Những nỗi niềm Xuất Khẩu
Còn nhớ hồi tôi làm việc tại một trung tâm đào tạo lao động, nơi đây chủ yếu tập trung những người công nhân chuẩn bị đi lao động nước ngoài. Họ học thêm ngoại ngữ, tiếng của đất nước mà mình sẽ đến để làm việc. Một số khác học nghề để đợi đến ngày được đi xuất khẩu, mà họ thường gọi là “ngày bay”. Đó là cái đích cuối cùng nhưng là khởi điểm cho một hành trình lao động nặng nhọc và nhiều trắc ẩn nơi xứ người. Tuy gian khổ là vậy, nhưng đối với những người lao động xuất khẩu Việt Nam, thì đó là cái ngày tự do của cuộc đời họ, ngày thoát khỏi sự đói khổ và lừa dối nơi quê nhà. Họ chấp nhận bị bóc lột để được thoát khỏi sự bóc lột.
Trung tâm cách thủ đô Hà Nội chừng độ 30 km về phía tây, toạ lạc trên một khuôn viên rộng chừng 1 ha. Kinh phí xây dựng do Chính phủ Pháp tài trợ cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cơ ngơi thì khang trang bề thế, nhưng trong đó lại chứa đựng những số phận và nổi niềm trắc ẩn của người lao động, những con người là nạn nhân của một hệ thống buôn người do nhà nước độc tài chủ trương.
Người lao động tập trung về đây chủ yếu từ các tỉnh lân cận Hà Nội như: Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định…; còn có cả những người từ tận miền Nghệ An – Hà Tĩnh ra đây để đợi chờ và hy vọng. Họ từ độ tuổi thanh niên cho đến trung niên, gồm cả nam lẫn nữ. Nam thì làm các nghề thợ hàn, xây dựng, thợ sữa chữa máy móc…nữ thì chủ yếu làm công nhân may mặc, trông nhà, giữ trẻ, đầu bếp…; nói chung là đủ thứ nghề lặt vặt mà xứ người ta cần đến sức lao động rẻ mạt của người Việt Nam.
Vì họ chủ yếu đến đây để học nghề và ngoại ngữ nên chúng tôi gọi họ là Học viên.
Lúc cao điểm, trung tâm chứa đến trên cả ngàn người. Cứ ban ngày thì học một đến hai buổi. Tối đến cánh thanh niên thường buồn tình mà tụ tập nhau uống rượu bia hoặc đánh bài. Tiền thì tiêu của gia đình hoặc vợ ở quê gửi lên. Tháng rộng ngày dài, đám con trai chẳng có việc gì làm ngoài ngày hai buổi học nhàm chán, trong khi “ngày bay” thì cứ bị hoãn vô hạn định. Vì vậy mà họ đâm ra chán nản, uống rượu say khướt rồi quậy phá. Cánh khác thì nhân đêm tối ra đường bắt trộm chó của dân về làm thịt uống rượu, vì vậy mà việc xảy ra xung đột với dân địa phương là chuyện cơm bữa. Đám cán bộ quản lý chúng tôi suốt ngày bận rộn để hoà giải với những xô xát kiểu này.
Vì không tham gia vào quá trình tuyển dụng lậu lao động, nên những gì chúng tôi biết được là do chính những người công nhân xuất khẩu kể cho nghe.
Có hôm, chúng tôi đang ngồi làm việc thì thấy một toán học viên sà vào, người nào cũng sặc sụa mùi rượu, dáng điệu thì khật khưởng đến tội nghiệp. Họ ghé vào là để trò chuyện cho vui, nhằm trút đi những bực bội và muộn phiền trong lòng. Vì sống gần gũi nên quý mến lẫn nhau, các học viên coi chúng tôi như những đồng minh để bảo vệ họ trong cuộc chiến chống lại sự lừa dối của những kẻ buôn bán lao động.
Mỗi người trong họ đều có một hoàn cảnh riêng, người thì đã có vợ con, kẻ thì chưa. Tất cả tập trung về đây với một hy vọng mong manh cho sự đổi đời trước mắt.
Một cậu thanh niên quê Hải Dương, giọng méo mó vì rượu, kể chuyện với một điệu bộ tưởng chừng không còn gì có thể hài hước hơn:
- Ở nhà em còn bố mẹ, ông nội thì đã ngoài 80 tuổi. Cách nay 2 năm, khi em lên Hà Nội để chuẩn bị đi nước ngoài theo hợp đồng với công ty tuyển dụng, ông nội cầm tay em khóc và nói “Bây giờ cháu đi nước ngoài, liệu ông còn sống để được nhìn thấy ngày cháu trở về hay không?”. Cả nhà cảm động, ai nấy cùng khóc nức nở.
Cậu cố nhịn cười, làm điệu bộ khoát tay rồi nói tiếp:
- Nào ngờ từ đó đến nay, họ lấy cớ học ngoại ngữ rồi chuyển em hết trung tâm này đến trung tâm khác. Lần nào về nhà lấy tiền, thấy ông nội vẫn khoẻ mạnh và móm mém cười, mà mình thì vẫn chưa đi được nước ngoài. Tính đến nay em bị chuyển khoảng gần 8 trung tâm rồi.
Những người có mặt đều cười nghiêng ngã, lắm người cười đến ho sặc sụa. Một người khác tiếp lời:
- Còn em thì đã hơn một năm nay ăn lương vợ. Vợ ở quê làm ruộng, hằng tháng gửi tiền cho mình ở trên này. Một mình ở đây ăn tiêu bằng cả gia đình ở quê, sốt ruột lắm các bác ạ. Vậy mà hỏi họ về ngày bay thì họ cứ ậm ừ cho qua chuyện. Hỏi dồn thì họ lại gắt “Cái anh này lắm chuyện, chúng tôi cũng muốn cho các anh bay nhanh chứ, nhưng chưa ký được hợp đồng với bên công ty ở nước ngoài”. Các anh thấy đấy, em thì dốt nát nào có biết gì, họ nói sao biết vậy. Nếu mình làm quá họ lại thôi hợp đồng, cho về quê thì tiền mất tật mang, đành bấm bụng mà theo nốt vậy. Chỉ thương cho vợ con nheo nhóc ở quê nhà.
Tôi gật đầu tỏ vẻ thông cảm, hỏi lại anh:
- Vậy khi gọi anh đi thì họ hứa thế nào?
Anh nhăn mặt, trả lời:
- Thì họ hứa chỉ dăm bữa nửa tháng là làm xong thủ tục, mình sẽ được xuất ngoại. Nhưng họ cứ lần lữa, rồi chuyển mình hết trung tâm này đến trung tâm khác cho đến tận bây giờ.
Chúng tôi ai cũng lắc đầu ái ngại, nhưng đều cảm thông cho họ, vì thực ra họ cũng không có sự lựa chọn nào khác. Họ bị quá nhiều sức ép từ nhiều phía, và rồi không thoát khỏi cái guồng máy buôn người của nhà nước này. Họ cũng như chúng tôi, tất cả đều là nạn nhân của thời cuộc.
Mấy cậu vừa cười vừa trỏ vào một anh trong bọn đã trạc ngoại 40, rồi nói:
- Anh này có thâm niên học tập lâu nhất, đến nay là 4 năm. Đây là trung tâm thứ 12 anh có mặt. Vì “sống lâu lên lão làng”, nên họ cho anh làm lớp trưởng để quản lý những học viên mới đến sau.
Nhìn bộ dạng thiểu não của anh, không có ai nhịn được cười. Ôi, thật xót xa cho những kiếp người xuất khẩu lao động trên quê hương Việt Nam. Họ và gia đình đang là nạn nhân của một chế độ bán nước buôn dân. Họ vẫn phải ở đây để chịu đựng sự lừa dối và bóc lột, trong nổi niềm khắc khoải chờ mong của người thân nơi quê nhà.
***
Một đêm, chúng tôi đang ngủ thì bị đánh thức bởi những tiếng ồn như vỡ chợ. Anh bạn cùng phòng nghe điện thoại rồi quay sang báo với tôi:
- Các học viên bức xúc vì bị lừa, đã nổi loạn phá phách lớp học và đuổi đánh đám cán bộ quản lý.
Mấy chúng tôi vội vàng mở cửa sổ nhìn xuống. Phía dưới sân của trung tâm, trong ánh đèn cao áp sáng trưng, ước độ 5 đến 6 trăm học viên đang tập trung la hét. Họ tụ tập thành từng nhóm với một vẻ phấn khích cao độ. Lắm người nhào vào đập phá cánh cửa nhà xưởng. Một tốp khác đang cầm gậy đuổi đánh mấy tay quản lý chạy lòng vòng như bắt cướp vậy. Theo mấy người chứng kiến kể lại, thì tay giám đốc trung tâm chạy trốn lên được một phòng ở tầng 3, bị một nhóm học viên đuổi theo bắt được. Họ tắt hết đèn điện rồi đánh cho hắn một trận nhừ tử. Vài tay quản lý khác nhanh chân thoát được, thần hồn nát thần tính, đang đêm lên xe chạy về Hà Nội mà không bao giờ dám ló mặt lên đây nữa. Đến gần sáng thì cánh học viên đã rút hết, ai về phòng nấy, để lại một bãi chiến trường la liệt những bàn ghế bị đập phá và vứt chỏng chơ.
Tức nước thì vỡ bờ, âu đó cũng là quy luật xưa nay. Những người Lao động bị lừa đi xuất khẩu, họ cũng đã hết kiên nhẫn trong sự đợi chờ vô vọng. Và điều gì đến cũng phải đến, những kẻ chủ trương lừa đảo rồi cũng phải trả giá đắt cho những hành động vô lương tâm của chúng.
Văn Minh gửi đăng.
Phần trên cuả bài viết- đúng nghiã là “chuyện thường ngày ỏ huyện”- tương tự như “chuyện dài nhân dân tự vệ” hay thực tế hơn là “chuyện dài CHXHCN/VN !
Chỉ có phần sau (kết) là hay nhất ! Tôi KẾT phần nầy !
Xin GIA CÔNG cop laị tặng bà con – vốn không có thì giờ đọc hết bài chủ
“..Một đêm, chúng tôi đang ngủ thì bị đánh thức bởi những tiếng ồn như vỡ chợ. Anh bạn cùng phòng nghe điện thoại rồi quay sang báo với tôi:
- Các học viên bức xúc vì bị lừa, đã nổi loạn phá phách lớp học và đuổi đánh đám cán bộ quản lý.
Mấy chúng tôi vội vàng mở cửa sổ nhìn xuống. Phía dưới sân của trung tâm, trong ánh đèn cao áp sáng trưng, ước độ 5 đến 6 trăm học viên đang tập trung la hét. Họ tụ tập thành từng nhóm với một vẻ phấn khích cao độ. Lắm người nhào vào đập phá cánh cửa nhà xưởng. Một tốp khác đang cầm gậy đuổi đánh mấy tay quản lý chạy lòng vòng như bắt cướp vậy. Theo mấy người chứng kiến kể lại, thì tay giám đốc trung tâm chạy trốn lên được một phòng ở tầng 3, bị một nhóm học viên đuổi theo bắt được. Họ tắt hết đèn điện rồi đánh cho hắn một trận nhừ tử. Vài tay quản lý khác nhanh chân thoát được, thần hồn nát thần tính, đang đêm lên xe chạy về Hà Nội mà không bao giờ dám ló mặt lên đây nữa. Đến gần sáng thì cánh học viên đã rút hết, ai về phòng nấy, để lại một bãi chiến trường la liệt những bàn ghế bị đập phá và vứt chỏng chơ.
Tức nước thì vỡ bờ, âu đó cũng là quy luật xưa nay. Những người Lao động bị lừa đi xuất khẩu, họ cũng đã hết kiên nhẫn trong sự đợi chờ vô vọng. Và điều gì đến cũng phải đến, những kẻ chủ trương lừa đảo rồi cũng phải trả giá đắt cho những hành động vô lương tâm của chúng.”
@ Xin có lời đề nghị Cứ thế mà phát huy !!!