớn là người Việt) đi bắt “vòi voi”, một loại ốc lớn có đầu như vòi voi (thực ra giống “của quý” của đàn ông hơn), được quảng cáo là thứ thực phẩm bổ dưỡng “ông ăn bà khen”. Người bắt phải đào cát trong cái ống sâu từ nửa đến 1 mét, chúi xuống ngập trong nước để lôi ra cái vòi voi. Không dễ gì có những cơ hội như thế. …

Chúng tôi có may mắn được ở lại trong nhà khoảng 20 người Việt, mỗi nơi vài ba ngày, chưa kể thăm viếng nhà một số người khác, để có thể hiểu thêm về cách sinh hoạt gia đình của người Việt. Đủ loại nhà. Người ở nhà thuê, người ở trong một căn nhà đến 3-40 năm với trang thiết bị cũ kỹ, người ở nhà mới xây dựng trang bị hiện đại, có nhà trị giá đến 4 triệu đô bên hồ với du thuyền sang trọng. Nhà trong phố, nhà biệt thự, nhà bên hồ, nhà trong rừng, nhà trên núi (Nghe nói ở Mỹ nhà càng lên vùng cao, trên núi càng đắt tiền dù lái xe đi về khá nguy hiểm vì có những đoạn đường rất dốc, không có chỗ tránh. Chúng tôi đã đi qua một con đường trên núi mà cư dân nhà giàu vùng đó không cho phát quang hai bên để đường giữ vẻ hoang sơ). Lại còn được tiếp xúc với nhiều mẫu người Việt trên đất Mỹ, từ những người làm công nhân bình thường đến những người thành đạt. Có những  người sang du học từ đầu thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, sau năm 1975 là  những người di tản, thuyền nhân tị nạn cộng sản, đi theo diện H.O., đoàn tụ gia đình, du học, và những thanh niên sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, không nói được hoặc không rành tiếng Việt. Còn gì thú vị và hữu ích hơn khi tiếp xúc để tìm hiểu với các lứa tuổi từ 20 cho đến 80. Chúng tôi đã có những buổi nói chuyện cởi mở về mọi vấn đề, khi năm ba người, lúc một hai chục người. Có khi chỉ với một người trong tâm tình riêng tư nơi quán rượu trên bờ sông Potomac như cảnh “tha hương ngộ cố tri” hay bên dòng suối nhỏ lặng trầm trong công viên Alum Rock Park, nơi những con ó bay liệng trên bầu trời. Có lúc là với một đôi vợ chồng bên ly rượu chếnh choáng dưới ngọn nến huyền ảo đêm khuya mà câu chuyện đời, chuyện mình nồng nàn như lửa.

Các bạn cho chúng tôi ăn thử các món thức ăn của Mỹ, Mễ, Pháp và Việt Nam ở các loại nhà hàng, kể cả các món buffet Mỹ, Tàu, Nhật mà chúng tôi chỉ ăn được đôi chút. Có bạn còn đưa chúng tôi cùng đi tập thể dục, tắm hơi cho thư giãn. Ngày sinh nhật của hai chúng tôi, dù ở đâu, cũng được các bạn tổ chức vui vẻ, có bánh sinh nhật, hoa tươi, quà tặng.

Chúng tôi đã di chuyển bằng nhiều loại phương tiện. Hàng chục chuyến bay ngang dọc nước Mỹ với các hãng American, United, Delta, Alaska, Jet Blue, EastWest, Northwest, Frontier; xe lửa Amtrak Coast Starlight từ Los Angeles, qua San Jose lên đến Seattle; xe đò Hoàng đi Nam-Bắc Cali; xe bus Greyhound của Mỹ đi xuyên tiểu bang, xe bus Hola của Tàu đi từ Washington D.C. lên New York (xe bus Mỹ không cung cấp nước uống và bánh mì như xe đò Hoàng hay xe đò chất lượng cao ở Việt Nam. Khi mới lên xe, cần nước để uống thuốc chống nôn, vợ tôi hỏi tài xế, anh ta chỉ xuống đường bảo tự đi mua lấy làm cả xe cười ầm lên. Không phải cái gì Mỹ cũng hơn Việt nam đâu nhé!); Metro dưới lòng đất thủ đô; Cruise độc đáo qua hai vùng nước ngọt và mặn bằng cách nâng hạ tàu từ hai mực nước, lên cao hay xuống thấp ở Seattle…

Làm thế nào chúng tôi có thể ở lại và đi nhiều vùng trên đất  Mỹ trong vòng 6 tháng khi chỉ có vài trăm đô la trong túi? Chỉ có chân tình bè bạn mới có thể giúp chúng tôi làm được điều gần như phi thường này. Chân tình này có thực dù là ở người mới gặp lần đầu hay đã quen biết nhau từ gần nửa thế kỷ. Có vài trường hợp rất đặc biệt. Một người là cựu sĩ quan Nhảy Dù, một nhà văn đã từng tranh luận với tôi khá gay gắt trên mạng, đã mời tôi đến Colorado chơi trong 6 ngày và hứa trước là sẽ chỉ đi chơi, không nói chuyện chính trị. Một người là bạn cũ của tôi từ thời trung học, đã từng cùng yêu một cô bé học trò và cùng thất vọng vì tình, sau này là sĩ quan một binh chủng thuộc loại thiện chiến, hiện nhà của anh là “hậu cứ vững chắc” của tôi trong thời gian tôi ở trên đất Mỹ. Cả hai người này đều là sĩ quan tác chiến, từng bị thương tích trên chiến trường và dĩ nhiên họ hiểu rõ tôi từng là một “cựu phản chiến” và “cựu Việt cộng”. Một người khác là cựu sĩ quan quân y cùng với cô em gái nguyên là giáo sư văn chương, chỉ mới quen biết, đã sẵn lòng chở chúng tôi đi đây đó uống café nhiều lần, đi bất cứ đâu khi chúng tôi cần, đưa chúng tôi đi giới thiệu với tất cả gia đình, bạn bè quen biết ở San Jose và sau này đã tích cực giúp tôi phát hành một số lượng khá lớn cuốn sách mới xuất bản của tôi trong thời gian kỷ lục.

Giữa các chuyến đi, chúng tôi trở về nhà người bạn cũ để nghỉ ngơi lấy sức. Có lẽ thời gian chúng tôi ở đây gần một nửa thời gian trên đất Mỹ. Từ trước chưa bao giờ chúng tôi ở nhà ai (không phải nhà mình) lâu như vậy. Nhưng chúng tôi và chủ nhà đều thoải mái mặc dù bạn tôi nói từ trước chưa hề có khách nào ở lại nhà. Tôi có đọc một cuốn sách trong đó nhắc đến một số phong tục và tính cách của người Mỹ, có câu đại khái “Khách ở đến ngày thứ ba bắt đầu bốc mùi”, được giải thích là người ta không thích khách ở lâu trong nhà mình. Tôi đem câu này ra nói với anh chị bạn, anh chị phản đối ngay. Nếu không muốn người ta sẽ nói thẳng, từ chối, còn đã “welcome” thì phải vui vẻ, sao lại nghĩ như vậy được. Hay là tâm lý người Mỹ khác người Việt?

Chúng tôi ở nhà anh chị bạn, ngày được ăn ba bữa như ở Việt Nam. Sáng ăn theo kiểu Mỹ hay ăn xôi lạp xường, xôi muối mè, khoai lang, khoai mì luộc… Trưa, chiều ăn cơm Việt Nam có đủ ba món canh, xào, mặn. Thức ăn hầu như không thiếu món gì vẫn ăn ở trong nước: canh bí xanh, bí đỏ, su su, bồ ngót, tần ô, mồng tơi, cua-rau đay… Rau muống, rau lang, rau dền luộc… Các loại cá kho như cá rô, cá nục, cá bống, cá cơm… Thịt heo, bò, gà nấu canh hay chiên, xào… Thỉnh thoảng ăn chơi các món phở, bún bò, bánh canh, các món bánh Huế (bánh bột lọc, nậm, ít, bèo, ướt, ram)… Thứ gì cũng có nhưng dĩ nhiên hơi có “mùi Mỹ” chứ không hoàn toàn mùi Việt Nam. Chị bạn của chúng tôi quả là “một trong những người phụ nữ đảm đang và chu đáo nhất nước Mỹ” mà chúng tôi đã từng gặp. Xin nói quá đi một chút như thế để khen tặng chị.

Nhiều khi chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên không hiểu sao mọi người quá tốt với mình như vậy. Chúng tôi tự thấy chưa làm gì được cho ai. Có lẽ vì chúng tôi đã chọn một thái độ sống trung thực trong nghịch cảnh dù phải trả giá đắt, cuộc sống của chúng tôi đã chịu những thiệt thòi nào đó mà mọi người muốn bù đắp, mặc dù chúng tôi biết vô số người đã chịu đựng khổ nạn hơn chúng tôi rất nhiều, kể cả những người ở bên này. Mặt khác có lẽ do những tác phẩm đã xuất bản ở Mỹ và những bài viết của tôi trên mạng, cùng với “danh tiếng” của “nhóm Dalat”, những “hiền sĩ cao nguyên” như có người đã “phong tặng” mà tôi là một thành viên, đã được một số người tìm hiểu, có cảm tình và quý trọng từ 20 năm qua. Cho đến nay, tôi đã có 4 tác phẩm xuất bản ở Mỹ. Trong dịp đi này các bạn cũng đã giúp tôi phát hành nốt 100 bản cuối cùng của cuốn sách thứ 4 “Mảnh trời xanh trên thung lũng”. Các sách khác đều đã tuyệt bản. Trong tháng 12/2009, các bạn và những người phụ trách nhà xuất bản Tiếng Quê Hương rất nhiệt tình lại giúp tôi xuất bản tiếp cuốn sách thứ 5 chuyên về chính luận, với tựa đề “Tiếng chim báo bão”.

Trong bút ký này tôi muốn kể tên và cám ơn tất cả mọi người vì những ân tình mà mọi người đã dành cho mình. Nhưng vì những lý do tế nhị, tôi không làm được như thế và tôi cũng sẽ không nhắc tên cụ thể, trừ những người mà các bài viết của người khác trên mạng đã nêu ra như đã nói trong “Lời thưa trước”, đặc biệt khi đề cập đến những vấn đề chính trị, để tránh những phiền toái có thể xẩy ra. Đây cũng chính là điều đáng buồn của hoàn cảnh hôm nay. Cũng có thể có người đón tiếp chúng tôi với ý đồ chính trị nào đó nhưng không có hậu ý xấu và cũng không hoàn toàn vắng bóng tình cảm. Nếu ý đồ chính trị tốt, đó cũng là điều đáng hoan nghênh. Dù sao, tôi sẽ viết một cách trung thực những gì tôi cảm nhận. Đó là điều suốt một đời trải lòng trên trang giấy tôi không bao giờ từ bỏ.

(Còn tiếp)

© Tiêu Dao Bảo Cự

© Đàn Chim Việt Online

Phần trước:

Mỹ du ký [1]

Phần sau:

Mỹ du ký [3]

Pages: 1 2 3

1 Phản hồi cho “Mỹ du ký [2]”

  1. NGUYỄN TƯỜNG TÂM says:

    Vài hàng thăm anh chị “Tiêu Dao”,

    Đọc bài du ký của anh lại nhớ tới hai lần gặp anh tại San Francisco và San Jose.

    1-Anh viết, “Đây là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài và lại đến cường quốc số 1 thế giới,” như thế này là KHÔNG ĐÚNG RỒI. “Mỹ chỉ là con cọp giấy”, tôi nhớ mãi “lời dậy của Bác và Đảng.”

    2-Đọc vài hàng giải thích việc nhà nước VN cho anh chị đi tôi yên tâm hơn với thắc mắc đã được đích thân tôi nêu lên với anh với một nghi ngại “Tại sao anh được nhà nước VN cho đi Mỹ”. Như anh viết, không ít người khi gặp anh và những người thuộc diện bất đồng chính kiến như anh tại hải ngoại cũng đều có thái độ nghi ngại như tôi mặc dù cá nhân tôi thì có thiện cảm với anh. Trong lịch sử, từ thời Quốc Cộng 1945 tới giờ, người Cộng sản có nhiều “chiêu” lạ quá và vẫn luôn luôn có những chiêu lạ cho nên những người đã bỏ chạy, liều chết bỏ chạy, như đại đa số người Việt tại Mỹ đều có thái độ nghi ngờ như tôi. Mong những người bất đồng chính kiến trong nước mỗi khi gặp một câu hỏi như thế từ người Việt hải ngoại không nên lấy thế làm buồn mà hiểu rằng nguồn gốc của sự nghi ngại đó là Cộng sản.

    3-Anh viết, “Chúng tôi đã được các bạn đưa đi thăm viếng nhiều nơi ở 12 tiểu bang và thủ đô Hoa Thịnh Đốn.” Anh thật may mắn và nên tự hào là đã đi nhiều tiểu bang và thăm viếng nhiều nơi HƠN ĐẠI ĐA SỐ NGƯỜI MỸ BẢN XỨ. Rất nhiều người Mỹ bản xứ, trình độ và chức vụ cao vẫn chưa có dịp đi tới nhiều tiểu bang và thăm viếng nhiều nơi như anh chị. Bản thân tôi là người thích đi và đã đi du lịch nhiều nơi ở Mỹ và thế giới, đã sống và làm việc tại cả hai vùng Tây (tiểu bang California) và Đông nước Mỹ (thủ đô Washington D.C.) mà vẫn mới chỉ đi được có 9 tiểu bang thôi.

    4-Anh cũng may mắn hơn tôi là được thăm Toà Bạch Ốc và nhà máy xử lý nước thải tại San Jose, thành phố của tôi.
    -Về việc thăm Toà Bạch Ốc thì như thế này. Tôi làm việc gần đó 3 năm. Cũng muốn thăm Toà Bạch Ốc nhưng ngại phải tới xếp hàng từ 5 giờ sang tại văn phòng phát vé (giờ văn phòng mở cửa). Số vé được cấp rất giới hạn mỗi ngày, cho nên muốn chắc ăn phải tới xếp hàng rất sớm. Nhưng rồi xảy ra vụ khủng bố 9-11, việc thăm viếng Toà Bạch Ốc tạm đình chỉ. Sau đó tôi không còn ở thủ đô nữa mà về lại California, cách đó 3 múi giờ, tức 7 tiếng đồng hồ máy bay. Một lần sau có dịp thăm lại Washington D.C. tôi tới Toà Bạch Ốc hỏi việc vào thăm thì họ nói CẦN MỘT VỊ DÂN CỬ GIỚI HIỆU VÀ PHẢI CHỜ TRONG DANH SÁCH TỚI HAI NĂM! Thế là tôi không còn hy vọng thăm Toà Bạch Ốc nữa. Bây giờ với thông tin của anh, chắc thủ tục có thay đổi, tôi lại hy vọng tới đó trong tương lai.
    -Việc thăm viếng nhà máy xử lý nước thải của thành phố San Jose của tôi, tôi cũng có ý muốn tới đó thăm nhưng vào internet thấy không thăm được nên bỏ qua. Giờ với thông tin của anh tôi sẽ tìm cách tới thăm nhà máy đó trong nay mai.

    5-Anh viết, “Có những điều quá bình thường đến độ tầm thường đối với người sống ở Mỹ như một vista point hay một rest area (chỗ đi tiêu tiểu) trên đường nhưng đối với tôi lại rất nhiều ý nghĩa.”
    Hai cái “nhỏ nhặt” ở xứ Mỹ anh vừa nêu không phải chỉ lạ đối với anh chị đâu. Tại mấy nước Tây Âu tiên tiến thì tôi không biết có hai cái “nhỏ” đó không vì ở vùng đó tôi chỉ di chuyển bằng tầu điện. Nhưng toàn khắp Đông Âu, Đông Nam Á, Nam Mỹ, ngay cả Canada cũng không có 2 cái “nhỏ” đó.
    Tại Đông Âu thì cũng như VN, cựu XNCH mà, cần đi tiểu thì xe dừng dọc đường và bước vào lề cỏ giải quyết vấn đề. Tội nghiệp mấy cô đầm balô, mặc đầm, đứng nhìn đám cỏ cao mà lớ ngớ không biết làm sao để ngồi. Nhưng cuối cùng cũng phải “khắc phục” thôi.
    Tại Malaysia là nước duy nhất tôi thấy có rest area và cũng chỉ thấy có một chỗ duy nhất trên xuốt cuộc hành trình bằng xe hơi từ Thái lan, xuyên Malaysia tới Singapore. Nhưng cái chỗ rest area tại Malaysia cũng gây ấn tượng với tôi là trong nhà tiểu ngồi có một bể nước thấp và có một gáo dừa để rửa bằng tay. Hà hà! Hình ảnh giống hệt Việt Nam thời nào thì tôi không còn nhớ đích xác năm tháng.

    4-Cái Vista point (chỗ đậu xe ngắm cảnh thiên nhiên) là một đặc thù tại Mỹ và đó cũng là một nét độc đáo của Văn Hoá và con người Mỹ.

    Hồi mới sang Mỹ tôi cũng rất bị ấn tượng về hai cái “nhỏ” này và tôi đã thu vào video cái một cái rest area với mình đứng trong màn hình nói vài lời giới thiệu. Không biết anh có làm như tôi không? Bây giờ, không có thì giờ xem lại cái video đó, nhưng mỗi lần nhớ lại tâm trạng đầu tiên nơi xứ Mỹ lại cười thầm mình.

    5-Trong dàn bài của anh có mục “Ấn tượng mạnh nhất trên đất Mỹ: Hệ thống xa lộ và giao thông đường bộ”. Chưa biết anh sẽ viết về hệ thống xa lộ của Hoa Kỳ ra sao, nhưng tôi xin “nói hớt” luôn rằng hệ thống xa lộ của Mỹ là SỐ MỘT TRÊN THẾ GIỚI. Dân Âu châu sang đây cũng bị ấn tượng về hệ thống xa lộ Hoa Kỳ. Xa lộ Hoa Kỳ ngoài sự to lớn, còn một ƯU ĐIỂM KHÔNG Ở ĐÂU CÓ LÀ ĐI TRÊN XA LỘ KHÔNG THỂ NÀO BỊ LẠC LỐI VÌ HÊ THỐNG CHỈ ĐƯỜNG RẤT CHÍNH XÁC VÀ TIÊN LỢI (luôn luôn báo trước ít nhất 3 ngã rẽ). Cũng như cái rest area, khi mới tới Mỹ tôi cũng quay video những kiến trúc độc đáo của xa lộ Hoa kỳ. Giờ nghĩ lại cũng cười thầm về mình.

    Còn về cái TO VÀ ĐỘC ĐÁO của các kiến trúc xa lộ tại Hoa Kỳ, mỗi lần hai vợ chồng tôi lái xe “dong duổi đường xa” chúng tôi thường hỏi nhau, “NẾU VIỆT NAM CÓ NHỮNG XA LỘ NHƯ THẾ NÀY KHÔNG BIẾT ĐI XE HƠI TRÊN ĐÓ MÌNH CÓ SỢ KHÔNG. XE ĐANG BON BON CHẠY MÀ CẦU XA LỘ BỊ XẬP THÌ BỎ MẸ! CÁC KIẾN TRÚC BÊ TÔNG CỐT SẮT Ở VIỆT NAM BỊ XẬP LÀ CHUYỆN THƯỜNG NGÀY Ở HUYỆN VÌ Ở VIỆT NAM NGƯỜI TA LÀM XI MĂNG CỐT TRE! (theo nhiều báo chí trong nước)

    6-Du lịch là một chi tiêu đắt tiền nhất trong đời sống, du lịch nước ngoài lại đắt tiền hơn, du lịch Mỹ là ĐẮT TIỀN NHẤT, ngay cả dân Âu châu cũng KHÓ DU LỊCH MỸ, vì ngoài sự đắt đỏ còn vì Mỹ QUÁ RỘNG, CÓ QUÁ NHIỀU CÁI VÀ NHIỀU NƠI ĐỂ XEM, lại THIẾU PHƯƠNG TIÊN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG (không như các nước tiên tiến Âu châu có mạng lưới giao thông công cộng hoàn hảo đi khắp hang cùng ngõ hẻm-Ở Mỹ người ta quen dùng phương tiện xe hơi cá nhân) cho nên anh chị được du lịch “miễn phí” 6 tháng tại Mỹ là một may mắn không phải người hải ngoại nào cũng có được. Cũng không phải người Mỹ bản xứ nào có được. Nhiều người Mỹ bản xứ cả đời cũng chỉ biết vùng mình sinh ra và lớn lên.

    Chúc anh viết xong bút ký Mỹ Du lại có dịp làm tiếp một chuyến Mỹ du, Âu du…khác. Càng đi nhiều càng thấy thương cho quê hương, phải không anh?
    Thân quí,
    Nguyễn Tường Tâm

Phản hồi