WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Góc ẩm thực Ba Lan tại Hà Nội

Nhóm khách Tây đang ăn tối

Nhóm khách Tây đang ăn tối

Ẩm thực Việt Nam có mặt ở Ba Lan từ vài chục năm nay. Có những lúc, nó từng là cơn ác mộng cạnh tranh với chính những món ăn bản địa hay những loại hình ăn nhanh của các  nước khác trên thị trường ngành ăn uống tại Ba Lan. Nhưng ẩm thực Ba Lan lại chỉ mới xuất hiện gần đây ở Việt Nam và câu hỏi liệu nó có thể có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường Việt hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

Người đưa ẩm thực Ba Lan tới thực khách Việt là anh Nguyễn Quang Vân – thường được biết đến với tên gọi Vân- Bỉnh, tên ghép của 2 vợ chồng anh. Là người gắn bó cả đời với nghề ‘chăm sóc chiếc dạ dày’ cho thiên hạ, từng làm việc tại khách sạn Thắng Lợi trong thời kỳ bao cấp và mấy chục năm làm chủ một hệ thống nhà hàng lớn nhỏ tại Warsaw, anh Vân đã đi tiên phong trong việc giới thiệu ẩm thực của đất nước Chopin với Việt Nam.

Quán V- B, có thể hiểu là Vân- Bình hoặc Việt Nam- Ba Lan tọa lạc trên tầng thượng của tòa nhà 13 tầng ở 144 phố Đội Cấn, Hà Nội.

Sự ủng hộ về ngoại giao

Ý tưởng của anh ngay từ đầu đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì đây là quán ăn dân tộc đầu tiên của Ba Lan tại Hà Nội, và có thể nói đầu tiên tại Việt Nam. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu khác như Nga, Bulgaria, Hungary, Slovakia, Pháp, Đức.v.v. đều có những tiệm ăn của họ.

Bức tượng đồng Chopin- quà tặng của ngài Đại sứ Ba Lan

Bức tượng đồng Chopin- quà tặng của ngài Đại sứ Ba Lan

Hôm khai trương, 14/12/ 2012, ngài Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam đã mời tới quán hơn hai chục đoàn khách ngoại giao của các nước khác. Ông coi đó như một sự kiện văn hóa, một niềm tự hào của dân tộc Ba Lan. Đó cũng đồng thời là sự quảng cáo lớn cho quán. Nhiều đoàn ngoại giao sau đó đã coi đây như nơi tiếp khách của họ, nhất là những thực khách muốn có một không gian ẩm thực châu Ậu thuần khiết, được thực hiện bởi các đầu bếp của châu lục này. Và tất nhiên, đây cũng là nơi lui tới thường xuyên của cơ quan đại diện ngoại giao Ba Lan cũng như những kiều dân Ba Lan đang sống và làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, quán cũng nhận được sự ủng hộ về tinh thần của hội Hữu nghị Việt Nam- Ba Lan.

Nói về công việc bếp núc, chủ quán có một cách làm việc chuyên nghiệp khi ngay từ đầu, anh đã tuyển lựa những đầu bếp Ba Lan với tay nghề cao và ký hợp đồng làm việc dài hạn tại Việt Nam.

Bếp trưởng hiện tại là Piotr Dąbrowski, người đã có thâm niên gần chục năm trong nghề và giành một số giải thưởng về ẩm thực. Piotr sang Việt Nam với hợp đồng 3 năm. Anh cho biết, hoàn toàn hài lòng với công việc cũng như môi trường sống và thậm chí có dự định gắn bó lâu dài với Việt Nam. Không muốn chia sẻ cụ thể về mức lương, nhưng Piotr nói, “lương cũng như ở Ba Lan thôi, nhưng ở đây tôi không phải trả tiền nhà, tiền ăn, chi tiêu lại rẻ, do vậy tôi để dành được nhiều hơn”.

Bếp trưởng Piotr Dabrowski

Bếp trưởng Piotr Dabrowski

Chàng trai chưa vợ này còn dự định tìm một ý trung nhân người Việt và sẵn lòng ở lại thêm một ‘nhiệm kỳ’ nữa.

Ẩm thực kết hợp văn hóa

Bước vào quán, ấn tượng đầu tiên có thể cảm nhận là một không gian văn hóa mang dáng dấp châu Âu. Những bức tranh sơn dầu, bức ảnh chụp quang cảnh Warsaw được bày rải rác ngay từ sảnh tầng dưới, trước khi thực khách lên tới khu vực ăn uống.

Sự bài trí của các phòng ăn cũng mang phong cách châu Âu. Ngoài thưởng thức các món ăn truyền thống của Ba Lan, các vị khách còn được giới thiệu về văn hóa của đất nước Đông Âu này qua những tờ in của Đại sứ quán hay những phong cảnh hữu tình đươc thể hiện bằng những nét cọ của các họa sĩ Ba Lan.

Trong tương lai, chủ quán cũng mong muốn sẽ định kỳ tổ chức các sự kiện văn hóa hay các buổi giao lưu liên quan tới Ba Lan.

Để các món ăn có được hương vị chuẩn như ở quê hương, gia vị và rất nhiều loại thực phẩm cũng như đồ uống đặc trưng đều được chủ quán cẩn thận chọn lựa và gửi về. Ở đây, có thể ăn món súp lòng bò (flaki), súp bắp cải chua (bigos) hay súp trứng (zurek) với nguyên hương vị Ba Lan. Các món súp được đặt trong những chiếc bát làm bằng bánh mì nướng. Bánh mì ở quán cũng không giống với bất kỳ tiệm bánh nào khác trong thành phố, bởi nó được làm từ chính tay các đầu bếp Ba Lan.

Một trong những bức tranh phong cảnh Warsaw

Một trong những bức tranh phong cảnh Warsaw

Các loại xúc xích, ba-tê thời gian đầu được gửi từ Ba Lan sang, nhưng sau đó, một số loại được các đầu bếp làm và hun khói ngay tại chỗ.

Người quản lý hiện nay cho biết, 100% rượu sử dụng trong quán là hàng xách tay. Mỗi tuần quán đều tiếp nhận 1 vài chuyến hàng. Các loại rượu Vodka Ba Lan  được khách hàng đặc biệt ưa chuộng, nhất là rượu cỏ Zubrowka hay rượu ớt do quán tự pha chế.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Mặc dù được chuẩn bị rất chu đáo và chuyên nghiệp, nhưng sau nửa năm mở cửa, nhà hàng V- B vẫn chưa đạt được doanh số mà ông chủ của nó kỳ vọng và con đường để ẩm thực Ba Lan thực sự chinh phục được thực khách Việt Nam vẫn còn rất nhiều chông gai phía trước.

Được biết, khách hàng của quán hiện nay vẫn “Tây nhiều hơn ta”. Có nhiều nguyên nhân, theo người quản lý, do quán chưa thực sự quảng cáo. Bản thân tòa nhà 144 Đội Cấn mới xây dựng chưa lâu, không phải ai cũng biết tới; quán lại ở tầng trên cùng, không hẳn thuận lợi cho khách hàng, nhất là khách Việt Nam thường tiện đâu ăn đấy. Họ chưa có thói quen vào một tòa nhà, rồi bị bảo vệ hỏi han tới mấy lần trước khi được chỉ lối lên tầng cuối.

Mặt khác, phải thừa nhận, đây không phải là nơi dành cho khách thường thường bậc trung, hay khách bình dân. Đối tượng mà quán nhắm vào là loại khách sang mà thực khách kiểu này đang hiếm như lá mùa thu giữa thời buổi  khủng hoảng kinh tế.

Một khách hàng vào đây để no bụng và thêm một chút đồ uống phải mất chừng dăm bẩy trăm ngàn, thậm chí  tới 1 triệu. Mỗi món súp hay món khai vị có giá khoảng 100.000 đồng, đồ ăn chính chừng ba- bốn trăm ngàn, thêm món tráng miệng chừng 1-2 trăm ngàn nữa, còn đồ uống tùy theo tửu lượng mà ‘quy ra thóc’.

Đương nhiên, với sự đầu tư lớn về tiền của và nhân lực vậy, V-B không thể là quán ăn theo kiểu ẩm thực đường phố. Nhưng giữa giá cả của nhà hàng với túi tiền của khách và lợi nhuận của ông chủ có tìm được điểm chung hay không thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Nửa năm là khoảng thời gian chưa đủ dài cho một câu trả lời, nhất là khi quán vừa hoàn thiện vừa phục vụ. Lăn lộn nhiều năm với ngành ăn uống và từng nếm trải cả thành công lẫn thất bại, chủ nhà hàng V- B nhất định sẽ tìm ra hướng đi thích hợp để ẩm thực Ba Lan có một chỗ đứng trong một quốc gia vốn được coi là ‘sành ăn’ của Á châu.

Hà Nội, tháng 5/2013

© Mạc Việt Hồng

© Đàn ChimViệt

 

 

 

Phản hồi