Meet Vietnam ’09: Cám Ơn Quê Hương – bao giờ hết chủ nghĩa?
Năm nay một lần nữa, Tổng Lãnh sự Vịệt Nam ở San Francisco đại diện nhà nước Việt Nam tổ chức hai ngày, Chủ Nhật và thứ Hai 14-15 tháng 11, lễ hội “Meet Vietnam 2009″ chào đón quan khách ở San Francisco. Không như những năm buồn tẻ vào cuối thập niên 90 khi các quan chức, nhân viên và con cháu trong bộ ngoại giao phải chung nhau góp phần nấu nướng, mua bánh trái mời các du sinh và kiều bào chung vui vào những ngày lễ lạc, năm nay phản ảnh đà tiến hóa, thăng hoa kinh tế thị trường, nhà nước Việt-Nam đã bắt đầu thả dàn ăn chơi theo phong cách của tư bản Mỹ.
Khác những năm mới mở cửa bang giao với Hoa Kỳ (đó là chưa nói đến tập quán của bộ ngoại giao ở Đông Âu hay Âu châu vào thời xã hội chủ nghĩa thắt lưng buộc bụng mà tác giả được kể lại), khách mời năm nay của lãnh sự quán Việt-Nam – ngoài các doanh nhân hay các đại xí, thương nghiệp làm ăn đầu tư lớn ở Việt Nam – không chỉ gồm những người quen biết, thân thiện mà còn thuộc nhiều thành phần khác nhau – từ hữu sang tả. Đương nhiên chủ đích của những buổi lễ lộc, tất niên, tân niên phần đông nhắm vào chuyện kêu gọi phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Mục đích của kỳ lễ hội đình đám này không chỉ thuần túy nhằm phổ biến và phô trương cái hay đẹp của Việt Nam qua các chương trình văn nghệ, thời trang, triển lãm tranh ảnh. Có nghĩa là chào mời quan khách ngoại quốc, kể cả Việt kiều, hãy về Việt Nam đầu tư. Năm nay có sự hiện diện của ông phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, tổng lãnh sự Lê Quốc Hùng, và cả ông đại sứ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Lê Công Phụng từ Hoa Thịnh Đốn sang San Francisco khai mạc bữa dạ tiệc linh đình trong thị sảnh của sảnh đường tòa Thị chính San Francisco tối thứ Hai.
Các bạn đọc giả cố chấp xin chớ vội phê bình tác giả nhà tôi sao lại đi bợ đỡ (bợ đỡ hay bợ đ.. gì, xin đừng xuyên tạc) nhà nước Cộng sản đấy nhé. Oải quá! Hễ đụng vào Việt Nam thì lại Cộng sản với quốc gia, cờ vàng và cờ đỏ! Làm như các ông nào cầm cờ vàng thì trong sạch, chính nghĩa lắm làm vậy! Chiều tối thứ Hai tôi cũng hơi chột dạ khi đeo máy ảnh bước lên các bậc cấp, tiến vào cửa chính Toà Thị Chính San Francisco, trong khi hai bên, khoảng hai trăm các ông, các bà cầm cờ vàng dàn chào, la ó! Chột dạ nhưng không hổ thẹn với lương tâm vì chuyện làm của mình.
Tôi cũng rất ao ước Việt-Nam có một chính quyền sáng sủa đại diện cho dân để còn nở mày nở mặt với bạn bè nước sở tại cũng như thế giới để khi các quan chức, lãnh đạo Việt Nam ra ngoại quốc phát huy, mời gọi điều gì đó cho nước nhà mà khỏi bị cộng đồng hải ngoại biểu tình. Nhưng kẹt một nỗi bây giờ nước nhà hiện đang có các ông Cộng sản cai trị thì làm sao bây giờ? Bảo tôi theo các ông, các bác HO xuống đường, cầm cờ chống đối? Nếu làm như vậy có hiệu quả khả quan thì tôi sẽ làm ngay.
Theo tôi mỗi người làm theo cương vị và khả năng của mình. Nếu tuyệt đại đa số mọi người đều đồng lòng nhất trí xuống đường một loạt và như thế áp lực được nhà nước Việt Nam nhượng bộ, trả tự do cho các chiến sĩ dân chủ thì cũng đáng làm. Ngặt nỗi, đây là thời đại mở cửa kinh tế thị trường, ít ai, ngay cả những người không ưa gì chế độ, cũng đã mệt mỏi chán chê với chuyện biểu tình, reo hò la hét rồi nên không hưởng ứng chuyện biểu tình. Đó là chưa xét lại chuyện võ đoán, chụp mũ, cực đoan của các thành phần tự gán cho mình lá cờ chính nghĩa. Thôi tôi xin hai chữ báo chí minh định lập trường của mình. Đã lỡ mang kiếp nghiệp dư viết lách có nên làm chuyện khác thường, vào trong dạ tiệc tìm hiểu sự tình, có phải hay hơn không? Thay vì đứng ngoài trời lạnh lẽo, có bao người trong đám biểu tình trong lòng cũng thấp thỏm, ao ước được vào bên trong nghe ngóng tình hình? Chắc chắn nhiều người trong đám họ đã không từ nan chuyện về chơi Việt Nam, tuy rằng đảng Cộng sản vẫn cai trị đất nước. Không hiểu trong nhóm biểu tình có ma nào phân biệt được chuyện chống đối nhà nước với chuyện (không) chống đối người đến dự?
Chẳng nhẽ chế độ Cộng sản nắm quyền thì các ông lại bảo họ để cho ai khác đại diện khi ra nước ngoài thay cho bộ mặt mo của họ được sáng sủa hơn chắc! Ngày trước khi bà Tôn Nữ Thị Ninh làm đại diện và phát ngôn viên chính thức cho Việt Nam thì các ông, các bác chống Cộng quạt bà ta không còn manh giáp – mà theo người viết thì bà ít ra là người xôm tụ, có ăn học, lưu loát hai ba sinh ngữ ngoại quốc, Anh, Pháp, Ý còn hơn để cho ông Nguyễn tấn Dũng đường đường là một nhà lãnh tụ quốc gia hay kể cả ông bí thư hay chủ tịch nhà nước – ra nước ngoài mà chẳng ông nào nói được một câu tiếng Anh cho ra hồn.
Cách đây ba năm ông Dũng đi dự một buổi họp thượng đỉnh World Economic Forum (WEF) ở Davos, Thụy sĩ, một thành phố từ nghĩa đen đến nghĩa bóng cao nhất Âu châu. Một trung tâm trượt tuyết ăn chơi bậc nhất ở Âu châu, được đăng cai gần mười năm nay làm đại hội thường niên cho thế giới, quy tụ các tài tử giai nhân, chính khách, tài phiệt, tai to mặt lớn. Thế mà ông trong một buổi họp về đường lối quốc tế của các nước Á châu, ông Dũng là lãnh tụ duy nhất trong các nước ASEAN không nói được tiếng Anh phải có người thông ngôn!
Hai ngày đại hội Meet Vietnam – trừ những buổi họp giữa các doanh nhân và quan chức tôi không dự – hai ngày chủ nhật lúc 6 giờ chiều: văn nghệ ở Intercontinental Hotel, đường Howard, và ngày thứ Hai lúc sáu giờ rưỡi chiều dạ tiệc ngay trong City Hall của San Francisco tôi đều tham dự (được một người bạn chuyển lại cho hai cái vé vì anh ta không đi được). Đáng lý ra các ông nhà nước cũng nên chính thức mời tôi, vì đây là một cách quảng cáo hiệu nghiệm, rất tốt và khả quan cho chế độ, cho thấy rằng Việt Nam tôn trọng tự do báo chí thông tin (ít ra ở nước ngoài), cho một người viết báo không phải phe mình đến dự chương trình của họ, do đó sẽ lấy tiếng thơm cho mình.
Tuy rằng đối với họ tôi là một người lỡ dại ăn ngay nói thẳng nhiều lúc làm phật lòng (không phải chiến sĩ bộ đội) nhà nước, nhưng ngược lại các ông sẽ được tiếng là người cởi mở, tiến bộ không chấp nhất. Vì không có tên trong danh sách mời nên khi vào trong bị soát vé cũng rất mệt. Ngày chủ nhật khi vào ghi tên, tuy phải trình bằng lái, người ta đã cho tôi vào dễ dàng. Ngày thứ Hai, hình như tên tôi đã được báo động lên trên, nên họ không cho tôi vào. Tôi được mời ra khỏi hàng ngũ quan khách, sang đứng một bên một cách khẩn trương, tình cờ gặp lại một anh luật sư quen cũng lâm vào trường hợp tương tự.
Thay vì ra về thì mất công, mất hết thể thống của một nhà báo, tôi bèn gọi phone cho anh chủ nhiệm một tờ báo mà tôi hay viết cho. May quá khi anh ra gặp tôi, mang cho một bảng Press, thì có ông tổng lãnh sự cũng đến giả lả mấy câu, đại loại: “Thôi thì cũng là anh em bạn với nhau, anh ấy làm báo với anh thì bảo hộ cho nhau…” Tôi vào trong, lúc này quan khách cũng đã ngồi ở các bàn tròn được xếp chung quanh sảnh đường dưới chân cầu thang lên dẫn lên các văn phòng của toà thị chính, đã có khoảng hai trăm người, ở phòng sảnh kế bên, tranh ảnh và sách vở lưu niệm về Việt Nam cũng được trưng bày trang trọng. Các công ty du lịch mà có được một ít số ảnh này thì cũng rất thích đáng, quảng cáo cổ động được chuyện về Việt Nam.
Buổi dạ tiệc diễn ra tốt đẹp, có bà Barbara Kaufman, phụ tá của ông thống đốc Arnold Schwarzenegger, cũng như đại diện cho thị trưởng thành phố San Francisco Gavin Newsom – cũng như sự hiện diện ông cựu thị trưởng Frank Jordan, thị trưởng đầu tiên mở ra chương trình Sister Cities giữa thành phố Hồ chí Minh và San Francisco năm 1996 – lên đọc những lời chúc tụng chào đón ngài phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và đại sứ Lê Công Phụng của Việt Nam và kế hoạch Meet Viet-Nam. Chương trình được tăng thêm phần mát mẻ với các màn trình diễn thời trang truyền thống và ca nhạc. Hôm thứ Hai là dạ tiệc nên phần ẩm thực là chính. Nghe nói năm nay một ghế/một người mời như vậy tốn nhà nước khoảng trên dưới $1.000 Mỹ kim (nhân lên cho tổng số quan khách khoảng 300 người). Có lẽ vì vậy mà họ không muốn có một thành phần chống đối nào khả dĩ làm hư hỏng chương trình. Cũng nghe rằng hôm thứ Bảy khi có những buổi họp, có hai người vào được là Lý Tống và Brian Công Đoàn vào CIty Hall San Francisco biểu tình.
Nhưng theo tôi, chuyện hấp dẫn không phải là những buổi họp nói chuyện hay bàn về điều lệ đầu tư, vì trước nhất đây thường là những ngày giờ trùng với thời gian dạy học hay làm việc của mình, hai là tôi không có nhiều tiền đầu tư để có tên trong danh sách làm doanh nhân mà được mời, cho nên chương trình văn nghệ đối với mình vẫn là hấp dẫn nhất, nhất là những màn vũ vừa dân tộc vừa pha với các thể chất đương đại mà tôi được chứng kiến hôm Chủ Nhật. Ngay cả ông đại sứ Việt-Nam Michael Michalak (ngồi hàng ghế đầu gần ông tương Vĩnh Trọng) hôm đó cũng khen bằng tiếng Việt: “Đẹp quá! Đẹp quá!” khi các cô Hà Nội ra vũ những màn vũ dân tộc khêu gợi.
Cả hai hôm chương trình văn nghệ thật đặc sắc và phong phú, nói đúng hơn, chương trình văn nghệ hôm chủ nhật là ăn đứt cả. Nhất là main entrée – món ăn chính hôm thứ Hai là Filet Mignon, quan khách đã phải chờ khá lâu. Khi mang ra, thịt steak đáng lý mềm mại thơm ngon thì đã bị đút lò quá lâu nên đã dai hơn thịt trâu! (Overcooked, totally! một người Mỹ ngồi cùng bàn phải thốt lên) Hôm Chủ nhật có cả sự hiện diện và trình diễn của cô Trần Thu Hà, không được ghi trong chương trình. Đáng ghi nhớ là MC (cô điều động chương trình) chỉ lên sân khấu 3 lần, không dài dòng văn tự như các chương trình văn nghệ hải ngoại, rất mất thì giờ.
Có tiếng đàn bầu điêu luyện ai oán của cô Ánh Hồng, tiếng sáo tre lã lướt của cô Thanh Hương, đàn tranh ray rứt của Khánh Chung, đàn phách T’rưng (thượng du) nhip nhàng ẻo lả của cô Hồng Ánh và các đoàn vũ công mê ly, gợi cảm của Huyền Sâm, Huỳnh Ngọc Anh, Phương Anh. Đáng lưu ý là cách thức chơi xen kẻ tài tình và hài hoà Việt-Mỹ của ban nhạc truyền thống Cỏ Lạ, chẳng hạn như họ chơi một bài cổ truyền Việt-Nam Quê tôi, sau đó chơi một bài bài Mỹ gốc Nam Mỹ, như El Condor Pasa (I’d Rather Be a Hammer than a Nail) hay bài Speak Softly Love (trong phim God Father I). Tôi cũng được cơ may mua đươc một CD đầu tay của nhóm này khi ra về hôm thứ Hai ở San Francisco City Hall, do chính tay cô Hồng Ánh, lại được tặng một bức tranh tiểu công nghệ: Chùa Một Cột của một nghệ nhân Lê văn Tiếp nào ở Hà Nội, hẳn anh ta phải có một xưởng công nghệ mới có thể sản xuất được một số lượng cao như thế.
Nói tóm lại, ngoài những trục trặc không đáng có, hai buổi lễ tiệc đã mang lại những giây phút giải trí êm ái và ngoạn mục cho tác giả. Đây cũng là một dịp tốt để gặp những bạn bè cũ mới, nhất là các cô diễn viên Bắc kỳ trẻ và xinh đẹp.
© Đàn Chim Việt Online
Pages: 1 2