WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đêm ấy, cựu trung úy Nguyễn Tấn Dũng và cựu trung sĩ Chuck Hagel…

TP - Giờ giải lao phiên họp Quốc hội sáng 3/6/2013, cánh ký giả dõi những tia nhìn sốt ruột về phía cuối hành lang. Phía ấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đương chuyện trò gì đó.

chuck and dungNhưng ông Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son, dường như đọc được sự sốt ruột của quân mình? Chất giọng vừa đủ của ông cất lên vừa may và kịp để khiến những sải bước của Thủ tướng gần lại với cánh báo chí. Và thế là các cung bậc của những câu hỏi gấp gáp chừng như tiếp nối dư âm Hội nghị Shangri-La mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là diễn giả chính.

Thưa Thủ tướng, tại sao Thủ tướng lại chọn chữ tín là âm hưởng chủ đạo của Hội nghị? Cuộc gặp giữa Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel mà báo chí từng mô tả là cuộc chuyện trò thú vị cụ thể ra sao và như thế nào? vv… và vv…

Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 này được tổ chức tại Singapore từ ngày 31/5 đến 5/6/2013. Đây là diễn đàn của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm trao đổi thẳng thắn về tình hình các vấn đề khu vực và quốc tế, định hướng chiến lược về những vấn đề có tác động đến an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin… Đây cũng là dịp để các nước bày tỏ quan điểm về chính sách quốc phòng, an ninh của mỗi nước. Bài phát biểu chính trong buổi lễ khai mạc Shangri-La 12 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, chiều ngày 31/5 ngay lập tức là tâm điểm chú ý của dư luận.

Chừng như buổi dạ yến khai mạc Đối thoại hôm thứ Sáu ngày 31/5/2013 không được ghi vào chương trình chính thức của Hội nghị? Nhưng cuộc trao đổi bên lề giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel với diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La năm nay, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã là trung tâm thu hút sự theo dõi của báo giới?

Đồng điệu

Như chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì bắt đầu buổi chiêu đãi, các bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Indonesia, Đông Timo, Hàn Quốc… đang trao đổi với ông thì Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tay cầm ly rượu đi tới…

Xin chúc mừng ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui vẻ cảm ơn và nhã nhặn hỏi lại, lý do ngài chúc mừng là gì vậy? Ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tươi cười: là vì sự thẳng thắn của ngài. “Bởi quan điểm của Việt Nam tại Hội nghị này không chỉ mang tính chất xây dựng, kêu gọi các nước cùng nhau đoàn kết, xây dựng củng cố niềm tin mà còn mang đến một cách tiếp cận mới, mang tính đột phá. Chính vì sự rõ ràng thẳng thắn của ngài mà như ngài và các ngài đây đã rõ, trong phát biểu của mình, chúng tôi cũng thẳng thắn sòng phẳng theo!” – ông Chuck Hagel nói.

Ông Hagel cũng cho biết trong tương lai, Lầu Năm Góc sẽ “ưu tiên triển khai” các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất tại Thái Bình Dương. Ông cũng tiết lộ Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các hệ thống vũ khí tân tiến khác trong khu vực.

Thú vị, trùng hợp hay ngẫu nhiên, cuối bài phát biểu của mình sau khi ngỏ lời mời bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tới tham dự cuộc gặp do Mỹ lần đầu tiên tổ chức tại Hawaii vào năm 2014, Bộ trưởng Chuck Hagel đã nhắc lại lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về xây dựng lòng tin chiến lược “Các mối quan hệ, lòng tin và sự tin cậy là những nhân tố quan trọng nhất trong khu vực”.

Trở lại với buổi dạ tiệc. Người ta đã kịp bố trí chỗ ngồi cho Bộ trưởng Chuck Hagel bên cạnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và giữa Thủ tướng và ông Bộ trưởng đã có cuộc trao đổi cởi mở về quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, vốn đang phát triển trong những năm gần đây mà các phương tiện truyền thông từng đề cập.

Giữa hai người lính

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hơi ngạc nhiên khi Bộ trưởng Chuck Hagel bất ngờ với câu hỏi, thời điểm năm 1968 Thủ tướng đang ở đâu?

Thời điểm cam go ác liệt sau Tết Mậu Thân 1968, người lính Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là trung úy đại đội trưởng thuộc bộ đội địa phương. Chính đơn vị của trung úy Nguyễn Tấn Dũng với trang bị vũ khí còn sơ sài đã phải liên tục trải qua những trận đánh ác liệt, các cuộc đọ súng với Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ thiện chiến.

Tình cờ và trớ trêu, Sư đoàn 9 bộ binh cũng là Sư đoàn mà trung sĩ Chuck Hagel đang phục vụ. Những người lính địa phương khi ấy đã vượt qua biết bao gian khổ mất mát, mưu trí dũng cảm để bám dân, để sống sót và sau đó nuôi dần lực lượng, phối thuộc với các đơn vị chủ lực khác lật lại thế đứng trên chiến trường Khu 9.

Thủ tướng cũng chia sẻ với Bộ trưởng Hagel hoàn cảnh bốn lần bị thương của mình. Ông Hagel phá lên cười thoải mái khi Thủ tướng nói rằng khi ấy, rất có thể trong một trận đánh nào đó, đơn vị của ông đã từng chạm súng ác liệt với đơn vị của trung sĩ Hagel… Vâng, có thể có thể lắm…

Chính khách Chuck Hagel lúc này dường như đã thoắt trở lại viên trung sĩ Chuck Hagel của thời ác liệt Mậu Thân 1968.

Hagel đến Việt Nam tháng 12 năm 1967. Khi ấy là lính lục quân và ngay sau đó được điều động đến đồn trú gần biên giới với Campuchia cùng tiểu đội của em trai mình là Tom. Tháng 3 năm 1968, tiểu đội đạp phải mìn trong rừng, các bộ phận cơ thể của binh sĩ bắn tung tóe và một mảnh đạn găm vào ngực của Hagel. Tom Hagel đã băng bó cầm máu cho anh trai Chuck. Rồi vào tháng 4 năm đó, Chuck lại cứu em trai khi xe bọc thép của hai anh em, với Tom trên tháp pháo, một lần nữa vướng mìn.

Hagel cuống cuồng kéo người em trai đang ngất ra khỏi đống đổ nát, bởi biết rằng chiếc xe có thể sớm phát nổ, khi màng nhĩ của hai anh em gần như rách tung, khuôn mặt Hagel đã bị cháy xém. Sau đó hai người được cáng đến bệnh viện dã chiến.

Ngài biết không, trước khi đến đây, tôi đã dừng chân ở Hawaii… Đó là khi ông Hagel đã bộc bạch với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng, ông đã cùng ăn tối với các quan chức trong Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương tại khách sạn Halekulani. Khách sạn ấy gợi lại cho Hagel kỷ niệm. Năm 1968, trung sỹ Chuck Hagel và em trai Tom đã có một tuần nghỉ ngơi ở đây trong thời gian nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.

“Tôi không phải theo trường phái hòa bình – Tôi tin vào việc sử dụng vũ lực, nhưng chỉ sử dụng vũ lực sau một quá trình hoạch định rất cẩn thận. Cái đêm hôm Tom và tôi được cáng ra khỏi ngôi làng đó vào tháng 4 năm 1968, tôi tự nói với mình: Nếu tôi ra khỏi nơi đây được và nếu tôi có vị thế để tác động vào chính sách thì tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để tránh chiến tranh vô ích và vô nghĩa”.

Lúc chia tay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời Bộ trưởng Chuck Hagel thăm Việt Nam. Ông Hagel đã vui vẻ nhận lời.

Đêm 31/5/2013, cựu trung úy Nguyễn Tấn Dũng và cựu trung sĩ Chuck Hagel – hai người lính ở hai bên hai chiến tuyến từng chĩa súng vào nhau 45 năm trước (cả hai đều may mắn sống sót qua cuộc chiến), bây giờ là hai chính khách, một là Thủ tướng; một là Bộ trưởng Quốc phòng, đương ngồi lại với nhau, đương cố thu hẹp những khoảng cách này khác để bàn về một niềm tin nhằm củng cố, giữ gìn an ninh châu Á, về hòa bình khu vực – trong đó có lợi ích cốt lõi và chính đáng của mình.

Nhân loại có lẽ sẽ kém đơn điệu và phong phú hơn khi có những cuộc ngồi với nhau như thế?

© Xuân Ba

 

4 Phản hồi cho “Đêm ấy, cựu trung úy Nguyễn Tấn Dũng và cựu trung sĩ Chuck Hagel…”

  1. SUỐI NGÀN says:

    ĐỊNH MỆNH

    Một bên Trung sĩ Hagel
    Một bên Trung úy Dũng người Việt Nam
    Hai đàng giáp chiến xênh xang
    Không ai ngã xuống mà còn sống nhăn
    Giờ bên Bộ Trưởng Quốc phòng
    Bên thì Thủ Tướng quả là hay sao
    Đời ai học được chữ ngờ
    Đúng là định mệnh xưa giờ lạ chưa
    Gặp nhau lại mới phân bua
    Anh xanh tôi đỏ thắng thua chuyện thường
    Ngày xưa trên bãi chiến trường
    Ngày nay ta gặp trên bàn ngoại giao
    Thôi thì định mệnh quanh co
    Tôi đây anh đấy chỉ trò chơi vui
    Hiện thì vũ khí tôi mua
    Còn anh có bán cũng vừa lòng thôi !

    NON NGÀN
    (06/6/13)

  2. danluan13 says:

    Website BBC tiếng Việt ngày 4 tháng 6 năm 2013 đưa tin Mỹ sẽ bán công nghệ hạt nhân cho VN?

    Đọc bản tin chúng ta thấy chính quyền của tổng thống Obama có một chính sách ưu ái rất đặc biệt với nhà cầm quyền Việt nam. Trong 5 năm qua, ông luôn quan tâm và cố gắng lôi kéo Việt Nam hợp tác với Mỹ, không chỉ TPP mà đặc biệt cả về quân sự. Tại sao lại có sự quan tâm đặc biệt như vậy dù luôn có sự cản trở và ràng buộc phải cải thiện nhân quyền bên lập pháp bắt Việt nam phải thay đổi? Đây là một điểm son của ngành lập pháp Hoa Kỳ muốn nhà cầm quyền Việt Nam có thay đổi tích cực về mặt nhân quyền. Theo nhận định thì dù ông Obama hay các tổng thống sau này hay quốc hội có làm khó đến đâu thì sự hợp tác là cần thiết và sẽ vượt qua mọi trở ngại, sớm hai lâu tùy thuộc ở Việt Nam.
    Vì để bảo vệ quyền lợi của Mỹ ớ Á Châu và cũng là bảo vệ ngôi vị mạnh nhất về kinh tế cũng như quân sự, Mỹ phải tìm kiếm một đồng minh đủ sức đối trọng hợp tác với Mỹ trong khu vực như Do Thái đủ sức bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở Trung Đông. Vậy tại sao Mỹ không chọn Nam Hàn, hay Nhật, hay Phi, hay Úc, hay bất cứ quốc gia nào khác mà lại là Việt Nam? Xin thưa vì các quốc gia khác không bị Tầu đe dọa trực tiếp như Việt Nam cũng như Do Thái ở Trung Đông. Duy có điều Do Thái thì dân chủ nhưng Việt Nam thì không. Đây là một chiến lược lâu dài trong ít nhất 50 năm. Cả hai quốc gia Việt Nam và Do Thái vì sự sống còn nhưng không đủ sức tự bảo vệ mà phải cần Mỹ; và ngược lại Mỹ cũng cần cả hai để duy trì sức mạnh quân sự và từ quân sự sẽ bảo vệ lợi ích kinh tế. Đây là lý do tại sao chính quyền tổng thống Obama vẫn luôn o bế Việt Nam và sẵn sáng bán công nghệ hạt nhân cho Việt Nam và để một kẽ hở nhỏ cho Việt Nam có thể xây dựng một sức mạnh quốc phòng hạt nhân trong tương lai để cầm chân anh khổng lồ phương bắc. Một Việt Nam có sức mạnh hạt nhân sẽ làm Tầu nhột mà giảm bớt sự hung hăng, và Việt Nam cũng không còn sợ bị Tầu ăn hiếp.

    Và để xây dựng lòng tin và bảo đảm an ninh với các đồng minh trong khu vực để cùng phát triển kinh tế, Mỹ đang ráo riết tái phối trí 60% sức mạnh của hải quân về Á Châu (bộ hải quân bao gồm cả không quân). Mỹ phải dùng sức mạnh quân sự để bảo vệ nguốn lợi kinh tế thế kỷ này; và Việt Nam vẫn là một vị trí chiến lược quan trọng trên bàn cờ đối với tất cả các nước, không chỉ riêng cho Mỹ mà cho cả Nga, Tầu, Nhật, Nam Hàn, Ấn, Úc, và các nước trong khu vực.

    kbc

  3. Lại Mạnh Cường says:

    Thưa BBT và qúi đồng hương,

    Có rất nhiều hội nghi quốc tế đủ loại ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và vùng Đông Nam Á nói riêng. Theo tôi chúng ta nên dần dần tìm hiểu thật kỹ từng hội nghị một, để hiểu thấu đáo hơn bao giờ hết diễn biến quốc tế trên bàn thảm xanh hòa đàm, trước các động thái quân sự đang làm áp lực cho các phe phái đang bận rộn với thảo luận, vận động trong hậu trường chính trị.

    Chính vì thế tôi đã cố công chọn lọc những bài bình luận có liên quan đến hội nghị quốc tế thường niên, mang tên là Đội Thoai Shangri-La 2013, có thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhân vật quan trọng, được mời đọc diễn văn khai mạc hôm thứ sáu tuần trước.

    Tôi đã lọc lựa ra hai bài, một của BBC và một của VN Express, đủ tiêu chuẩn giới thiệu qua về mục tiêu Đối Thoại Shangri-La và nghị trình lần này trước các căng thẳng không giải quyết được tại Biển Đông hiện nay.

    Chúng ta cần nâng cao phẩm chất thảo luận ở DCV, hơn là vào đây nhằm “giải toả ẩn ức”, [cứ như kẻ bị qủi ám về sex, nên tìm chỗ mà "thủ dâm"] !
    Thời buổi hiện nay chống Cộng (Ta và Tàu) bằng cái đầu lạnh tỉnh táo, không bằng phản xạ, gặp Cộng là chửi tưới hạt sen như cái máy hát đã cũ, qua giọng văn với từ ngữ đã xưa rích, lỗi thời.
    Xem các blog lề trái trong nước (such as Huỳnh Ngọc Chênh, Trương Duy Nhất, Quê Choa, Tễu Nguyễn Xuân Diện, Phương Bích, Nguyễn Trọng Tạo …), tôi rất thích thú trước những bài chủ cùng các góp ý khá chính xác, phẩm chất có phần hơn xa nhiều web, blog hải ngoại.

    Mong BBT cho phép tôi repost ở đây, để rộng đường dư luận.

    Kính cáo,
    Lại Mạnh Cường

    =====

    Shangri-la và căng thẳng Biển Đông

    Ngô Ngọc Văn
    BBC Tiếng Hoa
    thứ sáu, 31 tháng 5, 2013

    Đối thoại Shangri-La, hội nghị hàng năm về an ninh châu Á, khai mạc vào ngày thứ Sáu tại Singapore.
    Được đặt theo tên của khách sạn nơi tổ chức hội nghị, cuộc họp lần thứ 12 sẽ quy tụ 350 đại biểu đến từ 31 quốc gia và các tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhân vật cấp cao trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Chuck Hagel, và người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU bà Catherine Ashton.
    Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu như diễn giả chính trong buổi lễ khai mạc.
    Hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn trong vùng Biển Đông, với các chính phủ Philippines và Đài Loan bất hòa do một ngư phủ Đài Loan bị các lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines hạ sát, và trong lúc có bế tắc về tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh một rặng san hô ở xa.

    Căng thẳng Biển Đông

    Ba tàu Trung Quốc đã được điều đến chỉ trong vòng 5 hải lý cách Bãi Ayungin (Bãi cỏ mây), nơi có khoảng một chục lính thủy quân lục chiến Philippines đang đóng quân trên một con tàu cũ mà Manila bị mắc cạn vào năm 1999.
    Các quan chức Philippines cáo buộc Trung Quốc cố gắng ngăn chặn các nguồn tiếp liệu và lương thảo cho những người lính, và đang yêu cầu Trung Quốc rút ra. Trung Quốc, về phần mình, khẳng định rằng Bãi Ayungin là một phần của quần đảo Trường Sa, trong đó Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi”, và do đó các tàu Trung Quốc có quyền thực hiện các cuộc tuần tra trong vùng biển này.
    Điều này đánh dấu sự kiện mới nhất trong một loạt các cuộc đối đầu từ năm 2009, theo quan sát của Yang Fang, nhà nghiên cứu có liên kết với Trung tâm Nghiên cứu châu Á và Toàn cầu, thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore:
    “Những sự việc này xảy ra khá thường xuyên trong những năm gần đây, các nước liên quan cố gắng phát triển tài nguyên biển và đánh bắt cá, trong khi gửi tàu để bảo vệ các hoạt động như vậy, dẫn đến va chạm, chẳng hạn như một cuộc va chạm xung quanh bãi cạn Scarborough vào năm 2012 giữa Trung Quốc và Philippines. ”
    “Tất cả các bên phải thể hiện sự kiềm chế, bằng không xung đột nghiêm trọng có thể xảy ra như một hệ quả, trong đó sẽ có ảnh hưởng đến sự an toàn của tuyến đường hàng hải cũng như hòa bình và ổn định của toàn khu vực,” Yang Fang nói với BBC.
    Tác động tiêu cực tiềm tàng của các bế tắc hiện nay giữa Trung Quốc và Philippines cũng được Christian Le Miere ghi nhận.
    Ông là nghiên cứu viên cao cấp về Hải quân và An ninh Hàng hải, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), chủ nhà của Đối thoại Shangri-La.
    Viết trên blog của trang mạng Đối thoại Shangri-La, Le Miere cảnh báo rằng “giai đoạn này phản ánh thực tế rằng Biển Đông vẫn là một khu vực không ổn định với các phát triển nhanh chóng về cạnh tranh quân sự, nhưng nó cũng nhấn mạnh cách thức nào mà Biển Đông có thể được sử dụng như một lối thoát cho các tranh chấp quốc gia khác.”
    Ngoại giao bằng tàu chiến, theo Le Miere, cũng dễ dàng đưa tới các biện pháp quân sự khi nó linh động, và diễn ra trong không gian quốc tế. Thực tế việc Biển Đông có thể được sử dụng theo cung cách như vậy sẽ chỉ làm tăng những lo ngại về cuộc xung đột.

    Quan hệ Trung – Mỹ

    Tác giả cho rằng chuyến thăm Mỹ tuần tới của ông Tập Cận Bình sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn bên cạnh Shangri-La

    Mặc dù Hội nghị An ninh diễn ra ba ngày tại Singapore có thể không giải quyết trực tiếp các vấn đề hiện tại, thì có những phiên họp liên quan tới mối căng thẳng trong khu vực Biển Đông, chẳng hạn như phiên họp có chủ đề “Ngoại giao Quốc phòng và ngăn ngừa xung đột”.
    Trung Quốc không cử đại biểu cấp cao đến Thượng đỉnh cho mãi đến năm 2007, và hồi năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã đụng độ với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ khi đó, ông Robert Gates về vấn đề Biển Đông, dẫn đến việc Trung Quốc gửi một Đoàn đại biểu cấp rất thấp tham dự Diễn đàn vào năm sau.

    Năm nay, Trung Quốc sẽ được đại diện bởi ông Thích Kiến Quốc, phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, và ông Thích sẽ nói về xu hướng mới trong an ninh ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel sẽ nói về phương pháp tiếp cận của Hoa Kỳ trong an ninh khu vực.
    Yang Fang từ Đại học Quốc gia Singapore nói với BBC rằng đây sẽ là một cơ hội tốt cho Hoa Kỳ để họ làm rõ ý đồ chiến lược của mình trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt liên quan đến Trung Quốc.
    “Nếu Trung Quốc cảm thấy rằng Hoa Kỳ đang nhắm mục tiêu vào Trung Quốc tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, điều này sẽ dẫn đến khả năng bất chắc và thiếu ổn định trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.”
    Xây dựng lòng tin sẽ càng trở nên quan trọng hơn, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Hoa Kỳ Obama vào tuần tới trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở California.

    ====

    VN Express Thứ sáu, 31/5/2013,

    Shangri-La – ‘nút tạm nghỉ’ cho vấn đề Biển Đông

    Hội nghị An ninh châu Á khai mạc tối nay bàn thảo những vấn đề an ninh quan trọng nhất khu vực, được đánh giá là cơ chế hữu hiệu để các bên gặp nhau, ngồi lại và đối thoại những về vấn nóng bỏng như biển Hoa Đông hay Biển Đông.

    Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được gọi là Đối thoại Shangri-La ra đời từ năm 2002, nhằm tạo diễn đàn cho các quan chức, chuyên gia an ninh hàng đầu về quốc phòng của các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đối thoại, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh. Năm nay, Đối thoại có sự tham gia của đại diện 31 quốc gia, trong đó có nhiều bộ trưởng quốc phòng cùng các quan chức an ninh, ngoại giao và học giả.

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị tối nay với tư cách là diễn giả chính. “Bài phát biểu của thủ tướng sẽ đề cập đến chính sách đối ngoại – an ninh – quốc phòng vì hòa bình – an ninh và hợp tác phát triển của Việt Nam; các biện pháp xây dựng lòng tin dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời đề xuất phương hướng xử lý các vấn đề liên quan đến duy trì hòa bình ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề an ninh – an toàn hàng hải ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết.
    Phái đoàn Mỹ đến tham dự hội nghị do Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel dẫn đầu. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Hagel tới châu Á kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Lầu Năm Góc đánh giá đối thoại Shangri-La đang trở thành cấu trúc an ninh cơ bản và quan trọng nhất ở châu Á.
    Ông Hagel dự định sẽ có bài phát biểu ngày 1/6 về chiến lược “tái cân bằng” hướng đến châu Á cũng như tiến trình thực hiện chiến lược đó với các nước đồng minh trong khu vực.
    “Trọng tâm của năm nay thực sự là vấn đề tiến trình chiến lược. Năm ngoái, chúng tôi chia sẻ phương hướng của chiến lược mới ở khu vực. Năm nay chúng tôi sẽ cho thấy tiến trình của việc tái cân bằng đang được tiến hành”, một quan chức quốc phòng cấp cao trong đoàn Mỹ nói với AFP.
    Đi cùng ông Hagel còn có Đô đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và khoảng một chục quan chức khác.

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhân dịp này có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Ông Hagel cũng sẽ tiếp xúc với những người đồng cấp của các nước Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… và gặp ba bên với các bộ trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc.

    Phái đoàn Trung Quốc bắt đầu tham dự hội nghị Shangri-La từ năm 2007, thường do quan chức cấp cao trong quân đội dẫn đầu, thấp hơn cấp Bộ trưởng Quốc phòng. Hội nghị năm nay ông Thích Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân, sẽ là trưởng đoàn Trung Quốc.
    Hội nghị Shangri-La lần thứ 12 này có sự hiện diện mạnh mẽ của châu Âu. Anh và Pháp đều cử bộ trưởng quốc phòng đến tham dự. Ngoài ra, còn có bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt và nhiều tướng lĩnh thuộc ủy ban quân đội EU và NATO. Đại diện của châu Á cũng rất mạnh mẽ với bộ trưởng quốc phòng của 11 nước, trong đó có Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
    Cơ chế hữu hiệu

    Diễn đàn an ninh này được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), có trụ sở tại Anh, tổ chức tại địa điểm là khách sạn Shangri-La của Singapore. Đối thoại Shangri-La được coi là nhân tố quan trọng trong việc định hình các vấn đề an ninh đang nổi lên ở châu Á – Thái Bình Dương.
    Nội dung nghị sự chính của hội nghị năm nay bao gồm: Cách tiếp cận của Mỹ với an ninh khu vực; Bảo vệ lợi ích quốc gia, ngăn ngừa xung đột; Hiện đại hóa quân đội và minh bạch chiến lược; Những xu hướng mới trong an ninh châu Á-Thái Bình Dương; và Thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
    Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ tổ chức 6 phiên họp đặc biệt gồm: Phòng tránh sự cố trên biển; Tình hình tại Afghanistan và an ninh khu vực; Phòng thủ tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương; Công nghệ và học thuyết quân sự mới; Ngoại giao quốc phòng và ngăn ngừa xung đột; và Vấn đề an ninh mạng tại châu Á.

    Đối thoại Shangri-La không chỉ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên biển gia tăng mà còn ở vào thời điểm chưa có câu trả lời cho tương lai của những mối quan hệ then chốt trong khu vực, nhất là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và một Trung Quốc đang trỗi dậy.
    Tổng giám đốc và Giám đốc điều hành của IISS, John Chipman, nhận định xu hướng này sẽ trở nên quen thuộc trong những năm tới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với các tranh chấp trên Biển Đông, biển Hoa Đông, vấn đề tên lửa Triều Tiên, tạo nên một năm “cực kỳ bận rộn”.
    “Khi đó đối thoại Shangri-la sẽ mở ra một cơ hội để nhấn nút tạm dừng và để cho tất cả các bộ trưởng Quốc phòng trong khu vực và các bên có quyền lợi trong nền an ninh ở châu Á thảo luận về các vấn đề”, BBC dẫn lời ông Chipman nói.
    Christian Le Miere, một chuyên gia khác của IISS, cho rằng căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo tại khu vực khá nhạy cảm này đang diễn biến nguy hiểm. Nếu không kịp thời có biện pháp làm dịu tình hình, tranh chấp chủ quyền biển đảo có nguy cơ gây ra những tranh chấp khác giữa các nước, các bên liên quan.
    Tình trạng bất ổn ở Biển Đông không phải là mới. Tuy nhiên, cái chết của ngư dân Đài Loan vừa qua lại cho thấy hình ảnh một Biển Đông khá mới mẻ. Đó là nguy cơ sử dụng khu vực biển này làm nơi giải quyết những bức xúc, bất đồng liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Điều này khiến tranh chấp ở Biển Đông ngày càng nguy hiểm.
    Những diễn biến trong thời gian gần đây minh chứng cho quan điểm của ông Le Miere. Tàu chiến Trung Quốc cũng như tàu Mỹ vừa có các hoạt động diễn tập với sự tham gia của các chiến hạm lớn trên Biển Đông. Các căng thẳng cả trên ngôn từ lẫn hành động giữa Bắc Kinh và Manila quanh một bãi cạn (mà Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây) chưa có dấu hiệu gì lắng dịu.
    “‘Ngoại giao pháo hạm’ đã được áp dụng để tạo sức mạnh răn đe ngay tại vùng biển quốc tế. Đó là một diễn biến rất nguy hiểm, nhất là khi căng thẳng vượt qua tầm kiểm soát của các bên”, ông Miere cảnh báo.
    Trong bối cảnh đó, Hội nghị An ninh ở Shangri-La được kỳ vọng là nơi các bộ trưởng quốc phòng có thể gặp gỡ và lên tiếng, để giải quyết các vấn đề trong khu vực một cách hiệu quả.

  4. danluan13 says:

    Mỹ lại đến với Việt Nam hay Việt nam đang cần đến Mỹ?

    Cả hai đang cần nhau, muốn hợp tác với nhau, muốn xây dựng lòng tin với nhau vì sự đe dọa của kẻ thứ ba là Tầu Tặc trong khu vực đang ngày đêm lấn lướt muốn chiếm đoạt quyền lợi của cả hai, nên cả hai đã bắt tay bỏ qua quá khứ và đang cố gắng giải quyết những bất đồng trong hiện tại với quyền lợi một bên là cho đất nước và người dân Hoa Kỳ nhưng bên kia chỉ là quyền lợi của đảng mà thôi – Người dân Việt nam hiện nay chỉ là những con tốt cho hai nhà nước lợi dụng để mặc cả lẫn nhau; và khi chính quyền Mỹ vẫn xem nhẹ đòi hỏi nhân quyền của người dân Việt thì sự mặc cả sẽ ngã ngũ và đảng vẫn tồn tại để tiếp tục cầm quyền. Một nước thì ở quá xa địch còn một nước nhỏ thì ở sát bên chân. Nước xa có chữa được lửa gần hay một ngày nào đó Mỹ cũng sẽ bỏ chạy như bỏ người bạn Miền Nam năm xưa?

    Tuy vậy, hợp tác có lợi cho cả đôi bên. Và để tiến tới một hợp tác chiến lược toàn diện lâu dài, Mỹ đã bỏ lợi ích ngắn hạn của người dân Việt để bắt tay với “chính” quyền cộng sản gian ác, nhưng vẫn từng bước cố gắng đưa Việt Nam xa dần ảnh hưởng của Tầu, thoát ách cộng sản độc tài bằng cách đưa sinh viên qua Mỹ đào tạo các thế hệ trí thức tương lai. Chiến lược lâu dài sẽ hiệu quả và kết quả chỉ còn là thời gian. Người dân và đất nước Việt phải có độc lập tự do và dân chủ nhân quyền. Tất cả sẽ cùng nhau gánh vác giang sơn của cha ông để lại.

    kbc

Leave a Reply to Lại Mạnh Cường