WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hiến pháp CHXHCN Việt Nam: một vài đối chiếu

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Hiện giờ, Quốc hội nước ta đang lấy ý kiến của nhân dân về bản dự thảo Hiến pháp năm 1992 ( sửa đổi 2013). Sau khi đọc kỹ bản dự thảo ấy và nhận thấy về nhiều mặt nó chưa đáp ứng ý nguyện của cá nhân tôi cũng như của rất nhiều công dân khác của nước ta, tôi đã ký tên vào bản “ Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992” gồm 7 điểm, hiện đang được công luận hưởng ứng. Tôi cũng đã tìm hiểu bản “ Dự thảo Hiến pháp 2013” do một số chuyên gia luật trong nước soạn thảo và thấy đây là một trong những dự thảo hiến pháp “dân lập” đáng được bàn thảo rộng rãi. Nhằm cung cấp thêm tư liệu cho cuộc thảo luận tối cần thiết ấy, theo gợi ý của một vài bạn bè, tôi viết bài này đưa ra vài đối chiếu các bản Hiến pháp nước ta với các bản Hiến pháp của hai nước xã hội chủ nghĩa đàn anh ảnh hưởng nhiều đến lịch sử hiện đại của nước ta: Liên Xô xưa kia và Trung Quốc ngày nay. Xin trình bày theo thứ tự 7 điểm kiến nghị tôi đã ký tên.

1. Về Lời nói đầu và Điều 4 của Chương I

Như mọi người đều biết, Hiến pháp của từng quốc gia có thể có hoặc không có Lời nói đầu. Thí dụ, Hiến pháp Liên Xô ( LBCHXHCNXV) có hiệu lực từ 1936 tới 1977 không có Lời nói đầu mà không ai cho đó là một thiếu sót. Vấn đề ở chỗ Lời nói đầu trong Hiến pháp có cần thiết hay không và có tính thuyết phục hay không của sự thật và công lý, có tính chuẩn xác hay không của văn bản luật gốc của Nhà nước pháp quyền (các Nhà nước chuyên quyền không cần đến Hiến pháp!). Về nhiều phương diện, Hiến pháp là chân dung tự hoạ của một quốc gia, một dân tộc, để cho không chỉ người dân quốc, mà cả thế giới xem ngắm và đánh giá. Hiến pháp hiện hành của CHND Trung Hoa rõ ràng còn xa mới hoàn hảo, nhưng những lời mở đầu ở đấy gây ấn tượng: “Trung Quốc là một trong những nước có lịch sử lâu đời nhất thế giới. Nhân dân tất cả các dân tộc Trung Hoa bằng những nỗ lực chung đã kiến tạo nên một nền văn minh rực rỡ và có truyền thống cách mạng vẻ vang” (1). Xác thực, chặt chẽ, khó phủ nhận.

Nhưng khi ta đọc trong Lời mở đầu Hiến pháp hiện hành của ta: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc lên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”, thì trong óc ta lập tức nổi lên một loạt câu hỏi: có thể viết một cách khác không, đoạn văn này có nêu bật được những gì là đặc điểm đặc thù của nước ta, dân tộc ta hay là những gì ta khẳng định về mình, người các nước khác cũng có thể nói như thế về nước họ, dân tộc họ? Trên trái đất này, có dân tộc nào, nhân dân nào mà lại không lao động cần cù, sáng tạo, không xả thân chống ngoại xâm, không xây dựng nên nền văn hoá mà trong đó đoàn kết và nhân nghĩa được coi trọng? Khoe làm gì những cái mà ai ai, hoặc đại đa số, đều có? Thêm nữa: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử”. Nếu có ai hỏi chúng ta: thế các vị có chính xác mấy nghìn năm lịch sử? thì chúng ta sẽ không trả lời được, vì khoa học chưa xác định được chính xác tuổi của lịch sử nước ta (lịch sử, chứ không phải tính cả cận sử và tiền sử !) Thế thì tại sao lại không viết một cách giản dị, khó bắt bẻ: “Trải qua nhiều thế kỷ lịch sử”. Viết thế sẽ không oai? Nhưng trong luật pháp giữa cái có vẻ oai với cái không thể bắt bẻ dứt khoát phải chọn cái thứ hai.

Chúng tôi mới thử “bắt bẻ” một mệnh đề trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đang lấy ý kiến của dân. Mặc dù sự chẻ từng câu từng chữ như thế là hết sức cần thiết cho các văn bản luật pháp, xin dừng lại ở đây để đi vào thực chất những vấn đề cần bàn thảo.

Cái đã nhiều năm gây sự không đồng tình của công luận nước ta không phải là việc Hiến pháp hiện hành trong Lời nói đầu ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ giành độc lập và thống nhất đất nước – đây là một thực tại lịch sử không thể phủ nhận. Nhưng sau gần bốn thập kỷ xây dựng hoà bình với quá nhiều kết quả hai mặt, quá nhiều vấn đề hóc búa đang nổi cộm, với những nguy hoạ đang đe doạ vận mệnh của đất nước đòi hỏi tập hợp trên nguyên tắc bình đẳng tất cả mọi lực lượng xã hội để cùng nhau giải quyết, khắc phục và ngăn ngừa mà Hiến pháp vẫn một mực quy định vị trí lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chia xẻ với ai của một chính đảng thì là điều cần tranh luận đến cùng cho ngã ngũ phải trái. Ở đây, khía cạnh vấn đề chúng tôi quan tâm đặc biệt là: Điều 4 Chương 1 trong Hiến pháp hiện nay của ta là sản phẩm quốc nội hay du nhập từ đâu đó, nếu du nhập thì nó có mâu thuẫn hay không với nguyên tắc chủ quyền của nhân dân và có phù hợp hay không với những điều kiện lịch sử cụ thể của nước nhà? Không khó trả lời: đây là sự học tập thiếu sáng tạo, thiếu cân nhắc Điều 6 của Hiến pháp LBCHXHCNXV năm 1977. Điều luật này quy định: “Đảng CSLX là lực lượng lãnh đạo và hướng dẫn xã hội Xô viết, là hạt nhân hệ thống chính trị của xã hội ấy, của các tổ chức Nhà nước và xã hội [...]. Được trang bị bằng học thuyết Mác – Lênin, Đảng CS quyết định phương hướng chung phát triển xã hội, đường lối của chính sách đối nội và đối ngoại của LBCHXHCNXV…”

Điều hiến định này, không có trong ba bản Hiến pháp Xô viết trước đó, quả là một “sáng tạo” của giới lãnh đạo Liên Xô những năm 60 – 70 thế kỷ trước, đứng đầu là ngài Brezhnev – một nguyên thủ tài trí thua xa những người tiền nhiệm. Hai Hiến pháp thời Lênin (ông là một luật gia có bằng!) không nói gì về Đảng Cộng sản mà chỉ quy định chủ quyền của nhân dân lao động mà đại diện là các Xô viết. Điều này dễ hiểu: thời ấy, còn hoạt động một số chính đảng không đối lập với chính quyền Xô viết. Ngay sang thời Stalin – lãnh tụ độc tôn của một đảng độc tôn – Hiến pháp 1936 (có hiệu lực đến tận 1977) trong điều 126 (!) vẫn nói một cách khá thận trọng, mềm mại: “[...] Các công dân LBCHXHXV được bảo đảm quyền tập hợp thành các tổ chức xã hội: các công đoàn, tập đoàn hợp tác, các tổ chức thanh niên, thể thao và quốc phòng, các hiệp hội văn hoá, kỹ thuật và khoa học, còn những công dân tích cực và giác ngộ nhất từ hàng ngũ giai cấp công nhân, nông dân lao động và trí thức lao động thì tự nguyện hợp thành Đảng CS Liên Xô là đội tiên phong của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh nhằm xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, và là hạt nhân lãnh đạo (chúng tôi nhấn – PVC) của tất cả tổ chức của nhân dân lao động, cả các tổ chức xã hội lẫn Nhà nước”. Dẫu sao thì xã hội vẫn đi trước, Nhà nước đi sau, không mâu thuẫn với tư duy pháp quyền của thế giới văn minh! Vào thời hoàng kim của hữu nghị Việt – Xô, chúng ta đã noi gương quá trớn ông anh cả. Vừa mới thu về một mối giang sơn dưới danh nghĩa nào của Mặt trận Dân tộc giải phóng, nào của Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình…, trong lúc còn tồn tại sờ sờ hai đảng Dân chủ và Xã hội đã có công không nhỏ trong sự nghiệp chung mà các nhà lập hiến của ta đã vội vàng không rào trước đón sau ghi vào Hiến pháp 1980: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”. Tuyên cáo sắt đá như thế mà không buồn tham khảo Hiến pháp của ông anh hai, lúc ấy thù địch với ta đấy, nhưng vẫn chung một hệ thống chính trị – xã hội thoát thai từ cách mạng dân chủ nhân dân. Trong khi đó thì ông anh này rõ ràng tỏ ra cẩn trọng và biết điều hơn ông cả (vì thế mà trường thọ nhiều hơn!)

Luật cơ bản của CHND Trung Hoa trước kia cũng như hiện nay chỉ khẳng định vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản trong khuôn khổ Mặt trận thống nhất dân chủ nhân dân bao gồm nhiều chính đảng và tổ chức quần chúng. Lời nói đầu của Hiến pháp 1954 nêu rõ: “Trong cuộc đấu tranh vĩ đại nhằm thành lập nước CHND Trung Hoa, nhân dân nước ta đã thành lập từ các giai cấp dân chủ, các đảng và đoàn thể dân chủ và các tổ chức nhân dân một Mặt trận thống nhất dân chủ nhân dân rộng rãi, đứng đầu là Đảng CSTQ. MTTNDCND ở nước ta sẽ tiếp tục đóng vai trò của mình trong sự động viên và đoàn kết nhân dân cả nước nhằm thực hiện những nhiệm vụ cơ bản của thời kỳ quá độ”. Các đảng dân chủ nói trên (tất cả có tám, trong đó có phái tả của Quốc dân Đảng) ngay trong những năm hỗn loạn nhất của “cách mạng văn hoá” vẫn không bị giải tán, còn từ 1978 thì trở lại hoạt động ngày một năng nổ, được pháp luật bảo vệ và khuyến khích. Xin dẫn một đoạn khá dài từ Lời nói đầu Hiến pháp 1982 của TQ (với nhiều tu chính sau này, lần cuối cùng vào 2004):

“Trong sự nghiệp xây dựng CNXH cần phải dựa vào công nhân, nông dân và trí thức, đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết. Trong quá trình cách mạng và xây dựng đất nước lâu dài dưới sự lãnh đạo của Đảng CSTQ đã hình thành một Mặt trận yêu nước thống nhất rộng rãi của các đảng dân chủ và các tổ chức nhân dân khác nhau, tập hợp tất cả những người lao động XHCN, những người tổ chức sự nghiệp CNXH, những người yêu nước ủng hộ CNXH và những người yêu nước ủng hộ thống nhất Tổ quốc. Mặt trận thống nhất ấy sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển. Hội nghị nhân dân chính trị hiệp thương Trung Quốc (HNNDCTHT) – một tổ chức rộng rãi đại diện cho MTTN – trong quá khứ đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị và xã hội ( chúng tôi nhấn – PVC) trong các quan hệ hữu nghị đối ngoại, trong cuộc phấn đấu thực hiện hiện đại hoá XHCN, bảo vệ sự thống nhất và đoàn kết của cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng CSTQ hệ thống hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị ấy sẽ tồn tại và phát triển lâu dài” (chúng tôi nhấn – PVC.) Câu cuối cùng trong đoạn vừa dẫn được đưa vào Hiến pháp TQ năm 1993. Sẽ là không thừa khi nhớ lại rằng vài năm trước đó ở nước ta, Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội đã tuyên bố giải thể vì sự không cần thiết nữa. Trong Hiến pháp Trung Quốc 1954 cũng như 1982 không hề có một điều khoản nào quy định vị trí một mình lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng CSTQ.

Hơi khác ta phải không và khác cả ông anh cả đã qua đời chỉ mười bốn năm sau khi ban hành bằng Hiến pháp quyền độc trị của một chính đảng?

“Mọi quyền lực đều nguy hiểm, quyền lực tuyệt đối nguy hiểm tuyệt đối”, không biết nhà cầm quyền TQ có thấm nhuần chân lý cổ xưa này không, nhưng trong lập hiến thì họ không áp đặt chế độ độc đảng, trong thực tiễn thì họ tỏ ra biết tập hợp quanh mình nhiều phần tử tinh hoa dân tộc, có khả năng đóng góp đắc lực cho phát triển đất nước, nhờ đó mà Trung Quốc ngày nay đã trở thành một cường quốc (và sắp trở thành một siêu cường) cả thế giới phải nể sợ.

Báo chí quốc tế cùng với giới Trung Hoa học xác nhận: ở Trung Quốc, ít nhất trong ba thập kỷ gần đây, HNNDCTHT không phải là tổ chức hữu danh vô thực và các đảng dân chủ ở đây cũng không phải là những cây cảnh thuần tuý. Thua xa Đảng CS về số lượng đảng viên, các chính đảng này, tập hợp chủ yếu các giới kinh doanh, trí thức, nhân sĩ, đang đóng vai trò thấy được trong đời sống của nước này. Theo một tài liệu rất mới và đáng tin cậy của Nga – bộ “Bách khoa thư văn minh Trung Hoa” – các đảng dân chủ ở nước này không chỉ giữ số ghế đáng kể trong các cơ quan quyền lực Nhà nước, mà một đại diện của họ gần đây, thời Giang Trạch Dân, trong một nhiệm kỳ trọn vẹn đã đảm nhiệm chức Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, còn trong Viện Hàn lâm khoa học TQ hiện nay thì quá một nửa viện sĩ chính thức là đảng viên các đảng dân chủ và như vậy, trong các hoạt động chính trị – xã hội, họ phát ngôn thay mặt các chính đảng của mình. Để so sánh, ở Liên bang Xô Viết xưa kia, trong Viện Hàn lâm khoa học cũng có nhiều Viện sĩ không là đảng viên ĐCSLX, nhưng họ chỉ là những công dân ngoài đảng, không đại diện cho ai hết ngoài cá nhân mình. Thành thử khi một nhà bác học vĩ đại như A.S. Sakharov, tuyệt không thù địch với CNXH mà chỉ mong muốn cho nó có được bộ mặt con người, lên tiếng đòi thực hiện nghiêm chỉnh những quyền con người mà Nhà nước Xô viết đã chính thức công nhận, thì ông lập tức bị nhà đương cục cô lập, không cho làm khoa học, lưu đày nhiều năm mà không một lực lượng xã hội nào cất tiếng nói bênh vực ông. Một trí thức lớn khác – nhà văn A.I. Solzhenitsyn – còn bị đối xử tồi tệ hơn, bị tước quốc tịch và trục xuất ra nước ngoài, để rồi khi thời cuộc đối thay cả hai người đều trở thành niềm tự hào của dân tộc Nga.

Bằng ấy minh chứng từ hai nước XHCN lớn nhất, thiết nghĩ là đủ để cùng với những chứng cứ rút từ thực tại nước ta, yêu cầu nhất thiết phải xét lại một cách cơ bản Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành vì sự sinh tồn và phát triển vững mạnh của đất nước. Đảng CSVN sẽ chỉ có lợi nếu chối từ vị trí độc tôn, thiết lập hệ thống hợp tác và kiểm soát lẫn nhau với các tổ chức chính trị xã hội cùng một tôn chỉ. Theo thiển kiến của tôi, một việc có thể làm ngay là để cho hai đảng Dân chủ và Xã hội hoạt động trở lại. Danh chính ngôn thuận thì họ mới chỉ tuyên bố ngừng hoạt động, chứ đã giải thể đâu? Còn trong Hiến pháp sửa đổi thì cần thừa nhận một cách vô điều kiện, cùng với các quyền con người khác, quyền của mọi công dân được lập hội. Học tập nước anh em vĩ đại liền núi, liền sông, trong Lời nói đầu của Hiến pháp có thể xác định vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam trong khuôn khổ Mặt trận yêu nước thống nhất, với nhiều tổ chức chính trị hợp tác và kiểm soát nhau. Chỉ có như thế thì mới thực hiện được quyền của nhân dân giám sát hoạt động của Đảng CS mà Dự thảo hiến pháp sửa đổi hứa hẹn.

2. Về quyền con người và các quyền và nghĩa vụ công dân

Pháp quyền khác với Pháp luật ở tính công bằng tuyệt đối của nó, còn tính công bằng ấy thì toát ra từ sự thừa nhận vô điều kiện những quyền tự nhiên, không thể tước bỏ của mọi con người trên hành tinh này. Những quyền con người ấy được đúc kết trong Tuyên bố nhân quyền 1948 của Liên Hợp Quốc – một thành quả ngời sáng của văn minh loài người. Hàng chục quốc gia trong thế giới ngày nay lấy sự bảo đảm quyền con người làm mục đích cho những hoạt động lập hiến và lập pháp của mình. Hiến pháp Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946, ra đời trước Tuyên ngôn nói trên, lại thấm nhuần tinh thần của nó, hơn hẳn Hiến pháp LBCHXHCNXV cả 1936 lẫn 1977. Quả thật, trong khi Hiến pháp 1946 của ta công nhận một cách vô điều kiện những quyền cơ bản của con người như tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài (Điều 10), thì Hiến pháp Liên Xô có hiệu lực từ 1936 đến 1977 chỉ bảo đảm 4 quyền tự do: ngôn luận, xuất bản – báo chí, hội họp và mít tinh, diễu hành và biểu tình với điều kiện chúng phải “đáp ứng hợp với lợi ích của nhân dân lao động và mục đích củng cố chế độ XHCN” (điều 125), còn tự do tín ngưỡng thì được quy định cùng với “tự do tuyên truyền chống tôn giáo” (điều 124), có nghĩa là các công dân được theo tôn giáo này hay tôn giáo kia nhưng không được quyền tuyên truyền cho tôn giáo của mình, còn Nhà nước thì tha hồ phỉ báng, xuyên tạc, bài trừ tôn giáo. Điều 50 và 52 của Hiến pháp LBCHXHCN 1977 lặp lại điều 124 và 125 của Hiến pháp 1936. Điều 51 công nhận quyền các công dân “hợp thành các tổ chức xã hội” nhưng lại với điều kiện phải “phù hợp với những mục đích xây dựng CSCN”. Tự do sáng tạo khoa học, công nghệ và nghệ thuật cũng được bảo đảm nếu “phù hợp với mục đích xây dựng CSCN”. Rốt cuộc các công dân Xô viết thực chất không được hưởng một quyền dự do nào tương xứng với phẩm giá con người chứ không phải vật nuôi của họ! Tất cả đều bị đặt dưới mục đích duy trì chế độ chính trị – xã hội hiện hữu.

Đáng tiếc, Hiến pháp CHXHCN Việt Nam 1980 (điều 67-68) đã học tập những thủ đoạn mở ra rồi khép lại của hai nước đàn anh để hạn chế gắt gao quyền cơ bản của con người bằng những điều kiện mập mờ và võ đoán: “Phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân”,“Không ai được lợi dụng  các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhân dân”, “Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi hiện nay (Điều 25-26) về thực chất vẫn giữ nguyên các quy định của Hiến pháp 1980.

Các quyền và nghĩa vụ công dân ghi trong Hiến pháp 1980 của ta về thực chất không thay đổi cho đến nay, cũng là bước thụt lùi so với Hiến pháp 1946. Nếu nói riêng về các nghĩa vụ thì Điều 4-5 Hiến pháp VNDCCH 1946 chỉ quy định: “Mỗi công dân Việt Nam phải: bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật, đi lính” (theo ngôn ngữ hiện nay là thực hiện nghĩa vụ quân sự). Rõ ràng, ngắn gọn và đầy đủ. Trong khi ấy thì Dự thảo Hiến pháp sửa đổi hiện nay chứa đựng một loạt quy định không có nội dung chặt chẽ, tạo điều kiện cho nhà chức trách vi phạm quyền con người. Thí dụ: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”. Khái niệm “Trung thành với Tổ quốc” có hàm nghĩa quá rộng và thuộc về lĩnh vực đạo đức nhiều hơn là pháp quyền. Còn những hành vi nào là phản bội Tổ quốc? Không hề xác định. Về điểm này thì luật pháp hiện hành của nước ta thua xa luật pháp của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc.

Hiến pháp Liên Xô 1936 quy định khá rõ nội hàm của khái niệm phản bội Tổ quốc, đó là: phản bội lời thề, chuyển sang phía Kẻ thù, phương hại sức mạnh quân sự của Nhà nước, làm gián điệp (điều 133). Những tội ấy bị luật pháp trừng trị nghiêm ngặt. Còn Hiến pháp 1977, trước ý thức pháp quyền đã trưởng thành của các công dân nước này, chỉ dám tuyên bố: “Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất trước nhân dân” (không phải trực tiếp trước pháp luật!). Hiến pháp CHND Trung Hoa hiện hành thì, rất nghiệt ngã về nhiều mặt, lại không dùng đến khái niệm “phản bội Tổ quốc”. Thay vì, người ta quy định: “Công dân CHND Trung Hoa có nghĩa vụ bảo vệ an ninh danh dự và những lợi ích của Tổ quốc, không được có những hành vi phương hại an ninh, danh dự và lợi ích của Tổ quốc” (Điều 54) Dẫu sao thì cũng có nội dung xác thực hơn Luật cơ bản của ta phải không?

Một thí dụ nữa. Điều 49 trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã gộp vào làm một những quy định rất khác nhau về tính chất và đẳng cấp: nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật + nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia + nghĩa vụ tham gia bảo vệ trật tự, an toàn xã hội + nghĩa vụ chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng. Chấp hành Hiến pháp và pháp luật quả là một nghĩa vụ công dân, nhưng nghĩa vụ ấy không bãi bỏ quyền của các công dân phản đối những điều luật mà họ cho là không hợp lý, không dân chủ. Còn bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội là nhiệm vụ của các tổ chức nhà nước đặc biệt (quân đội, công an), tại sao tất cả các công dân, mỗi người bận bịu với bao công việc của mình, lại có nghĩa vụ tham gia nếu không thì pháp luật sẽ trừng trị à? Lại còn  nghĩa vụ “chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”. Nếu những quy tắc ấy lạc hậu cần cải tiến hay khắc phục thì sao? Luật pháp của cả Liên Xô xưa kia cũng như Trung Quốc ngày nay trong trường hợp này dùng từ “tôn trọng”. Tôn trọng khác hẳn với chấp hành răm rắp!

Chưa hết “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Nghe thì văn minh và sang trọng đấy nhưng rỗng nội dung và đầy những kẽ hở cho sự vi phạm pháp quyền. Nghĩa vụ học tập ở tuổi nào, học cái gì và đến trình độ nào? Không quy định cụ thể thì việc một ai đó không theo học lớp chính trị nào đó hay không dự buổi phổ biến một quyết định nào đó của đảng cầm quyền hay Nhà nước cũng có thể quy thành tội phải bị trừng trị. Ở đây chúng ta đã sao chép nguyên văn điều 46 Hiến pháp hiện hành của CHND Trung Hoa. Hiến pháp Liên Xô năm 1936 rồi 1977 thì tuyên cáo quyền học tập của mọi công dân cùng với quy định mọi thanh thiếu niên phải học hết trung học phổ thông. Có vẻ đi đầu thiên hạ đấy, nhưng chính dựa vào điều luật này mà nhà đương cục Xô viết đã kết tội nhà thơ lớn Iosif Brodski (sau này được giải Nobel) vì đã bỏ học giữa cấp hai rồi sau đó không có công ăn việc làm ổn định (tức là vi phạm một nghĩa vụ công dân khác – lao động!) để đày ải ông, và chỉ sự phản đối mãnh liệt của dự luận quốc tế mới giúp ông lấy lại được tự do, để rồi sau đó bị cưỡng chế lưu vong. Không được xác định thật hợp lý và chặt chẽ thì các quyền và nghĩa vụ công dân có thể trở thành những cạm bẫy nguy hiểm thế đấy!

3. Về chế độ sở hữu nói chung và sở hữu đất đai nói riêng.

Như ta biết, Liên Xô – nhà nước XHCN cổ điển – trong các văn bản lập hiến chỉ thừa nhận ba hình thức sở hữu: nhà nước (hay là toàn dân) tập thể và cá nhân (không phải tư nhân), trong đó sở hữu nhà nước được quy định là “hình thức sở hữu XHCN cơ bản”. Đất đai, các tài nguyên dưới đất, nước, rừng là “sở hữu đặc quyền của Nhà nước” (Hiến pháp 1977, điều 11). Nhà nước cấp đất cho các nông trang tập thể sử dụng vô thời hạn. Quá trình tập thể hoá nông thôn và xoá bỏ giai cấp kulak ở LBXV, được ca ngợi đến thế, trong thực tế là quá trình tước đoạt đất đai của nông dân và thủ tiêu cái tầng lớp nông dân thông minh, cần cù, tháo vát nhất. Mất đi những người chủ yêu mến và chăm sóc mình, đất không sinh sản nữa. Kết quả là nước Nga, trước cách mạng nuôi sống một nửa châu Âu bằng bột mì của mình, dưới chính thể Xô viết, ngay vào thời “chủ nghĩa xã hội phát triển”, có hẳn một Bộ Thu mua lương thực mà vẫn phải hàng năm nhập khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc, trong khẩu phần hàng ngày của người công dân Xô viết thiếu hơn 40% chất đạm động vật cần thiết. Hậu quả tai hại của việc huỷ bỏ sở hữu tư nhân về đất đai trong vòng hơn 70 năm sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ người Nga. Nhưng hiện nay, khi đất đã được trả lại cho người canh tác, nước Nga lại bắt đầu xuất khẩu lương thực.

Thành quả của công cuộc tập thể hoá nông thôn ở CHND Trung Hoa cũng không khả quan hơn. Sau thất bại ê chề của các “công xã nhân dân” bị quân sự hoá, hiện nay với chế độ sở hữu Nhà nước và tập thể về đất đai được Hiến pháp quy định, Trung Quốc không phải là nước dư dật lương thực thực phẩm; nông thôn nước này ở trong tình trạng thê thảm, hàng chục triệu người làm ruộng bỏ đất đi kiếm ăn khắp nơi, làm nảy sinh rất nhiều vấn đề xã hội.

Nông thôn nước ta, nơi 90-80% dân ngàn đời sinh sống, cũng từng trải qua những thập kỷ điêu đứng. Để kinh tế đất nước phát triển vững chắc, cần bỏ ngay sự bắt chước ông anh cả đã chết sớm và đi trước ông anh hai trả lại quyền sở hữu tư nhân cho những người canh tác đất.

4. Về các tổ chức Nhà nước.

Sẽ mất nhiều thời gian so sánh chi tiết hệ thống các tổ chức Nhà nước của ta với hệ thống tương tự ở Liên Xô xưa kia và Trung Quốc hôm nay. Điều tôi muốn tất cả các công dân nước ta lưu ý đặc biệt là ở ta, giống hệt ở hai nước đàn anh, ngoài bộ máy Nhà nước chính danh còn có những bộ máy khác, phi Nhà nước nhưng lại tiêu tốn một phần rất không nhỏ (thường không được công bố) của ngân sách nhà nước, đứng đầu là bộ máy của đảng cầm quyền rồi đến của các tổ chức chính trị – xã hội khác: Mặt trận TQ, Đoàn TNCS, Liên hiệp Công đoàn, Liên hiệp Phụ nữ, các hội sáng tác v.v… Hoạt động của các bộ máy ấy là một gánh nặng vô lý cho dân. Thành thử Hiến pháp sửa đổi phải quy định: tất cả các tổ chức phi Nhà nước hoạt động tự túc. Thứ hai, để cho bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu quả và ít tốn kém, cần thiết lập hệ thống thi cử – sát hạch công chức nghiêm ngặt – hệ thống ấy có cội rễ lâu đời trong lịch sử nước nhà và hiện giờ vẫn tồn tại với tư cách một hệ thống pháp định ở CHND Trung Hoa (học tập Đài Loan) và người Trung Quốc xem nó là một đặc điểm đáng tự hào của nền văn minh của họ. Không có một hệ thống thi cử – sát hạch hữu hiện và một loạt biện pháp khác thì bộ máy Nhà nước càng ngày càng trở nên cồng kềnh và tốn kém cho dân, như ở nước Nga hiện nay, nơi hiệu quả làm việc của 15 công chức chỉ bằng hiệu quả hoạt động của 1 công chức ở Pháp!

5. Về lực lượng võ trang

Việc Dự thảo Hiến pháp sửa đổi vẫn quy định Lực lượng võ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành trước hết với Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi mới đến Tổ quốc và nhân dân là một sáng tạo độc nhất vô nhị của chúng ta. Chương 5 Hiến pháp Liên Xô 1977 chỉ quy định: “Vì mục đích bảo vệ các thành quả XHCN, lao động hoà bình của nhân dân Xô viết, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia đã được xây dựng Lực lượng võ trang LBCHXHCNXV và thiết lập nghĩa vụ quân sự phổ thông. Nghĩa vụ trước nhân dân của Lực lượng võ trang LBCHXHCNXV là bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN luôn luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm sự đánh trả lập tức bất kỳ một kẻ xâm lược nào”. Còn điều 55 Hiến pháp Trung Quốc hiện hành thì tuyên bố: “Bảo vệ Tổ quốc và đẩy lùi xâm lược là bổn phận thiêng liêng của từng công dân CHND Trung Hoa. Việc phục vụ trong quân đội và tham gia dân quân theo pháp luật quy định là nghĩa vụ danh dự của các công dân CHND Trung Hoa”. Cả hai điều hiến định ấy đều hợp lý, hợp tình, không mang dấu ấn đảng trị. Sự cần thiết xoá bỏ trong Hiến pháp Việt Nam sự quy định lực lượng võ trang phải trung thành với Đảng cộng sản và bảo vệ Đảng là hiển nhiên.

6. Về trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp

Ở các quốc gia dân chủ hiện đại quyền lập hiến là của toàn dân chứ không phải của Quốc hội. Không chỉ Hiến pháp mà bất cứ một thay đổi nào quan trọng trong Hiến pháp người ta cũng đưa ra trưng cầu ý dân, để cho dân phúc quyết. Thí dụ như việc rút ngắn nhiệm kỳ Tổng thống từ 7 năm xuống 5 ở Pháp hay kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 lên 6 năm ở Nga gần đây.

Việc trong Hiến pháp LBCHXHCN xưa kia và CHND Trung Hoa ngày nay không có những điều hiến định tương tự là khuyết điểm quan trọng của hai Luật cơ bản ấy.

7. Về thời hạn góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp

Việc Hiến pháp của một nước bị thay đổi và sửa đổi xoành xoạch thể hiện sự không chín muồi, kém phát triển của hệ thống pháp quyền nước ấy. Để khắc phục tình trạng này, cần tổ chức những cuộc toàn dân góp ý cho các Dự thảo Hiến pháp mới hoặc Hiến pháp sửa đổi một cách nghiêm chỉnh, chặt chẽ, với sự phản ánh đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dự thảo Hiến pháp cuối cùng của Liên Xô, trước khi Xô viết tối cao thông qua, được công bố cho toàn dân thảo luận trước đó nửa năm. Như vậy, ít nhất về hình thức, một nguyên tắc dân chủ được tuân thủ. Ở nước ta hiện nay, việc nới rộng thời hạn lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi do Quốc hội công bố đồng thời khuyến khích các công dân đề xuất các dự thảo khác để cùng bàn thảo là việc không thể không làm.

Hà Nội, ngày 3 tháng 2 năm 2013

© Phạm Vĩnh Cư

Theo BVN

Phản hồi