Quyền của người đóng thuế
Con người-sống-trước hết phải làm ăn. Ngày nay với nền kinh tế chuyên môn hóa cao thì làm ăn chính là kiếm tiền. Có người kiếm tiền rất dễ dàng, nhàn hạ, nhưng phần nhiều người kiếm tiền rất vất vả, phải nói rằng chảy mồ hôi, sôi nước mắt mới làm ra đồng tiền chứ không dễ dàng gì. Chúng ta hãy nhìn những người bán vé số, họ đi luôn chân hàng ngày vài chục km bất kể nắng mưa mới kiếm được vài chục ngàn. Chúng ta hãy nhìn những người nông dân, họ lao động quanh năm gần như không có chủ nhật, ngày nghỉ nhưng cũng chỉ kiếm đủ ăn. Theo thống kê một sào ruộng (360m2), một mùa vụ (hơn 3 tháng) cũng chỉ kiếm được đồng lãi 400.000 VNĐ, các anh chị em công nhân lao động nặng nhọc trong các nhà máy nóng nực, bụi bặm, độc hại cũng chỉ thu nhập trên dưới 3 triệu/tháng. Vài ví dụ để ta thấy kiếm tiền trong cuộc sống không phải là dễ, để có đồng tiền chúng ta phải phục vụ, lao động xứng đáng cho khách hàng. Bất cứ ai kiếm tiền chân chính đều quí đồng tiền, cân nhắc rất kỹ rồi mới tiêu dùng. Ngay cả việc ơn nghĩa, việc hiếu hỷ thật sự cần chúng ta mới đem cho đồng tiền mình làm ra. (Ngay cả anh em ruột thì cũng không dễ gì đem tiền cho nhau).
Tuy nhiên, mọi công dân ở nước Việt Nam này phải có nghĩa vụ đóng thuế. Nhiều người nghĩ rằng chỉ có người giàu, chỉ có những người kinh doanh mới đóng thuế, suy nghĩ vậy không đúng. Sáng bạn đi làm, đến cây xăng đổ xăng là bạn đã đóng thuế, giá một lít xăng đã có VAT và hàng trăm thứ thuế khác nữa, bạn ghé quán uống ly café là bạn đã đóng thuế, trưa đi ăn cũng đóng thuế, bạn đi vệ sinh dùng giấy cũng đã có thuế. Tất cả giá thành sản phẩm đã có thuế, người chủ doanh nghiệp hàng tháng đi nộp thuế là thay bạn nộp thuế. Nếu chỉ lấy riêng thuế V.A.T thì mỗi một trăm ngàn chi tiêu bạn đã phải đóng thuế ít nhất 5.000đ. Đất nước nào mà thuế ít thì giá hàng hóa rẻ, lương người lao động nhận được cao hơn, dân có nhiều tiền để mua hàng hóa, để đi du lịch hơn. Theo thống kê, ở VN bạn đóng thuế ít nhất 36 đồng cho mỗi một 100 đồng bạn kiếm được (tiền lời). Nếu cộng hết các loại phí có danh và vô danh thì còn cao hơn nữa.
Lẽ tự nhiên trong cuộc sống, chúng ta làm ra tiền cực khổ thì chúng ta có quyền trong chi tiền. Chúng ta chỉ mở ví cho những ai phục vụ ta tốt nhất, ta có quyền yêu cầu, đòi hỏi; người nào muốn lấy tiền thì phải lịch sự, phục vụ tốt, làm hài lòng người chi tiền. Đó là điều đã trở thành bình thường trong xã hội hiện đại. Và không gì bất công bằng người đã đóng tiền thuê mình lại bị hành lên hành xuống.
Trong quan hệ nhà nước-công dân cũng vậy. Công dân là người đóng thuế để nuôi nhà nước. Chúng ta hoàn toàn có quyền đòi được phục vụ tốt, chuẩn mực từ những người ăn tiền của chúng ta. Cái lý này có lẽ ai cũng biết nhưng tại sao không được thực hiện trong cuộc sống?
Một trong những nguyên nhân dễ thấy là cách thu thuế, người dân đóng thuế thông qua giá cả trên sản phẩm, người nộp thuế là người kinh doanh sản xuất, vận chuyển, buôn bán sản phẩm nên nhiều người cứ nghĩ “nhà nước này thật tốt, không thu mình đồng thuế nào, chỉ thu người giàu thôi”. Ở nhiều nước, thuế đánh trên thu nhập hộ gia đình nên họ thấy ngay là tiền họ bị lấy đi như thế nào. Có trả tiền mới thấy xót, mới thấy mình có quyền và có động lực để đòi quyền. Nền dân chủ chỉ được bảo đảm và củng cố vững chắc khi người dân thấy quyền của mình. Ai làm cho họ thấy? Người cầm quyền? Người hưởng lợi? Không bao giờ. Không ai khác, chúng ta – những người có chút hiểu biết – mong muốn cho đất nước thật sự dân chủ, thật sự tốt đẹp, mong muốn từng người dân nhỏ bé được tôn trọng, được đối xử xứng đáng như là người chi tiền, người chủ nhân của đất nước. Chúng ta hãy viết bài, hãy phổ biến, hãy chia sẻ sự hiểu biết đến càng nhiều người càng tốt.
Một điều nữa là nhà nước đã khai thác được rất nhiều tài nguyên của đất nước: dầu mỏ, khoáng sản, rừng,…tài sản đó cũng là của nhân dân, chính hàng triệu người qua nhiều thế hệ đã chiến đấu, đã sống gian khổ, đã chết thảm thương để gìn giữ, bảo vệ tài sản đó, suy cho cùng nó là thuế máu của nhân dân. Chúng ta là con cháu họ chứ không ai khác. Ngày nay việc khai thác tài nguyên này là độc quyền của nhà nước, trong khi nhà nước này lại do một đảng lãnh đạo, lãnh đạo các tập đoàn khai khoáng (dầu mỏ, than, kháng sản,….) lại là người của đảng, truyền thông đảng nắm, luật lệ, quyền hành đảng giữ,…. trên dưới một giuột thì không khó để hiểu tài sản này bị thất thoát, bị ăn chia đến mức nào. Tôi rất đau lòng khi nghe những tin như “tập đoàn dầu khí để ngoài sổ sách cả ngàn tỷ”, “biếu không cho nước ngoài mỏ than tốt nhất Việt Nam”,…. Đó cũng chỉ là cái đuôi của con khủng long Giraffatitan brancai (con lớn nhất) mà thôi. Chúng ta – hậu duệ của những người đổ cả núi xương sông máu để giữ gìn, là chủ nhân của đất nước – chúng ta hoàn toàn có quyền trong tài sản này. Tất nhiên chúng ta không thể đến, khai thác và đem về nhà. Chúng ta phải yêu cầu những người “đầy tớ”, “người làm thuê” phải có trách nhiệm công khai là đã khai thác những gì, bán cho ai, thu về tiền bao nhiêu. Tất nhiên là họ không đời nào tự nguyện làm cái việc “lấy búa ghè vào chân” được, họ chỉ làm khi nào chúng ta – hàng triệu người – thể hiện quyền hành của mình, đồng loạt lên tiếng cho cái quyền của mình. Lên tiếng không chưa đủ, chúng phải đồng tâm nhất trí vận động đến Quốc Hội ra luật. Chúng ta phải vận động đến các tổ chức lớn trên thế giới như Liên Hợp Quốc, Ngân Hàng thế giới, quốc hội Hoa Kỳ, tổ chức minh bạch thế giới,….ủng hộ một điều khoản rằng “tất cả những đối tác, những công ty, những tổ chức đến làm ăn với các công ty khai khoáng phải công khai là đã mua được bao nhiêu, đã trả bao nhiêu tiền,…” (Đây là sáng kiến của tôi, tôi thấy rằng việc cấu kết, tham nhũng bán rẻ tài nguyên không chỉ có ở VN mà còn có khắp ở các nước nghèo. Điều này gây ra rất nhiều bất công, các công ty trong sạch của quốc tế (Âu, Mỹ) không làm ăn được, chỉ có công ty các nước độc tài, dung dưỡng tham nhũng là hưởng lợi. Cái họa lại giáng lên đầu dân nghèo, cản trở dân chủ ghê gớm trên tầm toàn cầu. (Bạn nào đồng ý với sáng kiến này, xin liên hệ để lập nhóm vận động).
Còn một nguồn thuế vô cùng quan trọng nữa mà chúng ta ít để ý. Thuế đóng trong tương lai. Tất cả các khoản vay nợ, các khoản viện trợ ODA,….không sớm thì muộn chúng ta cũng phải trả. Tôi xin xác quyết một lần nữa là chúng ta chứ không ai khác, không thánh thần nào trả thay chúng ta. Chúng ta trả bằng cách nào? Xin thưa, trả qua đóng thuế. Sẽ có người chép miệng “ối dào, ai đóng thuế chứ không phải tôi” hay “chuyện tương lai lo làm gì” hay ‘mặc kệ, mình mà giàu thì ổn rồi, lo gì”,…. Đó là suy nghĩ phổ biến. Người dân có suy nghĩ vậy cũng không thể trách họ, trách là trách chúng ta không giúp họ hiểu. Thuế cao thì công việc kinh doanh khó khăn, rất dễ bị phá sản, sạt nghiệp (ai bị nợ nần, phá sản thì biết nó kinh khủng thế nào), thuế cao thì lương phải thấp, không chỉ công ty tư nhân phải trả thấp mà lương các ngành nghề nhà nước cũng phải thấp, lương thấp thì sống bần cùng, thuế cao thì các sản phẩm do nhà nước độc quyền phải tăng giá (điện, nước, xăng dầu,…). Hàng triệu ông bố bà mẹ ngày đêm làm quần quật, ăn không dám ăn, đau cũng không dám nghỉ là để mong cho con có tương lai tốt hơn nhưng sẽ trở thành công cốc khi đất nước nặng gánh nợ nần. Nếu họ có may mắn dành dụm khoản tiền nhiều hơn người khác để cho con thì chúng cũng sống bất an trong đất nước tiêu điều đầy rẫy trộm cắp, giết người cướp của. Chưa nói là đất nước nợ nần thì tiền phá giá rất nhanh, tài sản bốc hơi nhanh chóng. (Tôi thấy rằng việc cấu kết, tham nhũng trong cho vay hay viện trợ ODA không chỉ có ở VN mà còn có khắp ở các nước nghèo. Cái họa lại giáng lên đầu dân nghèo, cản trở dân chủ ghê gớm trên tầm toàn cầu vì những người cầm quyền hưởng lợi thì không bao giờ muốn dứt ra khỏi bầu sữa. Chúng sẽ tìm mọi cách bưng bít, bao che nhau. Đó là lý do vì sao các nước độc tài càng nhận viện trợ thì càng độc tài, càng khó cải cách trong khi dân các nước nghèo ôm nợ, dân nước giàu đóng thuế để viện trợ lại bị hàm oan là âm mưu diễn biến hòa bình, tạo ra nợ nần cho nước nghèo (đọc cuốn sách “lời thú tội của một sát thủ kinh tế” để biết cái giọng điệu này). Tôi có sáng kiến: chúng ta phải vận động đến các tổ chức lớn trên thế giới như Liên Hợp Quốc, Ngân Hàng thế giới, quốc hội Hoa Kỳ, tổ chức minh bạch thế giới,…. ủng hộ một điều khoản rằng “tất cả những đối tác, những công ty, những tổ chức cho chúng ta vay, viện trợ cho chúng ta bao nhiêu tiền thì phải có nghĩa vụ lập cổng thông tin để toàn dân biết, người dân sau này chỉ có trách nhiệm trả những khoản nợ minh bạch, các khoản đi đêm thì bị mất,…” (Bạn nào đồng ý với sáng kiến này, xin liên hệ để lập nhóm vận động).
Vẫn chưa hết, thưa các bạn. Vẫn còn một thứ thuế nữa. “Thuế” tín dụng, “thuế” phát hành tiền, in tiền. Về thực chất đồng tiền không có giá trị gì cả. Nó chỉ tốn một ít giấy hay polymer và một chút mực, nhà nước có thể in bao nhiêu cũng được. Ví dụ để in ra một khoản tín dụng trị giá 100.000 tỷ bằng tờ 500.000 đồng thì tốn không bao nhiêu. Vậy đồng tiền có giá là do đâu? Đồng tiền có giá khi nó phản ánh một lượng của cải tương ứng đã được lao động sản xuất trong xã hội. Đồng tiền có giá khi có ai đó chịu đến ngân hàng mượn nợ rồi đi sản xuất ra lượng vật chất tương ứng. Ví dụ tôi đến ngân hàng vay nợ 100 triệu về chăn nuôi gà, tôi phải lao động vất vả tạo nên đàn gà có giá trị 100 triệu thì đồng tiền giữ giá. Nếu tôi phá nát 100 triệu mà không có con gà nào, tôi không trả được nợ (nợ xấu), ngân hàng không phá sản mà được nhà nước in cho 100 triệu để cứu thì tiền cứu đó không có lượng vật chất nào trong xã hội tương ứng và tiền mất giá. Đó là nguyên lý giá của đồng tiền. Sống trong đất nước Việt Nam, chúng ta chỉ có một lựa chọn gần như duy nhất là dùng tiền đồng để lưu thông, trao đổi, cất giữ (trước còn có vàng, Đôla nhưng nay nhà nước cấm tiệt). Nhà nước độc quyền phát hành tiền. Trong trường hợp nhà nước thu thuế đủ để chi tiêu thì vòng tiền và vật chất bảo đảm nên giá đồng tiền không mất. Tiếp theo ví dụ trên, nếu tôi nuôi gà có lãi, tôi đóng thuế 10 triệu cho nhà nước. 10 triệu này nó phản ánh số gà trong xã hội. Nhà nước lấy 10 triệu này chi tiêu, chẳng hạn chi cho lễ mừng thành lập đảng, nhân viên lấy tiền đó đi mua gà để ăn mừng thì đã có con gà phản ánh tương ứng số tiền. Trong trường hợp nhà nước chi tiêu hoang phí thu thuế không đủ chi thì nhà nước đi mượn nợ (thuế tương lai) hay in tiền. Khi tiền được in ra mà không có lượng vật chất tương ứng thì nó phải mất giá. Ví dụ tôi nuôi gà lỗ quá không đóng được thuế nhưng chính phủ vẫn chi cho lễ lạt, lễ lạt thì phải ăn mừng, phải mua gà, không có tiền thì in ra. Các bạn để ý, mỗi khi nhà nước có lễ hội lớn (đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội) hay trả những món nợ lớn (cứu bồ-doanh nghiệp nhà nước) thì vài tháng sau là lạm phát phi mã. Lạm phát bào mòn, làm bốc hơi tài sản của công dân, công dân lao động nặng nhọc hơn (tăng ca, làm thêm) nhưng sống kém đi (tiền lương có vẻ tăng nhưng mua được ít hàng hóa hơn). Cái thứ thuế này vô cùng nghiệt ngã, nó như thứ thuốc độc tiêm dần vào cơ thể con người, làm người ta khô héo, chết dần mà không thấy đau đớn để phản ứng. Làm sao để chống cái thứ độc dược này? Nhà nước phải chi tiêu hiệu quả. Để được thứ này thì hàng tỷ thứ bà rằng phải được giải quyết. Một nguyên lý lớn để chống tiêu hoang là tiền ai người đó tiêu, đồng tiền đi liền khúc ruột. Dẹp tối đa kiểu tiêu tiền OPM (tiền của người khác). Ở đây tôi xin đề xuất một ý kiến đó là tranh đấu để ngân hàng độc lập với chính phủ, chỉ có như vậy thì mới tránh được chuyện chính phủ dùng ngân hàng tạo thành tích (in tiền, bơm tín dụng vào nền kinh tế, tạo ra chỉ số tăng trưởng đẹp nhiệm kỳ mình cầm quyền, sau đó ai chết mặc xác), dùng ngân hàng để giải quyết sự hoang phí của mình (in tiền chi tiêu khi không thu được thuế). Toàn dân, toàn thể trí tức cần dứt khoát vấn đề này, không thể nghe theo kiểu “chính phủ cần nắm ngân hàng để phối hợp điều hành nền kinh tế, tập trung sức mạnh để phát triển đất nước”,…đó chỉ là ngụy biện và không thể kiểm soát được-tin tưởng là tốt nhưng kiểm soát còn tốt hơn. (Bạn nào đồng ý với ý tưởng này, xin liên lạc để thành lập nhóm vận động)
Để đất nước này thịnh vượng, tươi đẹp, người dân ấm no, hạnh phúc, chúng ta phải đấu tranh để quyền của người đóng thuế được tôn trọng và thực thi. Đấu tranh cho quyền người đóng thuế cũng là đấu tranh cho quyền con người, cho dân chủ. Để cho toàn dân biết rằng một khi đã đóng thuế, tức là góp phần xây dựng quốc gia, thì người ta có quyền tham gia việc xây dựng nền tảng pháp chế của đất nước.
Có một điều vô cùng quan trọng mà chúng ta hay suy nghĩ: “chúng ta chỉ là một cá nhân, một con người nhỏ bé, một hạt cát. Chúng ta cảm thấy nhỏ bé, không là gì khi đối diện với nhân viên nhà nước luôn nhân danh nhà nước, chúng ta thấy khiếp sợ trước sự nhân danh to lớn này”. Thật ra suy nghĩ này không đúng.
Để chúng ta có thể tự tin, tự hào khi nói câu “tôi không chỉ là tôi, tôi là công dân, là hàng triệu người trên nước VN này” thì bạn phải suy nghĩ, phải tư duy trách nhiệm như một công dân. Cái gì ảnh hưởng đến công dân là ảnh hưởng đến ta, cái gì công dân có quyền thì ta có quyền.
Xuân Quý Tỵ
© Nguyễn Văn Thạnh
© Đàn Chim Việt