Từ Nhật Bản hậu chiến đến Việt Nam hậu chiến [2]
III. Bại mà thành cường quốc kinh tế trong 20 năm
1. Di sản hậu chiến:
Từ cuối năm 1944, khi quân Mỹ đã khép chặt vòng vây và làm chủ không phận Nhật Bản, thì Tokyo và nhiều thành phố lớn của Nhật đã trở thành biển lửa với những trận bom của hàng trăm pháo đài bay B-29. Từ đó ta có thể hình dung được sự tàn phá vào năm cuối cùng của cuộc chiến. Vì thế trong mấy năm đầu của thời hậu chiến, Nhật đã phải chịu thảm kịch: Nạn đói và dân không nhà mà ký giả William Chapman đã ghi lại như sau:
“Mùa đông 1945-46 là một kinh nghiệm đau thương… Những trận không tập bom cháy của mùa xuân trước đã để lại cho Tokyo một vùng rộng lớn gạch vụn bao quanh hoàng thành, mặc dù khu dinh thự không hề hấn gì. Bên ngoài, những đường hào lặng lẽ, con dân của Hoàng Đế đã phấn đấu gom lại những thứ lỉnh kỉnh để làm nơi che mưa nắng. Họ dựng những miếng thiếc bị cháy đen, xếp gạch, chai lọ làm tường và cãi nhau về những miếng gạch vỡ. Không phải chỉ ở Tokyo là dân không nhà ngủ trong công viên. Hiroshima, Nagasaki đã biến mất, còn những thành phố khác như Osaka, Nagoya, Kobe… cũng đã trở thành những đống gạch vụn. Theo thống kê thì 90 thành phố và tỉnh lỵ cơ bản đã bị phá hủy và 8,045,094 người đã trở thành người không nhà.
Trong những miền đất hoang tàn đó, những thói quen của đời sống thường nhật trở thành nặng nề phi lý. Không có diêm, vì thế những người đàn ông đem theo những mảnh kính vỡ để châm những điếu thuốc bằng cách làm khuếch đại những tia lửa dưới ánh nắng. Những người may mắn có việc làm, lê chân quanh những văn phòng của họ trong những áo choàng dài, vì không có nhiên liệu để sưởi ấm, và ngay trong Sở Liên Lạc Trung Ương, nơi những nhà ngoại giao nói tiếng Anh giao dịch với Nhà Cầm Quyền Chiếm Đóng cũng trong tình trạng đó…
Đói đã biến nước Nhật thành một quốc gia của những người đổi chác và những kẻ hèn hạ. Hệ thống phân chia khẩu phần thực phẩm thời chiến vẫn còn nguyên trong mùa đông đó. Và những gia đình được phát phiếu theo lý thuyết có thể đổi thực phẩm ở các cửa tiệm thành phố. Nhưng hầu hết gạo, cá và rau đã được tuồn ra chợ đen, nơi mà giá cao không thể tưởng tượng nổi. Một bản nghiên cứu chính thức đã thấy rằng trong tháng 10/1945, trước khi sự thiếu hụt trở nên trầm trọng nhất, giá chợ đen thực phẩm trung bình cao hơn 132 lần giá chính thức. Có những tuần ngay cả chợ đen cũng trống trơn. Báo chí in những tấm ảnh và hình vẽ những loại cỏ thông thường với những lời chỉ dẫn trên những loại cỏ có thể ăn, và những trẻ nhỏ đi tìm cỏ ở những vùng ngoại ô Tokyo, nơi cây cỏ còn mọc…
Nạn đói đi qua mùa đông, và vào mùa xuân nhiều đám đông đứng trên đường phố với tấm bảng: “Hãy cho chúng tôi gạo”.
Nhiều lúc tưởng rằng sự sợ hãi chết đói có thể đẩy Nhật vào sự hỗn loạn cách mạng. Việc cung cấp gạo vào Tokyo từ những vùng nông thôn chỉ được một nửa số lượng cần thiết. Vào tháng Tư, lượng dự trữ chỉ còn dưới 2 ngày. Có những lời đồn đại lan truyền trong thành phố là nhà cầm quyền đã tích trữ gạo cho gia đình họ (hay để bán ra chợ đen) và những “rice mobs” đã tụ tập gần những tòa nhà công quyền. Tháng giêng năm 1946, 3000 người đã chen lấn xô đẩy lấy đường vào Kho Tiếp Liệu Quân Đội Itabashi và cuỗm đi những bao gạo, than và đậu nành. Những lãnh tụ Cộng Sản, bị tù trong chiến tranh và được phóng thích theo sắc lệnh của Mac Arthur, đã linh cảm được trong những đám đông đói là phương tiện phục sinh của đảng. Họ đã lôi cuốn 2 triệu người ủng hộ tới những cuộc tập hợp đầu tiên ngày 1 tháng Năm sau 11 năm, qua những khẩu hiệu và áp phích tố cáo những quan chức đã dấu gạo dự trữ. Chỉ riêng cuộc tập hợp ở Tokyo đã lôi kéo 500.000 người. Họ được Kyuichi Tokuda, lãnh tụ Cộng Sản mới ra khỏi tù, thúc đẩy là hãy tự mình tìm lấy thực phẩm. Ông ta hô lớn: “Hãy tìm thực phẩm người ta đã dấu kín”, “Hủy diệt đám thư lại và chế độ quân chủ – Thiết lập một chính quyền nhân dân”.
Dựa vào chủ đề đó, những người Cộng Sản và những công đoàn lao động Tả Phái tổ chức một loạt những cuộc tập hợp được gọi là “Ngày thực phẩm tháng năm” (Food May Day) và tuần hành tới cạnh Hoàng Cung. Đó là một thách thức đáng ngại đối với chính chế độ quân chủ và có lẽ hơn là bất cứ biến cố nào khác của giai đoạn này cho thấy mức độ tuyệt vọng mà cái đói đã đem đến cho dân Nhật. Một tấm áp phích chữ đỏ phất phới ở ngoài hào Hoàng Cung với hàng chữ: “Hoàng Đế ăn đầy bụng còn con dân của ngài chết đói”.
(William Chapman: Inventing Japan. Prentice Hall Press. New York. 1991. tr. 5, 6)
Nhưng dân Nhật đã không phải chịu cảnh chết đói hàng loạt trong mùa đông 1945-46, vì Hoa Kỳ đã chở thực phẩm cứu đói gồm bột mì, bắp say, sữa bột, thịt bò… Tuy vậy cái đói vẫn đi theo dân Nhật một thời gian dài.
2. Phát triển kinh tế
Di sản hậu chiến của Nhật quá nặng với những thảm kịch: Đói, không nhà, bệnh tật, cùng rất nhiều tệ nạn xã hội phát sinh do cái đói. Nhưng chỉ sau 3 năm, dân Nhật đã đẩy lui những thảm kịch và có thể đứng dậy làm lại cuộc đời. Dưới sự lãnh đạo của Yoshida, Nhật đã đưa những cải cách của SCAP vào đời sống. Và chỉ sau 20 năm, Nhật đã vượt qua một giai đoạn đen tối đầy thử thách để trỗi dậy là một thế lực kinh tế thế giới: Năm 1964 gia nhập Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (Organization of Economic Cooperation and Development – OECD), tổ chức của những nước phồn thịnh với lợi tức cao. Cùng năm đó Nhật đã đứng ra tổ chức Thế Vận Hội. Đây là lần đầu tiên một nước Á Châu là chủ nhà của tổ chức Thế Vận. Một hiện tượng khiến thế giới sửng sốt là kinh tế Nhật đã phát triển trên 10% trong suốt thập niên 1960, và hiện tượng này đã được thế giới gọi là “Phép lạ Nhật Bản”.
a. Phép lạ kinh tế của Nhật:
Để xây dựng nền kinh tế mới, Nhật đã du nhập những ngành khoa học và kỹ thuật tiên tiến đã được phát triển ở Tây Phương từ 2 thập niên trước. Và do ứng dụng những khám phá của Tây Phương, Nhật đã tránh được nhiều phí tổn nghiên cứu và phát triển.
- Năm 1946 năng xuất kỹ nghệ đạt 30% so với năng xuất của những năm 1934-36. Rồi tăng dần: 37.4% năm 1947, 54.6% năm 1948, 71% năm 1949, và 83.6% năm 1950.
- Năm 1950, khi chiến tranh Hàn Quốc (Cao Ly) bùng nổ, con số tăng lên 114.4% năm 1951. Mặc dù mức tiêu thụ tính theo đầu người chỉ đạt 84.8% của mức trước chiến tranh. Năm 1953, năng xuất kỹ nghệ tăng 155.1% và mức tiêu thụ vượt mức tiến chiến. Sau giai đoạn này, giữa 1953-1960, kinh tế phát triển trung bình 9.3% mỗi năm.
- Và năm 1965, ngành kỹ nghệ chế tạo cũng như nền kinh tế nói chung đã tăng gần 4 lần mức tiền chiến, trong khi dân số chỉ tăng từ 70 triệu lên 98 triệu.
Những ngành kỹ nghệ đặc biệt:
- Kỹ nghệ thép: Nhật đứng hàng thứ 3 sau Hoa Kỳ và Liên Sô, từ sản lượng 5 triệu tấn năm 1950, tăng lên 82 triệu tấn năm 1969 với những nhà máy thép tân tiến như bất cứ nhà máy thép nào trên thế giới.
- Kỹ nghệ đóng tàu: Năm 1956, Nhật đứng đầu về kỹ nghệ đóng tàu và năm 1969, chiếm 48.2% trọng tải tàu chở hàng hóa trên thế giới.
- Kỹ nghệ xe hơi: Năm 1950, Nhật sản xuất 1,593 chiếc xe hơi, tới năm 1969 số xe sản xuất tăng tới 2,611,499 chiếc và trở thành nước đứng hàng thứ nhì về xe hơi, chỉ sau Hoa Kỳ.
b. Sản xuất đa diện
Trước chiến tranh sản phẩm của Nhật được đánh đồng với tay nghề non kém và vật liệu rẻ. Đến thời hậu chiến, kỹ nghệ Nhật đã được tập trung vào việc sản xuất những sản phẩm với phẩm chất cao như máy ảnh, đồng hồ, radio, máy truyền hình (đứng thứ nhất thế giới về radio và thứ nhì về TV), những khí cụ chính xác, máy móc điện tử, dụng cụ điện, sản phẩm kỹ nghệ nặng và sản phẩm dầu.
c. Phát triển ngoại thương
Sự phát triển kinh tế của Nhật đặt nặng vào ngoại thương. Năm 1950, hàng hóa xuất cảng trị giá 820 triệu Mỹ Kim và nhập cảng 974 triệu. Tới 1969, hàng xuất cảng lên tới 16.7 tỉ Mỹ kim. Cùng năm đó, 69.3 % hàng xuất cảng là những sản phẩm kim loại, máy móc và hóa chất mà trước thế chiến II chỉ vào khoảng 16%.
Những năm trước chiến tranh hàng dệt chiếm một nửa hàng xuất cảng, tới năm 1969, loại hàng này chỉ còn 14.2%. Còn hàng nhập cảng phần lớn là nguyên liệu, nhiên liệu, thực phẩm và quặng.
Sau chiến tranh, ngoại thương của Nhật tùy thuộc nặng vào Hoa Kỳ. Năm 1946, hàng xuất sang Hoa Kỳ chiếm 65% và nhập chiếm 86%. Đến năm 1969, con số đã giảm còn 31% và 27%, nhưng Hoa Kỳ vẫn còn là đối tác thương mại quan trọng nhất, mặc dù Nhật đã buôn bán với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
2. Phát triển nông nghiệp
Với chính sách cải cách ruộng đất và được chính quyền trợ cấp rộng rãi, nông dân đã có thể đưa nông nghiệp đi lên theo kịp với đà tiến của kỹ nghệ. Và cũng do việc kỹ nghệ hóa nhanh, lực lượng lao động trong nông và lâm nghiệp đã giảm xuống còn 18% so với khoảng 50% vào giữa thập niên 1930.
Mặc dù người làm nghề nông ít hơn, nhưng sản lượng nông nghiệp lại gia tăng:
- Trước chiến tranh Nhật phải nhập cảng 20% gạo. Đến nay sản lượng đã dư.
- Năm 1935, số gạo sản xuất được 8,619,000 tấn, nhưng số lượng tiêu thụ lên tới 10,631,000 tấn.
Đến năm 1967, con số thay đổi là 14,453,000 và 12,386,000 tấn.
- Năm 1935 mỗi hectare sản xuất được 2.71 tấn. Đến năm 1969, con số lên tới 4.5 tấn, đạt sản lượng cao nhất trên thế giới.
Kỹ nghệ đánh cá cũng phát triển cao, với tổng lượng hàng năm, không kể cá voi, đã tăng từ 3,374,000 tấn năm 1950 lên 7,851,000 tấn năm 1967. Việc săn bắt cá voi đã tăng gấp đôi so với những năm tiền chiến.
(Mikiso Hane. Sđd, tr.363)
Việc gia tăng sản lượng nông nghiệp đã do yếu tố cơ giới hóa toàn diện. Từ thập niên 1960 đến thập niên 1970, nhiều thứ máy dùng trong nông nghiệp đã được sản xuất trong nước như máy cày, bừa ,máy gieo, máy cấy… đã giúp nông dân đỡ vất vả trong mùa trồng tỉa.
- Như máy cày, năm 1955, con số chỉ tới 89,000 chiếc, nhưng đã tăng lên tới 3.5 triệu chiếc năm 1970.
- Máy xịt thuốc bằng tay và những thuốc trừ sâu đã ngăn cản côn trùng phá hại mùa màng.
- Máy đập lúa, máy sấy hạt và xe vận tải nhỏ đã giúp nông dân thu hoạch mùa màng và đưa sản phẩm ra chợ.
Việc cơ giới hóa nông nghiệp cùng với sự phát triển kỹ nghệ và mở rộng thành phố đã giúp nông dân dư thì giờ làm mùa, nên họ đã có thể tìm việc làm thêm ở những thành phố gần. Vì thế lợi tức của nông dân đã gia tăng tới 700% giữa những năm 1960 và 1979. Với mức lợi tức đó, đời sống ở nông thôn đã ngang bằng với thành phố. Họ cũng lái xe Toyota, xây nhà mới với đủ thứ tiện nghi mà kỹ nghệ đã đem lại.
(James L McClain: Sđd, tr. 588)
3. Yếu tố tạo thành sự khôi phục và phát triển
Theo sử gia Mikiso Hane thì sự khôi phục và phát triển kinh tế của Nhật đã do những yếu tố sau:
Về ngoại lực:
a. Sau thế chiến II, các nước tư bản đã chủ trương nền kinh tế mở, theo đó hàng hóa, tư bản và dịch vụ có thể đi qua biên giới các quốc gia một cách tự do. Và để thực hiện chính sách này, các nước Tây Âu và Mỹ đã thiết lập Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Money Fund – IMF), và Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) để thúc đẩy sự hợp tác tiền tệ quốc tế và trợ giúp sự tái thiết các nền kinh tế hậu chiến. Năm 1952, Hoa Kỳ bảo trợ cho Nhật vào 2 tổ chức này và 3 năm sau vào tổ chức Hiệp Định Tổng Quát Thuế Quan và Mậu Dịch (General Agreement on Tariffs and Trade – GATT) mà mục tiêu của GATT là giảm những hàng rào mậu dịch.
b. Hoa kỳ đã trợ giúp Nhật 2 tỉ Mỹ kim dưới hình thức thực phẩm, phân bón, sản phẩm dầu và vật liệu kỹ nghệ.
c. Trong thập niên 1950 và 1960 Mỹ đã cho phép hàng hóa Nhật vào thị trường Mỹ và mở rộng sự trợ giúp kỹ thuật và tín dụng.
d. Chiến tranh Hàn Quốc (Cao Ly) đã là một lực đẩy. Từ 1950 tới 1953, Nhật trở thành nơi tập trung binh sĩ và kho tiếp liệu cho lực lượng Mỹ chiến đấu ở Hàn quốc và Mỹ đã chi tiêu khoảng 4 tỉ vào đồ tiếp liệu, thiết bị, dịch vụ, và giải trí cho quân đội Mỹ.
e. Từ điều 9 hiến pháp và hiệp ước An Ninh Mỹ- Nhật, Nhật không duy trì lực lượng quân sự và Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật, nếu cần. Do đó Nhật chỉ phải chi tiêu khoảng 1% của tổng sản lượng cho quốc phòng, nên đã có thể đầu tư nhiều cho những chương trình phát triển kinh tế.
Về nội lực:
a. Nhật còn cái nền của nửa thế kỷ canh tân và có một lực lượng công nhân có học, có tay nghề vững, có kỷ luật và siêng năng.
b. Trình độ giáo dục được nâng cao sau chiến tranh giúp cho công nhân trung bình thu nhận được kỹ thuật mới một cách dễ dàng. Với kỹ thuật mới, năng xuất lao động mỗi giờ đã tăng 7.2% trong những năm 1953-1962.
c. Xí nghiệp Nhật đã nhanh chóng canh tân những cơ sở kỹ nghệ và kỹ thuật sản xuất bằng cách mượn những kỹ thuật tân tiến của Tây phương. Giữa những năm 1949 và 1963, 2,563 hợp đồng đã được ký với những xí nghiệp Tây phương để đạt được những qui trình có bằng sáng chế và sự trợ giúp kỹ thuật, trong đó 70% hợp đồng đã được ký với các xí nghiệp Mỹ. Từ đó, các công ty Nhật cũng gia tăng đầu tư vào những dự án nghiên cứu của họ.
d. Dân Nhật có truyền thống sống thanh đạm và tiết kiệm, vì thế giữa thập niên 1950 và 1960, họ đã để dành được nhiều, và tiền tiết kiệm này đã được chuyển vào hệ thống ngân hàng để tài trợ doanh nghiệp và đầu tư vào kinh tế ở mức lãi xuất thấp.
e. Năm 1949 và 1953, luật chống độc quyền đuợc nới lỏng, cho phép các công ty kết hợp để có thể cạnh tranh hữu hiệu với các công ty ngoại quốc. Vì thế những tập đoàn Zaibatsu cũ đã được tập hợp lại, mặc dù dưới hình thức lỏng lẻo hơn.
f. Hệ thống công ty nhỏ và trung cũng góp phần lớn vào sự khôi phục kinh tế hậu chiến. Loại doanh nghiệp này có nhiều dạng: nhà buôn bán lẻ, tiệm ăn của gia đình, công ty xây dựng, nhà buôn sỉ khu vực và nhà thầu lại cho những xí nghiệp sản xuất lớn. Những hoạt động qui mô nhỏ chiếm một chỗ quan trọng trong cơ cấu kỹ nghệ Nhật. Vì những nhà thầu lại đã cung cấp cho những công ty lớn như Toyota, Matsushita…, những cơ phận, đồ phụ tùng, linh kiện đạt phẩm chất giúp cho công ty lớn không phải đầu tư vào những nhà máy sản xuất những thứ đó.
Chính quyền cũng ý thức về vai trò của hệ thống công ty nhỏ trong việc phát triển kinh tế và thu dụng nhân công, nên đã trợ giúp nhiều về thuế, về cải thiện năng xuất và tài chánh, như Công Ty Tài Chánh Doanh Nghiệp Nhỏ (Small Business Finance Corporation) đã được thành lập năm 1950 để cung cấp những món vay lãi xuất thấp mua đồ trang bị và canh tân doanh nghiệp.
(Mikiso Hane. đd, tr. 364)
B. Việt Nam hậu chiến
Từ 1946 đến 1975, đảng Cộng Sản Việt Nam, nhân danh yêu nước, giải phóng và độc lập dân tộc, đã phát động hai cuộc chiến tranh.
Cuộc chiến thứ nhất (1946-1954) với Pháp và chính phủ quốc gia Bảo Đại. Đảng Cộng Sản với sự yểm trợ của Liên Sô và Trung Cộng đã thắng Pháp ở trận Điên Biên Phủ, và trận chiến kết thúc bằng Hiệp định Geneve (7/1954) chia đôi Việt Nam từ vĩ tuyến 17. Đảng Cộng Sản (chính phủ Hồ Chí Minh) được nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc. Chính phủ Quốc Gia Bảo Đại và Pháp được nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam.
Cuộc chiến thứ nhì (1960-1975) với Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ. Cộng Sản miền Bắc với sự yểm trợ của Liên Sô, các nước Cộng Sản Đông Âu và Trung Cộng đã thắng Việt Nam Cộng Hòa ngày 30/4/1975 và thống nhất Việt Nam.
Như thế năm 1945, Nhật Bản thua trận đi vào thời hậu chiến. Còn đảng Cộng Sản Việt Nam có chính quyền lại đi vào hai cuộc chiến và mãi đến 30/4/75, Việt Nam Cộng Sản mới đi vào thời kỳ hậu chiến. Trong thời gian 30 năm từ 45 đến 75, Nhật Bản đã thành cường quốc kinh tế. Còn Việt Nam Cộng Sản trong 30 hậu chiến đã đạt được những gì với cuộc cách mạng vô sản?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin ghi lại một số điểm như sau:
I. Thắng mà tự hủy
Đảng Cộng Sản đấu tranh để làm cuộc cách mạng vô sản. Vì thế khi đạt được chính quyền, Cộng Sản đã huỷ diệt những cái cũ thuộc về xã hội tư sản: Chính trị tư sản, kinh tế tư sản, văn hóa tư sản và con người tư sản để xây dựng xã hội vô sản với chính trị vô sản, kinh tế vô sản, văn hóa vô sản và con người vô sản. Tất nhiên dùng bạo lực chuyên chính vô sản để phá huỷ tất cả những vốn cũ thì dễ, nhưng khi xây cái mới vô sản mà cái mới đó trái với sự sống của con người là tự do và tư hữu thì quá khó, nên đảng Cộng Sản đã phải sử dụng bạo lực triền miên để ép con người xây dựng một xã hội trái với con người. Việc phá và xây này, đảng Cộng Sản đã có 20 năm kinh nghiệm ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa Mác xít, nên khi chiếm được miền Nam đảng Cộng Sản đã đem những kinh nghiệm đó phá hủy những thành tựu của miền Nam, thay đổi miền Nam cho thật nhanh để thống nhất với miền Bắc về chính trị, kinh tế, văn hóa và con người. Tiến trình phá và xây đó đã diễn ra như sau:
- Trước hết, đảng Cộng Sản thực hiện việc giải tán Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và thống nhất chính quyền bằng cách khai tử Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.
- Thực hiện tổng tuyển cử, bầu quốc hội trên cả nước (24/4/76). Quốc Hội khóa 6 tuyên bố hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước, đặt tên nước là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (trước đó là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa).
- Họp đại hội đảng lần thứ 4, đổi tên đảng thành đảng Cộng Sản Việt Nam (trước đó là đảng Lao Động Việt Nam). Đề ra đường lối chung xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa, xác định 4 mục tiêu:
- Xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa.
- Xây dựng nền sản xuất xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở kinh tế của chế độ làm chủ tập thể.
- Xây dựng văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.
- Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa.
Đề ra đường lối xây dựng kinh tế:
- Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
- Đưa nền kinh tế sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa
- Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng.
Đề ra kế hoạch 5 năm lần thứ hai (76-80):
- Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
- Hình thành cơ cấu kinh tế mới xã hội chủ nghĩa trên cả nước.
- Cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động.
Trên đây là những điểm tổng quát nghị quyết đại hội 4, còn đi vào thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Nam thì đảng Cộng Sản đã ứng dụng đường lối đã làm ở miền Bắc là cải cách ruộng đất và cải tạo công thương Nghiệp.
a. Về cải cách ruộng đất:
Đảng Cộng Sản thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, nhưng có lẽ do nhiều yếu tố từ tinh thần nông dân đến thực tế là nông dân miền Nam đa số đã trở thành tiểu nông, trung nông qua 2 cuộc cải cách điền địa của Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-63) và Đệ Nhị Cộng Hòa (1964-75), nên họ đã không thể làm thêm một cuộc cách mạng “long trời lở đất”, đấu tố địa chủ, trung nông và giết nhiều người như ở miền Bắc sau năm 1954, mà phải tiến hành bằng nhiều biện pháp thuyết phục cùng với những áp lực bao vây cưỡng bách tầng lớp trung nông và tiểu nông có từ 2 đến 5 hectares, gia nhập hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Kết quả là đến năm 1988, theo Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 10/10/1988, ruộng đất miền Nam từ Thuận Hải đến Cà Mâu đã được tập thể hóa với 622 hợp tác xã và 35853 tập đoàn sản xuất.
b. Về cải tạo công thương nghiệp:
Chương trình cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam đã được thực hiện qua 2 chiến dịch với những biện pháp áp chế khác với biện pháp tuyên truyền, thuyết phục mà đảng Cộng Sản đã làm ở miền Bắc sau 1954.
Xin tóm tắt như sau:
Chiến dịch thứ nhất vào tháng 9/1975 với những biện pháp:
- Đổi tiền, 1 đồng mới ăn 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa.
- Giam giữ và tịch thu toàn bộ tài sản của các thương gia, kỹ nghệ gia.
- Thực hiện chế độ hộ khẩu để kiểm soát từng người.
- Cấm lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh và từ tỉnh vào thành phố và từ địa phương này qua địa phương khác.
- Bắt những gia đình tư sản đi lên vùng kinh tế mới.
Chiến dịch thứ nhì vào tháng 4/1978 với những biện pháp:
- Đổi tiền lần thứ hai.
- Bắt giam và tịch thu tài sản của tư sản mại bản. Mục tiêu chính của chiến dịch này nhằm vào thương gia gốc Hoa và bắt gia đình họ phải đi kinh tế mới.
- Tăng cường chế độ ngăn sông cấm chợ.
- Để vét cạn tài sản chìm của giới tư sản, đảng Cộng Sản đã ra lệnh tổ chức những cuộc vượt biên bán chính thức trong những năm từ 1978 đến 1980 theo giá: Người Hoa từ 8 đến 10 lạng vàng, người Việt từ 10 đến 12 lạng. Do đường này mà hàng trăm ngàn người Việt và Hoa đã thoát khỏi Việt Nam để đi Canada, Mỹ và Úc.
Pages: 1 2
***Ở thế kỷ 21, tại Việt Nam, dưới chế độ cai trị của đảng Cộng sản, vẫn còn cảnh con trâu đi trước, cái cầy đi sau, áo anh rách vai, quần tôi có vài miếng vá. Thảm quá ! Dưới đây là trích đoạn từ bản tin trong nước :
…Bộ trưởng Cao đức Phát đau xót ‘phác’ ra mặt trái của nền nông nghiệp mà ông là người đứng đầu, trong phiên chất vấn.
Sau đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào chất vấn đầu tiên, khi bộ trưởng Phát dừng đọc văn bản, “Với tư cách người đứng đầu ngành nông nghiệp, người nói rất hay về nông thôn mới, bộ trưởng có thể phác họa bức tranh kinh tế nông thôn đến năm 2020? Khi nào chúng ta có thể thay đổi được cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau…?”,
Không chờ bộ trưởng trả lời, đại biểu Ngô Văn Minh tiếp thêm câu hỏi “hóc”: “Bao giờ mới có khi mà khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị không thu hẹp mà có xu hướng ngày càng rộng ra?”.
Không tỏ ra lúng túng, Bộ trưởng Cao Đức Phát chậm rãi thừa nhận thực tế trên là có thật: “Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo mà hàng năm vẫn còn hàng trăm nghìn đồng bào chỉ được ăn cơm khi ngày lễ, ngày tết, khi bị ốm”.
Nông nghiệp là nguồn sống chính của 73% dân số Việt Nam, nhưng tốc độ phát triển chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với công nghiệp. Nhiều hộ rơi vào cảnh đói nghèo chỉ sao một trận lũ lụt, dịch bệnh, hay gia đình có người ốm.
Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, chấm dứt cảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, bộ trưởng cho rằng “không thể theo sự mong muốn của chúng ta”, vì liên quan đến hoạt động của nền kinh tế thị trường . ( Trích)
****Trong buổi hội thảo về “Những Vấn Nạn Hiện Tại Của Xã Hội Việt Nam” của Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam tổ chức ngày 15.10.2011 ở thành phố Santa Ana, ông Nguyễn Bá Lộc phát biểu rằng sau 35 năm cai trị Việt Nam của đảng Cộng sản, nền kinh tế nông thôn vẫn trì trệ, chậm tiến. Lợi tức mỗi đầu người nông dân chỉ hơn 100 mỹ kim một năm .
Bài viết hay quá . Rất đáng nên đọc .
- NHẬT đứng lên từ hoang tàn đổ nát của kẻ BẠI TRẬN, xây dựng thành đất nước khiến dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh theo đường lối tự do dân chủ.
- Việt Nam cs, từ KẺ CHIẾN THẮNG (qua 2 cuộc chiến) do hãnh tiến lại duy-ý-chí đi theo mô hình cs-giáo-điêu đã phá đổ tất cả; biến đất nước trở nên lạc hậu đói nghèo. Mãi sau khi Đông Đức, Đông Âu, Liên Sô tan rả, csvn mới hối hả chạy theo tư bản kiểu nửa vời (nửa quạ nửa dơi), biến nhà nước thành độc tài đảng trị, tham nhũng tràn lan, xã hội băng hoại !
Từ thực tế ấy, ta thấy CÁI TÂM, CÁI TẦM CỦA AI HƠN, đáng noi theo hay đáng bị lên án, phỉ nhổ ?