WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Người về sông Tương

ns Van GiangThầy Ngô Văn Giảng vừa tạ thế tại Úc, hưởng thọ 89 tuổi. Tin buồn loan ra, tôi bâng khuâng nhớ về 54 năm trước, năm 1959, thầy là giáo sư âm nhạc của chúng tôi tại trường Hàm Nghi, Huế. Thuở ấy, thầy mới ngoài 30, dáng điệu phương cường, đi chiếc xe gắn máy hiệu Zunndapp của Đức nổ bịch bịch nổi bật cả sân trường.

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên khi Thầy bước vào lớp đệ Thất B1 của chúng tôi, trò Trương Phước Ni bắt tay làm loa đứng dậy chào thầy bằng câu: “Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn…” Thầy cười rất tươi cho cả lớp, nhưng cũng lâp nghiêm nhìn chú học trò rắn mắt ở dãy bàn cuối lớp. Đây là câu mở đầu của hùng ca Lục Quân Việt Nam, một trong những bài ca mang tiết điệu hành khúc, hùng tráng nổi tiếng nhất của Thầy – nhạc sĩ Văn Giảng – như Thúc Quân, Đêm Mê Linh, Qua Đèo, Nhảy Lửa…

Thầy đã là một nhạc sĩ thành danh, nổi tiếng trong cả nước, trước khi trở thành giáo sư âm nhạc của trường Hàm Nghi. Nhưng nhiều người chỉ biết Văn Giảng qua những bản hùng ca. Bởi thế, vào mấy năm đầu thập niên 1950, khi bản nhạc để đời của Thầy, Ai Về Sông Tương, trở thành một bản tình ca thời danh với tên tác giả là Thông Đạt thì ít ai để ý rằng, trong góc khuất của những tâm hồn nghệ sĩ thì bên cạnh nhịp đời hào hùng vươn tới vẫn có tiếng thở dài chan chứa điệu buồn.

Hai niên khóa học với nhạc sĩ Văn Giảng, tôi thích học nhạc thì ít mà mê Thầy kể chuyện thì nhiều. Cứ mỗi cuối giờ, Thầy có một câu chuyện kể về các giai thoại âm nhạc. Thích nhất là những chuyện thâm cung bí sử của những nghệ sĩ âm nhạc tài hoa. Chẳng hạn như bản nhạc Ngày Về của Hoàng Giác, Thầy xướng âm lên và phân tích cho chúng tôi nghe rằng, tiết điệu của bài ca có một nhịp điệu trải dài xa vắng và âm hưởng thương nhớ quặn lòng “rất Tây Phương” vì đây là bản nhạc do một người lính Đức trong đội quân viễn chinh của Pháp viết lên giai điệu. Nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ soạn ca từ… Hoặc như bản nhạc Trầm Hương Đốt của Bửu Bác, xuất xứ là bài Hải Triều Âm. Đây là một trong những bản nhạc nghi lễ đầu tiên dùng trong sinh hoạt chùa viện đã bứt phá từ giai điệu ngũ âm “Đăng Đàn Cung” để tiến lên bát cung của phương Tây. Bởi vậy mà ảnh hưởng âm điệu “thánh ca nhà thờ” thể hiện rất rõ trong giai điệu của bản nhạc.

Nhưng thú vị hơn cả là lịch sử bản nhạc Ai Về Sông Tương. Thầy kể rằng, thời trai trẻ, Thầy ở Thành Nội và yêu một cô gái ở Kim Long – Kim Long có gái mỹ miều; trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi… mà – nhưng duyên không thành vì gia đình nho phong của cô bé không có cái nhìn thiện cảm với đời nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trong ngành âm nhạc, xướng ca… Thế là chia tay và cô bé đi lấy chồng!

Rồi một hôm, Thầy vào rạp Xi-nê Tân Tân, gần cầu Trường Tiền bên bờ Bắc sông Hương để coi phim “Bé Nhà Trời” (Les enfants du paradis). Ngay trước mắt Thầy, ở hàng ghế trước có một cô Bé tóc dài. Tuy nhìn không rõ mặt nhưng từ dáng dấp đến hương tóc thoang thoảng mùi hoa Ngâu của người thiếu nữ đã làm sống lại hình ảnh người tình Kim Long. Thầy bị xúc động đến nỗi không thể còn ngồi lại lâu hơn trong rạp chiếu bóng để xem phim, nên vội vàng ra khỏi rạp. Thầy cỡi chiếc xe đạp Dura Mercier của Thầy và đạp xe dọc theo bờ sông Hương để vô cửa Thượng Tứ vào nhà ở Thành Nội. Thoáng chốc dòng sông Hương hiện ra như là dòng sông Tương chia biệt trong truyện tình cổ thư Trung Quốc. Thầy vừa đến nhà là dựng ngay chiếc xe đạp ngoài hiên, đi nhanh vào nhà và vội vã sáng tác bản nhạc bằng tất cả sự hoài niệm và háo hức nghệ thuật với sự chấn động dị thường như phép lạ hóa thân. Bản nhạc Ai Về Sông Tương được viết ra trong vòng mười lăm phút!

Sau đó, Thầy bí mật ký tên là Thông Đạt và chép một bản gởi ra đài phát thanh toàn quốc là đài Pháp Á ở Hà Nội. Ngay sau đó, Mạnh Phát vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ đã hát bản Ai Về Sông Tương lần đầu trên đài Pháp Á Hà Nội. Bản nhạc sáng tác năm 1949 đã nhanh chóng nổi tiếng trong toàn cả nước.  Đã trải qua hơn 60 năm, những mối tình đã cũ, những hẹn hò thuở răng trắng tóc xanh đã thành “răng long đầu bạc”. Nhưng Ai Về Sông Tương vẫn mới như thời gian là nước chảy qua cầu, vẫn còn là tiếng lòng tình tự của những đôi tình nhân ước hẹn không thành. Bản nhạc với một giai điệu thướt tha lãng mạn, lời lẽ đậm nét hoài niệm trữ tình làm dậy lên nguồn tình cảm sướt mướt, mượt mà mà rất “sang” ấy như một dòng suối tươi tắn, mát dịu trong một hoàn cảnh tạm hồi sinh sau cuộc chiến:

Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương…

Cũng theo lời Thầy vui vui kể chuyện rằng, Mạnh Phát, là bạn thân của Văn Giảng, đã nhờ Văn Giảng đến nhà ấn hành tân nhạc gần như độc nhất thời bấy giờ là nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế do ông Tăng Duyệt làm giám Đốc để hỏi cho ra Thông Đạt là ai ngay sau khi bản nhạc phát trên đài Pháp Á. Nhưng mãi đến ba tháng sau thì tông tích của Thông Đạt mới được tiết lộ. “Mạnh Phát vô Huế chơi khi biết tui là Thông Đạt, hắn đấm lưng tui thùi thụi như rứa thì thôi!” Thầy Văn Giảng nói.

Một lần trong giờ học nhạc, trò Nguyễn Xuân Huế là tay đọc tiểu thuyết đệ nhất trong lớp hỏi Thầy: “Thưa Thầy, tại sao mình có sông Hương, mình cũng có Hương giang đầu, Hương giang vỹ mà Thầy lại phải vay mượn sông Tương của Tàu như rứa ạ?”. Thầy trả lời, đại khái là tại sông Hương chưa có chuyện tình nào nổi tiếng trong tình sử như sông Tương. Tương Giang là một con sông ở Trung Hoa, bắt nguồn từ núi Duyên Hải, chảy qua Hồ Nam dài hơn hai ngàn dặm. Còn ý “ai về sông Tương” của Thầy trong bản nhạc là bắt nguồn từ cảm hứng của bốn câu thơ tình sử trích từ khúc Trường Tương Tư của nàng Lương Ý, đời Hậu Chu. Nàng và Lý Sinh yêu nhau say đắm nhưng phải chia tay.  Nàng làm thơ mong gửi gấm nguồn tâm sự đau khổ khi phải xa cách người yêu:

Quân ti Tương Giang đu

Thiếp ti Tương Giang vĩ

Tương tư bt tương kiến

Đng m Tương Giang thy

**

(Chàng đu sông Tương

Thiếp cui sông Tương

Nh nhau không thy mt

Cùng ung nước sông Tương)

Trong những ngày phong trào đấu tranh Phật giáo xẩy ra tại Huế năm 1963, có lần tôi gặp Thầy trên con đò Thừa Phủ, Thầy nói là lên chùa Từ Đàm nhưng đường sá trở ngại phải đi đò sang sông rồi đi bộ lên chùa. Khi đò ra giữa sông tôi nghịch ngợm hỏi Thầy: “Thưa Thầy, đã có ai về sông Tương chưa ạ?” Thầy cũng cười đáp lại: “Đối với tôi thì sông Tương là sông Hương. Tôi chỉ mong cuối đời về lại con sông này…” Ngày đó và bây giờ, tôi tự hiểu khái niệm “cuối đời về lại” của Thầy là linh khí của con người luân lưu sống giữa hồn thiêng sông núi. Nếu vậy, thì hôm nay Thầy đã về sông Tương.

Đó là lần cuối tôi gặp Thầy Văn Giảng. Nhưng sau đó không lâu, tôi lại được “gặp” Thầy qua một tác phẩm mang tính chất đạo ca của khách hành hương mà tôi đã gặp trên chuyến đò Thừa Phủ: Nhạc phẩm Từ Đàm Quê Hương Tôi. Lần nầy Thầy để tên tác giả là Nguyên Thông. Bản nhạc tuy được liệt vào thể loại nhạc tôn giáo nhưng cả giai điệu lẫn ca từ đã vượt ra ngoài khuôn khổ giới hạn của văn hóa chùa viện. Cảm quan nghệ thuật sáng tạo của người nhạc sĩ tài hoa đã dung hóa được tính chất tráng liệt của hùng ca như Thúc Quân, Lục Quân Việt Nam, làn điệu mượt mà lãng mạn của tình ca như Ai Về Sông Tương, Ai Đưa Con Sáo Sang Sông và biểu tượng thiêng liêng, siêu thoát của đạo ca như Mừng Đản Sanh, Ca Tỳ La Vệ, Từ Đàm Quê Hương Tôi:

Quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng
Qua bao giông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn…

Những nhạc sĩ tài hoa của nền tân cổ nhạc Việt Nam thuộc thế hệ Chiến Tranh Việt Nam lần lượt ra đi. Nghệ thuật và người nghệ sĩ đến với đời và ra đi không bằng tấm vé một chiều. Tác phẩm để lại cho thế hệ kế thừa sẽ làm cho con đường sáng tạo nghệ thuật rộn ràng và phong quang hơn. Với hơn 50 tác phẩm âm nhạc phong phú giá trị nghệ thuật để lại cho đời, nhạc sĩ Văn Giảng đã cống hiến phần tinh hoa lớn nhất của đời mình vì lợi lạc của tha nhân mà các nhà tu Phật giáo thường gọi là “công hạnh viên thành”. Thế hệ đàn em, học trò như chúng tôi có điểm tựa tinh thần đáng tự hào và trân trọng trong giờ phút tưởng niệm và bái biệt Thầy.

Sacramento, mùa hoa sen tháng Tư, 2013

© Trần Kiêm Đoàn

© Đàn Chim Việt

 

6 Phản hồi cho “Người về sông Tương”

  1. thanh loan says:

    Cam ơn cac Văn Nghệ Sì mien Nam VN truoc đay đã đê lai cho hậu thế nhung tac phẩm bất hủ khien nguoi nghe rung động, xao xuyen cả cỏi lòng ,trong đó có bản nhac “ai về sông tương”

    • NÚI NGÀN says:

      SAU VÀ TRƯỚC

      Miền Bắc đi trước về sau
      Miền Nam khởi chậm về ngay mới tài
      Ai đời kinh tế thị trường
      Miền Nam đi trước vạn đường ai hay
      Bắc thì chủ nghĩa dài dài
      Đi nhanh về chậm quả nay mới tường
      Say sưa ảo ảnh thiên đường
      Không say cũng cốt bị lường cho say
      Miền Nam phải chịu đắng cay
      Bao năm trường ấy đến nay cũng đành
      Nói chi văn nghệ văn gừng
      Miền Nam giữ lửa thật mừng lắm thay
      Nghĩa là giữ được gia tài
      Ngàn đời vô giá của giòng Việt Nam !

      SUỐI NGÀN
      (15/5/13)

  2. Lại Mạnh Cường says:

    Bài hát hay của Văn Giảng,
    dưới những tên khác nhau:

    * Ai Về Sông Tương
    http://www.youtube.com/watch?v=3r1EYOFJwdQ

    * Từ Đàm Quê Hương Tôi
    http://www.youtube.com/watch?v=dAqgSzubF-A

    * Thương Tà Áo Bay
    (bài hát cực hay từ lời đến nhịp;
    phổ thơ Nguyên Đàm; ca sĩ Mỹ Thể)
    http://www.youtube.com/watch?v=f7-YXxET5-A&list=PLFE6FF5249574BB25&feature=plpp_play_all

    Thương vô Thành nội Cửa Đông
    Thương ra Thượng Tứ chiều hong nắng tà
    Bến đò Thừa Phủ xa xa
    Trông qua Vỹ Dạ bao tà áo bay

    Áo bay…áo bay…trong gió…chiều nay
    Nắng nghiêng nghiêng vành nón
    Má hây hây tình …

    Trường Tiền thiếu nhịp cầu xinh
    Sông Hương rũ bóng, chiều im lắng buồn
    Ngọ Môn cổ kính rêu phong
    Súng đồng (mà) hai dãy, thần công thở dài

    Đường vô Đại Nội hôm nay,
    mang nhiều chứng tích
    những ngày… tang thương.

  3. pt says:

    Mỗi ngày ta bước đi trên cuộc đời này , là có một bước đi gần đến nấm mồ .
    Nếu ai sống trên đời này nhận ra điều đó thì bất cứ ở một xã hội nào nó cũng tốt lên , giảm bớt lòng tham cá nhân *( tham , sân , si ) như nhà Phật đã dạy .Không có lòng tham quá mức từ tiền bạc đến chức quyền , mà cần phải đễ lại cho đời những điều gì đó tốt đệp hơn trước khi nhắm mắt . Tôi là người dân VN vào những năm 1963 PT ĐTPG tôi cũng đã nghe nhiều bài hát của thầy Ngô Văn Giảng . Hôm nay nghe ông ra đi về cõi vĩnh hằng , tôi cầu chúc cho linh hồn ông được siêu thoát . Người nhạc sĩ tài hoa đã đễ lại cho đời , cho người dân VN những bài hát còn mang nặng chất thơ , chất quê hương yêu thương da diết không thể nào quên

  4. VÕ HƯNG THANH says:

    DUYÊN KỲ

    Bổng dưng mấy phút qua đọc bài “Người về sông Tương” của Trần Kiêm Đoàn tôi hết sức xúc động. Lẽ thứ nhất lần đầu tiên mới được biết ca khúc bất hủ “Ai về sông Tương” tác giả của nó lại chính là người nhạc sĩ tài hoa Văn Giảng. Trần Kiêm Đoàn còn báo nhạc sĩ Giảng vừa từ trần ở Úc hưởng thọ 89 tuổi. Nhân đây tôi xin thành thật nghiêng mình thương tiếc và xin cầu chúc cho linh hồn của nhạc sĩ được về miền Cực lạc. Sở dĩ nói như vậy vì hầu như cho tới nay tôi vẫn chỉ được biết tác giả của ca khúc danh tiếng Ai về sông Tương kia là của nhạc sĩ Thông Đạt. Vì điều cần phải nói rõ đây chính là ca khúc đã ám ảnh tôi suốt cả thời niên thiếu. Sự ám ảnh đó tất yếu không phải nội dung yêu đương của bản nhạc mà chính là tính chất nghệ thuật, tình cảm lắng đọng và cảm xúc sâu xa trong nhạc phẩm. Phải nói ngay từ nhỏ tôi đã có tâm hồn thơ – nhạc, và chính tác nhạc phẩm Ai về sông Thương đã gây cho tôi nguồn xúc cảm về nghệ thuật âm nhạc nhất. Song nói ngược lại, có lẽ nó cũng còn là nguồn phát huy thêm cho sự cảm thức thơ nhạc của chính tôi sau này. Một nhạc phẩm thứ hai tôi muốn nói tới cũng gây xúc cảm nghệ thuật nhất cho tôi trong thời niên thiếu, đó là sang tác Nụ cười sơn cước, mà cho mãi mấy năm gần đây tôi mới biết rõ tác giả của nó là nhạc sĩ Tô Hải. Có nghĩa có nhiều bản nhạc vẫn làm cho tôi say đắm suốt một thời gian dài cả mấy chục năm, để cuối cùng mới biết chính xác chính ai là tác giả của nó. Lúc tôi bắt đầu say đắm ca khúc Ai về sông Tương của Thông Đạt và ca khúc Nụ cười sơn cước, quả thật chỉ mới độ mười tuổi. Tất nhiên lúc đó chỉ mới cảm nhận nghệ thuật bằng trực giác và vô thức, nhưng chỉ khi sau này lớn lên đi học rồi sinh viên mới thật sự thấm đượm vào nghệ thuật âm nhạc, tức tiết tấu, nhịp điều, hồn nhạc, ca từ, và cả tứ thơ hay tính chất thi ca lãng mạn, nên thơ, mà hết sức thăng hoa, luôn bàng bạc khắp toàn toàn bộ các ca từ đó ra làm sao. Có thể nói hai ca khúc lãng mạn này là một trong những nguồn gốc quan trọng về thi ca và âm nhạc từng un đúc, dẫn đắt, phát triển thẩm khiếu thưởng thức nghệ thuật trong âm nhạc, và cả sáng tác thơ ca của tôi cho mãi đến ngày nay. Cho nên đọc bài viết của tác giả Kiêm Đoàn tôi hết sức cảm ơn, nó như giúp mình trở lại các cảm xúc âm nhạc thời ấu thơ và phải nói hai cái tên Thông Đạt (Văn Giảng) và Tô Hải vẫn là hai cái tên trong rất nhiều cái tên được tôi luôn hết sức trân trọng
    trong mọi lúc thưởng thức các nhạc khúc bất hủ, vượt thời gian, trong rừng các tác phẩm âm nhạc lãng mạn tiền chiến thật sự luôn luôn vô cùng giá trị của đất nước chúng ta.

    ĐẠI NGÀN
    (14/5/13)

Leave a Reply to Chan Ngo