WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chiến tranh và người Mỹ trên quê hương tôi

Thường, ăn cơm trưa xong, nghỉ ngơi một tiếng, tôi mới đến nhà chủ lấy đậu phộng rang đem vào trại. Công việc nhẹ nhàng này cũng cho tôi có được vài chục đồng tiền lời mỗi ngày để tiêu xài lặt vặt. Mới đó, đã đi bán được một tháng. Một buổi chiều, thấy thùng đậu chỉ còn lại vài gói, tôi ngồi nghỉ trên một công sự gần dãy nhà cố vấn Mỹ. Một ông cố vấn Mỹ, trông còn trẻ, từ trong dãy nhà bước ra, đi tới, đi lui ở hàng hiên. Không biết ông định làm cái gì. Chắc là vận động cho giãn gân, giãn cốt. Bỗng ông nhìn về phía tôi, rồi đến gần. Ông nở nụ cười rất tươi, nói :

-  Hello! How are you ?

Tôi cũng biết bập bõm vài câu tiếng Anh thông thường, hiểu câu này là câu chào, hỏi thăm, nên cũng cười tươi, trả lời :

- Yes ! I am very good. And you ?

- Very good too !

Rồi ông chỉ vào thùng đậu phộng :

- How much ?

Vốn đã có thiện cảm với người lính Mỹ, tôi muốn nhân dịp này thể hiện cảm tình của tôi nên vội lấy ra hai gói đậu đưa ông, rồi quơ quơ tay, nói :

-  I like you. I don’t take money

Nét ngạc nhiên hiện lên trên khuôn mặt ông. Ông nói một câu hơi dài, tôi tỏ vẻ không hiểu. Ông mới ngoắc tay : – Come with me.

Tôi đi theo ông vào nhà cố vấn. Ông gọi một anh lính Việt đến, nói với ảnh điều gì đó.

Ảnh quay sang tôi, tự giới thiệu :

-  Anh là Tô, thông dịch viên. Còn ổng là Bonny, trung úy cố vấn trưởng ở đây. Ổng nói em đi bán mà sao lại không muốn lấy tiền của ổng ?.

Tôi ấp úng, ơ ơ một hồi mới nói :

-  Dạ, tại vì em thấy rất quý trọng những người lính Mỹ. Họ từ nước Mỹ xa xôi lại đến nước mình, giúp mình đánh Việt cộng. Em ghét Việt cộng lắm.

Anh Tô nói lại với ông Bonny, ông gật gật đầu. Qua anh Tô thông ngôn, ông nói chuyện với tôi :

-  Em tốt lắm. Em tên gì ? Mấy tuổi ?

-  Dạ, em tên Quý, 15 tuổi.

-  Em đang ở với ai trong trại ?

- Dạ, em ở với anh chị. Anh rể em là anh Vọng, đại đội phó đại đội 350

-  Còn ba má em đâu ?

-  Dạ, ba má em đã mất lúc em còn nhỏ.

-  Em có đi học không ?

-  Dạ, em học hết lớp đệ thất thì nghỉ. Bây giờ ở đây muốn đi học cũng khó. Từ Bến Sỏi đến thị xã Tây Ninh mấy chục cây số. Xa quá.

Trung úy Bonny trầm ngâm một lúc rồi nói với anh Tô một câu hơi dài. Anh Tô mỉm cười thông ngôn lại :

-  Ổng nói hoàn cảnh của em thật tội nghiệp. Ổng thấy thương. Em 15 tuổi gì mà có chút xíu, như là mười tuổi. Nhìn dễ thương lắm. Từ ngày mai, em đừng đi bán đậu phộng nữa. Cực khổ. Em đến ở tại nhà cố vấn này luôn. Coi như ổng nuôi em. Anh Tô vỗ vai tôi, nói tiếp : -  Sướng rồi đó. Em cảm ơn ổng đi.

Tôi đứng dậy, nói lí nhí :

-  Thank you very much. Rồi tôi lấy ra hết mấy gói đậu trong thùng đưa cho anh Tô : – Còn mấy gói, em biếu anh. Ngày mai, em sẽ đến.

Ông Bonny bắt tay tôi :

-  See you tomorrow.

Tôi cúi đầu chào ông, cảm ơn anh Tô rồi về hầm kể cho chị Mùi nghe. Chị vui vẻ nói :

-  Ờ, vào sống trong nhà cố vấn thì sướng cho mày rồi. Nhưng nhớ đừng có làm cái gì bậy mà người ta coi thường người Việt Nam mình.

Nhà cố vấn Mỹ có năm gian. Gian thứ nhất ăn thông với hầm làm việc và ngủ, nghỉ của ban cố vấn. Gian thứ hai rất rộng, gồm nhà bếp, phòng giải trí, cũng là nơi ngủ của anh Tô, anh Kim và tôi. Gian giữa hẹp hơn, dùng làm phòng khách, có cửa ra vào phiá trước, phía sau. Gian thứ tư và gian thứ năm là nơi làm việc, ngủ, nghỉ của đội Công binh, Truyền tin Mỹ tăng cường. Họ phụ trách đài quan sát cao mấy chục mét dựng ở giữa sân trại. Phía sau dãy nhà có các hầm trú ẩn cho mọi người mỗi khi có pháo kích. Hai tuần lễ đầu ở đây, ngoài trung úy Bonny và anh Tô, tôi còn quen thân với trung sĩ John, cố vấn phó, anh Kim, thông dịch viên, chị Dung, nấu ăn, anh Lai, giặt quần áo, và vài anh lính Mỹ khác trong đội tăng cường như Henry, Andy, Jim, Danny, Peter… Anh Lai và chị Dung là thường dân ở thị xã, sáng đến làm, chiều về nhà. Chị Dung nấu các món ăn Mỹ rất ngon. Nhưng  tôi chỉ ăn vào buổi chiều ở nhà cố vấn. Buổi trưa, tôi vẫn đi lấy cơm ở nhà bếp trại lính về nhà ăn với anh chị Mùi và cháu Quang cho vui với gia đình.

Lúc còn ở ngoài trại, nhiều khi thèm uống một ly đá chanh, hay ngay cả một ly nước đá lạnh cho đã họng dưới cái nóng như thiêu đốt của vùng Bến Sỏi khô cằn, tôi cũng không có tiền để mua mà uống. Từ ngày tự do ra, vào nhà cố vấn, tôi tha hồ uống cô ca lạnh và ăn cam, táo, nho, bánh ngọt. Không có việc gì làm, tôi thường lân la nói chuyện với các anh lính Mỹ. Hết nói chuyện với anh này thì gặp anh  khác. Nhiều câu nói không được thì quơ tay làm dấu loạn xà ngầu. Rồi các anh cũng hiểu. Tôi học hỏi thêm được nhiều câu tiếng Anh đàm thoại qua các anh. Các anh thường lấy hình ảnh người thân, cha, mẹ, vợ, con bên Mỹ cho tôi xem và nói nhớ họ lắm. Tôi hiểu được tình cảm của các anh; nỗi nhớ nhà da diết của người lính Mỹ phải xa gia đình để đi chiến đấu ở một đất nước xa lạ. Cũng buồn lắm. Nhiều khi các anh hát cho tôi nghe, hoặc rủ tôi leo lên đài quan sát chơi. Đứng trên đài cao, có thể nhìn thấy cảnh vật ở xa mấy cây số.

Trung úy Bonny, 30 tuổi, da trắng, dáng người cao lớn, khuôn mặt bầu bầu, tính tình nghiêm nghị, ít nói chuyện với mọi người. Trung sĩ John, 35 tuổi, ngược lại, rất cởi mở, vui vẻ, nói nhiều. Tướng ông cũng cao lớn, khuôn mặt tròn, nước da trắng hồng, hai cánh tay hay khuỳnh ra khi đi, đứng. Ông thích các món ăn Việt. Mỗi cuối tuần, ông và anh Kim chở tôi đi Tây Ninh, đến bộ chỉ huy Lực lượng đặc biệt B16 lấy phim, tài liệu linh tinh, rồi ghé vào thị xã ăn phở. Thỉnh thoảng, ông dẫn tôi vào chợ mua bún, rau sống, tôm, thịt heo ba chỉ, nước mắm đem về cho chị Dung nấu, rồi bày ra giữa gian nhà giải trí, mời mọi người cùng ăn. Xem cách ông John lấy rau, cuốn bún, tôm, thịt, chấm nước mắm ớt ăn ngon lành, không khác gì một người Việt chính gốc, tôi thấy vui lắm. Ăn xong là ông chiếu phim cho cả nhà cố vấn xem.

Ông John có tánh thương người, đặc biệt với trẻ em. Ông hay ra chơi ở xóm dân, cho bánh, kẹo và vui đùa rất vô tư với các em bé. Khi biết có nhà dân nào bị đạn pháo kích của Việt cộng, ông ra thăm, biếu một ít tiền. Có lần, tôi đưa ông đến thăm nhà chị Mùi. Ông rất thích cháu Quang, thường mua quà cho cháu. Ông còn tận tình giúp đỡ một gia đình nghèo ở gần nhà chị tôi có đứa con gái chín tuổi bị cụt chân quá đầu gối. Ông mua cho bé một chiếc xe lăn và nhiều đồ chơi. Mỗi tuần, ông ra thăm bé một lần, đẩy xe cho bé đi chơi vòng vòng trong xóm..Tôi xem ông như một vị Thánh sống. Tình thương của ông là tình thương nhân loại vô bờ bến.

Tôi ở nhà cố vấn được một tháng thì trong một bửa ăn chiều, trung úy Bonny nhờ anh Tô thông ngôn lại với tôi, là ông có người anh bác sĩ ở bên Mỹ muốn tìm con nuôi ở Việt Nam. Ông đã giới thiệu về hoàn cảnh tôi với người anh, anh ổng đồng ý nhận tôi làm con nuôi. Ông hỏi tôi có chịu đi Mỹ làm con nuôi anh ổng không. Tôi chịu ngay. Ông bảo tôi mai về nhà đưa chị Mùi đến gặp ông nói chuyện.

Ngay trong tối đó, tôi đến hầm công sự tìm chị Mùi. Chị đang ngồi ngoài sân với mấy bà bạn. Vừa nghe tôi thuật lại chuyện sẽ làm con nuôi người Mỹ, mấy bà bạn của chị Mùi dèm pha :

-  Trời ! Qua ở một nước xa lắc, xa lơ, làm sao chị em được gặp nhau.

-  Biết làm con nuôi người Mỹ có sướng không. Hổng chừng bị người ta cho làm ở đợ thì khổ.

-  Qua đó, hổng biết tiếng Anh, tiếng u gì, làm sao sống.

-  Rồi biết bao giờ chị mới gặp lại nó. Chị  đừng cho nó đi.

Tôi tức mình :

-  Anh Tô, thông dịch viên, ảnh nói ông đó là bác sĩ, giàu lắm. Nước Mỹ giàu mạnh, văn minh nhất thế giới. Luật pháp ở nước họ quy định con nuôi cũng như con ruột, được nuôi dưỡng, cho học hành đến khi thành tài. Chị đừng nghe mấy bả xúi.

Chị Mùi trầm ngâm một hồi thì quyết định :

-  Tao không đồng ý. Cha mẹ không còn. Thằng Thiện đã mất. Thằng Hỷ làm con nuôi cho người ta ở Phan Rang, ngay trong nước mình mà bao năm rồi chưa có dịp gặp lại. Anh Phùng mày thì đang đời lính nay đây, mai đó tận vùng bốn. Tao chỉ còn mày gần gũi. Làm sao mà… Chị Mùi ngập ngừng giây lát rồi dứt khoát : -  Tao không chịu. Tao không muốn chị em xa cách nhau.

Tôi cố thuyết phục :

-  Chị. Em muốn đi. Nghe anh Tô nói đời sống ở Mỹ vui lắm, sướng lắm. Mà em qua đó được làm con của bác sĩ thì càng sướng hơn nữa. Cho em đi đi chị. Em sẽ viết thư cho chị thường chứ có phải mất biệt luôn đâu. Có dịp thì em sẽ về thăm chị.

Chị Mùi nín thinh. Tôi khẩn khoản :

-  Chị… Chị… Cho em đi đi chị…

Thấy tôi cứ đứng năn nỉ hoài, chị Mùi trả lời nước đôi :

-  Thì để tối nay tao suy nghĩ đã. Rồi ngày mai tao cũng đến gặp ông Bonny, nghe ổng nói gì.

Trưa hôm sau, tôi và anh Kim đưa chị Mùi xuống hầm làm việc của ông Bonny. Sau khi ông Bonny nói một tràng tiếng Anh, anh Kim thông ngôn lại với chị Mùi :

-  Ổng nói anh của ổng ở bên Mỹ là bác sĩ, đã 45 tuổi, nhà rất giàu mà không có con. Tính tình anh của ổng rất hiền, thương người. Ổng thấy em Quý của chị cũng hiền hậu, dễ thương, nên muốn xin phép chị cho em Quý làm con nuôi của anh ổng. Nếu chị đồng ý thì ký vào giấy thỏa thuận. Rồi tuần sau ổng sẽ cho em Quý về Sài Gòn học Anh văn sáu tháng. Mọi chi phí ăn, ở của em Quý ở Sài Gòn sẽ được ổng lo hết. Sau đó ổng làm thủ tục cho em Quý qua Mỹ.

Tôi nhìn chị Mùi. Cả cái tương lai xán lạn của tôi chỉ chờ một chữ ký của chị là sẽ có được. Nhưng, chị Mùi cứ ngồi im lặng. Im lặng. Rồi hai dòng lệ tuôn dài trên khuôn mặt xinh đẹp đượm nét u buồn của chị. Chị khóc ! Ông Bonny thấy vậy thở dài. Tôi thất vọng !. Tất cả lại im lặng. Một lúc sau, ông Bonny đứng lên nói, anh Kim thông ngôn lại :

-  Thôi. Chị không chịu thì đành vậy ! Ổng nói, không đi Mỹ thì cứ ở đây. Nhưng em Quý nên đi học lại. Để nó cứ chơi long nhong hoài, hư người.

Pages: 1 2 3 4

Phản hồi