Nam Bắc Phân Tranh Sau 1975 [2]
Người miền bắc chiếm đa số trong tổng cộng khoảng 6 ngàn người trên đảo. Họ tự động phân chia ra ở từng khu vực riêng rẽ: Khu Hải Phòng, khu Đồ Sơn, khu Hà Nội, khu Quảng Ninh. Dân miền bắc khác địa phương cũng không sống hợp nhất với nhau. Tôi không biết trước khi người cộng sản chiếm miền bắc năm 1954 thì người miền bắc có óc kỳ thị địa phương nặng nề như thế không. Nhóm nào đông thì nhóm đó chế ngự trại. Nhóm Quảng Ninh là đông nhất, có nghĩa là mạnh nhất. Thời gian tôi vừa tới trại thì cũng là lúc còn dư âm của anh chàng Hoa Hùng, một xếp đầu gấu người miền bắc vừa được chuyển vào đất liền. Hoa Hùng đi thì không có tay nào làm trùm của trại mà có nhiều băng nhóm nổi lên theo danh xưng địa phương. Mỗi băng nhóm hùng cứ một khu vực. Người Việt gốc Hoa, vì biết tiếng Hoa để giải thích với trại nên họ được bảo vệ ở một khu vực riêng ngay khi mới tới. Riêng người miền Nam thì không ai bảo vệ và cũng không có nhóm đầu gấu nào để đương đầu với các nhóm đầu gấu miền bắc. Người miền nam hiền quá và trở nên một cộng đồng bơ vơ giữa một xã hội không luật lệ.
Hai tuần lễ sau, khi gia đình tôi và một số người vừa được chuyển tới trại khác thì tại trại Đảo Bò xẩy ra bạo động làm rung động Hồng Kông và xấu mặt người Việt Nam. Cuộc bạo động gây ra bởi người miền bắc. Cuộc bạo động không lý do nhưng mức độ khiến các thuyền nhân người Việt gốc Hoa và miền nam ghê sợ và người Hồng Kông khinh bỉ. Người miền bắc chiếm trại, chiếm các kho thực phẩm. Cảnh sát Hồng Kông phải rút ra khỏi đảo. Kể từ lúc đó người miền bắc hòan toàn làm chủ trên đảo và họ tự do cướp bóc, hãm hiếp.
Trong bài báo “Vietnam Refugees Riot in Hong Kong” do BARBARA BASLER, viết đặc biệt cho tờ The New York Times xuất bản ngày mùng 3 tháng 9-1989, tác giả đã viết, “HONG KONG, Sept. 2— Chủ nhật tuần trước, 1,000 người Việt nam đã bạo động trên đảo Tai A Châu, và mặc dù đã xử dụng hơi cay, một toán nhỏ cảnh sát tại đó đã không thể phục hồi được an ninh và buộc phải rút ra khỏi đảo. Sau một đêm bị tấn công, cướp bóc và 5 vụ hãm hiếp, hòn đảo, nơi có 5,500 người Việt nam bị tạm giữ, đã được cảnh sát chiếm lại khi các phi cơ trực thăng chuyển hơn 350 cảnh sát chống bạo động tới. Cảnh sát đã bắt 12 người và một người bị truy tố tội hãm hiếp. Đảo không có điện, không chỗ đi tiêu tiểu…Các thuyền nhân phải sống trong những lều tạm, giữa các đống rác và phân người…Các giới chức nói, “Trật tự hoàn toàn bị tan vỡ.”
Bản tin vắn tắt đã thấy rùng mình. Nhưng sẽ rùng mình hơn khi đã từng ở đó và may mắn được ra đi trước đó không lâu rồi được nghe chính những bạn bè, người quen của mình thuật lại ngay sau biến cố đó. Sau này mấy người miền nam kể lại với tôi rằng khi đổ quân vào tái chiếm lại đảo, cảnh sát chống bạo động và đại diện Liên Hiệp Quốc đã tìm cách cứu những người Việt gốc Hoa và người miền nam ra khỏi đảo trước. Cuộc giải cứu như giải cứu con tin bị bắt cóc. Có lẽ người đầu tiên được giải cứu là cựu thiếu tá Sơn, cựu giảng viên trường Võ Bị Đà Lạt. Lý do trại biết tới ông Sơn là vì ông làm phiên dịch cho một cơ quan thiện nguyện và cảnh sát cũng cần những người như ông để phân biệt đâu là người miền nam. Trên đường tiến vào chiếm trại, cảnh sát gọi đích danh để tìm kiếm ông Sơn và những thông dịch viên khác. Người Việt gốc Hoa thì được giải cứu hầu như toàn bộ vì họ nói được tiếng Hoa. Người miền nam thì được giải cứu ít thôi vì cảnh sát không phân biệt được ai là người miền nam, ai là người miền bắc. Chỉ những người được các phiên dịch viên như ông Sơn xác nhận, hay biết tiếng Anh để tự giới thiệu thì mới được cho lên thuyền cấp cứu rời đảo. Người miền bắc tuyệt đối không được cho lên thuyền cấp cứu.
Bản tin cho biết cảnh sát có bắt một số nghi can nhưng tôi biết rồi những người này cũng sẽ được thả ra ngay sau đó bởi vì luật lệ Hồng Kông rất là văn minh, dân chủ, muốn kết tội một người thì phải có đầy đủ bằng chứng, cần rất nhiều thời gian điều tra, với lời khai của rất nhiều nhân chứng. Thì giờ và ngân quĩ đâu mà họ điều tra và nạn nhân nào giám khai báo khi trong trại băng đảng bạn bè và thân quyến của nghi can còn đầy rẫy. Bản tin nói rằng có 5 vụ hãm hiếp. Nhưng bạn bè tôi cho biết những cuộc hãm hiếp nhiều hơn như thế nhiều lần. Họ còn nói rằng phụ nữ Việt gốc Hoa thì bị hãm hiếp gần như 100 phần trăm. Phụ nữ miền nam thì bị hiếp ít hơn. Nhưng tất cả các phụ nữ đều sợ hãi phải làm cho đầu tóc bù xù, bôi đất lấm lem lên mặt cho xấu đi. Người phụ nữ bạn với gia đình tôi trong tấm hình dưới đây đã thuật chị phải bôi mặt cho lem luốc, xấu đi hầu thoát nạn. Chị tên là Đinh Thị Thu Vân, hiện ở Hoa Kỳ.
Cuộc chiếm đảo của đầu gấu miền bắc còn man rợ hơn nữa khi mấy ngày sau cảnh sát Hồng Kông phát hiện ra sự kiện là người miền bắc còn đi “ị” cả vào mấy bồn chứa nước ăn cung cấp cho chính thuyền nhân.
Những hành động và cung cách sống như vậy khiến các người ngoại quốc cũng như viên chức Hồng Kông hoạt động trong trại đánh giá thuyền nhân miền bắc thấp hơn thuyền nhân miền nam thật nhiều.
Sau hai tuần ở Đảo Bò, gia đình tôi cùng với 1,600 người khác được chuyển tới trại Thuyền Châu. Trại này cũng vẫn là tạm thời để chờ trong đất liền xây xong trại mới. Trại Thuyền Châu gồm bốn cái phà nhỏ, mỗi cái chứa được 400 người. Vì thế thuyền nhân gọi đây là trại Phao Nổi. Diện tích dành cho mỗi gia đình thật hẹp. Gia đình tôi 6 người được một diện tích bằng một chiếc chiếu nhỏ. Chỉ đủ chỗ cho vợ chồng tôi nằm ôm thùng quần áo. 4 đứa con và cháu phải mắc võng nằm ngay sát trên mặt vợ chồng tôi. Chúng tôi sống như thế trong bốn tháng.
Các phao này được để cặp bờ một đảo rất nhỏ cách đất liền Hồng Kông một eo biển hẹp có thể bơi qua dễ dàng. Eo biển này là đường lưu thông nườm nượp của các chiếc tầu cao tốc nối liền Hông Kông và Macau. Nhưng mỗi buổi tối, đều có những toán thanh niên miền bắc bơi vào đất liền đi ăn cắp đồ ở Hồng Kông. Liên Hiệp Quốc và cảnh sát Hồng Kông biết nhưng họ khuyên răn thiếu điều muốn năn nỉ rằng, “Xin quí vị đừng bơi như thế, rất là nguy hiểm cho mạng sống của quí vị.” Thế nhưng các đầu gấu với sự hỗ trợ của chính gia đình họ đã hàng đêm thực hiện những phi vụ phạm pháp như vậy. Những vụ trấn lột diễn ra hàng ngày nhưng cảnh sát không làm gì được vì nạn nhân không dám khai báo. Đầu gấu trừng phạt nhau mỗi đêm. Chúng để đối phương đứng ở giữa, chúng đứng vòng tròn xung quanh. Kẻ thù bị đánh, đá văng từ bên này sang bên kia. Chúng không cho ai đứng xem. Nạn nhân bị đánh gần chết được trực thăng chở đi cấp cứu trong đất liền mà khi trở về trại không ai dám chỉ hung phạm.
Trong hoàn cảnh ghê gớm đó người miền nam chỉ biết im lặng chịu đựng. Ngay gia đình tôi có một thùng bìa nhỏ, trước là thùng đựng cơm hộp do trại phát, nay gia đình tôi dùng để đựng quần áo vớ vẩn (thuyền nhân còn có gì hơn ngoài mấy bộ áo quần trại tiếp tế) nhưng bọn đầu gấu tưởng gia đình tôi có vàng nên một đêm vợ tôi ngủ say chúng cũng lấy được. Nếu thức giấc mà thấy chúng ăn cắp đồ của mình thì cũng chỉ cười trừ thôi chứ la lên thì cũng chẳng có ai tiếp cứu mà không khéo chúng lại đập cho vỡ sọ.
Tình hình phân chia nam bắc trong các trại tị nạn ở Hông Kông trầm trọng tới độ họ đối xử với nhau như hai dân tộc khác nhau. Người miền bắc hiếp đáp người miền nam. Người miền nam khiếp sợ người miền bắc. Sau khoảng hai tháng ở trại phao nổi, trong đất liền có một số chỗ, trại xắp xếp đưa số người miền nam tách rời khỏi số miền bắc. Nhưng họ phải làm kín đáo để người miền bắc đừng bạo động. Sáng hôm chuyển trại, họ bảo tất cả các thuyền nhân mang hết đồ đạc tập trung trên sân để nghe đọc danh sách chuyển trại vào đất liền. Nghe thấy vậy ai cũng vui mừng. Trại làm rất dân chủ. Khi được gọi tên họ hỏi thuyền nhân có muốn chuyển trại không? Ai mà không muốn sớm được vào một trại nào đó trong đất liền để có cuộc sống ổn định hơn. Đến khi gọi được nửa số người rồi thì người miền bắc đã biết ngay đó là kế hoạch trại cho di chuyển người miền nam đi trại khác tách biệt với người miền bắc. Họ ngồi buồn so trong khi những người miền nam có tên được gọi đi thì tay xách nách mang khuôn mặt hí hửng.
Gia đình tôi được gọi lên sau cùng. Họ cũng hỏi tôi có muốn chuyển trại không. Tôi trả lời “Không!”. Ngay sau đó gia đình tôi mang hành trang trở lại ngồi với nhóm miền bắc để ở lại phao nổi. Nhìn thấy gia đình tôi mang đồ trở lại ngồi với tóan người miền bắc, tất cả các cặp mắt đều đổ dồn về gia đình tôi. Người miền nam không hiểu tại sao gia đình tôi lại chọn ở lại. Người miền bắc thì thấy vui mừng. Ít ra họ cũng thấy đỡ cô đơn vì còn có một gia đình miền nam ở lại với họ.
Sáng hôm sau, trong chuyến tầu đầu tiên đưa nhân viên từ đất liền ra làm việc, anh cán sự xã hội Hùng trông thấy tôi còn ở trại tròn mắt ngạc nhiên. Nhưng anh không dám hỏi tôi vấn đề đó giữa lúc tôi đang đứng với đông người miền bắc, anh bèn mời tôi vào văn phòng của anh đặt trong một thùng sắt chuyển hàng (container). Hùng là cựu trung úy Thủy Quân Lục Chiến Trần Như Hùng của VNCH, định cư tại Úc, tình nguyện sang phục vụ giúp dân tị nạn Hồng Kông. Một lần tôi hỏi Hùng tại sao lại sang tình nguyện công tác tại Hồng Kông thì Hùng làm tôi cảm động và kính trọng, “Ông hỏi thế thì coi thường tôi quá!” Vào văn phòng, anh cẩn thận đóng kín cửa rồi hỏi tôi, “Sao ông còn ở lại?” Tôi cho biết, tôi mà đi nữa thì số gần một ngàn rưởi thuyền nhân miền bắc này ai giúp đỡ họ, họ không nói được tiếng Anh thì trại làm sao làm việc với họ. Hùng hỏi tiếp, “Thế ông không sợ họ sao?” Tôi trả lời, “Tôi ở lại giúp họ thì làm sao họ lại hại tôi?”. Ngày nay Hùng lấy bút hiệu Quốc Việt đang làm trưởng ban Việt Ngữ của đài phát thanh SBS Radio của chính phủ Autralia tại Melbourne. Có một lần Hùng chụp cho tôi một tấm hình tôi ngồi giữa đám thanh niên đầu gấu miền bắc. Tôi cười nói đùa, đây là tấm hình đặc biệt lắm đó nghe. Mới đây, Hùng liên lạc được với tôi và nói sẽ cố tìm lại tấm hình đó gửi cho tôi nhưng cuối cùng anh tìm không ra.
Như tôi đã trình bày, vì muốn bảo vệ người miền nam nên Hồng Kông có chính sách tách rời thuyền nhân miền nam khỏi người miền bắc. Nhưng tình hình đặc biệt thiếu người phiên dịch tại trại Thuyền Châu khiến trại phải hội ý với tôi. Thực sự ra nếu chỉ cần một người phiên dịch thì trại có thể thuê ở ngoài vào một cách dễ dàng. Nhưng qua thời gian giúp trại một cách thiện nguyện, trại biết tôi là người có thể giúp họ liên lạc với thuyền nhân miền bắc một cách hữu hiệu nên trại muốn tôi ở lại. Nhưng họ không thể bảo vệ an ninh cho tôi nên họ không giám trực tiếp yêu cầu tôi ở lại vì lỡ có chuyện gì xảy ra cho tôi thì ai chịu trách nhiệm. Trại chỉ mật bàn hỏi tôi làm cách nào để chuyển người miền nam ra đi một cách an toàn, không sợ người miền bắc có cảm tưởng bị bỏ rơi mà nổi loạn.
Đồng thời họ cho tôi biết là nếu người miền nam đi hết thì không có ai phiên dịch cho người miền bắc, họ sẽ rất khó điều hành trại. Trước tình hình đó tôi cho họ biết tôi sẵn sàng ở lại để giúp trại điều hành. Tôi nói với trại rằng người miền bắc cũng là đồng bào của tôi, tôi phải giúp họ nếu cần thiết. Cho nên toàn bộ kế hoạch di chuyển số người miền nam hôm đó hòan toàn do tôi đề nghị. Cái kế hoạch chuyển trại mau lẹ và an toàn đó tôi học được trong nhà tù cải tạo. Mỗi lần người cộng sản di chuyển tách rời một số tù cải tạo chúng tôi đi trại khác thì họ không cho biết ai đi ai ở, và sẽ đi đâu. Họ cứ kêu tất cả mang hết hành trang lên sân ngồi chờ. Rồi ai được gọi tên thì người đó ôm hành trang đứng sang khu vực khác.
Tại trại Phao Nổi (Thuyền Châu), công việc chính thức thiện nguyện của tôi là phiên dịch bệnh xá dưới quyền của một bác sĩ trẻ người Anh. Mỗi ngày ông ấy từ trong Hồng Kông ra khám bệnh cho thuyền nhân. Bệnh xá do tổ chức Bác sĩ Không Biên Giới của Âu châu phụ trách (Medecins Sans Frontières). Các thuốc men rất tốt và đầy đủ và mỗi ngày có một chuyến tầu đưa thuyền nhân có bệnh nặng vào bệnh viện tối tân của Hông Kông điều trị. Khi cấp cứu sẽ có tầu cao tốc hoặc trực thăng chở bệnh nhân tới bệnh viện trong đất liền. Thuyền nhân được chữa trị tại bệnh viện y hệt như mọi người Hồng Kông giầu có nhất. Có thể nói, trên mọi lãnh vực, Hồng Kông là thiên đường của người Việt tị nạn. Nhưng vấn đề này sẽ được đề cập tới trong một loạt bài khác. Một điều đáng xấu hổ là tất cả các trường hợp cấp cứu bằng tầu cao tốc hay trực thăng trong thời gian tôi công tác toàn là nạn nhân của những vụ đâm chém, cướp bóc của đầu gấu miền bắc.
Người miền bắc dường như cũng không quen tôn trọng luật pháp và kỷ luật. Ngày nào cũng có một đoàn dài người xếp hàng chờ khám bệnh xin thuốc, mà chỉ xin thuốc trụ sinh thôi, trong khi họ không có bệnh gì cả. Mặc dù bác sĩ đã giải thích, kêu gọi mọi người không cần xin thuốc dự trữ vì ở bệnh xá luôn luôn đủ thuốc tốt và khi cần sẽ đưa đi cấp cứu trong bệnh viện trong đất liền. Nhưng lời giải đáp, kêu gọi hàng ngày đó vẫn không hữu hiệu. Mỗi ngày hàng đòan người vừa xếp hàng, vừa chen lấn, xô cả cửa của phòng khám khiến ngay vị bác sĩ cũng phải lúc thì đứng chèn cửa, ngăn không cho đoàn người tràn vào, lúc thì ngồi xuống khám bệnh. Tôi nói với bác sĩ là tôi không giúp gì được ông ta trong việc giữ cửa ngăn chặn sự chen lấn bạo động của thuyền nhân vì họ sẽ đánh cả tôi. Một thời gian sau, quá sức mệt mỏi bởi tình trạng vô kỷ luật của thuyền nhân miền bắc tôi phải xin bác sĩ cho tôi nghỉ việc. Mấy ngày đầu ông ấy tới làm việc vẫn kêu tôi lên giúp vì không có phiên dịch. Sau đó tôi sợ quá phải viết cho ông ấy miếng giấy như van xin, ““Please! Please!” đừng gọi tôi lên nữa vì tôi sợ quá không thể tiếp tục giúp ông được”. Sau đó ông ta phải thuê phiên dịch từ ngoài Hông Kông vào mỗi ngày.
Từ ngày cặp thuyền vào trại hoang dã là Đảo Bò cho tới khi rời khỏi trại tị nạn ở Bataan, Phi luật Tân, tổng cộng 3 năm 8 tháng , trong số những người hoạt động thiện nguyện lúc đầu, sau đó được Tị Nạn Liên Hiệp Quốc trả trợ cấp 180 đô Hồng Kông, tương đương 25 đô Mỹ một tháng, có thể nói tôi là người miền nam duy nhất có quan hệ thân thiết với người miền bắc. Hầu như tất cả mọi người miền nam đều tránh né người miền bắc. Có giao thiệp thì cũng chỉ là bề mặt, xã giao, thiếu cái thân tình. Riêng duy nhất tôi thì không. Tại sao vậy ? Thứ nhất, trong tận cùng suy nghĩ, tôi luôn luôn thấy rằng sự quảng giao là tấm áo giáp bảo vệ mình trong mọi tình huống. Thứ nhì, tôi là người bản chất khá cởi mở, không thành kiến. Tôi có thể và thích giao du với người của mọi miền, mọi giới khác nhau, từ dân sự tới quân đội, từ người trí thức tới những tay anh chị. Thêm nữa, tôi gốc người Hà Nội 1954 nên dễ tiếp cận với người miền bắc.
Chính nhờ lúc nào tôi cũng có mối quan hệ thân thiện với người miền bắc, được họ thương mến, kính trọng, tin tưởng, mà trong tất cả những trại tôi ở có thể nói tôi là người duy nhất giúp tránh được các xô xát có thể đưa tới đổ máu tập thể như đã từng xảy ra rất nhiều lần ở những trại khác. Đó là một đóng góp âm thầm mà không ai biết trừ bà vợ tôi. Chưa đổ máu thì làm sao mà biết ai là người đã giúp ngăn chặn những chuyện đó từ trong trứng nước. Đóng góp đó quan trọng cho một tập thể có khi tới bẩy ngàn người. Và thành thực mà nói, đóng góp đó quan trọng cho cả chính gia đình tôi. Đôi khi nghĩ lại tôi thấy cũng vui và cũng nhớ khá nhiều những anh chị em miền bắc có gắn bó tình cảm với tôi, kể cả bảo vệ tôi. Không kể những lần điện thoại thăm hỏi, tôi và vợ tôi đã một lần tới Canada thăm một gia đình miền bắc và họ còn hẹn kỳ tới trước khi sang chúng tôi nên báo trước để họ liên lạc rủ các anh chị em khác tới gặp vợ chồng tôi cho vui.
Như là một qui luật, để giải quyết những mâu thuẫn xã hội, điều hữu hiệu nhất là giải quyết sau hậu trường, dựa vào sự thân thiết cá nhân trước khi mâu thuẫn bùng nổ. Ngay cả trong chính trường quốc gia hay quốc tế, cá tính của người lãnh đạo và cảm tình họ dành được đối với quần chúng cũng làm giảm căng thẳng chính trị quốc nội và quốc tế. Mầu da và cách cư xử của tổng thống Obama đã giúp giảm căng thẳng và gia tăng thân thiện giữa Hoa Kỳ và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Phi châu và nam Mỹ đã là một ví dụ sinh động. Một khi mâu thuẫn đã nổ ra rồi thì nắm lại tình hình rất khó và chắc chắn sẽ có nhiều tổn thất. Tại trại tị nạn Bataan ở Philipines, một buổi tối một đầu gấu miền bắc gặp tôi nói rằng nghe nói tối hôm trước anh em cựu quân nhân miền nam có cuộc họp định tấn công anh em miền bắc, em muốn hỏi anh xem có đúng không. Nếu đúng như vậy thì bọn em sẽ tấn công trước. Đây là một câu hỏi nhưng cũng là một đe dọa họ mượn tôi chuyển tới anh em miền nam. Dĩ nhiên câu hỏi đó được tôi giải toả dễ dàng.
Người miền bắc dường như có thói quen hành động không theo kỷ luật. Một lần tại trại Phao Nổi, không biết làm sao mà ban chỉ huy trại mang cơm từ trong đất liền ra chậm. Gần như tất cả hơn một ngàn người miền bắc lên biểu tình ngay tức khắc. Không có người miền nam. Nhưng họ không biết cách biểu tình, mà cũng chẳng ai trong số đó biết tiếng Anh để tiếp xúc thảo luận với trại. Họ chỉ còn một cách là dàn hàng ngang ném đá tấn công ban chỉ huy trại. Ban chỉ huy trại là những người dân sự có lẽ thuộc sở xã hội. Họ không hiểu tại sao mà thuyền nhân lại dữ tợn như vậy và họ sợ quá cố thủ trong khu vực ban chỉ huy có hàng rào kẽm gai. Thấy nguy cấp tôi đi lên yêu cầu đồng bào miền bắc dừng ném đá để tôi vào thương thuyết với trại. Khi vừa thấy tôi, mấy người trong ban chỉ huy trại nói ngay: Tôi chờ ông từ nẫy tới giờ. Tôi cho ban chỉ huy trại biết là thuyền nhân họ muốn được phát cơm ngay không chậm trễ và ban chỉ huy trại đồng ý sẽ gọi máy vào đất liền yêu cầu chuyện đó. Chuyện thật đơn giản. (còn tiếp-bạo động còn nhiều)
© Đàn Chim Việt Online 2010
______________________________________
Ghi chú: danh từ “Người miền bắc” trong loạt bài này chỉ những người bắc còn ở lại Hà nội sau năm 1954 và những người vào miền nam sau ngày 30-4-1975, kể cả con cháu họ, cho dù sinh trưởng tại miền nam sau đó.
Phần trước:
Nam Bắc phân tranh sau 1975 [1]
Phần sau:
Nam Bắc phân tranh sau 1975 [3]
Nam Bắc phân tranh sau 1975 [4]
Nam Bắc phân tranh sau 1975 [5]
Nam Bắc phân tranh sau 1975 [6]