WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Quá khứ một đời người

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Google

1.
Cầm mảnh giấy giới thiệu đi học khóa bổ túc nghề nghiệp, tôi lái xe một đoạn đường hơn ba trăm cây số đến X., vào một buổi sáng tuyết rơi ngập thị trấn nhỏ bé, yên lặng này.

Sau thủ tục nhập học, tôi lò dò đi quanh quẩn hành lang vì rảnh rỗi hơn tò mò một khung cảnh mới, mà tôi thấy nơi nào cũng rập khuôn không mấy khác với lối kiến trúc ở xứ này.

Chợt nghe tiếng chân chạy nặng nề phía sau vang lên mồn một, tôi ngoái nhìn ngược, thấy một người đàn ông tóc đen, trạc tuổi tôi, tay xách cái túi vải khá lớn đưa tay vẩy. Tôi dừng và chờ. Giọng Anh ngữ khá lưu loát, anh thở hồng hộc nhờ tôi chỉ văn phòng nhà trường. Sau khi chỉ chỗ, không hiểu tại sao tự dưng tôi hỏi anh, tiếng Việt:

- Anh người Việt Nam?

Đôi mắt người đàn ông thoáng vui khi gặp người đồng hương ở một thành phố nhỏ chưa hề có dấu chân người Việt Nam. Anh bắt tay tôi, tự giới thiệu tên Hoàn.

- Sao bây giờ anh mới tới? – Tôi hỏi Hoàn.

Hoàn cười cười giọng miền Nam trong trẻo:

- Dậy muộn. Vả lại, xa lộ số 2 tuyết rơi ngập đường, nên trễ.

- Anh ở đâu mà đi xa lộ số 2?

Hoàn trả lời đang cư ngụ thành phố Y. Tôi trố mắt nhìn người bạn mới quen. Anh chàng này thiệt quá quắt! X. cách thành phố tôi những ba trăm cây số. Nghĩa là, Hoàn phải lái một đoạn đường khá xa, gần sáu trăm cây số.

- Anh ở xa như vậy lái xe sớm hơn một ngày có phải khỏe hơn không?

- Cũng tính vậy! Nhưng nghĩ xa vợ con cả ba tháng, nên cứ chần chờ.

Lớp học có khoảng ba chục học viên, hầu hết là những di dân như tôi, trừ một anh chàng da trắng gốc Canada. Bọn tôi, những di dân, kém Anh ngữ đã đành. Trượt là phải. Chứ anh chàng này…

Tôi chú ý tới Wayne ngoài lý do trên, còn có nguyên nhân khác nữa.

Wayne có khuôn mặt khắc khổ, lầm lì ít phát biểu. Trong lớp, gã nhìn hết người này đến người khác bằng ánh mắt thật lạ và khó hiểu. Trong ánh mắt của Wayne dường như chứa đựng một điều gì u ẩn. Wayne luôn nhìn tôi và Hoàn với ánh mắt không mấy thiện cảm, trong lớp cũng như vào những giờ ăn. Đặc biệt là tôi. Trong giờ học, mỗi bận tôi thắc mắc nêu câu hỏi, y rằng Wayne cố tình cười to nhất tỏ ý riễu cợt sự kém cỏi Anh ngữ của tôi. Và sau đó, Wayne xoay nhìn tôi đăm đăm, gần như thách thức. Đôi mắt ấy, lúc đầu nhìn tôi cũng bình thường như mọi đôi mắt khác. Sau đó, trong ánh mắt của Wayne mơ màng nhìn tận đâu đâu rất ngù ngờ, rất xa xăm… và bất chợt đôi đồng tử ẩn hiện những lằn gân đỏ, sáng tóe lên như một ánh chớp lung linh rồi tắt ngúm, nhường lại khuôn mặt tinh ranh, khắc khổ lẫn thông minh. Mỗi khi tình cờ nhìn thấy đôi đồng tử như thế, tôi chợt rùng mình nhớ đến những đôi mắt, mà tôi đã gặp trong chiến tranh.

Một buổi tối cuối tuần sau gần hai tháng học, tôi cùng Hoàn ngồi uống rượu ngắm tuyết phủ kín ngoài sân. Không gì thú bằng, ngồi uống chút rượu mạnh cay cháy cổ nhìn những lọn tuyết trắng nõn bay xiên xiên dưới ánh trăng ở một thành phố nhỏ ít điện như lúc này, dù tôi không biết uống rượu như Hoàn.

- Nhớ tụi nhỏ quá, ông ơi!  – Hoàn than vãn.

- Ông nhớ tụi nhỏ hay nhớ bu nó?  – Tôi ghẹo. Hoàn cười giả lã.

- Trời bão tuyết thế này, ông đi về thăm… bu nó, chẳng khác chi nộp mạng tử thần!

Chúng tôi vừa uống rượu, vừa ngắm tuyết rơi và nhắc những kỷ niệm gặp phải trong cuộc sống tha hương. Hoàn đang khe khẽ hát mấy câu nhạc tình vu vơ, chợt ngưng ngang khi thấy Wayne tự động mở cửa bước vào. Tôi khẽ nhíu mày tỏ ý không mấy hài lòng sự bất nhã của Wayne. Gã nhìn thấy nhưng ngơ đi.

- Tôi có thể ngồi cùng các bạn? – Wayne nhìn Hoàn hỏi bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của gã.

Hoàn vui vẻ nhích chỗ ngồi, mời Wayne. Tôi không mấy thích những cái nhìn gần như soi mói ở đôi đồng tử màu xanh lơ như đôi mắt mèo của Wayne, nên tránh nhìn gã. Vừa ngồi xuống, Wayne nhìn Hoàn hỏi:

- Các anh… người Việt Nam?

Tôi thoáng giật mình, khi âm giọng Việt Nam từ miệng gã da trắng vang ra khá chỉnh và rõ, lại âm giọng đặc sệt Hà Nội hẳn hoi. Hoàn cũng bất ngờ, lúng túng:

- Anh… anh biết nói tiếng Việt?

- Tàm tạm…  – Wayne gõ gõ mấy đầu ngón tay to như chuối sứ trên bàn, trả lời.

- Trước, anh ở Việt Nam? – Hoàn lấy ly rót rượu mời gã. Tôi cúi xuống uống ly rượu, vẽ những vòng tròn vô nghĩa lên bàn, từ đáy ly nước đá tan ra, vờ tránh chuyện.

- Vâng. Làm lính chiến. Làm tù binh. – Wayne trả lời trong trỏng, cứng ngắc.

- Anh học tiếng Việt ở trong tù? – Hoàn hỏi tiếp.

Wayne gật đầu, mặt lạnh tanh.

Ba chúng tôi, kẻ Nam người Bắc, kẻ ở tận bên này quả địa cầu đã hoang phí cả tuổi thanh xuân vào một cuộc chiến tàn khốc. Hoàn lại khơi mào câu chuyện:

- Anh nghĩ gì về chiến tranh Việt Nam trước và sau 75?

Tôi khẽ nhíu mày nhìn Hoàn. Vấn đề này, từ lúc quen nhau, tôi và Hoàn chẳng bao giờ hở môi đề cập tới. Dường như, đó là một qui ước âm thầm giữa chúng tôi đặt ra, khi Hoàn biết tôi là người Bắc và rất tránh né nói về chiến tranh, về tình hình chính trị Việt Nam. Wayne thoáng ngập ngừng… Gã nhìn Hoàn, nhìn tôi đoạn đưa ly rượu uống một hơi cạn đáy. Gã không trả lời câu hỏi của Hoàn, mà hỏi ngược lại:

- Anh trước kia tham gia trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa? – Gã hỏi với ánh mắt lạnh như sắc dao và khuôn mặt đỏ rần.

Hoàn đáp ‘Có’ và nói cấp bực cuối cùng của anh. Tôi đưa ánh mắt thật nhanh liếc nhìn Wayne. Khuôn mặt gã dãn dần ra, màu đỏ tan biến trở lại bình thường, hiền hòa như một con mèo vừa bấm ra những móng chân sắt nhọn kịp rút lại. Và tôi cũng hơi ngạc nhiên vì Hoàn chưa bao giờ kể tôi nghe chuyện này. Và Hoàn lập lại câu hỏi trước.

-Tôi chẳng nghĩ gì cả! – Wayne làm như mơ màng, ánh mắt dõi nhìn tuyết rơi ngoài khung cửa kính, trả lời. Bất chợt gã quay sang hỏi tôi:

- Còn anh nghĩ gì?

- Tôi nghĩ gì?

Tôi thoáng giật mình và tự nhiên bật một câu máy móc đã bao năm tự vấn lương tâm; tránh ánh mắt xoi mói với những sợi gân máu bắt đầu xuất hiện trở lại, trên khuôn mặt đang đỏ dần – như một loài kỳ nhông thay đổi màu sắc cho hợp môi trường chung quanh đánh lừa thị giác – của gã da trắng lì lợm này. Tôi nghĩ gì? Tôi nghĩ nhiều lắm chứ! Nhưng tại sao tôi phải nói, hoặc san sẻ những suy nghĩ này với một gã ngoại quốc mà tôi chẳng mấy thích cách hành xử rất bất lịch sự của gã. Câu hỏi của gã tuy rằng cũng giống như câu Hoàn nêu lên hỏi gã, nhưng tôi cảm nhận hai câu hỏi khác nhau. Và, chợt nhiên, tôi có ý định tống cổ gã ra khỏi phòng. Vì thế, sau hớp rượu sóng sánh trong ly, tôi bất nhã:

- Tôi chẳng nghĩ con mẹ gì cả!

Hoàn thoáng khẽ nhíu mày nhìn tôi khó chịu. Tuy nhiên, Wayne vẫn phớt tỉnh rồi điềm nhiên hỏi tôi:

- Trước, ông đi lính Việt Nam Cộng Hòa?

- Tại sao tôi phải trả lời anh câu hỏi này? – Tôi khó chịu nhìn thẳng vào đôi mắt tôi không ưa – nhất là lúc này!

Wayne khoát khoát bàn tay hộ pháp đầy lông, nói vu vơ:

- Người Việt Nam các ông thường nói: Hỏi cho câu chuyện thêm mặn mà ấy mà!

Gã nói tiếp một câu làm tôi lạnh khắp người, tỉnh hẳn rượu dù uống không bằng Wayne và Hoàn.

- Dường như, tôi gặp anh ở đâu đó bên Việt Nam thì phải? – Vỗ vỗ tay lên trán mấy cái như cố tìm trong ngăn ký ức đầy phức tạp cũ mòn, thử xem có những tì vết xám xịt nào còn đọng lại đâu đó bên trong bộ óc bị xói mòn, hư hao theo thời gian, chợt Wayne rú lên mừng rỡ, làm tôi và Hoàn thoáng ngạc nhiên. Tôi thấy đôi đồng tử của Wayne tóe sáng như hai vì sao, hệt những khi gã nhìn tôi trong lớp: ngù ngờ, xa xăm và chợt nhiên vùng mắt xanh lơ âm u như mắt mèo ấy sáng ngời lên.

- Nhớ ra rồi! Tôi gặp anh ngoài Bắc, ở nhà giam Hỏa Lò khoảng năm… Anh còn nhớ?

Không những cả tôi, Hoàn cũng giật mình. Anh rướn người nhìn tôi xoi mói, như buộc tôi phải trả lời câu hỏi của Wayne. Tôi cố uống hớp rượu thật lớn, cay cháy cổ lấy bình tĩnh nhìn Hoàn và Wayne.

- Có nhẽ anh bạn nhầm người rồi đấy! – Tôi phủ nhận lời gã da trắng khó hiểu này.

Wayne im lặng. Vùng mắt ấy chợt tối lại. Ngu ngơ. Xa xăm. Buồn buồn. Chúng tôi im lặng ngắm tuyết và uống rượu.

Tôi muốn bỏ dỡ buổi tiệc rượu nhạt nhẽo này, nhưng ngại mất lòng Hoàn nên cố ngồi nán. Vả, căn phòng này của tôi, dẫu có lẫn tránh cũng không được. Vì thế, tôi tỏ vẻ lầm lì uống rượu, uống thật nhiều khiến Hoàn ngạc nhiên vì tửu lượng của tôi thường khi rất kém. Câu chuyện khơi mào chưa bao lâu bỗng tắc ngúm ngột ngạt. Cả ba yên lặng uống rượu, lơ đãng ngắm tuyết rơi mỗi lúc một dày đặc hơn.

Thấy không khí nặng nề Wayne đứng lên, uống hớp rượu còn lại trong ly giã từ chúng tôi bằng hai chữ ‘Good night’. Hoàn mở cửa, tôi ngồi im không tiễn khách. Đợi Wayne đi khuất trong hành lang, Hoàn đóng cửa, nhìn tôi xoi mói:

- Hắn từng gặp ông?

- Làm sao tôi nhớ!? – Tôi nhún vai không nhìn Hoàn, tay xoay xoay ly rượu. Tôi biết Hoàn khó nghĩ, nhưng cố vớt vát câu chuyện, anh lập lại câu hỏi:

- Vậy anh là sĩ quan miền Bắc trước kia?

- Anh nghĩ rằng, tôi có nên trả lời câu hỏi này?

- Nên chứ! – Hoàn quả quyết.

- Để làm gì? – Tôi hỏi với đôi môi hé cười nhạo báng.

- Để biết!

Hoàn im lặng chờ đợi. Nhưng tôi không muốn trả lời Hoàn trong lúc này. Đầu óc tôi hiện ra nhiều thứ, lẫn lộn. Căn phòng im lặng một cách nặng nề.

- Anh Hoàn! Tôi không mấy thích nói chuyện về chiến tranh Việt Nam, về quá khứ, về những gì mà lớp tuổi chúng ta đã trải qua. Hãy xem nó như những trang sách cũ. Nếu cần mở ra, thì lý do duy nhất chỉ là dễ hiểu thêm: tại sao chúng ta cần phải học những bài học xấu xa của quá khứ để tránh nó mà bước về tương lai, để chúng ta khỏi vấp phải lại một lần nữa trên con đường trước mặt… Tôi đã trốn bỏ nó và đang sống ở xứ sở này, cũng như anh…

Dường như tôi nói nhiều lắm thì phải? Và tôi khóc? Mắt tôi cay xè. Và dường như Hoàn vẫn đứng cạnh giường nhìn tôi khóc. Tôi thấy thế. Chắc chắn thế. Vì nhân ảnh anh mờ dần qua những giọt nước mắt tôi tuôn trào, qua đầu óc lơ mơ vì rượu lần đầu uống quá nhiều. Tôi thấy mình quá say, xung quanh mờ mờ ảo ảo và chợt nhiên tôi thấy hồn tôi thoát khỏi xác bay về phương trời cũ, phương trời có quá nhiều đôi mắt nhìn tôi không mấy thiện cảm và có khi mang những tia nhìn thù hận trước và sau cuộc chiến. Và dường như tôi cảm nhận trong thân xác đang nằm, hai cơ bắp trên đôi môi đang thao thao kể cho Hoàn nghe về cuộc đời tôi…

Sau buổi tối ấy, Hoàn tránh mặt tôi và tỏ ra thân thiện với Wayne. Trong lớp, Hoàn đổi chỗ. Anh di chuyển sang ngồi bên Wayne, ngay cả trong nhà ăn tập thể cũng vậy. Những đêm tuyết rơi, thay vì mang chai rượu sang phòng tôi uống nói chuyện tầm phào; Hoàn cùng Wayne ra quán rượu giải sầu. Tôi cũng buồn, nhìn Hoàn ngả nghiêng trên cánh tay Wayne những khi uống rượu từ quán về. Và Wayne, nhìn tôi thách thức; đôi mắt u buồn thường nhật, lúc này đầy mãn nguyện.

Tuần sau, cảm thấy ở nhà ban đêm mãi đâm buồn bực, tôi khoác áo lạnh xuống xưởng hàn. Biết tôi đã đậu về thực tập, một anh thợ gốc Ba Lan nhờ tôi chỉ kinh nghiệm. Tôi vui vui, cởi áo lạnh máng trên cao, mặc áo thợ đội mũ hàn, quì thấp xuống, chỉ anh thợ kỹ thuật hàn ống dẫn dầu. Chợt tôi ngửi mùi khen khét áo cháy. Tôi lật mũ hàn, thấy Wayne đứng bên tự bao giờ và gã cười khiêu khích, đôi mắt nhìn xuống chỗ tôi quì. Tôi nhìn theo ánh mắt gã. Tôi phẫn nộ khi thấy cái áo lạnh bằng da của vợ tặng trong một dịp sinh nhật, đang ngún cháy, nhăn nheo cả mảng vạt sau lưng. Tôi thấy Hoàn đứng dựa lưng bên kia vách sau khung cửa hẹp. Anh vòng tay thản nhiên nhìn sự việc. Tôi hét to:

- Wayne! Mày chơi trò gì kỳ cục vậy? Cái áo da này…

- Phòng này của tao. Ai bảo mày vô không hỏi qua ý kiến tao? – Wayne thản nhiên cướp lời, sặc mùi rượu.

- Phòng này không chỉ của riêng mày, cả tao nữa. – Anh thợ Ba Lan bênh vực tôi.

- Rồi sao!? – Wayne trả lời, xô vai anh ta và nhìn tôi thách thức. – Mày nên cút ra khỏi chỗ này, thằng Việt cộng!

Tôi nhìn Hoàn cầu cứu. Hoàn cũng say, mặt anh đỏ dừ dừ.

Anh thợ Ba Lan ngơ ngác nhìn Wayne, rút lui. Tôi cởi áo thợ, định rút theo cho êm chuyện. ‘Không nên gây chuyện với một gã đang say’. Tôi nhủ thế. Chợt nhiên, Wayne vung bàn tay hộ pháp hất cái nón hàn trên đầu tôi xuống đất, làm vỡ tan những mảnh gương chống độ sáng của tia hồng ngoại tuyến. Tôi chưa kịp phản ứng, Wayne đấm tôi một cú như trời giáng vào mặt. Gã thét to:

- Lại đây thằng Việt cộng! Lại đây… Ha ha, trước kia tụi mày cậy thế đông, cậy có nhà tù, hành hạ tao, mắng chửi tao, sai vặt tao… như con chó. Lại đây, lại đây… Giờ chỉ có tao với mày, thằng Việt cộng ạ. Tay đôi nhé? Thế mới công bình, phải không Ngự? Tao nhớ mày mà! Mày là thằng sĩ quan Việt cộng từng bộp tai tao, dạy đời tao. Ngự, mày nhớ không? – Wayne nói nữa, nhưng tôi nghe không hết.

Tôi cứ lùi, cứ lùi… tìm cách thoát, nhưng thân hình Wayne đứng chắn ngang khung cửa nhỏ. Tôi biết mình khó thoát. Tôi nhìn quanh tìm bất cứ thứ khí giới gì khả dĩ có thể bảo vệ thân thể; nhưng tôi chợt nhớ trên tay tôi còn nắm cây búa nhỏ của thợ hàn dùng để gõ những ‘cứt’ mối hàn. Thứ búa này một đầu nhọn như cây kim gút to bằng ngón tay con nít, một đầu bè như lưỡi búa bủa củi bề ngang bằng hai ngón tay kẹp lại. Tôi yên tâm! Wayne nhún nhảy đôi chân, hai tay vờ đấm dứ vào mặt tôi và thật lẹ gã cúi xuống chụp cái áo lạnh đang ngún cháy nhào tới phủ vào người tôi. Dù thủ thế, nhưng tôi không ngờ Wayne đánh đòn này. Căn phòng nhỏ, khó xoay trở, tôi đâm lúng túng, chới với trong chính cái áo của vợ tôi mua tặng. Mặt tôi bỏng rát vì những vết cháy của áo. Wayne cao, tôi thấp; gã chiếm vị thế thượng phong ngay lúc ban đầu. Gã cứ đấm tới tấp và tôi cứ cố vùng vẫy thoát khỏi manh áo ‘định mệnh’, quên rằng mình có cây búa hộ thân trong tay.

Tôi vừa thoát khỏi cái áo lạnh tối tăm, đã thấy Wayne đứng chắn ngang khung cửa hẹp tự bao giờ. Tôi nhìn qua cánh cửa thấy Hoàn vẫn đứng yên chỏi mắt nhìn vào. Tấn thối lưỡng nan, tôi bắt đầu thủ thế. Dường như lúc ấy tôi có bảo Wayne hãy từ từ, đừng nóng nảy vì vấn đề còn có cách giải quyết. Wayne cười gằn, gã nói:

- Đù mẹ… tụi Việt Nam mày qua đây cướp hết việc làm của tụi tao. Cút! Cút… hết cha tụi mày về quê hương, xứ sở nghèo đói tụi mày… Hỡi thằng Việt cộng, thằng khốn nạn…

- Mày mới là thằng khốn nạn và kỳ thị!  – Tôi gầm to hơn Wayne.

Wayne nhặt ống sắt dài gần nửa thước, to bằng cổ tay, nhào tới đập tôi tới tấp. Lúc đầu, tôi còn né và giơ búa lên đỡ, sau thất thế tôi đưa cánh tay trái lên đỡ và biết mình dại khi nghe một tiếng “rắc” gãy gọn. Đầu tôi tối sầm lại. Bản năng tự vệ trong tôi chợt bừng thức dậy. Tôi thấy tôi đứng trước địch quân trong lối đánh cận chiến thời đi bộ đội. Tôi thấy tôi chạy, chạy mãi trên cánh rừng Miên xuyên những bụi tranh, cắt, buốt rát da thịt, mỗi khi những trận pháo rót xuống. Và tôi thấy tôi đứng bơ vơ giữa cánh đồng lộng gió nóng rát mặt, chung quanh tôi những tên Khờ me Đỏ sắp sửa lao tới với những cây mã tấu sáng ngời ánh thép. Tôi la lên, cầu cứu. Và tôi thấy Hoàn hiện ở khung cửa đứng sau tấm lưng to lớn của Wayne, mặt anh tái mét.

Trước khi ngất, tôi dùng hết sức tàn của một thân thể gần như bất lực, nhào tới vung nhát búa…

2.

Năm 1965, thời đó tôi là một sĩ quan không quân vừa mới ra trường.

Khi ấy, chiến trường Việt Nam đang tới thời kỳ dữ dội. Là lính, nói chung, tôi cùng các bạn đồng khóa thường theo dõi tình hình chiến sự thế giới lúc bấy giờ. Và chúng tôi một số ít, thường mơ ước được xoải cánh bằng về một vùng trời đầy khói lửa hơn là ở đây, ngày bay mấy tiếng không tập giả tạo trên bầu trời xanh đầy an toàn, nhàm chán. Tôi không nhớ vào tháng nào, nhưng chắc chắn cùng năm ấy, ông Henry Cabot Lodge, đại sứ ở Việt Nam tuyên bố: ‘Nếu các thanh niên Canada muốn đóng góp vào cuộc chiến ở đây, vì lòng quả cảm và yêu chuộng tự do, thì tôi có lời chào mừng họ…’

Một số thanh niên Canada đã đăng ký vào quân đội Mỹ.

Tôi là một trong những thanh niên đầy nhiệt huyết ấy. Mặc dầu, lúc ấy dư luận quần chúng ở xứ sở tôi phản kháng mãnh liệt cuộc chiến tranh Việt Nam. Gia đình tôi cũng chẳng mấy hoan nghênh khi nghe tôi trình bày ý định gia nhập quân đội Mỹ, sang nước nhược tiểu xa lạ, đầy cám dỗ và cận kề với chết chóc. Mẹ tôi đã khóc và giận dỗi nói sau bao ngày can ngăn:

- Nếu mày tự nguyện đi sang bên ấy, là mày tự đi tìm một con đường tội lỗi. Con đường tước đoạt quyền sống con người do Chúa ân sủng tái tạo. Mày là thằng Sa Tăng, không phải đứa con trai tao từng mến yêu!

- Nếu mày bỏ quê hương, bỏ gia đình đâm vào một cuộc chiến tranh phi lý của họ, lý ra không dành cho mày, hay ít ra không dành cho quyền lợi tối thiểu cho xứ sở Canada, tao nghĩ, mày là một thằng đàn ông bệnh hoạn. Mày không đáng làm con, làm em của gia đình này. Tao sẽ từ, sẽ nhờm tởm, sẽ ly khai những thằng thích phiêu du vào những cuộc chém giết. Gia đình này thật bất hạnh, khi một người đi cứu rỗi từng mạng sống con người, còn kẻ kia đi giết người! – Ấy là lời bà chị bác sỹ của tôi.

Ôi, đàn bà muôn thuở không biết một mảy may gì. Tôi mặc kệ, lên đường tòng quân, khi nghe người cha đã từng tham chiến trong binh chủng Lục Quân Hoàng Gia Anh thời Đệ nhị Thế chiến với nhiều huân chương nói:

- Dù sao, nó cũng là con tôi, máu mủ tôi. Cái máu… võ biền!

Tôi an tâm lên đường. Tôi đã trưởng thành, tôi phải chọn con đường binh nghiệp lý tưởng. Tôi phải giống cha tôi, phải để lại những trang sử cho lịch sử nhân loại ghi chép.

Sau hai năm tham dự chiến trường Việt Nam, trong phi vụ cuối cùng, phi cơ tôi rớt trên không phận Bắc Việt và tôi bị bắt làm tù binh. Tôi đi từ trại tù này đến trại tù khác và sau đó bị giam hẳn ở Hỏa Lò. Nói chung chung tù nào cũng vậy, mà nhất là tù chiến tranh dĩ nhiên bị đánh đập và lấy khẩu cung. Những đêm về khuya ngồi ôm gối, nghếch mặt tựa chấn song sắt xà lim nhìn ánh trăng liếm nửa khung cửa vuông nhỏ, nghe tiếng côn trùng rin rít não lòng, tôi chợt nhớ tới lời mẹ tôi.

Đầu năm 1972, tôi nghe phong phanh đến vấn đề trao trả tù binh từ miệng những gã cán bộ trong trại. Tôi mừng lắm! Nghĩ rằng chuyến này chắc được thả. Một ngày tháng mười trời lạnh cắt da tôi được gọi lên phòng làm việc. Tôi nghĩ nhanh, hy vọng ngày được trao đổi tù binh gần kề. Một gã thiếu úy khá trẻ cỡ tuổi tôi, tiếng Anh không mấy khá, phỏng vấn. Sau mấy câu vòng vo lý lịch như tôi thường gặp phải, gã sĩ quan hỏi tôi:

- Anh người Mỹ? – Tôi nói tôi người Canada, gốc Pháp, sinh sống tại Ottawa.

- Vậy tại sao anh tình nguyện vào quân đội Mỹ? – Gã quắc mắt nhìn tôi.

Quả là một câu hỏi đơn sơ nhưng hóc búa! Tôi không thể nào nói vì lý tưởng tự do, hoặc tôi là một thanh niên quả cảm như lời ông Henry Cabot Lodge hằng rao giảng.

- Tôi thấy thích cuộc sống bay bổng trên không gian nên tình nguyện đi lính cho Mỹ. – Nói xong tôi thấy mình dại! Bao câu nói sắp xếp trong đầu mấy năm trời, nay bỗng nhiên trống rỗng hòa lẫn cái sợ.

Gã sĩ quan đập bàn và tát tôi:

- Anh có biết cái thích của anh đã giết biết bao mạng sống người Việt chúng tôi? Anh có biết bao nhiêu thanh niên Mỹ vì cuộc chiến tranh này, đã trốn qua nước anh để khỏi bị động viên vào quân đội? Và anh có biết chính các công dân Canada đã phản đối quyết liệt những thanh niên như anh đi tìm cuộc chiến tranh đầy chết chóc và phi lý này?

Tôi ngồi im không dám hở lời. Gã sĩ quan ngừng nói, đi ra nhìn dãy hành lang đoạn khép cửa.

- Tôi là người sinh ra trong một quốc gia chiến tranh và bị hệ lụy cuộc chiến này. Trong khi tôi và hàng triệu thanh niên cả hai miền Nam-Bắc cảm thấy chán ngán cuộc chiến nay, lại có những thằng xuẩn động như anh xông xáo đâm đầu vào, và tự hào mình đi cứu rỗi những linh hồn kẻ khác! Anh có biết…

Gã còn nói nữa, gã nói những điều mà bấy lâu nay tôi thường suy nghĩ về chiến tranh, về thân phận con người khi nằm suy nghĩ trong tù.

- … Anh về đi!

Tôi đứng dậy ngơ ngác. Tự nghĩ “Đây là cuộc hỏi cung?”. Sau cuộc hỏi cung ấy, tôi có gặp gã sĩ quan kỳ lạ ấy đôi ba lần trong những lúc quét dọn sân trại. Gã nhìn tôi với ánh mắt vừa thương hại, vừa sỗ sàng.

Cuối năm ấy, tôi biết gã lên đường đi Nam. Dù một lần bị ‘hỏi cung’ tôi thấy ở gã sĩ quan này, khác hẳn những sĩ quan Bắc Việt khác đã từng hỏi cung tôi trước kia. Gã gây một ấn tượng khó quên trong đầu tôi.

Chiến tranh nào cũng phải chấm dứt. Tù binh nào trước sau cũng được thả. Nhưng tôi không ngờ, tôi được trao trả sau chiến tranh chấm dứt gần hai năm. Và điều tôi không ngờ, tôi vẫn còn sống sau những năm dài trong Hỏa Lò; một nơi có quá nhiều huyền thoại tang thương.

Cuộc trở về nào cũng đầy nước mắt.

Tôi bắt đầu kiếm việc làm sau vài tháng nghỉ ngơi. Vài nơi làm lương thấp, tôi không ưng ý bỏ việc. Tôi tìm đến những công xưởng lớn, nhưng nơi nào cũng từ chối, mặc dầu thời gian ấy việc làm rất nhiều, dễ kiếm. Những tờ đơn xin việc gửi đi không một âm vọng! Và sau này tôi khám phá ra rằng, trong bất cứ đơn từ hãng nào, cột xin việc đều có câu “Có đi lính trước kia? Ở đâu?” v.v.. Tôi phẫn nộ!

Một hôm, tôi chợt thấy cha tôi đem bộ lễ phục cựu chiến binh ra cho mẹ tôi ủi, chuẩn bị cho ngày diễn hành hằng năm tưởng niệm những cựu chiến binh Canada, từng tham chiến thời Đệ nhị Thế chiến, trên các phố phường toàn quốc. Tôi cũng nao nao muốn đi dự cùng ông cho vui và tôi nói ý nghĩ này ra. Cha tôi nhíu mày bảo:

- Hội không chấp nhận những cựu chiến binh tham chiến tại chiến trường Việt Nam!

- Tại sao có sự bất công quá lớn lao và quá nhục nhả này? – Tôi hét vang sấn đầu hỏi ông.

- Mọi sự trên đời này không có gì bất công cả! Chúa tái tạo con người được, dĩ nhiên Chúa trừng phạt được con người. Con tự chuốc lấy sự nhục nhã ngày hôm nay, bằng quyết định của con hôm xưa. – Mẹ tôi tàn nhẫn, thản nhiên.

- Nhưng con đã ở tù mười hai năm, mẹ biết không? – Tôi rên rỉ.

- Mười hai năm tù của con, có đủ đền bù chỉ một mạng sống con người do Chúa tạo dựng? – Mẹ đâm thêm một nhát vào tim tôi.

Tôi bỏ thủ phủ Ottawa, nơi quyền lực chính trị, nơi không có sự công bằng tối thiểu. Tôi bỏ mẹ, người đàn bà khắt khe với con cái nhưng tôn sùng đấng tối cao quá khích; và tôi bỏ cha, người cựu chiến binh với nhiều huân chương gắn đầy ngực, cứ hàng năm đi diễn hành trên các con đường có rất nhiều người vẫy tay chào đón, cảm ơn ông đã vì trật tự thế giới tham chiến thời Đệ nhị Thế chiến.

Còn tôi? Bạn bè tôi đã nằm xuống?

Tôi bắt đầu uống rượu từ ấy.

Ngày đầu gặp Ngự trong lớp tôi mang máng đã nhìn gã ở đâu đó, nhưng không đoán chắc. Người Việt Nam đổ xô sang đây ngày một đông. Họ thành công khá nhanh, so với tôi cũng một người trở về từ cỏi chết, đồng thời gian họ định cư vùng đất mới này. Dĩ vãng những tháng năm tù tội, những đánh đập đã không gột rửa nơi tôi sự oán ghét họ, nhất là những người gốc Bắc. Tôi làm bất cứ xưởng nào, nếu có anh thợ gốc Bắc, trước sau gì cũng đi đến không cãi cọ thì đánh lộn với họ. Có họ không có tôi. Vì thế tôi nghỉ hãng, nghỉ việc không biết bao lần. Đêm đi ngang phòng Ngự, nghe âm giọng Hà Nội nằng nặng của gã, tôi không kiềm chế nổi nên mở cửa bước vào. Và lối nói chuyện ưa hỏi ngược của Ngự, đã làm tôi nhận diện gã chính là tên sĩ quan Bắc Việt đã tát tôi một bợp tai tại Hỏa Lò.

Nhưng Ngự chối. Tôi đành chịu, ấm ức sự gian trá của gã.

3.
Ấy là những điều Wayne tâm sự cùng tôi khá nhiều lần trong những đêm hai đứa kéo nhau đi uống ở một quán rượu nhỏ bên đường. Tôi suy nghiệm, chắp vá những tâm sự vụn vặt, những lời kể đôi lúc không ngọn ngành những khi Wayne say. Đêm cuối cùng ở quán rượu, sau câu chuyện kể của tôi biết về Ngự, Wayne hấp tấp khoát vai tôi nói:

- Đi. Tôi với ông đi về, đập thằng ấy một trận cho hả tức. Tôi chúa ghét những thằng bẻm mép và quanh co như nó.

Tôi không trả lời, chỉ ậm ừ ngỡ rằng Wayne say, chỉ nói đùa. Đêm ấy, tôi cùng Wayne lội tuyết về trường cách đó không xa. Và sự thể đã xẩy ra không như tôi tưởng, mà là một cái chết.

Ngay đêm ấy Wayne chết, khi trực thăng chưa đến kịp để đưa anh đến bệnh viện. Nhát búa của Ngự cắm thẳng vào sọ Wayne. Và Ngự bị bắt ngay đêm ấy. Trước khi đi. Ngự ôm tôi khóc. Tôi cũng khóc, tiễn Ngự một đoạn đường ngắn dưới cơn bão tuyết hung bạo như định mệnh đã an bài. Trong suốt tuần lễ cuối khóa học, tôi sống trong hoang mang và chờ đợi.

Tôi quen Ngự hai tháng, thời gian tuy rất ngắn nhưng cũng đủ để tôi hiểu khá nhiều về anh trong những đêm hai đứa thường tâm sự. Tánh tình Ngự tuy ủy mị, nhưng tự ái khá cao. Anh hay nói thẳng và đặt trọng tâm vào vấn đề, khi nói chuyện dễ làm mất lòng người đối thoại. Vì thế tôi giận Ngự trong câu chuyện đêm ấy – đêm Wayne bỏ về giữa chừng tiệc rượu. Mặc dầu, đêm ấy Ngự đã khóc và kể về cuộc đời anh…

… “Tôi sinh trong một gia đình trí thức tiểu tư sản, cha chết trong thời kháng chiến chống Pháp, mẹ ở vậy nuôi chúng tôi khôn lớn. Hai anh tôi đều tham gia bộ đội chống Mỹ. Khi tôi đang học Đại học Kiến trúc năm thứ hai, nhận được tin anh cả tôi hy sinh tại chiến trường miền Nam. Trong khi anh kế tôi vẫn bặt tin mấy năm. Cùng trong năm ấy tôi bị gọi thi hành nghĩa vụ. Mẹ tôi vật vã khóc lóc suốt ngày đêm. Bà chạy chọt dòng họ chú bác, để tôi được ở lại Hà Nội. Và tôi nhận công tác ở Hỏa Lò. Nhiệm vụ tôi là chỉ huy đám bộ đội gác cổng Hỏa Lò. Chiến tranh ngày một leo thang khốc liệt sau Hiệp định Paris, tôi bị điều động đi chiến trường B. Ngày ra đi, tôi cố dấu mẹ. Vì tôi biết chiến tranh sẽ không tha một ai, nếu không may mắn.

Tôi phục viên hai năm sau ngày thống nhất đất nước. Sống phất phơ ba năm vô nghề nghiệp giữa lòng Hà Nội đang gượng lại sau bao năm chiến tranh. Năm sau, tôi bị động viên lần nữa, vì là đảng viên, tham gia chiến trường Campuchea. Lần nữa, tôi lại phải đi vào sự chết, đi vào sự tàn ác của chiến tranh. Những ngày dẫn quân tiến sâu vào đất Miên, nhìn những bộ đội trẻ vừa tiến quân, vừa cài những trái mìn cóc những nơi họ vừa dẫm chân đi qua, vừa nhìn tôi đầy căm phẫn. Đôi mắt đầy hận thù ấy, thật giống đôi mắt thơ ngây của tôi mươi năm về trước. Tôi bỗng dưng biết mình đã vô lý tham gia cuộc chiến này. Tôi biết họ căm phẫn tôi, khi nhìn bạn bè họ – những bộ đội đào ngũ – với cái chân cụt vì mìn cóc do chính mình gài, lê lết trở về quê hương. Nhưng họ cũng đâu biết rằng, chính những thượng cấp của tôi đã đẩy tôi vào con đường không còn chọn lựa. Tôi cũng chỉ là kẻ thừa hành như họ, nhưng nỗi khổ tâm bị dằn vặt nhiều hơn. Và sau cùng, khi không thể sống giữa hai gọng kềm: một của thượng cấp, một của những người lính trẻ, tôi đã liều lĩnh vượt sang Thái Lan”…

Tôi không có dịp gặp Ngự lần nào nữa, sau ngày hầu tòa làm nhân chứng; dù rằng đã cố công vài lần lái xe lên Y., thành phố Ngự đang sống để tìm anh.

Tôi muốn xin lỗi Ngự về cách cư xử nhỏ nhặt của tôi. Và tôi cũng muốn tỏ đôi lời cảm ơn Ngự. Trong lời khai trước tòa, Ngự bỏ qua một chi tiết khá quan trọng trong cái đêm định mệnh ấy.

Anh đã không khai trước tòa: Đêm ấy, tôi đã nhào tới ôm cứng bụng và hai tay Wayne, khi Ngự kêu la cầu cứu; để anh có dịp lao người đưa nhát búa ác nghiệp vào đầu Wayne. Tôi biết, tội ngộ sát của Ngự không nặng bằng tội cố tình tòng phạm của tôi (dù không cố tình) ít nhất trong trường hợp này.

Cho đến bây giờ, vẫn còn lẩn quẩn trong tôi câu hỏi của Ngự: Ích lợi gì mà đi tìm kiếm quá khứ người khác trong chiến tranh, mà chính người đó cũng chỉ là kẻ thừa hành? Trả thù hay kết tội một kẻ thừa hành, trước và sau, cũng chỉ là ngắt một chiếc lá ra khỏi cái cây cổ thụ có độc tố giết người. Vài chiếc lá có rơi, cây kia vẫn sống. Tại sao không bứng gốc rễ của nó để cứu những người khác?

© Đàn Chim việt Online

Phản hồi