WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (2)

bia btc2Về thể loại của Bên Thắng Cuộc, có hai khía cạnh cần chú ý: phương pháp nghiên cứu và cách trình bày.

Về phương pháp, Huy Đức thu thập tài liệu chủ yếu qua các cuộc phỏng vấn, “hàng ngàn cuộc phỏng vấn”, một phương pháp gắn liền với ngành khẩu sử (oral history), một lối viết thịnh hành ở Tây phương từ khoảng cuối thập niên 1960, và trở thành một ngành học ở các đại học Tây phương từ cuối thế kỷ 20. Khẩu sử khác lịch sử. Khác, trước hết, ở nguồn tài liệu: với lịch sử, chủ yếu là các văn bản viết; với khẩu sử, chủ yếu là các lời kể của những người trong cuộc hoặc chứng nhân được thu thập qua các cuộc phỏng vấn. Khác nữa, ở đối tượng: với lịch sử, đó là các tài liệu lịch sử, nói cách khác, lịch sử là lịch sử trên lịch sử; với khẩu sử, đó là ký ức, hoặc ký ức cá nhân hoặc ký ức tập thể. Khác, cuối cùng, còn ở tính chất, như là hệ quả của hai cái khác ở trên: trong khi văn bản viết là những gì đã được công bố, nghĩa là, thứ nhất, thuộc về công chúng; thứ hai, với những mức độ khác nhau, được xác minh, do đó, được xem là ít nhiều đáng tin cậy; các lời kể trong các cuộc phỏng vấn, ngược lại, gắn liền với từng cá nhân, xuất phát từ kinh nghiệm riêng, chúng có thể bị khúc xạ, bị biến dạng, thậm chí, được “viết lại” theo những thay đổi trong tâm lý của người kể. Nói cách khác, trong khi lịch sử là những gì đã được chọn lọc khá kỹ, khẩu sử thường là những vật liệu thô; trong khi những người viết sử như những người làm việc trong các tiệm kim hoàn, những người viết khẩu sử như những người làm việc với vỉa quặng trong các hầm mỏ.

Tuy nhiên, về bản chất, lịch sử và khẩu sử giống nhau ở khá nhiều điểm. Thứ nhất, chúng đều là những hình thức diễn ngôn về quá khứ (discourse about the past) chứ không phải bản thân quá khứ. Quá khứ là những gì đã qua và đã biến mất. Diễn ngôn về quá khứ là những tự sự được xây dựng để tái tạo lại quá khứ ấy nhằm đáp ứng một nhu cầu trong hiện tại. Thứ hai, là diễn ngôn, cả lịch sử lẫn khẩu sử đều có tính chất chủ quan, hoặc của một người hoặc của một nhóm người. Thứ ba, do tính chất chủ quan ấy, cả lịch sử lẫn khẩu sử đều luôn luôn được viết lại. Mỗi thời đại hoặc mỗi thế hệ đều cảm thấy có nhu cầu tái cấu trúc ký ức và diễn dịch lại quá khứ, do đó, bao giờ cũng tìm cách viết lại những gì các thế hệ đi trước đã viết.
Về cách trình bày, Bên Thắng Cuộc có tính chất báo chí hơn là lịch sử. Có hai điểm khác nhau căn bản giữa báo chí và lịch sử: Thứ nhất, trong khi lịch sử nặng về phân tích, báo chỉ nặng về miêu tả; thứ hai, trong việc sử dụng tài liệu, kể cả tư liệu lấy được từ các cuộc phỏng vấn, yêu cầu cao nhất đối với lịch sử là mức độ khả tín, nghĩa là cần được đối chiếu và xác minh cẩn thận; với báo chí, là tính chất tươi ròng của tài liệu; và vì tính chất tươi ròng ấy, nhiều lúc chưa chắc chúng đã chính xác, hoặc nếu chính xác, chưa chắc đã có ý nghĩa tiêu biểu đủ để phản ánh thực chất của vấn đề.
Nhìn Bên Thắng Cuộc như một tác phẩm báo chí dựa trên phương pháp khẩu sử, chúng ta dễ dàng chấp nhận một số khuyết điểm vốn rất dễ thấy trong cuốn sách.

Thứ nhất, về phương diện cấu trúc, đặc biệt ở tập 2, “Quyền bính”; ở đó, thứ nhất, quan hệ giữa các chương không theo một trật tự logic nào cả; thứ hai, giữa các chương cũng không có sự cân đối cần thiết: có một số chương được viết kỹ và nhiều chi tiết (ví dụ về Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt) hơn hẳn các chương khác (ví dụ về Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh). Lý do khá dễ hiểu: Huy Đức không hoàn toàn làm chủ nguồn tư liệu của mình. Với những người anh tiếp cận được dễ, anh viết sâu; với những người ở xa, anh viết cạn. Vậy thôi.

Thứ hai, về vấn đề tư liệu. Huy Đức phỏng vấn rất nhiều người, nhưng không phải TẤT CẢ mọi người ở mọi phía; hơn nữa, anh chưa tiếp cận được những nguồn tài liệu mật của Bộ Chính trị nên nhiều vấn đề vẫn khiến người đọc hoang mang. Trong số đó, có hai vấn đề lớn nhất: Một, việc cuối năm 1967, Hồ Chí Minh thường xuyên sang Trung Quốc dưỡng bệnh và Võ Nguyên Giáp thì được cử đi Hungary. Nhiều người cho đó là một cách nghi binh nhằm che giấu ý đồ tổng tấn công vào Tết Mậu Thân. Huy Đức, theo lời kể của một số người, cho hai người bị đưa đi “an trí” để Lê Đức Thọ ra tay thâu tóm quyền lực. Cách giải thích như vậy lại làm nảy sinh nhiều vấn đề khác: chẳng hạn, tại sao Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lại tung ra cuộc đấu đá nội bộ ở vào một thời điểm quan trọng, lúc họ cần đoàn kết và tập trung nhất cho một trận chiến quyết liệt như vậy? Hai, Huy Đức cho giới lãnh đạo Việt Nam, trong những năm 1976 và 1977, không đánh giá đúng mức sự thù nghịch của Pol Pot đối với Việt Nam và từ đó, tầm vóc của cuộc chiến tranh chống Việt Nam do Pol Pot phát động, và đầu năm 1979, hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công của Trung Quốc vào biên giới phía Bắc Việt Nam (GP, tr. 76); tuy nhiên, trước đó, anh lại kể, từ cuối năm 1977, trong chuyến thăm Cần Giờ, Lê Duẩn đã trả lời thắc mắc của một số đảng viên trong huyện ủy: “Các đồng chí hỏi đúng vào một tình hình cả nước đang quan tâm. Chúng tôi đau đầu lắm, ngủ không được. Không phải là vấn đề Khmer Đỏ mà là vấn đề ai ở đằng sau Khmer Đỏ, đằng sau Pol Pot. Ta đã đưa đại quân đâu, bọn nó làm sao chống ta nổi, nhưng ta đánh nó, Trung Quốc đánh ta thôi.” (GP, tr. 72-3) Biết thế mà vẫn “bất ngờ” là sao?

Thứ ba, quan trọng nhất, nhiều chương chỉ có tính chất tự sự nhưng lại thiếu hẳn tính chất phân tích, do đó, tuy hấp dẫn, chúng không giải thích được gì cả. Ví dụ, trong tập “Giải phóng”, Huy Đức viết về Lê Duẩn khá dài, nhưng phần lớn đều tập trung vào cuộc sống và tính cách của ông: Ông có hai vợ, một ở miền Bắc và một ở miền Nam; lúc ở miền Nam, ông nổi tiếng về nhiệt tình và năng lực làm việc không biết mệt mỏi, lúc ra miền Bắc, ông lại nổi tiếng là thích nói chuyện lý thuyết, và khi nói chuyện, có thói quen hay ngắt lời người khác. Nhưng có những điểm quan trọng nhất lại không được phân tích: Một, tại sao Hồ Chí Minh lại tin cậy Lê Duẩn đến độ giao ngay cho ông chức Tổng Bí thư ngay sau khi ông mới ra Hà Nội như vậy? Lúc ấy, chung quanh Hồ Chí Minh, ngoài Trường Chinh vốn đã bị mang tiếng sau vụ cải cách ruộng đất, có rất nhiều tay chân thân thiết, kể cả hai người được ông và nhiều người khác yêu mến: Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng? Hai, tại sao, từ miền Nam mới ra Bắc, hầu như hoàn toàn đơn độc, chỉ trong vòng mấy năm, Lê Duẩn đã có thể thao túng toàn bộ guồng máy đảng Cộng sản, lấn át quyền hành của tất cả mọi người, kể cả Hồ Chí Minh, như vậy? Ông sử dụng các biện pháp gì để xây dựng vây cánh và quyền lực một cách nhanh chóng và hiệu quả như vậy? Ba, tại sao một người nổi tiếng quyền biến và, đến lúc chết, vẫn có uy tín rất lớn, không những ở miền Bắc mà còn trên cả thế giới, như Hồ Chí Minh, lại đành nhẫn nhục chịu đựng cảnh bị Lê Duẩn tước đoạt quyền hành mà không hề tìm cách kháng cự như vậy? Đó là những vấn đề giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại không thể không đặt ra.

Những khuyết điểm trên có thể được chấp nhận hoặc bỏ qua nếu chúng ta đọc Bên Thắng Cuộc như một tác phẩm tường thuật về tình hình chính trị của một thời đại. Mang tính báo chí, Bên Thắng Cuộc gần với khẩu sử hơn lịch sử. Tự bản chất, khẩu sử là ký ức. Với ký ức, quan trọng nhất là câu chuyện chứ không phải phân tích. Mà các câu chuyện trong Bên Thắng Cuộc thì không những hấp dẫn mà còn đa dạng vô cùng. Tính chất đa dạng ấy làm cho bức tranh Huy Đức mô tả trở thành đa diện. Nhìn từ góc độ ấy, chúng ta sẽ thấy có khi ngay cả những chi tiết nhí nhắt nhất cũng có thể hữu ích. Ví dụ, lời tâm sự của bà Nguyễn Thụy Nga (trong sách có lúc viết tên lót là Thụy, lúc lại viết là Thị), người “vợ miền Nam” của Lê Duẩn, về chồng bà: “Trong tình yêu anh cũng như con nít” (GP, tr. 117). Câu ấy, tự nó, không tiết lộ được điều gì cả. Thì có người đàn ông nào, trong tình yêu, lại không giống con nít? Nhưng nó vẫn giúp người đọc, khi nhìn lại Lê Duẩn, thấy ở ông, ngoài hình ảnh một nhà lãnh đạo cuồng tín, thủ đoạn và độc đoán, còn có một khía cạnh khác: một con người. Những cách nói năng kiểu “thằng này, thằng nọ” của Nguyễn Văn Linh, cũng vậy, đều tiết lộ một cá tính. Đối với người bình thường, cá tính thường bị loại trừ từ góc độ nghề nghiệp. Nhưng với các chính khách, đặc biệt khi chính khách ấy nắm giữ vai trò lãnh đạo, cá tính lại được chú ý vì nó ảnh hưởng đến chính sách, từ đó, đến đường lối chung, và cũng từ đó nữa, đến cả vận mệnh của đất nước.

Bên Thắng Cuộc hay, rất hay, nhưng cũng giống như mọi cuốn tường thuật hay khẩu sử, nó là một cái gì dở dang. Nó là một khối quặng chưa được tinh chế. Nó cung cấp cho người đọc cả hàng ngàn câu chuyện từ cả mấy trăm người kể khác nhau để người đọc, hoặc các sử gia sau này, so sánh, diễn dịch, phân tích và/hoặc tổng hợp lại để thành một bức tranh hoàn chỉnh hơn.

Ở trên (bài số 1), tôi có viết điều tôi thích nhất ở Bên Thắng Cuộc là tư liệu. Vậy điều kế tiếp? Đó là quan điểm. Một số người ở hải ngoại, chỉ nhìn vào mấy dòng lý lịch trích ngang của Huy Đức, thấy anh đã từng là bộ đội, lại là sĩ quan, đã lên tiếng phê phán và tố cáo anh, dù có khi chưa hề đọc trang nào trong cuốn sách. Đó chỉ là một nhận định vội vã và đầy thành kiến. Trong lời nói đầu tập “Giải phóng”, Huy Đức cho biết cuốn sách của anh là “công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật”. Dĩ nhiên, chúng ta biết, “sự thật” là một khái niệm rất mơ hồ. Và tương đối. Nhưng cách hiểu về cái gọi là “sự thật” ấy của Huy Đức, theo tôi, rất đơn giản nhưng chính xác: Chúng là những gì khác hẳn với “những thông tin được cung cấp bởi nhà trường và bộ máy tuyên truyền” ở Việt Nam. Theo đuổi mục tiêu ấy, không thể nói lúc nào Huy Đức cũng thành công. Đó là điều dễ hiểu. Ai cũng vậy thôi. Có điều tôi cho là đáng khen ngợi nhất ở anh là anh có thiện chí và cố gắng.

Thiện chí và cố gắng ấy thể hiện ngay ở nhan đề cuốn sách: Bên Thắng Cuộc. Tại sao không phải là “thắng trận” hay “chiến thắng” như hai cách nói khác thông dụng hơn? Tôi nghĩ đó là một lựa chọn. “Thắng trận” chỉ thuần về quân sự. Nhưng đề tài Huy Đức muốn trình bày không phải chỉ là quân sự. Còn “chiến thắng”? Trong chữ “chiến thắng”, ngoài ý nghĩa “thắng”, còn có hai nét nghĩa phụ khác, đi kèm, đến từ chữ “chiến”: chính nghĩa và vinh quang. Không ai dùng chữ “chiến thắng” để nói về kẻ đi đánh lén người khác, chẳng hạn. Chữ “thắng cuộc” hoàn toàn không có những hàm ý như thế. Đánh bài: thắng cuộc. Cá cược: thắng cuộc. Dùng chữ “bên thắng cuộc”, Huy Đức, một mặt, tước bỏ các huyền thoại chung quanh từ “chiến thắng” vốn thường được sử dụng, mặt khác, xem chiến tranh, tự bản chất, như một ván bài về quyền lực. Vậy thôi. Trong ván bài, việc thắng thua tuỳ thuộc may rủi chứ không dính dáng gì đến chuyện chính nghĩa hay không chính nghĩa.

Trong tập “Quyền bính”, ở chương “XVII: Tam quyền không phân lập”, khi nói về những sự thay đổi Hiến pháp ở Việt Nam, Huy Đức viết: “Hiến pháp 1992, vì thế, đã không tiếp cận được những mô hình nhà nước tiến bộ để trở thành nền tảng cho Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền.” (QB. 90) Xin lưu ý: chữ “tiến bộ” đằng sau chữ “nhà nước” và đằng trước cụm từ “nhà nước pháp quyền” ở câu trên hoàn toàn trái ngược với cách hiểu về chữ “tiến bộ” mà giới truyền thông Việt Nam thường sử dụng.

Trong giới lãnh đạo Việt Nam, rõ ràng Huy Đức tỏ ra ưu ái đặc biệt với hai người: Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt. Nhưng ngay cả như vậy, ở cả hai, Huy Đức đều nhận thấy những khuyết điểm căn bản của họ: trung thành một cách dại dột. Phê bình như thế, Huy Đức thấy được một vấn đề thuộc về bản chất của chế độ. Bản chất được anh viết trong lời nói đầu tập “Quyền bính”: “Hệ thống chính trị, trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc phục sai lầm.” Nhưng nếu nó không có khả năng tự khắc phục sai lầm thì sao? Ai sẽ đảm nhận trách nhiệm ấy? Câu trả lời nằm trong những điều Huy Đức chưa nói hết: Có thể là bất cứ ai, nhưng chắc chắn là không phải từ “hệ thống”.

Đó chính là lý do chính khiến báo chí trong nước xúm vào đánh cuốn Bên Thắng Cuộc.

Dĩ nhiên, Bên Thắng Cuộc không tránh khỏi khuyết điểm. Chả có cuốn sách nào không có khuyết điểm cả. Vấn đề chỉ là nhiều hay ít. Ở cuốn Bên Thắng Cuộc, theo tôi: Ít. Điều thú vị là, hầu hết các sai lầm của anh đều liên quan đến văn học. Trong chương “XI: Campuchia” của tập “Giải phóng”, anh nhận định: “Cảnh giác với người Trung Hoa là điều đã có từ trong máu người Việt Nam. Nhưng, trong lịch sử nghìn năm kháng cự để tồn tại với ‘thiên triều’, chưa có triều đại nào lại công khai xác định Trung Quốc là ‘kẻ thù truyền kiếp và lâu dài’ trong các văn kiện chính thức như thời Tổng bí thư Lê Duẩn.” (GP, tr. 160). Sai. Huy Đức quên trong Bình Ngô đại cáo (1428) của Nguyễn Trãi có câu này: “Kẻ thế thù đâu thể đội trời chung”  (Niệm thế thù khởi khả cộng đái / 念 世讎 豈 可 共 戴). Thế thù: Kẻ thù truyền kiếp. Trong “chương XII: Cởi trói” của cuốn “Quyền bính”, nhân nhắc đến các dấu mốc lớn trong  lịch sử báo chí Việt Nam, anh viết : “Thơ Mới, cuối thập niên 1930” (QB, tr. 11).  Sai. Thời điểm ra đời của Thơ Mới là đầu chứ không phải cuối thập niên 1930. Trong vòng chưa tới 10 năm, Thơ Mới đã đi hết một chặng đường. Cũng trong chương ấy, anh trích bài “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật như sau: “Khói bom lên trời thành những vòng đen / Và dưới mặt đất sinh ra bao vòng trắng / Tôi với bạn đi trong im lặng / Khăn tang trên đầu như một số không” (QB, tr. 18). Sai nhiều chỗ. Nguyên văn bài thơ ấy là:

Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.

Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.

Ngay cả mấy câu thơ của Nguyễn Duy được trích làm đề từ cho cuốn sách cũng sai:

Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh
Bên nào thắng thì nhân dân đều bại.

Nguyên văn của Nguyễn Duy như sau:

Ta mặc niệm trước Angkor đổ nát
đá cũng tàn hoang huống chi là kiếp người

Đá ơi
xin tạc lại đây lời cầu chúc hoà bình!

Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…

(In trong tập Quà tặng, nxb Văn Học, 1990, tr. 78)

“Nghĩ” khác với “suy”, “mọi” khác với “mỗi”, và “phe” khác với “bên”.

Cũng như “bên thắng cuộc” khác với “bên chiến thắng”.

Một điều cuối cùng: Không ít người cho chọn cách tiếp cận từ phía những người thắng cuộc như Huy Đức là một chọn lựa đầy thiên vị, từ đó, bức tranh anh muốn phác họa sẽ bị lệch lạc theo. Theo tôi, không đúng. Thứ nhất, trong mọi lịch sử, những người “thắng cuộc” – xưa là vua chúa, sau này, giới cầm quyền – bao giờ cũng nằm ở vị trí trung tâm, cần được nghiên cứu nhất, bởi chính họ, một cách tích cực hay tiêu cực, quyết định diện mạo của một thời đại và số phận của một dân tộc. Thứ hai, vấn đề không phải lệch lạc hay không. Vấn đề chỉ là ở mức độ. Không có một cuốn sách nào, kể cả lịch sử, chính xác hoàn toàn. Thậm chí, các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa còn hoài nghi cái gọi là lịch sử nói chung: Họ xem lịch sử như một biểu hiện của đại tự sự (grand narrative), một tham vọng đạt đến cái nhìn bao quát toàn bộ sự thật và thực tại: Với họ, đó là điều bất khả. Hơn nữa, họ xem lịch sử bao giờ cũng gắn liền với một quan điểm và một góc nhìn nhất định: lịch sử (history) là chuyện của ông-ấy, của một gã nào đó (his-story). Chứ không có một lịch sử chung nhất cho mọi người.

Bên Thắng Cuộc là một tác phẩm hay nhưng dĩ nhiên, như mọi cuốn sách khác, không hoàn hảo. Cái không hoàn hảo ấy cần được hoàn thiện dần dần. Bằng những tác phẩm khác. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Và càng không đáng phản đối.

© Nguyễn Hưng Quốc – VOA 
***
Kỳ tới: Chân dung “bên thắng cuộc”
Chú thích: Số trang trong phần chú thích ghi theo bản “Smashworlds Edition” của  Bên Thắng Cuộc.

 

15 Phản hồi cho “Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (2)”

  1. tiannyt. says:

    Bên thắngcuôc (chơi) của người Bên thắng cuôc viết qua nhửng phóng vấn tài liệu với nhửng nhân vật bên tháng cuộc và một số tay sai phản chiến nằm vùng ,vây tài liệu này ,khôngmthể gọi là sửkỳ.mà làngười thắng cuôc viết cho người thắng cuôc xem. Nếu có láo ,sai sự thực hay chỉ nói được một phấn nhỏ sự thực ,hay một ít lổi lầm sai trái của bên thắng cuôc thì coi như là kiểm điểm ,tự phê,tự giác…
    Bên thắng cuôc ,mà tại sao không gọi là bên chiến thắng ,hay bên thắng trân ?…Như nhiều trí thức khen cuón sách ,khen cái tựa tác giả chọn rất “tâmlý”,tác giả coi như cuộc chiếntranh của 2 phe đánh nhaunhư môt cuôc chơi (game).có thắng có thua.,nhưng đả lách như vậy thì sao gọi được là viết chân thành.không thiếu sót ,không thiên kiến ? Hơn nửa người thắng cuôc viết cho người thắng cuộc xem như vậy có chân thật với mình,chân thật với nhửng gì mình viết ra? Hơn nửa kẻ cho tài liệu toàn là thuôc “phe ta ?”
    Có nhiều trí thức chưa kinh qua cuôc chiến ,chưa thấy được cái dả man của kẻ chiến thắng ,nên coi như đây là sử ,đánh bóng tác già,cuốn sách.quảng cáo không công cho HĐ coi như ta đứng trên ,đứng ngoài .nhìn sự việc môt cách bàng quang ,có chút rông lương,có chút kẻ cả.
    Có người,như ÁnhĐức/ÁnhTuết (TLan ?)trên tờ vnnb thì phê bình không nhắm vào cuốn sách ,sự kiện bày trải trong đó mà chỉa mủi dùi vào tác giả ,xỉ tìxỉ tướng về nhân dáng ,về nhửng gi HĐ ,cấu kết kimhạnh,mánh mung làm giàu “đểu”…thì như vậy là phê bình sách hay đánh phá tác giả?Và nhửng người này là ai mà biết rỏ dử vậy nếu không lấy tài liệu từ CA Hànội?
    Cho nên việc cuốn sách đả in ,đả bán ,đả làm ồn lên trên DĐbáo chí hảngoại (và cả trong nước) nay nên cho nnó “lui vào dỉ vảng ” vì như vậy đả đủ rồi ,Người thích đả dọc ,kẻ không thích không mua , NHƯNG củng đả nghe đủ luống dư luận khen chê,thương ghét ,phục và bất phục HĐ và cuốn sách rồi..
    Cho nên ,cho một dấu chấm hết (./.) ở đây là vừa….
    (Taíliệu:ngoài du học sinh ,laođông ,còn có 10,000 cán bộ nhà nước làm công tác “dân vận “ở các nước có người TNCS. Có một số nhỏ đả ‘diển biến hoà bình,không làm hay làm một cách miển cưởng .
    Vây chúng ta,người TNCS, chỉ còn cảnh giác cao độ,kể cả nhửng trí thức (phe ta) mà thôi !)

  2. Ben thua cuoc says:

    “Bên thắng cuộc” nay đã chìm vào quên lãng sau một thời gian được thổi phồng ví như quả bóng thổi to quá nó nổ mẹ nó rồi.
    Người buôn Mộng chê cuốn sách và nói tiếc vì phí tiền (20 đô la) mua sách nhưng lại khen bài viết của ông Ng hưng Quốc (ca ngợi cuốn sách) la` hay
    Chẳng ai hiểu người buôn Mộng muốn nói gì như dưới đây

    1. Người Buôn Mộng says:
    13/02/2013 at 13:08
    Cám ơn tác giả Nguyễn Hưng Quốc đã tốn công viết một bài điểm sách thật xúc tích.
    Vì chưa đọc cuốn sách, nhờ đã đọc bài này, tôi cũng đã được biết rất nhiều điều muốn biết về cuốn sách cũng như so sánh các loại sử; Và sẽ tìm mua cuốn sách này để đọc lại kỹ càng hơn.
    Reply
    o Người Buôn Mộng says:
    26/03/2013 at 10:17
    Sau khi đọc xong Tập 1 của cuốn Bên Thắng Cuộc, tôi thấy thất vọng, và đã tiêu phí 20 Mỹ kim tiền mua sách.
    Cho những ai chưa mua sách, tôi xin đề nghị “Đừng!”; Chỉ đọc 2 bài điểm sách của Nguyễn Hưng Quốc là đủ rồi!

  3. nguoimiennam says:

    Có những cuốn sách được rất nhiều người nói tới nhưng chẳng có ai đọc cả thí dụ cuốn Tư Bản Luận (Capitalism) của Marx-Engels, viết trong 40 năm, lý do nó quá dài và khó hiểu, Bên Tháng Cuộc cũng gần giống Tư Bản Luận ở điểm này
    Sự thực Bên Thắng Cuộc là một cuốn sách viết rất công phu nhưng hay thì cũng chưa hẳn, nó quá dài và chứa quá nhiều vấn đề, rất luộm thuộm và khó hiểu.
    Ai thích thì đọc, không thích thì tìm sách khác thế thôi, những người không thich thường là không đọc, hoặc chỉ đọc một số trang nhưng họ nói thẳng là không đọc, trái lại những người viết bài khen BTC hay thì hầu hết chưa đọc nhưng cũng gân cổ lên khen lấy khen để ra điều ta đã đọc.
    Người đọc chỉ xem sơ những bài khen BTC cũng dư biết là tác giả chưa đọc vì những nhận xét có tính cò mồi rõ rệt, không hề thấy nêu một chi tiết nào của cuốn Bên tháng cuộc
    Chưa đọc mà nhận là đã đọc tức là thiếu lương thiện, gian trá, chỉ là trò lưu manh văn nghệ
    NMN

  4. tran trong linh says:

    Chao anh.Em la Tran Trong Linh mot nghesy tao hinh song tai phap.Ngay 07.02 tuan truoc em co ve viet naM du dinh an tet cung gia dinh va ket hop trien lam nhung den san bay Tan Son Nhat thi duoc biet em bi cam nhap canh vi ly do em gay hai den an ninh quoc gia.Nam ngoai em co ve viet nam lam mot trien lam o trung tam van hoa phap trien lam “thuong thuyet”_cong hoa phi ly.Chinh vi ly do nay em bi cam nhap canh.Ve lai phap em doc lai nhung bai viet cua anh, em rat muon gap anh de chia se nhieu dieu.Neu anh doc duoc tin nay cua em xin anh lien he voi em qua mail:linhtrongtran79@gmail.com hiac qua Skype:vietnamsophie.em cam on va hen som gap duoc anh.Linh.

  5. Võ Trang says:

    Lời bình này chỉ viết về bài viết này của ông Nguyễn Hưng Quốc, không phải cho tác phẩm Bên Thắng Cuộc.

    Ông Nguyễn Hưng Quốc thật sự muốn nói gì khi ông phân biệt giữa lịch sử và khẩu sử?. Lịch sử là lịch sử. Ghi lại lịch sử bằng những văn bản, tài liệu là nhiệm vụ của những sử gia. Những tài liệu này có thể là từ giấy trắng mực đen, từ những con số cụ thể đếm được như con số nạn nhân bị CS chôn sống tại Huế trong trận tổng tấn công của CSBV trong tết Mậu Thân là 5,200 người hay từ lời tự thuật (qua phỏng vấn) mà ông gọi là khẩu sử như lời tự thuật của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường về tội ác của Mỹ Nguỵ như khi trong đêm tối ông ấy đã dẵm lên những xác chết nhầy nhụa vì bom đạn… Một người viết sử chân chánh là một người dám nói sự thật dù cho “đầu có phải rơi”. Còn chuyện họ có bóp méo lịch sử hay không thì đó là tư cách, là trách nhiệm của họ. Không phải vì họ mà lịch sử có thể thay đổi.

    Nếu dựa trên giấy trắng mực đen vẫn còn là những hoài nghi thì dựa trên những ghi chép lại của những khẩu tự đáng được tin bao nhiêu phần? – nhất là khi những khẩu tự đó được phát ra từ những con người của một chế độ mà chính những vị lãnh đạo tối cao của những chế độ xã hội như thế đã phải đau buồn mà nói rằng đó là những chế độ chỉ biết dạy cho con người nói láo (đến tận đáy)? Chỉ đi gom góp những những lời tự thuật qua hàng ngàn cuộc phỏng vấn không phải là viết sử. Người làm công việc này vì thế cũng không phải là một sử gia. Vì thế có lẻ như ông Nguyễn Hưng Quốc có nói Bên Thắng Cuộc chỉ là một tác phẩm có tính tường thuật, báo chí như chính background của tác giả?.

    Với 20 năm thu thập dữ kiện từ phía của bên thắng cuộc, dĩ nhiên những tư liệu trong Bên Thắng Cuộc sẽ “sung túc”, sâu xa, tình tiết trong cái hiểu biết của bên thua cuộc về phía hậu trường của “bên thắng cuộc” mà thật ra không có gì để ông Nguyễn Hưng Quốc phải ngạc nhiên cả?.

    Nếu quả thật ông Huy Đức đã ngụ ý cả một cuộc chiến tranh “giải phóng” miền nam vừa qua chỉ là một “cuộc” chơi thì đây quả là một bước nhảy vọt trong cách mạng tư duy của một người miền Bắc.
    Là một người thua cuộc miền Nam và đang mong mỏi đóng góp cho công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, điều tôi quan tâm không phải là những tình tiết trong tác phẩm này mà từ một câu hỏi cơ bản nhất : tác phẩn này đóng góp được gì trong trong công cuộc đấu tranh hôm nay? – bởi vì tôi sẽ không đọc tác phẩm này để phân tích như một học giả!

  6. vohoan says:

    Một bài phân tích hay.! Cám ơn TS Nguyển Hưng Quốc

  7. noileo says:

    ó thể nói, trong những bài viết về cuốn sách BTC, thì những bài như bài này của NGUyễn Hưng Quóc, và của NGUyễn Văn Lục, là xứng đáng gọi là “điểm sách”, là đáng đọc hơn cả.

    Những bài kia, đại loại như những bài của Tiêu Dao Bảo Cự, của Vũ Ánh, của Trần Bình Nam, của NGuyễn NGọc Giao…, hầu hết chứa đựng những lời lẽ hổ lốn, dựa vào BTC để nói về cái tôi, để diễn trò hòa giải đểu, để dậu đổ bìm leo, bịa đặt & bôi nhọ VNCH…

  8. nguoihaingoai says:

    Tôi đã rang’ dọc hết cả hai cuốn Bên Thắng Cuộc vì thấy nó được nói tới nhiều quá, nói chung cũng không hay gì lắm.
    Tôi cũng ráng đọc hết hai bài của tác giả Ng Hưng Quốc viết về Bên Thắng cuộc, ông NHQuốc khen hay nhưng cũng không thấy ông NHQ chứng tỏ được nó hay ở chỗ nào
    Tôi cũng không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ ông NHQ đã đọc hết cả hai cuốn BTC
    Tác giả Huy Đức nói đã phỏng vấn hàng trăm ông lớn CSVN nhưng trong sách của ông không thấy ông chứng tỏ đã phỏng vấn ai, tại đâu, chi tiết phỏng vấn ra sao….
    NHN

  9. kbc3505 says:

    Nếu bỏ qua khía cạnh chính trị, “Bên Thắng Cuộc” là một cuốn sách nên đọc như nhiều người lên tiếng, nhất là giới trẻ sinh ra sau chiến tranh, hoàn toàn không biết, hay chỉ biết phần nào như tác giả qua lời kể lại của những người đã thấy, biết, hay chứng kiến, và mặc dù vẫn còn nhiều sai sót vì chưa viết đủ hết sự thật. Chưa biết những sai sót đó vì không biết hay vì mục đích nào khác?

    Huy đức, trách hay nên khen? Ông chưa từng chứng kiến với những gì ông viết ra mà ông chỉ biết qua sách báo, tài liệu, cũng như qua lời kể của những lãnh đạo “bên thắng cuộc”. Ông đánh giá sự thật và đầy đủ bao nhiêu phần trăm trước khi viết ra? Chẳng lẽ ông tin ở lãnh đạo cộng sản vậy sao? Có lẽ! Vì không tin ông đã không gia nhập đảng.

    Như đã nói, ngoài khía cạnh chính trị, cuốn sách ông viết xứng đáng được khen vì thời gian và công lao ông đã miệt mài ấp ủ; nhưng nó vẫn chưa đủ để người Việt tị nạn cộng sản, những nạn nhân trực tiếp của chế độ, đón nhận, vì ông vẫn chưa lên án hết những tội ác mà đảng cộng sản đã gây ra cho quê hương đất nước.

    kbc

  10. Người Buôn Mộng says:

    Cám ơn tác giả Nguyễn Hưng Quốc đã tốn công viết một bài điểm sách thật xúc tích.

    Vì chưa đọc cuốn sách, nhờ đã đọc bài này, tôi cũng đã được biết rất nhiều điều muốn biết về cuốn sách cũng như so sánh các loại sử; Và sẽ tìm mua cuốn sách này để đọc lại kỹ càng hơn.

    • Người Buôn Mộng says:

      Sau khi đọc xong Tập 1 của cuốn Bên Thắng Cuộc, tôi thấy thất vọng, và đã tiêu phí 20 Mỹ kim tiền mua sách.

      Cho những ai chưa mua sách, tôi xin đề nghị “Đừng!”; Chỉ đọc 2 bài điểm sách của Nguyễn Hưng Quốc là đủ rồi!

Leave a Reply to tran trong linh