Tình nghĩa vợ chồng
Đêm đó là đêm cuối tôi đi tìm những vị khách đặc biệt đến dự tiệc mừng Giáng Sinh. Đó không phải là những người sang trọng, có địa vị, quyền cao chức trọng và cũng không phải là những người tôi quen biết. Đâu đó ở một góc tối của lề đường, dưới đèn vàng, hay nép sát mái hiên, họ ngủ ở đấy mặc cho đêm sương lạnh lẽo, những cơn gió độc, cái nhìn khinh miệt của người qua đường mà chỉ có muỗi bọ làm bạn. Giữa Sài Gòn hoa lệ, họ vật vờ như những chiếc bóng nhạt nhòa, như một viên sỏi lặng câm bên lề đường mà xã hội đã loại ra. Và tôi đã gặp chú trong một đêm đầy gió.
Con đường Đinh Bộ Lĩnh về khuya vẫn ào ạt người qua kẻ lại, dưới mái hiên một người đàn ông đang lui cui bế một người phụ nữ từ xe lăn đặt xuống manh chiếu rách. Sau đó, người đàn ông khẽ giở cái túi đựng đồ lấy cái mền màu đỏ đậm có những vết bẩn loang lổ đắp lên người phụ nữ, rồi lấy cái áo cuốn lại thành cái gối kê phía đầu. Xong xuôi, ông quay lại mắc chiếc võng nằm phía trên để canh chừng người nằm dưới cho dễ. Ông rút trong túi bao Basto điếu thuốc dở dang và bật hộp quẹt rít từng chập. Khi tôi vòng xe lại, ông đã yên vị trên chiếc võng và đung đưa theo từng hồi thuốc.
- Có gì không bé? Người đàn ông đội cái mũ cáu bẩn, tóc hoa râm ngước mắt lên hỏi tôi.
- Dạ, không ạ. Chỉ tại cháu thấy chú ngủ ở đây nên tới hỏi thăm thôi. Mẹ chú đấy ạ?
- Ai cũng hỏi chú như vậy hết. Vợ chú đấy.
Tôi đã nghĩ sai vì người phụ nữ nằm dưới đất kia có mái tóc bạc phơ, gương mặt nhăn nheo và bàn tay gầy guộc như cành củi khô. Đó chỉ có thể là một bà lão. Có ai ngờ “bà lão” chỉ mới… 47 tuổi. Nghe có tiếng động, người phụ nữ mở mắt nhìn tôi, nở một nụ cười méo mó rồi đóng mắt lại. Trong con mắt kia, có vẻ gì đó như rã rời và cạn kiệt.
Sau vài cái chép miệng chán nản, chú bắt đầu kể cho tôi nghe chuyện đời chú. Chú tên Hùng, thua vợ một tuổi. Vốn là người Sài Gòn có nhà cửa đàng hoàng, chỉ vì vợ chú bị bệnh tai biến mạch máu não mà giờ hai vợ chồng phải ra vỉa hè ngủ. Chú đã bán hết mọi tài sản, kể cả chiếc xe ôm là cần câu cơm mà vẫn không sao chữa khỏi bệnh cho vợ. Hai vợ chồng không có con cái. Bà con, bạn bè giúp hoài cũng phàn nàn lời ra tiếng vào. Chú biết nên không bao giờ đến xin xỏ gì nữa. Chú xin làm thợ hồ hoặc bốc vác thuê và đi đâu cũng mang vợ theo. Mới đầu người ta còn thuê chú, nhưng sau thấy chú lúc nào cũng kè kè bà vợ tật nguyền bên cạnh, kể cả khi ra công trường, người ta sợ phải gánh thêm trách nhiệm nên không dám thuê chú nhiều nữa. Nhưng chú biết gửi vợ ở đâu đây? Để ở vỉa hè một mình thì không được. Ăn uống ai lo. Khát nước ai lấy. Rồi tiêu tiểu nữa chứ. Chẳng ai lo dùm chú được mà để vợ một mình chú không yên tâm. Thôi thì, làm ít một chút mà vợ vẫn bên cạnh.
Tôi nhìn chú mà không giấu nổi sự ngỡ ngàng. Giữa Sài Gòn xô bồ này, tình cảm vợ chồng mong manh như một sợi tơ. Người ta xem chuyện ly thân và ly hôn là cách giải thoát cho nhau khi hai bên không thể hòa hợp nổi nữa. Người ta chia tay vì ham muốn danh vọng, tiền tài, chức tước. Đôi khi, tan vỡ xảy ra chỉ vì chuyện phòng the không thỏa mãn. Ông ăn chả, bà ăn nem. Đã qua rồi cái thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Và cũng đã qua rồi cái thời thủ tiết thờ chồng. Con người giờ đây muốn tự do cá nhân, muốn phá vỡ mọi giới hạn và muốn sống cho mình trước. Luân thường đạo lý, tình chồng nghĩa vợ là cái thá gì nếu không thể hưởng thụ, không được sung sướng. Còn chú, chú đã đánh đổi tất cả vật chất thế gian chỉ để giữ người vợ bên mình. Có mấy ai dám bán nhà bán đất để chữa bệnh cho vợ đến nỗi phải ra đường ngủ? Có mấy ai vợ bệnh hoạn mà vẫn tận tâm chăm sóc và lo lắng thế đâu? Chú hoàn toàn có thể bỏ vợ ra đi cho nhẹ thân vì túng quẫn, đói rách, vậy mà chú vẫn cưu mang, nâng niu vợ như trân trọng một tặng phẩm vô giá.
Tôi hỏi chú có cần giúp đỡ gì không. Chú cười, nụ cười bâng quơ nhưng chua chát. Có lẽ chú đã hết hy vọng vào lòng tốt của nhân gian mà câu nói của tôi chỉ như một trò đùa.
- Bé có thể giúp gì cho chú? Chú hỏi vặn lại tôi
- Nếu cháu không giúp được, cháu sẽ kêu những người khác giúp.
- Vậy à? Chú im lặng một lát rồi nói tiếp. Chú chỉ muốn gửi vợ vào một nơi nào đó có mái che đàng hoàng để vợ chú không còn phải ngủ ngoài đường như chú nữa.
Câu nói thoát ra từ miệng một người lang thang đầu đường xó chợ nhưng thấm đẫm tình thương đồng loại. Chú không muốn một cái gì đó cho mình mà cho người bạn đời của mình. Chỉ câu nói đó thôi, chú xứng đáng có một chỗ ngồi trên thiên đàng. Chú đã dệt những sợi tơ mỏng manh của tình cảm vợ chồng thành dải lụa bền chặt của tình người. Bàn tay thô ráp kia không chọn nắm vàng vòng tiền bạc mà chọn nắm một bàn tay khác.
Đêm nay, tôi trở lại để mời hai vợ chồng chú đi dự tiệc mừng Giáng Sinh. Tôi hy vọng chú sẽ tìm được một sự giúp đỡ nào đó trong bữa tiệc sắp tới. Dù chỉ là đốt lên một que diêm vẫn hơn là không thắp lên chút ánh lửa nào. Đã quen chú rồi, tôi nghĩ chú sẽ dễ dàng chấp thuận đề nghị của tôi. 279. Địa chỉ hai vợ chồng chú thường ngủ đây rồi. Nhưng sao không thấy võng, không thấy xe lăn. Chỉ có một mình chú nằm đó. Chắc chú đã tìm được một mái nhà để gửi gắm vợ rồi. Nếu không sao chú lại nằm bơ vơ thế kia. Tôi tấp vào vỉa hè. Trong lòng dâng lên niềm vui.
Chú đã ngủ, vẻ khắc khổ và mệt nhọc. Đầu vẫn đội chiếc mũ bẩn thỉu hôm nào. Bên cạnh không có thêm một vật gì nữa ngoài một chai nước hay rượu không rõ đặt trước mặt. Thấy chú ngủ say tôi cũng ngại gọi nhưng đã gặp chú, tôi đánh bạo. Tôi phải lay tới lần thứ tư chú mới hé mắt. Đôi mắt kẻm rẻm hấp háy mãi mới nhận ta tôi. Chú thều thào:
- Bé hả? Vợ chú chết hai ngày rồi bé ơi. Im lặng một lát, chú nói tiếp. Giờ chú chẳng còn gì cả.
Trời đất, tôi không tưởng tượng ra được mình sẽ phải nghe câu nói này trước tiên. Tôi còn chưa làm được gì cho chú. Tôi nghe trong mình vỡ òa một sự bất lực. Tôi đã thắp lên trong chú một hy vọng nhỏ nhoi nhưng tử thần đã nhanh tay hơn tôi. Cuộc sống này sao mong manh quá, mong manh như một nhúm hơi. Nhưng điều làm tôi xúc động nhất chính là bộ dạng tuyệt vọng của chú. Chú không ngồi dậy, chú nằm đó và thốt ra câu nói cay đắng kia. Nói xong, chú kéo sụp cái mũ che kín gương mặt như thể muốn giấu nỗi đau của mình. Tôi tưởng, chú sẽ thấy nhẹ nhõm phần nào vì bớt được gánh nặng. Thật không ngờ, chú suy sụp đến mức thốt lên rằng “chú chẳng còn gì cả”. Ôi! vợ chú mất, niềm vui cuối cùng trong đời chú cũng mất theo. Từ nay, chú chẳng còn ai để quan tâm, chẳng còn ai để lo lắng, chẳng còn ai để chăm sóc, cũng chẳng còn ai để thương yêu. Trong cuộc đời này chỉ cần một người, dù là một người bệnh hoạn và tật nguyền, để thương yêu còn hơn là không có một ai để nhàn hạ. Tôi nhìn chú mà run sợ. Vợ chú mất rồi, ai lấp được hố sâu thăm thẳm trong lòng chú? Ai thay được thói quen tất bật hằng ngày của chú? Ai chia sẻ cùng chú? Từ nay, chú không còn ai thân thích nữa và cũng chẳng còn niềm tin nào cầm cho ấm tay nữa.
Tôi như người cấm khẩu không biết phải nói sao. Biết nói gì trước một con người đang quằn quại trong đau thương và tuyệt vọng. Biết mở miệng thế nào để vết thương kia không rỉ máu. Mời chú đi dự tiệc ư? Tôi không thể thốt thành lời. Nghe nó sao giống giễu cợt quá. Bữa tiệc sẽ trống hai chỗ. Tôi không biết phải làm sao nữa, chỉ cảm thấy mình vô nghĩa và nhỏ bé như một chiếc lá rụng rơi.
Tôi ra về. Gió vẫn thổi trên đầu. Tôi biết, đêm nay, chú sẽ lạnh hơn.
© Từ Tâm
© Đàn Chim Việt
————————————-
Tìm đọc: Nước Mắt Của Rừng. Bút Ký của Amai B’Lan Trần Thị Trung Thu. Tựa: Phan Ni Tấn. Nhân Ảnh Xuất Bản. Bìa và tranh: Khánh Trường.Trình Bày: Lê Hân & Tạ Quốc Quang. Copyright @ 2013 by Trung Thu. ISBN: 978-0-9811982-9-3. Ấn phí và bưu phí 15 M.K. Sách có thể đặt mua theo địa chỉ sau:
Mr. Lê Hân
375 Destino Circle,San Jose, CA 95133
U.S.A or han.le3359@gmail.com
đây
là giọng văn ba sạo
*
kiểu
người tốt việc tốt
của
việt cộng*
Cám ơn tác gỉa “Tình Ngĩa Vợ Chồng” câu chuyện nói lên tình nghĩa vợ chồng và nỗi cô đơn của một con người trọng tình trọng nghĩa của ngày nào còn xót lại, một tâm hồn trang trọng trong một xã hội mà đạo đức đang tàn lụi chỉ còn chó ăn chó người ăn người. Cám ơn ngưòi viết có tâm hồn và có tài diễn đạt cho tôi nhìn thấy và có cảm tưởng sờ được nỗi đau của người chồng và cảm thấy nền đạo đức đang từ từ đổ nát. Thật đau long. Một lần nữa cám ơn Đàn Chim Việt.
Đọc bài viết này thật cảm động, làm tôi nhớ lại một câu hát mà tôi không rõ tên bản nhạc – “Ôi cuộc đời, phải chăng mi là nghĩa trang, phải chăng là nghĩa trang buồn…” Nói về cuộc đời thì ở đâu trên trái đất này cũng có những mảnh đời đau khổ, nhưng tại sao ở Việt Nam, đất nước với nền văn hoá luôn đề cao Việc Nghĩa lại trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết, nhất là từ sau khi hoà bình thống nhất…Điều đáng lẽ phải có là khi sống trong một đất nước hoà bình thì giá trị nhân bản, lòng nhân đạo và tình nghĩa giữa con người với nhau phải được nhân lên gấp mấy lần thời chiến, nhưng tại sao nó lại tệ hại hơn trước đến kinh ngạc? Và rồi có lẽ tôi cũng như nhiều người đặt câu hỏi nhưng cũng tự trả lời được rằng nguyên nhân tai hại của sự vắng bóng lòng từ bi là do tác hại của chủ nghĩa Duy Vật, nó ăn sâu vào đầu óc con người tính tham lam ích kỷ, nó chiếm lĩnh lòng người bằng cái ác tâm và sẵn sàng xé nát tình người, nó biến con người thành những cái máy lọc lừa và xảo quyệt để chỉ lo làm giàu bất chấp mọi giá trị đạo đức, để rồi những ai sống thật thà lương thiện đều trở thành lẻ loi, cô đơn; có người còn phải lãnh những bản án tù đày dài hạn chỉ vì dám nói lên sự thật phản lại cái ác…