Ai? Đảng nào?
Trong tác phẩm Chính trị học (Πολιτικά) viết cách đây hơn 2300 năm, Aristotle đã có những nhận xét thẳng thắn nhưng không mấy sáng sủa về con người: “Con người muốn cầm quyền mãi mãi”, “luyến ái thường gây chao đảo lòng người”, “con thú dục vọng và tham vọng luôn gây hủ bại trí não và tâm hồn kẻ cầm quyền, ngay cả khi họ là những người tốt nhất”, “con người dễ hư hỏng”.[i]
Cũng trên tinh thần cảnh giác đó, năm 1788, trong Luận về chính quyền (Federalist)số 51, tác giả Publius [ii] đã nêu ra nhận định:
“Nếu con người là thiên thần, chính quyền sẽ thừa. Nếu thiên thần quản trị con người, các phương tiện kiểm soát chính quyền, cả trong lẫn ngoài, đều không cần.” Vì tất cả chúng ta không phải là thiên thần, hay thánh thần, Publius viết tiếp một cách sáng suốt và công bằng thế này:
“Nhưng khi phải thiết kế một chính quyền để con người quản trị con người thì nan giải lớn nhất nằm ở đây: Đầu tiên phải tạo điều kiện để chính quyền kiểm soát được người bị trị. Tiếp theo là phải buộc được chính quyền tự kiểm soát được chính nó. Và, chắc chắn, kiểm soát cơ bản đối với chính quyền là bắt nó phải lệ thuộc vào nhân dân.”
Nhìn vào các chính quyền, với nhiều tên gọi và nhiều “đổi mới” khác nhau, do người cộng sản thiết kế và dựng lên ở Việt Nam từ trước tới nay, chúng ta phải công tâm thừa nhận rằng: Lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã xuất sắc tạo ra các phương tiện và điều kiện để kiểm soát chặt chẽ dân chúng – người bị họ cai trị. Song, vế bên kia, như đề xuất của Publius, hầu như không có một cơ chế nào để Đảng Cộng sản Việt Nam biết tự tiết chế, kìm hãm những hành vi đục khoét, sách nhiễu, trấn áp hoặc kiểm soát quá đà nhân dân. Còn, “kiểm soát cơ bản” – bắt chính quyền phải lệ thuộc vào nhân dân, như Publius nhấn mạnh – thì hoàn toàn không.
Đến như báo chí tư nhân hợp pháp, đã có nhiều ở thời thuộc Pháp và có rất nhiều trong thời Việt Nam Cộng Hòa, người cầm quyền cộng sản cũng không để cho tồn tại, thì nói gì tới những công cụ “kiểm soát cơ bản” khác như hội đoàn tư nhân, biểu tình, đảng đối lập, tư pháp độc lập hay bầu cử tự do và công bằng, v.v.
Có lẽ trong sự quẫn bách âu lo cho vận mệnh dân tộc, nhiều người vẫn đang cố kiên trì đánh tiếng cổ xúy, vận động cho ông này, ông kia, thuộc phe (giả định) này, phe (giả tưởng) kia lên nắm chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ngoại trừ các cổ xúy có ngòi bút đã bị xoắn theo chiều bổng lộc, đã để ngọn lửa ân oán riêng tư bốc quá cao hoặc là một hỗn hợp của cả hai, những tiếng nói đó, quả thực, không phải không gây cảm kích lòng người.
Nhưng lấy gì để đảm bảo cho những kẻ, là con người chứ không phải thiên thần, đoạt được quyền trong một chính thể hoàn toàn vắng “kiểm soát cơ bản”, gạt được các dục vọng của bản thân và vượt lên được những hiểm nguy của cá nhân để phụng sự nhân dân, đất nước?
Lấy gì để chắc chắn những kẻ thâm như Tàu đã tỏ rõ quyết tâm xâm lược, quen trấn áp, tàn sát chính đồng bào của chúng sẽ không rắp tâm hăm dọa, mua chuộc, trừ khử mọi mầm độc lập, tiến bộ (nếu có) trong một chính thể đã thề nguyền “răng môi”, “16 vàng, 4 tốt”?
Ai, đảng cầm quyền nào có thể dựa vào lòng dân khi chính quyền của họ chuyên chĩa mũi súng “chống khủng bố” vào nhân dân; và luôn gọi đổng nhân dân tiến bộ là “thù địch”?
Nguồn: nhucaytrevn.blogspot.com
—————————————
Ghi chú:
[i] Aristotle, Politics, Books III-V, The Great Books Foundation, Chicago, 1955, trang 13, 33, 37, 100. Quí vị có thể đọc bản dịch Anh ngữ tại đây Hoặc mua bản dịch tiếng Việt tại đây.
[ii] Publius là bút danh chung của ba chính trị gia người Mỹ, Alexander Hamilton (1755-1804), James Madison (1751-1836) và John Jay (1745-1829). Tác giả của bài luận số 51 này đến nay vẫn chưa xác định được chính xác là ai giữa hai người, Madison và Hamilton. Các trích dẫn ở đây thuộc bản dịch (chưa xuất bản) của Phạm Hồng Sơn. Quí vị có thể xem nguyên bản Anh ngữ tại đây.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA CHÍNH ĐẢNG TƯ SẢN
VÀ CHÍNH ĐẢNG CỘNG SẢN
Đảng là sự tập hợp thường tình của những cá nhân nào đó cùng chung một mục đích nào đó. Chính đảng hay đảng chính trị là đảng nhằm vận động giành chính quyền và điều khiển chính quyền theo mục đich lý tưởng hay tôn chỉ riêng của mình.
Đảng tư sản là đảng của xã hội tư sản. Tức là xã hội không phải xã hội cộng sản mác xít, không theo tư tưởng mác xít. Như thế không thể chỉ có một đảng mà có thể có nhiều đảng khác nhau. Mục đích thành lập nói chung phải hợp pháp, hoạt động cũng phải hợp pháp, có nghĩa tuân theo tự do dân chủ và không được hành động gì khuynh loát nhau một cách phi pháp. Ý nghĩa cuối cùng của các chính đảng này là cạnh tranh trong mục đích lành mạnh, trong sự lành mạnh, để làm cho chính quyền hợp lý về mọi mặt, tiến bộ về mọi mặt và hiệu quả về mọi mặt theo như tiêu chí và lòng mong mỏi của mỗi chính đảng đó.
Nhưng đảng cộng sản mác xít thì hoàn toàn khác. Nó được thành lập từ thời Lênin, tức thời cách mạng 1917 ở Nga và mô thức cũng như mục đích trở thành phổ biến chung trong mọi nước kể từ ngày đó. Có nghĩa theo lý thuyết Mác, giai cấp công nhân vô sản trên thế giới phải là giai cấp lãnh đạo tiên phong trên thế giới để tiến tới thực hiện chủ nghĩa vô sản trên toàn thế giới, được gọi là chủ nghĩa cộng sản khoa học do Mác tự mệnh danh lý thuyết của mình là khoa học.
Như vậy trong thể chế cộng sản mác xít không thể có đa đảng như kiểu xã hội tư sản và mục đích của nó cũng hoàn toàn khác nhau. Bởi vậy sự ra đời của đảng cộng sản mác xít cũng không giống sự ra đời của những đảng phái tư sản. Sự ra đời của đảng cộng sản mác xít phải dựa vào ba công cụ chủ yếu : sự tuyên truyền nhằm truyền đạt ý thức hệ, sự tổ chức chặt chẽ có phần cưỡng chế thường xuyên, sự dựa vào yếu tố thời cơ bên ngoài nào đó. Trước đây là thời cơ giải phóng dân tộc nơi các xã hội thuộc địa. Nếu không chăng nữa cũng là xuất phát từ sự nhập khẩu của các trung tâm quyền lực thế giới cộng sản như Liên Xô hay Trung Quốc trước kia được cài đặt vào các nước khác nhưng được mệnh danh là phong trào quần chúng nhân dân hay của giai cấp công nhân.
Thật ra bất kỳ chính đảng nào cũng giống bất kỳ chính đảng nào, tức có thời thành lập, thời phát triển, thời chựng lại, thời thoái hóa và thời tan rã. Đó là quy luật chung của muôn vật không có bất kỳ sự nhân danh nào thắng được nó cả. Sở dĩ những chính đảng tư sản không thể độc tài độc đoán vì nó không có kiểu ý thức hệ nào nhân danh lịch sử tuyệt đối cả. Đó chỉ là ý chí tự do và nguyện vọng cùng mục đích mang tính tự do của những người đồng chí hướng gần gủi kết tụ lại với nhau. Chúng biến chuyển theo lịch sử và tồn tại theo sự biến chuyển chung của lịch sử khách quan.
Trong khi đó đảng cộng sản mác xít tự nhận học thuyết Mác là tuyệt đối đúng, con đường cộng sản mác xít là con đường tuyệt đối đúng, là chân lý khách quan tuyệt đối, nên họ phải chủ trương độc tài để thực hi
Trong khi đó đảng cộng sản mác xít tự nhận học thuyết Mác là tuyệt đối đúng, con đường cộng sản mác xít là con đường tuyệt đối đúng, là chân lý khách quan tuyệt đối, nên họ phải chủ trương độc tài để thực hiện cho được mục tiêu của Mác.
Tuy nhiên ngày nay ai cũng thấy Liên Xô đã tan rã, thế giới cộng sản mác xít được mệnh danh là xã hội chủ nghĩa trên danh từ trước kia đã sụp đổ, Trung Quốc cũng đã quay lại kinh tế nhiều thành phần, kinh tế thị trường. Đó là chưa nói với thời gian và điều kiện phát triển của thế giới hiện tại, học thuyết Mác càng trở nên như một quá khứ không cơ sở khoa học khách quan thực tế, càng trở nên như một tương lai không tưởng. Đó chính là lý do tại sao mọi sự độc tài của thuyết vô sản mác xít ngày nay đã trở nên hoàn toàn vô lý và mọi sự sự độc tài của đảng mác xít cũng không đi ra ngoài ý nghĩa và thực chất như thế. Đấy sự khác nhau của các chính đảng tư sản và chính đảng vô sản theo mô hình Mác Lê xưa kia cho tới nay cũng chỉ hoàn toàn có thế.
THƯỢNG NGÀN
(22/01/16)