Hạt Ươm Hư [2]
Chương 6.
Khi những tiếng kêu hoảng hốt của ông Năm, chủ tiệm hình “Bóng Tối” la lên, mọi cánh cửa bắt đầu mở toang ra, lóe sáng ánh đèn điện trong nhà. Cả khu phố sáng hực, mọi người nhìn nhau trong im lặng, rồi cùng chạy đến chỗ ông Năm đang ngồi, ôm Bảy Rắn.
- Á, áá…
- Trời ơi, ông Bảy Rắn làm sao vậy?
- Ai bắn ổng? – Có tiếng hỏi.
- Có ai thấy khôông? – Một tiếng rống to, trả lời.
- Ác. Bắn chi kẻ khùng!
Có kẻ chạy.Chạy thục mạng, chạy đi đâu đó như gặp phải ma quỷ.
Cũng có những người tò mò, bu lại mỗi lúc một đông.
- Đúng là Bảy Rắn rồi! Ai đã bắn ông ấy?
Những câu hỏi sửng sốt, vọng lại qua cánh cửa.
- Mấy người bước ra xa, để ổng thở! – Một ai đó lên tiếng.
- Thở cái gì nữa, mà thở. Ổng chết rồi. Hai phát vô cổ, có trời mà cứu! – Có tiếng đáp lại.
Tuấn khép hờ cánh cửa, đi vô nhà ngồi thụp xuống cái ghế đẩu con con, ôm đầu, nhìn màn hình tròn tròn, rất sáng. Anh kéo cuộn film, đang “retouch”, nhìn.
“Anh không chết đâu em.Người ở lại Charlie. Xuân này con không về. Biển Mặn…”
Tuấn ôm mặt, khóc nấc lên.
- Mẹ nó, tụi cộng sản. Chúng nó vào rồi. Ông Phan Nhật Nam ơi! Ông Duyên Anh – Vũ Mộng Long ơi! Chạy đi, cho mau!
Cây bút lông dùng để sửa những tấm ảnh ngày nào, bây giờ, chính là thủ phạm tiêu hủy mọi thứ. Tuấn dùng nó, đâm toặc những thước film nuôi sống anh và gia đình người Cậu.
- Anh không chết nè… Charlie nè… Xuân này nè…! Hức… hức…
Tuấn băm nát tất cả. Thước film lòng thòng rơi xuống nền ciment. Còn gì nữa để mà tiếc nuối, khi cái họa CS ngày càng đến gần, thấy rõ?
Tuấn lại đi ra, nhìn qua khe hở của cánh cửa, thấy người mỗi lúc một đông hơn trước nhà, nơi Bảy Rắn vừa bị Cu dài bắn chết, bằng hai phát súng của khẩu colt 45. Trong đám đông đó, Cu dài đứng lẩn thẩn ngoài vòng, đi tới lui, ra điều ngu ngơ.
Tuấn chợt nhớ tới cây Ca-bin M2, mới đêm qua, khi gác xong khu phố Thành, bỏ đâu đó trên căn gác lững.
Mặc mẹ Binh nhất Cu dài, mặc mẹ gã Bảy Rắn, tên thật Ba Nhân, mặc mẹ Cậu Năm của Tuấn là Việt cộng nằm vùng. Tuấn chạy lên căn gác ngó dáo dác, không thấy cây súng đâu. Tuấn đi ra ban công, ló đầu nhìn xuống cảnh hổn độn bên dưới, đang bu quanh cái xác Bảy Rắn.
Rồi Tuấn chạy ngược lại vào nhà tìm cây súng. Lục lọi mọi xó xỉnh, không thấy. Tuấn mới chợt nhớ cây súng, đêm qua gác xong, anh giấu đâu đó trên cao. Tuấn nhìn lên, cây Ca-bin M2, vẫn còn đó trên nóc tủ. Tuấn với tay lấy súng. Anh dáo dác nhìn, cầm cây súng đi quanh quẩn trên căn gác lững, tìm chỗ để giấu nó, nhưng vô vọng. Chợt nhiên, Tuấn nhớ trên trần nhà, có một khung vuông nhỏ, đủ một người trèo vào. Anh vội trèo lên, mở tấm ván đun đầu chun vào, nhét vội cây súng ở một chỗ khuất nhất, rồi trèo xuống.
- Tao để đó, chơi tụi mày!
Tuấn từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, hai chân quỳ xuống dũi về sau, đặt mông ngồi xuống, ôm đầu.Anh bắt đầu nhớ lại tất cả những gì của tuổi 17 đã thấy, đã nghe, đã đọc và đã ghi trong đầu.
Mười hai tuổi, Tuấn đã cùng ông Năm, đi rong ruổi khắp cái quận Diên Khánh này.
…
Bất cứ làng xã nào, có trường học, là hai Cậu cháu phải có mặt vào những tháng hè sắp tới kỳ thi Tiểu học (Trường Trung học, chỉ có hai, một công và tư. – Công, Trung học Diên Khánh, Tư, – Trung học Dân Trí – đều nằm trong nội thành), để chụp ảnh cho học sinh.Vì thế, chiến tranh nhiễu nhương dân chúng ở đâu, Tuấn đều chứng kiến, và đã chụp lại những tấm ảnh.Thông thường là những cái chết, từ hai phía quân đội bắn giết nhau. Việt Cộng giết dân lành, Chi khu Cảnh sát nhờ ông Năm chụp ảnh, để ghi lại sự tàn ác mà Việt cộng đã gây nên. Những vụ “khui” hầm mật của Việt cộng (do dân chúng bao che), cũng được chụp ảnh, khoe chiến tích.Súng đạn, bom mìn, được tiếp tế từ Nga, Tiệp, Trung Quốc và tự chế xếp hàng loạt.Một địa phương nhỏ như tỉnh Khánh Hòa, ít xẩy ra những trận đánh lớn, mà khí tài như vậy, thì những vùng ở cao độ chiến tranh thường xuyên, nhiều đến cở nào?
Những công dân thành phố trên đất nước này, có lẽ họ chả hiểu gì mấy về chiến tranh, mà sự chết chóc thảm thương, đa số thường xuất phát ở nông thôn.
Trong một lần, hai Cậu cháu đèo nhau trên chiếc xe Vespa, đi chụp ảnh ở một trường Tiểu học tại Suối Dầu, Tuấn khóc mấy ngày liền khi nhìn cảnh ghê rợn ấy.
Ngày đầu tiên chụp ảnh, Tuấn đang loay hoay gắn máy vào chân máy hình, một bé gái khoảng 10 tuổi bước đến ngồi trên cái ghế, im lặng nhìn anh. Tuấn ngước lên và sửng sờ đến tê tái!
Đôi mắt xanh như mắt mèo, nhìn anh trong suốt đến dễ thương.Mái tóc vàng óng cột đuôi gà, sau ót bằng một sợi dây chuối khô, thấy thương. Cô bé ấy, nhìn anh thợ chụp ảnh, không lớn hơn mình bao nhiêu tuổi, cười vu vơ…
- Anh chụp em, cho đẹp nhé!
Một tràng tiếng Việt thanh thót đến trong trẻo vụt ra từ đôi môi đỏ, nhỏ nhắn, làm Tuấn giật thót người. Tưởng con nhỏ Mỹ nào, sinh ở VN, theo cha mẹ thời chiến tranh! Tuấn sững sờ gật đầu, rồi chụp. Một thằng bé bước vào. Nó đen thui như cột nhà cháy, nhe hàm răng trắng ởn cười lỏn lẻn, ngồi xuống ghế. Và những đứa bé khác xuất hiện, có đứa mắt nâu, tóc màu bạch kim, có đứa quăn tít như người Phi Luật Tân. Tuấn bắt đầu thấy kinh hãi. Anh nói.
- Cậu ơi. Sao kỳ vậy!?
- Chúng là Mỹ lai… Đồng minh lai, cháu à!
Tuấn sửng sốt nhìn ông Năm. Anh không thể ngờ rằng: sao một câu trả lời đến vô cảm như thế? Một câu trả lời, sau này, giữa Tuấn và người Cậu, không còn coi nhau như người thân.
Chụp hình lũ trẻ Lai xong, Tuấn giận ông Năm, cuốc bộ, rồi đón xe Lam về nhà trên, 10 cây số.
Thời đó, dọc suốt từ xã Suối Hiệp, Cây Cày, Suối Dầu… vô đến Cam Ranh là căn cứ chính của Mỹ thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa, lính Mỹ đóng dọc ở những thành phố ven đường.
Bọn con lai ra đời từ đó, như một nghiệp chủng cho chính chúng.
Vài hôm sau, Tuấn một mình đạp xe vào giao ảnh cho nhà trường.
Hỡi ơi. Ngôi trường bé tí ấy, do chính phủ xây cho con Lai của nạn đĩ điếm tràn lan ví có quân đội Mỹđóng, đã bị san bằng, bằng những loạt đạn pháo kích từ núi rừng Suối Tiên rót xuống.
Tất cả đã thành bình địa. Hoang vắng đến xơ xác! Tuấn đi tìm con bé, được anh chụp tấm ảnh đầu tiên, nhưng không thấy. Có lẽ con bé đã chết trong trận pháo kích của Việt cộng.
- Mấy em đâu rồi? – Tuấn gào lên, khản đặc trong cổ.
- Việt cộng nó pháo và chết hết rồi! – Một bà già lưng còng, đang bươi rác nơi ngôi trường nhỏ đã bị đổ sập, nói.
Tuấn quỳ xuống, gào.
- Hết Mậu Thân… bây giờ Suối Dầu. Trời ơi!
…
Bắt đầu từ năm 1973, sau Hiệp Định Paris, khi người Mỹ đã đi đêm với Trung quốc trước đó vài năm. Họ bỏ rơi miền Nam, mà tự họ can dự vào, để rồi sau đó giết một Tổng Thống của nền Đệ nhất Cộng Hòa vì không theo đường lối chủ trương của họ.
Người Mỹ đã phủi tay, một cách tàn độc!
Cũng bắt đầu, từ năm 1973, sau khi người Mỹ rút đi, mọi trường Trung học trên toàn cỏi miền Nam, có chương trình Quân sự Học đường. Mọi học sinh từ ban Tú tài 1 (tức Đệ nhị, lớp 11, sau này) đều phải tham gia tập luyện Bán quân sự. Trong một tuần, phải có mấy tiết, học bắn, leo trèo… như một người lính chính thức.
Thời đó, Tuấn còn nhỏ, 15 tuổi, nên chưa tham gia.
Đầu tháng 2, 1975, khi chiến trường miền Trung như một nồi canh mướp, sôi bùng bục đầy nhớt nhao; dù rằng được đưa lên bếp lửa “Truyền thanh, Truyền hình”, hâm lại cho nóng, nhưng nó vẫn thiu thối. Chi Khu Diên Khánh, bắt đầu bắt những thanh niên 17 tuổi, cầm súng, gác thay cho những anh lính Nghĩa Quân ngày một ít dần, vì bổ sung quân số. Người Mỹ rút đi, đã để lại sự thiếu sót…
Hôm ông Xã trưởng, bà con với Bảy Rắn, tụ tập thanh niên ở ngoài đình, chợ Thành, tuyên bố.
- Các anh, bây giờ là rường cột nước nhà. Bọn CS khát máu, đang tiến vào Huế, Đà Nẵng như vũ bão.Một tấc đất Tổ tiên để lại, quyết không nhường cho kẻ thù.Ai dâng đất cho Giặc, quyết phải cửu tộc tru di. Phải tự quyết!
Nhận súng xong, cả bọn thanh niên, mếu máo.
- Ông Xã trưởng. Chúng cháu… chưa bao giờ cầm súng!
- Tụi mày giỡn mặt chắc. Hai năm cầm súng học đường, đâu rồi?
- Chỉ là lý thuyết, ông Xã trưởng ơi! Làm chó gì có: Quân sự học đường! Một thằng nào đó, hỗn hào, gào to.
- Tao bất biết! Cái này chính quyền lo!
Quân sự học đường, chỉ là một ảo ngữ! Đã là quân sự thì phải có súng ống, đạn dược. Những thứ này, người Mỹ đã và đang cúp mọi viện trợ chi phí chiến tranh, thì làm gì tới bọn học trò có mà học, để chống Cộng! Tuấn cho rằng: đây là một hình thức mị dân, khống chế cái nỗi sợ đang dần mất một miền Nam. Một cây súng carbin M2, với một kẹp đạn, bỏ bèn gì khi Việt cộng tấn công?
Đêm đầu tiên, nhận cây súng đi trực, Tuấn được bố trí ngay ngã ba A Ùi. Ngã ba A Ùi, đối diện khu Vườn Trầu, nơi CS thường ra vô. Đánh, giết vài người nào đó, rồi chạy vô Vườn Trầu mất hút, đó là chiến thuật của người CS: khủng bố!
Mỗi hai thằng thanh niên “Tự quyết”, nhận một cây carbin M.2. Đêm này, Tuấn gác, đêm sau ra ngã ba A Ùi, giao lại súng cho thằng kế tiếp gác đến sáng! Xã Diên Toàn thuộc phố Thành, chưa tới 20 thanh niên vào tuổi đó.
Tuấn và thằng Lương, cùng chung cây súng. Một tuần sau, thằng Lương trốn, đi lên núi làm cách mạng! Báo hại Tuấn, một tuần phải gác ba ngày.
&
Trước đó vài năm, nói tới tiệm phở, bánh bao, dầu cháo quẩy A Ùi, ai ai cũng khen nức nở. Tuấn không nhớ nỗi, một ông Nhà văn nào đó, tình cờ đi ngang Diên Khánh, ghé vào ngã ba A Ùi, thưởng thức món phở của lão, khen toáng lên trên báo Sài Gòn.
Vậy mà, sau này, lão A Ùi là một cư dân vô ý thức nhất, trong mắt Tuấn.Quanh năm, suốt tháng, lão cứ mặc cái quần đùi mỏng, rộng thình, dài quá gối, với cái bụng phưỡn ra như bụng đàn bà chữa ở tháng thứ tám.Mặt mũi luôn mồ hôi tươm ra phát khiếp. Khi lão đi, cái giống trong đáy quần lão đung đưa: tích tắc, tích tắc như cái kim đồng hồ. Lão không mặc nội y! Không những lão, mà hầu như mọi công dân Hoa kiều đều như vậy! Ở Thành, người Tàu chiếm đến 30% dân số, đa số là người Hải Nàm (Hải Nam), di dân từ lâu đời. Họ là những di dân tốt, biết tôn trọng luật pháp VN. Cái xấu nhất là họ ăn nói to tiếng giữa đám đông, khạt nhổ không cần che đậy, và nhất là hay mặc quần đùi, ở trần hoặc mặc áo piyama đi ngoài đường. Nhìn một gã Chệt đi đường, dù giầu có đến đâu như lão A Ùi, áo vắt ngang vai, cái quần đùi thông thống, cái giống quỷlúc lắc theo nhịp đi, ai cũng lắc đầu!
Tiệm phở và bánh bao A Ùi, là căn nhà lầu đúc lớn nhất phố Thành. Nó ba tầng và có sân thượng hẳn hoi.
Hình như, ông A Ùi cố tình thì phải. Từ khi, mụ Bốn Cao mang đầytai tiếng với lão Tôn thợ may – chơi không “đã” trên rừng hoa khế tím – may áo veston, có nguồn gốc tận Paris. Mụ cáo từ, nghỉ chơi lão Tôn! Ông A Ùi, trước kia thường mặc piyama đi ngoài đường, nay mặc quần đùi thông thống… ra vẽ thể thao.
Nhà ông A Ùi, cách nhà mụ Bốn cao, dăm sải chân bước qua đường. Người ta đồn rằng: ông A Ùi, có bà vợ điên bị nhốt trên lầu, có kẻ hầu người lo mọi thứ. Ăn phở tái, nạm, gân, gầu… bụng ông càng lúc phình ra như cái trống chầu. Mụ Bốn Cao càng lúc càng giàu mạnh thêm. Mụ thuê gã Dân tộc lần đầu tiên, mụ gặp đi… bằng hai hai cái rựa, mới hết một ngày đường.
Mụ bảo.
- Tao thuê mày, một tháng 50 ngàn đồng, để làm mọi thứ, nhớ chưa? Kể cả…
Anh Dân tộc thiểu số, gật đầu lia lịa.
Thời đó, lương một Trung sĩ VNCH gần 30 ngàn, một tháng, có thể mua không biết bao nhiêu trăm ký muối! Gã Dân tộc là một vệ sĩ trung thành nhất hành tinh này.
Một hôm, mụ Bốn Cao nói.
- H’nia. Mày ra sau giếng tắm, ở truồng, tao coi.
Ai, chứ H’nia ở truờng tắm suối là điều tự nhiên, hằng có trong đời sống sinh hoạt thường nhật của gã.Gã thản nhiên đứng cởi truồng tắm.Gã kéo gàu nước xối ào ào, thích thú.
Mụ Bốn Cao nhìn gã Dân tộc, chê.
- Không bằng cha A Ùi. Chỉ có cái mả to con!
Mụ bắt đầu rình.
&
Thông thường, những thằng (lính) mới cầm súng thuở ban đầu, thường chọn những nơi cao, làm nơi để quan sát tình hình, trận địa.
Ở độ cao thì dễ nhìn, dễ khám phá ra địch và dễ dàng bắn xuống.
Tuấn và một thằng bạn, đòi cho bằng được ông A Ùi, phải cho lên sân thượng nhà ông để canh gác. Thời chiến tranh, ai cầm súng, người đó mạnh.Vì thế, Tuấn mới biết ông A Ùi có một bà vợ điên bị xích khóa nhốt trên lầu.
Nhưng đó là sự suy nghĩ ngu xuẩn nhất, của những thằng mới cầm súng lần đầu, là Tuấn.
Đêm hôm sau nữa của phiên gác, hai đứa đang đi tới lui, thì:
“Cắc cùm”!
Thằng bạn của Tuấn, chưa kịp thân quen, đã nằm giẫy rần rật với phát đạn trên trán. Nó mới 17 tuổi! Dân Lò Heo mổ thịt, nghèo rớt mồng tơi.
Tuấn rùng người ngồi thụp xuống, nhìn sang bên kia Vườn Trầu. Một bóng đen chạy thụt vào. Tại sao tên Việt cộng ấy lại đi giết một thanh niên. Để làm gì? Nếu là một trận đánh xáp lá cà, cho ra kẻ thua, người thắng, bắn chết một nhân mạng, cũng là đúng, vì nhu cầu tấn công, gây hỗn loạn. Đằng này, giết người xong lại chạy trốn. Vậy giết người với mục đích gì? Khủng bố hay bệnh hoạn? Hay đó là bản chất tàn bạo của người CS?
Hai đêm sau nữa, lại một thằng chết. Thằng này nhỏ con, như con nít 15 tuổi, tóc vàng hoe, đá banh rất cừ, không biết con cái nhà ai, cũng nghèo rớt mồng tơi. Đêm hôm đó, đang gác trên căn lầu ông A Ùi, nó mắc tiểu tiện, định đái xuống đường, Tuấn quơ tay không cho. Khi anh đi ngược lại mặt sau, trước là cổng Chùa Sư Nữ, thằng này xỉa cu đái xuống đường. Nó đái trên hàng dây điện cao thế 240 volt, chết tức tưởi, không một lời trối trăn!
Tuấn vuốt đôi mắt của nó đang mở trừng trừng, miệng sùi bọt trắng phếu ở mép. Có lẽ, nó không hiểu tại sao mình chết!
Chính quyền dạy học sinh, nhưng chính quyền chưa dạy người dân thất học cái lý lẽ hiểu biết làm người!
Cho đến bao giờ?
Hay mạng con người Việt Nam, rẻ hơn một con chó. Nghìn đời!?
Bấy giờ, Tuấn mới biết: Anh còn ngu hơn một con chó! Chó khôn còn biết liếm mặt Chủ! Chủ ở đâu, chỗ nào, chó nó thấy và liếm mặt Chủ. Thằng Việt Cộng ở chỗ nào trong bóng tối, khi cái nhà lầu đúc của ông A Ùi, trên cao, ánh sáng của bóng đèn điện tràn lan, tỏa sáng!
&
Tuấn đổi chiến thuật! Bàn với thằng bạn mới.
- Bây giờ, tôi với bạn đừng đi chụm nhau. Phố Thành có hai con đường: Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, hai đường lên xuống trong phố; ngoài kia là con Quốc lộ 1, một đường. Ông chọn đường nào?
- Tôi chọn con Quốc lộ 1! Thằng bạn trả lời dứt khoát.
Hai đứa chia nhau đi gác.
&
Ở những thành phố nhỏ, khoảng chín giờ, đèn đóm tối om. Dân lao động thường ngủ sớm, để ngày mai mở cửa bán buôn lúc năm giờ. Ở thôn quê, còn sớm hơn nữa.
Tuấn đeo súng vào vai, dạo một vòng phố Thành, lên xuống vài dòng. Một điều lạ mà anh chợt khám phá.Nhà lão Tôn bật đèn điện, thì mấy phút sau, nhà mụ Bốn Cao cũng bật lên rồi tắt. Căn lầu đúc cement trên cao của ông A Ùi, đèn chợt tắc, và một bóng đèn trước nhà bật sáng lên.
- Ám hiệu gì đây? Gọi Việt cộng chắc!
Tuấn ôm cây súng, chun vào hàng rào thênh thang nhà ông Nha sĩ, ngồi chờ.
Mụ Bốn Cao mặc cái vấy, trước kia lão Tôn “ráp” cho dài thêm xuống đầu gối. Mụ ngó trước, nhìn sau, vén vấy, kéo qua bên hông, định bước xuống tam cấp. Lão Tôn chợt hiện ra như ma, quỷ.
- Bốn. Em định đi đâu vậy? Mấy hổm rày, anh chờ Bốn mỏi mắt. Anh chờ Bốn… thiết tha. Bốn biết hông?
- Chờ cái mả mẹ ông, biết chưa. Chơi hoài… đéo sướng!
Lão Tôn né, lập lại.
- Bốn, định đi đâu vậy. Tôn đưa đi được không?
Mụ Bốn Cao, kéo hai cánh cửa gổ xập mạnh, bật cái đèn trước cửa, chớp sáng lên, rồi tắt ngay.
Lão Tôn lầm bầm.
- Con đĩ ngựa dâm loàn. Hết thằng Tôn này tới lão A Ùi!
Lão cầm cây bút ghi vào cuốn sách trong bóng tối.
“Thấy cái con mẹ gì, mà lão Tôn bày đặt ghi ghi, chép chép, như một thứ bệnh hoạn mãn tính!”
Tuấn lầm bầm, đưa cây súng lên nhìn.
- Hình như… đó là một khúc gỗ mun, làm cảnh!?
(Còn tiếp)
© Đàn Chim Việt
Một người cạy hàm răng cắn chặt lại bằng cái đũa bếp dẹp rồi người kia vắt nước vào miệng người bị cắm, vắt cho cạn nước thuốc rồi lấy xác đắp vào chỗ bị rắn cắn. Thuốc chạy đều chuyển động làm cho tim đập mạnh có hơi thở mạnh một lát độ từ 15 phút đến nửa giờ thì người bệnh sẽ khỏi ngay.