Cái đầu
Thuở nhỏ đi học, bài cách trí đầu tiên là khái niệm về thân thể con người. Thân thể con người chia ra làm ba phần, đầu mình và tay chân. Cái đầu là quan trọng nhứt vì nó chứa bộ não. Hệ thần kinh não bộ chịu trách nhiệm chỉ huy tất cả mọi họat động trong tòan thể con người. Khi cái đầu ngưng họat động thì người đó coi như đã chết, dù tim còn đập, phổi vẫn tiếp nhận không khí, mắt vẫn mở trao tráo nhưng không còn chút cảm xúc nào cả ví như một thân thực vật bất động vô tri vô giác. Cái máy cũng vậy, cũng phải có cái đầu làm master mind. Master mind sẽ truyền tín hiệu phân công điều khiển tòan bộ máy móc từ A tới Z một cách trơn tru hòan chỉnh cho dù cái máy đó có rắc rối nhiêu khê, tinh vi đến cỡ nào.
1-
Mấy ngày nay, mỗi khi mở desktop ra, cô Vi nghe có tiếng rè rè phát ra từ cái thùng hard disk rất lạ tai khác thường. Rồi sau hai phút lần lượt tự biên tự diễn mọi thủ tục ‘’dàn chào’’ như thường lệ, trên màn hình bỗng xuất hiện mấy chữ “No signal input” như một lời cảnh báo hù dọa thay vì như mọi khi vẫn ngoan ngoãn hiện ra một dọc icon cho cô tha hồ chọn để get in. Vốn ‘’điếc’’ về kỹ thuật máy vi tính, cô khựng lại thừ người ra ngơ ngáo nhìn sững cái screen tự hỏi không biết bữa nay nó dở chứng gì.
Nhớ lại thằng em và thằng rể có lần dặn :
-Nếu gặp trường hợp cái computer nó làm reo, out of order thì phương pháp đầu tiên để trị bệnh cà chớn của nó là shut down xóa hết đi rồi re open thì có khi (hên xui may rủi) nó sẽ work lại từ đầu. Có rất nhiều lý do khiến nó bị trục trặc hoặc frozen nửa chừng không biết sao mà giải thích, bà cứ thử làm vậy trước đi chừng nào không có hiệu quả thì chờ tụi này đi làm về sẽ ‘’chẩn bệnh’’ coi sao chớ đừng có bấm lung tung càng sinh rắc rối chỉ tổ cho bà thêm nhức đầu thôi.
Vì thế, cô cứ a thần phù ‘’úm ba la’’ nhắm mắt tắt đại cái máy (làm như thầy pháp chữa bệnh tà, không có lý lẽ khoa học kỹ thuật gì cả), rồi chờ mười phút sau mở lại. Vậy mà hên hên ‘’trúng tủ’’ được đâu hai lần, cái máy vẫn chìu ý cô cho cô viết tiếp câu truyện đang dang dở nửa chừng trong đó. Cô đã báo cho thằng em biết symptom của cái desktop của mình nhưng thằng em chưa kịp tới coi thì hôm nay nó tịt ngòi luôn, không còn lịch sự báo trước là ‘’no signal input’’ như lần đầu nữa mà cả cái screen đen ngòm như bầu trời trong một đêm không trăng sao khiến cô chịu phép bó tay không biết đường đâu mà mò.
Cô ôm đầu rên rỉ :
-Trời ơi! chết rồi, vậy là mất hết bài của mình trong đó rồi, làm sao đây! Anh à anh ơi! Vô đây coi giùm cái máy sao vậy nè, bấm ‘’on, off’’ gì cũng không được hết. Nó cứ kêu khẹt khẹt như bị ai khứa cổ vậy đó. Bây giờ muốn tắt nó cũng không tắt được.
Cô hớt hải thất thanh kêu giựt ngược ông chồng như bị ai giựt bóp tuy biết là ông xã cô cũng không khá gì hơn cô về kinh nghiệm computer. Ông xã cô chạy vô phòng dòm cái máy bất động nằm ì ra đó phán liền một câu gọn lỏn làm cô chết điếng trong lòng :
-On off gì cũng trơ trơ không có phản ứng, vậy là cái hard disk hư, cái đầu máy chết rồi.
Mặc dầu đã biết vậy nhưng trong một phút mất bình tĩnh, cô điên tiết bấm on off, on off liên tu tới tấp và đập cái máy khơi khơi cho đã nư khiến ông xã cô phải chụp tay cô lại la lên:
-Em điên rồi hả? Đã out of order rồi, đừng có bấm lung tung nữa, vô ích, phải mua cái khác thôi. Bây giờ muốn cho nó ngừng kêu thì chỉ có cách tắt điện là xong.
Cô Vi úp mặt xuống bàn nói như muốn khóc:
-Mua máy khác thì được rồi nhưng mà mấy cái file của em trong đó làm sao đây. Không biết thằng Tony có retrieve lại được không nữa. Bao nhiêu tâm huyết của em đã gởi vào trong đó chẳng lẽ phải bỏ hết hay sao. Cảm hứng chỉ đến một lần cho mỗi sự việc. Bây giờ có muốn viết lại cũng không thể nào tìm lại cảm hứng như đã có trước đây.
Nói tới đây, cô sực nhớ hình như mấy tháng trước cô có copy một số bài vô một cái USB lưu trử phòng hờ khi cái computer bị chết bất đắc kỳ tử, dù không đầy đủ hết nhưng ít ra cũng vớt vát được phần nào. Nghĩ vậy, cô hơi hòan hồn tươi tỉnh, vội vã đứng lên đi tìm cái USB như tìm lại một thứ gia bảo lưu truyền hằng bao đời đã được trân trọng cất giữ trong một ngăn tủ bí mật. Cầm cái USB trong tay, cô thở phào mừng thầm trong bụng tự an ủi rằng cũng còn may, chưa đến nỗi ‘’tán gia bại sản’’, khánh tận tài sản tinh thần.
2-
Đó là chuyện cái đầu máy. Còn đây là chuyện cái đầu con người. Cách đây mấy tuần, nhân một bữa đi shop, hai vợ chồng cô tình cờ gặp lại một người quen cũ mà đã nhiều năm không gặp. Hai bên đứng lại chuyện vãn một hồi rồi hỏi thăm người nhà của nhau.
Hoa (tên người quen) cho biết:
-Má em vào viện dưỡng lão đã hai năm rồi. Bà không bị bệnh gì cả, không cao máu, không dư mỡ, không tiểu đường, ăn uống rất khỏe, đi đứng vững vàng, duy chỉ có cái đầu là có vấn đề. Bà không nhận ra ai, không nhớ không biết gì cả. Mang thân xác bà lão nhưng đầu óc như một đứa bé mới chào đời phải có người dưỡng nuôi chăm sóc kề cận sớm hôm. Thương cho má em mà cũng cực cho người thân bên cạnh lắm.
Cô Vi xúc động buột miệng nói :
-Tội nghiệp bác quá, bệnh của bác bắt đầu từ hồi nào vậy? Bác có bị stroke hay có dấu hiệu lú lẫn gì trước đó hay không?
Hoa thở dài kể lể:
-Không có triệu chứng gì hết cô à, vì vậy cả nhà không ai phát giác là má em bị bệnh Alzheimer. Ba năm trước má em còn rất tỉnh táo minh mẫn, bà nói nhớ nhà muốn về Việt Nam thăm con cháu một chuyến. Thấy má khỏe mạnh bình thường nên em không lo lắng gì cả, mua giấy máy bay cho má đi một mình. Ngày đi chính em đưa má ra phi trường, hai má con còn nói chuyện với nhau nhiều lắm trước khi má vào cổng lên máy bay.
Không ngờ sau khi về bển chơi hai tháng trở qua, bỗng nhiên một ngày em thấy má hơi là lạ. Lúc đó nhà hay mất đồ, có lần mất chìa khóa, em hỏi má có thấy không thì bà đi lục lạo bươi kiếm tùm lum, khó khăn lắm mới tìm được. Thì ra má em giấu đồ giùm cho cả nhà. Cái gì bà cũng sợ mất nên cứ đem giấu rồi không nhớ để ở đâu. Em gọi về Việt Nam hỏi chị em chớ lúc má về bển, có chuyện gì xảy ra cho bà không thì bà chị nói là má vẫn bình thường, chỉ có cái tật là cứ lấy quần áo ra xếp đi xếp lại một cách vô hồn. Thế là từ lúc đó em mới để ý canh chừng má, đưa bà đi bác sĩ chẩn bệnh. Sau một thời gian dài theo dõi, bác sĩ xác nhận là má bị bệnh Alzheimer, một chứng bệnh mất trí vĩnh viễn, không nhận ra người thân mà ngay cả bản thân mình là ai cũng không biết.
Thương má, lúc đầu ba em tình nguyện chăm sóc má bất cứ mọi chuyện nhưng với thời gian, ba em càng ngày càng mệt mỏi đuối sức rồi bị trầm cảm nặng nề, bác sĩ khuyên nên đưa má vào viện dưỡng lão chớ nếu tình trạng kéo dài, ba sẽ phát bệnh chết trước má. Hai vợ chồng em thì phải quản lý một cái business với tám người phụ việc, bận rộn không hở tay không thể theo kè kè giữ má suốt ngày cho được. Cô biết không, có lần tưởng mất má rồi. Hôm đó ba em không khỏe nên nằm nghỉ trong phòng rồi ngủ quên. Má mở cửa đi ra ngòai mà ba không hay biết, tới chừng em đi làm về, đem chút đồ ăn qua cho má thì không thấy má trong nhà. Em quýnh quáng chạy tìm khắp xóm, chừng sắp tuyệt vọng quay về thì bỗng thấy bà ngồi trước cửa. Mô Phật, em mừng quá kêu má mà bà ngơ ngơ ngác ngác chẳng biết em là ai làm em đau lòng hết sức. Vì vậy cuối cùng ba và em đành phải quyết định đưa má vào viện để có người trông nom chu đáo hơn.
Lúc đầu em cũng thấy bất nhẫn lắm nhưng mỗi lần vào thăm thấy má khỏe khoắn tươi vui sạch sẽ em rất mừng và yên tâm. Ở đó người ta có những sinh họat chung cho bệnh nhân, tới giờ ăn thì cho ăn, chơi thì cho chơi, tắm thì cho tắm, tương đối tốt hơn để ở nhà. Thật ra, đối với những người mắc chứng bệnh này, có người thân hay không có người thân cũng vậy thôi, không còn cần thiết. Họ nhìn mình như một người xa lạ, như chưa từng quen biết hay có dính dáng liên hệ gì với mình trong đời. Họ đã có thế giới riêng của họ, một thế giới không có qúa khứ hay tương lai, chỉ biết vô ưu với hiện tại, dù mỗi người mang một quốc tịch khác nhau nhưng họ vẫn có thể cười nói với nhau cả ngày, mạnh ai nấy nói tiếng mình một cách vô tư, mặc kệ có ai hiểu mình hay không vẫn cứ nói.
Cô Vi an ủi:
-Như Hoa đã nói là má không còn nhận ra được người thân trong nhà thì để má ở đâu cũng vậy thôi, bà đâu còn biết buồn biết tủi gì nữa. Mà ví dù người bệnh còn ý thức được đi nữa thì chắc rằng họ cũng không muốn phiền lụy, làm khổ người nhà họ đâu. Hoa và bác trai giải quyết như vậy là đúng lắm, không có gì phải ray rứt cả Hoa à. Rồi một ngày nào đó khi đã trả xong nợ đời, bác sẽ ra đi trong thanh thản, không biết đau buồn hay nắm níu người thân còn lại, như vậy cũng tốt cho bác.
3-
Cũng lại chuyện cái đầu. Tuần rồi cô đi làm tóc ở một tiệm quen. Ở những nơi làm đẹp của phụ nữ là những nơi có nhiều gossip nhứt, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện công ăn việc làm, thời sự xã hội vv… Trong lúc làm tóc cho cô, cô thợ tên Mai gợi chuyện cho vui lòng khách và nhân tiện thu thập thêm tin tức thị phi nếu như khách cũng thuộc họ hàng một chín một mười với ‘’bà tám’’ chuyên mách lẻo thiên hạ sự. Tay thì vấn tóc, miệng thì chat chat không lành da non, hết than thở chuyện chồng con trong nhà Mai lại ta bà thế sự, hết phê phán người này tới bình phẩm người kia thao thao bất tuyệt tưởng chừng như mình là một chính nhân thập mỹ thập tòan không khuyết điểm.
Nghĩ cũng phải, ở một xứ tự do, ai cũng có quyền phát biểu ý kiến của mình, bộc bạch những gì bị đè nén, nói ra những gì muốn nói và muốn chỉ trích ai thì cứ việc, không sợ bị thằng Việt cộng nào bắt bớ mà chỉ sợ mắc khẩu nghiệp mà thôi. Quyền tự do ngôn luận là một biểu hiện chứng thực nhân quyền thì tội gì ngậm câm không nói, không phát biểu cho đã cái miệng ham ăn ham nói, cho thỏa cái tâm nhỏ nhen ganh ghét đố kỵ thường tình ở mỗi con người. Sẵn đang mở một CD nhạc trữ tình, Mai đề cập đến giới ca sĩ và có cái nhận xét khắt khe như một cụ bà:
-Em thấy ông bà mình hồi xưa nói ‘’Xướng ca vô lọai’’ thiệt không oan chút nào. Như cô ca sĩ đang hát đó. Chị có nghe báo chí họ nói rùm beng từ lâu rồi không?
Và Mai kể ra một lọat đời tư của cô này cô nọ một cách rành mạch vanh vách như đã từng là chứng nhân. Hết ‘’vô lọai’’ Mai lại chuyển sang thành phần ‘’có lọai’’. Lọai này là lọai trí thức có giấy tờ địa vị hẳn hoi, bằng cấp treo đầy phòng nhưng cũng cùng số phận với phường ‘’vô lọai’’ như ai. Nói tới bác sĩ, Mai phán:
-Bác sĩ hả? Ở đây bác sĩ mà không nhờ ba cái medicare của chính phủ thì chỉ có nước ngồi chơi I Pad qua ngày thôi chớ đừng có ở đó mà làm phách. Còn mấy ông nha sĩ thì thiệt là tham hết cỡ nói, không có hậu chút nào. ‘’Ăn’’ gì mà ‘’ăn’’ cạn tàu ráo máng. Hôm nọ có bà bác tới đây làm tóc, bác nói mấy ổng lợi dụng chương trình dental care, vẽ chuyện này chuyện nọ để ‘’ngốn’’ hết số tiền mà chính phủ trợ cấp cho người già chữa răng. Vì vậy hổm nay có nhiều ông đã bị audit điều tra rồi, thế nào cũng có người bị phạt, bị đóng cửa cho coi. Tham thì thâm có ngày mà.
Cô Vi ngồi nghe, thỉnh thỏang góp một vài câu tán đồng cho Mai thêm hừng chí mặc dầu những chuyện này đã xưa như trái đất đối với cô. Kinh nghiệm xã giao đã dạy cho cô nên biết lắng nghe và biểu đồng tình hơn là bài bác khi chuyện đó vô thưởng vô phạt không ăn nhập gì tới mình. Tán gẫu một hồi, sực nhớ tới một cô thợ cũ đã từng gặp trước đây, cô buột miệng hỏi:
-Mai à, chị nhớ mấy lúc trước có cô thợ tên Liên làm ở đây, bây giờ cô ta còn làm nữa không, mấy lần sau này chị tới làm tóc sao không thấy cô ta vậy?
-Nó chết rồi. Tháng mười vừa qua là giỗ một năm của nó đó chị.
Nghe Mai nói, cô bàng hòang thảng thốt tưởng mình nghe lầm:
-Chết rồi hả? Trời ơi! Sao vậy? Còn trẻ quá mà, bị tai nạn hay sao?
-Cái đầu nó chết trước khiến con người nó thành thực vật vô tri vô giác cho nên bác sĩ bàn với người nhà của nó cho nó chết luôn để khỏi ai bị khổ.
Một lần nữa cô lại xót xa kêu trời:
-Trời ơi!, tội nghiệp quá vậy? Sao cái đầu nó lại chết?
Mai bắt đầu kể:
-Nhỏ này nó thường hay đau yếu và nhức đầu kinh niên. Mỗi lần nhức đầu nó cứ nghĩ là bị trúng gió nên chỉ uống thuốc giảm đau rồi nhờ người ta cạo gió cho nó. Riết rồi bạn bè nói trúng gió gì mà trúng gió hòai vậy, phải đi bác sĩ coi có bệnh gì không. Khi nó đi gặp bác sĩ, bác sĩ thử máu cho nó thì thấy không bị dư đường dư mỡ hay cao huyết áp gì cả nên kết luận là nó bị thiếu máu, máu không đủ bơm lên đầu mới làm nó nhức đầu thường xuyên. Vì vậy bác sĩ chỉ cho nó uống thuốc bổ và cũng không nghĩ tới chuyện gởi nó đi khám cái đầu. Đó là thời gian nó còn làm ở đây với em.
Sau đó nó đổi sang làm nơi khác. Nghe kể lại một bữa đang làm thì nó thình lình lên cơn nhức đầu dữ dội. Nó nhờ người bạn cạo gió cho nó nhưng nửa chừng thì nó ngất đi. Mấy người bạn hỏang hốt kêu ambulance tới đưa nó vào bệnh viện và báo tin cho gia đình nó hay. Ở bệnh viện Liverpool hai ngày, người ta làm đủ thứ test mà không tìm ra bệnh nên chuyển nó qua Westmead. Tại đây người ta X-Ray, CT Scan bộ não thì khám phá ra là một mạch máu não của nó bị block, máu không dẫn lên đầu được làm tê liệt bộ não. Bác sĩ chuyên khoa tuyên bố là cái đầu nó đã ngưng họat động, không còn điều khiển được cơ thể nó nữa, nó chỉ còn là một khúc cây bất động vô cảm xúc. Nếu để nó sống nằm một chỗ thì tội cho thân xác nó mà càng khổ hơn cho người nhà, chi bằng rút ống ra cho nó hết thở là coi như giải thóat cho nó, đồng thời cũng giúp người nhà trút đi một gánh nặng đeo đẳng không biết đến bao giờ. Bác sĩ cho biết như vậy và bảo gia đình nó quyết định.
Cả nhà nó, ai cũng đau lòng lắm nhưng đành phải chọn giải pháp cho nó đi luôn để họ còn rảnh rang lo làm ăn, vật lộn với cuộc sống hằng ngày. Nó chết đi để lại trên đời hai đứa con thơ dại cho chồng nó. Tội nghiệp hai đứa nhỏ mới có 5 – 6 tuổi đầu đã mồ côi mẹ. Em cũng có hai đứa con cỡ tuổi này, em biết chúng nó rất cần mẹ. Rồi đây ba chúng nó mà lấy vợ khác, bọn chúng sẽ bị bỏ bù lăn bù lóc, khổ thân bọn chúng biết bao nhiêu. Cũng tại thằng cha bác sĩ đầu tiên bất cẩn vô trách nhiệm. Nếu phát hiện sớm thì nó đã được cứu chữa từ đầu chớ đâu đến đỗi.
Mai chấm dứt câu chuyện bằng một tiếng thở dài xót thương người bạn vắn số. Cô Vi bùi ngùi khuyên giải:
-Không hẳn là vậy đâu Mai à. Chẳng qua là phần số của mỗi người thôi. Nếu như Liên không yểu mệnh thì bác sĩ đã sớm tìm ra bệnh tình để chữa trị rồi. Nhưng đàng này số Liên chỉ hưởng dương được bấy nhiêu thôi. Liên chết như vậy cũng còn có phước hơn rất nhiều người là được chết cùng lúc với căn bệnh đột phát chớ nếu như phải nằm vất vưởng kéo lê kiếp người, thân xác bị hành hạ ngày này qua ngày nọ thì mới là bi đát thảm thương vô cùng.
Đầu máy chết người ta còn có thể thay đầu máy khác nhưng bộ não con người một khi đã chết thì tiêu tan luôn một kiếp người. Cầu xin cho những ai chẳng may vướng phải chứng bệnh này đều được ơn trên cứu rỗi ban cho cái chết để xác thân sớm được về với cát bụi yên nghỉ ngàn thu…
© Người Phương Nam
© Đàn Chim Việt
Thế nhưng dù kêu khóc, mắng nhiếc con cái vì đau, ông cụ vẫn không chịu cho tiêm morphine, nên Hùng phải nhờ bác sĩ đến thuyết phục. Nói mãi, ông cụ vẫn khăng khăng: “Tôi lạ gì, morphine cũng giống như ma túy, tôi tiêm vào lỡ nghiện thì sao?”. Bác sĩ bực mình buông một câu: “Chết đến nơi rồi còn lo nghiện”. Chừng như biết mình lỡ lời, chị ta đứng dậy bỏ đi ngay. Còn bệnh nhân thì từ đó tuyệt vọng, không ăn, không uống, nằng nặc đòi xuất viện vì “đằng nào cũng sắp chết rồi, ở đây làm gì nữa cho khổ con cháu”. Hùng cho rằng, nếu không có câu nói đó của bác sĩ, những ngày cuối cùng của bố anh chắc đã đỡ khổ sở hơn, con cái cũng đỡ đau lòng hơn rất nhiều.