Buông đao thành Phật
Người dân Myanmar lại mới nhận thêm một tin mừng khi Thống tướng Than Shwe, chính trị gia quân sự được cho là có ảnh hưởng lớn nhất trên bầu trời chính trị quốc gia Đông Nam Á này dù đã về hưu từ năm 2010, tuyên bố xem bà Aung San Suu Kyi là một “nhà lãnh đạo tương lai” của đất nước.
Từ kẻ thù thành đối tác
Chỉ mới 5 năm trước, tướng Than Shwe đã từng ra lệnh quản thúc tại gia 21 năm đối với bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD), chủ nhân của giải Nobel hòa bình năm 1991.
Trong cuộc bầu cử năm 1990, NLD đã giành thắng lợi áp đảo, nhưng chính quyền quân sự dưới thời tướng Than Shwe đã bỏ qua kết quả này.
Tướng Than Shwe năm nay 82 tuổi, từng cai trị Myanmar trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến 2011, trước khi chuyển giao quyền lực cho một chính phủ bán quân sự do quân đội hậu thuẫn và trung thành với mình do tướng Thein Sein đứng đầu.
Tờ Myanmar Times ngày 7/12 có bài điểm lại cuộc đời và sự nghiệp của chính trị gia quyền lực bậc nhất sau màn trướng này với tít bài: “Than Shwe: Từ nhân viên bưu điện đến nhà độc tài quân sự”.
Myanmar Times bình luận, dù không xuất hiện nơi công cộng trong suốt 4 năm qua, nhưng tướng Than Shwe vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh đằng sau hậu trường.
Bà Aung San Suu Kyi đã bị chính quyền quân sự dưới thời Thống tướng Than Shwe quản thúc tại gia trong 15 năm. Cuộc gặp giữa hai chính khách cựu thù hôm 4/12 và kết quả tốt đẹp của nó được Myanmar Times xem như bước ngoặt lịch sử.
Động thái này đã xác nhận vai trò mới của tướng Than Shwe như một kiến trúc sư của quá trình chuyển đổi chính quyền quân sự sang dân sự.
Cuộc gặp lịch sử
Cuối ngày 5/12 cháu nội của Thống tướng Than Shwe, Nay Shwe Thway Aung đã viết trên Facebook của mình rằng, bà Aung San Suu Kyi và tướng Than Shwe đã có cuộc gặp kéo dài 2 tiếng hôm Thứ Sáu 4/12 tại nhà riêng của ông.
Cháu nội Than Shwe dẫn lời ông mình cho biết: “Mọi người phải chấp nhận sự thật rằng, Daw Aung San Suu Kyi sẽ là nhà lãnh đạo tương lai của Myanmar sau thắng lợi trong cuộc bầu cử.” Trong tiếng Myanmar, Daw là một tiền tố/kính ngữ thể hiện sự tôn trọng khi gọi tên người khác.
“Tôi thực lòng ủng hộ bà ấy hết khả năng có thể nếu bà muốn phát triển đất nước”, Thống tướng Than Shwe nói. Theo The Straits Times, người phát ngôn của NLD Win Myint xác nhận cuộc gặp diễn ra tối Thứ Sáu.
Win Htein, một nghị sĩ của đảng NLD nói rằng, bà Aung San Suu Kyi gặp tướng Than Shwe vì bà tin vào ảnh hưởng của ông đối với chính phủ và quân đội Myanmar.
Cuộc gặp lịch sử xảy ra bất ngờ sau khi bà Aung San Suu Kyi đã có các cuộc tiếp xúc và làm việc với Tổng thống Thein Sein, Chủ tịch Quốc hội Shwe Man, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing bàn về hòa giải dân tộc, thúc đẩy chuyển giao quyền lực.
Xóa bỏ hận thù
15 năm năm bị quản thúc tại gia mà không có bất kỳ bản án nào, người ta không nhận thấy bất kỳ sự thù hận nào từ người phụ nữ này đối với những người đã giam cầm bà. Ngược lại, bà Aung San Suu Kyi đã tìm cách đối thoại và nuôi dưỡng một quan hệ tốt đẹp với các “cựu thù” và nỗ lực thúc đẩy một chính phủ dân sự chia sẻ quyền lực với quân đội.
Nehginpao Kipgen, một nhà bình luận chính trị Myanmar nói với Myanmar Times, bà Aung San Suu Kyi sẽ đảm bảo an toàn, an ninh cho các cựu lãnh đạo cũng như các tướng lĩnh quân đội khi bà lên nắm quyền điều hành đất nước sau bầu cử.
Trên trang Facebook của mình, cháu nội tướng Than Shwe cho rằng, tinh thần hòa giải dân tộc của bà Aung San Suu Kyi có thể bao gồm một sự đảm bảo như vậy. Bởi bà Aung San Suu Kyi từng nói:
“Tôi không có khái niệm trả thù bởi nó chỉ gây hại cho đất nước. Để xây dựng tương lai cho đất nước thành công, NLD cần hợp tác với tất cả các đảng phái, bao gồm cả các tướng lĩnh. Tôi muốn gặp Thống tướng Than Shwe”.
Ko Nay Shwe Thway Aung cũng đăng tải một thông điệp với sự đồng ý của cả NLD và ông nội mình, giải thích rằng lý do quân đội từ chối chuyển giao quyền lực cho NLD một cách hòa bình sau cuộc bầu cử năm 1990 là vì “thiếu vắng sự tin cậy đối với NLD”:
“Kết quả là có một sự hiểu lầm của công chúng về các tướng lĩnh quân đội và các thành viên của đảng thắng cử (NLD năm 1990) đã bị bắt giữ, đất nước thì bị áp đặt lệnh trừng phạt quốc tế, đau khổ kéo dài hơn 25 năm qua”.
Cơ hội làm Tổng thống
Mặc dù chưa có thông báo chính thức nào về nội dung cuộc họp giữa bà Aung San Suu Kyi với các tướng lĩnh quân đội đương nhiệm lẫn nghỉ hưu có ảnh hưởng đến nền chính trị đất nước được công bố, nhưng những hoạt động của bà và hưởng ứng từ lãnh đạo quân sự đã làm lóe lên tia hy vọng bà có thể sớm trở thành Tổng thống Myanmar.
Dưới thời Thống tướng Than Shwe, phe quân sự đã mất 18 năm xây dựng hiến pháp với các điều khoản bảo vệ lợi ích của mình. Năm 2008, các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar sửa hiến pháp với quy định cấm các ứng cử viên có vợ/chồng hoặc con cái mang quốc tịch nước ngoài được đảm nhiệm cương vị Tổng thống, một quy định nhằm chặn đường bà Aung San Suu Kyi ngồi vào cương vị này.
U Aye Thu San, biên tập viên Myanmar Times ngày 7/12 nhận định rằng, có hy vọng bà Aung San Suu Kyi có thể trở thành Tổng thống kế nhiệm tướng Thein Sein, mặc dù thay đổi hiến pháp đòi hỏi phải có sự đồng ý của quân đội vốn có quyền phủ quyết thông qua 25% số ghế mặc nhiên trong quốc hội.
U Than Soe Naing, một nhà phân tích chính trị nói với Myanmar Times, tuyên bố mới nhất của tướng Than Shwe về bà Aung San Suu Kyi đã mang lại hy vọng cho người dân. Tuy nhiên kết quả cuối cùng vẫn còn phải chờ thời gian cũng như những nỗ lực từ cả hai phía.
“Khả năng bà Aung San Suu Kyi trở thành Tổng thống cũng sẽ phụ thuộc vào cách thức bà xây dựng cơ cấu Nội các mới. Việc đưa vào Nội các những Bộ trưởng hiện nay của đảng USDP sẽ có ảnh hưởng đối với nhiệm kỳ Tổng thống của mình.
Tôi nghĩ rằng hiến pháp hiện nay không thể sửa đổi mà không cần sự đồng ý của Than Shwe. Đó có thể là một điểm khởi đầu để bà Aung San Suu Kyi lên làm Tổng thống”, U Than Soe Naing nhận định.
The Wall Street Journal ngày 7/12 dẫn lời Richard Horsey, một nhà phân tích độc lập ở Yangon, Myanmar nhận xét, việc các tướng lĩnh Myanmar từ Than Shwe, Thein Sein, Shwe Man cho đến Min Aung Hlaing ủng hộ bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền đã cho thấy, quân đội đang háo hức để được nhìn nhận như là một lực lượng bảo đảm cho nền dân chủ phát triển mạnh ở Myanmar.
Buông đao thành Phật
Thông tin về cuộc gặp giữa bà Aung San Suu Kyi với Thống tướng Than Shwe cùng bầu không khí thân thiện, những đánh giá tốt đẹp dành cho nhau đang nhận được sự hoan nghênh, hưởng ứng và khen ngợi dặc biệt từ dư luận Myanmar, đặc biệt là trên truyền thông báo chí cũng như mạng xã hội.
Tiếp theo lời chúc phúc chân thành và cam kết chuyển giao quyền lực trong hòa bình của Tổng thống Thein Sein là đến những phát biểu làm nức lòng người dân Myanmar từ Thống tướng Than Shwe. Có lẽ đó là những dấu hiệu một kỷ nguyên mới đang bắt đầu trên quốc gia Đông Nam Á này.
Nếu như bà Aung San Suu Kyi trở thành anh hùng đấu tranh cho tự do, dân chủ và tương lai của dân tộc Myanmar, Tổng thống Thein Sein và các tướng lĩnh quân đội đương quyền được biết đến như những người tạo môi trường nuôi dưỡng nền tự do – dân chủ và tương lai ấy thì “Thái thượng hoàng” Than Shwe – người có quyền lực đặc biệt sau hậu trường chính trị Myanmar càng đóng vai trò quyết định trong việc chuyển đổi hòa bình chính quyền quân sự sang dân sự.
Phương ngôn có câu, ai thắt nút chuông thì người đó cởi. Điều này thật trùng hợp trong trường hợp của Myanmar, một đất nước mà Phật giáo Nguyên thủy là quốc đạo. Quay đầu là bờ, buông đao thành Phật có lẽ đã trở thành chọn lựa của các nhà chính khách quân sự, các tướng lĩnh quyền lực và quyền lợi đầy mình trước vận hội mới, tương lai, tiền đồ của dân tộc.
Họ đã chiến thắng chính mình, một chiến thắng khó khăn nhất và cũng vẻ vang nhất. Với những gì đã và đang diễn ra, hy vọng tương lai mới, cuộc sống mới hồi sinh đem lại ấm no, hạnh phúc, bình yên và thịnh vượng đang đến với Myanmar.
Dư luận khu vực cũng như cộng đồng quốc tế đang dõi theo những diễn biến chính trị mới nhất tại đất nước Chùa Vàng với mong mỏi, chúc phúc và hy vọng Myanmar chuyển đổi trong hòa bình và vươn lên mạnh mẽ.
Lịch sử sẽ rất công bằng khi phán xét, bởi quá khứ đã qua không thể thay đổi, nhưng thay đổi tương lai là điều nằm trong tầm tay, miễn là các nhà lãnh đạo biết hy sinh lợi ích riêng vì quốc gia, dân tộc, đoàn kết cùng nhau kiến tạo nên tương lai tốt đẹp ấy.
Hồng Thủy (Giaoduc.net)
Buông cái đao trong tay?
Còn cái đao trong lòng,
Nguyhiểm! Mấy ai hay?!,
Chưa thành phật! Đừng hòng!!!
“Chưa thành phật! Đừng hòng!”
Nhưng Dân sẽ một lòng
Lấy đao của đồ tể
Moi ruột xem bộ lòng
Rồi chém đầu, tận rể
Trong lòng tổng thống Thein Sein và thống tướng Than Shwe sống trong một quốc gia lấy Phật Giáo làm gốc nên khi họ buông đao thành Phật. Còn bọn trong bộ chính tri trung ương Việt Nam đã xóa sạch mọi tôn giáo, văn hóa, đạo đức, phong tục tập… quán rồi thì khi bọn này buông đao sẽ thành gì???
Bọn họ đã thành. . . quỷ, tỉnh quỷ, huyện quỷ, xã quỷ lâu rồi mà!