WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [4]

Tiếp theo các phần I, IIIII

Cúp 78- Ảnh mang tính minh họa

Cúp 78- Ảnh mang tính minh họa

Một hôm tôi về nhà, cưỡi trên cái xe Cup 78 màu mắm tôm lượn phành phạch quanh ngõ. Nhà tôi hỏi xe của ai, tôi nói xe của tôi. Bố tôi để ý dò xét, tôi đi vài hôm đành phải bán, lấy tiền đi Sài Gòn chơi đã đời rồi về. Cái xe ấy là công của một vụ đánh thuê cho một ông nửa trí thức nửa lưu manh. Vợ ông ta trẻ hơn ông ta nhiều tuổi, cặp kè với một thằng cùng làm. Ông dọa thằng đó thì thằng đó chửi ông ta. Đấy là ông kể với tôi thế lúc ông nằm hút thuốc phiện ở cái gác xép trên cao nhà ông. Còn tôi nằm bên cạnh đọc truyện, tôi vẫn nhớ đó là cuốn Ông Già Và Biển Cả . Ông hút đủ cơn phê, xong nằm than thở là ông nhục quá, nó đi với vợ mình còn dọa đánh cả mình. Ông cứ ngậm ngùi làm tôi não ruột. Tôi gấp sách lại hỏi nhà thằng đó ở đâu. Ông nói tên và chỗ làm. Tôi bảo nhà ông có con dao nào lấy cho tôi. Ông ta vùng ngay dậy , tỉnh táo bảo.

- Không dùng dao, phải dùng cái này mới thấu.

Ông tìm một đoạn tuýp sắt ống nước của Nga dày 5ly, đường kính gần 5cm, dài cỡ 60cm. Ông lấy săm cao su quấn quanh ông tuýp rồi đưa tôi nói.

- Vụt cái này vào chân nó hay người nó, không chết mà nó đau nhớ đời.

Tôi hỏi tên tuổi, chỗ làm đầy đủ, ông còn cho tôi xem cả ảnh thằng đó với vợ ông đi tắm biển.

Tôi cầm cái ống tuýp về nhà, chọn cái áo sơ mi màu xanh da trời, cái quần âu mầu đen ống thẳng. Dép xăng đan da, tóc chải rẽ ngôi lệch. Áo bỏ trong quần nghiêm chỉnh, cuốn cái ông tuýp vào tờ báo gọn gàng như một cuộn giấy tìm đến cơ quan thằng kia. Vào tận cơ quan, hỏi phòng nó làm việc, người ta bảo nó nghỉ ở nhà.

Tôi quay lại nhà ông, bảo ông chở tôi đến nhà thằng đó. Ông ta chở đến nơi, đứng ngoài ngõ. Tôi đi vào, nhà thằng đó ở trong ngõ sâu, nhà lại chung trong một số nhà có nhiều hộ. Phải đi qua mấy nhà, qua cái sân mới đến nhà nó. Tôi đến nơi lúc trưa vắng vẻ, nhà nó mở cửa. Tôi vào thấy hai anh em nhà nó đang nằm. Tôi ngắm nhìn xem ai là thằng cần đánh, thấy đúng tôi vụt thẳng một nhát vào đầu nghe đến ” cốp ” cái to. Thằng đó giật nảy người ú ớ ôm đầu vật ra một bên. Thằng kia là anh nó thì phải, vùng dậy mở mắt định la toáng , tôi phang luôn cái vào lưng. Nó ngã dúi dụi nhưng vớ được cái ghế ném đúng người tôi. Tôi nhảy lại gần nện thẳng vào đầu nó một cái, nó ngã lắn quay. Thằng em nó ăn nhát vào đầu đã tỉnh, nó chửi tôi là thằng nào. Nó vừa gượng dậy vừa chửi hỏi, tôi cúi người lia cái ống tuýp vào ống chân nó nghe thành tiếng ” kịch ” khô khốc, khiến nó gào rống ” ối trời ơi ” rồi nằm vật ra.

Hai anh em nhà đấy nằm lăn lộn rên, tôi gằn giọng chửi nhỏ.

- Đm cho mày chết vì đi với vợ người ta còn dọa người ta nhé.

Hai thằng nằm đau đớn, nhìn thấy gương mặt tôi và cái ống tuýp. Chúng chỉ hộc lên trong miệng, không chửi lại câu nào. Tôi đi ra sân, mấy nhà chung quanh có người ngó ra xem. Tôi cười toe toét nói.

- Bán thì bán không bán thì thôi, dền dữ mất thì giờ, đấy xem ai trả cao được hơn.

Mấy người hàng xóm ngơ ngác chưa hiểu cái gì, tôi đã đi qua và ra đầu ngõ, leo lên xe ông bạn già chuồn êm. Về đến nhà ông ta mới biết cái ghế nó ném làm tay bị sưng bầm. Ông bạn già nửa trí thức, nửa lưu manh xoa thuốc cho tôi. Miêng ông lại lẩm nhẩm.

- Khổ, chả đánh được nó lại bị nó đánh cho, phải cẩn thận chứ. Thấy khó ăn thì thôi mình đợi dịp khác, vội làm gì. Cứ giả vờ hỏi nó bán nhà hay bán xe gì đó rồi lui ra. Thanh niên chúng mày là hay nóng vội lắm. Chẹp chẹp.

Ông bê bàn đèn ra, nằm hút, mùi thuốc phiện thơm lừng, cái mùi ngầy ngậy rất thích. Ông bảo tôi làm một điếu cho đỡ đau. Tôi lắc đầu từ chối, đợi ông hút dăm điếu đủ dừng cơn vật vã thuốc. Tôi nói.

- Cháu phang cho hai anh em vào đầu, khéo vỡ sọ. Chú chuồn đi.

Ông già giật nảy mình, ông hoảng hốt trách.

- Sao không vụt vào chân hay vào người.?

Tôi trả lời.

- Tưởng nó có một thằng thì thế, hai thằng phải đánh gục thôi, đánh vào đầu nó còn cho mình như thế này, vụt vào người nó hay chân nó có khi nó cho mình nằm lại.

Ông già hối hả đánh thuốc, rít lấy rít để thêm vài điếu, bảo tôi ở lại để ông đi nghe ngóng. Tiếng đồng hồ sau về mặt xám ngoét nói hai thằng nhà nó đi cấp cứu, năm viện rồi. Nhưng không ai biết mày đâu, chúng nó điều tra cùng lắm nghi tao. Mày cầm cái xe tao mà đi, tao đi xa vào Nam kiếm cửa sống, lúc nào yên tao gọi mày.

Vậy là tôi có con xe máy, ước mơ của bao nhiêu gia đình lúc đó. Vì gia đình để ý chuyện cái xe, tôi bán đi vào Nam ăn chơi hết tiền rồi về.

Bố tôi đang bệnh, ông yếu lắm. Ông gọi tôi vào bảo.

- Nếu con thương bố, con về quê ở, đừng ở đây, con sẽ không thành người được đâu. Bố đã nói chuyện với cô chú rồi. Mai con về đó, hàng tháng bố sẽ gửi tiền cơm và cho con tiêu vặt. Con cố học được nghề trạm trổ điêu khắc gường tủ ở quê. Sau này giỏi nghề, con về nhà mở cửa hàng làm đồ gỗ cũng làm ăn được. Con thương bố thì nghe bố, bố chẳng sống bao lâu nữa.

Tôi khăn gói về quê , học nghề chạm trổ và khảm xà cừ. Ngồi gò lưng cầm cái kéo nhỏ tí cắt mẩu trai theo hình vẽ, ngón tay đau nhức nhối. Sáng ăn cơm nguội với ít lạc, trưa ăn cơm với đậu phụ, rau muống luộc, tối lại lạc rang, cà, dưa, rau luộc, nấu.

Tôi học đủ ngón nghề để làm cái tủ chè, sập. Từ lúc bắt đầu chọn gỗ, xẻ, bào, cưa , làm mộng cái này gọi riêng là thợ ”ngang ‘ Rồi đến thợ đục, chạm, trổ, chuốt bóng. Kế đến là khảm trai, khảm trai trông thế mà chia thành 3 loại thợ. Loại thợ cắt mảnh trai thành hình người, hình cây..rồi một loại thợ đục cái hình ấy trên mặt gỗ, sao cho khi trám keo xong để miếng trai hình thù gì đó vào là vừa khít. Miếng trai ăn trên mặt gỗ chắc chắn rồi đến thay thợ tỉa. Thợ tỉa cần com dao nhọn lưỡi bén khắc những nét mắt mũi, lá cây, mái nhà lên trên miếng trai. Công đoạn cuối cùng xong cái tủ, sập, bàn ghế là người đánh bóng. Thường thì người làm ngành ” ngang” là chủ một cơ sở sản xuất như vậy. Cả gia đình cùng làm, có gia đình con trai lớn lấy vợ sinh con, vẫn ở chung nhà bố mẹ và cùng làm. Mọi khoản thu chi ông bà nắm cả, người con trai lớn đã có vợ con ấy cần gì phải xin bố mẹ. Tại ở quê cứ lấy vợ chồng sớm, ông nội 45 tuổi còn cường tráng, khỏe mạnh đủ sức quán xuyến mọi việc, chuyện bà nội có bầu, con dâu có bầu cùng một năm là chuyện bình thường ở quê. Cậu con trai ngấp nghé 18 là tìm chỗ, 20 là lấy vợ rồi sinh con, cắm cúi cả hai vợ chồng cùng làm cho bố mẹ, ăn ở mua bán thế nào do bố mẹ quyết định từ cái quần, cái áo trên người.

Mấy lần tôi chán quê lắm cuộc sống tẻ nhạt, mọi người suốt ngày chỉ làm và làm. Tối đi ngủ sớm, sáng dậy tiếng cưa bào, đục đẽo vang khắp nơi. Nhà ai cũng cắm đầu miệt mài làm, cả con gái lẫn con trai. Bé cũng làm việc bé, đi học về nhà là tự động lấy chạm lấy ” đất ” để khảm trai hoặc đánh bóng, chuốt gỗ. Tôi ở nhà cô con chú con bác với bố tôi, chồng cô tôi hay say rượu. Lúc không rượu vào ông ấy bình thường, rượu xong mắt đỏ ngầu. Gặp ai cũng chửi, ông đánh con, chửi vợ. Cởi áo phanh ngực đòi đấu tay đôi với tôi. Những lúc ấy tôi phải tránh đi, lang thang hết xóm Trung, Thượng, xóm Đình, xóm Giếng khi nào ông ấy ngủ mới dám về.

Tôi bỏ về nhà, bố tôi nằm trên giường , ông bị lao phổi, bệnh đã nặng. Ông ho sù sụ, mắt nhìn tôi buồn rười rượi. Ông hỏi như trách ” con lại về đấy à”. Tôi vào nhà ngó nhà một tí rồi lại trở lại quê. Cô ruột tôi ở Hà Nội về thăm , dúi cho mấy chục nghìn và mắng xa xả vì không chịu học hành làm ăn tử tế, bố mẹ già rồi mà còn ăn bám. Cô cứ chửi thế từ lúc tôi bé đến giờ, nhưng cô tốt lắm. Hồi tôi 5 tuổi bố tôi cho tôi ở nhà cô. Được mấy hôm tôi bỏ về, đi bộ từ đầu Khâm Thiên về đến Phất Lộc. Về đến nhà thấy cả nhà đứng trước cửa, nghe cô vừa kể vừa khóc, tôi lách qua chân người lớn vào thấy cô đang nói về tôi. Ngẩng đầu lên tôi bảo ” cháu đây mà”. Lúc thằng Tí Hớn con tôi 5 tuổi, cô thỉnh thoảng lại nhắc lại chuyện đó.

Cô biết chuyện ông chú chồng em gái họ mình say rượu, tôi kể cho cô nghe tôi phải nhiều đêm bỏ đi lang thang ra ngoài đình , ngoài bờ mương ngồi vạ vật qua đêm. Cô tôi bảo tôi lấy quần áo cô chở sang nhà ông em ruột bà nội tôi ở.

Nhà ông ở cách đó chục cây số làm nghề mổ lợn. Chú lớn nhất trong nhà chuyên đi mua lợn, chú thứ hai mổ. Dậy giết lợn lúc trời còn chưa sáng, đun nước bằng rơm, rồi vào chuồng kéo lợn ra, vật đổ , giữ chân cho chú chọc tiết, rồi cạo lông, mổ bụng, pha thịt. Mấy cái trò dao dựa này tôi học lại nhanh thuần thục. Pha thịt xong thì cô và bà mang chợ bán, tôi đi ngủ đến trưa dậy ăn cơm, ăn xong theo chú đi các làng xa gần mua lợn. Vừa đi vừa rao ai bán lợn không ông ổng khắp các làng.

Người bán lợn hay cho lợn ăn no, để cân được dôi ra. Chú tôi giao nhiệm vụ khi chú tôi khi bắt lợn phải làm sao để nó xổng đuổi càng nhiều vòng càng tốt, cho nó thở hồng hộc, phun cứt ra, hao cân mới bắt. Tôi mở chuồng lôi lợn ra, tuột tay lợn chạy, tôi quýnh quáng đuổi theo tóm tai, tóm đuôi, lợn chạy mấy vòng cả tôi và lợn đều thở hồng hộc. Chú đứng nhìn cứ cười khành khạch phân bua với chủ nhà ” đúng là trai Hà Nội chả làm được việc đéo gì, bắt con lợn không xong, kệ cho mày rèn luyện.”. Khi nào thấy chừng đủ rồi , chú tôi nháy mắt tôi mới giả bộ mừng rỡ tóm được con lợn và vật nó ra trói lại để cân. Đến khi cân lợn lại phải dùng thủ thuật ăn gian cân. Nhưng ăn gian cũng phải vừa phải, đầu tiên nhìn bằng mắt con lợn áng chừng bao nhiêu cân, sau đó tùy mặt chủ nhà để ăn gian. Con lợn người ta 100 cân mà ăn gian 20 thì sao qua được. Cứ ăn gian tầm 10 cân đổ lại là an toàn nhất. Chú tôi thường gian ở mức từ 5 đến 6 cân. Có lần chú tôi đứng cho tôi thử tay nghề, tôi làm một phát 15 cân. Chủ nhà không biết, hai chú cháu khiêng lợn ra cái xe Babeta buộc đẳng yên sau, tôi ngồi xổm ở gióng trước, chú tôi cầm lái vừa đi vừa nghêu ngao ca hát hoặc trêu gái đi đường. Về đến nhà chú tôi khoe loạn lên ” thằng này giỏi, thằng này sau khá lắm, mới thử tay nghề đã được những 15 cân, sau này có khi con lợn người ta 100 cân ,mày cân chỉ còn 30 cân , lúc đó tha hồ mà giàu cháu ạ, tháng chỉ cần mua một con như thế là ấm, mua nhiều đi lại mệt chứ báu bở gì ”. Ông tôi biết chuyện chửi cho hai chú cháu một trận, ông chửi chú tôi để tôi đứng cân như thế có ngày người ta giết mất cháu, người ta nuôi con lợn cả năm mới được, như là tích kiệm chứ lời lãi gì mà chúng mày ăn gian người ta như thế.

Chú tôi ăn gian như vậy để lấy tiền đánh bạc và chơi gái. Chú mê xóc đĩa và mê gái nạ dòng, quá lứa. Làng nào chú tôi cũng có một phụ nữ. Chú mồm năm miệng mười vào nhà người ta như nhà mình, miệng nói tay cứ sờ mông người ta, có người cáu gắt quát chú, nhưng chú vẫn nhăn nhở cười như không có gì. Tôi hỏi người ta đã đồng ý đâu chú đã sờ thế. Chú tôi bảo tôi ngu lắm, bọn nó mình nói không ăn thua gì , cứ phải sờ thế. Hôm nay nó chưa thích, nhưng đêm về nó mới nhớ lúc mình sờ, nó mới thèm. Kể ra thực tế thì chú nói cũng gần đúng, cứ ba người kiểu thế thì chú cũng ngủ với họ được hai. Chú cưởi hể hả bảo mình cưa gái như đi đặt lờ, đó ý mà. Cứ thả vài chỗ được chỗ nào thì được.

Tôi đã thành một tay lái lợn và đồ tể, cuộc sống ở quê đã quen. Tôi về thăm bố. Bố tôi ốm lắm, ông ho nhiều, có lúc ho cả ra máu. Lúc khoảng ngừng giữa cơn ho, bố nói.

- Bố muốn con về quê, lấy vợ và sống ở đó.

Tôi hỏi tại sao bố cứ muốn con phải ở quê, thành người ở quê. Bố tôi nhìn tôi từ đầu đến chân, nói khó khăn.

- Người như con không nên sống ở đây, bố sinh ra con bố biết tính con. Con về quê, lấy vợ, sống yên ở đó. Sau này quê mình phát triển thiếu gì việc làm con ạ.

Quê tôi cách trung tâm Hà Nội 15 cây số, đúng như bố tôi nói, chỉ mươi năm sau không kém gì Hà Nội về sự phát triển. Tôi ấm ức trở lại quê.

Mùa đông năm ấy lạnh, nửa đêm anh rể tôi về quê. Báo tin bố mất. Anh chở tôi về nhà, tôi vào buồng thấy bố đang nằm. Lúc chạm vào người bố thấy lạnh và cứng nhắc tôi mới bật khóc òa.

(Còn nữa)

© Người Buôn Gió

© Đàn Chim Việt

 

2 Phản hồi cho “Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [4]”

  1. T. says:

    Cám ơn ban biên tập ĐCV đã cho post lại phần IV ( Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar”.

  2. Lucia Nolan says:

    Ông già hối hả đánh thuốc, rít lấy rít để thêm vài điếu, bảo tôi ở lại để ông đi nghe ngóng. Tiếng đồng hồ sau về mặt xám ngoét nói hai thằng nhà nó đi cấp cứu, năm viện rồi. Nhưng không ai biết mày đâu, chúng nó điều tra cùng lắm nghi tao. Mày cầm cái xe tao mà đi, tao đi xa vào Nam kiếm cửa sống, lúc nào yên tao gọi mày.

Leave a Reply to Lucia Nolan