Sửa Hiến pháp chứ không phải xây hầm trú ẩn
Nếu tôi là trưởng ban sửa đổi Hiến pháp 1992 tôi sẽ đề nghị ngưng lại cho đến khi trong Đảng thực sự biết rõ mình muốn duy trì mô hình đảng chủ lập hiến như hiện nay hay muốn thiết lập ở Việt Nam một nền cộng hòa thật sự.
Các nhà nước quân chủ phải lập hiến khi nhà vua bị các tôn giáo, lãnh chúa… buộc phải chia sẻ quyền lực. Các nhà nước đảng chủ phải lập hiến vì muốn tạo ra cái vỏ bọc cộng hòa cho sự toàn trị của mình. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam muốn tiếp tục chế độ chính trị như hiện nay thì cách khôn ngoan nhất là cứ giữ Hiếp pháp 1992 vì nó vẫn đang làm tốt vai trò “phông màn” cho Đảng.
Sẽ là một sai lầm chính trị (của Đảng) nếu sửa đổi hiến pháp không phải vì cải cách mà chỉ để tự trấn an. Khi lực lượng vũ trang đã khẩu hiệu “chỉ biết còn Đảng, còn mình” mà vẫn không hết sợ hãi thì lẽ ra Đảng phải sửa cái gốc là trao quyền lực cho dân. Bảo vệ sự cầm quyền của Đảng mà bằng cách hiến định lòng trung cho quân đội và cố thủ trong điều 4 như một thứ lô cốt thì chỉ gây ra tranh cãi về tính hợp hiến của đảng độc tôn và khiến dân chúng nghĩ rằng Đảng coi mục tiêu cầm quyền cao hơn chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Nếu chỉ quan tâm tới việc phân chia quyền lực thì không cần sửa hiến pháp. Quyền lực lâu nay vẫn được phân chia một cách bất thành văn và phe nhóm thường giải quyết tốt hơn hiến pháp. Vấn đề là tại hội nghị trung ương sắp tới ông Nguyễn Bá Thanh có đủ phiếu vào Bộ chính trị, ông Vương Đình Huệ có trở thành bí thư trung ương Đảng hay không? Ông Nguyễn Bá Thanh rồi sẽ chọn con đường đi vào lịch sử như một bao công, hay với không ít tỳ vết hiện nay, sẽ bắt tay với Thủ tướng đương nhiệm, quay lưng với những người đã từng nuôi kỳ vọng?
Nếu nhận ra đây là cơ hội chính trị thì đừng vội vã, hãy ngồi lại với nhân dân, hình thành một bản hiến pháp có thể thiết lập một nền cộng hòa, trên nguyên tắc: một chính quyền không phải do dân thì không thể là của dân và không thể hy vọng chính quyền đó sẽ vì dân được. Với quyền lập hiến, nhân dân phải tham gia với tư cách là người quyết định chứ không phải “khách” mời “góp ý” như Đảng đang làm.
Ủy ban sửa đổi hiến pháp, vì thế, phải thay đổi quy trình làm việc của mình. Thay vì cắm đầu viết lách, bước một, chuẩn bị những vấn đề phải trình Quốc hội biểu quyết đưa ra trưng cầu dân ý. Điều phải trưng cầu dân ý đầu tiên là Việt Nam nên chọn mô hình cộng hòa đại nghị (nơi quốc hội bầu ra chính phủ và nguyên thủ quốc gia) hay cộng hòa tổng thống (nơi cử tri trực tiếp bầu ra nguyên thủ).
Cộng hòa đại nghị thường thành công hơn ở các quốc gia đi từ nền quân chủ lập hiến. Nơi hoàng gia, tuy không trực tiếp cầm quyền, vẫn còn uy tín để trị vì như một biểu tượng quốc gia. Tuy các triều vua của Việt Nam đã bị “phế từ lâu”, vẫn nên hỏi xem dân chúng muốn tìm một hoàng thân hay tự tay bầu ra tổng thống.
Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn có thể đưa điều 4 ra trưng cầu dân ý và nếu nhân dân tán thành trong một cuộc bỏ phiếu hoàn toàn tự do thì việc cầm quyền của Đảng sẽ thực sự vinh quang. Nếu dân muốn Đảng cộng sản chỉ là một trong các đảng chính trị của người Việt Nam thì anh chỉ có thể cầm quyền khi thắng trong bầu cử.
Trong tình huống đó, hiến pháp nên quy định sự khác nhau giữa ứng cử viên độc lập với ứng cử viên được đề cử bởi một đảng chính trị. Ví dụ: một người có thể trở thành ứng cử viên tổng thống nếu được một đảng chính trị có cơ sở hoạt động ở tầm quốc gia đề cử hoặc có đủ một lượng chữ ký ủng hộ nhất định (nếu là ứng cử viên độc lập).
Với một dân tộc đang có hàng triệu người sống và làm việc ở khắp năm châu như Việt Nam, cần trưng cầu dân ý về điều kiện của các ứng cử viên: có chấp nhận người có hai quốc tịch ứng cử tổng thống, nghị sỹ Việt Nam hay không? Có nên đòi hỏi ứng cử viên tổng thống và ứng cử viên nghị sỹ quốc hội phải là người sinh ở Việt Nam và sống liên tục ở trong nước 5 năm tính đến ngày bầu cử?
Chế độ kinh tế cũng cần được đưa ra hỏi dân. Tự do tư tưởng là vấn đề phải được bảo vệ trong xã hội tương lai. Hiến pháp tôn trọng niềm tin cộng sản của một thiểu số nhân dân nhưng dân chúng không thể trả chi phí để nuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” bằng cách coi “kinh tế nhà nước là chủ đạo”. Nên trưng cầu dân ý về việc cấm nhà nước thành lập những xí nghiệp mang tính kinh doanh (trừ các doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp khai thác những loại tài nguyên đặc biệt).
Hãy trưng cầu dân ý để dân chúng chọn giữa sở hữu toàn dân và chế độ đa sở hữu đối với đất đai.
Sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, Ủy ban sửa đổi hiến pháp mới tiến hành bước hai: thiết kế một mô hình nhà nước có khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, có thể hòa giải quốc gia, phát triển quốc gia, đảm bảo an ninh và mang lại công lý cho người dân tốt nhất. Ủy ban cũng không nên giấu dốt, cái gì biết thì hẵng làm cái gì không có kinh nghiệm thì nên học hỏi, nhất là từ những mô hình nhà nước đã được loài người áp dụng thành công. Việt Nam cần một mô hình chính trị bền vững dài lâu chứ không phải chỉ “bay 15 phút” rồi “bỏ kho” như những chiếc máy bay Vam mà Việt Nam đã từng tự chế.
Cách mà công an Hải Phòng đối xử với anh em ông Đoàn Văn Vươn cho thấy, hệ thống tư pháp hiện hành không thể đảm bảo công lý, nhất là đối với những xung đột giữa công dân với địa phương. Ngoài việc tổ chức tòa án theo cấp xét xử (thay vì theo cấp hành chính), lực lượng điều tra hình sự và công tố nên tổ chức thống nhất ở cấp toàn quốc gia. Cảnh sát địa phương chỉ đảm bảo giao thông và trật tự, trị an; có thể bắt trộm, cướp rồi giao lại cho cơ quan công tố.
Các địa phương tùy vào ngân sách và tình hình an ninh mà quyết định số lượng cảnh sát. Không để tình trạng như Thành phố Hồ Chí Minh phải lấy thanh niên xung phong ra điều khiển giao thông và chống cướp bằng lực lượng từ trung ương cứu viện.
Thật là nguy hiểm nếu lực lượng công an, quân đội thay vì trung thành với quốc gia lại trung thành với đảng phái. Đảng có thể nay tồn, mai vong nhưng Nước thì muôn đời phải giữ. Nếu quân đội không coi nhiệm vụ quan trọng nhất là giữ nước thì khi trong Đảng có bất đồng, quân đội mất phương hướng, những kẻ có dã tâm lãnh thổ như Trung Quốc rất dễ thừa cơ chiếm nốt Trường Sa bằng một cuộc chiến tranh cục bộ.
Cũng cần tách bạch hành pháp chính trị và hành chính công vụ để khi Đảng tan rã thì chỉ có chức năng hành pháp chính trị tạm ngưng, trộm cướp vẫn có người bắt; đèn xanh, đèn đỏ vẫn sáng ở ngã tư; người dân vẫn có thể làm passport, đăng ký xe và sang tên nhà, đất…
Bước thứ ba, Ủy ban sửa đổi hiến pháp trình những mô hình hành chánh, tư pháp tương thích này để quốc hội thông qua. Sau đó tới bước thứ tư mới tiến hành cho chuyên viên thảo ra hiến pháp. Do đã trưng cầu dân ý, hiến pháp chỉ cần 2/3 tổng số đại biểu thông qua chứ không cần đưa ra phúc quyết toàn dân. Chỉ phải giữ nguyên tắc cái gì dân đã quyết khi trưng cầu dân ý thì quốc hội không có quyền thay đổi.
Cũng có thể rút ra các bài học lập hiến từ Việt Nam. Hiến pháp 1946 từng được viết bởi những trí thức có tinh thần pháp quyền và bác ái, tự do. Cho dù nó được quyết định bởi một quốc hội được bầu lên trong cuộc tổng tuyển cử do Việt Minh kiểm soát, Hiến pháp 1946 đã được thông qua bởi những người yêu nước và khát khao độc lập, tự do.
Tuy chưa được công bố chính thức do chiến tranh nhưng Hiến pháp 1946 đã có hiệu lực trên thực tế. Hồ Chí Minh đóng một vai trò quan trọng trong Hiến pháp 1946, nhưng chính ông, sau khi đi dự Hội nghị 81 đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế từ Mascova trở về, đã phế bỏ bản hiến pháp dân chủ này để thay thế bằng Hiến pháp 1959.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, Hiến pháp 1959 được dịch ra từ Hiến pháp Liên Xô nhưng qua bản tiếng Trung nên nhiều định chế nhà nước đã được copy một cách vội vã và không chính xác. Hiến pháp 1980 cũng copy từ hiến pháp của các nước cộng sản Đông Âu, áp dụng nguyên si những định chế mà ngay sau đó đã bị các nước này bãi bỏ. Không nên sợ hãi trước những mô hình nhà nước đã được áp dụng thành công. “Nhập khẩu” mô hình chính trị đã là truyền thống mà Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ năm 1959.
Một chế độ toàn trị thường đi đến sụp đổ hoặc tiếp tục tồn tại bằng cách siết chặt dân chủ, tự do. Quá trình này càng kéo dài bao nhiêu thì càng hủy hoại các nguồn lực và giá trị quốc gia tới đó. Sự sụp đổ hay sự ngắc ngoải của chế độ đều trút hậu quả lên đầu thường dân. Chủ động cải cách để từng bước trao mọi quyền lực cho nhân dân không chỉ là lối thoát của Việt Nam mà còn là cánh cửa để Đảng thoát ra trong danh dự.
© Huy Đức
Nguồn: Facebook osin-huyduc
Tôi và cũng như tuyệt đại đa số người dân Việt Nam luôn mong muốn sự đổi thay và tiến bộ đưa dân tộc tiến lên phía trước. Đảng Cộng sảnViệt Nam hiện tại còn nhiều nhược điểm, tồn tại; nhưng Việt Nam ngày nay và nhiều nhiều năm nữa chưa có thế lực, tổ chức nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sảnViệt Nam. Đơn giản là lịch sử Việt Nam cận đại đã chứng minh điều đó “Nội bộ thống nhất, đoàn kết, không đa đảng, bè phái, nhân dân tin tưởng, đất nước cường thịnh thì giặc ngoại xâm phải kiêng dè”. Cầu chúc Đảng Cộng sảnViệt Nam đẩy mạnh chống căn bệnh tham nhũng thành công.
“… nhưng Việt Nam ngày nay và nhiều nhiều năm nữa chưa có thế lực, tổ chức nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sảnViệt Nam. …”
Đảng việt cộng không cho người dân có cơ hội tham gia thì làm sao biết là
không có ? Quí vị có thấy là đảng việt cộng giống như thời phong kiến hay không ?
” Cha truyền con/giòng họ nối …”
Ngày xưa một ông vua một giòng họ vua mà người dân đã phải quằn lưng rồi .
Ngày nay đảng việt cộng với vài chục ông thay nhau làm vua vài chục giòng họ
thì dân vietnam còng lưng mà cỏng họ!
“không đa đảng” ? Nếu không đa đảng có nghĩa là độc tài chính trị ?
I don’t care bao nhiêu đảng, nhưng việt cộng nên từ bỏ
cái gọi là “độc tài yêu nước” của họ để mọi người dân có quyền tham chính
không nhấ’t thiết là phải là việt cộng/hay con cháu việtt cộng . Chính quyền phải
do dân bầu chứ không fa?i là do đảng chỉ . Sorry, người dân bây giờ không fa?i
là dân thời mã tấu răng đen đâu .
Chính quyền không nên làm chủ bất cứ tờ báo nào thì lúc đó dân mới
tin tưởng
“… Nếu tôi là trưởng ban sửa đổi Hiến pháp 1992 tôi sẽ đề nghị ngưng lại cho
đến khi trong Đảng thực sự biết rõ mình muốn duy trì mô hình đảng chủ lập
hiến như hiện nay hay muốn thiết lập ở Việt Nam một nền cộng hòa thật sự. …”
Cá nhân tôi rất là đồng ý 100% về ý này . Vì,
Mục đích nước người ta khi làm hiến pháp thì họ đặt trọng tâm
vào quyền lợi của đất nước và của nhân dân. Trái ngược với người
ta, Việt Cộng họ làm hiến pháp là vì họ thấy người ta có nên họ phải
có để làm cảnh cho vui và khi làm thì họ đặt trọng tâm là làm sao để
đảng tồn tại. Thành ra đối với việt cộng, hiến pháp là cái gông giúp họ
để mà cùm những ai không vâng lời hay là bất đồng ý kiến với họ.
Hiến pháp của người ta lấy quyền lợi đất nước làm chủ. Lấy nhân dân
làm chủ nên mới có những điều bảo vệ dân. Thí dụ như cho phép người
dân có quyền diễn đạt, phát biểu ý kiến của mình.
Vì bất cứ chính quyền nhà nước nào cũng muốn kiểm soát người
dân bằng những mánh lới và thủ đoạn bằng báo chí. Cho nên hiến pháp
của người ta không cho phép chính quyền làm chủ một tờ báo nào cả.
Trái lại ở Việtnam chính quyền làm chủ tất cã các tờ báo.
Hiến pháp giống như cái Firm-ware mà luật pháp giống như các program
để chạy Bất cứ program nào viết ra ngoài cái Firm-ware đều không chạy
được. Cũng như vậy, Hiến Pháp là nền tảng cho đất nước . Bất cứ một
điều luật nào lập ra cũng phải đặt trên nền tảng của hiến pháp. Bởi vì
những điều luật uncontitution sẽ tạo ra một xã hội hổn độn biến đất nước
đó trở thành một đảng cướp trong đó, chính quyền là những trại chủ và
dân chúng là những đám lâu la không hơn không kém.
Khi nào việt cộng phóng thích mấy trăm tờ báo trong nước thì đó mới là dấu
hiệu cho thấy việt công có ý muốn thay đổi.