Xã Hội Dân Sự là cơ hội thăng tiến phẩm giá con người
Vào hồi đầu thập niên 1950, dưới thời chính phủ Bảo Đại, thì có một khẩu hiệu được trưng bày phổ biến rộng rãi nơi chốn công cộng – khẩu hiệu đó thật ngắn gọn, vẻn vẹn chỉ có ba chữ như sau : “Dân Vi Quý “.
Lúc đó, ở vào tuổi 16 -17 tôi mới là một học sinh theo đuổi chương trình Trung học ở quê nhà tại miền Bắc. Tôi có hỏi mấy bậc đàn anh về ý nghĩa của cái khẩu hiệu này, thì được giải thích như sau : Ba chữ đó là trích trong một câu gồm tất cả 10 chữ nguyên văn như thế này :
“Dân Vi Quý – Xã Tắc Thứ Chi – Quân Vi Khinh”.
Khẩu hiệu này có ý đề cao địa vị quan trọng của người dân mà nhân viên chính quyền phải ra sức quý trọng – chứ không thể coi rẻ, khinh thường con người như dưới chế độ quân chủ phong kiến thời xa xưa, hay dưới chế độ độc tài chuyên chế ngày nay được. Vị trí của Người Dân được coi quan trọng hơn cả những Phép tắc Quy lệ của Xã hội. Và Nhà Vua thì phải xem là Nhẹ thôi (Chữ Khinh ở đây có nghĩa là Nhẹ). Dưới thời Quân chủ Chuyên chế thời xa xưa, thì quan điểm của Mạnh Tử như thế đó quả thật là đã hết sức tiến bộ và can đảm. Rõ ràng là nó đã đi trước rất lâu so với các nhà tư tưởng ở Tây phương như Hobbes, Locke tại Anh quốc và Rousseau, Montesquieu tại Pháp … mới nghiên cứu khai triển chi tiết đày đủ hơn về đề tài này vào hồi thế kỷ XVIII.
Nhưng với trình độ non nớt của một học sinh trẻ tuổi vào lúc đó, tôi cũng chỉ hiểu biết một cách rất đại cương hạn hẹp như vậy thôi. Vả nữa, vào lúc chiến tranh còn đang sôi động tàn khốc hồi ấy, nên chính quyền của phe quốc gia còn bận rộn phải đối phó với nhiều vấn đề cấp bách hơn, thì cũng chưa có dịp khai triển và phổ biến cho rõ ràng rành mạch hơn về cái đường lối lý tưởng “Dân Vi Quý” này.
Mà chỉ sau này, khi đã chín chắn trưởng thành hơn qua những năm tháng học tập tại Đại học Luật khoa ở Saigon, thì tôi mới có dịp tìm hiểu cặn kẽ hơn về sự điều hành sinh họat của một quốc gia theo trào lưu dân chủ tiến bộ của thế giới ngày nay. Cụ thể hơn, thì đó là ý niệm về “Nhà nước Pháp quyền’ (Rule of Law) tức là một thể chế chính trị được xây dựng dựa trên căn bản của một hệ thống luật pháp tương đối hiện đại, hòan chỉnh mà lại thích nghi với truyền thống văn hóa và lịch sử đặc thù riêng biệt của mỗi nước.
Tôi vẫn còn nhớ một câu trong cuốn sách khai tâm về môn Chính trị học rằng : “ Người dân thế nào, thì thể chế chính trị như thế đó.” (nguyên văn tiếng Pháp : “Le régime vaut ce que valent les gens”). Như dân tộc Đức vì hèn nhát bạc nhược, nên mới phát sinh ra chế độ độc tài phát xít Hitler – hay dân tộc Nga trở thành tê liệt rã rời dưới chế độ sắt máu Stalin, hay dân tộc Trung Hoa đâm ra bất lực điêu đứng dưới chế độ tàn ác Mao Trạch Đông v.v…
Qua đến thế kỷ XXI ngày nay, thì nói chung trình độ dân trí tại nhiều quốc gia đã được nâng cao tương đối khả quan – nhờ vậy mà chính quyền tại các nước đó đã hành xử đúng mức để phục vụ chăm sóc cho người dân một cách tận tình chu đáo hơn – trong tinh thần tôn trọng phẩm giá của bất kỳ một người công dân nào. Và ta thấy tại những nước có chế độ thực sự tự do dân chủ như thế đó – thì Xã hội Dân sự càng phát triển khởi sắc và đóng được cái vai trò cực kỳ quan trọng là “Làm Đối trọng đối với Chính quyền Nhà nước, cũng như đối với khu vực Thị trường Kinh doanh” (Counterbalance vis a vis the State as well as vis a vis the Marketplace).
Trong các bài trước đây bàn về Xã Hội Dân Sự (XHDS), tôi đã có dịp đề cập đến nhiều khía cạnh chính trị xã hội thật đa dạng phong phú liên hệ đến khu vực thứ ba này của cái Không gian Xã hội (Social Space). Nên trong bài viết này, tôi muốn tập chú vào khía cạnh lý tưởng văn hóa đạo đức trong sinh họat thường ngày của các tổ chức phi chính phủ, bất vụ lợi và tự nguyện của quần chúng nhân dân vốn là cơ sở nền tảng cấu thành của XHDS (Non-governmental, Non-profit, Voluntary Organisations). Đó chính là những cố gắng liên tục nhằm cải thiện khung cảnh và môi trường xã hội thông qua những họat động phát sinh từ óc sáng tạo và sự bền bỉ tích cực của mọi thành viên nòng cốt trong các đơn vị tổ chức đó.
I – Quy mô bao quát rộng lớn của Xã Hội Dân Sự.
Như ta đã biết, nội dung họat động của XHDS bao gồm mọi hình thức sinh họat tự nguyện và tự phát của quần chúng nhân dân – điển hình như trong lãnh vực nhân đạo từ thiện, tương trợ trong nội bộ một tập thể, trong sinh họat tôn giáo, trong khu vực giáo dục thanh thiếu niên, trong lãnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, trong khu vực văn hóa nghệ thuật, giải trí thể thao v.v… Tức là XHDS có phạm vi họat động cực kỳ đa dạng phong phú trong mọi lãnh vực xã hội, văn hóa, nghệ thuật cũng như tôn giáo – phạm vi này rộng lớn hơn của khu vực Nhà nước hay khu vực Kinh doanh Kinh tế Thương mại rất nhiều.
Tại các nước dân chủ tự do đích thực, thì Nhà nước không bao giờ lại tìm cách thao túng, khống chế XHDS, mà lại còn khuyến khích yểm trợ cho các sinh họat của các đơn vị tổ chức thuộc khu vực XHDS nữa. Trái lại, tại những nước độc tài chuyên chế – dù khuynh tả hay khuynh hữu – thì chính quyền Nhà nước đều dùng mọi thủ đọan để hạn chế, khuynh lóat hoặc kiểm sóat tòan thể hay phần lớn khu vực XHDS.
Điển hình như ở Việt nam, Trung quốc hiện nay, thì đảng cộng sản cầm quyền đều giật dây, thao túng XHDS thông qua các cơ sở ngọai vi của đảng như Mặt trận Tổ quốc, Đòan Thanh niên, Hội Liên Hiệp Phụ nữ, Hội Nhà văn, Nghiệp đòan Công nhân Lao động v.v… Họ lập cả các thứ Tôn giáo Quốc doanh để kiềm chế, kiểm sóat mọi sinh họat tôn giáo nữa. Điều này thật đã quá rõ ràng là họ du nhập cái chính sách tàn bạo thâm độc đó từ Liên Xô ngay từ hồi thập niên 1920 – 30 và hiện nay ở vào thế kỷ XXI đảng cộng sản ở nước ta vẫn còn cực kỳ ngoan cố bám víu lấy cái chủ trương lạc hậu tai hại đó – để mà nắm giữ mãi cái thứ quyền hành độc tôn độc đảng của riêng cho mình, bất kể sự rên xiết lầm than cùng cực của đại đa số quần chúng nhân dân.
II – Quyền Tự do Lựa chọn Tối thượng của Quần chúng Nhân dân.
Trước tình hình bế tắc tột cùng của xã hội nước ta do đảng cộng sản gây ra như thế, những người vốn có sự quan tâm đối với tiền đồ của Dân tộc, thì nhất quyết phải cùng nhau sát cánh hợp lực với nhau – để khôi phục lại cái Quyền Tự quyết, Quyền Tự do Lựa chọn của tòan thể khối đông đảo quần chúng nhân dân trong công cuộc mưu cầu hạnh phúc đích thực cho mỗi cá nhân cũng như cho tập thể cộng đồng xã hội. Đây chính là một công cuộc Tranh đấu Trường kỳ mà Bất bạo động bằng cách Xây dựng và Phát triển Xã Hội Dân Sự thành một cao trào quần chúng vững mạnh – hầu có đủ khả năng đóng vai trò làm Đối trọng đích đáng đối với Chính quyền Nhà nước hiện do đảng cộng sản độc quyền tự tung tự tác dòng dã đã gần 70 năm qua.
Cuộc Tranh đấu cam go này đã được nhà ái quốc Phan Châu Trinh khơi ra ngay từ hồi đầu thế kỷ XX qua cái khẩu hiệu gốm tất cả ba vế như sau : “Nâng cao Dân Trí – Chấn Hưng Dân Khí – Cải Tiến Dân Sinh”. Đây cũng chính là Nội dung Cô Đọng của các mặt Họat động mà Xã Hội Dân Sự phải thực hiện cho bằng được – hầu tạo được khả năng và khí thế của tòan thể đại khối Dân tộc bắt buộc đảng cộng sản ngoan cố phải trả lại cho Nhân Dân cái Quyền Tự Quyết để mà mưu cầu Hạnh Phúc cho chính mình – chứ không còn để bị lôi cuốn mê hoặc bởi những lời đường mật dối trá lươn lẹo trong thủ đọan tuyên truyền cố hữu của cái bè lũ tập đòan chỉ chuyên có một việc hại dân bán nước từ xưa tới nay nữa.
* * *
Nói vắn tắt lại, thì Xã Hội Dân Sự chính là cái Cơ Hội Thuận Lợi Duy Nhất để Nhân Dân chúng ta có thể sử dụng để mà nâng cao Phẩm giá của mỗi Cá nhân cũng như của tập thể Cộng đồng Xã hội. Đó mới đích thực là công cuộc Giải phóng Dân tộc thóat khỏi cái vòng Nô lệ tàn bạo nghiệt ngã – mà tập đòan cộng sản đã du nhập từ ngọai bang để áp đặt trên quê hương đất nước Việt nam chúng ta suốt từ 70 năm qua.
Điểm qua tình hình tranh đấu của thế hệ trẻ tuổi hiện đang ở trong nước mấy năm gần đây – chúng ta thật sự vui mừng phấn khởi trước sự dấn thân tích cực và dũng cảm của lớp những anh thư tuấn kiệt với lòng yêu nước tràn đầy nhiệt huyết – mà điển hình như Đỗ Thị Minh Hạnh, Phương Uyên, Phạm Thanh Nghiên, Việt Khang, Nguyễn Đắc Kiên, Đinh Nguyên Kha v.v… Các em này quả thật là những nhân cách tiêu biểu thật trong sáng mà Dân tộc chúng ta có thể tin tưởng và trông cậy được – trong công cuộc tranh đấu trường kỳ và gian khổ để mà khả dĩ rũ bỏ dứt khóat khỏi cái tai ách nô lệ xiềng xích tàn ác của cái nhóm giặc nội xâm cấu kết với bè lũ bá quyền thâm độc từ phương Bắc vậy.
Minneapolis – Saint Paul, Minnesota ngày 29 tháng 5 năm 2013
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn ChimViệt
CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN
Nhân dân là khái niệm nói chung hay tập hợp mọi con người cụ thể đang có mặt trên một lãnh thổ đất nước nào đó. Nhưng nhân dân không bao giờ là một khối hổn loạn mà phải tuân thủ theo một chính quyền nhất định. Nhiệm vụ hay công năng của chính quyền là bộ máy nhân sự giữ gìn trật tự trị an xã hội
trong mọi phương diện, đặc biệt trong sinh hoạt xã hội, hoạt động hành chánh và kinh tế tài chánh bao quát nói chung. Ý nghĩa của xã hội như vậy hoàn toàn là ý nghĩa dân sự. Có nghĩa chỉ khi guồng máy chính quyền trở nên guồng máy độc tài hoặc là guồng máy chiến tranh, khi đó xã hội dân sự mới bị biến dạng thành hệ thống tổ chức chuyên phục vụ mục đích độc tài hay chiến tranh.
Cũng trong ý nghĩa xã hội dân sự như thế, thời cổ đại trong lòng chế độ quân vương, phong kiến, tuy dưới các triều đại vua chúa, xã hội dân sự phần nhiều vẫn luôn được tôn trọng. Đó là ý nghĩa của câu nói trứ danh của nhà tư tưởng chính trị Mạnh tử “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Có nghĩa dân phải được chú trọng trước nhất, thứ đến sơn hà xã tắc, cuối cùng mới đến quân vương là nhà vua.
Đây là quan điểm mang ý nghĩa thật sự dân chủ hiểu theo nội hàm của nó, mang ý nghĩa nhân văn thực tiển, vì con người còn quý hơn cả vật thể (non nước), còn chính quyền (quyền lực nhà vua) chỉ là thứ yếu.
Ý nghĩa xã hội dân sự như vậy vẫn là ý nghĩa nhân văn tự nhiên trong đời sống nhân loại khách quan, thực tế, không phân biệt ở đâu hay bất cứ thời nào, ý nghĩa thế nào.
Thế nhưng từ khi có những xã hội độc tài phát xít hay cộng sản, ý nghĩa xã hội dân sự hầu như bị triệt tiêu, biến dạng, xuống cấp thậm chí trở thành hạ cấp. Bởi nhà độc tài như Hitler, Moussolini tổ chức xã hội thành hệ thống chặt chẽ, kiểm soát chặt chẽ mọi người dân, làm thành công cụ cho chế độ phát xít, phục vụ mục tiêu xã hội phát xít theo lý thuyết chủng tộc, tinh thần quốc gia cực đoan, ích kỷ, phân biệt chủng tộc.
Trong xã hội cộng sản cũng thế. Mác đưa ra học thuyết đấu tranh giai cấp, đưa ra ý niệm giai cấp vô sản, đưa ra ý nghĩa mục tiêu xây dựng xã hội cộng sản trong tương lai, do đó xã hội dân sự bình thường cũng không còn, mà xã hội được tổ chức chặt chẽ thành mọi thứ đoàn thể khác nhau tựu trung là lập thành hệ thống kiểm tra duy nhất, do một đảng duy nhất nắm quyền, được mệnh danh là đảng của giai cấp vô sản, giai cấp công nhân, tức là đảng Cộng sản. Sự thủ tiêu xã hội dân sự về mặt lý thuyết cũng như về mặt thực tế xã hội dưới các chế độ phát xít và cộng sản là như thế. Nó tạo nên một nền kinh tế, hành chánh chỉ huy, mọi cá nhân trong xã hội đều phải răm rắp tuân theo sự chỉ huy của một đầu não hay một nhóm người duy nhất. Mọi sự bầu phiếu dân chủ tự do thật sự đều hoàn toàn không có.
Do đó chỉ có nghĩa xã hội kinh tế thị trường khách quan, tự nhiên, truyền thống, với quan điểm xã hội dân chủ, tự do đúng nghĩa đúng đắn thật sự, khi đó xã hội dân sự mới mang tính cách thường xuyên, mà không phải loại xã hội “cách mạng” kiểu vô sản hay là kiểu độc tài phát xít.
Ngày nay với sự đi lên nhiều mặt của nhân loại, học thuyết Mác đã cho thấy có quá nhiều mặt bất cập, phản khoa học, phản tự nhiên, ảo tưởng, do đó thực tế hầu như nhân loại đã không còn quan tâm đến nữa. Ngay cả những nước cộng sản trước đây cũng hoàn toàn không còn, và chỉ còn sót lại một số nước ít ỏi chỉ còn giữ lại cái vỏ cộng sản ngoài hình thức và trong cơ cấu hành chánh hay quyền hành, nhưng nền kinh tế cũng chuyển qua kinh tế thị trường từ lâu và đang từng bước tiến vào hội nhập quốc tế trong mọi mặt.
Thế nhưng xã hội dân sự ở những nước như thế hãy còn nghèo nàn, ọp ẹp, không đúng khách quan tự nhiên của nó, vì xã hội vẫn còn tổ chức theo kiểu máy móc chặt chẽ, toàn diện, gọi là chế độ toàn trị, chỉ do một chính đảng lãnh đạo hay cầm quyền duy nhất, các nguyên tắc tự do dân chủ và đầu phiếu phổ thông thực chất chỉ là hình thức và không mấy được đặt nặng.
Nên tóm lại ý nghĩa xã hội dân sự khách quan trong thực chất có hay không, đúng nghĩa hay không chỉ là do mối quan hệ đúng đắn giữa chính quyền và nhân dân hay toàn dân đối với guồng máy quản lý xã hội.
Xã hội dân sự chỉ có nghĩa thực chất khi phù hợp với quyền bầu phiếu xây dựng chính quyền chính đáng của người dân. Xã hội dân sự sẽ hoàn toàn không có khi người dân không có quyền bầu phiếu lập ra chính quyền của họ thật sự mà chính quyền đã do đâu có sẳn và úp lên đầu họ. Xã hội dân sự nói khác đi là xã hội chính trị tự do dân chủ khách quan thật sự. Xã hội phi dân sự là xã hội bị lãnh đạo theo một ý thức hệ nào đó mà không phải do chính nhân dân tự lựa chọn hay chấp nhận. Đó được gọi là xã hội cách mạng, xã hội ý thức hệ, kiểu phát xít hay kiểu lý thuyết cách mạng vô sản không tưởng cũng hoàn toàn có cùng ý nghĩa y như thế.
Võ Hưng Thanh
(30/5/13)