WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

GS Hoàng Tụy: ‘Chăm học có phải đã hay?’

ĐCV: Mới đây tổ chức quốc tế PISA công bố một khảo sát, theo đó, học sinh cấp 2 của Việt Nam giỏi hơn cả Anh, Pháp và Mỹ… Trên một số trang mạng xã hội, có dư luận cho rằng, bộ Giáo Dục đã tập huấn cán bộ, cho học sinh luyện các câu hỏi của PISA, cho nên kết quả này là thiếu trung thực.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, người định cư ở Úc và có nhiều kinh nghiệp với giáo dục chia sẻ như sau trên Facebook cá nhân của mình: “Để giới thiệu về các lĩnh vực Toán, Khoa học, Đọc hiểu, VN đã nghiên cứu kỹ tất cả các dạng bài thi PISA đã công bố, tóm tắt và khái quát các dạng bài thi với các yêu cầu kỹ thuật làm từng dạng bài thi, từng loại câu hỏi để giáo viên nắm được kỹ thuật về giới thiệu cho học sinh. Tiếp đó, ngành GD-ĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ cốt cán từ trung ương đến địa phương. Để đưa PISA vào trường phổ thông, Bộ chỉ đạo trên toàn quốc các giáo viên đã được tập huấn PISA thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tuần, thảo luận từng dạng bài thi và các dạng câu hỏi thi PISA. Giáo viên giới thiệu cho học sinh một số câu hỏi thi PISA được in trong tài liệu tập huấn. Có trường xây dựng được mạng nội bộ đã đưa lên mạng các dạng bài thi PISA cho học sinh làm, mở cuộc thi nhỏ tìm hiểu về PISA”

Trong nước, một số nhà giáo dục cũng đã lên tiếng. Dưới đây là bài phỏng vấn giáo sư Hoàng Tụy liên quan tới sự kiện kể trên.

————————————————–

 

GS Hoàng Tụy

GS Hoàng Tụy

Giáo dục Việt Nam yếu từ bậc THPT trở lên

Sau khi xem kỹ bản thông tin kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do tổ chức Hợp tác  Kinh tế và Phát triển thế giới công bố, GS Hoàng Tụy nói với VietNamNet:

Tôi không bất ngờ với kết quả này, tại vì chỗ yếu của giáo dục Việt Nam là từ cấp 3 (THPT) lên tới đại học. Nếu có kỳ kiểm tra quốc tế ở các cấp học đó, chắc chắn Việt Nam sẽ không có kết quả tốt như thế này.

Từ trước đến nay, tôi vẫn không nghĩ THCS là khâu yếu, dù vẫn còn có vấn đề về chương trình học, giáo viên, phương pháp học… Bởi vì bậc THCS đã có từ lâu, trong Nam ngoài Bắc bậc học này đều phát triển. Hơn nữa, bậc học này ít phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hơn nữa, ở độ tuổi đến 15 tuổi, chúng ta có truyền thống hiếu học, mọi gia đình đều cố gắng cho con em đi học.

Còn cái yếu ở bậc THPT là yếu tệ hại. Bên cạnh chương trình, giáo viên, từ cấp học này trở lên đòi hỏi nhiều trang thiết bị thực hành, thí nghiệm… mà chúng ta lại quá thiếu thốn.

Có một số ý kiến cho rằng đây là kết quả “ảo”, không phản ánh đúng thực chất chất lượng học sinh Việt Nam. Bên cạnh đó, sở dĩ đạt kết quả tốt là do Bộ GD-ĐT đã triển khai việc “luyện thi” PISA trên toàn quốc. Ông nghĩ sao trước những băn khoăn về chất lượng kết quả đánh giá?

-Những ví dụ mà Bộ GD-ĐT về những câu hỏi mà học sinh Việt Nam gặp khó khăn khi trả lời chính là những điểm yếu của bậc THCS hiện nay. Điều này chứng tỏ Việt Nam chưa tiếp thu, hội nhập được hoàn toàn với bài thi PISA. Nhưng chỉ với một thời gian chuẩn bị không dài mà đạt được kết quả như vậy, bởi vì người Việt Nam vốn được tiếng là nhanh hiểu.

Thi cử kiểu Việt Nam lạc hậu, nên có những nghi ngờ về kết quả thực chất là đương nhiên. Nhưng PISA là kỳ thi có cách làm khác với uy tín toàn cầu, chúng ta có thể tin tưởng vào kết quả.

Đây là kết quả khả quan, nhưng cần lưu ý là nó không nói lên chất lượng của cả nền giáo dục Việt Nam, mà chỉ tới bậc THCS.

Tại sao chúng ta có nền tảng giáo dục khá tốt như vậy nhưng lên bậc học cao hơn lại kém dần, thưa ông?

-Vấn đề này tôi đã nói nhiều rồi, kiến nghị nhiều rồi, rằng chúng ta lạc hậu ở đâu, lạc hậu như thế nào.

Bậc THPT là bậc chuẩn bị vào đời. Ở các nước phát triển, học sinh phải chọn một nghề, hoặc chọn một hướng đi cho tương lai của mình, phù hợp khả năng riêng, yêu cầu của đất nước trong từng giai đoạn.

Sau bậc THCS lẽ ra phần lớn học sinh vào trường hướng nghiệp học vài ba năm, ra trường có nghề trong tay. Nếu học sinh vào học THPT dứt khoát là chuẩn bị để vào đại học với chuyên môn nhất định.

Thế nhưng, bậc THPT ở mình lại như tiếp tục, bổ sung cho THCS, ai cũng như nhau. Nhiều người phải học những cái không thích, học rất nặng, trong khi những điều cần thiết lại không được học.

Bậc THPT chuẩn bị không đầy đủ, hàng năm có hàng trăm nghìn học sinh không vào được đại học, ra đời không có nghề nghiệp phải đi lao động phổ thông hoặc mới bắt đầu học nghề, lãng phí 12 năm đi học. Mà chương trình THPT cũng không chuẩn bị tốt cho học sinh vào ĐH.

Thêm nữa khuyết điểm rất nặng của giáo dục Việt Nam là dạy theo phương pháp học vẹt, học thuộc lòng, không rèn luyện tư duy độc lập, không học cách tự học, học theo môn thi, có thi mới học… Học như vậy ra đời không thành công được.

Vì vậy mà rất rõ ràng là lên đại học, ngay cả những em học hết phổ thông ở Việt Nam rồi ra nước ngoài, học vài năm đầu rất khá, vì chưa đòi hỏi nhiều sự độc lập, sáng tạo. Nhưng sau các em sẽ thấy khó khăn dần.

Nhiều giả dối, không sáng tạo sẽ không thể cạnh tranh

Như vậy, nguyên nhân dẫn đến những than phiền của nhiều doanh nghiệp về chất lượng nhân lực bắt nguồn từ giáo dục THPT lên tới đại học?

- Như tôi đã nói ở trên, kết quả giáo dục của Việt Nam càng lên cao càng sút kém, do mục tiêu đào tạo con người của mình không chuẩn.

Nguyên nhân là triết lý, đường lối giáo dục Việt Nam hiện nay nặng về tính chất đào tạo con người theo khuôn mẫu định trước, thành ra không có đầu óc phê phán. Kiểu học-thi trong nhà trường như vậy không khuyến khích tự học, tự tìm hiểu, lật qua lật lại vấn đề.

Trong thời đại ngày nay, nếu không có đầu óc phê phán và tư duy độc lập thì không thể có tư duy sáng tạo. Đó là điểm yếu khi cạnh tranh với người ta.

Vấn đề này không chỉ do giáo dục, mà một phần do xã hội. Từ hồi phong kiến, rồi cho đến sau này trong xã hội vẫn cứ tư duy áp đặt, phải suy nghĩ như thế, nghĩ khác sẽ bị thiệt. Đây là điểm yếu của cả xã hội chứ không chỉ giáo dục.

Thêm vào đó, trong thời đại này – và dĩ nhiên thời đại nào cũng vậy, xã hội nào cũng vậy – trung thực là vô cùng cần thiết. Nhưng đức tính đó trong xã hội Việt Nam hiện nay rất thiếu sót. Nhiều giả dối, không độc lập suy nghĩ, sáng tạo, thì sẽ không cạnh tranh được với ai đâu.

Tại sao trí tuệ học sinh Việt Nam không phải thấp so với mặt bằng chung của thế giới mà công trình khoa học, phát minh, sáng kiến lại thua xa, thưa ông?

-Cái này cũng do lỗi giáo dục, nhưng không chỉ có thế.

Môi trường làm việc ở các nước phát triển, có nhiều người giỏi chuyên môn sẽ tạo ra kết quả tổng hợp là phát huy được hết tài năng của mỗi người.

Ở những nước trình độ chung còn kém, thì những cái kém đó thể hiện ở điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ… Ở Việt Nam tất nhiên là có những người có tiềm năng xuất chúng, khắc phục được phần nào nhược điểm của môi trường học tập ở bậc phổ thông và có thể đại học. Nhưng để phát huy thành tài năng xuất chúng trong khoa học cần phải có môi trường thuận lợi hơn, nhiều bạn bè, thầy giáo giỏi giang hơn.

Việt Nam ít tiềm năng để giành những giải thưởng quốc tế lớn là điều… tự nhiên.

Tất nhiên trên thế giới cũng có những người cực kỳ xuất chúng mà không cần có môi trường thuận lợi để phát triển, như trường hợp nhà toán học huyền thoại của Ấn Độ – ông Srinivasa Ramanujan với những công trình toán học vĩ đại dù chỉ nghiên cứu ở Ấn Độ. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên, cũng cần so sánh, ở những nước dân số tới cả tỉ người như Trung Quốc, Ấn Độ, số lượng người tài năng nhiều hơn là đương nhiên.

Ngay cả những nước rất phát triển nhưng dân số ít thì cũng không thể có nhiều người đoạt giải thưởng lớn như giải Nobel được, trừ Israel là một dân tộc đặc biệt.

Về kết quả này, nhà báo Ngô Vạn Phú của Thời báo Kinh tế Sài Gòn đặt vấn đề: Vì sao Việt Nam hay Trung Quốc vẫn nằm ở gần đáy của các bậc thang giá trị trong cái chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ một chiếc áo sơ mi bán với giá 20 USD thì Việt Nam chỉ thu chưa được 1 USD tiền công cắt may. Hay chiếc điện thoại Samsung vài trăm USD thì giá trị do công nhân Việt Nam tạo ra qua công đoạn lắp ráp chỉ là vài ba USD mà thôi. Như vậy có thể kết luận giáo dục Mỹ kém giáo dục Việt Nam hay phải nói ngược lại, họ khôn hơn dân Việt Nam nhiều?

-Tôi muốn kể lại một câu chuyện thế này.

Trước đây trên một tờ báo của Đức có viết bài so sánh học sinh tiểu học Việt Nam (cụ thể là ở Hà Nội) và học sinh tiểu học của Đức (cụ thể là ở Munich). Bài báo này khen học sinh Việt Nam khá nhiều, đã có một số tờ báo Việt Nam đăng lại và cho rằng học sinh Việt Nam hơn học sinh Đức. Cụ thể, trong bài báo có nói học sinh Việt Nam hơn học sinh đức về môn toán, trật tự, ngoan ngoãn hơn. Còn học sinh đức dường như thông minh hơn.

Khi được hỏi về bài báo này, tôi có trả lời nếu tôi là người Đức tôi sẽ yên tâm, còn tôi là người Việt Nam tôi hết sức lo lắng. Bởi vì, ở tuổi đó, làm toán hay ngoan ngoãn là chuyện nhỏ, thông minh mới là chuyện lớn.

Làm được toán hay không là do cách dạy, làm bài tập nhiều, chứ không phải thông minh.

Những kỳ thi như PISA tôi cho rằng không đo được điều đó. Có những đức tính, kỹ năng cần thiết ở mỗi người PISA không kiểm tra, thi thố được.

Cho nên dừng có dựa vào cái này để cho rằng mình hơn.

Quan trọng là ở độ tuổi về sau, xã hội có tiến lên không là ở giai đoạn sau này của mỗi người.

Kết quả này còn thể hiện ở chỗ: Học sinh Việt Nam chăm học hơn học sinh các nước. Điều này vị tất đã là hay?

Cách dạy ở Việt Nam áp đặt nhiều, trẻ con nghe lời bố mẹ, thầy cô từ cái lớn đến cái nhỏ. Trẻ em không phát huy được hết sự hồn nhiên.

Chỉ có một số ít nhà khoa học xuất sắc ngay từ nhỏ. Nhưng phần lớn tài năng phát lộ ở độ tuổi thanh niên.

Đi đường dài phải lượng sức. Ví dụ như ở các cuộc thi maraton, những người dẫn đầu ở lúc xuất phát ít khi là người thắng cuộc.

Xin cảm ơn giáo sư.

Hạnh Ngân – VietNamNet (thực hiện)

2 Phản hồi cho “GS Hoàng Tụy: ‘Chăm học có phải đã hay?’”

  1. VIỆT KIỀU says:

    GS Hoàng Tụy: ‘Chăm học có phải đã hay?’ : Đến như khía cạnh này, rõ như ban ngày, mà Giáo Sư còn phải đặt câu hỏi, cho tôi xin thưa ngay : ” Chăm học thì hay, hay quá đi chứ lị, thưa giáo sư ” . Có công mài sắt có ngày nên kim . Thế nhưng có công mà không có sắt thì…cũng là công cốc . Cũng như là có HỌC mà không có HÀNH thì cũng chẳng giúp ích gì được cho đời sống con người, nhân loại, bất quá chỉ đạt đích vinh thân phì gia thôi ? Cái khó nó bó cái khôn, đất nước mình vốn nghèo lại nghèo khổ thêm vì chiến tranh triền miên, lại thêm những người lèo lái thiếu tinh thần trách nhiệm…mà đánh trống bỏ dùi, cho học mà không cho hành . Tôi đã từng chứng kiến cảnh đau lòng, một du sinh ( chắc mới thoát khỏi trung học ) trong phòng thí nghiệm loay hoay mãi mới biết cách xử dụng cái kính hiển vi, trong khi đó một em học sinh tiểu học xử dụng rất thành thạo ! Đó mới là câu hỏi chúng ta nên đưa ra tại sao ?

  2. saovang says:

    Nghiên cứu khoa học, Việt Nam thua Thái Lan nửa thế kỷ
    Friday, January 11, 2013 6:55:02 PM

    VIỆT NAM (NV) – Dân số Việt Nam nhiều gấp 17 lần, nhưng số tài liệu nghiên cứu khoa học của Việt Nam chỉ bằng 1/10 đảo quốc Singapore. Còn so với Thái Lan, ngành nghiên cứu khoa học của Việt Nam thua đến… nửa thế kỷ. Ðó là nhận định một học giả người Việt Nam tại đại học quốc gia Singapore, Tiến Sĩ Bùi Du Dương.

    Theo VNExpress, phúc trình của Tiến Sĩ Bùi Du Dương trích dẫn thống kê của Viện Thông Tin Khoa Học viết tắt là ISI nói rằng Việt Nam chỉ có khoảng 13,172 tài liệu nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế. Con số này, đối với thế giới là quá ít ỏi, trong khoảng thời gian kéo dài 15 năm từ 1996 đến 2011.

    So với Việt Nam, Thái Lan – cũng trong khoảng thời gian trên – có gần 70,000 tài liệu nghiên cứu được công bố chính thức trên các tạp chí quốc tế, nhiều gấp 5 lần Việt Nam. Còn số tài liệu nghiên cứu của Malaysia là 75,000, nhiều gấp 6 lần và Singapore là 126,881, nhiều gấp mười lần Việt Nam. Trong khi đó, dân số Việt Nam nhiều gấp 17 lần Singapore, gấp ba lần Malaysia và gấp rưỡi Thái Lan.

    Nhận định của ông Bùi Du Dương còn nói rằng thực trạng kém cỏi của ngành nghiên cứu khoa học Việt Nam chỉ tính trong không gian nhỏ hẹp của các quốc gia Ðông Nam Á, chứ chưa nói trên phạm vi toàn cầu.

    Ðáng lo là cả “làng trí thức” của Việt Nam bao gồm 9,000 vị giáo sư và phó giáo sư, 24,000 vị tiến sĩ và trên 100,000 thạc sĩ, tổng cộng là 133,000 nhà trí thức, một con số khổng lồ. Thế mà, số tài liệu nghiên cứu khoa học được công bố của Việt Nam chưa bằng 1/5 của trường Ðại Học Tokyo và chỉ bằng một nửa của trường đại học quốc gia Singapore.

    Ông Bùi Du Dương cũng cho biết, trong khi Việt Nam lạc hậu ghê gớm thì các quốc gia trong vùng như Trung Quốc, Nam Hàn và Ðài Loan đang vươn lên vượt bậc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Phản hồi