WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hội nghị Paris (Bài 4)

Hội nghị Paris: Bài 1 , Bài 2 , Bài 3

1.-   TỔNG THỐNG NIXON ĐE DỌA TỔNG THỐNG THIỆU
Khi Kissinger từ Paris trở về Hoa Kỳ tường trình với tổng thống Nixon ngày 13-1-1973, thì ngày 14-1-1973 Nixon gởi tướng Alexander Haig đi Sài Gòn để thuyết phục tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.  Nói là thuyết phục, nhưng thực sự là phái đoàn Haig đến Sài Gòn để đe dọa, áp đặt và tìm cách bắt buộc tổng thống Thiệu phải chấp nhận hiệp định đình chiến do Hoa Kỳ và BVN soạn thảo.
hiepuocparis
Trong cuộc thảo luận riêng với Henry Kissinger về việc áp đặt và bắt buộc tổng thống Thiệu phải ký kết hiệp định theo ý Hoa Kỳ, tổng thống Nixon đã nói với Kissinger bằng những lời lẽ chẳng ngoại giao tý nào: “Tôi không biết rằng những lời đe dọa liệu có đủ hay không, nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết như là – hay sẽ cắt đầu ông ta nếu cần.” (Tin AFP, thứ Ba 23-6-2009.  BBC thứ Tư 24-6-2009.)
“… Sẽ cắt đầu ông ta nếu cần...” cho thấy quyết tâm của Nixon buộc tổng thống Thiệu phải ký hiệp định Paris do Mỹ và CSVN soạn thảo.  Trong hồi ký của mình, Nixon không nói chuyện cắt đầu, nhưng lối viết của ông rõ ràng có tính cách đe dọa, dầu chỉ viết hồi ký để tự ghi lại những việc mình làm: “Sự lựa chọn của Thiệu thật là đơn giản, ông ta hoặc là muốn tự tử, hoặc chấp nhận sự sắp đặt có thể cứu nước ông và bản thân ông.”(Nixon, sđd. tr. 750.)
Trong lá thư do Alexander Haig cầm tay và giao cho tổng thống Thiệu trong cuộc gặp gỡ ngày 16-1-1973, Nixon nói rằng ông ta dứt khoát quyết định ký tắt hiệp định vào ngày 23-1-1973 và ký kết ngày 27-1-1973.  Nếu tổng thống Thiệu từ chối hay cản trở, Nixon viết tiếp: “ Trong trường hợp đó, tôi sẽ giải thích công khai rằng chính quyền của Ngài cản trở hòa bình.  Kết quả không tránh khỏi là Hoa Kỳ lập tức chấm dứt viện trợ kinh tế và quân sự, mà không thể tránh trước được bằng cách thay đổi nhân sự trong chính quyền của Ngài.  Dầu sao, tôi hy vọng sau những gì mà hai quốc gia chúng ta đã từng chia sẻ và từng đau khổ với nhau trong cuộc tranh chấp  [chiến tranh], chúng ta sẽ cùng nhau bảo vệ hòa bình và hưởng phúc lợi hòa bình.  Trong mục đích đó, tôi muốn nhắc lại cho Ngài sự bảo đảm mà tôi đã đưa ra.  Vào lúc hiệp định được ký kết, tôi sẽ mạnh mẽ làm rõ rằng Hoa Kỳ thừa nhận chính quyền của Ngài là chính quyền hợp pháp duy nhất tại miền Nam Việt Nam, rằng chúng tôi không thừa nhận quyền của bất cứ quân đội nào tư øbên  ngoài hiện diện trong lãnh thổ miền Nam Việt Nam và rằng chúng tôi sẽ phản ứng mạnh mẽ việc vi phạm hiệp định.  Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh tôi không ngừng bảo vệ nền tự do và sự tiến bộ của Việt Nam Cộng Hòa.  Đó là ý định tôi cương quyết viện trợ kinh tế và quân sự đầy đủ…” (The Memoirs of Richard Nixon, sđd. tt.  749-750.)
So với lá thư ngày 6-10-1972 đe dọa sinh mạng tổng thống Thiệu, lời lẽ lá thư nầy của Nixon tuy lịch sự, nhưng cương quyết và cứng rắn, ép tổng thống Thiệu vào tình thế hết sức khó khăn và tế nhị.  Nếu tổng thống Thiệu không chịu ký hiệp định, thì Hoa Kỳ “sẽ giải thích công khai rằng chính quyền của Ngài [tổng thống Thiệu] cản trở hòa bình.  Kết quả không tránh khỏi là Hoa Kỳ lập tức chấm dứt viện trợ kinh tế và quân sự…”  Khi đó, tổng thống Thiệu chẳng những bị dư luận quốc tế công kích là cản trở hòa bình, mà ông còn bị cả dân chúng NVN kết tội là đã làm mất đi nguồn viện trợ từ phía Hoa Kỳ.
Cuối cùng, tổng thống Thiệu không còn cách chọn lựa nào khác là đành phải chấp nhận hiệp định sắp xếp giữa Hoa Kỳ và BVN,  Tuy nhiên, tổng thống Thiệu còn cố gắng đòi hỏi thêm trong thư trả lời Nixon trao cho Alexander Haig trong cuộc gặp ngày 17-1-1973, nhưng vô ích vì mọi thứ đã được ấn định, chỉ còn chờ ngày ký kết.  Nhiều người trách tổng thống Thiệu nhượng bộ vì quá sợ bị ám sát, nhưng ở trong hoàn cảnh của tổng thống Thiệu lúc đó, thử hỏi có cách nào làm gì khác hơn được?
Phiên họp công khai hai/bốn bên thứ 174, tức phiên họp chót mở ra ngày 18-1-1973.  Hai ngày sau, 20-1-1973 Richard Nixon tuyên thệ nhận chức tổng thống lần thứ hai tại Washington D.C. Lúc đó, có tin cựu tổng thống Lyndon Johnson từ trần ngày 22-1-1973.
Cuộc mật đàm cuối cùng (lần thứ 24) bắt đầu lúc 9:35 sáng 23-1-1973.  Lê Đức Thọ trở lại việc đòi hỏi Hoa Kỳ viện trợ kinh tế cho Bắc Việt Nam sau chiến tranh, nhưng Kissinger lập lại rằng sẽ bàn luận việc nầy sau khi hai bên ký kết hiệp định và sau khi quốc hội Hoa Kỳ nghiên cứu và phê chuẩn hiệp định.  (Henry Kissinger, sđd. tr. 1472.)
2.-   VIỆC KÝ KẾT
Cuối cùng, ngày 27-1-1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam), còn được gọi là Hiệp định Hòa bình Paris (Paris Peace Accords) được ký kết tại nơi bắt đầu, tức Trung Tâm Hội Thảo Quốc Tế (Centre de Conférences International), trong khách sạn Majestic, số 19 đường Kléber, Paris.
Hiệp định Paris gồm 9 chương, 23 điều, có hai bản.  Bản thứ nhất giữa bốn bên VNCH, Hoa Kỳ và CHMNVN, VNDCCH.  Bản thứ hai giữa hai bên Hoa Kỳ và VNDCCH.
Hai bản chỉ khác nhau ở phần mở đầu và điều 23, còn giống nhau từ điều 1 đến điều 22.  Vì có hai bản, nên hiệp định Paris được ký kết hai lần:  Bốn bên VNCH, Hoa Kỳ, VNDCCH và CHMNVN ký kết vào buổi sáng 27-1-1973.  Hai bên Hoa Kỳ và VNDCCH ký kết vào buổi chiều 27-1-1973.  Bộ trưởng Ngoại giao bốn bên ký vào hiệp định Paris là: Trần Văn Lắm (VNCH), William Rogers (Hoa Kỳ), Nguyễn Duy Trinh (VNDCCH) và Nguyễn Thị Bình (CHMNVN).  Đại diện hai bên Hoa Kỳ và VNDCCH ký vào hiệp định chiều 27-1-1973 là: William Rogers (Hoa Kỳ) và Nguyễn Duy Trinh (VNDCCH).  Hiệp định có hiệu lực từ 0 G. giờ quốc tế GMT đêm 27 rạng 28-1-1973, tức 8 giờ sáng giờ Việt Nam ngày 28-1-1973.
Những điểm chính của hiệp định Paris là: Ngưng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam; Hoa Kỳ rút quân đội và cố vấn còn lại (khoảng 23,700) trong 60 ngày; Hoa Kỳ triệt phá tất cả các căn cứ trong 60 ngày; trao trả tù binh Hoa Kỳ và các tù binh khác trong 60 ngày; quân đội Bắc Việt tiếp tục đóng giữ tại chỗ ở Nam Việt Nam; rút tất cả các lực lượng ngoại nhập tại Lào và Cao Miên; cấm lập căn cứ và chuyển quân qua hai nước nầy; duy trì khu phi quân sự tại vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời cho đến khi nào thống nhất đất nước bằng một giải pháp hòa bình; thành lập Ủy ban Kiểm soát Quốc tế gồm có người các nước Canada, Hungary, Ba Lan và Indonesia với 1,160 thanh tra kiểm soát việc thi hành hiệp định; Nguyễn Văn Thiệu vẫn là tổng thống miền Nam Việt Nam cho đến khi có bầu cử; Bắc Việt Nam tôn trọng quyền tự quyết của dân chúng Nam Việt Nam; không chuyển quân qua khu phi quân sự; không sử dụng võ lực để thống nhất đất nước. (John S. Bowman, sđd. tr. 210.)
3.-   CÁC NGHỊ ĐỊNH THƯ VÀ ĐỊNH ƯỚC QUỐC TẾ
BcBnh
Nghị định thư là những thỏa thuận về một hay nhiều vấn đề chuyên biệt, chưa quy định và đầy đủ trong hiệp định, nay được triển khai chi tiết.  Bên cạnh hiệp định Paris, có bốn nghị định thư sau đây, ký  ngày 27-1-1973, bằng hai thứ tiếng Anh và Việt:
*   Nghị định thư về Ủy ban Quốc tế kiểm soát và Giám sát của Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm 18 điều.  Bốn bên đều ký.
*   Nghị định thư về việc trao trả nhân viên quân sự bị bắt, thường dân nước ngoài bị bắt và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ của Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam gồm 14 điều.  Bốn bên đều ký.
*   Nghị định thư về ngưng bắn ở miền Nam Việt Nam và về các Ban Liên hợp Quân sự của Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm 19 điều.  Bốn bên đều ký.
*   Nghị định thư về việc tháo gỡ và vô hiệu hóa mìn trên các thủy lộ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm 8 điều, ký kết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Ngoài ra, điều 19 chương VI Hiệp định Hòa bình Paris quy định rằng các bên thỏa thuận về việc triệu tập một hội nghị quốc tế trong vòng ba mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định nầy để ghi nhận các hiệp định đã được ký kết, bảo đảm chấm dứt chiến tranh, giữ vững hòa bình ở Việt Nam, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp vào hòa bình và bảo đảm hòa bình ở Đông Dương.
Dựa vào điều nầy, HỘI NGHỊ QUỐC TẾ  đã được triệu tập từ 26-2 đến 2-3-1973 tại Paris, gồm bốn bên trong hội nghị Paris, cùng bốn nước trong Ủy ban Quốc tế Kiểm soát đình chiến là Canada, Hungary, Indonesia, Poland và bốn nước Anh, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Liên Xô và Pháp.
Hội nghị quốc tế gồm 12 thành viên trên đây đi đến ký kết một văn bản được gọi là “Định ước của Hội nghị Quốc tế về Việt Nam”, ngày 2-3-1973, gồm 9 điều, “nhằm mục đích ghi nhận các hiệp định đã được ký kết, bảo đảm chấm dứt chiến tranh, giữ vững hòa bình ở Việt Nam…”.  Đại diện các bên tham chiến và đại diện chính phủ các nước trên đây đã ký vào bản định ước nầy trước sự chứng kiến của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, lúc đó là Kurd Waldheim (người Áo, tổng thư ký LHQ từ 1972 đến 1981).
Dầu có sự chứng kiến của vị tổng thư ký LHQ và các cường quốc trên thế giới cùng các thành viên Ủy ban Quốc tế Kiểm soát đình chiến, chỉ vài tháng sau khi hiệp định Paris được ký kết, CS vi phạm hiệp định, xua quân tấn công VNCH.
KẾT LUẬN (TOÀN BÀI “HỘI NGHỊ PARIS”)
Như thế là hội nghị Paris kéo dài trong bốn năm chín tháng, từ  13-5-1968 đến 27-1-1973, đưa đến Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam), gọi tắt là Hiệp định Hòa bình Paris (Paris Peace Accords).
Hoa Kỳ đến NVN nhắm mục đích giúp NVN ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa CS xuống NVN và Đông Nam Á.  Năm 1964, trước khi đem quân vào Việt Nam năm 1965, ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Rusk qua Ottawa (Canada) gặp Blair Seaborn, trưởng đoàn đại diện Canada trong Ủy ban Kiểm soát Quốc tế, (International Control Commission), thông báo cho Hà Nội biết là Hoa Kỳ không muốn lật đổ chế độ Hà Nội mà chỉ muốn hòa bình, và thúc giục Hà Nội chấm dứt thù địch để đổi lấy viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ. Seaborn đã tin cho Phạm Văn Đồng biết điều nầy trong cuộc gặp tại Hà Nội ngày 18-6-1964. (Mark Moyar, Triumph Forsaken, the Vietnam War, 1954-1965, New York: Cambridge University Press, 2006, tr. 307.)
Chiến lược phòng thủ NVN (không đánh ta Bắc như ở Nam Triều Tiên), dựa trên võ khí tối tân của Hoa Kỳ không phải là đối sách hữu hiệu đối với chiến tranh du kích và khủng bố của CSVN trong bối cảnh địa lý rừng núi NVN, nên quân đội Hoa Kỳ không thành công tại NVN.  Muốn chiến thắng du kích CS ở NVN, thì phải tận diệt nguồn gốc, hang ổ tiếp tế cho CS ở NVN.  Đó chính là BVN.  Tuy nhiên, Hoa Kỳ chủ trương không lật đổ chế độ Hà Nội, nên không đưa bộ binh đánh BVN.
Dầu chưa thua trận nào từ cấp tiểu đoàn trở lên, nhưng quân đội Hoa Kỳ tại NVN càng ngày càng hao mòn, số thương vong mỗi ngày mỗi ít, cộng lại càng ngày càng cao nên dân chúng Hoa Kỳ càng ngày càng phản đối.  Trong khi đó, để mở đầu liên lạc với Trung Quốc, làm hòa với Liên Xô, Hoa Kỳ quyết định thay đổi sách lược ngoại giao toàn cầu, quay qua bắt tay với Trung Quốc, rút quân khỏi NVN, bỏ rơi VNCH.
Khi muốn rút quân ra khỏi NVN, Hoa Kỳ có thể tự động âm thầm rút đi, nhưng vì bận tâm về những tù binh Hoa Kỳ trong tay CSVN, nên Hoa Kỳ phải họp hội nghị Paris để gọi là tìm kiếm “một nền hòa bình trong danh dự”, nhưng thật sự nhằm đưa tù binh Hoa Kỳ về nước.
Biết được chủ đích của Hoa Kỳ, CSVN nhởn nhơ vừa đàm vừa đánh, cho đến khi đạt được đòi hỏi của CSVN.  Tại Paris, mỗi bên đặt lên bàn hội nghị một điều kiện tiên quyết.  Hoa Kỳ đồng ý rút quân nhưng đòi hỏi BVN phải cùng rút quân.  Bắc Việt Nam rất mong đợi Hoa Kỳ rút quân, nhưng đòi hỏi Hoa Kỳ phải giải thể chế độ Nguyễn Văn Thiệu trước khi rút quân và chỉ muốn đình chiến tại chỗ, BVN không rút quân.
Để nhanh chóng đi đến kết thúc, ký kết hiệp định trước ngày bầu cử tổng thống (7-11-1972), Henry Kissinger nhượng bộ, bỏ điều kiên tiên quyết của Hoa Kỳ, nghĩa là bỏ ý định đòi hỏi BVN rút quân.  Khi đó, dưới áp lực của Liên Xô, phía BVN mới bỏ điều kiên tiên quyết của BVN, không còn đòi Hoa Kỳ giải thể chế độ Nguyễn Văn Thiệu.  Sự nhượng bộ của Kissinger bị chính những nhân viên trong phái đoàn của Hoa Kỳ phản đối, nhưng Kissinger giải thích: “Các anh không hiểu.  Tôi muốn nhận những điều kiện của họ.  Tôi muốn đạt thỏa thuận.  Tôi muốn chấm dứt cuộc chiến nầy trước kỳ bầu cử.  Điều đó có thể làm được và sẽ được làm.” (Stanley Karnow, Vietnam, a History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 648.)
Nói cho cùng, Hoa Kỳ ký hiệp định Paris để rút chân ra khỏi NVN và để lấy lại tù binh Hoa Kỳ từ tay BVN, chứ Hoa Kỳ cũng dự tính trước rằng với tham vọng xâm lược của BVN, hiệp định Paris sẽ bị CS vi phạm. Điều nầy sẽ có lợi cho Hoa Kỳ, vì một khi BVN vi phạm hiệp định Paris, thì không có lý do gì BVN đòi hỏi Hoa Kỳ phải tôn trọng hiệp định Paris.  Khi đó, Hoa Kỳ sẽ khỏi phải viện trợ hậu chiến, một hình thức bồi thường chiến tranh cho BVN theo điều 21 chương VIII hiệp định Paris.  Trong cuộc mật đàm ngày 11-1-1975, Lê Đức Thọ yêu cầu Hoa Kỳ đóng góp 5 tỷ Mỹ kim để tái thiết BVN. (Đã chú thích ở trên.)  Phải chăng chính trong tính toán đó, Kissinger đã từng chỉ đường cho BVN tiếp tục tấn công NVN khi nói với Chu Ân Lai ngày 22-6-1972: “Nếu chúng tôi có thể sống với một chính phủ cộng sản ở Trung Quốc, chúng tôi phải có khả năng chấp nhận điều đó ở Đông Dương.”(Biên bản cuộc họp giữa Henry Kissinger và Chu Ân Lai ngày 22-6-1972, được giải mật năm 2006.  (Nguồn: www.boston.com/news/nation/washington/articles/2006/05/27/kissinger)
Chưa hết, sau đó khi Đà Nẵng bị CSVN chiếm vào cuối tháng 3-1975, VNCH vẫn tiếp tục chiến đấu, Henry Kissinger đã thốt ra vào đầu tháng 4-1975: “Tại sao họ không chết lẹ đi cho rồi?” (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, sđd. tr. 512.)  Việt Nam Cộng Hòa chết lẹ thì Hoa Kỳ sẽ chấm hết tất cả những ràng buộc về Việt Nam, trong đó có cả việc thoát luôn khỏi bồi hoàn tái thiết cho BVN vì BVN xé bỏ hiệp định Paris, xâm chiếm miền NVN, thì Hoa kỳ không có lý do gì để bồi hoàn cho BVN.
Riêng đối với dân chúng Hoa Kỳ, chính phủ Nixon đã thành công và làm tròn lời hứa, kết thúc chiến tranh, rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam và đem tù binh về nước.  Tuy nhiên, đối với VNCH, Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh đã từng cùng Hoa Kỳ chiến đấu chống CS, và lúc đó đang còn chiến đấu chống CS.  Hoa Kỳ đến Việt Nam vì quyền lợi của Hoa Kỳ thì cũng vì quyền lợi của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ ra đi.  Chẳng những Hoa Kỳ mà tất cả các nước ngoài, dù CS hay tư bản đến giúp BVN hay NVN đều vì quyền lợi của họ, chẳng có nước nào đế giúp vô vị lợi.  Đây là một tấm gương luôn luôn cần được ghi nhớ.
Đối với VNDCCH và công cụ là MTDTGP, Hiệp định Hòa bình Paris, ngưng bắn tại chỗ, là một thắng lợi lớn lao vì: 1) Trong khi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi NVN, VNDCCH vẫn đóng quân trên những vùng họ đã chiếm đóng thuộc lãnh thổ VNCH theo thế da beo. 2) Hoa Kỳ không còn dùng phi cơ để oanh kích BVN là cơ hội cho CS tái thiết BVN, bổ sung quân số, chấn chỉnh lực lượng, và tăng cường võ khí cho quân đội CS ở miền Nam.  Như thế nghĩa là CS chỉ ký Hiệp định Hòa bình Paris để tạm hưu chiến cho Hoa Kỳ lui quân, rồi CS sẽ tiếp tục tấn công một mình VNCH, xâm chiếm NVN.
Đối với VNCH, Hiệp định Hòa bình Paris là một thất bại chính trị quan trọng.  Hiệp định nầy chỉ chấm dứt chiến tranh giữa Hoa Kỳ và VNDCCH, chứ không phải giữa VNCH và VNDCCH.  Việt Nam Cộng Hòa vẫn phải tiếp tục tự vệ trước âm mưu xâm lăng của VNDCCH.
Sau hội nghị Paris, cả Hoa Kỳ lẫn CS đều tự cho là mình đã giành thắng lợi.  Tuy nhiên, những tính toán chính trị sâu xa và lâu dài trên bàn cờ chính trị thế giới mới là câu trả lời ai là người thắng cuộc.  Cho đến nay, sau khi khối CS Đông Âu sụp đổ năm 1990 và CS Việt Nam trải thảm đỏ rước Hoa Kỳ trở lại Việt Nam năm 1995, đã cho thấy rõ ràng rằng bên hiu hiu tự đắc thắng cuộc năm 1975 nay bị cả toàn dân Việt Nam lên án, thế giới khinh thường, Trung Cộng hiếp đáp, là thắng hay thua?
Điểm đáng ghi nhận thêm là nhờ Hội nghị Paris và nhờ hiệp định Paris mà ngày 16-10-1973, Henry Kissinger và Lê Đức Thọ được trao giải thưởng Hòa bình Nobel năm 1973.  Lê Đức Thọ không nhận vì với Lê Đức Thọ, hiệp định Paris chỉ tạo cơ hội cho Hoa Kỳ rút quân và CS tiếp tục xâm lăng VNCH. (Trích Việt sử đại cương tập 7, sẽ xuất bản.)

© TRẦN GIA PHỤNG (Toronto, 26-01-2013)

© Đàn Chim Việt

11 Phản hồi cho “Hội nghị Paris (Bài 4)”

  1. Thằng Bờm says:

    The personal papers of Henry Kissinger are deposited in the Library of Congress with a deed of gift restricting access until five years after his death. (No peace no honor).

    Tài liệu cá nhân của Henry Kissinger được gửi vào Thư viện Quốc hội với một chứng từ hạn chế dể dàng truy cập cho đến sau khi ông chết đã được năm năm.

    Kít úp mở chuyện gì thế !???

  2. quang phan says:

    Hiệp định là gì? Hiệp định thường hình thành giữa hai quốc gia (song phương) hay nhiều quốc gia (đa phương), là sự kết hợp các bên lại để thỏa thuận một sự việc mà các bên tham gia cùng nhất trí đồng thuận, công nhận, coi đó là quy định, nguyên tắc chung, không ai được phép vi phạm.

    Nếu có một bên cố ý vi phạm? Thì đó là sự “bội tín”, một hành vi trái với thông lệ phổ quát quốc tế và nguyên tắc của hiến chương Liên Hiệp Quốc .

    Nếu việc vi phạm bất chấp nhiều nước có liên quan? Thì đó là “hành vi tương đồng với tội phạm “lưu manh, lường gạt Quốc Tế ”.

    Năm 1973 Hoa Kỳ hoàn tất việc rút hết quân về nước, thì đầu năm 1974 Cộng sản Bắc Việt tăng cường tối đa quân đội và vũ khí hạng nặng mở nhiều mặt trận tấn công tổng lực vào miền Nam.
    Trong công pháp và tập quán đối ngoại quốc tế thì đây là hành vi “hạ đẳng” tồi tệ, xấu xa nhất của một chính quyền . CS Bắc Việt đã chà đạp vi phạm toàn bộ các điều khoản họ đã ký trong Hiệp định Paris khi tấn công miền Nam bằng vũ lực. Đó là lý do mà hơn 30 năm CSVN dấu nhẹm, không phổ biến nội dung các điều khoản này ra cho người dân biết mãi cho đến ngày nay khi truyền thông đa phương tiện nối mạng toàn cầu, mọi việc không còn có thể che đậy được nữa.

    (Hoàng Thanh Trúc )

  3. Dâm Tiên says:

    Brigadier General Vernon Walters, the military attaché who took Kissinger
    in and out of Paris on the secret “ walks in the night,” dit not see it that way.
    To this day, he keeps a little South Vetnamese flag in his office. When asked
    about it, he explains that it stands for “ unfinished business.” We let 39 mil-
    lion people fall in slavery,” Such was a legacy of “ peace anh honor,”
    ( Trích No Peace, No Honor. 2001. Larry Berman page 273)

    Tướng Vernon Walters, vị tùy viên quân sự từng phụ tá Kissinger trong các
    vụ “ đi đêm “ qua hòa đàm Ba Lê […] vẫn giữ lá quốc kỳ VNCH tại bàn giấy
    của ông. Được hỏi vè ý nghĩa này, ông giải thích, rằng lá cờ đó tượng tượng
    cho công việc “ chưa hoàn tất,’ Chúng ta đả để cho 39 triệu người sa vô
    vòng nô lệ. […]. Trích No Peace no Honor. trang 273. Larry Berman, 2001 .

  4. DâM Tiên says:

    Brigadier General Vernon Walters, the military attaché who took Kissinger
    in and out of Paris on the secret “ walks in the night,” dit not see it that way.
    To this day, he keeps a little South Vetnamese flag in his office. When asked
    about it, he explains that it stands for “ unfinished business.” We let 39 mil-
    lion people fall in slavery,” Such was a ;egacy of “ peace anh honor,”
    ( Trích No Peace, No Honor. 2001. Larry Berman page 273)

    Tướng Vernon Walters, vị tùy viên quân sự từng phụ tá Kissinger trong các
    vụ “ đi đêm “ qua hòa đàm Ba Lê […] vẫn giữ lá quốc kỳ VNCH tại bàn giấy
    của ông. Được hỏi vè ý nghĩa này, ông giải thích, rằng lá cờ đó tượng tượng
    cho công việc “ chưa hoàn tất,’ Chúng ta đả để cho 39 triệu ngườisa vô
    vòng nô lệ. […]. Trích No Peace no Honor. trang 273. Larry Berman, 2001 .

  5. quang phan says:

    Nhà báo Niên Dư- nguyên thượng nghị sĩ chủ tịch Uỷ Ban Nội Viện Nội Qui Thượng Nghị Viện, chủ bút tuần báo Quân Đội, chủ bút nguyệt san Phụng Sự- thuật lại rằng tướng Phạm Văn Phú – nguyên chủ tịch Uỷ Ban Quân Sự Bốn Bên kiểm soát thi hành Hiệp Định Ba Lê- có kể với ông rằng “… trong lúc giải lao trong phiên họp đầu tiên, thượng tướng Bắc Việt Trần văn Trà thố lộ ” Bọn mình tuy là ngồi họp với nhau đây, nhưng quyết định do đàn anh Nga Mỹ dàn xếp xong xuôi rồi. Mỹ chịu hy sinh các anh để đánh đổi Trung Đông. Vậy thì mình chỉ cần làm việc cho có vẻ hình thức thôi. Chúng tôi sẽ không đòi hỏi các anh phải khai báo số viện trợ quân sự nhập khẩu một cách chính xác làm gì cho thêm phiền phức. Tôi biết chắc chắn các anh sẽ không được Hoa kỳ tiếp tế đầy đủ để có thể một đổi một, chứ đừng nói đến vấn đề nhập khẩu qua số viện trợ ấn định “.

    • DâM Tiên says:

      Thưa, có vài chi tiết xin sửa lại.

      Tướng Phạm Văn Phú không bao giờ có mặt trong
      Ban liên hợp bốn bên, thành phần VNCH.

      Tướng Trần Văn Trà thuộc lực lượng MTGPMN,
      không phải thuộc Bắc Việt.

      ( Nhưng nội dung bài trao đổi giữa hai Trưởng đòan
      VNCH và VNCS có thể là đúng).

      • quang phan says:

        Thưa,

        Có thể cụ Niên Dư do tuổi cao mà nhớ lầm tên của vị tướng này chăng ? Chứ đọc tiểu sử của tướng Phú thì không thấy có liệt kê phần nhiêm vụ này . Việc tìm lại danh sách các nhân vật phía Việt Nam Cộng Hòa trong Uỷ Ban Quân Sự Bốn Bên kiểm soát thi hành Hiệp Định Ba Lê rất khó .

  6. Trầm Luân says:

    Giải Nobel Hòa Bình 1973 thật chẳng còn giá trị và ý nghĩa gì. Nó chỉ là lớp phấn son lòe loẹt trét lên mặt của hai con đĩ già và trơ trẽn, Lê Đức Thọ và Kissinger. Thật đúng là hai con đĩ già. Một con thì đi khách qua nhiều nên hụt hơi cần nghỉ lấy sức để hốt hụi chót là miền nam VN. Con kia thì quá rã rượi chỉ muốn về quê lấy chồng. Thế mà cả hai gái đĩ già mồm này lại được Oslo mời lên trao giải…”tiết hạnh khả phong”. Cổ cồn, cà vạt, rượu tây, nghi lễ, diễn văn… rồi trao giải. Thật là lợm giọng!!!
    Chỉ uất hận cho thân phận miền nam VN và những người đã hy sinh để đổi lấy nền tự do vắn số ấy.

    • kbc3505 says:

      Thưa bạn Trầm Luân,
      Tôi xin có vài lời chia xẻ như sau:

      Hiệp Định Paris 1973 và giải thưởng Nobel hòa bình là hai vấn đề khác nhau nhưng lại có liên hệ vì để có được giải thưởng thì phải có hiệp định. Nghĩa là chỉ cần có hiệp định chấm dứt chiến tranh thì sẽ có giải Nobel hòa bình.

      Theo tôi đánh giá thì giải Nobel Hòa Bình năm 1973 được trao cho hai ông Kissinger và Lê Đức Thọ vì hai ông này “có công” kết thúc chiến tranh giữa Mỹ (bao gồm cả Miền Nam VN) và Miền Bắc Việt Nam (bao gồm MTGPMNVN) để tái lập hòa bình, đơn giản thế thôi.
      Giải thưởng hoàn toàn đánh giá trên nỗ lực (đi đêm đi ngày gì đó của hai ông Thọ và Kit) để chấm dứt chiến tranh giữa Mỹ và cộng sản Bắc Việt, họ coi VNCH và MTGPMNVN chỉ đứng đàng sau nhưng phải ký tên vì có liên hệ trực tiếp đến cuộc chiến.

      Các nỗ lực chính trị, ngoại giao, hay bất cứ giải pháp nào cũng là để dẫn đến kết quả cuối cùng là ngồi xuống hội đàm để ký kết hiệp định như Mỹ mong muốn để chấm dứt chiến tranh, quân đội Mỹ sẽ rút hoàn toàn ra khỏi Việt Nam, nghĩa là trên danh nghĩa Việt Nam với Mỹ không còn chiến tranh . Đấy là ý nghĩa và cũng là lý do của giải thưởng Nobel hòa bình khi trao cho chỉ hai người của hai bên. Người ta chỉ nghĩ rằng sau bao năm chiến tranh gây chết chóc tang thương nay đã có một hiệp định hòa bình, thế là đủ yếu tố cho họ lựa chọn và quyết định trao giải thưởng, trao lẹ, trao vội vã, trao như sợ nếu chậm sẽ không được trao. Đối với bên trao giải, như vậy là xong, không cần biết nội bộ hai miền Nam Bắc sẽ thi hành ra sao, nó không dính dáng tới họ, đó là việc của Liên Hiệp Quốc.

      Kết quả là gì? Kết quả là Mỹ được rút quân về trong danh dự; kết quả là mọi bên đều phủi tay để mặc cộng sản Bắc Việt với viện trợ vẫn đầy đủ, thậm chí còn nhiều hơn từ hai đàn anh Tàu cộng và Liên Xô, vi phạm hiệp định. Họ vi phạm hiệp định một cách trắng trợn như thăm dò, thăm dò từng bước, và khi không thấy có tiếng nói can thiệp của bất cứ bên nào đã ký, cộng sản Bắc Việt tiến đánh cưỡng chiếm toàn Miền Nam Việt Nam. Chiến tranh thật sự chấm dứt “trong hòa bình” như giải thưởng mong đợi.

      “Hòa bình” cũng đã đến, người dân VN chẳng còn nghe tiếng bom tiếng súng, chỉ có những trại tù trại tù và trại tù trên toàn cõi Việt Nam.

      kbc

  7. kbc3505 says:

    “Dầu có sự chứng kiến của vị tổng thư ký LHQ và các cường quốc trên thế giới cùng các thành viên Ủy ban Quốc tế Kiểm soát đình chiến, chỉ vài tháng sau khi hiệp định Paris được ký kết, CS vi phạm hiệp định, xua quân tấn công VNCH.”

    Và sau đó là đánh chiếm hoàn toàn Miền Nam, khai tử nước Việt nam Cộng Hòa, một thành viên của LHQ; và cho tới nay, đã 40 năm trôi qua, LHQ vẫn câm miệng như hến không một lời kết tội kẻ xâm lược.

    Cái bộ mặt thật của “Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc” là thế đó; không phải có để phục vụ hòa bình thế giới mà chỉ phục vụ cho các cường quốc. Thật là mỉa mai và ô nhục.

    kbc

    • lão làng says:

      Kbc đừng buồn vì VN ta là 1 nước nhược tiểu thêm vào đó dân tộc không có được những nhà lãnh đạo kiệt xuất lại thiếu tình thương con người nên đất nước mới như ngày hôm nay .Ta nên trách chúng ta trước tiên chẳng nhẽ Liên sô ,Trung quốc viện cho CS Bắc việt từng cây súng , viên đạn ,từng bịch lương khô để làm cảnh sao chỉ lạ là khi nào ông Hồ và đồ đệ không phát động chiến tranh huynh đệ tương tàn ? Nước nào cũng thế họ viện trợ cho ta đó là tiền của của dân tộc họ đóng góp nên nó phải được sử dụng đúng theo quyền lợi của dân tộc họ, trong chiến tranh thì bao nhiêu nước khác nhờ đó mà phát triển ,giàu có lên trong khi không biết bao nhiêu xương máu và nước mắt chính dân VN đã đổ xuống , nghĩ lại thêm buồn và hối tiếc .Hãy nhìn laị các nước nhỏ hơn VN ta trên thế giới có nước nào phải hy sinh hàng triệu nhân mạng để xây dựng 1 chủ nghĩa không tưởng ? Từ đó chúng ta không nên sống trong ảo tưởng và tự ru ngủ mình “dân tộc VN thông minh , anh hùng , nước thì rừng vàng biển bạc…” hoặc được người nước ngoài tâng bốc mà quên đi cái khiếm khuyết của mình.Hiện nay không ai lo cho dân tộc mà chỉ lo vun vén cho bản thân,gia đình khi có tí quyền trong tay nên mất nước là phải thôi !

Leave a Reply to lão làng