WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bên kia sông – Truyện tình đẹp nhất của Thạch Lam

136
Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân  sinh ngày mồng 7 tháng 7 năm 1910 tại ấp Thái Hà, Hà Nội, là người con thứ sáu trong bẩy anh chị em gia đình Nguyễn Tường. Ông  mất ngày 28-6-1942, thọ 32 tuổi.
Tác phẩm gồm có:
1-Ngày Mới, truyện dài, 1937
2-Gió Đầu Mùa, tập truyện ngắn 1937
3-Nắng Trong Vườn, tập truyện ngắn 1938
4-Theo Giòng, nghị luận văn chương 1940
5-Sợi Tóc, tập truyện ngắn 1942
6-Hà Nội Băm Sáu Phố Phường, tùy bút 1942
Bên Kia Sông là một truyện ngắn trong tuyển tập  tập Nắng Trong Vườn. Có lẽ đây là đoản thiên lãng mạn hay nhất của Thạch Lam, một trong những truyện tình hay nhất của Tự Lực Văn Đoàn, y hệt như không khí lãng mạn trong truyện ngắn Mối Tình Đầu (Premier Amour) của Ivan Tourgueniev, cũng có thể tác giả đã chịu ảnh hưởng của Tourgueniev.
Truyện một cậu học trò lớp ba, mới mười mấy tuổi yêu một thiếu nữ lớn hơn mình một cách ngây thơ chân thật.
Sơ lược.
“Một cậu bé mười ba tuổi theo cha mẹ dọn về ở một phố chợ huyện Văn Dương buôn bán tạp hóa. Bên kia sông, một khu dân cư thưa thớt thường gọi là bến Sen, dân hai bên không giao thiệp với nhau. Dân bên huyện coi bến Sen như một vùng bí mật đáng sợ.
Dần dần cậu thân với một người bạn học Tiên, nhà Tiên ở bên kia sông, một hôm chủ nhật Tiên rủ cậu sang bến Sen chơi. Nhà Tiên ở cuối phố, sát ngay cánh đồng, cũng bán tạp hoá. Bà mẹ Tiên dịu dàng quí mến cậu, chị Tiên độ mười tám tuổi xinh đẹp cũng quí mến cậu. Cậu bé rung động và yêu nàng, cậu và Tiên ra bãi tha ma chơi.
Từ đấy cậu thường sang bên Sen luôn để được thấy người đẹp. Không bao lâu cậu theo cha mẹ dọn lên Hà Nội, cậu sang bên Sen thăm chị em Tiên, Thúy lần chót và gục đầu vào Thúy khóc.
Mười năm sau cậu trở lại Văn Dương, quang cảnh nay đã hoàn toàn khác xưa, phố chợ sầm uất hơn, cái cầu đã bị gió bão cuốn đi, cậu đi đò sang sông; bến Sen nay chỉ còn là một bãi đất bỏ hoang, cỏ xanh mọc trên các nền nhà, không một bóng người. Cậu nhớ đến Thúy, đến vẻ đẹp sầu muộn của nàng”
 
Truyện được diễn tả bằng lời tự thuật chân thành của một cậu bé về khoảng thời gian ngắn ngủi mà cậu đã sống ở huyện Văn Dương và tình cảm của cậu. Thạch Lam có biệt tài biến những câu chuyện do bạn bè kể lại thành những đoản thiên kiệt tác, đa số những truyện dưới dạng tự thuật đều do người khác kể lại cho ông.
Vùng bến Sen ở bên kia sông ám ảnh trí tưởng tượng của cậu bé vì thường nghe người ta kể cho nhau nghe những chuyện sảy ra bên ấy, nhiều khi cậu ra sau nhà trèo lên mô đất cao để nhìn sang bến Sen. Từ sự tò mò cậu quen Tiên nhà ở bên ấy, nhân dịp ấy băng qua cầu sang Sen để thoả mãn trí tò mò của mình, và rồi được nếm mùi tình yêu quí báu.
“Chúng tôi vừa ngồi thì bỗng trong nhà bước ra một người con gái độ mười bẩy mười tám tuổi. Tôi biết ngay là chị Tiên vì giống Tiên như hệt, cũng nước da trắng, hai mắt to và cái dáng điệu cao quí. Trông thấy em, chị Tiên nở một nụ cười trên môi thắm, một nụ cười tươi và duyên dáng như trong đời tôi chưa từng thấy bao giờ.
-Em đã về đấy à?
Tiếng nói êm dịu như tiếng bà cụ, nhưng trong hơn. Chị Thúy lại gần chúng tôi, săn sóc hỏi em. Tôi ngây người trước cái sắc đẹp của nàng, trong lòng tự nhiên cảm động, tuy còn trẻ nhưng tôi cũng biết là tôi đương đứng trước sự gì quí báu và hiếm có, một sự gì mong manh rồi sẽ không còn nữa.”
 
Cái tuổi ngây thơ trong trắng dễ xúc động biết bao trước sự dịu dàng trìu mến. Một sự tình cờ khiến cậu đứng trước một mối tình cao quí và hiếm có thay, nhưng linh tính cũng cho cậu biết nó sẽ chỉ thoáng qua như một giấc mơ diễm ảo. Bản chất con người từ thuở thiếu niên cũng đã biết rung động giữa sự thơ ngây trong trắng của mối tình đầu  non trẻ dưới nét bút chân thực kỳ tài của Thạch Lam:
“Khi Thúy để tay lên vai tôi, tôi thấy rung động cả người, tôi cảm thấy tôi bắt đầu yêu nàng.
-Em cũng học một lớp với Tiên à?
-Vâng ạ.
Thúy vuốt khẽ qua tóc tôi bảo:
-Em ngoan ngoãn quá.
Nàng tiếp.
-Ở  đây chơi với em Tiên rồi ăn bánh nhé. Tiên, chị có để phần bánh trên bàn kia kìa.
Thuý không ăn chỉ ngồi bên cạnh chúng tôi; thấy nàng nhìn Tiên rất thân yêu nên tôi ghen với bạn đã có người chị xinh đẹp và ân cần như thế. Nàng hỏi chuyện tôi luôn, tôi trả lời hoạt bát và vui vẻ, không phải cốt nói, nhưng cốt được nghe cái tiếng trong trẻo và êm ái của nàng”.
Mối tình trong trắng ngây thơ đã thúc đẩy cậu bé qua sông để được thấy người đẹp, được nghe giọng nói dịu dàng, nhìn cái miệng xinh tươi của nàng và để được sống những giây phút thần tiên thơ mộng thật là cao quí và hiếm hoi.
“Chị Thúy coi tôi như em cũng săn sóc và âu yếm tôi như Tiên. Nhiều khi chị để tôi ngả đầu vào lòng, xoa tóc tôi, hỏi những câu chuyện ân cần. Đến bây giờ trải qua bao nhiêu lâu, tôi vẫn còn nhớ, lúc nhìn lên, đôi mắt trong và cái miệng xinh thắm của nàng cúi xuống tôi, bàn tay nhỏ mát của nàng đặt trên trán tôi nóng ướt mồ hôi sau khi cùng với Tiên chạy nhảy ngoài cánh đồng. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh người con gái yểu điệu và tươi đẹp ấy, nổi lên trong thời niên thiếu của tôi như một nàng tiên hiền hậu, giữa một vùng cây cỏ lạ.”
Nhưng cũng đúng như ý nghĩ ngây thơ của cậu cái gì quí báu và hiếm có đến một ngày nào sẽ không còn nữa vì cậu phải theo cha mẹ dọn lên Hà Nội. Cái tình chị em cao quí và cảm động dạt dào đến hồi kết thúc sau những ngày thần tiên ngắn ngủi.
“Chị Thúy đứng đợi chúng tôi ở bên cửa. Tôi nhìn chị tự nhiên trong lòng man mác buồn. Một sự linh cảm báo cho tôi biết trước rằng không bao giờ còn gặp lại chị nữa. Tôi lặng yên nép vào người chị, đến lúc nàng đặt tay lên vai êm ái bảo:
-Bao giờ chị mới lại được gặp  em?
Tôi bỗng thổn thức cả người, nước mắt trào ra khóe mắt; tôi gục đầu vào Thúy khóc.”
Một tình yêu chân thực trong lòng cậu bé mười ba tuổi, không phải một sự ngộ nhận mơ hồ. Nó thực sự hiện hữu trong cậu nên mười năm sau, lớn lên chàng có dịp trở về Văn Dương, trước mắt quang cảnh sầm uất hơn xưa. Cậu bé nay đã thành người lớn đi đò sang sông để hy vọng gặp lại người con gái xinh đẹp năm xưa và cũng để tìm lại dấu vết của mối tình đầu ngây thơ chân thật ngày nào. Nhưng hỡi ôi! bến Sen nay chỉ toàn là cảnh hoang tàn đổ nát, vắng lặng không một bóng người, chàng nhớ đến Thúy, đến dáng điệu thùy mị của nàng, đến nét u sầu trên mặt nàng, nhưng nay còn đâu?
“Đôi mắt nàng như vừng trời trong thẳm tôi đã được soi thấy cái dư vị của cuộc đời.”
 
Chàng đi tìm những hình ảnh cũ, nhưng cái thuở mộng mơ diễm ảo ấy nay còn đâu? nó đã tan biến đi như  cơn gió thoảng chỉ để lại một cảnh thực tế phũ phàng. Chàng ta chập chờn nửa tỉnh nửa mê y như trong giấc mơ Trang Sinh Hồ Điệp, không biết mình hoá ra bướm hay bướm hóa ra mình, và dưới đây là lúc chàng đã tỉnh cơn mơ.
“Những kỷ niệm cũ của một thời niên thiếu xa xăm, trong buổi chiều lên như sương mù che phủ tâm hồn tôi. Đến bờ, tôi còn quay lại lần cuối nữa, nhìn rặng cây, cái quán, với làng mạc xa xa dưới chân giải núi tận đầu  kia; vùng bên kia sông đối với tôi không còn gì bí mật nữa, chỉ còn cho tôi trông thấy cái buồn thảm của một mảnh đất nghèo.”
 
So với các đồng nghiệp Khái Hưng Nhất Linh, Thạch Lam có một bút pháp và nghệ thuật độc đáo về tình cảm. Từ truyện xã hội, tình yêu, đến tâm lý, người ta thấy ở ông một giá trị hiện thực khác thường đến nỗi Khái Hưng đã phải nói đọc văn Thạch Lam ta thấy rùng rợn vì sự thành thật.
Bên Kia Sông, một mối tình tuyệt diệu, kỳ ảo y như  truyện thần tiên! Nó ngây thơ chân thực quí báu và hiếm có thay! Một câu chuyện giản dị, đơn sơ đã được bút pháp thần sầu của Thạch Lam đưa lên thành một đoản thiên lãng mạn tuyệt vời, độc đáo, quí báu và hiếm có như mối tình thanh cao ấy với một chung cục đượm vẻ buồn mênh mang và hoang vắng như cảnh bên kia sông.
Một kiệt tác với một giá trị văn chương tuyệt diệu phảng phất không khí lãng mạn của Tây phương trong những đoản thiên bất hủ.
Trọng Đạt
( trích trong Văn Nghiệp Của Thạch Lam, Người Việt Dallas xuất bản 2015)

Phản hồi