WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chiến tranh và người Mỹ trên quê hương tôi

Vậy là tôi đi học lại. Tôi xin học lớp đệ lục ( lớp bảy ) ở trường trung học Hàn Thuyên, thị xã Tây Ninh. Vào học trễ một tháng, nhưng tôi vẫn học giỏi, theo kịp bạn bè. Ông Bonny cho tôi tiền mua sách vở và tiền tiêu vặt mỗi tuần. Mỗi sáng, tôi được tài xế cố vấn chở đi học bằng xe Jeep. Xế chiều, tôi quá giang xe nhà binh GMC về lại trại. Mỗi cuối tuần, tôi đi chơi với ông John, hoặc với các anh lính Mỹ trong đội tăng cường. Có lần, ông John chở tôi đi chơi ở Sài Gòn và Biên Hoà, thưởng thức nhiều món ăn Việt, ngày hôm sau mới về lại trại. Có khi, Peter và Henry chở tôi đi chơi căn cứ Mỹ, Trảng Sụp. Vào PS, Perter mua cho tôi cái radio. Henry mua cho tôi mấy cái áo thun. Hôm khác, Danny chở tôi đi, mua cho tôi cái máy chụp hình. Những món quà này thật quý giá, đong đầy tình thương mến của các anh dành cho tôi; cũng là tấm lòng tử tế của người lính viễn chinh đối với người dân nghèo ở một nước đang điêu linh, thống khổ vì bom, đạn, khói lửa chiến tranh.

Những cơn mưa pháo vào trại vẫn tiếp diễn hàng đêm. Anh Tô, anh Kim và tôi chẳng bao giờ chạy vào hầm trú ẩn. Anh Kim nói : “Mặc kệ. Cho chúng pháo. Chết, sống có số”. Vài lần trong đêm, giữa những tiếng nổ của đạn pháo, tôi nghe xen lẫn có những tiếng hét đau đớn của ai đó ở vòng đai công sự phòng thủ. Tôi biết có vài anh nơi vọng gác bị trúng đạn pháo kích. Nhờ nằm ngủ kế bên anh Tô, anh Kim, nghe các anh nói chuyện, tôi biết thêm nhiều về nước Mỹ, người Mỹ. Nhiều lúc hai anh tranh luận với nhau các vấn đề thời sự mà với tuổi tôi bấy giờ, đã có trí khôn đủ để hiểu được những điều các anh nói. Giọng của anh Tô :

-  Tôi thấy thời của Tổng thống Ngô đình Diệm, đất nước còn thanh bình lắm. Vì có người Mỹ đưa quân vào miền Nam, chiến tranh mới lan tràn.

Anh Kim không đồng ý :

-  Thanh bình là trước 1960 kìa. Từ năm 1960, tụi Việt cộng thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, chúng hoạt động mạnh, đánh phá nhiều nơi. Rồi tụi cộng sản Bắc Việt xâm nhập miền Nam, người Mỹ mới trực tiếp tham chiến.

-  Tôi nghĩ, nước Mỹ cứ viện trợ khí giới, đạn dược, tiền bạc và cố vấn quân sự cho ông Diệm là đủ rồi. Ông Diệm và ông Nhu thừa sức lãnh đạo miền Nam chống cộng sản. Ông Diệm đã từng tuyên bố : “Nếu để người Mỹ đưa quân vào, chúng ta sẽ mất đi thế chính nghĩa. Bắc Việt sẽ có cớ xâm lăng miền Nam” Quả nhiên, từ khi quân đội Mỹ ném bom Hà Nội sau sự kiên vịnh Bắc bộ, 1964, rồi trực tiếp đưa quân tham chiến, chiến tranh mới khốc liệt như bây giờ. Người Mỹ giết anh em ông Diệm uổng quá. Ông Diệm và ông Nhu đều là người yêu nước.

Tôi xen vào, hỏi :

-  Ủa, sao lại người Mỹ giết ? Em nghe nói đám tướng lãnh người Việt mình giết ông Diệm mà.

Anh Tô trả lời :

-  Đám tướng đó do người Mỹ mua chuộc làm đảo chánh, thì chuyện giết ông Diệm cũng do người Mỹ xúi giục thôi.

-   Em thấy người Mỹ hiền hòa, tốt tánh lắm. Chắc không phải đâu anh.

-   Lớn lên, em sẽ hiểu.

Tiếng anh Kim :

-  Chuyện người Mỹ nếu có lệnh cho đám tướng đảo chánh giết anh em ông Diệm cũng phải thôi. Vì chế độ ông Diệm độc tài, gia đình trị, lại cứng đầu với Mỹ lắm. Trong khi người Mỹ bỏ tiền, bỏ của ra, họ muốn người lãnh đạo miền Nam phải nghe theo lời họ. Cuộc chiến chống cộng sản không phải chỉ với cái đám du kích Việt cộng lẻ tẻ ở miền Nam, mà là với cả một khối cộng sản quốc tế, do quân chính quy Bắc Việt làm công cụ. Dù không có quân Mỹ trực tiếp tham chiến, tụi cộng sản Bắc Việt cũng sẽ xâm lăng miền Nam theo lệnh Nga, Tàu. Nuốt xong miền Nam Việt Nam, chúng sẽ nuốt luôn các nước khác ở Đông Nam Á theo ý đồ nhuộm đỏ toàn cầu. Sau hiệp định Genève, 1954, cộng sản Bắc Việt đã gài cán bộ nằm vùng ở khắp miền Nam, chính là để chuẩn bị một cuộc chiến xâm lăng của chúng vào miền Nam trong vài năm sau. Điều đó, bây giờ đã thấy rõ rồi. Người Mỹ là đàn anh lãnh đạo khối tự do, vì lý tưởng bảo vệ cho chính nghĩa tự do và vì  lòng nhân đạo, họ bắt buộc phải hành động quyết liệt để ngăn chận làn sóng “đỏ”. Nếu không có quân Mỹ và nhiều nước đồng minh khác đến giúp Việt Nam Cộng Hòa mình, giờ này Việt cộng chắc đã chiếm xong miền Nam rồi.

Anh Tô vẫn chưa chịu thua :

-  Tôi vẫn thấy thương ông Diệm, ông Nhu. Nghe hai ông bị đánh đập rồi bị bắn vào đầu rất dã man, chết thảm trong chiếc xe tăng, tội nghiệp quá. Tôi vẫn cứ nghĩ người Mỹ đừng đưa quân vào mà chỉ nên tăng cường viện trợ tiền bạc, xe tăng, tàu bay, khí giới, đạn dược, thêm cố vấn quân sự là đủ rồi. Như vậy tốt hơn. Quân dân miền Nam mình chiến đấu rất anh dũng, thừa sức đánh bại tụi cộng sản Bắc Việt. Chính phủ Mỹ đưa nửa triệu quân vào nước mình, một phần giúp mình chống cộng sản, một phần cũng là business. Họ vừa thỏa mãn quyền lợi tư bản Mỹ, vừa giải quyết nạn thất nghiệp, giúp công ăn, việc làm cho dân xứ họ

Chẳng biết anh Kim có nghe anh Tô vừa nói không, chỉ nghe tiếng ngáy khò khò của anh. Tôi hỏi anh Tô :

-   Thỏa mãn quyền lợi tư bản Mỹ là thế nào hở anh ?

-  Là tiêu thụ cho tư bản Mỹ số súng, đạn tồn đọng có từ thời đệ nhị thế chiến, đem trang bị cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa mình. Đồng thời, với chiến tranh và nửa triệu quân viễn chinh, tư bản Mỹ có dịp sản xuất nhiều vũ khí tối tân khác, nào là xe tăng, phi cơ, tàu chiến, súng cá nhân, bom, đạn, rồi còn quân trang, quân dụng, thuốc men, luơng thực và nhiều thứ khác nữa… để cung ứng cho nhu cầu của quân lính tác chiến trên chiến trường. Nhờ vậy, tư bản Mỹ hưởng lợi rất nhiều, và người dân có thêm nhiều việc làm trong sản xuất vũ khí và hàng hóa quốc phòng.

Tôi lại thắc mắc :

-  Nhưng chiến tranh là sự tốn kém tiền của và tốn hao xương máu. Ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ tăng cao lắm. Sự thu lợi vào có hơn được sự chi ra không ?

-  Anh không làm được bài toán đó. Nhưng anh nghĩ có lợi nhiều hơn, về lâu, về dài cho tư bản Mỹ là không sai chút nào. Tuy vậy, lời anh Kim nói cũng có phân nửa đúng. Nước Mỹ văn minh, dân chủ nhất thế giới, nên họ có cái lý tưởng vương đạo, cảm thấy có trách nhiệm phải đứng ra gánh vác việc bảo vệ thế giới tự do đối đầu với thế lực cộng sản quốc tế độc tài, chuyên chế. Như thời đệ nhị thế chiến, nhờ có Mỹ lãnh đạo phe đồng minh đánh bại Đức quốc xã, mới giải phóng được nước Pháp và vài nước Âu châu khác thoát khỏi sự cai trị khát máu của Adolf Hitler.

-  Em cũng nghĩ vậy. Em thấy thương người lính Mỹ lắm. Họ đã vì quê hương mình mà chiến đấu. Tất cả những người lính Mỹ mà em biết, đều tốt tánh, tử tế quá..

-  Ừa, anh cũng thấy thương họ. Thôi, ngủ đi.

Đại đội 350 của anh Vọng thỉnh thoảng đi hành quân cả tuần mới về. Những lần như vậy, chị Mùi lo lắng, trông đứng, trông ngồi. Có lần đơn vị anh Vọng chạm địch, có mấy quân nhân bị tử trận. Nhìn các vợ con họ khóc lóc thảm thiết, tôi cũng mủi lòng, chảy nước mắt. Đầu năm 1970, Việt cộng lại cả gan kéo về xóm dân, gần trại, ngay giữa ban ngày. Thám báo cho biết cũng cỡ hai đại đội địch. Xế chiều, đại đội 350 và 351 được lệnh xuất kích, dàn trận ở cánh đồng hoang ở phía Đông của trại. Đại úy Hải, trưởng trại, đứng trên nóc hầm trực tiếp chỉ huy ra ngoài. Tôi cũng bắt chước đứng trên một nóc hầm khác nhìn ra cánh đồng hoang, chẳng nghĩ gì đến chuyện tên bay, đạn lạc. Tôi nhận ra được anh Vọng đang dẫn đầu hàng quân chạy lom khom tiến lên phía trước. Cả hàng quân cùng tiến lên khoảng chục mét thì nằm xuống. Rồi lại chạy lom khom tiến lên, và nằm xuống. Những tiếng nổ ầm ầm liên tục vang dội cả một vùng trời. Đạn bay chéo chéo từ phía địch quân núp ở các bụi cây phía xóm dân bắn ra hàng loạt. Tiếng đạn tạch tạch của đại liên, trung liên và súng cá nhân từ đội quân Biệt kích cũng bắn đi không ngớt. Trung úy Bonny và trung sĩ John cùng ra đứng trên nóc hầm với đại úy Hải. Quan sát trận chiến một hồi, nói chuyện với đại úy Hải điều gì đó, hai ông vào lại nhà cố vấn. Khoảng tiếng rưởi đồng hồ sau, một trực thăng bay đến phun khói màu cuồn cuộn dọc theo cánh đồng hoang. Ngay sau đó, nhiều trực thăng bay đến thả quân bộ binh tăng viện sau làn khói mù. Tôi nghĩ là ông Bonny đã kêu viện binh. Trận chiến ác liệt kéo dài đến chiều thì địch quân tháo chạy, bỏ lại nhiều xác chết. Quân ta bắt sống hai tên Việt cộng, tịch thu được một số súng Ak47 và súng pháo B40, B41, triển lãm ở phòng sinh hoạt trại. Lần đầu tiên trong đời tôi mới được chứng kiến một chiến trường thực sự diễn ra trước mắt. Nhìn thấy được sự chiến đấu dũng cảm của người lính Biệt kích Mỹ nói riêng, và của tất cả quân nhân Việt Nam Cộng Hoà trong công cuộc chống lại sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt. Và cũng nhìn thấy được sự làm việc hữu hiệu của các cố vấn Mỹ trong hiệp đồng tác chiến với quân đội ta. Nghe anh Kim, anh Tô kể lại, nhiều địa phương thuộc vùng một, vùng hai ở miền Trung còn diễn ra nhiều trận chiến kinh hồn gấp ngàn lần.

Những địa danh như Đắc Tô, Khe Sanh đã vang lừng trong chiến sử. Ở Khe Sanh, lực lượng lính Mỹ tử thủ đã liên tục nhiều ngày đêm phải đương đầu với đạn pháo và chiến thuật tấn công biển người của quân chính quy Bắc Việt. Người ta ví cường độ ác liệt của trận chiến Khe Sanh như trận chiến Điện Biên Phủ. Có điều, ở Điện Biên Phủ, Việt cộng thắng quân Pháp, còn ở Khe Sanh, Việt cộng thất bại nặng nề trước sự chiến đấu dũng mãnh của những người lính Mỹ kiêu hùng.

Tháng 3 / 1970, một chuyện bất ngờ khiến tôi buồn rũ rượi suốt một ngày. Đại đội 350 của anh Vọng theo lệnh của Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, phải chuyển đi Nam Vang để trợ giúp chính phủ Lonnol ở Campuchia; sau khi Lonnol lật đổ chế độ quân chủ của ông hoàng Sihanouk. Chị Mùi phải theo chồng. Ngày lên đường, chị Mùi vừa bế cháu Quang, vừa khóc nức nở. Chị nói :

-  Chị đâu có ngờ phải xa em để theo chồng qua một nước khác thế này. Nếu biết vầy, chị đã cho em đi làm con nuôi ông bác sĩ Mỹ. Chị đã hại em rồi !.

Tôi an ủi chị :

-  Chị đừng buồn nữa. Em hiểu vì chị thương em mà. Qua bên đó, xem tình hình thế nào rồi chị viết thư về cho em theo địa chỉ dì Mười ở Sài Gòn, nhen chị…Tôi hôn lên má cháu Quang rồi nói tiếp : – Ở Campuchia bây giờ cũng chiến tranh với Khmer Đỏ. Em lo cho anh chị và cháu Quang lắm. Anh chị giữ gìn sức khỏe.

Anh Vọng ôm chặc tôi :

-  Mong là chiến tranh sớm kết thúc, anh em mình có ngày gặp lại.

Chị Mùi lên xe rồi vẫn cứ nhìn tôi bằng đôi mắt u sầu, đẫm lệ. Từng chiếc xe từ từ chạy lên phà, qua sông. Những bàn tay vẫy vẫy những bàn tay. Nhìn đoàn xe chở quân dần xa khuất bên kia sông, tôi mới bật khóc.

Buổi chia ly nào không nước mắt

Mây mù giăng kín mảnh hồn tôi

Tiễn anh, tiễn chị, lòng đau thắt

Mơ ngày gặp lại ấm êm đời…

Về nhà cố vấn, tôi báo cho ông Bonny và ông John là tôi sẽ về Sài Gòn. Hai ông khuyên tôi ở lại, học cho hết niên học rồi hãy về. Tôi nói để suy nghĩ thêm. Qua hôm sau, tôi đồng ý ở lại. Ông John cười ha hả, ôm chầm lấy tôi rồi bế tôi lên, cứ như bế một đứa con nít ba, bốn tuổi. Tôi xúc động, cũng cười ha hả với ông.

Pages: 1 2 3 4

Phản hồi