WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Quê tôi

wpid-mot-thoang-que-huong-random-635828238749015434
Quê tôi vốn là huyện lỵ cũ thời Pháp thuộc, một nơi được coi là sơn thanh thủy tú. Điều kỳ lạ là, trong mấy xã vùng đồng bằng quanh đây, chỉ duy nhất nơi này có được một ngọn núi đá tự nhiên nổi lên, mà dân gian vẫn quen gọi là Rú Bỉn. Bên dưới chân núi, dòng Sông Con hiền hòa uốn lượn, tạo nên cái thế phong thủy rất đẹp.

Hồi nhỏ, tôi cùng đám bạn thường rủ nhau lên Rú Bỉn chơi. Núi không cao lắm, chỉ leo một lúc là tới đỉnh. Trên đó hang hốc bí ẩn, những tảng đá xếp chồng lên nhau với đủ hình thù, cỏ cây thì mọc chen lấn, um tùm. Lũ trẻ cùng nhau leo lên một tảng đá lớn, phẳng phiu như bàn cờ tiên, mà ngồi tán gẫu. Từ đây, có thể nhìn bao quát cả vùng. Cách đó chỉ mấy trăm mét là nhà thờ Chúa Ki-Tô sừng sững, dóng dả tiếng chuông ngân.

Vì là huyện lỵ cũ, cho nên người phương xa tới thăm, sẽ cảm nhận được cái tinh thần văn hiến còn ẩn khuất đâu đây. Có thể là một nét ứng xử của con người, một chút phong tục, hay chỉ là cái không khí bãng lãng khó diễn tả bằng lời. Có phải vì cái thế đất đẹp ấy – có thị tứ là nơi giao lưu của cả vùng – mà tiền nhân đặt tên xã là Hợp Thành chăng? Vì rằng từ đây trục đường chính 538 nối liền với quốc lộ 1 và quốc lộ 7, trục đường 533 thì liên thông với các xã khác trong huyện lúa Yên Thành, xứ Nghệ. Thật là một nơi giao thông thuận tiện cho con người.

Người xưa có câu: “Nhất cận Thị, nhị cận Giang”,  để chỉ vị trí tốt của một vùng đất. Những ưu thế để phát triển kinh tế, xã hội như vậy, quê tôi đều có cả.

Chợ Hôm – trước đây còn có tên là Chợ Huyện – là một chợ đầu mối, hàng hóa vật phẩm phong phú. Hằng ngày chợ họp vào buổi sáng, lúc nào cũng đông đúc và tấp nập. Các xã lân cận, người ta cũng đã từng thử cưới chợ mới, nhưng rồi chỉ một thời gian sau phải ngưng hoạt động, vì không thể cạnh tranh nổi với Chợ Hôm. Âu đó cũng là sự lựa chọn tự nhiên vậy, vì nơi đây đi lại thuận tiện, hàng hóa lại nhiều. Những ngày tết, chợ đông nghịt người, đủ mọi sắc màu như trẩy hội. Cho đến giờ, tôi vẫn không thể nào quên được những phiên chợ tết của tuổi thơ. Mấy đứa cùng nhau chen lấn để xem hàng hóa, trong khi tiếng pháo thì nổ đì đùng thúc dục. Ngày đó, người ta dành ra một góc ở cuối chợ làm nơi bán pháo tết. Tại đây, mọi người đứng vây quanh, những người bán thì ở giữa, đốt thử pháo và rao bán. Một ngôi chợ lớn như vậy, vốn vẫn là niềm tự hào của người dân địa phương chúng tôi, vì nó mang lại cơ hội buôn bán cho biết bao người trong vùng. Chợ Hôm nằm trên trục đường 533, chỉ cách trung tâm thị tứ chừng một trăm mét.

Với vị trí thuận tiện, dĩ nhiên là công việc kinh doanh ở đây rất thịnh đạt. Dân trí phát triển, cho nên nhu cầu tín ngưỡng của người dân Hợp Thành cũng phong phú. Người ta thường đi lễ và thắp hương ở đền, chùa.

Nằm trên diện tích chừng một hecta ở Làng Phụng Luật, Chùa Tạnh có xuất xứ từ thời nhà Trần. Khi xưa, chùa có tên là “Long Tĩnh Tự”, dùng để thờ Thần, Phật. Trước cổng có tượng thần Kim Quy bằng đá, tương truyền là để trấn giữ những của cải mà người ta chôn dấu trong khu vực chùa. Xung quanh cây cối um tùm, cảnh vật thâm nghiêm. Kiến trúc cổ của chùa gồm có thượng điện, trung điện, hạ điện. Vì nổi tiếng là linh thiêng, nên chùa được người dân nhang khói quanh năm.

Còn nhớ trước đây, các cụ cao niên thường kể cho lũ trẻ một câu chuyện mang màu sắc kỳ bí. Ấy là nhiều đêm trăng sáng, người ta thường thấy một đàn lợn trắng (tiếng địa phương gọi là lợn bạc) đi lại thong dong trước cổng chùa, nhưng hễ nghe thấy tiếng động thì tự dưng biến mất. Người dân cho rằng, đàn lợn bạc là hiện thân của cải được chôn dấu nơi đây. Không biết thực hư thế nào, tuy nhiên câu chuyện đã đi vào ký ức tuổi thơ chúng tôi như một hoài niệm linh thiêng.

Cũng như bao làng quê Việt Nam xưa, Đình Phụng là nơi để thờ thành hoàng làng và hội họp của dân chúng. Đình quay hướng nam, mái cong chạm trổ, ba mặt đều là ao nước, bên dưới thả sen hồng. Cùng với mưa nắng thời gian, Đình Làng Phụng cũng phải chịu hư hại nhiều. Bây giờ tuy có tu sửa, nhưng vẫn chưa thể tái hiện cái nét đẹp cổ kính thủa ban sơ.

Phía đông của xã là xóm đạo Vĩnh Hòa, đây còn là làng nghề làm các ra loại bánh mướt, bánh chưng, bánh cáy, cùng với giò, nem, chả. Cũng trong xóm Vĩnh Hòa, cách nhà thờ chúa Ki-Tô một quãng ngắn về hướng tây nam có đền Tam Tòa. Đền thờ Lý Nhật Quang, vốn là con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ, hiệu “Bát Lang Hoàng Tử”. Ông nổi tiếng thông minh, tám tuổi biết làm thơ, mười tuổi đã tìm hiểu và thuộc nhiều kinh sử.

Theo sử cũ, năm 1039 Lý Nhật Quang được nhà vua cử vào châu Nghệ An lo việc thu thuế. Tại đây, ông làm việc cần mẫn và nổi tiếng là thanh liêm chính trực. Vì thế mà đến năm 1041, Lý Nhật Quang được vua tín nhiệm phong làm tri châu Nghệ An, tước hiệu là “Uy Minh Hầu”. Thời bấy giờ, Nghệ An là một vùng biên ải trọng yếu phía nam của Đại Việt ta. Nhờ tài năng và tâm huyết của Lý Nhật Quang, xứ Nghệ dần trở nên ổn định, kinh tế và văn hóa cũng phát triển mạnh mẽ. Để tỏ lòng biết ơn, người dân đã lập đền thờ ông ở nhiều nơi, Tam Tòa là một trong số đó.

Sông Con như một dải lụa mềm, chảy tràn vào ký ức người dân quê tôi. Dòng nước trong xanh, khiến ta có thể nhìn thấy những đám rong rêu mềm mại cùng lũ cá lững lờ bơi lượn phía dưới. Êm đềm dưới chân Rú Bỉn, Nhà thờ chúa Ki-Tô và Đền Tam Tòa, quanh co độ chục cây số nữa thì Sông Con đổ ra biển. Vì vậy mà từ đây, người ta có thể đi thuyền nhỏ để ra đến biển Đông. Cái thế chiến lược đó kể cũng không phải là tầm thường vậy. Người Pháp vốn rất có nhãn quan về kiến trúc và địa lý. Cho nên, không phải ngẫu nhiên khi mà họ chọn nơi đây để đóng huyện lỵ, thủ phủ của cả một vùng.

Ôi! Quê hương như một giấc mơ, nổi lòng trao gửi vần thơ ân tình:

BÀI CA QUÊ HƯƠNG

Kìa bầu trời tuổi thơ xanh ngắt

Cánh diều xưa dìu dặt bay cao

Sông Con  sóng vỗ dạt dào

Lững lờ tắm mát gửi trao tâm tình

Nọ là  Rú Bỉn  tươi xinh

Sơn thanh thủy tú có mình có ta

Bên kia giáo xứ  Vĩnh Hòa

Thánh đường cao vút bao la tình người

Hợp Thành  yêu dấu ta ơi

Tiếng ru lòng mẹ một đời vấn vương

Cho dù đi khắp muôn phương

Nào ai quên được quê hương sinh thành

Mái  Đình Phụng  anh linh hiển thánh

Bên hồ sen phong cảnh nên thơ

Muôn năm còn đó bây giờ

Khói hương  Chùa Tạnh  điện thờ thâm nghiêm

Rùa thiêng trấn giữ kim tiền

Truyện xưa tích cũ thần tiên một thời

Vẳng nghe tiếng sáo chơi vơi

Chợ Hôm  thấp thoáng nụ cười trên môi

Quê hương như một vành nôi

Khúc ca dâng tặng muôn đời mến thương.

Quê tôi, với một diện tích chỉ chừng năm cây số vuông. Nhưng ở đó có những cánh đồng lúa xanh ngát lộng gió, nâng đỡ cho cánh diều tuổi thơ bay lượn. Với một quần thể kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng cổ kính, linh thiêng. Có chợ, có làng nghề và cả sân bóng đá thể thao. Thực là một vùng đất đai phồn thịnh, lại được cái thế sơn thủy hữu tình ôm ấp từ bao đời vậy.

© Minh Văn

© Đàn Chim Việt

Phản hồi