WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lòng người ta là giấy, chứ không phải vàng đá

Là giấy nhưng sao người ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?

Tôi muốn được kể một câu chuyện:

Chuyện xưa kể rằng, có một đạo sĩ nổi tiếng thần thông, trong một lần ngao du sơn thuỷ, thấy một phụ nữ đang quỳ bên một ngôi mộ mới, vừa khóc vừa quạt. Lấy làm lạ, đạo sĩ đến hỏi sự tình. Mới hay rằng, người dưới mộ là người chồng vừa khuất của thiếu phụ.

Ngán thay, trước khi chết có trăng trối lại rằng đến khi mộ khô thì người vợ trẻ hãy tái giá. Người thiếu phụ vì thế mới ở đây, quạt cho mộ nhanh khô. Người đạo sĩ động lòng, mới hoá phép giúp cho thiếu phụ, ngôi mộ thoắt cái đã khô như những ngôi mộ cũ. Người thiếu phụ vui vẻ cảm ơn đạo sĩ để về nhà, nơi người tình mới của mình mong đợi.

Người đạo sĩ về nhà, đem chuyện kể với vợ của mình. Vợ của đạo sĩ chê cười người đàn bà kia thật bạc tình. Được một thời gian, bỗng dưng người đạo sĩ mắc phải bạo bệnh, liệt giường và tạ thế. Trước khi nhắm mắt mới trăng trối lại rằng hãy giữ quan tài đủ bảy bảy bốn chín ngày rồi hãy an táng. Người vợ khóc vâng lời.

Một ngày kia, có một người xưng là học trò đến xin ở lại chịu tang người đạo sĩ. Dung mạo người học trò thật khôi ngô tuấn tú. Thế rồi, chỉ ba ngày sau, người vợ đạo sĩ đã ăn nằm với người học trò.

Được bảy ngày sau, người học trò lăn ra ốm. Bệnh ngày một nặng. Mới nói với người vợ đạo sĩ rằng, ta mắc phải bạo bệnh, chỉ có ăn óc người mới khỏi được. Người vợ liền lấy vồ, bật nắp quan tài định đập vỡ đầu xác chết để lấy óc cho nhân tình ăn.

Nào ngờ, vừa bật nắp quan tài thì vị đạo sĩ tỉnh lại. Người thiếu phụ quay lại thì chàng trai trẻ đã biến mất tự khi nào. Mới hay, đó là do phép thuật phân thân của người đạo sĩ cao tay. Người vợ xấu hổ quá, mới tự tử mà chết.

Người đạo sĩ đó là Trang Chu (còn gọi là Trang Tử), cũng là một hiền triết của phương Đông chúng ta. Câu chuyện đó, câu chuyện “vợ thầy Trang Chu” lưu truyền gần hai nghìn năm để chê cười cái gọi là “lòng dạ đàn bà”.

Ngày nay, lại có chuyện anh đảng viên nọ sau khi “hoàn thành kế hoạch” (hai con), mới giấu vợ đi đình sản. Người vợ thì lại muốn sinh thêm con cho vui cửa vui nhà nên “tích cực cố gắng” mà mãi không thấy “kết quả”. Người chồng vẫn giấu vợ, thậm chí bởi vì cái khoản đình sản kia không ảnh hưởng đến khả năng đàn ông của anh, nên anh lại còn làm ra vẻ hăng hái “phụ giúp” vợ mình.

Thế rồi, một hôm người vợ vui vẻ thông báo những “nỗ lực cố gắng” của hai vợ chồng đã có “kết quả tốt đẹp”, cô đã có thai ba tháng. Choáng váng, nhưng người chồng giấu đi để đi “kiểm định lại”. Kết quả biểu đồ của anh là 0%. Cuộc tiểu phẫu đình sản đã thành công tốt đẹp.

Ấy, cái câu chuyện thời nay cũng đang nói đến cái lòng dạ con người…

Lại có người lấy email giả, để chính mình chat và “thử lòng” người chồng mà mình hết mực thương yêu. Để đến khi anh ta trở nên lạnh nhạt tình cảm vì cho rằng người vợ thiếu tin tưởng tình yêu của mình. Rồi lấy bạn gái của mình để thử chồng, và rước đau khổ vào mình khi người chồng chẳng “trước sau như một”.

Còn bao nhiêu câu chuyện trớ trêu nữa mới đủ để chúng ta hiểu rằng, lòng người ta là giấy, chứ nào đâu phải vàng đá… Vì là giấy, nên sao ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?

Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy nên đẹp xấu là do ta vẽ nên, tốt lành là do ta viết nên mà thù hận cũng là ta đặt bút. Sao ta không viết lời hay, vẽ lấy bức tranh yên bình để xây dựng, gìn giữ cái hạnh phúc mong manh của gia đình?

Tôi chẳng cho cách làm của thầy Trang Chu là hay, tôi chẳng cho người đảng viên kia là không có lỗi. Tôi cũng chẳng ủng hộ việc thử lòng của các chị thời nay với email và các phương tiện khác. Thời gian thì trôi đi, nhưng lòng người thì vẫn vậy thôi, vẫn là giấy. Mà đá cũng mòn, vàng cũng phai, huống hồ là giấy…

Người ta, cùng là một người, sao có lúc nhân từ đáng yêu, lại có lúc cay nghiệt thế? Ấy bởi ai cũng có hai mặt tốt xấu trắng đen lẫn lộn.

Là những người thề non hẹn biển với nhau, cam kết gắn bó với nhau để xây dựng tổ ấm của mình, tôi thiết nghĩ việc nên làm là mang cái mặt tốt ra để đối đãi với nhau. Lấy mặt trắng mà đối đãi với nhau (phu phụ tương kính như tân – vợ chồng kính nhau như khi còn mới). Đó mới là cái kế vạn toàn. Chứ nếu cứ mang cái mặt trái để đối đãi với nhau, mang cái xấu để dành cho nhau, như thế thì đồng sàng mà dị mộng, người hiền lành mà đối xử với nhau như trộm cướp. Cái đó gần với sự tan vỡ lắm.

Ai ơi, nếu còn thương nhau, chớ có thử lòng nhau. Và hãy hiểu, lòng con người là giấy. Ai không động lòng trước một cử chỉ ân cần? Ai vô cảm bởi một lời khen? Ai vắng nhau lâu ngày mà không hề ham muốn? Chẳng phải lòng mình cũng vậy ư?

Vậy nên, nâng niu bao nhiêu vẫn chưa đủ. Một chút nghi kỵ đã là thừa.

Tác giả: Lê Mai Thao

1 Phản hồi cho “Lòng người ta là giấy, chứ không phải vàng đá”

  1. Tình Xưa Nghĩa Cũ says:

    Bài viết này nó lại đụng đến những vấn đề triết học, nên tôi cũng xin nói sơ qua một chút về vấn đề đạo đức tinh thần và áp dụng trong tình yêu.
    Đạo đức là những gì có tính chất tinh thần, tâm linh, siêu hình, có tính chất chia sẻ, cứu giúp, vô sở cầu, vô sở đắc.
    Một người có nhân cách đạo đức là một người xem trong tinh thần hơn vật chất, không vì lợi ích vật chất mà bán rẻ lương tâm, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác mà không mong cầu người ta báo đáp lại mình. Là một con người hướng đến những giá trị chân thiện mỹ, sẵn sàng chống lại những cái xấu ác mà không hề toan tính bon chen hay sợ sệt.
    Tình yêu chân chính thì nó cũng có tính chất tinh thần đạo đức, có tính chất chia sẻ, giúp đỡ, sẵn sàng hy sinh hay làm mọi thứ vì người mình yêu, miễn sao người đó có được hạnh phúc, nó còn thể hiện ở sự tin tưởng, thông cảm và hiểu biết lẫn nhau, nó phải được thử thách thông qua thời gian, không đổi thay dù cho điều gì có xảy ra chăng nữa.
    Còn tình yêu mà chỉ dựa trên những toan tính danh lợi, địa vị, tiền tài, vật chất, sắc đẹp, … thì đó không phải là tình yêu chân chính, mà nó chỉ là tình yêu vật chất, duy vật, đạo đức giả. Khi mà những điều trên không còn nữa hay đã suy đồi rồi thì tình yêu nó cũng mất theo, hay nó sẽ tìm những cái khác thay thế.
    Nên nếu áp dụng tư tưởng trên vào bài viết của CÔ THAO này, thì tôi sẽ có những nhận xét sau đây:
    Người vợ kia chồng chết mộ chưa khô mà đã muốn tái giá, bằng cách quạt cho nó nhanh khô, chứng tỏ rằng cô ta không hề yêu thương chồng mình, mà chỉ yêu thương bản thân mình và yêu những lợi ích mà chồng cô có thể đem lại cho mình mà thôi. Nên khi chồng chết đã không hề tỏ ra thương tiếc, mà lập tức tìm kẻ khác thay thế ngay, như thể vứt một món đồ hỏng đi mua một món đồ mới về dùng vậy. Thật là một kẻ tầm thường và đáng để người khác coi khinh.
    Còn cái ông Trang Chu dùng cái kế “giả si bất điên”, giả chết nhưng lại không chết để thử “lòng dạ đàn bà” thì ông ta cũng mới chỉ chết có ba ngày mà người vợ của mình đã ăn nằm với cậu học trò khôi ngô tuấn tú của mình, lại còn đòi đập vỡ sọ chồng mình để lấy óc cho tình nhân ăn thì hết chỗ nói.
    Còn cái chuyện anh đảng viên “hoàn thành kế hoạch”, thì hậu quả cũng một phần do anh ta gây ra, một phần do vợ anh ta gây ra, bởi vì anh ta đã không tin tưởng vợ, dấu vợ, trong khi lại vẫn “phụ giúp” vợ trong chuyện ấy khiến cô ta thất vọng và được nước làm tới thì cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cô ta được. Có trách thì trách họ đã thiếu tin tưởng lẫn nhau mà thôi.
    Còn cái chuyện “email” để thử lòng chồng, trong khi cô ta lại yêu thương chồng hết mực thì có thể là do cô ta chưa hiểu được chồng mình mà đã vội vàng lấy, hoặc tình yêu của chồng dành cho cô ta không đủ lớn, mong manh, dễ đổ vỡ, dễ thay đổi. Hay nói tóm lại là họ chưa thật sự hiểu lẫn nhau, chưa thực sự tin tưởng lẫn nhau, mà cô ta đã vội vàng sự dụng cái chiêu “email tình yêu” để nắn gân chồng thì tự rước họa vào thân là phải. Đáng lẽ ra cô ta nên tìm hiểu cẩn thận, thử thách, kiểm tra trước khi yêu, trước khi lấy làm chồng có phải hay hơn không?!
    Còn lòng người chẳng phải là vàng mà cũng chẳng phải là giấy, mà lòng người là “lòng người”. Nên trước khi lấy nhau phải tìm hiểu cho nó kỹ càng, thử thách, tin tưởng lẫn nhau cái đã, để sau này có xảy ra chuyện gì thì nó cũng không dễ dàng bốc cháy như tờ giấy.
    Bởi vì nó không phải là giấy, nên đẹp xấu không phải do ta vẽ nên, mà nó do bản chất tự nhiên của mỗi người cộng với sự giáo dục đào tạo. Nên nó đã tốt rồi thì có muốn vẽ xấu lên đó cũng không được hay rất khó. Còn kẻ xấu muốn viết lời hay, vẽ bức tranh yên bình lên đó cũng không phải chuyện dễ làm.
    Còn nhân cách đạo đức tình yêu của con người không ngừng được rèn luyện thử thách thông qua thời gian thì nó càng phải đơm hoa kết trái, càng phải lý tưởng lên chứ, sao lại có thể mòn, phai hay cháy ở đây được?!
    Còn con người mà có hai mặt tốt xấu trắng đen lẫn lộn là kẻ đạo đức giả, kẻ ăn ở hai lòng.
    Đương nhiên sống với nhau thì ai chẳng muốn tốt đẹp, nhưng có những lúc nó phát sinh mâu thuẫn thì tính làm sao. Nên cái kế vẹn toàn là phải tìm hiểu, thử thách, tin tưởng, yêu thương lẫn nhau trước đã, rồi tính cái gì hãy tính. Khi đó thì cần gì phải nghi với kỵ nữa mà thừa với chả thiếu!
    Vì nó không kém phần quan trọng nên tôi phải viết và nói như vậy.
    Có gì không phải mong cô giáo THAO chỉ giáo cho!

Phản hồi