WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Duy trì quyền lực của nước Nga: Putin đã qua mặt phương Tây ra sao [kết]

Tiếp theo phần I

 

Putin và Yanukovych. Ảnh www.csmonitor.com

Putin và Yanukovych. Ảnh www.csmonitor.com

Gây sức ép ở Kiev

Cuộc chiến thương mại của Nga được tiến hành cùng với một chiến dịch tuyên truyền vô tiền khoáng hậu. Tổng thống Putin cử cố vấn kinh tế của mình Sergei Glazyev, người có quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan, sang Ukraine. Ông vẽ ra một kịch bản thảm họa cho Ukraine nếu họ ký hiệp định với Liên hiệp Châu Âu. Glazyev nói rằng Ukraine sẽ cần ít nhất 130 tỉ euro để tuân thủ theo luật lệ của Liên hiệp Châu Âu. Theo ông, điều này sẽ khiến đồng tiền của Ukraine sụt giá mạnh, nên Kiev sẽ không thể trả nợ, người dân sẽ không được sưởi ấm, và đất nước rốt cuộc sẽ khánh tận.

Ông hỏi: “Tại sao giới lãnh đạo Ukraine lại muốn đẩy đất nước vào cảnh tự sát kinh tế?” Trái lại, Glazyev nhận xét, Ukraine sẽ thu thêm được 10 tỉ Mỹ kim nếu tham gia liên hiệp thuế quan do Nga đứng đầu.

Glazyev được vinh danh là “Nhân vật tiêu biểu trong năm 2013” của Nga tại một buổi lễ ở Nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Moscow vào ngày 28/11, ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh EU ở Vilnius, với Ukraine không chịu ký hiệp định đã dự trù. Theo giới chức trách, Glazyev nhận được giải thưởng này nhờ những đóng góp vào việc “đưa Ukraine quay lại tham gia liên hiệp với Nga.”

Một số người có thể ngạc nhiên về những nỗ lực trắng trợn của Nga nhằm gâp sức ép với Kiev. Nhưng Ukraine, với tên lấy từ tiếng Đông Slavic Cổ nghĩa là “vùng biên giới”, là nước lớn thứ nhì Châu Âu, và Putin cần quốc gia này nếu ông hy vọng xây dựng đế chế kinh tế Âu-Á như ông dự định. Kiev cũng là cái nôi lịch sử của dân tộc Nga, và lãnh địa Đông Slavic đầu tiên được thành lập ở đó vào thế kỷ 19. Trong những bài phát biểu của mình, Glazyev nhiều lần lặp lại “truyền thống tri thức và lịch sử chung của chúng ta”

Đồng thời, cả người Nga lẫn người Ukraine đều khinh bỉ lẫn nhau. Ở Moscow, người Ukraine bị gọi là “Chochly”, từ dùng để chỉ kiểu mũ lạ thường của người Cossack dọc sông Dnieper thời trung cổ. Dân Kiev gọi người Nga là “Moskali”, cũng là một từ miệt thị. Người Nga “đã xem chúng ta là một phần tài sản của họ trong 350 năm qua”; Leonid Kravchuk, tổng thống đầu tiên của nước Ukraine độc lập đã nói như vậy.

Putin và Yanukovych cũng không hòa thuận với nhau. Việc tổng thống Nga rốt cuộc chèn ép Yanukovych cũng là do tâm tính của tổng thống Ukraine. Yanukovych là người chẳng bao giờ dốc lòng vì chuyện gì và luôn để ngỏ cửa hậu đâu đó. Putin đã không tin rằng Yanukovych sẽ thực sự ký hiệp định với Brussels. Nhưng khi tình hình trong mùa hè dường như tiến triển theo chiều hướng ông sẵn sàng ký kết, Moscow phải ra tay.

Ngay cả Putin xưa nay cũng không thích dùng những thủ đoạn xấu xa như vậy. Nga không “mưu cầu vị thế siêu cường quốc hay cố giành bá quyền toàn cầu hay trong khu vực”; Putin phát biểu như vậy hôm thứ Năm 12/12 trong bài diễn văn hiện trạng đất nước hàng năm. Tuy nhiên, tổng thống Nga vẫn muốn các nước như Ukraine vẫn nằm trong quỹ đạo của Moscow.

‘Lãnh tụ thế giới mới của phe Bảo thủ’

Sau các vụ Snowden, Syria, Iran và những cú lật ngược thế cờ ngoại giao khác, Putin hiện nay tự xem mình đảm nhận một vai trò mà ông thấy mãn nguyện không kém: “trọng tài của chính trị toàn cầu”.

Một nhà ngoại giao cao cấp của Nga nói: “Với Putin, chỉ cần 20 phút nói chuyện với Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở St. Petersburg là đủ để ngăn chặn một cuộc oanh tạc Syria và đặt nền tảng đưa ra giải pháp cho vấn đề vũ khí hóa học của Syria.”

Theo một báo cáo dày 44 trang không công bố của Viện Nghiên cứu Chiến lược, cơ quan nghiên cứu hùng mạnh nhất của Điện Kremlin, mà báo Der Spiegel được tiếp cận, uy quyền của Putin hiện nay “mạnh đến nỗi ông thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu về Syria tại Quốc hội Mỹ”. Báo cáo này ca ngợi Putin là “lãnh tụ thế giới mới của phe bảo thủ”.

Các tác giả của báo cáo này viết rằng thời khắc của phe bảo thủ đã đến trên toàn thế giới vì “chủ nghĩa dân túy ý thức hệ của phái tả” – ám chỉ những người như Obama và tổng thống Pháp François Hollande – “đang phân hóa xã hội.”

Theo báo cáo, người dân cầu mong an ninh trong một thế giới biến đổi nhanh chóng và hỗn loạn, và đại đa số muốn ổn định hơn là các thử nghiệm về ý thức hệ, chuộng các giá trị gia đình kinh điển hơn là hôn nhân đồng tính, và thích nhà nước dân tộc hơn là có di dân. Các tác giả này viết rằng Putin cổ xúy các giá trị truyền thống này, trong khi các chính sách đối nội của các nền dân chủ truyền thống bị gò bó do cần phải thỏa hiệp. Tuần trước, chính Putin phát biểu rằng mục tiêu của chủ nghĩa bảo thủ của ông là “để ngăn chặn bước thụt lùi và rơi vào cảnh hỗn loạn tăm tối”.

Các nhận xét này về sự thay đổi về tâm trạng của công chúng có thể đúng, nhưng ai muốn xem Nga là tấm gương điển hình? Những người biểu tình trên Quảng trường Độc lập của Kiev hẳn là không.

Nước Nga của Putin là một quốc gia tổ chức kém, với sức mạnh dựa vào giá dầu ở mức trên 100 Mỹ kim/thùng. Quốc gia khổng lồ ở phương Đông, với vũ khí hạt nhân, tài nguyên khoáng sản và dự trữ ngoại tệ 515 tỉ Mỹ kim, giống như người khổng lồ giả trong truyện thiếu nhi Jim Button và người lái tàu Luke của tác giả người Đức Michael Ende: Càng đến gần hắn, ta thấy hắn càng nhỏ.

Nga trông rất sang trên giấy tờ, với ngân sách gần như cân bằng trong nhiều năm và tỉ số nợ trên GDP là 14% (so với 80% của Đức). Nhưng tỉ lệ tăng trưởng từ 6% trở lên là chuyện quá khứ. Điện Kremlin dự kiến tỉ lệ tăng trưởng chỉ là 1,3% trong năm nay, quá thấp nếu xét theo nhu cầu cấp bách của Nga về hiện đại hóa.

Trong bài phát biểu với quốc dân, Putin thừa nhận rằng nạn quan liêu hành chính và tham nhũng tràn lan đang bóp nghẹt sự đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh ở Nga.

Để cải thiện hình ảnh này và đồng thời kháng cự lại việc báo chí phương Tây đưa tin viết bài chỉ trích Nga, hồi tuần trước, Putin thành lập công ty truyền thông “Nước Nga Ngày Nay”, một cỗ máy tuyên truyền thông hiện đại nhằm đánh bóng hình ảnh của đất nước ở hải ngoại. Ông cũng ban hành sắc lệnh “giải thể” hãng thông tấn RIA Novosti có truyền thống lâu đời, có lẽ vì các bỉnh bút của hãng này có ý thức hệ quá dựa vào những quan điểm phương Tây.

Dmitry Kiselyov, tổng giám đốc mới của Nước Nga Ngày Nay, gây xôn xao khi ông phát biểu trên một chương trình nói chuyện chuyên đề rằng người đồng tính nên bị cấm hiến máu hay tinh trùng. Kiselyov còn nói: “Và trong trường hợp họ chết trong tai nạn xe, tim của họ nên được chôn hoặc thiêu vì không phù hợp để kéo dài sự sống cho bất cứ ai khác.” Ông cũng so sánh việc Liên hiệp Châu Âu bảo lãnh giải cứu các ngân hàng đảo quốc Cyprus với việc Hitler chiếm đoạt của người Do Thái. Tại cuộc họp công ty đầu tiên của Nước Nga Ngày Nay, Kiselyov nói rằng đặc điểm quan trọng nhất của nhân viên làm việc cho công ty quốc doanh mới này không phải là tính khách quan, mà là “tình yêu dành cho nước Nga”.

Sự vươn lên của một ‘đế chế phi tự do’

Một thập niên đã trôi qua kể từ khi Anatoly Chubais, kiến trúc sư của quá trình tư hữu hóa nền kinh tế Nga và vẫn là một nhân vật trung gian vận động chính trị có ảnh hướng lớn trong giới chóp bu của Điện Kremlin, viết tiểu luận kêu gọi xây dựng một “đế chế tự do”. Ông lập luận rằng Nga nên đưa những quốc gia đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ trở lại phạm vi ảnh hưởng của Nga bằng cách tăng sức hấp dẫn của chính mình thông qua dân chủ, tự do, và chế độ pháp trị. Điều này cũng đúng với Ukraine.

Vladimir Frolov, nhà chính trị học ở Moscow, nói: “Ngày nay Liên hiệp Châu Âu là đế chế tự do.” Theo ông, “Putin đưa ra mô hình khác: một đế chế phi tự do”, một đế chế có sức hấp dẫn đối với những nhà cai trị chuyên quyền như tổng thống Belarusia Alexander Lukashenko và tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, mà quốc gia của họ, giống như Armenian và Kyrgyzstan, dự định tham gia liên hiệp thuế quan Âu-Á của Putin.

Trong mô hình của Putin, chỉ có một lãnh tụ biết điều gì tốt nhất cho nhân dân của mình. Ông Frolov nhận xét: “Đế chế phi tự do giúp lý giải tại sao Nga quay lưng lại với Châu Âu bằng cách viện dẫn các giá trị Châu Âu có tính chất lật đổ, và để cho Điện Kremlin bám víu vào ảo tưởng là Nga đang sánh ngang với Mỹ, Trung Quốc, và Liên hiệp Châu Âu.”

Không có công cuộc nào của Putin thể hiện rõ ảo tưởng này bằng Thế vận hội Mùa đông 2014 ở Sochi. Sự kiện này đặc trưng cho cả giấc mơ của Putin muốn vươn đến tầm vĩ đại mới lẫn nhược điểm của ông. Thủ lĩnh Điện Kremlin cho xây dựng các xa lộ, đường hầm và đường sắt ở vùng Caucasus, cũng như một nhà ga tàu hỏa tân tiến và hai khu du lịch mùa đông. Tham nhũng và nạn gia đình trị là một phần nguyên nhân khiến chi phí tăng vọt – từ ước tính ban đầu 9 tỉ euro lên đến hơn 37 tỉ euro. Và chỉ có một vị lãnh đạo quốc gia với tham vọng của Putin, và chỉ có một quốc gia với khuynh hướng hoang tưởng tự đại mới có thể nảy ra ý tưởng tổ chức thế vận hội mùa đông ở một thành phố du lịch vùng Biển Đen với khí hậu cận nhiệt đới.

Nga có chủ định dùng Thế vận hội để giới thiệu những đặc điểm độc nhất vô nhị của mình để thế giới kinh ngạc. Đó là lý do tại sao Điện Kremlin cho 14.000 người rước đuốc Thế vận hội qua chặng đường dài 65.000 km trên khắp nước Nga – cả hai đều là con số kỷ lục. Đương nhiên việc rước đuốc bắt đầu trên Quảng trường Đỏ và hẳn nhiên buổi lễ diễn ra trùng ngày với sinh nhật của Putin. Điện Kremlin cho một thợ lặn đưa đuốc xuống đáy Hồ Baikal, hồ nước ngọt sâu nhất thế giới. Các phi hành gia mang đuốc trên một hỏa tiễn đưa vào vũ trụ, những người cưỡi lạc đà mang đuốc băng ngang các thảo nguyên miền nam nước Nga, những chú chó kéo xe trượt tuyết đưa đuốc đi ngang Bắc Cực và một tàu phá băng chuyển đuốc đến Cực bắc.

Bắc Băng Dương là một nơi khác mà Điện Kremlin muốn khiến thế giới thán phục. Để giành được quyền tiếp cận tài nguyên khoáng sản ẩn dưới đáy biển, mà hiện nay Nga đang cạnh tranh với các nước khác tiếp giáp với đại dương này, hồi tuần trước Putin chỉ thị cho bộ trưởng quốc phòng của mình “mở rộng sự hiện diện quân sự của Nga ở Bắc Cực”. Như vậy có nghĩa là tái thiết 10 căn cứ từ thời Xô Viết ở Vòng Bắc Cực và tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga tại Bắc Cực.

Liên hiệp Châu Âu đã đánh giá sai Putin và Ukraine ra sao

Sức mạnh của Putin chỉ mang tính tương đối vì nó khai thác điểm yếu của phương Tây. Chính sách của Châu Âu đối với Ukraine là một ví dụ hoàn hảo.

Đức và Liên hiệp Châu Âu từ lâu đã tin rằng nếu họ có thể thuyết phục Kiev ký kết vài chục luật có tính tự do, thì ngay cả một chính khách khó tin cậy như Yanukovych cũng không thể chất vấn việc Ukraine ngày càng cùng chí hướng với phương Tây. Thay vì ngỏ ý tài trợ nhiều hơn và hứa hẹn triển vọng rõ ràng hơn về việc Ukraine gia nhập Liên hiệp Châu Âu, vào giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán, họ lại yêu cầu Ukraine thả cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko đang bị cầm tù.

Với cách tiếp cận này, Liên hiệp Châu Âu không hiểu sâu sắc những điều nhạy cảm của Ukraine. Tymoshenko không có đủ tư chất để thành người hy sinh vì nghĩa lớn, và người dân Ukraine chỉ thông cảm chút ít dành cho bà. Nhiều người nhớ lại sự nghiệp trùm tư sản quả đầu của bà trong thập niên 1990 và phương pháp dân túy khi bà làm thủ tướng. Thực tình họ chẳng thấy có gì khác biệt giữa Tymoshenko và Yanukovych.

Nhưng lối suy nghĩ của Yanukovych cũng giống như của Putin – vì thế hoàn toàn không giống lối suy nghĩ của Liên hiệp Châu Âu. Ông không quan tâm đến các giá trị như công bằng, cân đối giữa các lợi ích và tự do cho cá nhân. Giống như Putin, Yanukovych lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, trong đó điều quan trọng là phải mạnh hơn người khác, và có khả năng tháu cáy và hồi phục nhanh chóng.

Với Yanukovych, việc nối lại quan hệ với Liên hiệp Châu Âu theo dự trù chỉ là câu hỏi ông được lợi gì từ đó. Ông muốn tái đắc cử vào năm 2015, và có hai người cụ thể có thể cản đường ông: Tymoshenko và quán quân quyền Anh hạng nặng Vitali Klitschko.

Đức đã phủi tay, lánh như lánh hủi với Tymoshenko, và hiện nay Đức đang tập trung chú ý vào người được xem là lãnh tụ duy nhất của phe đối lập. Mục tiêu của họ là xây dựng Klitschko thành một đối thủ của Yanukovych. Nhưng họ phớt lờ thực tế là có đến ba lãnh tụ đối lập ở Ukraine.

Họ cũng không nhận thấy rằng phe đối lập không phải lãnh tụ thực sự của các cuộc biểu tình trên Quảng trường Độc lập ở Kiev, và nhiều người Ukraine thực tình xem các lãnh tụ đảng của họ, trong đó có Klitschko, là người cộng tác với giới chóp bu cầm quyền. Theo một cuộc thăm dò dư luận, chỉ có 5% người biểu tình trên Quảng trường Độc lập có mặt vì các lãnh tụ đối lập kêu gọi họ tham gia. Phần lớn có mặt trên quảng trường này với lý do riêng của mình.

Chừng nào phương Tây còn tô hồng thực tế ở Đông Âu, Putin sẽ vẫn còn nắm át chủ bài. Ông hiểu rõ tình hình hơn, và có vị thế thuận lợi hơn để gây ảnh hưởng lên các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Ông cũng chẳng đắn đo khi cần phải dùng đến các thủ đoạn tàn nhẫn.

Lấp liếm và huênh hoang

Hôm thứ Tư 11/12, chúng tôi gặp ăn trưa với một trong những cố vấn hàng đầu của Putin ở một nhà hàng Ý sang trọng gần bộ ngoại giao ở Moscow. Ở Kiev, những người biểu tình đang dựng các công sự cao hơn trong một trận bão tuyết nặng.

Mắt của vị quan chức Kremlin này đỏ ngàu. Những đêm dài tại các cuộc họp thượng đỉnh và 19 chuyến công du nước ngoài với Putin trong năm qua đã để lại dấu vết trên đôi mắt. Vị quan chức này mang theo một thông điệp của Putin. Vừa dùng bữa với món mực giầm chua và xúc xích Ý, ông vừa giải thích rằng sếp của mình là người “mà ta có thể đạt thỏa thuận miễn là ta chịu nói chuyện với ông”. Nhưng theo ông, nói chuyện với Putin là điều phương Tây “hiếm khi làm”. Ông nói những chính khách cao cấp như Ngoại trưởng Đức Westerwelle không nên kết giao với phe đối lập ở Kiev, và những lần xuất hiện trên Quảng trường Độc lập là “không đúng, nói một cách ngoại giao”. Ông nhắc rằng dù sao đi nữa, chẳng có bộ trưởng Nga nào có mặt ở đó.

Vị quan chức này quả là có tài thuyết khách. Theo ông, các bộ trưởng Nga không cần vội vã sang Kiev vì bản thân tổng thống Ukraine được triệu hồi đến Moscow gần như hàng tuần. Tuy nhiên, lần này có thể Putin đã tính toán sai về vấn đề Ukraine.

Khi Kiev dựng công sự lần đầu tiên vào năm 2004 và Cách mạng Cam bắt đầu, người Ukraine biểu tình phản đối gian lận bầu cử. Moscow chẳng màng ai lãnh đạo Ukraine, bất luận đó là cựu tổng thống Viktor Yushchenko, Tymoshenko hay Yanukovych. Họ đều đại diện cho các phe phái khác nhau đấu đá lẫn nhau để giành quyền lãnh đạo đất nước – và họ đều là những người mà Moscow ít nhiều có thể bắt tay được.

Nhưng hiện nay tham gia biểu tình trên trên Quảng trường Độc lập là những người cảm thấy bị tước mất hy vọng về những mối quan hệ khắng khít hơn với Liên hiệp Châu Âu vì giới lãnh đạo đất nước họ tự để cho Nga mua chuộc. Đối với họ, Châu Âu đồng nghĩa với dân chủ, tính tự quyết và lòng trung thực, đồng nghĩa với chấm dứt chế độ chuyên quyền và tham nhũng.

Nhà chính trị học người Nga Vladislav Inozemtsev nhận định rằng nỗ lực vụng về của Moscow nhằm gây sức ép với Kiev đã thay đổi tình hình. Theo ông, xã hội Ukraine chẳng mấy quan tâm về việc ai trong giới chóp bu hiện đang cầm quyền; họ quan tâm nhiều hơn về hướng đi của đất nước. Ông Inozemtsev nói rằng số người Ukraine thân Liên hiệp Châu Âu đã tăng đáng kể trong mùa thu năm nay.

Yanukovych cảm nhận được điều này. Hôm thứ Năm 12/12, ông đổi ý và thông báo rằng quả thực có lúc ông có ý định ký hiệp định EU. Nhưng đây có vẻ lại là một trò khác của ông với mục đích rốt cuộc thuyết phục người biểu tình về nhà.

Ông đã tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn vào chiều thứ Sáu 13/12, nhưng cuộc thảo luận này đã kết thúc đầy thất vọng khi Yanukovych không nhượng bộ trước bất cứ yêu sách nào của phe đối lập. Thay vì thế, ông bảo nhân viên của mình chuẩn bị cho một cuộc mít-tinh rầm rộ của những người ủng hộ ông. Tuy nhiên, thủ tướng của ông nhắc đến khả năng từ chức, còn cựu tổng thống Leonid Kuchma mô tả tình cảnh của Ukraine là “khánh tận”.

Cuộc cờ gồm các bên Kiev, Moscow và Liên hiệp Châu Âu chưa vãn hồi. Tuy nhiên đã rõ là Putin đã làm hại Ukraine bằng sự can thiệp của mình và biến Yanukovych thành bù nhìn. Nhà chính trị học người Nga Inozemtsev nghĩ rằng cơ hội thắng cử của Yanukovych trong kỳ bầu cử sắp tới rất mỏng manh. “Trong năm 2015 khó mà có cơ hội thắng cử tổng thống cho ai một lần nữa sẵn sàng đánh đổi Châu Âu để lấy khí đốt giá rẻ của Nga.”

Dịch từ bản tiếng Anh của Christopher Sultan (dịch từ tiếng Đức).

Nguồn: Christian Neef and Matthias Schepp, Maintaining Russian Power – How Putin Outfoxed the West, Der Spiegel, 16/12/2013.

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

1 Phản hồi cho “Duy trì quyền lực của nước Nga: Putin đã qua mặt phương Tây ra sao [kết]”

  1. Miennam says:

    Putin cũng như De Gaulle đầu thập niên 60 quậy dữ lắm, lý do bị các cường quốc, nhất là Mỹ coi thường
    Một quốc gia muốn được quốc tế nể sợ phải có thực lực như nước Pháp so về dân số chỉ là một nước nhỏ, về kinh tế quân sự chỉ là một cường quốc hạng nhì dù quậy cũng chẳng làm gì được ai
    Nay nườc Nga cũng chỉ là một cường quốc hạng nhì về nhiều phương diện, về kinh tế đứng hàng thứ 8, tổng sản lượng thua cả Đại Hàn, về dân số tụt hạng thứ 8, thứ 9 sau cả Nam Dương.. Putin thấy Nga bị thế giới nhất là Mỹ coi thường thì cũng ráng quậy nhưng cũng chẳng ép phê gì cả

Leave a Reply to Miennam