WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ottawa kỷ niệm 20 năm sụp đổ bức tường Berlin và công bố xây dựng Đài Tưởng niệm nạn nhân CS

Chiều Thứ Hai 9-11-2009, tại Government Conference Center ở thủ đô Ottawa, Văn phòng thủ tướng Canada phối hợp với nhóm Tribute to Liberty, đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm sụp đổ bức tường Bá Linh và công bố dự án xây dựng TƯỢNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM NẠN NHÂN ĐỘC TÀI CỘNG SẢN tại thủ đô nước Canada.

Số người tham dự đông hơn so với dự tính ban đầu của Ban Tổ Chức, vì vậy ngoài khoảng 200 ghế ngồi, những người tham dự phải đứng chung quanh hội trường hoặc ngồi ngoài phòng tiếp tân.  Đa số các bộ trưởng trong Hội đồng chính phủ và những dân biểu Quốc hội Liên bang đã đến tham dự.  Về phía dân sự, đông đảo nhất là cộng đồng người Canadian gốc các nước Đông Âu trước đây bị cộng sản thống trị.  Riêng phái đoàn người Canadian gốc Việt Nam gồm 11 người trong đó có đại diện Liên Hội người Việt Ottawa (4 thành viên),  đại diện Uỷ Ban Yểm Trợ Phong Trào Dân Chủ Quốc Nội Toronto (4 thành viên) và đại diện Hội Cựu Quân Nhân Ontario (3 hội viên).

Buổi lễ do thủ tướng Canada là Stephen Harper chủ tọa, bắt đầu lúc 2G.30 khi ông bộ trưởng Public Safety trong chính phủ Liên bang là ông Peter Van Loan, người điều khiển chương trình, công bố lý do buổi lễ.  Bộ trưởng Peter Van Loan gốc người Estonia.  Ông bà của ông bộ trưởng đã di cư sang Canada tỵ nạn cộng sản từ sau thế chiến 2.

Người khách đầu tiên được ông Peter Van Loan giới thiệu lên diễn đàn là đại sứ Cộng Hòa Liên Bang Đức, George Witschel.  Vị đại sứ nói bằng ba ngôn ngữ Anh, Pháp và Đức, nhắc lại sơ lược ý nghĩa lịch sử của sự kiện nầy, nhất là việc thống nhất nước Đức trong hòa bình.

Diễn giả kế tiếp là Wladyslaw Lizon, chủ tịch Polish Canadian Congress  (Nghị hội người Canadian gốc Ba Lan).  Ông Lizon nhắc lại những kinh nghiệm của người Ba Lan, ông cảm ơn đất nước Canada đã mở rộng đón nhận di dân và ông đặc biệt cảm ơn chính phủ Harper đã đồng ý cho xây dựng Tượng đài Tưởng niện Nạn nhân Cộng sản tại thủ đô Ottawa.

Diễn giả chính của buổi lễ là thủ tướng Stephen Harper   Ông nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc bức tường Bá Linh bị sụp đổ ngày 9-11-1989, đã ảnh hưởng chẳng những Âu Châu mà toàn thế giới.  Thủ tướng Harper đã long trọng công bố dự án xây dựng TƯỢNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM NẠN NHÂN ĐỘC TÀI CỘNG SẢN trước sự vỗ tay hoan hô của cử tọa.  Tưởng cũng nên nhắc lại, trước đây, tại Hà Nội, thủ tướng Stephen Harper đã nói một câu hết sức nổi tiếng với nhà nước cộng sản Việt Nam, đại ý là chính phủ Canada không dùng nhân quyền để đổi lấy đồng dollar.

Chung quy, các diễn giả nói trên đều xoay quanh lịch sử, ý nghĩa việc bức tường Bá Linh sụp đổ mà báo chí đã viết đến.  Lời thủ tướng Stephen Harper công bố dự án xây dựng tượng đài nạn nhân độc tài cộng sản được bà Alide Forstmanis, gốc người Latvia, chủ tịch Hội đồng Quản Trị của Tribute Liberty trình bày chi tiết hơn khi bà lên diễn đàn, phát biểu ý kiến.

Bà nhắc lại việc hàng trăm triệu người đã chết vì ý thức hệ cộng sản, hàng triệu công dân Canada gốc là nạn nhân cộng sản độc tài hay thuộc những gia đình nạn nhân cộng sản độc tài, trong đó có một số người có mặt hôm nay trong hội trường nầy.  Bà nói việc xây dựng Tượng đài Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản không phải chỉ để tưởng nhớ những người đã chết dưới chế độ cộng sản, mà còn để giáo dục, nhắc nhở các thế hệ kế tiếp về những tội ác của chế độc độc tài cộng sản.  Bà cảm ơn chính phủ Canada đã chấp thuận dự án xây cất tượng đài tại thủ đô Ottawa.

Buổi lễ diễn ra rất trang nghiêm, kết thúc khoảng sau 4 giờ chiều cùng ngày sau khi toàn thể những người tham dự cùng đứng lên làm lễ chào quốc kỳ Canada.  Đặc biệt sau buổi lễ, thủ tướng Stephen Harper đã mời tất cả những người trong hội trường ở lại.  Thủ tướng ân cần vui vẻ chào hỏi và chụp hình chung với một số đại diện cộng đồng và quan khách tham dự.

Ở đây, tưởng cũng xin thêm Tribute to Liberty là một tổ chức thiện nguyện, nhằm phục vụ những người yêu chuộng tự do ở Canada và trên thế giới.  Ban điều hành Tribute to Liberty gồm có một Hội đồng Quản trị và một Hội đồng Cố vấn.  Hội đồng Quản trị hiện nay gồm bốn người Canadian gốc các nước Estonia, Ukraine, Latvia và Việt Nam, gia nhập với tư cách cá nhân chứ không phải là đại diện sắc tộc hay cộng đồng.  Hội đồng cố vấn gồm đại diện của 17 cộng đồng các sắc dân Đông Âu, vùng Baltic, Nam Hàn, Trung Quốc và Cuba.

Ngoài ra, Hội đồng Quản trị Tribute to Liberty đang xúc tiến thành lập một Board of Patrons gồm những nhà đấu tranh dân chủ, những nhân vật uy tín được quốc tế biết đến trong những cộng đồng thuộc các quốc gia đã thoát ách cộng sản cai trị hay đang bị cộng sản cai trị.

Hiện nay, tổ chức Tribute to Liberty đang cố gắng thực hiện dự án xây dựng TƯỢNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM NẠN NHÂN ĐỘC TÀI CỘNG SẢN.  Dự án đã được cơ quan National Capital Commission chấp thuận cho đặt tượng đài ngay tại thủ đô Ottawa.  Địa điểm chính xác sẽ được thảo luận và quyết định sau.

Ban điều hành Tribute to Liberty đang còn kiện toàn tổ chức, tìm kiếm vùng đất tại thủ đô Ottawa để xây dựng tượng đài, và nhất là đang kiếm cách gây quỹ để đài thọ phí tổn.  Dự án xây dựng tượng đài dự tính sẽ cần 1,5 triệu Gia kim.  Tổ chức Tribute to Liberty kêu gọi toàn dân Canada, đặc biệt những người thuộc gia đình tỵ nạn cộng sản, dù ít dù nhiều, hãy tiếp tay với ban Xây dựng Tượng đài để có thể hoàn tất công trình thật ý nghĩa nầy.

Để thấy rõ tầm ý nghĩa lớn lao của của công trình xây dựng TƯỢNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM NẠN NHÂN ĐỘC TÀI CỘNG SẢN, chúng ta cần chú ý rằng tại Canada, ngoài những thổ dân bản địa Canada, đại đa số dân cư Canada đều là di dân đến từ bốn phương trời.  Những đợt di dân đầu tiên đến từ Âu Châu vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.  Những đợt di dân từ giữa thế kỷ 20, đến từ các nước Đông Âu và từ Á Châu, có cùng một mẫu số chung, đều là những nạn nhân độc tài cộng sản, trong đó, đợt cuối cùng là những thuyền nhân (boat people) Việt Nam.

Các chế độ độc tài cộng sản trên thế giới đều có những nét giống nhau, mà Quốc hội Âu Châu họp ngày 25-1-2006 tại Strasbourg, một thành phố miền Tây bắc nước Pháp, đã ghi nhận như sau:

“Những chế độ toàn trị cộng sản từng cai trị ở Trung và Đông Âu trong thế kỷ qua, và hiện vẫn còn cầm quyền ở vài nước trên thế giới, tất cả (không ngoại trừ) biểu thị chân tướng của sự  vi phạm nhân quyền tập thể.  Những vi phạm nầy khác nhau tùy theo nền văn hóa, quốc gia và giai đoạn lịch sử, bao gồm cả những cuộc ám sát và xử tử cá nhân hay tập thể, gây chết chóc trong các trại tập trung, cho chết đói, đày ải, tra tấn, nô lệ lao động, và những hình thức khác về khủng bố thể xác tập thể, ngược đãi vì chủng tộc hay tôn giáo, vi phạm các quyền tự do lương tâm, tư tưởng và phát biểu, tự do báo chí và cả không đa nguyên chính trị.” (điều 2) (Nguyên văn: The totalitarian communist regimes which ruled in Central and Eastern Europe in the last century, and which are still in power in several countries in the world, have been, without exception, characterised by massive violations of human rights. The violations have differed depending on the culture, country and the historical period and have included individual and collective assassinations and executions, death in concentration camps, starvation, deportations, torture, slave labour and other forms of mass physical terror, persecution on ethnic or religious base, violation of freedom of conscience, thought and expression, of freedom of press, and also lack of political pluralism.)

Theo số liệu trong sách Le livre noir du communisme : crimes, terreur et répression,  do Stéphane Courtois chủ biên, Edition Robert Laffont, S.A. Paris 1997, thì số nạn nhân của các chế độ cộng sản các nước trên thế giới có thể ước lượng như sau:

Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa:    65 triệu
Liên Xô:    20 triệu
Cambodia:    2 triệu
Bắc Triều Tiên:    1,5 triệu
Việt Nam:            1 triệu
Đông Âu:    1 triệu
Afghanistan:    1,5 triệu
Phi Châu:     1,7 tri ệu
Nam Mỹ:    150.000

Đây chỉ là số liệu những người tử vong vì bàn tay sắt máu của cộng sản. Chắc chắn số nạn nhân bị bạo hành dưới chế độ chuyên chính độc tài toàn trị cộng sản trên thế giới lên đến hàng tỷ người.  Vì sự vi phạm nhân quyền nặng nề của các chế độ cộng sản, nên dân chúng các nước bị cộng sản cai trị đã kiếm tất cả các cách bỏ nước ra đi tìm tự do, đến nỗi có một nhạc sĩ Việt Nam, ông Trần Văn Trạch, đã nói rằng “cây cột đèn cũng muốn ra đi ”.

Hiện nay, dân số Canada khoảng trên 32,000,000 người, trong đó có khoảng 8,000,000 người có nguồn gốc từ các nước bị cộng sản cai trị, nghĩa là 25% hay một phần tư dân số Canada, là những người tỵ nạn hay con cháu những người tỵ nạn cộng sản.

Nhìn vào bảng thống kê của Le livre noir du communisme: crimes, terreur et répression do Stéphane Courtois chủ biên, hai điều dễ nhận ra là: 1)  Trong số các nước trên, còn lại 4 nước đang bị cộng sản thống trị là Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam và Cuba (trong nhóm Nam Mỹ). 2)  Tất cả các sắc dân các nước trong bảng thống kê đều có mặt tại Canada.

Với một tỷ lệ dân số lớn lao thuộc thành phần tỵ nạn cộng sản hay con cháu những ngưòi tỵ nạn cộng sản tại Canada, việc xây dựng Tượng đài Tưởng niệm Nạn nhân Độc tài Cộng sản là một việc làm rất ý nghĩa đúng như bà Alide Forstmanis đã phát biểu tại Ottawa nhân Lễ kỷ niệm 20 sụp đổ bức tường Bá Linh ngày 09-11-2009 là không phải chỉ để tưởng niệm những người đã chết dưới chế độ cộng sản, mà còn để giáo dục, nhắc nhở các thế hệ kế tiếp về những tội ác của chế độ độc tài cộng sản.

Xin mời quý đồng hương tìm hiểu thêm về công việc xây dựng TƯỢNG ĐÀI NẠN NHÂN ĐỘC TÀI CỘNG SẢN qua web site: www.tributetoliberty.ca, và e-mail liên lạc với tổ chức Tribute to Liberty theo địa chỉ sau đây: info@tributetoliberty.ca.

Toronto, 10-11-2009

Bài do tác giả gửi đăng

Phản hồi