Xáo Và Hội Nghị Việt Kiều
Trăm voi không được bát nước xáo.
Thành ngữ VN
- Cái cò, cái vạc, cái nông,
Trong ba cái ấy vặt lông cái nào?
Vặt lông cái vạc cho tao,
Tao xáo, tao xào, tao lại nấu măng
…
- Con cò mày đi ăn đêm.
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi nao.
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Cò và vạc, rõ ràng, đã có thời hiện diện trong mâm cơm (cũng như trên bàn nhậu) của người dân Việt. Thời đó đã qua. Có mới, nới cũ, thiên hạ bỉu môi:
- Cò với vạc thịt tanh!
Thế là hai em (đành) phải biến. Vịt thế vào chỗ trống. Ngoài đồng ruộng, ao hồ bay nhẩy (ra sao) không mấy ai được rõ chứ vào đến bếp thì vạc với cò lép vế, và thua cơ – thấy rõ. Tanh thì không chắc nhưng cứ nhìn mớ lông cũng đủ thấy oải rồi. Làm thịt mệt bỏ mẹ mà chả bõ bèn gì.
Vịt thì chỉ cần cắt cổ là có ngay một đĩa tiết to. Vặt lông xong, nước vừa sôi, bỏ vào nồi, giã xong chén nước mắm gừng là kể như rồi, chặt ngay ra đưọc một đĩa thịt đầy tú hụ.
Cổ cánh, xương xẩu xáo măng bùi béo và đậm đà hơn một chú vạc (gầy nhom) hay em cò (khẳng khiu) là cái chắc. Xáo vịt, tuy thế, chỉ được ưa chuộng ở những chỗ âm thịnh dương suy – chốn mà các bà mẹ (rượt) gọi là “mái ấm gia đình” – nơi mà đàn ông không có tiếng nói, hoặc nói rất ít và (thường khi) rất khẽ, như ở Paris hay California chả hạn.
Chớ đ. mẹ, giữa Sài Gòn, vào một buổi chiều vàng – khỏi có vợ con hay đào địch gì hết trơn hết trọi, mệt – chung quanh đầy nhóc bạn bè đang chửi thề um xùm, và nói cười và rôm rả [sau khi đã nếm vài miếng thịt luộc chấm với muối tiêu, ngắt nhẹ mấy lá mơ để thử món dồi, gặm chơi năm ba cái chả chìa, ăn lưng chén rựa mận, và uống (sương sương) vài ba xị] thì say chớ bộ điên sao mà nhúng đũa vô tô xáo vịt, đúng không? Phải xáo chó cơ, chúng ông mới chịu.
Xáo chó ở Sài Gòn đã tuyệt mà ở Hà Nội (nghe nói) còn “trên cả tuyệt vời” nữa cơ:
“Hà Nội có một nhân vật đã đi vào lịch sử của… thịt chó: Me sừ Lâm Mặt Đỏ – ở phố Châu Long. Sở dĩ ông có cái hỗn danh ấy vì ông là chủ một quán thịt chó. Khách tới ăn, ai cũng qúi mến ông và người nào cũng mời ông cụng ly. Thành thử mặt ông lúc nào cũng đỏ gay như mặt trời.”
“Các món ăn của quán ông đều được giới đả cẩu tung hô vạn tuế: nhất là món dồi chó và xáo chân chó. Vâng, chân chó được ninh nhừ tới mức những cái gân của nó mềm ra chẩy nhựa, đến nỗi sau khi nó đã trôi qua cổ họng mà dư vị vẫn còn đọng lại trên đầu lưỡi” ( Phan Nghị, “Thử Tản Mạn Về nghệ Thuật Ắn Thịt Chó,” Ngày Nay, 15 Jun 2003: B3).
Xáo chó, tuy thế, chỉ có tính cách gia công và phổ biến hạn chế trong hàng quán. Hà Nội được cả thế giới biết nhắc đến vì một đặc sản khác, nổi tiếng và độc đáo hơn nhiều: xáo voi!
Đây là một sản phẩm thuần túy quốc doanh, được sản xuất và phổ biến liên tục (từ hơn nửa thế kỷ qua) dưới nhiều hình thức – khẩu hiệu, bích chuơng, chiến dịch, phong trào, chỉ thị, nghị quyết, nghị định, diễn văn, xã luận, bình luận, tuyên ngôn, tuyên cáo, tuyên bố … – và bằng mọi phương tiện truyền thông của Đảng và Nhà Nước.
Nhân dịp Hội Nghị Người Việt Nam Ở Nước Ngoài – được tổ chức lần đầu, tại Hà Nội, vào cuối tháng 11 năm 2009 – tưởng cũng nên mời qúi vị đại biểu về tham dự nếm thử một chén xáo voi (từ Nghị Quyết 36) cho nó biết mùi ăn chơi, giữa lòng cách mạng:
“Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. Xây dựng và hoàn chỉnh sách giáo khoa tiếng Việt cho kiều bào, cải tiến các chương trình dạy tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng Internet. Cử giáo viên dạy tiếng Việt tới những nơi có thể để giúp bà con học tiếng Việt…”
Quả là một tấc đến Giời! Vậy chứ chuyện “cử giáo viên dạy tiếng Việt tới những nơi có thể… ” vẫn khiến cho nhiều “đồng bào hải ngoại” cứ rẫy nẩy lên như đỉa phải vôi. Họ hình dung ra những chiếc 747 khổng lồ, chở đầy nhóc giáo viên, từ Việt Nam đi rải tứ tán khắp năm Châu (chắc) để nhuộm đỏ địa cầu!
Tưởng vậy nhưng không phải vậy. N.Q. 36 ký ngày 26 tháng 4 năm 2004, hơn năm năm sau, theo tài liệu chính thức của FOVC (Fund for Overseas Vietnamese Community) đọc được trên Tạp Chí Quê Hương Online thì tính cho đến nay ngân qũi nhà nước mới “chi hỗ trợ 10 triệu đồng để mua vé máy bay một chiều Hà Nội-Bucaret (Rumani) cho một cô giáo Việt Nam sang Rumani” để dậy tiếng Việt thôi hà. Chúng chỉ nói cho đã miệng thôi, chớ có làm (mẹ) gì đâu mà qúi vị cứ phải cuống lên như thế.
Còn muốn biết cái gọi là “chương trình dạy tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng Internet” (hư thực) ra sao, xin xem nỗi “trăn trở của một cô gái dậy tiếng Việt trên đất Nga” – trên Đại Đoàn Kết Online, số ra ngày 24 tháng 3 năm 2009:
“Giáo viên dạy không lương, giáo cụ trực quan được lấy từ các khỏan hỗ trợ, hoặc tiền túi của chính những ‘tình nguyện viên.’ Chiếc tivi và đầu đĩa được mua để chiếu cho các em học sinh xem những hình ảnh về Việt Nam là một ví dụ điển hình. Nó được mua về để phục vụ các buổi học từ tiền quyên góp của mọi người….
Hai nhân vật chính của những lớp dạy tiếng Việt ở Trường Phổ thông 282 là chị Phạm Thị Minh Thúy và anh Lê Văn Huyến, đều là những nghiên cứu sinh tại Nga. Sau khi hoàn thành công việc nghiên cứu ở Nga, hẳn họ sẽ trở về Việt Nam. Và khi ấy, những lớp tiếng Việt sẽ ra sao, nếu không có những tình nguyện viên thay thế họ?”
Pages: 1 2