Ngày bầu cử sơ bộ Iowa: Thắng bại chưa biết thế nào
Có một lý do để ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump và ứng cử viên Dân Chủ an tâm. Nhưng có nhiều lý do để tất cả những ứng cử viên còn lại an tâm chẳng kém gì hai nhân vật đang tạo sôi nổi trước khi cuộc bầu cử sơ bộ bắt đầu ở Iowa tối hôm nay, mùng 1 tháng Hai 2016.
Ông Trump và bà Clinton an tâm vì cuộc thăm dò cuối cùng do tờ Des Moines Regiter và Bloomberg Politics đồng thực hiện xác định cả 2 người vẫn dẫn đầu cuộc đua, cho dù tỷ lệ không còn cao như trước. Kết quả cho thấy ông Trump là nhân vật số 1 của cánh Cộng Hòa, tỷ lệ phiếu cử tri nói sẽ dành cho ông hơn người về nhì là Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz tới 5%. Cũng ở phía Cộng Hòa, Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio về hạng ba với 15%, đồng viện Rand Paul đứng thứ tư với 5% và tất cả những người còn lại không ai được quá 3%.
Bên đảng Dân Chủ thì sao? Bà Cựu Ngoại Trưởng Clinton vẫn đang thắng thế, được 45% cử tri cùng đảng ở Iowa nói sẽ ủng hộ, nhưng Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders theo sát nút, được 42% nói sẽ dồn phiếu cho ông. Ứng cử viên còn lại là ông Cựu Thống Đốc Martin O’Malley chỉ được 5%, trở thành người không đáng kể ở cuộc vận động đang được cả nước Mỹ cũng như thế giới chú ý đến.
Cũng cần nói thêm trong quá khứ, tất cả những cuộc thăm dò do tờ Des Moines/Bloomberg Politics thực hiện một ngày trước bầu cử sơ bộ Iowa đều đúng, chẳng hạn như kết quả thăm dò năm 2008 cho thấy ông Mike Huckabee của đảng Cộng Hòa va ứng cử viên Barack Obama của đảng Dân Chủ sẽ về đầu, hoặc mới 4 năm trước đây, cuộc thăm dò này báo trước Cựu Thượng Nghị Sĩ Rick Santorum sẽ chiến thắng, bất kể việc đối thủ Mitt Romney đổ cả đồng tiền vào Iowa để kiếm phiếu. Vì thế, ban tham mưu của ông Trump và của bà Clinton hớn hở thấy rõ, tin tưởng kết quả thăm dò kỳ này “lại đúng” y như những lần trước đây.
Ông tỷ phú Trump an tâm, bà Clinton an tâm, những ứng cử viên còn lại cũng an tâm. Lý do: Iowa bầu sơ bộ theo hình thức “caucus” chứ không phải “primary”. Thể thức “primary” cho phép cử tri có cả ngày để bỏ phiếu, “caucus” đòi hỏi cử tri phải có mặt đúng giờ đã ấn định, vài tiếng sau đó phải bỏ phiếu để cuộc bầu bán sơ bộ kết thúc đúng giờ đã được đảng định trước.
Cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa sẽ diễn ra như sau: đúng 7 giờ tối cử tri cùng đãng Cộng Hòa hay cùng đảng Dân Chủ sẽ gặp nhau ở phòng hội chi bộ đảng (có thể là một trường học, nhà thờ hay thư viện…), nghe đại diện của các ứng cử viên (hoặc chính ứng cử viên) trình bày lập trường, quan điểm và bỏ phiếu chọn người họ ủng hộ. Bên đảng Dân Chủ “rắc rối” hơn tí xíu: ứng cử viên nào không có được 15% số phiếu ủng hộ sẽ đương nhiên bị loại (tức không tính số phiếu được ủng hộ ở chi bộ), lúc đó đại diện cho những ứng cử viên còn lại sẽ vận động, lôi kéo cử tri ủng hộ người mới bị loại về phe mình. Cuối cùng, kết quả bỏ phiếu của từng chi bộ sẽ được báo cáo lên văn phòng đảng bộ tiểu bang, và chừng 11 giờ đêm (EST) cả nước Mỹ sẽ biết kết quả cuối cùng.
“Điều quan trọng nhất là phải có mặt đúng giờ” ông Steve Williams, một thành viên trong Ban Điều Hành Đảng Bộ Dân Chủ Iowa nói với báo chí. “Tôi không cần biết bạn đã trả lời thăm dò như thế nào, tôi cũng chẳng cần biết bạn ủng hộ ứng cử viên nào, nhưng điều tôi biết chắc là nếu 7 giờ tối bạn chưa có mặt ở phòng phiếu chi bộ, bạn sẽ không được quyền bỏ phiếu”. Điều đó có nghĩa là “tối thứ Hai những người muốn đi bỏ phiếu phải rời nhà khoảng 6 giờ, để biết chắc chắn có mặt đúng giờ đã được quy định”.
Chính vì chuyện “phải ăn cơm sớm, phải rời nhà sớm, phải có mặt đúng giờ” nên “khó có thể đoán biết số người sẽ có mặt ở phòng hội chi bộ đông hay ít”, theo trình bày của bà Susan O’Toole, tình nguyện viên làm việc với đảng Cộng Hòa. Bà kể lại những lần bầu cử trước đây, “mới đầu thấy thưa thớt, nhưng càng đến gần giờ họp chi bộ thì số người tham dự đông đúc, nói chuyện rôm rả”. Họ nói với nhau những chuyện gì? “Nhiều chuyện lắm, mở đầu bao giờ cũng là chuyện gia đình, con cái, việc làm, mua xe hơi, mua nhà bán đất, nhưng dần dần họ chuyển sang đề tại chính là ủng hộ ai, và những người có cùng quan điểm thường đứng chung với nhau” Đặc biệt với những người tỏ vẻ ngập ngừng chưa biết bỏ phiếu cho ai, “họ sẽ được đại diện của các ứng cử viên ở chi bộ níu kéo” đê đảm bảo trước khi ra về, tất cả những người có mặt trong phòng hội “đều bỏ phiếu chọn một ứng cử viên nào đó”.
Với đảng Dân Chủ, một số nhà quan sát bầu cử đang có mặt tại Iowa tin rằng “yếu tố O’Malley sẽ quyết định thắng thua”. Điều này được nêu ra vì ông Cựu Thống Đốc tiểu bang Maryland chẳng bao giờ được trên 5% số phiếu ủng hộ, trong khi quy định của đảng Dân Chủ ghi rõ “ứng cử viên nào không có được 15% số phiếu ủng hộ sẽ đương nhiên bị loại, số phiếu cử tri ủng hộ người này sẽ không tính”. Do đó, theo giải thích của ông Joshua Einstein trình bày trên đài truyền hình MSNBC, “nhóm ủng hộ bà Clinton và nhóm ủng hộ ông Sanders sẽ trổ tài hùng biện, thuyết phục lực lượng cử tri ủng hộ ông O’Malley bỏ phiếu cho người của mình”. Ông Einstein nhắc lại “điều này đã từng xảy ra hồi 2008, khi cử tri ủng hộ các ứng cử viên khác ồ ạt dồn phiếu cho ông Obama” giúp vị Thượng Nghị Sĩ trẻ tuổi của tiểu bang Illinois thắng lớn tại Iowa, trở thành nhân vật được chú ý tới, sau đó trở thành vị Tổng Thống da mầu đầu tiên của nước Mỹ.
Suốt ngày hôm nay, các cuộc vận động tại Iowa sẽ diễn ra, sôi nổi lẫn hào hứng. Từ sáng Chủ Nhật, tất cả các ứng cử viên Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều nói với giọng quả quyết “sẽ thành công” và dàn tham mưu của quý ông bà đang nuôi mộng trở thành người lãnh đạo quốc gia cũng đưa ra những lời phát biểu tương tự. Điển hình là ông Corey Lewandowski, trưởng ban vận động cho ông tỷ phú Trump, dõng dạc nói “ông Trump sẽ thắng ở Iowa, tuần tới sẽ thắng ở New Hampshire, và sẽ là ứng cử viên Cộng Hòa tranh cử tổng thống”.
© Nguyễn Văn Khanh
© Đàn Chim Việt